Home Bình Luận Thị trường sách Việt Nam (5): Trớ trêu sách dịch

Thị trường sách Việt Nam (5): Trớ trêu sách dịch

Những người yêu sách và có tri thức ở Việt Nam không ít lần phải bực bội khó chịu với những bản dịch được xuất bản có nhiều sai sót. Người ta thường đổ toàn bộ trách nhiệm cho dịch giả, thế nhưng để có một bản dịch tệ hại thì cần có sự tồn tại của một hệ thống biên tập thiếu chuyên môn và một hệ thống giảng dạy tiếng Anh thiếu trách nhiệm.

Một bản dịch tệ thường có rất nhiều kiểu sai phạm. Kiểu dễ nhận biết nhất là dịch sai khái niệm và thuật ngữ. Kiểu khó nhận biết hơn là sai ngữ pháp trong khi diễn đạt tiếng Việt. Và khó nhận biết hơn nữa là dịch sai ý của câu do ngoại ngữ không vững. Ba kiểu dịch tệ này, các dịch giả đều có thể mắc phải trong quá trình dịch, không chỉ với những nhà sách nhỏ mà còn với cả những nhà xuất bản, nhà sách có uy tín như Nhà xuất bản Tri Thức (ví dụ như cuốn “Căn tính và bạo lực”), Nhà xuất bản Trẻ (ví dụ như cuốn “Bức chân dung Dorian Gray”), Nhà sách Alpha Book (đã đề cập ở trên_, Nhà sách Nhã Nam (ví dụ như cuốn “Lolita”)…v…v… Thường thì khi bị độc giả kêu ca về bản dịch, họ (từ dịch giả đến biên tập của nhà sách) thường bỏ lơ hoặc cố chấp không nhận sai cũng như không đưa ra được bằng chứng chứng minh việc mình dịch đúng. Thế là cộng đồng lại huyên náo lời ra tiếng vào.

Như đã nói ở trên, đằng sau một bản dịch tệ còn có hai hệ thống đang vận hành để tạo ra cái tệ đó. Tôi xin được lần lượt đề cập đến những nguyên nhân sâu xa ấy thay vì trách móc dịch giả.

Không có đội ngũ biên tập có trình độ, mà cụ thể là trình độ ngoại ngữ tốt là nguyên nhân dễ thấy cho tình trạng dịch thuật tệ hại. Một bản dịch sau khi được hoàn thành sẽ được đưa thẳng đến biên tập viên tiếng Việt. Đội ngũ biên tập này (may ra thì biết ngoại ngữ ở mức độ sơ cấp) sẽ đọc qua phần tiếng Việt và không đối chiếu với bản tiếng nước ngoài. Sẽ dễ dàng hơn với các bản dịch từ tiếng Anh bởi tiếng Anh giờ đây đã khá phổ biến. Thế nhưng, nếu biên tập không có đủ kiến thức chuyên ngành hay không quen với các văn phong hàn lâm thì biên tập ấy cũng không đủ trình độ để sửa chữa giúp dịch giả hay thẩm định về chất lượng nội dung. Tóm lại, biên tập mà trình độ thua quá xa so với dịch giả hoặc không đủ kiến thức để duyệt sách, thì biên tập ấy cùng lắm chỉ có thể sửa lỗi chính tả.

Một thế hệ người dịch kém chất lượng đã được hình thành do thói quen “ăn xổi” từ trên ghế nhà trường. Học ngoại ngữ vốn dĩ không phải là việc quá khó thế nhưng chương trình học kiểu “monkey see monkey do” do các trường học và các trung tâm ngoại ngữ lan truyền đã khiến cho các học viên không nắm được các nguyên tắc của ngôn ngữ ấy như tính đa nghĩa của từ vựng, cấu trúc ngữ pháp, các lối thành ngữ hoặc chơi chữ…v…v… Các học viên này học theo lối “cày cuốc” lấy điểm thi, mà chủ yếu là thi trắc nghiệm. Thế nên, một sinh viên đạt điểm xuất sắc trong các kỳ thi ngoại ngữ cũng chưa chắc có khả năng dịch một bài luận hay một cuốn sách cho đến nơi đến chốn.

Thêm nữa, với sự xuất hiện của Google Translate, người ta có thể copy nguyên phần văn bản vào để dịch rồi sửa lại sao cho mượt mà, dễ đọc. Google Translate rất hiệu quả nếu chúng ta dịch tin nhanh, nhưng dịch những văn bản mang tính chất hàn lâm hay văn chương thì hệ thống này sẽ cho chúng ta thấy một thảm họa dịch thuật. Tôi đã từng tuyển một nhóm bạn trẻ học ở trường Đại học ngoại ngữ Hà Nội và trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh (đều là những sinh viên xuất sắc có điểm số cao, trong đó có người đang học cao học) để tham gia dịch một cuốn sách nghiên cứu về hệ thống bầu cử. Khi đọc bản dịch của họ, phải thừa nhận, rất êm tai dù không hiểu gì. Đến lúc đối chiếu với bản gốc thì thấy rằng những bản dịch này sai hoàn toàn so với nguyên tác. Tôi đã chất vấn họ về bản dịch, họ thừa nhận sử dụng Google Translate và cho biết rằng ở trường mọi người, kể cả thày cô của họ vẫn làm như thế. Sau đó, tôi đã phải cho dịch lại từ đầu, chấp nhận kéo dài deadline đến tận bây giờ. Điều này khiến tôi tự hỏi, không biết bao nhiêu bản dịch, từ báo chí cho đến sách vở được dịch theo cách này? Những ông chủ, bà chủ, những biên tập viên, những độc giả dễ dãi liệu có tưởng tượng được rằng chúng ta có thể bỏ một số tiền “không hề rẻ” để mua một bản dịch sửa chữa lại phần dịch máy của Google Translate?

Cục xuất bản thu hồi không ít cuốn sách vi phạm về chính trị hay về thuần phong mỹ tục, nhưng Cục xuất bản chưa bao giờ có mức xử phạt hợp lý với những vi phạm hiển nhiên về mặt đạo đức nghề nghiệp như vi phạm bản quyền hay dịch thuật kém chất lượng. Và thế là, bản dịch sai cứ được in, được bán, được PR rầm rộ mà không có bất cứ cơ chế nào đảm bảo quyền lợi cho người mua sách. Người mua sách chỉ có thể ngậm đắng nuốt cay, cùng lắm là tẩy chay nhà sách.

Nhưng hậu quả khó lường lắm. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục diễn tiến và lan rộng, chúng ta sẽ có một thế hệ trẻ học kiến thức sai, sử dụng tiếng Việt sai và có thái độ làm việc sai. Việc cho ra đời một cuốn sách dịch kém chất lượng chẳng khác nào bán ra thị trường thứ thực phẩm đầy hóa chất độc hại được đắp lên màu mè bắt mắt mà người ta đang bài trừ. Chính phủ đã phát động chiến dịch vệ sinh an toàn thực phẩm, không biết khi nào mới phát động chiến dịch “vệ sinh nội dung sách” nhỉ!

Hà Thủy Nguyên 

Thị trường sách Việt Nam (9): Đàm phán xuất bản sách, cần thận trọng với tác quyền

Đã hơn 2 năm rồi tôi không bàn về thị trường sách, dù rằng 2 năm vừa qua thị trường sách thật sôi động và lắm “drama”. 2 năm, có lẽ tôi cũng nhặt nhạnh thêm được kha khá vấn đề của thị trường sách Việt Nam, và đã đến lúc “khai bút” trở lại, và xin được bắt đầu bằng vấn đề tác quyền. Tôi đặt ra vấn đề tác quyền và đàm phán xuất bản sách khi dư luận trên facebook đang xôn

NHÀ XUẤT BẢN CỦA GS CHU HẢO VÀ MỘT Ý TƯỞNG TRUYỀN BÁ TRI THỨC…

Ngay khi thông tin về việc Giáo sư Chu Hảo bị kỷ luật vì những cuốn sách có tư tưởng chính trị do NXB Tri Thức ấn hành thì lập tức một đợt sóng truyền thông rầm rộ trên Internet và người ta đua nhau đi ôm sách NXB Tri Thức về nhà. Họ khoe nhau những tủ sách ngập sách NXB Tri Thức, những bức ảnh chụp bác Chu Hảo. Có lẽ các siêu sao Việt Nam chẳng ai có bộ sưu tập ảnh

Các lỗi sai trong dịch thuật triết học và Năng lực học thuật thực sự của nhóm NHẶT SẠN DỊCH THUẬT do ông Trần Đình Thắng chủ xướng

Trong những ngày vừa qua, Book Hunter và tôi trải qua một cuộc tấn công liên hồi của nhóm NHẶT SẠN DỊCH THUẬT do ông Trần Đình Thắng chủ xướng và facebooker Nguyễn Việt Anh, hai “dịch giả” mà chúng tôi chưa bao giờ “có cơ hội” làm việc cùng. Nhóm này, dưới danh nghĩa vì nỗ lực nâng cao chất lượng bản dịch, thường xuyên tấn công chúng tôi trong dòng sách triết học.  Xin được nói sơ qua những khó khăn trong việc

THỊ TRƯỜNG SÁCH VIỆT NAM (2): XUẤT BẢN MỘT CUỐN SÁCH, VỪA KHÓ VỪA DỄ

Đọc chùm bài "Thị trường sách Việt Nam" tại đây: https://hathuynguyen.com/tag/thi-truong-sach-viet-nam/ Chưa bao giờ ở Việt Nam, xuất bản một cuốn sách lại dễ dàng đến thế. Chi phí rẻ, mọi sự cấp phép đều có thể mua, mọi sự quảng bá có thể dùng tiền để đánh đổi. Tóm lại, một tác giả có sách xuất bản không còn là niềm tự hào vì tri thức và tâm huyết của mình được công nhận nữa, mà tất cả chỉ đơn thuần là kinh doanh.

Thị trường sách Việt Nam (7): Khi văn hóa đọc thiếu nền tảng học thuật và pháp luật

Có lẽ chưa bao giờ văn hóa đọc lại nở rộ như ngày nay, đặc biệt là sự hỗ trợ từ chính quyền và các kênh báo đài chính thống. Không khí tấp nập nhộn nhịp trong các hội trợ sách, các hội thảo sách, các cuộc chạy đường trường cổ vũ phong trào đọc dường như làm sống dậy cái không khí Đông Kinh nghĩa thục: “Buổi diễn thuyết người đông như hội/Kỳ bình văn khách đến như mưa”. Chứng kiến cảnh “trăm hoa