Home Bình Luận SOI TRỌC PHÚ (2): Hệ sinh thái giàu bẩn

SOI TRỌC PHÚ (2): Hệ sinh thái giàu bẩn

Ở bài (1) của chùm bài “Soi trọc phú” với tên “Họ là ai và vì sao là họ”, tôi đã có nhắc đến việc hệ thống trọc phú giờ đây đã trở thành một hệ sinh thái. Hệ sinh thái tức là sao? Tức là mỗi cá thể trong hệ thống ấy vừa triệt hạ nhau, vừa nương tựa vào nhau mà sống theo mối quan hệ cộng sinh. Bất cứ một thành phần cá biệt nào muốn gia nhập vào hệ sinh thái tiền bẩn này, mà không chịu “tiến hóa” để “bẩn” như toàn bộ hệ thống, thì ắt là sẽ bị triệt tiêu, hoặc may ra thì phát triển một cách còi cọc.

Đương nhiên, tôi không có đủ thống kê số liệu về sự đào thải với những thứ “thiếu bẩn” mà hệ sinh thái trọc phú đang thực hiện, thế nên, tôi sẽ chỉ những câu chuyện mà tôi biết.

Tôi là một người gắn bó với sách (chứ chả dám nhận là yêu sách, tình yêu nó ảo lắm), thế nên những ngóc ngách của thị trường sách, tôi cũng có “duyên” được biết đến. Và tôi đã viết hẳn một chùm bài về“Thị trường sách Việt Nam, hiện chùm bài vẫn đang dang dở, nhưng cũng đủ để các độc giả biết ít nhiều về thực trạng của thị trường này. Ở đây, tôi sẽ tóm gọn lại mấy ý liên quan đến thị trường sách:

Mọi đơn vị xuất bản sách (dù là nhà nước hay tư nhân) phải dìm chi phí của tác giả và dịch giả xuống thấp nhất có thể và tăng chi phí phát hành. Mọi cuốn sách bán ra phải giảm giá kịch sàn để thu hút độc giả hám rẻ xông vào mua. Mọi cơ sở phân phối hay còn gọi là phát hành sách đều đua nhau ép giá đơn vị xuất bản để lấy chiết khấu rẻ nhất, rồi sắp xếp sách lộn xộn không có hệ thống sao cho thượng vàng với hạ cám phải đồng hạng với nhau (đương nhiên, sách nào có chiết khấu tốt cho nhà phân phối thì sẽ được để ở vị trí tiện lợi, còn không ấy hả, quên đi nhé!). Thế là, tác giả và dịch giả viết lách qua loa để lấy số lượng bù chất lượng. Truyền thông sách ấy hả? Hiếm hoi lắm mới có phê bình công tâm nhé, còn lại là công nghệ PR. Còn chưa kể đến biết bao chiêu trò sách in lậu, sách trốn thuế, ăn cắp bản quyền, ăn chặn tiền tác giả và dịch giả… Có thế mới giàu được ạ!

Nếu bạn cố gắng xuất bản một cuốn sách có chất lượng nội dung tốt, kỹ lưỡng, chi trả phần nhiều chi phí cho nội dung thay vì cho phân phối, bạn sẽ gặp khó khăn đủ điều: Nào thì chẳng cơ sở phân phối nào nhận sách của bạn. Nào thì một lượng lớn khách mua hám rẻ (chỉ chờ khuyến mại) sẽ quay lưng với bạn. Nào thì một dàn nick clone (mà mình khá chắc là do bên xuất bản hoặc phát hành sách nào đó không vừa lòng với cách đi hợp lý này) sẽ phá thối, nói xấu, chê bai sản phẩm mà bạn tung ra thị trường. Và nếu không may nữa, bạn không có mối quan hệ tốt với truyền thông, không có một kênh thông tin riêng, không có một cộng đồng (dù nhỏ thôi) để lên tiếng bảo vệ mình, thì bạn chắc chắn sẽ bị dìm đến không ngóc đầu lên được. Và nếu bạn chẳng giàu nhanh như những kẻ buôn sách kia, hẳn bạn sẽ bị coi là… không biết kinh doanh. Thôi đành!

Ở một thị trường khác mà tôi biết ít hơn, nhưng cũng gọi là có góp mặt, đó là nông nghiệp sạch. Để làm nông nghiệp sạch ở một quốc gia có mật độ ô nhiễm cao như Việt Nam, thật sự là một khó khăn. Nhưng để sạch được, chi phí cho sản xuất sẽ cao ngất ngưởng và đương nhiên, doanh nghiệp làm nông sẽ lãi rất thấp. Trong khi ấy, nông nghiệp bẩn vẫn thuốc trừ sâu, hóa chất nguy hại, và còn chưa kể đến môi trường thiếu tiêu chuẩn an toàn… thì dễ rồi, toàn tập đoàn lớn với tài sản vô biên cả! Sản phẩm của họ giá rẻ vượt trội để choán chỗ và thay thế cho sản phẩm sạch trên mọi kệ hàng từ tạp hóa đến siêu thị, từ hàng cóc ven đường cho đến nhà hàng sang chảnh. Làm nông nghiệp sạch thì khó đủ điều. Lãi đã ít, phân phối khó, lại không bảo quản được lâu, và cứ thế thì giàu được khó lắm. Biết bao người làm nông nghiệp sạch đã phá sản, bao nhiêu người chán nản, và biết bao nhiêu người giảm bớt độ “sạch” đi để tăng độ “bẩn” cho dễ sinh tồn.

Các cụ có câu “phi thương bất phú”, nhưng “thương” bây giờ chưa đủ”, phải “trọc” thì mới “phú” được. Chẳng biết từ bao giờ, khái niệm “thương” là phải gắn với việc làm ăn bẩn thỉu: làm sản xuất thì phải ăn bớt nguyên liệu, độn xấu vào tốt; làm dịch vụ thì phải ăn chặn, ép giá, trốn thuế; làm khai thác thì phải đào bất chấp hậu quả; buôn tiền thì phải biết mua chuộc truyền thông và dư luận để tăng hạ giá trị theo ý thích… “Thương” từ ý nghĩa tích lũy và trao đổi tài sản, đã dần dần trở thành lừa lọc và dối trá để trục lợi cho bản thân.

Đến đây, chắc nhiều người cười tôi là ngây thơ, vì họ tin rằng phải giả dối thì mới kiếm được nhiều tiền. Những người này quả đã bị lòng tham che mắt. Tôi sẽ kể một câu chuyện khác, về một thời đại khác mới gần đây thôi.

Chả là hồi năm 2016, tôi có dịp nói chuyện với gia tộc họ Phó buôn thuốc bắc nổi tiếng một thời ở phố Lãn Ông. Tôi được nghe câu chuyện “làm giàu” của nhà họ Phó ở những năm đầu thế kỷ 20.

Cụ Phó Đức Tiến, cụ tổ thứ mười của gia tộc này, vì gia cảnh khốn khó, phải lên phố Phúc Kiến (tức phố Lãn Ông) buôn bán thuốc Bắc. Năm 23 tuổi ông đã tậu được nhà ở phố Phúc Kiến, năm 35 tuổi thì đã rất giàu có, theo như gia phả ghi lại thì bấy giờ cụ đã “nghiễm nhiên thành một ông vua trong nghề buôn thuốc Bắc ở Hà Nội”. Tại sao cụ lại giàu nhanh như vậy? Không phải bởi vì cụ tham của ăn bớt, mà vì chữ tín. Khi cụ còn đang khốn khó, có một lần, một tiệm thuốc của Hongkong gửi nhầm đơn hàng cho cụ, thay vì gửi lô thuốc tam thất thì lại gửi một lô rất lớn linh chi và nhân sâm. Lô thuốc quý ấy có giá trị rất cao, giá mà cụ cứ giữ lại thì cũng giàu nứt đố rồi, thừa tiền để vương giả. Nhưng thay vì đó, cụ liên lạc với bên Hongkong vào yêu cầu họ nhận lại lô hàng. Bên Hongkong rất cảm động, nên cho cụ phân phối độc quyền rất nhiều thuốc quý ở Việt Nam. Đó là lý do cụ Phó Đức Tiến ở tuổi thanh niên đã có thể trở thành “ông vua thuốc Bắc” ở kinh thành. Người con kế thừa việc kinh doanh của cụ là cụ Phó Gia Tường đã ngày một phát triển sản nghiệp trong Nam ngoài Bắc, còn hỗ trợ tiền để in sách, sửa sang đền Ngọc Sơn, xây dựng đình Thủy Tạ để văn nhân trí thức tới ngâm vịnh và bàn bạc việc giang sơn… Con cái của cụ, cụ cũng dậy dỗ cốt sao giữ lấy cái đức, chứ không lấy lẽ thịnh suy sang hèn mà bận tâm. Tiếc rằng, thế sự bãi biển nương dâu, thời hoàng kim của họ Phó đã qua sau Cải cách ruộng đất. Phố Phúc Kiến ngày nay không còn là xưởng thuốc của nhà họ Phó, và gần như người họ Phó không còn giữ được nghề thuốc, nhưng họ vẫn hiền lành như xưa, cam phận sống trong ngõ hẻm phố cổ và giữ vẻ phong lưu còn sót lại của dân Hà thành.

Mỗi lần nghĩ về gia tộc họ Phó, lòng tôi luôn xen rất nhiều tiếc nuối. Đã từng có thời nước ta có những người nhà giàu như thế. Sự suy tàn của họ tính đến nay còn chưa được 100 năm, mà sao đã thấy xa như truyền thuyết. Thế mới hiểu được cái ngậm ngùi trong hai câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan:

“Lối xưa xe cũ hồn thu thảo

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”

Chữ tín trong thương trường giờ đây vẫn là một cái gì đó xa lạ, có khi nực cười. Và thương nhân biết giữ chữ tín, cũng có thói quen văn nhã khác hẳn đám trọc phú chỉ chăm lo cho cái mẽ mà vẫn lòi đuôi trọc phú.

Quay lại với hệ sinh thái trọc phú ngày nay, tôi có thể tạm kê ra mấy tầng trọc phú như sau:

–  Bề thế nhất hẳn phải là các đại gia bất động sản, khai thác mỏ, khu công nghiệp. Họ chiếm đất, xây công trình, đào xới tài nguyên thiên nhiên nhiều tới mức gây ô nhiễm môi trường, phá hoại cân bằng sinh thái tự nhiên, phá hoại cảnh quan, hủy hoại văn hóa địa phương… Mà họ khôn lắm nhé, chiếm đất là phải chiếm nơi có phong thủy đắc địa, đồ dùng trong nhà không phải kim loại quý hiếm thì cũng gỗ quý nguyên khối, ăn thịt là phải động vật hiếm còn tươi sống bắt trong rừng ra… Đừng hỏi tại sao đất trống đồi trọc, lũ lụt triền miên, bụi bẩn tung trời… Nếu xét về độ tàn phá, thì nhóm trọc phú này là tội lớn nhất. Đó là còn chưa kể đến các tội như cướp đất của dân, bóc lột nhân công giá rẻ khá là phổ biến, nhưng mà thôi, dân Việt ta kể cũng hiền, đã quen với cảnh “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan” thì giờ có thêm lũ cướp trọc phú này cũng có sao đâu. Các đại gia trọc phú này là các anh lớn, các titan cai quản thượng tầng của giới trọc phú. Bởi không có họ thì lấy đâu ra  nguyên nhiên liệu, ra nhà ở, khu du lịch vui chơi giải trí nhảm …v…v… để nuôi các trọc phú khác.

–  Thứ nữa là đến đám buôn tiền. Buôn tiền kể ra thì cũng không có gì xấu. Tiền ngoài chức năng để giao dịch ra thì giờ đây cũng là một loại sản phẩm, và nó có thời giá. Người buôn tiền dựa vào sự khác biệt trong thời giá này mà hoặc là giàu to hoặc là phá sản. Buôn tiền, suy cho cùng cũng chẳng khác nào buôn các thứ khác. Người giỏi tính toán xác suất sẽ đo được thời gian, còn không thì chỉ biết cầu trời cầu Phật phù hộ. Nhưng đời nào người ta an phận thế. Người ta phải tự tạo ra thời giá bằng tin đồn, bằng scandal, bằng công nghệ PR… ôi thôi đủ cả chiêu trò. Đương nhiên, tất cả các thủ thuật ấy vẫn có thể tạm chấp nhận được. Nhưng mà khi buôn tiền trở thành một nghề để sống thì vô tình nó trở thành một dung môi cho đám người lười biếng, ăn không ngồi rồi lao vào kiếm tiền nhanh mà chẳng cần nghề ngỗng gì. Kiếm tiền nhanh thì tiêu nhanh, mà tiêu nhanh thì thường tiêu ngu, tiêu ngu lại chỉ béo lũ sản xuất bẩn mà thôi.

–  Các đại gia sản xuất bẩn nhiều nhan nhản vô kể, ở đủ mọi ngành nghề, bao trọn mọi khía cạnh của đời sống chúng ta đang có. Họ nhiều tới mức mà ta có cảm tưởng như thiếu họ thì ta không thể nào mà sống nổi. Cái sự bẩn của họ thì tôi đã nói ở trên rồi, thiết nghĩ không cần nói ở đây thêm nữa.

–  Các ngành dịch vụ thì tốt xấu lẫn lộn lắm, nhưng mà xấu nhiều hơn tốt. Thường các ngành dịch vụ tốt thì thuần túy là phục vụ khách hàng thôi, còn những ngành đòi hỏi phải thêm tí… nội dung như truyền thông, nhà hàng – khách sạn, … thì thế nào cũng có trò bẩn bựa. Bẩn bựa thường đến từ việc nhân sự quá ngu dốt nhưng lại được nắm vị trí then chốt như quản lý nội dung, quản lý kỹ thuật, hay thiết kế, hay đầu bếp… chẳng hạn. Thế là dịch vụ chẳng đâu vào đâu. Nhưng mà chả sao, yêu cầu của dân Việt căn bản là thấp; xem truyền hình hay báo chí thì cứ ồn ào, nhảm nhí là được, còn nhà cửa thì cứ có điều hòa và chăn gối sạch sẽ là Okie,… chả cần biết thế nào là hay là đẹp! Giá rẻ, có khuyến mãi nữa thì nhất rồi! Bẩn của những ngành kiểu này, buồn thay, lại đến từ sự ngu dốt. Mà khách hàng dùng mãi dịch vụ kém kém rồi, dùng thứ tối ưu hơn, đẹp đẽ hơn, hay ho hơn, chắc gì đã dùng nổi.

–  Hệ thống tuyên truyền tính trọc phú là một yếu tố rất quan trọng trong hệ sinh thái này. Hệ thống này muôn hình muôn vẻ và biến chuyển không ngừng, mục đích là để lôi kéo nhiều người tham gia vào hệ sinh thái trọc phú hơn. Trước đây, hệ thống này chỉ có tính chất truyền miệng. Tức là mấy ông bà trọc phú trong lúc cỗ bàn, vỗ bụng vểnh râu (ông) hay ưỡn ẹo khua môi múa mép (bà) để khuyên bảo người này người kia là phải nhơ bẩn như họ. Rồi họ gia ơn cho người ở quê, đưa người cùng quê lên làm việc cho mình, đào tạo đồng hương trở thành con zombie mang lại tài sản cho họ. Những người quê mới lên tỉnh, dần dần tạp nhiễm các thói xấu ấy, rồi ước mơ được như ông chủ, dần dần, họ chưa giàu nhưng đã ô trọc mất rồi. Sau này có thêm các sách dạy làm giàu, rồi các cộng đồng doanh nhân có niềm tin bất diệt rằng họ là những kẻ cứu rỗi xã hội khỏi cơn đói nghèo, rồi truyền thông… Tinh tế hơn, họ dùng hàng hiệu đắt tiền (mà chả cần biết giá trị thực của sản phẩm) để cố phân biệt mình với những người không hàng hiệu, cố tự huyễn rằng mình đã bước chân vào một đẳng cấp khác – giới nhà giàu. Đây chỉ là những cái vỏ để che đậy sự yếu hèn, mặc cảm bên trong. Và hơn bất cứ ai khác, một khi đã bước chân vào giới trọc phú, người ta sẽ quý trọng cái vỏ hơn là chính bản thân mình. Đám tuyên truyền chuyên nghiệp cho hệ thống này cũng biết cách lắm, cứ đánh vào tâm lý thích chứng minh đẳng cấp bằng cái vỏ này, mà tâng giá, mà moi cho đến nơi đến chốn túi tiền của đám trọc phú đồng hạng.

–  Hệ thống tham nhũng cả ở cõi dương và cõi âm: Đương nhiên, để làm tiền bẩn đến thế, không thể phủ nhận sự tiếp tay của các quan chức tham nhũng. Họ nhận tiền của trọc phú, mắt nhắm mắt mở cho qua mọi chiêu trò bẩn thỉu, thậm chí còn là công cụ để triệt hạ các đối thủ. Tương tự như vậy, các thần Phật được thờ cúng ở chùa chiền, đền đài giờ đây cũng chẳng khác nào quan tham nhũng. Nghe nói ở đâu cầu thiêng lắm, được lộc lắm, là các trọc phú cho đến đám học đòi đều lao đến xin phúc, xin lộc. Chả biết thần Phật có thật sự gánh hết tham – sân – si ấy hay không chứ nơi linh thiêng bây giờ thực sự đã trở thành ngành dịch vụ buôn may bán rủi. Cao cấp hơn, có vài trọc phú cũng tu thiền tu Phật, thở vài hơi ra là nói giọng cao đạo giảng giải. Mượn ý của Osho, nói gọn lại là, ngày xưa họ nói về tiền thì giờ họ nói về thiền, có khác gì nhau đâu. Tất thảy đều là những lời tự xoa dịu, với niềm hi vọng rằng thiền và Phật hay những thứ tương tự có thể giúp họ rửa sạch tội lỗi đã giúp họ có được tiền tài kia. Thậm chí, tu tập như thế, giúp họ có năng lượng tốt, và năng lượng tốt sẽ kêu gọi nhiều tiền về hơn cho họ!

Thôi, nhưng mà dù sao cũng cảm ơn các trọc phú. Nhờ có họ, tôi có cái để so sánh, để nhận ra rằng ở đời còn có nhiều việc phải làm. Nếu không, cái kẻ lười biếng và thiếu ý chí như tôi lại mang tiếng “Ăn no rồi lại nằm khoèo/Nghe giục trống chèo vác bụng đi xem”.

Hà Thủy Nguyên

Soi trọc phú (3) Đã dốt còn ghét chữ

Chẳng biết từ bao giờ, các trọc phú lại nuôi một lòng chán ghét với chữ nghĩa, có lẽ là từ… ngàn xưa rồi. Bởi vì có chữ nghĩa vào đầu, hay nói cách khác là có kiến thức, thì các trọc phú sẽ cảm thấy khó kiếm tiền hơn. Làm sao có thể xây những tòa cao ốc vô tội vạ nếu biết lấn biển, san núi, chặt rừng… có thể gây ra hậu quả gì… Làm sao có thể ngang nhiên bán thực

“Giặc xấu” bắt đầu tàn phá Hội An?

Bài viết lên án dự án Công viên Ấn tượng và chương trình thực cảnh Ký ức Hội An Những ngày tháng 4 vừa qua, dư luận báo chí xôn xao về sự tàn phá môi trường và cảnh quan của dự án Công viên Ấn tượng và chương trình thực cảnh Ký ức Hội An trong khu vực Phố Cổ Hội An. Ở bài viết này tôi sẽ không đề cập đến vấn đề pháp lý hay những nguy hại về môi trường mà

Soi trọc phú (1): Họ là ai và tại sao lại là họ?

Lưu ý khi đọc chùm bài “Soi trọc phú”: -  Người nhà giàu không nhất thiết là trọc phú và trọc phú không nhất thiết phải rất nhiều tiền -  Giàu có là tốt nhưng trọc phú thì lố bịch -  Trọc phú không đáng ngại bằng Tính trọc phú lây lan rộng trong xã hội qua các môi trường doanh nghiệp, truyền thông, ẩm thực, du lịch… Thử định nghĩa lại trọc phú Từ điển Hán Việt của Nguyễn Quốc Hùng định nghĩa “trọc phú” là