Home 2018 / page 9

Tôi và đám đông

Sáng sớm, một chút âm nhạc và một chút café. Thế là đủ để tôi chìm vào một đám đông nho nhỏ. Trong thế giới ngồn ngộn ý nghĩ này, tôi gần như bất lực trước đám đông.

Đôi khi tôi chỉ muốn một mình trong tĩnh lặng, một mình tôi đối thoại với tôi. Và chỉ cần như thế là quá đủ để tôi tự đắc rằng mình đã vượt thoát khỏi sự ồn ào của thế giới. Nhưng tôi chợt nhận ra, bi kịch thật, mấy cái tôi đang hỏi đáp trong đầu đếch phải của tôi. Cứ như từ lâu tâm trí tôi đã cầm tù vô số những kẻ vô công rồi nghề lải nhải lập luận triết lý về vũ trụ, về nhân sinh. Thật buồn cười, thỉnh thoảng chúng làm tôi thấy mình trở nên vĩ đại. Nếu chúng không câm đi, làm sao tôi tìm lại được chính mình? Một đám đông vô hình và nguy hiểm!

Trốn vào đám đông hữu hình cũng có thể là một giải pháp. Những cuộc vui bất tận kéo theo nỗi đau đớn vì bị bỏ rơi, sự tung hô trong vinh quang luôn đi kèm với sự ghen tị và lời khinh bỉ nghiệt ngã. Cái đám đông hữu hình này buồn cười và bất thường lắm. Họ yêu tôi, họ ghét tôi, họ lãng quên tôi, họ tôn vinh tôi… hình như tùy vào thời tiết. Và họ không có lập luận. Họ không giống như lũ người vô hình trong đầu tôi, họ khiến tôi tiếc nuối và gắn kết.

Tôi đã tính đến việc làm gì đó cho cái đám đông hữu hình ấy. Nhưng trong tôi có cảm giác sợ hãi. Sợ mình biến thành một trong số họ lúc nào mà không hay không biết. Nhưng cũng dần dần có thêm cảm giác lo lắng cho một ngày nào đó đám đông không còn cần tôi nữa.

Cây đổ lá rào rào chỉ vì một cơn gió thổi qua. Nhìn từ cửa sổ của tôi, chiếc lá nào cũng như nhau, chẳng có gì khác biệt. Đám đông xanh mướt trên cây, giờ cũng chỉ là đám đông vàng úa dưới sân, rơi trước rơi sau nào có quan trọng gì.

Tôi chợt giật mình nhận ra rằng hình như với ai đó, tôi cũng chỉ là một trong số đám đông hữu hình. Và có thể trong tâm trí của một ai đó khác tôi cũng nằm trong cái đám đông ồn ào lắm lời.

Mọi triết lý, mọi lập luận đều chỉ là sự nhảm nhí của đám đông. Ngay lúc này đây, lưỡi tôi chạm vào lớp sứ để chuẩn bị hứng lấy vị cà phê đăng đắng, ngọt ngọt; mũi tôi hít lấy một mùi hương kích thích; và tôi mênh mang buồn trong bản nhạc hoang vắng về xứ Na – uy xa xôi… Tôi bắt đầu dần dần thấy mình hiển hiện. Thật mỉa mai, cái đống triết lý cao siêu lại không có giá trị bằng cái nắm tay của hai kẻ yêu nhau…

Trích từ wordpress Hà Thủy Nguyên ngày 2 tháng 2 năm 2013

Home 2018 / page 9

SỰ VIỆC DAN HAUER? XÚC PHẠM HAY KHÔNG? YÊU NƯỚC HAY KHÔNG?

Thường tôi không quan tâm đến những chuyện xôn xao, cãi cọ trên facebook, nhất là mấy chuyện lằng nhằng dính đến ba cái thứ được khoác mỹ tự “tinh thần dân tộc”, nhưng sự việc Dan – một thày giáo người Mỹ dạy tiếng Anh ở Hà Nội bị cả cộng đồng những người “yêu nước bằng bàn phím” xông vào chửi bới, hạ nhục, hè nhau đấu tố, đòi trục xuất, đòi giết…v…v… do lỡ dại trót đùa cợt trên facebook động chạm đến cố đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi quan tâm bởi lẽ tôi rất thích các video của Dan trên Youtube, không chỉ vậy mà cả con gái tôi cũng học được nhiều từ video của Dan hơn chương trình học vớ vẩn trên trường. Do cách giật tít trên báo, đa phần mọi người (thường là những người yêu nước cực đoan) chỉ nhìn thấy sự việc “Dan xúc phạm ông Giáp”, nhưng nếu nhìn đầu đuôi toàn bộ câu chuyện sẽ thấy toàn bộ sự việc phức tạp hơn thế. Thôi thì tôi xin phép được dài dòng tường thuật lại ngắn gọn sự việc một cách có hệ thống rồi sẽ phân tích phức tạp hơn.

U23 Việt Nam vào chung kết ngay trên đất Trung Quốc, chiến thắng nhiều cường quốc bóng đá Châu Á, đó là niềm vui bất ngờ sau những chuỗi ngày u tối của các scandal, các vụ cá độ, các vụ án tham nhũng…v…v… Nhưng niềm vui ấy hơi… “thái quá”. Đáng lý ra, bão trong đêm bán kết là đủ rồi, đằng này bão đến nhiều ngày sau đó. Nhiều người bạn của mình không quan tâm đến bóng đá, khi tỏ thái độ kiểu: “Sao chúng mày cuồng thế?” trên facebook thì bị nhiều facebooker lao vào chửi, xỏ xiên, thậm chí unfriend. Lố bịch nhất là bài báo trên báo “Nhân dân” có tên gì mà “Vận nước đang lên”. Việc thắng một trận bóng đá chẳng thay đổi gì cho vận nước cả, giả sử Việt Nam thua trận chung kết thì vận nước xuống à? Vận của quốc gia mà dựa vào đội bóng đá chứ không phải vào các chính trị gia, các trí thức, các đại tướng, các đại gia…v…v… thì quốc gia ấy là cái thứ quốc gia gì? Một tờ báo cơ quan ngôn luận của Đảng còn có những cái thất thố như vậy thì chả trách báo chí Việt Nam xập xệ, còn cộng đồng mạng thì manh động. Không lạ! “Hòa vào bầu không khí” ấy, nhiều doanh nghiệp tận dụng sóng truyền thông để làm PR sản phẩm, bán tống bán tháo hàng tồn kho, và có một anh Tây dậy tiếng Anh khác (không phải Dan) nói rằng sẽ xăm hình lá cờ Việt Nam lên vú nếu Việt Nam thắng chung kết. Dan ngứa mắt với lối làm truyền thông này, troll một câu tiếng Anh đại loại ý là “Vãi cả chưởng! Khi Hoàng Xuân Vinh đạt huy chương vàng Olympic 2 năm trước, tao đã khuyên vào đầu cu tao theo kiểu PA viên bi giống đầu cụ Võ Nguyên Giáp”. Thế nhưng, bà con (chắc học tiếng Anh chẳng đến nơi đến chốn) suy luận thành Dan ví đầu cụ Giáp giống đầu cu, và cho rằng anh chàng xúc phạm anh hùng dân tộc.

Nếu Dan share câu nói này trên facebook cá nhân hay trong video giảng dạy thì đó thực sự là vấn đề xúc phạm, nhưng anh chàng này chỉ comment để troll như một sự đăng đối giữa “vú – cu”, “cờ tổ quốc – Võ Nguyên Giáp”. Kể đến đây, tôi lại thấy buồn cười, tại sao “vú” của đàn ông không bị coi là tục tĩu mà “cu” lại bị coi là tục tĩu. Nếu cả cái dân tộc này mà coi thường cái “cu” thế, coi nó là bẩn thỉu, tục tĩu, sao không cắt béng nó đi cho xong. Cần cái “cu” nhưng lại coi thường nó là sao? Dị!!! Thế là bức ảnh chụp phần comment của Dan bị lan truyền ầm ĩ trên mạng cùng với caption kiểu lái hướng truyền thông thành xúc phạm anh hùng dân tộc. Việc lan truyền bức ảnh này và buộc tội Dan nằm trong một chuỗi âm mưu khác không liên quan gì đến tinh thần dân tộc.

Chả là cách đây không lâu, Dan tung ra một video Youtube góp ý về lối phát âm, lối giao tiếp tiếng Anh sai thường thấy mà các giảng viên người Việt của nhiều trung tâm tiếng Anh thường mắc phải. Trong số các trung tâm tiếng Anh ấy, có trung tâm Elight, một trung tâm cũng gọi là kha khá lớn nhảy dựng lên đòi kiện cáo rồi phân bua, rồi khóc lóc. Hẳn là trung tâm tiếng Anh này cùng một số trung tâm khác được xuất hiện trong Youtube của Dan chịu thiệt hại không ít khi những lỗi sai ấy bị bới móc. Cá nhân tôi đánh giá khá cao việc Dan tranh cãi với các trung tâm ấy, bởi vì các trung tâm tiếng Anh ở Việt Nam trong một thời gian dài đã tạo ra những thói quen học tiếng Anh chộp giật, nhai lại thường thấy hiện nay. Khi Dan bị “lỡ mồm trót dại” do không hiểu các khác biệt trong truyền thống văn hóa Việt Nam, thì cộng đồng của các trung tâm kiểu này hùa vào share, chửi, buộc tội. Rồi tôi thấy đâu đó người ta tag nhau gọi đàn Dư luận viên (DLV) vào để chửi hội đồng. Rồi báo chí cũng hợp thức hóa cuộc buộc tội ấy bằng việc mấy ông luật sư, mấy bà nghiên cứu xã hội buộc tội Dan, kêu gọi tẩy chay Dan. Song song với đó, các nhà hoạt động dân chủ cũng lên tiếng bênh vực Dan vì cho rằng đó là quyền tự do ngôn luận của anh chàng. Thế là từ một trò troll đã trở thành vấn đề khác biệt văn hóa, thành xúc phạm dân tộc, thành nhân quyền. Khổ quá!

Qua vụ phức tạp này, tôi thấy có mấy vấn đề sau cần định nghĩa lại rõ ràng:

Thứ nhất, thế nào là “xúc phạm”. Như đã nói ở trên, việc Dan xâu khuyên có hình cụ Giáp vào cu có phải xúc phạm không? Nó là xúc phạm nếu chúng ta coi thường cái cu. Còn cái cu mà được thờ như tục thờ sinh thực khí thì thiêng chết đi được. Cái cu đại diện cho Thượng Đế đấy ạ! Và đối tượng mà Dan troll là anh Tây mượn mấy trò cổ vũ đám đông để bán khóa học chứ chả xúc phạm gì đến cá nhân hay dân tộc nào cả. Mặc dù vậy, Dan vẫn xin lỗi gia đình cụ Giáp (chẳng biết có đến tận nhà xin lỗi) hay không, nhưng mà chắc vẫn ấm ức nên vẫn phàn nàn về đám người “chủ nghĩa dân tộc cực đoan”. Cái này thì cần gì phải Dan, nhiều trí thức, nhiều bạn bè và bản thân tôi cũng phàn nàn suốt, troll suốt. Càng phàn nàn, càng troll thì đám đông càng cực đoan. Trách là trách bạn Dan này không chịu tìm hiểu về chính trị và văn hóa bản địa. Ngày xưa mấy ông Tây sang đây truyền đạo, nghiên cứu miệt mài văn hóa dân tộc Việt, thế mà vẫn còn bị bắn giết tơi bời, đâu có dễ.

Thứ hai, thế nào là “tinh thần dân tộc”, thế nào là “yêu nước”? Từ “dân tộc” ra có thể hiểu là “chủng loài dân”, ở đây không biết người ta muốn nhắc đến chủng loài nào? Khái niệm “người Việt” đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Ở mảnh đất này, các tộc người di cư rồi hòa huyết, có tộc còn giữ thiết lập cũ của tộc có tộc thì hoàn toàn vong thân chẳng nhớ gì. Thường mấy bạn “vong thân” này lại hay bám víu vào “tinh thần dân tộc” và hay hô hào “tinh thần dân tộc”, thế mới kỳ! Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà ngay cả ở Trung Quốc cũng thế, các bạn đừng nghĩ rằng tất cả Trung Quốc đều là người Hán và đừng nghĩ rằng người Hán tức là người Hán. Còn về “yêu nước” thì càng lố bịch. Hóa ra chỉ cần đi cổ vũ bóng đá, chửi Tây, làm anh hùng bàn phím ca ngợi các danh nhân Việt Nam thì gọi là yêu nước. Tạo ra sản phẩm tốt, miệt mài lao động các kiểu để tạo ra giá trị tốt mà không biết cổ vũ bóng đá, không biết bảo vệ anh hùng dân tộc, không biết chửi thằng Tây nào nó troll người Việt, thì hẳn là không yêu nước.

Sau tất cả, Dan là người chịu thiệt, vì thiếu hiểu biết, nên sẽ bị mất việc, bị kì thị, cái được duy nhất là bài học ở các nước bị tâm lý thuộc địa. Những người muốn học tiếng Anh nghiêm túc cũng bị thiệt, vì mất đi một người hướng dẫn thông minh, thân thiện, có kiến thức tốt. Tôi và con gái tôi coi như mất một kênh Youtube giải trí có ích. Việt Nam cũng thiệt vì hóa ra chả khá lên được tí nào, vẫn dân tộc cực đoan, vẫn đám đông manh động, vẫn thiếu vị tha, và nếu vụ này bung bét trên báo chí nước ngoài thì chắc cũng chẳng tốt đẹp gì cho nhà cụ Giáp hay cho nền kinh tế đang định hướng du lịch của nước ta. Sau vụ này, chỉ đám trung tâm tiếng Anh kém cỏi là có lợi vì đã hất cẳng được một ông Tây suốt ngày soi mói, phê phán. À, còn cả đám đông yêu nước cực đoan nữa, nhân vụ này chắc bệnh dịch còn lan rộng. Cứ thế, chả mấy chốc lại quay lại cái thời đấu tố tưởng như đã xa. Thời Internet, tưởng rằng học được thêm kiến thức là sẽ hết cái bệnh dịch này, nhưng mà xem chừng sẽ còn lan xa nữa. Thôi, chúc Việt Nam may mắn, cứ vui niềm vui bóng bánh đi, bóng bánh xong rồi sẽ tỉnh mộng đối mặt với mớ bòng bong do sự kém cỏi, bất tài và tham lam cố hữu tạo ra.

Hà Thủy Nguyên

Home 2018 / page 9

Thanh khiết và ô trọc

Mọi thứ trên thế giới này đang đến ngày tàn của nó. Không còn nhiều người nói đến sự thanh khiết. Không còn nhiều người đề cao phẩm chất thiêng liêng. Không còn ai sống như một thiên anh hùng ca bi tráng. Các nguyên mẫu lý tưởng bị đổ vỡ.

Người ta tôn thờ Ma Qủy trên khắp màn ảnh, trên đầu môi chót lưỡi, trên sách vở, thậm chí trong các pháp môn. Người ta cho rằng lối sống thông minh nhất là chiêu theo bản năng xác thịt. Nhưng họ quên mất con người có hai bản năng chính: bản năng linh hồn và bản năng thể xác. Chiều hoàn toàn theo thể xác là chối bỏ phẩm chất thiêng liêng và thanh khiết của con người. Linh hồn không cần ăn uống bừa phứa, làm tình và chém giết, linh hồn thậm chí không cần cả quyền năng.

Thế nào là thanh khiết? Thế nào là ô trọc? Người ta tưởng chạy theo mấy tôn giáo, giữ gìn đạo hạnh được gọi là thanh khiết ư? Một kiểu ô trọc của những sự mỹ miều. Ô trọc không hẳn là bẩn thỉu. Giống như cứt vậy, cũng từ những thứ chúng ta ăn mà ra. Cứt là một mớ hỗn độn các chất nhào nặn vào với nhau. Sự ô trọc chính là thế. Ngay cả trong các thánh đường giờ đây cũng chỉ là một đống hỗn độn.

Có thuyết cho rằng vốn dĩ không có nguyên tố đất, nguyên tố đất chỉ là hỗn hợp của 3 nguyên tố thần thánh: Lửa, Nước, Khí… mà thành. Thế nên đất ô trọc, đất chưa bao giờ thanh khiết. Cũng chính sự ô trọc đó mà đất phát triển, sự ô trọc phát triển. Qủy dữ thì sinh con đẻ cái hàng đàn hàng đống. Thiên thần bất tử nên không thể sinh diệt và tái sinh.

Gìn giữ sự thanh khiết hay quay về sự thanh khiết là tìm lại nguyên bản của mình, không vướng một chút gì ảnh hưởng của kẻ khác. Mọi sự pha tạp, kiểu gì cũng dẫn đến ô trọc. Điều này không dễ tí nào giữa thế giới này. Cũng chính mong mỏi và tiếc nhớ sự thanh khiết của linh hồn mà tôi không thể chấp nhận bất cứ sự tác động của ai. Không phải tôi khinh thường họ, mà chỉ đơn thuần tôi muốn là tôi.

Mọi sự đã quá rõ ràng trên con đường tâm linh, đó là rũ bỏ, rũ bỏ càng nhiều càng tốt.

Trích từ wordpress Hà Thủy Nguyên ngày 12 tháng 7 năm 2013

Home 2018 / page 9

ĐÊM TRĂNG HÓA THẠCH

Ấy ai che mặt mùa thu trước

Có lại gần đây trong thinh không

Có nghe đêm lạnh đang hổn hển

Cùng vén rèm trăng lộ điệu tình

 

Ấy tóc xõa ngang bờ vai thõng

Ân ái cố cung nửa vẹn toàn

Ly rượu láng lênh bờ thực tại

Hợp cẩn luân hồi, tình nhập trăng

 

Nhoẻn nửa miệng cười, trăng ấy trăng

Ứa nhựa phiêu linh đến cõi hồn

Âm linh lảo đảo say tình mới

Nghĩa địa trầm tư, ma họa thơ

 

Ô kìa!

Một chuỗi thời trăng lơ lửng trôi

Gió ảo đêm nay đã lặng rồi

Đợi vần thơ dứt, ma siêu thoát

Trắng tinh trăng dãi bãi mồ hoang

 

Ô kìa!

Tim ai đang nức nở

Máu ai cuồn cuộn sóng xuân tình

Ngực ai phập phồng hơi phong nguyệt

Ta ngậm hồn ai đêm ngất ngây

 

Đêm trăng tĩnh tọa trong vĩnh cửu

Hóa thạch thơ rồi

Tình thăng thiên

 

Hà Thủy Nguyên

(Một đêm trăng khuyết)

Home 2018 / page 9

Lưu manh hóa?

Một đất nước nhiều thế kỷ yếm thế, chiến loạn liên miên… một vùng đất đúng như Nam Cao nói: “quần ngư tranh thực”… tại đây dường như không cho phép những điều tốt đẹp. Mọi lý tưởng cao cả, mọi triết lý sâu sắc, mọi con người xuất chúng … khi rơi vào Việt Nam đều có xu hướng “lưu manh hóa”. Thật là một hố sâu đáng sợ!

Mưu mẹo thay thế cho trí tuệ, quyền hành thay thế cho kiến tạo, lòng tham thay thế cho cạnh tranh lành mạnh, sự cào bằng thay thế bình đẳng… “Lưu manh hóa” bởi vì giá trị chân chính bị đánh đồng với những tiêu chuẩn hạ cấp. Sống giữa một nơi như vậy, cũng hoang mang lắm chứ! Nhiều người đã khuyên tôi “Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân”. Ừ thì cứ cho là vậy!

Người ta mong muốn một thay đổi tầm vĩ mô, rằng một mô hình mới sẽ được thay thế cho mô hình cũ. Nhưng mô hình mới hay cũ thì có ăn thua gì, nó vẫn sẽ tiếp tục bị lưu manh hóa. Khi những con người tốt đẹp với suy nghĩ trong sáng vẫn bị coi là trẻ con, là ngu xuẩn, là dại dột… thì chẳng bao giờ có sự thay đổi thật sự, chẳng bao giờ có cách mạng thật sự. Những người đó, nhẹ thì bị bỏ rơi, nặng thì bị tiêu diệt. Họ không có người bảo vệ. Và mọi cuộc đấu tranh có ý nghĩa gì khi ta không thể trở thành một con người tốt đẹp hơn.

Sự “lưu manh hóa” nó giống như vực xoáy, kẻ yếu đuối sẽ bị cuốn theo nó và lọt thỏm xuống hư vô. Những người chống lại điều đó, hướng tới sự tốt đẹp sẽ trở nên mạnh mẽ. Người tốt thường chịu thiệt. Đó là cái nhìn của những kẻ yếu đuối. Nhưng những người có thể sống tốt đẹp là bởi họ hiều rằng có một cái gì đó mênh mông hơn vực xoáy kia. Đó là biển cả. Và chỉ khi thoát khỏi vực xoáy, họ mới có thể bình an chiêm ngưỡng ánh hoàng hôn rực rỡ của buổi chiều tà.

Trích từ wordpress Hà Thủy Nguyên ngày 11 tháng 10 năm 2013

Home 2018 / page 9

Từ bỏ…

Những người  mới trải qua cảm giác của sự tĩnh lặng, của cân bằng thường tưởng rằng đóng kín mình là cách để giữ sự thanh khiết. Họ trốn khỏi đám đông, trốn khỏi đời sống con người, tự ru ngủ mình bằng cái lý luận: “Chỉ bằng việc hiểu bản thân, tôi mới là người thông thái”. Vâng, điều đó không sai. Nhưng không có bất cứ va chạm gì, làm sao có thể hiểu được những ngóc ngách ngoằn ngoèo của cõi vô thức mênh mang. Tôi tin rằng những người đó, họ cứ lặp đi lặp lại một giấc mơ, nói đi nói lại một câu chuyện, bởi trong sự cân bằng không có sự tăng trưởng.

Họ cũng thuyết giảng về sự tĩnh lặng, về sự giải thoát giống như những bậc chứng ngộ cổ xưa, nhưng họ không chịu hiểu rằng cái chết là một mặt của sự sống, tĩnh lặng cũng chỉ là một mặt của hỗn độn. Người không trải qua hỗn độn sẽ không thể nào chìm sâu trong tĩnh lặng được. Họ nhầm lẫn giữa sự cô đặc của tâm trí với sự tĩnh lặng vô biên.

Kinh Veda có câu: “Cả vũ trụ là một cuộc hiến tế lớn”. Nếu diễn giải câu này sẽ là một sự ngớ ngẩn vì nghĩa của nó đã quá đủ đầy. Né tránh những gì xảy ra với cuộc đời mình bằng cách này hay cách khác nghĩa là chúng ta đang né tránh sự hiến dâng cho vũ trụ để đền bù lại những gì vũ trụ đã hiến dâng cho chúng ta. Con người, thay vì hiến dâng chính mình cho vũ trụ, lại hiến dâng tiền bạc, đồ tế lễ cho thần thánh. Việc  làm này là vô nghĩa, vì đó không phải là hiến dâng, đó là một lần chất thêm nợ nần. Còn những người đóng cửa trái tim mình, chìm sâu vào suy tư tìm kiếm chân lý rồi cũng sẽ chỉ nhìn thấy cái chân lý mà họ muốn thấy, họ chẳng bao giờ có thể hòa làm một với chân lý.

Tôi không biết chắc con đường nào là đúng, nhưng tôi có thể biết chắc những con đường dẫn ta tới ảo tưởng. Chỉ có một cách để thoát khỏi ảo tưởng đó là không dừng lại, bởi chỉ cần một lần dừng lại là bạn đã mắc kẹt trong ảo tưởng đó.

Và vạn vật trong vũ trụ không phải sinh ra để đóng kín mình. Bài học của trái tim là sự mở rộng, là sự mạo hiểm, là bài học về cái chết hoàn toàn. Nhưng đây là bài học khó nhất, vì nó không thể cưỡng cầu. Thế nên thôi kệ mọi nguy cơ… Bước chân vào nguy hiểm… Có thể một ngày ta trở thành một trong số đám đông… có một ngày ta bị tiêu diệt bởi mọi nguồn năng  lượng vũ trụ… Thì đó cũng là việc phải là…

Trích từ wordpress Hà Thủy Nguyên ngày 18/10/2013

Home 2018 / page 9

TẾT THÌ LÀM GÌ?

Gần đến Tết rồi, người ta vẫn bàn cãi nhau về chuyện giữ Tết hay không giữ Tết. Bên thì cho rằng gần “gìn giữ bản sắc dân tộc” nên phải giữ, bên thì cho rằng Việt Nam cần “phát triển” nên tốt nhất là “gộp chung Tết tây Tết ta”. Cãi qua cãi lại, mất đi cái vui ngày Tết. Không có gì tốn năng lượng bằng tranh luận, mấy năm làm “keyboard warrior” đã dạy cho mình điều ấy.

Mình không hiểu nghĩa lắm cái thứ các bạn “tân tiến” gọi là Tết Tây. Ở Tây, người ta nghỉ Tết từ Giáng Sinh cho đến hết mồng 1. Nghi lễ cũng đủ trò lắm, tốn kém phải biết! Có phải quan niệm Tết Tây của các bạn chỉ là nghỉ mỗi một ngày 1/1? Mà phải có tuyết thì mới ra không khí Tết Tây. Số lượng ngày nghỉ cũng có thể coi là ngang ngửa Tết Ta nhỉ! Tết Ta thì cũng thường nghỉ từ 29 âm đến mồng 5 Tết, nghỉ nhiều hơn Tết Tây ở phương Tây một chút. Có mấy bạn nhà văn đọc được vài ba xu chữ cũng lớn tiếng hô hào vì tương lai của đất nước nên dẹp bỏ Tết Ta. Nhảm shit! Họ chả hiểu gì về ngày lễ Tết cũng như chả hiểu gì về phát triển.

Để một đất nước phát triển thì chính phủ phải chăm lo cho dân chúng, người dân cư xử có văn hóa, nhân tài được đối đãi xứng đáng, quân đội phải bảo vệ vững chắc cho bờ cõi… chứ liên quan quái gì đến Tết Tây hay Tết Ta. Phương Tây phát triển không phải vì họ làm cật lực không nghỉ ngơi, mà họ dùng não nhiều hơn chân tay, họ biết cải tiến công nghệ, học hỏi kiến thức để làm sao cho tốn ít sức người nhất mà đạt hiệu quả công việc cao. Còn nước ta kém phát triển vì có đám tự xưng là trí thức nhưng sách không đọc, chỉ biết hóng hớt chém gió, ăn tiền của nước ngoài để dèm pha dư luận; và những đám quan chức chỉ muốn vinh thân phì da bòn rút của dân càng nhiều càng tốt. Các cụ xưa nói, “biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”, nhưng báo chí giờ đây đã trở thành diễn đàn cho những kẻ dốt nát được phép đăng đàn thuyết pháp định hướng dư luận. Những vụ như thế nào sao Ban tuyên giáo không ý kiến gì? Muốn đất nước phát triển, mình mong sao bọn dốt nát ấy câm bớt mồm lại.

Tết Nguyên Đán sắp đến rồi, có hoa đào nở – thứ mà Tết Tây chả có! Khí trời mưa lất phất bay cũng là thứ phương Tây không thể có được. Ngày Tết, xin thưa, vốn dĩ là đánh dấu bước chuyển của Thời gian. Giáng Sinh ở phương Tây vốn là ngày Đông Chí, cũng là ngày sao Bắc Đẩu sang rõ nhất trên bầu trời. Việc này có ý nghĩa với dân du mục hay dân hàng hải, vốn lấy sao Bắc Đẩu để định hướng. Còn ở nước ta, vốn là mảnh đất nông nghiệp định cư, ngày lễ Tết đánh dấu ngày đầu của mùa xuân bằng hoa đào nở. Mà mùa xuân cũng là lúc cây cỏ đâm chồi nảy lộc, vươn mình sinh trưởng. Đó là lý do ngày Tết, dân ta cúng bánh chưng và bánh dầy. Xin nói thêm, hình ảnh bánh chưng bánh dầy vốn không phải biểu tượng là trời tròn đất vuông đâu, mà bánh chưng vốn dĩ có hình dài như bánh tét của miền Nam, tượng trưng cho cái Linga, còn bánh dầy tròn là cái yoni. Linga và Yoni kết hợp thành một cặp biểu tượng sinh thực khí, tượng trưng cho nghi lễ nông nghiệp. (Nhà nào giờ chỉ cúng bánh chưng mà không cúng bánh dày thì coi chừng FA nha! Đừng đổ tại trời!)

Quay lại chuyện Tết Tây – Tết Ta. Các bạn cuồng Tây, sung bái Tây, thôi thì cuồng Nhật, sung bái Nhật, thì cứ nhận luôn đi. Đừng viện cớ phát triển. Hoặc đơn giản, đời sống tinh thần của các bạn này quá nhạt nhẽo, thấy bông hoa đẹp không có rung cảm, không có người nào đủ thân để vui vầy, không cảm nhận được sự chuyển mình của thời gian. Loại vỗ ngực tự xưng là nhà văn, nhà báo, trí thức… như thế thật đáng xấu hổ, chẳng qua chỉ là lũ điếm chữ mà thôi.

Cuối năm có mấy lời cay nghiệt xả nốt, lấy chỗ sạch sẽ cho đầu óc những ngày Tết trong sạch. Tết năm nào cũng vậy, mình đi ngắm cảnh khắp Hà Nội rồi về viết lách cái gì đó. Năm nay sẽ vui hơn, các bạn Book Hunter quyết định sẽ làm việc xuyên Tết. Mọi người đừng ngạc nhiên gì, làm việc để lấy cớ gặp nhau là chính thôi! Với cả, cuộc đời bọn mình hôm nào chẳng là Tết!

Bài đăng trên Facebook ngày 13/1/2017

Hà Thủy Nguyên

Home 2018 / page 9

Ủ men thơ

Ta vuốt một chùm thơ đã cũ

Trên cây đời tàn úa suốt thiên niên

Ai kẻ vãng lai mùa quá khứ

Mang về đây trọn vẹn cả màu thơ

 

Lạc bước nơi u ngục

Đếm lá rụng lá tàn

Ép chùm thơ quá khứ

Cho lên men thời gian

Hơi men say thế giới

Cho thế giới quên buồn

Cho buồn vương u ngục

Cho ngục quên cơn điên

 

Ai thương kẻ điên nơi đáy ngục

Hận nhân tình nên hồn loạn phàm thai

Này người hãy uống cho say

Cho quên thế giới

Cho siêu thoát hồn

Cho một mai lòng hết cô đơn

Mỉm cười một cái tan hờn ngàn năm

 

Ô kìa kẻ tham ăn bám đời

Có nuốt nổi men say

Cho đốt sạch bạc tiền

Cho thiêu rụi hư danh

Cho sự nghiệp tan tành

Cho cây đời lại xanh

 

Ta vun mầm thơ mới

Chờ u ngục nở hoa

Home 2018 / page 9

Lá loạn cành hoang

Lá loạn cành hoang

Lá loạn cành hoang

Xôn xao xúc cảm trời đông lộng

Ta lướt phố dài

Mây rủ một nhành mai

Chàng ngủ gục thư trai

Ôm giấc mộng hoàng đài

 

Lá tàn tàn

Phong hoang hoang

Mộng hoàng đài úa vàng trên nẻo vắng

Hoa mai trắng

Tinh tựa sương

Mềm tựa tuyết

Chân nhân đang thuyết lẽ vô thường

 

Ta thoảng điệu gió

Ta vi Vô Vi

Cõi đời lặng nhịp

Chân nhân mờ bóng

Chàng sực tỉnh rồi

Ta thành mai trắng

Chàng biết hay chăng?

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2018 / page 9

Thiên hạ không màu

Sương mưa lạnh lạnh ám không gian

Mệt mỏi giăng giăng buồn nhân thế

Ta im lặng đếm thời thời trôi lặng lẽ

Đếm tiếng ồn rơi tõm tõm hư vô

Đếm mùa mùa quay vòng trong vô nghĩa

Đếm linh hồn tàn lụi giữa đêm đông

 

Vạn sắc trôi qua

Ta ngồi thinh lặng

Thiên hạ xôn xao

Ta im bóng

Vạn hình không động

Thiên hạ không màu

Giọt nghĩ suy đọng nhành hoa trắng

 

Sương này sương, ướp lạnh hồn hoa

Mưa này mưa, ai phác màu thủy mặc

Này hoa, hoa hãy tắt hương

Cho ta lặng lẽ

Cho hơi nhè nhẹ

Vương gót tha nhân

Ta hiển lộ chân thân

Lời đếm cũng về không

 

Không, không, không là không, không, không

 

Hà Thủy Nguyên