Home 2018 / page 5

LỢI DỤNG ĐẠO MẪU TÀN PHÁ CÁC DI TÍCH?

Dịp nghỉ lễ 30/4, chúng tôi (những thành viên của Book Hunter) không đi du lịch phương xa mà lang thang trên những con phố Hà Nội – nơi tưởng chừng như rất quen thuộc nhưng vẫn đầy bất ngờ với những ai muốn tìm hiểu về quá khứ của nó.

Chúng tôi xuất phát từ Joma Cafe trên phố Lý Quốc Sư rồi đi một loạt các ngôi đền và nhà cổ ở phía Đông Bắc của phố cổ Hà Nội, kéo dài từ Hàng Trống, Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Buồm. Rồi đến buổi chiều lại qua khu Tây Bắc của phố cổ, quanh các phố Hòe Nhai, Hàng Than, Quán Thánh, Phan Huy Ích rồi nghỉ chân và buôn chuyện ở hồ Tây.

Những ngôi đền cổ ẩn mình sau các khu hàng quán ngồn ngộn, cố chống chọi với cơn bão thời gian có thể làm thay đổi mọi thứ. Có những ngôi đền và nhà cổ vẫn còn giữ được vẻ đẹp vốn có (dù đã trải qua các cuộc phục dựng), nhưng có những ngôi đền đã bị biến đổi mà có lẽ những người dân thường đến lễ tại đó cũng chẳng hề hay biết.

Phố cổ Hà Nội là một khu buôn bán, dân tứ xứ từ xưa đã thường xuyên qua lại, định cư và sinh sống. Mỗi lớp dân ấy lại mang theo một vị thần bảo trợ cho họ tới khu phố cổ này.

Chủ yếu, khu phố cổ là nơi sinh sống của những người Hoa kiều có gốc từ Phúc Kiến, Quảng Đông; và những phường nghề của người Việt di dân từ nhiều tỉnh quanh đồng bằng Bắc bộ. Bởi vậy, các đền thờ là dấu vết còn lưu lại của lớp dân cư đã sống tại khu vực này trước đây, hoặc có khi họ vẫn còn vài người rớt lại nhưng phải chịu một cảnh sống khó khăn và bực bội vì họ đã mất đi vị thế làm chủ ở khu này.

Thế nhưng, nhiều ngôi đền đã bị thay đổi cơ cấu thần và xóa đi các dấu vết lịch sử của nó để thay vào là các ban thờ mẫu lòe loẹt.

Ở phố Nguyễn Văn Siêu có đền Cổ Lương. Tấm bia trong đền ghi rõ: “Thôn Cổ Lương tiếp giáp mé sông Nhị Hà, dân cư là người làng Khúc Thủy, đền thờ hai vị chính thần là Phổ Tế và Nam Hải. Công lao sự nghiệp của thần trong tự điển có ghi chép rõ ràng. Nhưng ngôi đền lúc mới xây dựng thì lợp cỏ gianh đơn sơ. Hơn trăm năm dân cư ca mừng tụ họp ở đây mà đền thần vẫn còn như cũ… Khi đó vị lý trưởng họ Đào tên là Đằng mới tiếp nối ý cha để đứng ra hưng công xây lại đình mới, lợp ngói.”

Nhưng nếu ai vào đền Cổ Lương ngày nay sẽ chỉ thấy một màu u ám với ban thờ Mẫu Liễu Hạnh chễm chệ trong ngôi đền bê tông. Hai vị chính thần Phổ Tế và Nam Hải thì chẳng ai nhớ tới công lao nữa bởi vì công lao của họ, tôi cũng không tìm được thông tin về họ. Nhưng tấm bia ghi chép về hai vị thần này là do tiến sĩ Vũ Nhị (hiệu Đông Hầu, đốc học Hà Nội) soạn thảo, chữ Hán do Nguyễn Mặc Khanh viết dưới thời Tự Đức, vì vậy, có thể thấy hai vị này hẳn phải có công đức lớn thì mới có được sự trân trọng như vậy.

Khi sắp xếp lịch trình cuộc đi, tôi có đọc thông tin về đền Yên Thành ở phố Phan Huy Ích, ngay đoạn giao với Quán Thánh. Đây là ngôi đền thờ Lý Chiêu Hoàng, vị nữ vương cuối cùng của triều Lý. Khi đã nhường ngôi cho Trần Cảnh, bà lui về ở ẩn, có công giúp dân làng Yên Thành và một số vùng khác ở Gia Lâm an cư lạc nghiệp, bởi vậy nên được tôn thờ. Đến thời Lê, bà vẫn được truy phong.

Tại đền thờ, người dân có đặt pho tượng Lý Chiêu Hoàng ngồi trên long ngai với chế tác tinh xảo cùng với 8 bức tượng các vị vua thời Lý. Điều này được ghi chép lại trong tạp chí Thế giới Di Sản.

Thế nhưng thực tế, khi chúng tôi đến ngôi đền này thì không còn thấy dấu vết gì của Lý Chiêu Hoàng và 8 vị vua nhà Lý mà thay vào đó là ban thờ mẫu hoành tráng sơn son thiếp vàng lòe loẹt và đám đồng cốt đang nhảy đồng tưng tưng. Chen chân vào đám đồng cốt đó để tìm pho tượng Lý Chiêu Hoàng hay tượng các vua Lý đều không có, mà chỉ có tượng các ông hoàng bà chúa trong hệ thống thờ tứ phủ.

Trước đó không lâu, khi đến thăm đền Cẩu Nhi đã được sửa sang lại ở hòn đảo nhỏ trên hồ Trúc Bạch, tôi cũng chỉ thấy có ban thờ mẫu Thoải và Tứ phủ, không còn ghi chép lại sự tích.

Trong khi đó, ghi chép của Dương Bá Cung trong “Tây Hồ chí” còn kể rõ: “Thần Cẩu Nhi là con Cẩu Mẫu, triều Lý miếu thờ ở bãi Châu Chữ (bến Châu) phía Tây Bắc hồ, thời Hậu Lê gọi là chùa Trúc Bạch. Trên có Miếu Chó thần Cổ Nhi dựng từ triều Lý. Nay hãy còn” và Núi Khán: “Hai ngọn liền nhau, ở phía Nam hồ, góc Tây nội thành. Trên có miếu Cẩu Mẫu (mẹ chó thần) của triều Lý.

Trước khi nhà Lý dời đô ra Thăng Long, ở chùa Thiện Tâm trên núi Ba Tiêu – châu Bắc Giang có một con chó trắng mang thai vượt sông trên núi Khán sinh một con. Người người lấy làm lạ.

Đến năm Canh Tuất có việc dời đô, Cẩu Mẫu và Cẩu Nhi đều hoá. Vua nghe chuyện, bảo đó là Phúc Thần, bèn cho dựng miếu thờ Cẩu Mẫu, Cẩu Nhi ở dưới hồ thuộc địa phận làng Trúc Yên”.

Trong cuốn “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX” của Nguyễn Văn Uẩn viết: “Lên đến gần đường đê Yên Phụ, ta thấy còn mấy di tích lịch sử nữa: Ở bên phải, trên một gò nhỏ giữa hồ Trúc Bạch có đền Cẩu Nhi, đền này có từ thời Lý Thái Tổ (thế kỷ XI), khởi thủy ở cạnh núi Nùng trong Hoàng Thành, khi xây lại thành sau này mới chuyển bài vị thờ thần ra đây. Về sau, những người đến lễ bái chỉ biết là đền thờ “Thủy Trung Tiên” (bà tiên dưới nước).”

Nực cười là, từ cái tên “Thủy trung tiên”, các tín đồ đạo Mẫu đã đặt vào ban thờ vị Mẫu Thoải, mẫu cai quản nước, để lấp liếm một cách hợp lý cho tình trạng tàn phá di tích này dưới danh nghĩa phục dựng và cải tạo.

Đó là còn chưa kể một cuộc xâm chiếm trong hầu hết các đền, chùa, đình của đạo Mẫu. Chỗ nào cũng thấy đặt một ban thờ đạo Mẫu. Rồi chỗ nào cũng có thể thành chỗ nhảy đồng ầm ĩ hô thần gọi quỷ (mà thần thì ít, quỷ là chính).

Và còn rất nhiều địa điểm khác, không chỉ ở Hà Nội mà còn ở khắp cả nước.

Tình trạng xâm lấn này của đạo Mẫu trên thực tế chẳng khác nào các tập đoàn tham lam muốn phá hoại các di tích cũ để chiếm đất, chiếm khả năng thu hút đám đông.

Có phải thông qua con đường cải tạo và phục dựng, người ta lợi dụng hệ thống đạo Mẫu để ngang nhiên chiếm đất ở nhiều địa điểm tâm linh?.

Cứ đà này, nếu không có sự kiểm soát, Việt Nam sẽ hoàn toàn ở dưới sự chỉ huy độc tôn của “Mẫu giáo”. Thứ “Mẫu giáo” này sẵn sàng gạt bỏ hết lịch sử và các lớp văn hóa trước đó để tiếp tục tận thu tiền của dân chúng mê muội vào tay đồng cốt.

Thực trạng tàn phá di tích này đến nay vẫn chưa được quan tâm bởi vì nó đi ngầm rất lâu. Hơn nữa, đụng chạm đến mấy thế lực tâm linh ở vùng đất vẫn còn nhiều mê tín dị đoan này, đa phần đều e ngại.

Tôi mong rằng, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa; các nhà báo; hoặc các độc giả quan tâm đến vấn đề bảo vệ di sản sẽ đưa ra ý kiến về việc này. Bởi vì, tự do tôn giáo và tín ngưỡng không đồng nghĩa với việc cho phép tôn giáo và tín ngưỡng ấy tàn phá văn hóa.

Hà Thủy Nguyên

Home 2018 / page 5

Yêu nước là yêu gì?

Tình yêu nước bao giờ cũng là một khái niệm khó định nghĩa. Tại sao? Bởi “nước” và “yêu” cũng là một khái niệm khó định nghĩa. Yêu nước là yêu ai? Yêu những con người cùng nòi giống, cùng tiếng nói với mình? Yêu những người cùng mình sinh sống trên một mảnh đất nào đó? Hay là yêu một quốc gia mà từ nhỏ ta đã được dạy là phải yêu, phải hi sinh cho nó – yêu một thứ mà ta không được lựa chọn như một thứ định mệnh lớn áp đặt lên chính ta?

Năm cấp 2, giống như bao nhiêu học sinh khác, tôi phải làm một bài văn nghị luận về tình yêu nước. Bài văn nghị luận ấy đã mang cho tôi một điểm 10 môn Văn từ cô giáo khó tính nhất trường. Lúc ấy, tôi đã đinh ninh rằng tôi thật sự rất yêu nước, yêu đến mức có thể hiến dâng mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước – nơi mình đang sinh sống. Trong bài văn nghị luận thuở trẻ con ấy, tôi đã viết rằng yêu nước là yêu mảnh đất nơi mình sinh sống, yêu tiếng nói, yêu con người, yêu lịch sử hào hùng và vẻ vang; trong tình yêu ấy có cả sự tự hào dòng máu Việt Nam. Những lập luận ấy không có gì mới mẻ, mà có phần tự huyễn. Càng lớn lên, tình yêu nước mờ nhạt dần bởi vì hóa ra tình yêu đó được hình thành không phải vì tôi tự hào về nòi giống của mình mà chỉ tự hào  về điểm 10 Văn ngày ấy. Cái cảm giác khi nói về một điều gì đó bất kể mình có thật lòng hay không, được người khác thừa nhận, mang lại một sự khoái cảm tinh thần nhiều đến mức tự thôi miên bản thân đồng nhất với điều đó.

Tình yêu nước mờ nhạt ấy cũng làm tôi nhớ đến nhiều mối tình trong quá khứ. Những anh chàng đã đi qua thời trẻ trung của tôi đều rất ngọt ngào và rất dễ dàng để thốt lên “Anh yêu em”. Và rồi tình yêu ấy cũng nhạt dần theo thời gian. Bất cứ tình yêu nào người ta dễ dàng phát biểu thì đều xen lẫn hoặc chút ít giả dối hoặc quá nhiều tự kỷ ám thị. Thời gian sẽ khiến những giả dối dần lộ diện và những ám thị hết hiệu lực, chúng ta sẽ dần tỉnh và nghĩ rằng tình yêu đích thực của mình là dành cho thứ khác. Cứ thế, cứ thế, ta rơi vào hết tình yêu này đến tình yêu khác: yêu người tình, yêu gia đình, yêu đất nước, yêu nhân loại, yêu trái đất, yêu vũ trụ… Sao mà người ta có thể dễ dàng nói ra lời yêu đến thế?! Có hàng ngàn, hàng vạn, vô cùng tận các cách thức để biểu hiện tình yêu, sao cứ phải phát thành lời chữ “yêu”? Chẳng phải vì một thói quen ngôn ngữ đã ăn mòn trong tâm trí ta đến mức ta không còn có thế biểu hiện theo một cách nào đó khác? Hay bởi vì ta chỉ là một cỗ máy lặp đi lặp lại những định dạng ngôn từ trừu tượng để tự thôi miên bản thân vào một kịch bản lâm li.

Tình yêu dành cho đất nước, cũng giống như mấy loại yêu khác, đòi hỏi nhiều điều hơn là sự phát biểu. Chúng ta không thể chọn được đất nước nơi mà ta sinh ra, và trong nhà trường hay trong xã hội, chúng ta được tuyên truyền về trách nhiệm của mình đối với đất nước như một thứ định mệnh mà ta bất khả cưỡng. Nhưng đất nước là gì? Tất cả dường như quá mờ ảo. Cái thứ tình yêu nước mờ ảo ấy giống như cô dâu thời phong kiến bước về nhà chồng mà còn chưa biết mặt chồng, cô ấy sẽ mã hóa sự cam chịu của mình bằng tình yêu chồng chứ khó có thể yêu anh ta thật lòng được. Khi không thể xác định được “đất nước” mình cần yêu là gì, người ta chỉ có thể tự thôi miên mình vào một thứ căn cước (Identity) để định danh bản thân, dùng lòng tự hào để tự trói buộc và hành xử theo lối “Ta về ta tắm ao ta/Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Bởi thế, tình yêu nước loại này mù quáng và tự đóng khung trong một mê cung chật hẹp của thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan mà mỗi khi chúng ta lạc trong đó, chúng ta sẽ không thể nào biến đất nước nơi ta đang sống thành một nơi tốt đẹp hơn được.

Tôi sẽ  không định nghĩa tình yêu nước là gì, tôi không muốn xây thêm bất cứ bức tường ngôn ngữ nào để giam bản thân tôi và  độc giả vào cái mê cung cũ kỹ ấy nữa. Tôi sẽ kể về một số cách người ta yêu nước, những cách không đơn thuần chỉ là phát biểu.

Hãy nhìn về lịch sử nước ta, triều đại Lý – Trần rực rỡ, một triều đại điển hình cho sự tự cường của quốc gia. Ông tổ của các vị vua Lý và vua Trần đều di cư từ Phúc Kiến (Trung Quốc) xuống miền Bắc Việt Nam; thế nhưng trong chính hai triều đại này, sự tự cường của quốc gia lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Hết lần này đến lần khác, triều đình Lý – Trần ngăn chặn thành công những đợt xâm lược từ phương Bắc. Tại sao? Bời vì họ không bị lệ thuộc vào căn tính sâu xa từ thời tổ tông của mình. Họ gắn bó với mảnh đất mà họ đang sinh sống, từng ngày họ nỗ lực để xây dựng và cải thiện sao cho mảnh đất này tốt đẹp hơn. Họ yêu  những thành quả mà họ đã tạo ra và cố hết sức để bảo vệ thành quả ấy. Họ là những người dám dũng cảm để khẳng định: “Nam quốc sơn hà nam đế cư” (Lý Thường Kiệt) bởi vì cái “Nam quốc” ấy có ghi dấu mồ hôi và xương máu của mỗi người trong số họ. Hoàng tộc Lý – Trần từ lâu đã vứt bỏ căn tính phương Bắc của mình để đại diện cho tinh thần Đại Việt, hợp tác với những người dân bản địa trên mảnh đất này, cùng đấu tranh và xây dựng. Tôi cho rằng, có nhiều người yêu đất nước này (dù là thuộc nòi giống khác hay nòi giống bản địa) bởi vì họ đã dày công để kiến tạo nên các giá trị tốt đẹp của đất nước. Hàng ngày, họ trăn trở vì những điều tệ hại vẫn còn đầy rẫy và không quản ngại mọi khó khăn, cản trở để chấm dứt sự tệ hại. Có thể đúc rút sự trăn trở ấy trong hai câu: “Tiên thiên hạ chi ưu chi ưu/ Hậu thiên hạ chi lạc chi lạc” (Nghĩa là “Lo trước cái lo của thiên hạ/ Vui sau cái vui của thiên hạ). Những người  này, họ ít phát ngôn lắm, họ chỉ phát ngôn khi phát ngôn của họ thực sự có thể thay đổi tình trạng hiện tại; còn lại, họ sẽ âm thầm làm việc chẳng bận lòng đến công danh.

Tôi có quen một cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam, hiện ông đang làm công việc gỡ bom mìn giải quyết hậu quả của cuộc chiến tranh Mỹ – Việt, ông cũng yêu Việt Nam lắm, yêu tới mức dành phần lớn thời gian ở nước ta và bất cứ người Việt nào cần giúp đỡ, ông đều không hề từ chối. Nhiều người cho rằng lòng tốt của ông với Việt Nam là do ông quá áy náy về tội lỗi của nước Mỹ nhưng chỉ khi trò chuyện và tiếp xúc, tôi mới thấy rằng tình yêu ấy không xuất phát từ mặc cảm. Ông chia sẻ rằng khi ở với người Việt Nam, ông thấy có sự kết nối về mặt tinh thần, gần gũi và thân tình. Mỗi khi ông ở Việt Nam, ông thấy như ở nhà. Tôi cho rằng cũng không ít người yêu nước vì cảm thấy sự kết nối với con người sống tại đó. Sự kết nối này rất khó để mô tả, chỉ có thể là cảm giác. Và cũng không thể khiên cưỡng, chỉ có thể xuất phát một cách tự nhiên do một nhịp đập vô thanh nào đó của trái tim. Trái tim có thể biến bất cứ một người thuộc bất kỳ nòi  giống hay quốc tịch nào đó khác trở thành người Việt Nam giống như những người bản địa.

Hai cách yêu mà tôi vừa kể trên, một lý trí – một tình cảm, nhưng không tình yêu nào mù mờ trong hư ảo. Họ đều cố gắng để hiểu rõ đối tượng mà mình muốn yêu và họ muốn yêu một cách hiệu quả, yêu sao cho đất nước trở nên tốt đẹp hơn. Họ không yêu chỉ để mà yêu, chỉ để phát biểu. Họ không yêu nước để được một sự thừa nhận rằng họ là “nhà yêu nước”. Họ không biến tình yêu nước thành một thứ giải tỏa cho những mặc cảm tinh thần cuộn trào dưới vỏ bọc của chủ nghĩa dân tộc. Thật nực cười khi ai đó cả một đời chẳng hề đau đáu đến sự dựng xây đất nước thành một nơi tốt đẹp hơn lại hô to rằng “tôi yêu nước” trong một cơn kích động! Chẳng gì nực cười hơn khi người ta có thể nhân danh tình yêu nước để tàn phá và giết người (Chẳng phải lịch sử của thế kỷ 20 ở nước ta đã chìm đắm trong cơn mê muội ấy hay sao?)! Tình yêu nước trong vô thức trở thành một thứ cân bằng tâm lý tự nhiên cho các hành vi trái với lương tri, nó xoa dịu các vết đau do tội lỗi và cho những người vô thức ấy một cái huy hiệu được gọi là “nhà yêu nước”.

Việt Nam ta vốn dĩ không phải một quốc gia thống nhất mà là một quốc gia đa sắc tộc và văn hóa. Những lý luận sai lầm trong nghiên cứu văn hóa và dân tộc học đã dẫn đến tình trạng cố gắng xóa bỏ sự đa nguyên ấy để hướng tới một khối đại đoàn kết dân tộc giả tạm, dần dần, trói buộc người dân vào thứ chủ nghĩa dân tộc lệch lạc chứ không phải tình yêu nước. Bởi thế, người dân mất đi  nhận thức rằng mọi sự lao động của mình đều đang để kiến tạo một quốc gia phồn thịnh và rồi họ không còn biết đâu là thành quả của mình nữa, lấy đâu động lực để giữ gìn và bảo vệ? Sự cực đoan của chủ nghĩa dân tộc che mờ con tim đến mức người với người chẳng thể kết nối hay cảm nhận thấy nhau, lấy gì để yêu nhau, để hỗ trợ nhau?

Vậy thì những người dường như có vẻ thờ ơ với đất nước thì sao? Họ không yêu nước ư? Hay họ tỉnh táo? Chỉ đơn giản vì họ không cảm thấy kết nối nào với những con người ngoài kia hoặc vì sự kiến tạo của họ đang hướng tới mục đích khác, và họ trung thực với điều ấy. Họ có đáng để lên án hay không nếu những hoạt động của họ không hề tổn hại đến đất nước nơi mà họ đang sống? Sự thờ ơ ấy có thể đến từ nhiều nguyên nhân. Tệ hại thì là do lòng tham ích kỷ và lòng tham bao giờ cũng tàn phá mọi thứ mà nó chạm đến. Khá hơn một chút là do nghĩ rằng sức của mình chẳng thay đổi được gì. Xa hơn thế là do  họ có mục đích khác để hướng tới mà mục đích ấy còn cao xa hơn các vấn đề đất nước và dân tộc, hơn những thứ tầm thường của cuộc sống. Thế thì, ai yêu nước cứ yêu nước, ai thờ ơ cứ thờ ơ. Yêu nước cũng được, thờ ơ cũng được chỉ cần đừng làm điều gì tệ hại trái với lương tri, miễn là lương tri còn ít nhiều tồn tại.

Hà Thủy Nguyên

Home 2018 / page 5

Nằm dài…

Mệt nhoài thân ta trên đá
Như dòng nước chảy mòn thời gian
Phơ phất bóng ai cười nói
Điều vô thanh
Hát vô âm
Nơi trái tim ta vô hình

Ta đã chết triệu lần theo dông sông tuôn và tuôn từ khởi nguồn về biển cả
Li ti giọt hồn ta vương trên lá
Long lanh long lanh như nước mắt mây trời
Ta ngân và ngân cho tri kỷ ngoài nhân thế
Điệu phiêu diêu
Hồn phiếu diễu
Chỉ một vọng hữu hình cũng sụp đổ cõi Hư Vô

Lời lẽ này sao vô nghĩa thế
Ta tự phô bày tuyệt bích rồi vỡ vụn nơi lời thô ý vụng
Khuôn vàng thước ngọc ôi vô dụng
Sao phác nên màu mông lung
Giữa cõi thực mắt phàm

Ta lại nằm dài trong căn phòng trống
Mượn bóng tối giả vờ cõi hư vô
Mượn lời thơ cho thỏa cơn thèm khát
Một cơn thèm tan biến giữa mênh mông

Hà Thủy Nguyên

Home 2018 / page 5

Long Điểu truyện – Chương 17: Bầy sói rừng Bạch Tùng

Rừng Bạch Tùng từ lâu rất lâu rồi được coi là thánh địa của bầy sói. Bầy sói hoang có một quy định truyền đời rằng con sói nào chiếm giữ được địa bàn rừng Bạch Tùng thì sẽ là thống lĩnh của bầy sói trên dãy Đại Sơn. Khi Chúc Thịnh Lai phất cờ khởi nghĩa đã dành nhiều công sức để tìm hiểu về địa thế của khu rừng này bằng cách theo dõi bầy sói. Đa phần đều cho rằng những con sói tụ với nhau thành nhiều bầy nhỏ có mối quan hệ về huyết thống, nhưng thực ra chúng có tính tổ chức cao hơn thế, đã có thể ý thức được về giống loài của mình. Chúng không giết và giành nhau mà đưa ra quy định chiếm cứ rừng Bạch Tùng. Hàng năm chúng đua tranh với nhau xem ai đến trước và ai mạnh nhất thì chính là vua sói. Vua sói sẽ ở khu rừng trung tâm, giao điểm biên giới với Dã Quốc và một phần Điểu tộc.

Chúc Thịnh Lai vốn thuộc dòng dõi có thể năng lượng sói, nên chàng đã biến thân mình thành dạng năng lượng và tham gia cuộc đua cùng bầy sói để giành lấy mảnh đất này. Chiến thắng bầy sói, Thịnh Lai biến sói trở thành một phần trong nghĩa quân của mình. Nhưng bầy sói không hoàn toàn chịu khuất phục. Có lần chúng đã xông vào doanh trại, bắt cóc người con trai duy nhất của phó tướng Vương Minh lúc ấy mới hai tuổi, tha vào rừng sâu. Trong lúc cả nghĩa quân đang nháo nhác đi tìm chú bé thì chú bé ấy đã cưỡi lên lưng con sói đầu đàn và thuần hoá được nó từ lúc nào. Đứa bé không kể cho người lớn biết cách nó thuần hoá bầy sói nhưng từ đó bầy sói chỉ nghe lời thằng bé. Mặc dù Thinh Lai là thủ lĩnh của nghĩa quân rừng Bạch Tùng nhưng thằng bé ấy mới là vua sói đích thực. Thằng bé ấy chính là Vương Lâm, chỉ huy của đàn sói đang xông pha trận mạc.

Hoàng Tế Thiên theo dõi Vương Lâm từ thuở nhỏ, nay cùng cậu bé chiến đấu, không khỏi bội phần khâm phục. Quân Điểu tộc có sự giúp sức của bầy sói mạnh mẽ hơn hẳn. Xác linh cẩu bị xé rách họng nằm la liệt trên chiến trường. Những tia sét thiêu rụi bầy mĩ nữ trần như nhộng không chút thương xót. Hoa Nương Nương tá hoả lướt người bỏ chạy khỏi chiến trường. Lúc này chỉ còn nữ tướng linh cẩu Sái Thương vẫn giương cung nhắm vào Điểu Tùng.

Từ trong làn sương mờ xa xa, một binh đoàn bằng sắt đang tiến gần đến chiến trường. Đây là binh đoàn bất tử của Dã Quốc. Những binh lính sau khi chết sẽ được Dã Vương thu thập linh hồn, đưa vào cỗ máy bằng chì để tá túc. Những linh hồn ấy lại được tiếp tục cuộc đời chiến binh của mình. Nhưng những linh hồn này không thể tự mình vận động cỗ máy mà cần có Dã Vương điều khiển trực tiếp. Sự tiến công của binh đoàn bất tử này đích thực đã chứng minh rằng Dã Vương đích thực dẫn quân.

Từ trên trời cao, Điểu Tùng không khỏi lo ngại về binh đoàn bất tử. Trước nay, thứ ngăn cản sự tiến công của binh đoàn bất tử chính là bức tường thành vững chắc. Biết được thế mạnh ấy, Dã Vương đã lập một âm mưu dài từng bước, từng bước bẫy chàng phải mở tường thành. Chàng ước lượng cho đến khi binh đoàn áp sát, tường thành chưa thể đóng lại như cũ. Như vậy chỉ có thể cố cầm cự, cùng lắm là ngăn chặn chúng vào thành. Khi tường thành đóng, tất cả những người mắc kẹt bên ngoài sẽ chết nhưng cũng đành vậy thôi.

Điểu Tùng bay đến gần phòng điều khiển, ra lệnh gấp rút:

– Thái Sơn, mau đóng cửa thành!

Thái Sơn ngập ngừng:

– Nhưng…

– Đó là quân lệnh! – Điểu Tùng gằn giọng từng tiếng rồi đập cánh bay đi.

Thái Sơn vẫn không quyết, Thần Cơ thấy vậy liền giục:

– Kìa em, bác đã ra lệnh rồi.

Điểu Âu sắc mặt có phần hốt hoảng:

– Không được, như vậy mọi người ngoài ấy biết phải làm sao?

Thần Cơ vẫn nghiêm giọng:

– Cha ta dậy rằng quân lệnh là quân lệnh. Khi một vị tướng ra lệnh đóng cửa thành thì họ đã chọn cách hi sinh một ít để cứu rất nhiều người.

Thiên Phụng bấy giờ mới nói:

– Cứ đóng cửa thành vào! Ở ngoài đó là ai chứ? Toàn là các chiến tướng hàng đầu. Chắc chắn sẽ còn có tiếp ứng, không phải lo đâu!

Thái Sơn hít một hơi dài rồi bấm một loạt các nút lệnh đóng cửa thành. Tiếng kim loại chạm nhau rin rít, xung quanh rúng động bởi sóng âm vang ra từ cái cửa đang khép lại dần từng khe hở.

Từ trên tường thành, bốn đứa trẻ đã nhìn thấy binh đoàn bất tử của Dã Vương tiến đến gần. Binh đoàn dẫm lên xác các mỹ nữ và các linh cẩu la liệt, không chút động tâm. Tiếng từng khối sắt bước đi chấn động cả bãi đất rộng. Những con sói của Vương Lâm nhanh chóng đánh hơi thấy nguy hiểm, liền lùi lại gầm gừ.

Hoàng Tế Thiên ngưng tay chém giết, đến gần Vương Lâm:

– Đó là binh đoàn bất tử của Dã Vương. Chúng bất bại. Mau rút quân!

Vương Lâm “Hừ” một tiếng:

– Cháu cũng bất bại!

Nói đoạn, cậu bé hú lên một tràng dài. Những con sói cũng hú lên. Vương Lâm thúc vào lưng con sói đầu đàn màu đen tuyền, hung dữ nhất, lao về phía binh đoàn bất tử.

Hoàng Tế Thiên lắc đầu chán nản, thầm nghĩ: ” Đứa bé này quá kiêu dũng, không biết trời cao đất dày là gì. Nhưng nó là con của Vương Minh, ta không thể bỏ mặc nó. Ta cũng không thể bỏ mặc binh sĩ của thành Trấn Tây.”

Hoàng Tế Thiên phất cờ lệnh ra hiệu lui binh. Binh lính Điểu tộc vừa chống đỡ lại đám linh cẩu, vừa rút về thành. Hoàng Tế Thiên vốn sở hữu thuật khinh công nhanh hơn hẳn mọi người. Chỉ trong phút chốc, chàng đã đâm xuyên kiếm vào cổ họng của hơn chục con linh cẩu. Đòn ra của Tế Thiên tuy không mạnh nhưng nhanh và trúng tử huyệt.

Quân lính đã rút dần vào thành. Cửa thành đã đóng được hơn một nửa. Những con linh cẩu gần như không thể tiếp cận được đến chân thành bởi đã bị bầy sói của Vương Lâm và Tế Thiên ngăn cản.

Hoa nương nương lúc này đã rút, bỏ lại Sái Thương một mình xoay sở giữa chiến trường. Mấy lần Sái Thương định tấn công Vương Lâm đều bị tia sét của Điểu Tùng giáng xuống cản trở. May mà thân thủ Sái Thương nhanh nhẹn có thể thoát khỏi tia sét trong gang tấc, nếu không chắc đã biến thành nữ tướng linh cẩu cháy khét rồi.

Những người lính cuối cùng đã rút vào thành, cửa vừa hay đóng chặt, đúng lúc binh đoàn bất tử tiến đến. Binh đoàn bất tử là cả vạn khối giáp bằng chì đang dàn quân thẳng tắp. Binh đoàn đông đến cả vạn tên.

Vương Lâm thét to uy dũng nhưng giọng vẫn trẻ con:

– Dã Vương, bò ra đây cho ta xem!

Điểu Tùng từ trên cao, phóng một luồng điện xuống binh đoàn bất tử. Binh đoàn không hề hấn gì, ngược lại chúng gầm lên. Từ miệng chúng toả ra luồng khí xám bạc. Vương Lâm chẳng nói chẳng rằng hú đàn sói xông lên. Xương thịt làm sao chống lại được giáp sắt. Đối với binh đoàn bất tử, đàn sói không biết phải tấn công vào đâu. Một số con sói bị dính phải khí xám bạc do lính bất tử khè ra, lăn ra đất quằn quại.

Tế Thiên phi thân thật nhanh, lướt đến gần Vương Lâm, lôi tuột cậu khỏi con sói đầu đàn rồi cắp cậu vào nách, chạy nhanh về phía những rặng núi sâu. Vương Lâm giãy lên:

– Thả cháu ra!

Tế Thiên trừng mắt:

– Không đánh lại được đâu! Khí đó là độc chì đấy, nhiễm vào sẽ chết.

Vương Lâm nhìn về phía những con sói đang quằn quại. Cậu bé nghiến răng chau mày rồi hú lên một tràng dồn dập. Đó là hiệu lệnh thu quân của cậu.

Những con sói mau chóng rút về hướng Vương Lâm đang chạy. Một toán lính bất tử đuổi theo bầy sói, Hoàng Tế Thiên và Vương Lâm. Những mũi tên chì cũng được bắn ra lao vun vút. Nhiều con sói không chạy kịp, bị trúng tên, chết tức khắc.

Một toán khác của binh đoàn cũng tách ra để truy đuổi Điểu Tùng. Chúng bắn những mũi tên chì lên thẳng trời cao. Điểu Tùng chao đảo tránh né. Lúc này đòn ra của chàng quả thực là vô hiệu.Phần còn lại của binh đoàn tiếp tục tiến đến gần tường thành, xếp một hàng dài và chờ đợi. Nhìn thấy binh đoàn bất tử đứng dàn hàng, Điểu Âu không khỏi thắc mắc:

– Chúng đứng đần ra đó để làm gì vậy?

Thái Sơn trầm tư:

– Để đợi bắt được một trong số những người ngoài kia làm con tin, ép ta mở cổng thành.

Thần Cơ tiếp lời:

– Bác Điểu Tùng thì chị không lo. Bác ấy bay vào trong thành là xong. Nhưng còn chú Tế Thiên và Vương Lâm thì e rằng…

Thiên Phụng đột nhiên trèo lên gần cửa sổ rồi nói:

– Để ta!

Thoắt cái cô bé nhảy xuống tường thành. Cô bé nhắm mắt lại để cảm nhận tốc độ rơi trong khi ba đứa bé vẫn còn chưa hết kinh ngạc.

Khi gần chạm mặt đất, bỗng chốc, Thiên Phụng hoá thành một con chim phượng hoàng vàng rực rỡ. Ánh vàng của chim phượng hoàng sáng loá như mặt trời. Thiên Phụng lượn mình giữa không trung, khè lửa vào toán lính đang bắn tên vào Điểu Tùng. Những tên lính bị dính lửa của Thiên Phụng đều nóng chảy, không thể tiếp tục tiến công. Thiên Phụng ra lệnh:

– Tướng quân mau cùng ta đi cứu người!

Thiên Phụng lập tức bay về phía Tế Thiên và Vương Lâm. Điểu Tùng bay theo cô bé. Lần đầu tiên chàng bị một đứa bé ra lệnh như vậy nhưng đành cắn răng chịu thôi, bởi vì đứa bé ấy đang có năng lực tiêu diệt đám lính bất tử.

Thiên Phụng tiếp tục khè lửa vào đám lính. Chúng nóng chảy dần từng tên một. Điểu Tùng sà cánh thấp xuống thét to:

– Mau trèo lên lưng ta! Nhanh!

Tế Thiên xách Vương Lâm phi thẳng lên lưng Điểu Tùng. Điểu Tùng đập cánh bay lên cao nhưng vì chở nặng nên không thể bay nhanh được. Thấy vậy, cả binh đoàn bất tử cùng lúc phóng tên về phía Điểu Tùng và Điểu Thiên Phụng. Thiên Phụng vọt lên cao hơn bắn lửa xuống.

Điểu Tùng chở nặng chao đảo tránh né. Một mũi tên xuyên trúng cánh bên trái của chàng. Chàng sa xuống rất nhanh, hất Tế Thiên và Vương Lâm ngã lông lốc. Điểu Tùng hiện nhân thân, nằm sõng xoài trên mặt đất. Mũi tên găm vào vai trái của chàng, máu đen rỉ ra.

Tế Thiên vội chạy lại đỡ Điểu Tùng dậy, cõng chàng trên lưng. Vương Lâm huýt con sói đầu đàn đến gần. Cậu bé thì thầm vào tai sói rồi quay ra nói với Tế Thiên:

– Chú mau đưa tướng quân chạy về phía doanh trại cũ. Nơi đó an toàn. Kết giới bảo vệ cháu đã xây dựng lại. Cháu sẽ chạy theo sau.

Thiên Phụng vẫn tiếp tục phóng lửa về phía binh đoàn bất tử. Cô bé làm tan chảy chúng không thể đếm được là bao tên, nhưng chúng vẫn còn đông lắm.

Hà Thủy Nguyên

Mời các bạn đọc các chương trước tại đây: https://hathuynguyen.com/tag/long-dieu-truyen/

Home 2018 / page 5

Long Điểu truyện- Chương 16: Nữ tướng linh cẩu

Sái Thương cưỡi trên một con linh cẩu to gấp đôi những con trong đàn. Ban đầu, nó tiên phong chạy trước bầy, sau đó dần chậm lại, không vội vã cũng không lững thững. Thỉnh thoảng nó lại rên lên một tiếng không rõ là cười hay khóc với âm lượng rền rền khắp chiến trận.

Sái Thương quắc mắt nhìn lên trời. Bầu trời xám xịt làm nổi bật lên cánh chim trắng lóng lánh bạc như ánh tuyết của Điểu Tùng. Điểu Tùng dưới dạng con đại bàng khổng lồ chao liệng trên những tầng mây đang cố sà xuống thấp đen kịt. Từ đôi cánh đại bàng, những tia điện phóng ra xoèn xoẹt. Sấm nổ đì đùng, át cả tiếng cười man rợ của bầy linh cẩu.

Những tia sét mỗi lúc một dài. Uỳnh! Một tia giáng xuống con linh cẩu chạy ngay gần Sái Thương. Nó bốc ngùn ngụt thành một đuốc lửa xanh quằn quại rồi đông lại thành một khối băng. Sái Thương nhếch mép cười nhạo:

– Uy lực đấy, nhưng không hiệu quả. Trấn Tây tướng quân tốt nhất cứ nên nấp sau tường thành là hơn.

Một tia sét khác ngay lập tức giáng xuống với cường độ manh hơn. Tia sét này nhằm thẳng vào đấu Sái Thương. Con linh cẩu do Sái Thương cưỡi chồm lên, hất nàng ta khỏi lưng, lĩnh trọn cú sấm sét của Điểu Tùng. Sái Thương bị lực hất mạnh nhưng vẫn kịp tung người nhảy lên lưng con linh cẩu khác. Hai chân giẫm trên lưng linh cẩu, nàng ta giương cánh cung hướng về phía Điểu Tùng lập tức phản đòn, bắn một mũi tên lên trời cao những mong nặng thì tiêu diệt tận gốc, nhẹ cũng khiến Điểu Tùng gãy cánh. Nhưng Điểu Tùng là ai chứ? Chàng là một trong bốn vị tướng trấn thủ biên giới của Điểu tộc với sức mạnh vô song. Chàng chao nhẹ đôi cánh rồi bay lên cao vút, xa hẳn so với tầm bay thông thường. Mũi tên xuyên thẳng vào tầng mây mất hút rồi cắm phập xuống đất.

Đàn linh cẩu lao đến gần chân tường thành gặp phải thuốc nổ ném từ trên tường xuống, chết như ngả rạ. Thuốc nổ này đều do Điểu Âu chế lúc ngày thường nghịch ngợm. Điểu Tùng thường mắng thằng bé là phá hoại nhưng trong thâm tâm chàng biết con trai mình có thiên tài chế thuốc nổ bẩm sinh. Tiếng nổ rền vang không kém tiếng sấm. Mùi thịt linh cẩu cháy khét lựng. Tiếng nổ khiến Sái Thương và đàn linh cẩu điên tiết. Chúng lùi bước lại nhưng gầm gừ.

Sái Thương lại nhanh tay giương cung, bắn mũi tên về phía phòng điều khiển trên tường thành. Mũi tên rít gió phát ra quầng khí hắc ám. Trên tường thành, Chúc Thần Cơ nhanh mắt, kéo Điểu Âu, Chúc Thái Sơn và Điểu Thiên Phụng núp xuống. Mũi tên của Sái Thương phá vỡ lớp bảo vệ phòng điều khiển rồi rỉ ra một chất độc có thể ăn mòn được lớp đồng.

Thần Cơ nói nhanh:

– Mau rời khỏi đây, chỗ này không an toàn nữa đâu.

Thái Sơn lắc đầu:

– Không được, em phải ở lại để khởi động máy…

Điểu Âu cứng giọng dù mắt vẫn liếc nhìn mũi tên của Sái Thương một cách e dè:

– Thần Cơ, chúng ta cùng lao xuống, chỉ là mấy con linh cẩu thôi mà!

Thần Cơ e dè:

– Liệu tôi có dẫm phải thuốc nổ của cậu không?

Điểu Âu trề môi:

– Nhát vậy, không sợ địch mà lại sợ đạp phải thuốc nổ của tôi. Lần trước chúng ta chẳng phải đã đánh bại bầy bướm đêm của Dã vương à… Lần này chỉ là lính của Dã vương thôi, sợ gì chứ.

Thiên Phụng nhăn mặt:

– Đừng nói nhảm nữa. Tốt nhất là ở yên trên này. Không phải lo đâu, Hoàng Tế Thiên dẫn quân ra nghinh chiến rồi.

Quân đội Điểu tộc duyệt binh theo hàng, đang tiến nhanh về phía bầy linh cẩu. Hoàng Tế Thiên dẫn đầu, phất cờ hiệu lệnh. Cả đội quân chĩa mũi giáo nhọn hoắt về phía trước. Bầy linh cẩu hung hãn xông vào đội quân. Chúng chồm người lên không rồi lao xuống, nhằm trúng cổ của những người lính mà đánh. Có người bị linh cẩu cắn trúng cổ, cũng có người xuyên lủng bụng lủng đầu kẻ địch. Máu phọt ra thành từng tia bắn lên tung toé. Thế nhưng, đội hình do Tế Thiên chỉ huy không hề suy chuyển mà linh cẩu cũng vẫn bất chấp xông lên.

Điểu Tùng và Sái Thương giao tranh ác liệt. Những tia sét giáng xuống đều bị Sái Thương chống đỡ còn Sái Thương cũng không sao đánh trúng được Điểu Tùng. Cứ thế, trận chiến đã trôi qua ba ngày liên tiếp.

Cho đến ngày thứ tư, quân lính thành Trấn Tây đã thấm mệt mà linh cẩu cũng đuối sức vì đói lả. Giữa lúc ấy, bỗng bốn bề vang lên tiếng hát vưa lẩn khuất vừa mê hoặc. Một mùi thơm nồng ùa theo cơn gió lướt đến. Đám mây đen trên trời tản ra.Tiếng đàn, tiếng lục lạc cũng chen vào giữa tiếng kêu man rợ của bầy linh cẩu.

Sái Thương lầm bầm:

– Ả điếm…

Tế Thiên cùng lúc cũng hét lên ra lệnh:

– Là Hoa nương nương, đừng để ả mê hoặc!

Nhưng quân lính của Điểu tộc đâu có căn cơ vững thế. Mùi hương có thuốc mê, điệu nhạc thì ru ngủ làm ai ai cũng . Đi từ trong màn sương, hàng ngàn mĩ nữ khoả thân cưỡi ngựa tiến về phía tường thành, uốn éo khiêu gợi. Quân Điểu tộc toàn trai tráng vào độ dục tính hừng hực, làm sao chịu nổi sự kích thích ấy, tất thảy đều như ngây như dại, mặc cho linh cẩu xông vào cắn xé nát cổ họng.

Tiếng nhạc dâm đãng của Hoa nương nương cũng khiến Điểu Tùng phải chao đảo cánh chim. Chàng phải cố bay lên cao để tránh sự ảnh hưởng của mùi hương và điệu nhạc.

Tế Thiên thấy tình trạng như vậy, chỉ có thể thoắt ẩn thoắt hiện né tránh những con linh cẩu đang cố xông vào chàng để xé cổ. Nhưng né ngược né xuôi, chẳng mấy chốc lại thành chạm mặt Sái Thương. Sái Thương rút gươm ra khỏi bao, toan chém Tế Thiên, không ngờ Tế Thiên ngửa mặt cười ha hả. Sái Thương lấy làm lạ, ngưng tay giữa lưng chừng:

– Ngươi cười gì?

– Ta cười mãn nguyện. Trận này ta thua rồi, nhưng ta thà chết trong tay một nữ anh hùng chứ không thể chết vì điệu nhạc dâm đãng của lũ điếm.

Sái Thương cười nhạt:

– Chết nào cũng là chết cả thôi…

Tế Thiên lờ đờ như bị say mùi hương của Hoa nương nương, miệng lảm nhảm:

– Lợi hại… thật lợi hại… Gái đẹp thường lợi hại… Điểu tộc đến bị diệt vong trong tay Hoa nương nương mất thôi…

Sái Thương gầm lên:

– Ả điếm im đi…

Sái Thương bực tức quay người về phía đoàn mỹ nữ, giương cung bắn một lúc mấy mũi tên vào đám người trần truồng. Đám mỹ nữ nháo nhác rú lên sợ hãi, điệu nhạc bị lệch điệu.

Sái Thương tung người bay theo mũi tên vung gươm chỉ thẳng vào phía một mỹ nữ khoả thân lẫn trong bầy mỹ nữ. Quả thực, nếu không biết mặt trước thì không ai có thể phân biệt được đâu là Hoa nương nương giữa một bầy trần như nhộng.

Sái Thương gằn giọng:

– Đây là trận chiến của ta… Cút!

Hoa nương nương giọng ngọt ngào:

– Tiểu muội, ta là vì Dã quốc… Không có trận chiến nào của muội cả, chỉ có Dã quốc đang chiến đấu chống lại lũ Điểu tộc ma quỷ và man rợ mà thôi. Không có điệu hát của ta, muội làm sao chống lại ma thuật của chúng.

Hoa nương nương ngẩng đầu lên nhìn Điểu Tùng đang bay lượn trên cao, vẫy tay mỉm cười. Cánh chim của chàng liền sa dần xuống không thể kiểm soát.

– Muội có thấy mọi việc có thể giải quyết nhanh chóng nếu chúng ta không hùng hùng hổ hổ không? Như muội ấy, còn non trẻ lắm, chỉ biết chiến thôi chứ chưa biết thắng.

Lời nói của Hoa nương nương nhẹ như gió thoảng nhưng khiến máu nóng của Sái Thương bốc ngùn ngụt. Sái Thương nhổ một bãi nước bọt vào mặt Hoa nương nương, quát gọn lỏn:

– Cút!

Hoa nương nương cầm tay Sái Thương ngọt nhạt:

– Em đừng giận… Công lao của chúng ta đều được Dã vương ghi nhận cả thôi. Đừng để miệng lưỡi giảo hoạt của lũ Điểu tộc làm chia rẽ tình chị em của chúng ta.

Sái Thương giằng tay ra nhưng có vẻ cũng nguôi nguôi cơn giận, quay ngoắt người lại, xông về phía chiến trường. Tiếng đàn hát của Hoa nương nương lại vang lên.

Bỗng nhiên, xung quanh vang lên tiếng sói tru. Tiếng sói uy lực và lạnh buốt khiến mức độ mê hoặc của điệu nhạc giảm đáng kể. Một bầy sói từ rừng sâu phi ra dễ đến trăm con. Cưỡi trên lưng sói đầu đàn là một cậu bé tầm bảy tám tuổi, tay phất lá cờ đen thêu chữ trắng rõ hai chữ “Bạch Tùng”.

Nghe thấy tiếng sói, đàn linh cẩu cúi mình phòng thủ, chúng nhận ra lập tức kẻ địch lớn đang đến gần. Chỉ trong chốc lát bầy sói đã xông vào giữa chiến trường. Chú bé cưỡi sói đầu đàn đứng trên gò đất cao quan sát rồi cũng tru lên một tiếng như sói.

Đàn sói nghe hiệu lệnh, không lập tức xông vào cắn xé mà giơ cẳng sau lên, con nào con nấy tè một bãi. Trong chốc lát, cả chiến trường đẫm máu khai mù lên. Mùi thơm mê hoặc do bầy mỹ nữ của Hoa nương nương tiết ra bị mùi nước đái sói khắm lặm át đi.

Quân đội Điểu tộc bừng tỉnh nhận ra mình đang ở giữa cuộc chiến. Tế Thiên vội phất cờ chỉnh đốn, nhưng miệng không quên thốt lên:

– Khá lắm Vương Lâm! Cha cháu đâu?

Vương Lâm nói nhanh:

– Chú cố gắng cầm cự, cha cháu dẫn đại quân từ xa đến nên không đi nhanh được.

Đó chính là Vương Lâm, con trai Vương Minh, phó tướng của nghĩa quân rừng Bạch Tùng. Sau khi nghĩa quân rời khỏi rừng, Vương Lâm và mẹ mình vẫn ở lại khu vực này. Hằng ngày cậu bé vẫn huấn luyện đàn sói như trước đây. Khi Điểu Thiên Hoàng đi cầu cứu viện, chàng lập tức liên hệ với nghĩa quân và thông qua đàn quạ của Ô thị để phát hiệu lệnh. Mật lệnh của Vương Minh cũng nhờ quạ gửi tới cho Vương Lâm, nhờ thế mà Vương Lâm có thể nhanh chóng tiếp ứng.

Vương Lâm lại tru thêm ba tràng nữa. Những con sói đồng loạt tru theo rồi xông vào cắn xé đàn linh cẩu. Trên trời, một tia sét giáng xuống ngay giữa bầy mỹ nữ. Trận hỗn chiến lại tiếp tục.

Hà Thủy Nguyên

Đọc các chương của Long Điểu truyện tại đâyhttps://hathuynguyen.com/tag/long-dieu-truyen/

 

Home 2018 / page 5

Lời cơn bão

Sấm động biển xa
Trời chuyển màu điềm lạ
Cơn sóng cuộn trào
Nhấn chìm cơn điên dân tộc
Có bầy san hô đợi chết
Đợi con mồi tiêu hoá
Đợi mình hoá đá
Chiếm nhân gian

Tôi bay nơi sấm sét đầu thế kỷ
Lùa bão thơ cho ướt đẫm sơn hà
Những tường thành của khô cằn linh giác
Vụn vỡ
Cát bay
Lắng đáy xa
Nơi đây có phải nhà?
Ôi những người xa lạ
Ngươi hoá san hô chăng?
Hay bầy rong nhơ nhớp
Kết thành tường chặn đứng gió mưa thơ…

Các ngươi vô hồn
Đẩy tôi lưu lạc
Tôi nào phải phù du trong lạc thú sắc màu thềm lục địa
Tôi nào muốn hoá mình thành một nhánh san hô đợi chết
Hay một cọng tảo vàng đại đoàn kết giữa ngàn khơi
Tôi – cơn bão xa lưu lạc chẳng thể vào nhà
Chúng sợ hãi lắm mỗi khi tôi gầm thét
Tiếng gầm ngày sáng thế vào mỗi khắc khải huyền

Tôi sẽ quét sạch những hơi nồng nhiệt đới
Mùi ô uế loài người
Con người vĩ đại ư?
Chẳng qua là bụi vụn
Từ bức tường trơ trọi vô linh

Sẽ một ngày tôi tan biến, có hề chi!
Từ đại dương bao la, tôi trỗi mình tái hiện
Như loài thuỷ phượng hoàng chưa từng trong truyền thuyết
Chết trong nước và sinh ra trong nước
Nhịp nhịp thơ gọi gió xoáy nơi đây
Và sấm động trời mây
Lại lao về biển cũ
Trong cơn vô thức
Dù đã quên nơi đó là nhà

Hà Thủy Nguyên

Home 2018 / page 5

Mưa ải bắc

Hãy để buồn dâng mưa đêm nay

Riêng góc trời tây mây vương ải bắc

Đêm rơi

Đêm rơi

Ánh trắng căn phòng vắng

Cỗ máy vô hồn phản chiếu thế gian trơ

 

Tôi đã đi qua những giấc mơ

Ướt đầm mưa quá cố

Bóng người bên ta đêm nay

Lướt qua như gió

Sấm động cuối chân mây

Cơn mơ hợp tan chưa dứt

 

Súng đạn đã cũ dưới cơn mưa

Buồn biệt ly sao ngăn mộng bá quyền

Chỉ có xác trơ trơ hành quân ca lời oán

Lời tử thi sặc mùi kích động

Sẽ mòn trong mưa giông

Này kẻ vạn năm đua tranh đã chán

Sẽ cười hay khóc trước thế nhân

Còn gì để cứu vớt ư?

Một đôi dòng quá khứ

Chữ Nhân đã bỏ lại giữa loài người

 

Tắt đi cỗ máy vô tri

Thế nhân đã lùi xa

Chẳng âm thanh nào ồn ã

Chỉ buồn rơi

Và buồn rơi

Lại buồn rơi

Tôi ngập cõi sơn hà

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2018 / page 5

Trường ca Thợ Săn

I- Ánh trăng
Sâu hoắm tựa thời gian
Quầng trăng vằng vặc
Lực hút sôi trào
Cơn điên trăng
Khuấy động nhân tình

Những chấn song hoen rỉ ứa đỏ
Giam chúng tôi
Hay giam trăng
Dây thần kinh đang căng
Mùi cơn điên thú dữ
Chúng tôi giam mình trong lời tự thú
Muôn vàn song sắt phồn hoa
Thành phố ơi
Có nghe tôi gầm thét
Gọi rừng hoang thức dậy tận đáy hồn

Tôi đã đi rất xa,
Và xa
Cánh rừng thì thầm gọi tôi giữa cơn hoang loạn
Ở chiều không gian ấy
Chẳng có những cánh rừng
Chẳng có tôi hoang dại
Chỉ có tôi cô độc bóng đêm giữa phố người
Nhìn bóng tôi qua ánh trăng phản chiếu
Đang ca khúc lữ hành rừng đêm
Đốm lửa nhảy hội mùa siêu thực
Cùng bè bạn trầm tư.

Trăng sâu hoắm không gian
Khơi nơi tôi
Anh hùng ca tiền kiếp
Cơn sầu bi của kẻ lữ hành
Những bi kịch không khép màn rờn rợn dưới da
Kích thích khoái cảm cô độc nơi tôi lạc lối đô thành
Mỗi tế bào nẩy mầm rừng xanh điên loạn
Rực cơn trăng cho ám ảnh trần gian

Bạn tôi ơi
Những kẻ lữ hành bên đốm lửa
Có lạc lối trần gian
Chúng ta bất hoại giữa rừng xanh thuở ấy
Nhưng lại lạc giữa khu rừng điên loạn của cơn mơ đơn côi chốn đô thành
Lạc mình trong khoái cảm ánh trăng
Khoác vỏ bọc rừng xanh xoa dịu lòng thú dữ

Lần theo ánh trăng kích động
Bước sâu vào khoái cảm rừng xanh
Thử ha hả cười trong hoang loạn
Tôi sẽ bước như kẻ lữ hành cô độc
Tìm về ngọn lửa mùa siêu thực
Tìm về tôi bất hoại giữa rừng già

II- Lạc lối
Không thể định vị tôi chốn rừng sâu ký ức
Tôi đã đi đâu
Tôi sẽ về đâu
Vòng định mệnh đẩy đưa dẫm bước
Những cái bẫy của Tạo hoá
Chờ hút cạn hồn tôi
Chờ thân xác tôi bón phân cho sự sống

Tôi sẽ là ai giữa cuộc đời lập thể
Những khả năng chồng chéo những khả năng
Bóng tôi lồng bóng tôi đi trên phố
Dải sương mờ che khuất
Chỉ khoé miệng nhếch cười
Thế gian như bóng ma

Có vị vua kiếm tìm quyền lực
Có kẻ phiêu lưu tìm hiểm nguy
Có nghệ sĩ tìm chân thiện mỹ
Có nhà lang thang tìm Chúa trọn đời
Có tôi, tìm gì đâu, tất thảy đều vô nghĩa
Tôi nào tìm kiếm bình yên phù du
Đời hẹp quá, chỉ một chiều thế giới
Chỉ một khả năng cho định mệnh
Còn tôi
Tôi
Tôi nữa
Tôi đâu đó
Những mảnh tôi bị giam mỗi khả năng
Đang gào thét gọi mình

Có những bình minh giữa mùa trăng
Nhật nguyệt đồng chiếu màu vũ trụ
Xanh ngắt sự sống
Bao la tôi tích hợp gọi về
Tôi lắng nghe vũ trụ thầm thì
Điệu hát tái sinh:
“Định mệnh là cơn hoang tưởng
Của những kẻ lạc lối trói buộc tôi lạc lối
Hãy đi và đi
Đừng xuôi hay ngược chiều vòng quay ấy
Mặc nó đi
Bay, bay thật cao
Cao hơn những cánh rừng cổ thụ
Để trở thành mênh mông…”

Tôi đã bay cao thật cao
Có gì ngoài hư vô trên ấy
Những vũ trụ chất chồng vũ trụ
Tôi dạo bước qua muôn vạn khả năng
Trở thành kẻ thì thầm lời vũ trụ
Đây là điều tôi kiếm tìm ư?

Tôi tạo ra một phiên bản của mình
Kẻ cô độc giương cung tìm đích bắn
Săn mồi nơi rừng hoang lạnh
Lững thững dẫm cỏ xanh, xộn xạo lá khô
Tôi ngồi bên ngọn lửa của đoàn thợ săn
Hát khúc ca siêu thực
Chiêu gọi tôi cao cả như đấng siêu nhiên bay lượn
Để gợi nhắc tôi về điều sâu thẳm
Tôi đã bay quá cao để quên mất chiều sâu
Sâu hư vô của cơn cực khoái
Dưới ánh trăng đêm huyền ảo.

Khúc ca mờ dần sương thời gian
Lửa tắt lịm dưới mồ
Đời thợ săn hữu hạn
Tôi thấy tôi tái sinh theo định mệnh
Nỗi đau phiên bản tôi thấm thía ruột gan
Những nhịp tim không thể lặng im chốn luân hồi vĩnh viễn
Tôi xé mảnh mình ra vô vàn khả năng
Để lại réo gọi tên mình chờ ngày tích hợp

III- Cô độc
Trong cơn mơ đêm căn phòng kín cửa
Cơn gió giả vờ
Ánh trăng nhân tạo
Ve vuốt tôi giữa thời máy móc
Xác thân ngủ trong tấm liệm bình yên
Tâm trí tôi vẫn giương cánh cung
Bắn rụng mọi vòng xoay định mệnh
Đêm qua đêm lại qua đêm
Tôi lắp ghép các khả năng như bức tranh lập thể
Hàn gắn tạm bợ đợi mùa tái sinh

Sực tỉnh
Mũi tên nào rơi trúng tim tôi
Tôi có nghe máu tứa trào
Lóng lánh ánh trăng thẫm đỏ
Tôi nghe tôi chết nhiều khả năng trước đó
Lộn cổ vực hư vô
Im lìm
Chẳng níu gọi điều chi

Muôn tôi lơ lửng
Mặc tôi nổi trôi
Va chạm nhau
Vụ nổ lớn kinh hoàng
Cuộc đời rung chuyển ngày tận thế
Nứt thành vực sâu không đáy
Ai níu gọi
Ai buông tay
Đều có phận của mình

Chuỗi liên hoàn tận thế
Nơi tâm thức
Không rừng sâu
Không phố thị phồn hoa
Chỉ tôi và tôi và tôi…
Hợp nhất giữa sát na
Im lặng không bình yên
Cơn thuỷ triều dậy máu
Nhấn chìm lòng tham trần thế
Vạn kiếp người trôi nổi
Chẳng thể buông tay
Vùng vẫy giữa bể máu tôi cầu cứu
Ai cứu chúng, tôi ư?

Trong hợp nhất, tôi đã hoá hư vô
Chỉ dòng suy nghĩ thì thầm lời vũ trụ:
“Đây không phải điều tôi tìm kiếm…”

IV – Chênh vênh
Tôi chênh vênh giữa sâu và cao
Tôi đang sống phút giây hợp nhất
Trong câu thơ viết bằng vụ nổ
Mỗi tế bào ngân khúc tái sinh

Tôi đã kiếm tìm quá lâu
Chẳng được gì đâu
Tất thảy đều không phải
Chỉ những vần thơ tuôn chảy
Cơn xa vắng linh hồn

Tôi đã đi hết những chu kỳ
Rồi dừng lại giữa câu thơ
Giương cây cung cảm hứng
Bắn rụng những vì sao điên cuồng giật dây số phận
Nhật nguyệt lại đồng minh
Nhìn tôi cười ngạo nghễ
Níu buộc tôi bằng sợi dây ánh sáng
Có hề gì
Tôi nào sợ bóng tối đâu

Hỡi mặt trời, mặt trăng ở trên cao
Và những vì sao lấp lánh
Đừng quên phận mình:
Những cột mốc thời gian
Những dấu vết không gian
Và vật trang trí cho câu thơ tuyệt mĩ
Đừng mơ mộng giật dây vận số
Tôi sẽ chặt đứt mọi sợi dây
Và giương cung bắn rụng hết thiên hà
Trong hư vô vạn vật đều lĩnh lặng

Cuối cùng,
Tôi sẽ đốt cây cung trong đốm lửa siêu hình
Ngân nga lời thơ
Giữa cơn mơ tỉnh thức

Hà Thủy Nguyên

Home 2018 / page 5

LỜI MÊ

Tôi đi

Chuỗi ngày trôi

Không tâm trạng

Chuẩn bị cho giấc ngủ dài

Cái chết nay mai

Ai ai đóng hồn tròn mắt trợn trừng lao xuống mộ không đáy tối đen địa ngục đám đông hò hét vô thanh

Nửa hồn tôi lịm

Im lìm 

Mùa hoa cháy phố cháy phường cháy con đường mù mịt nắng quái mê cung

 

Mùa trôi qua nơi vầng trán

Vết nhăn dài cơn mơ

Có một tôi vừa đi qua phố

Khóc cười thỏa con tim

Hò hét điều vô nghĩa

Bóp chết kẻ ngang đường hèn nhát chẳng mẩu linh hồn sót lại cuộc nhân sinh ảo hóa mệnh trời

Gầm cơn thú hoang

Tính người đổ nát

 

Có một tôi ngồi đây

Viết lời dông dài

Than thở lời mê lôi mình vào cơn mê giữa cơn mê lại cơn mê man lan man

Mọi ý tưởng đều cũ

Chẳng gì khai sinh

Ý tưởng – Sợi dây cũ kỹ trói buộc tôi ngàn vạn kiếp

Tôi nào phải nô lệ của ý tưởng không lời

 

Tôi – Kẻ ẩn cư vạn kiếp giữa danh tiếng huy hoàng

Khát thèm bóng tối

Một góc khuất nơi thế giới

Nơi mọi người lãng quên

Tôi cũng lãng quên

Chỉ cỏ cây còn nhớ

Tôi không là ý tưởng

Nô dịch linh hồn giữa tấn tuồng chẳng chịu khép màn

 

Có giấc ngủ dài

Không mộng mị

Không cần tỉnh

Đợi tôi

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2018 / page 5

Tôi sẽ tan thành vô cực

Tôi suy tàn
Bão giông tan
Cơn mơ đêm đã bình an
Chỉ ký ức tình yêu bùng cháy
Trong nắng hạ
Lập lòe nụ cười ma
Những vong hồn đã yêu một thời đến chết

Nơi góc phố vương mưa
Ai như tôi đứng đợi
Đợi ai
Khoảnh khắc đọng lại
Chẳng trôi chảy
Đồng hồ đã vỡ
Thời gian gãy vụn
Sấm động mơ đêm

Tôi úa tàn như hoa
Ép khô
Ký ức
Tôi tiêu bản
Của tình yêu vĩnh viễn
Cơn mưa nào thức tỉnh tôi
Tôi chìm nơi góc phố
Vẫn đợi
Đợi mình tan biến

Khúc ca xưa lặp luân hồi
Hình bóng tôi lang thang điệu cũ
Ánh đèn vàng
Ca nhi cất tiếng
Hồn tôi bay chập chờn tạo hóa
Tôi còn chút hồn gửi lại thế nhân
Thế nhân đau
Nỗi đau tiền kiếp
Nuôi thành hiện thân tôi

Nắng hạ ơi, nắng thế
Thiêu tôi đi
Tôi hóa bụi nắng rồi
Bụi nắng vương cố nhân
Phảng phất tôi khóe miệng buồn
Chàng nhớ ca nhi
Hay nhớ tôi?

Tôi sẽ tan thành vô cực
Vũ trụ buồn vô tận
Tôi có tàn được đâu
Ôm chấp niệm mỉm cười vai diễn cũ
Tỉnh mơ rồi
Lại đắm mơ thôi

Cố nhân ơi, tôi vẫn đợi
Góc mưa xưa
Góc lỗi nhịp thời gian
Tôi bất tử cùng năm cũ
Cùng yêu nhau
Cái chết có sao đâu!

 

Hà Thủy Nguyên