Home Bình Luận Bạn đang làm gì với cuộc đời mình: Sáng tạo hay thụ động?

Bạn đang làm gì với cuộc đời mình: Sáng tạo hay thụ động?

“Vốn dĩ trên thế giới này làm gì có đường, người ta đi mãi rồi cũng thành đường thôi” – (“Cố hương” – Lỗ Tấn)

Trong nhiều thế kỷ, chúng ta được gieo rắc vào đầu ý tưởng rằng chúng ta chỉ là những quân cờ trong bàn tay của định mệnh. Từ “định mệnh” tiếng Anh là “fate”, có gốc từ “fata” – tên gọi ba vị thần nắm giữ sợi chỉ của số mệnh con người trong thần thoại Hy Lạp. Người Trung Quốc thì cho rằng mỗi người đều có “thiên mệnh”, tức là một sự sắp đặt nào đó của ông trời. Người Ai Cập cổ, người Ấn Độ cổ, người Do Thái, Thiên Chúa, Hồi giáo đều lý giải nguồn gốc của con người bắt đầu từ sự sáng tạo của Thượng Đế. Con người từ rất lâu đã quen với ý niệm về quà tặng, về sự may mắn, sự dựa dẫm, sự cứu rỗi, sự trừng phạt.. đều từ người sáng tạo, chỉ có một số rất ít bắt đầu đòi hỏi về quyền tự do ý chí. Những kẻ hiếm hoi và lạc bầy đó là những người đầu tiên lên tiếng đòi hỏi quyền được tạo tác hệ thống, đòi được tự mình điều khiển. Chính họ là những kẻ ăn cắp ngọn lửa thiêng của Olympia (1) , những kẻ dám ăn trái cấm (2) , những kẻ dám giương cung bắn rụng mặt trời (3).

Nhắc lại câu chuyện xa xưa, tôi muốn gợi cho các bạn một ý nghĩ: Không cần biết những truyền thuyết về nguồn gốc loài người là đúng hay sai, nhưng dễ dàng để nhận thấy một điểm chung, chúng ta đã quá quen với việc thụ động và bị điều khiển bởi ai đó hay một quy luật nào đó. Nhiều người sẽ phản ứng khi đọc câu này và nói rằng: “Không! Tôi đang làm chủ cuộc đời tôi! Tội tự kiếm ra tiền! Tôi hoàn thành tốt công việc của tôi! Tôi đấu tranh cho những điều đúng đắn!” Bạn không nhìn thấy những sợi xích, điều đó không có nghĩa là bạn tự do. Đó là nghệ thuật của những người đang kiểm soát hệ thống.

Khi bạn chào đời, bạn phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống, bạn không tự kiếm được thức ăn, bạn không thể tự bảo vệ, bạn không thể tự tạo ra ngôn ngữ. Những lời dạy dỗ của bố mẹ, thày cô giáo bỗng chốc trở thành tiếng gọi bên trong chi phối tâm trí của bạn. Khi lớn lên, bạn quên mất điều đó nhưng chúng vẫn tồn tại và ăn lan trong vô thức. Lớn lên, khi bạn đi học, nhà trường đưa ra cho bạn một loạt quy định và để sinh tồn suốt mười mấy năm học, bạn buộc phải tuân thủ mà không được phép chống đối. Và cứ thế, cứ thế… hết lần này lần khác… bạn cho rằng mọi sự số phận đã sắp đặt cho bạn. Đó là ảo tưởng.

Nhiều người cho rằng ở xã hội hiện đại chúng ta tự do nhiều hơn. Định luật vạn vật hấp dẫn của Newton, thuyết tiến hóa của Darwin …  đã đập tan sự ảnh hưởng thần thánh của Tạo Hóa đối với con người, đã giải phóng con người khỏi niềm tin mù quáng. Xã hội tư bản bắt đầu định hình, cơ sở vật chất phát triển, con người được nhiều quyền lợi mà trước đó không có, nhưng hãy thử nghĩ xem, chúng ta có thật sự được tự do. Thay vì gánh vác định mệnh của mình, chúng ta phải thực hiện cái được gọi là “vai trò xã hội”. Trong thời thần quyền và phong kiến, chúng ta chấp nhận định mệnh của mình bằng việc phục vụ thần thánh, đóng góp cho vua chúa… Trong xã hội đương đại, chúng ta có vẻ như chẳng phải phục vụ ai ngoài bản thân và gia đình.

Bây giờ tôi xin được kể một câu chuyện khác, dường như không ăn nhập gì nhưng lại rất liên quan đến chủ đề chúng ta đang nói. Câu chuyện này có thể là rất quen với các bạn: Một anh chàng sinh viên với hy vọng về sự thành công, để thành công, anh ta buộc phải học thật tốt kiến thức ở trường và ních cho đầy não những gì người ta dậy anh. Rời khỏi trường, anh ta nhận ra rằng mấy thứ vớ vẩn trường dậy chẳng giúp ích gì cho công việc tương lai của anh ta, anh ta phủ nhận chúng hoàn toàn. Anh ta bắt đầu thấy vấn đề dùng trang phục hàng hiệu, mua sắm xe đẹp, xuất hiện trong các nhà hàng sang trọng và ngoan ngoãn hoàn thành mọi yêu cầu của sếp… mới chính là con đường dẫn tới thành công. Anh ta nghĩ rằng anh ta đã làm chủ vận mệnh của mình. Thực ra anh ta đang làm công việc anh ta không thích, mua những đồ không xứng với giá trị thực và tiêu phí thời gian để nuôi sống kẻ khác chứ không phải bản thân mình. Quảng cáo, truyền thông nói rằng khi anh ta sử dụng những đồ xa xỉ ấy, giá trị bản thân anh ta sẽ được nâng cao và anh ta tin là như thế. Trên thực tế, anh ta chỉ là một kẻ tiêu thụ ngu ngốc tin vào lời dụ dỗ đốt tiền vào các mặt hàng để nuôi sống những ông chủ lớn. Hãy thử nhìn sự liên hệ, về bản chất niềm tin giá trị con người được nâng cao bằng đời sống xa xỉ trong xã hội hiện đại chẳng khác nào niềm tin về việc Chúa sẽ cho chúng ta lên Thiên Đàng nếu chúng ta ngoan ngoãn nghe lời.

GqGTu
Nhận việc. Đi làm. Cưới xin. Có con. Hợp thời trang. Hành động bình thường. Đi trên vỉa hè. Xem TV. Tuân thủ luật pháp. Để dành cho lúc về già. Nào, hãy lặp lại lời tôi: Chúng ta tự do.

Tôn giáo, chính phủ, truyền thông, tiền tệ, thương mại dịch vụ, giáo dục… tất cả những thứ đó đều biến bạn trở thành những kẻ thụ động của hệ thống. Trong một hệ thống luôn tồn tại ba dạng người: sáng tạo hệ thống, vận hành hệ thống và người tiêu thụ. Nhìn lại các hệ thống trong lịch sử, ta sẽ thấy rằng chỉ có một vài người sáng tạo hệ thống, rất ít người vận hành hệ thống và số còn lại, số đông là người tiêu thụ. Với mô hình đó, các hệ thống trong cùng một thời đại rất kém phát triển, ít tương tác và nguy cơ xung đột với hệ thống khác luôn là vấn đề hệ trọng? Tại sao lại vậy?

Trước hết, ta thấy rằng vai trò sáng tạo hệ thống thường bắt nguồn từ tôn giáo và triết học. Plato định hướng các giá trị con người, Aristote đưa ra học thuyết chính trị và mô hình tư duy mẫu mực, Moses sáng lập Do Thái giáo, Christ sáng lập Thiên Chúa giáo, Thích Ca Mâu Ni sáng lập Phật giáo, Khổng Tử sáng lập mô hình nhà nước Nho giáo. Những người sáng tạo hệ thống, họ không bị ràng buộc bởi hệ thống, họ vô chính phủ, vô đạo đức, vô giáo dục, họ hướng tới một lý tưởng cao đẹp, họ là những “siêu cá nhân”. Ở xã hội hiện đại, họ là Voltaire (4), Nietzches (5) , là những người phát minh ra máy tính, ra Internet, những người có thể giải mã bản đồ gene … Họ giữ vai trò là những kẻ đột biến và lây lan sự đột biến, sau đó hệ thống tự động hình thành.

Sự ra đi của những người sáng tạo hê thống bắt đầu nảy sinh lớp người kiểm soát và điều khiển hệ thống. Mọi lý thuyết của người sáng tạo được  nhắc đi nhắc lại như một sự cài đặt tâm trí với người trong hệ thống. Người trong hệ thống gần như không có quyền lựa chọn hoặc không biết đến quyền lựa chọn. Sự duy trì hệ thống bảo đảm quyền lợi của những người kiểm soát, thế nên không một người kiểm soát nào có nhu cầu phá hủy hệ thống. Và cứ thế, những người thụ động trong hệ thống trở thành công cụ để bảo vệ, thành thịt tươi để nuôi sống hệ thống. Nếu bạn đã đọc sách hoặc xem bộ phim “Cloud Atlas” được sản xuất năm 2012, bạn sẽ thấy hình ảnh của chính chúng ta trong những cô gái nhân bản vô tính. Chúng ta được sinh ra để phục vụ hệ thống, chúng ta làm theo mọi quy định hệ thống đặt ra, khi chúng ta hết giá trị sử dụng, chúng ta bị giết chết và đưa vào nhà máy sản xuất thức ăn để tái chế. Bạn có nhớ điều gì bắt ép các cô gái nhân bản phải tuân phục không? Sự đe dọa của chiếc vòng cổ tử hình và niềm tin được “thăng thiên” mà trên thực tế cả hai đều dẫn đến cái chết. Mọi hệ thống đều luôn kiểm soát bạn bằng hai cách: Đe dọa và tạo niềm tin. Mỗi thời đại khác nhau, mỗi hệ thống khác nhau, chúng lại có những hình thức khác nhau. Những người kiểm soát hệ thống cũ đều mong muốn hệ thống của mình được nhân rộng và sợ hãi khi thấy có hệ thống khác mạnh hơn hặc có khả năng đe dọa đến quyền lợi của mình. Bởi vậy, khi cố định thuộc một hệ thống, con người có xu hướng tẩy chay sự khác biệt bằng cách hủy diệt hoặc coi những gì bên ngoài hệ thống là tội lỗi, xấu xa, một dạng quỷ dữ.

Bạn có bao giờ thử hình dung rằng chính cuộc đời bạn là một hệ thống. Bạn tự sáng tạo ra hệ thống cho riêng bạn, bạn kiểm soát nó và bạn cũng là người trong nó? Điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn việc trở thành một trong ba thành phần của hệ thống. Nhưng thời thế đã thay đổi. Con người giờ đây không bị giới hạn bởi duy nhất một hệ thống, họ có khả năng tham gia nhiều hệ thống một lúc hoặc không tham gia bất cứ hệ thống nào. Tuy nhiên, điều này chưa được biết đến nhiều. Phần lớn chúng ta, dù tìm mọi cách để phủ định, chúng ta vẫn cứ tin rằng chúng ta là những kẻ thụ động trong cuộc sống này, mọi con đường cứ bày ra trước mắt và chúng ta cứ thế mà  nhắm mắt đưa chân. Chúng ta chấp nhận những gì xã hội nhồi nhét vào đầu chúng ta, bằng lòng với loại kiến thức thứ cấp và bị dụ dỗ bằng những con mồi của thành công, của quyền lợi, của danh dự.

Mỗi chúng ta là một phần tử của hệ thống, không chỉ có thế, mỗi chúng ta là một phần tử của vũ trụ trong một tổng thể vững chắc. Khi một phần tử thay đổi, nó sẽ tạo thành phản ứng dây chuyền và tạo ra sự thay đổi toàn hệ thống. Bởi thế, vai trò của những người kiểm soát hệ thống chưa bao giờ là cần thiết cho sự phát triển, ngược lại, sự kiểm soát tạo ra giới hạn, thoái hóa và hủy diệt. Hãy tưởng tượng về những hệ thống chỉ có sự tiếp nối liên tục của chuỗi sáng tạo và biến đổi, sự ổn định được duy trì bằng các nguyên lý. Bạn lúc nào cũng vừa có thể là người sáng tạo, vừa có thể là người tiêu thụ. Chúng ta sẽ tự hình thành hệ thống lớn mà trong đó các hệ thống nhỏ trao đổi với nhau những giá trị mà mình tự tạo ra. Đó là mô hình lý tưởng mà tôi tin rằng bất cứ người sáng tạo nào cũng mơ ước.

Nhưng để tạo dựng điều đó không đơn giản. Nếu bạn có cùng một lý tưởng với chúng tôi, nếu bạn không chấp nhận mình là công cụ, là thịt tươi tái chế nuôi hệ thống, bạn hãy thay đổi. Không cần gì nhiều, bạn chỉ cần đứng lên và vùng lên chạy thật xa, cố gắng bứt khỏi vùng an toàn, bạn sẽ nhận ra rằng những sợi xích nào đang trói chân bạn? Khi nhận ra được sợi xích, bạn có cơ hội để thoát khỏi nó. Không thể thoát khỏi những hệ thống đang ràng buộc bạn, bạn sẽ không thể tạo hệ thống cho riêng mình, và điều đó có nghĩa bạn không có giá trị để trao đổi.

Bạn nói rằng điều tôi nói chỉ là không tưởng, chúng ta làm sao có thể thoát được hệ thống, vì thoát khỏi hệ thống này cũng sẽ chỉ rơi vào hệ thống khác. Có hề gì! Càng thoát được nhiều hệ thống, chúng ta sẽ càng tiến gần đến Sự Thật về con người. Tôi cho rằng, trên đời này, chẳng có hệ thống nào đáng để tuân phục hơn hệ thống vũ trụ. Và nếu có cách nào đó để tôi thoát khỏi hệ thống ấy, tôi cũng sẽ chẳng ngần ngại gì để chủ động vận hành vũ trụ, rồi một ngày nào đó có thể tôi rời bỏ hệ thống vĩ đại đó và khám phá một hệ thống khác bí ẩn hơn. Đó là con người tôi hướng tới, đó là con người tôi sẽ trở thành, đó là lý tưởng mà tôi đeo đuổi: Một con người tự do khám phá không bao giờ ngừng nghỉ.

Hà Thủy Nguyên

 

(1)   Ám chỉ câu chuyện Prometheue ăn cắp lửa của Olympia cho loài người

(2)   Ám chỉ câu chuyện Adam và Eva trong Sáng Thế ký

(3)   Ám chỉ chuyện Hậu Nghệ bắn rơi 8 mặt trời

(4)   (5) Hai triết gia phương Tây

Giấc mưa

Gối giấc mưa trưa buồn rỉ rả Tóc mây vương vấn ướt sơn hà Vén dải mành thưa soi thế sự Bụi mờ đã tắt dưới mây mưa Hôm nay ta đã buồn chưa nhỉ? Lẽ đời đã dịu góc thành xưa Có tờ thơ cũ nhàu bên gối Những lời vơ vẩn tựa mây mờ Thế sự giờ đây không thơ nữa Có ta nằm đếm giọt mưa trưa Có hơi sấm động vằn vô vọng Có tòa thành cũ đã quên mình Tôi

Phúc âm sói lang thang

Trút bỏ những vai diễn tầm thường và giả dối Trút bỏ lớp mặt nạ đạo đức đớn hèn Móng vuốt cào ánh trăng ứa máu lả tả bụi vàng rơi Lóng lánh khung trời thẫm đỏ Ta lang thang, lang thang trong đêm, gặm đứt những nóc nhà, phủ trắng đô thành bằng màn sương huyền thoại Ta lang thang, lang thang trong rừng rậm, bấu chặt thảo hoa ướt đẫm sương đêm, say men nồng hơi sợ hãi của lũ người tanh hôi

Bạn có nghe…

Bạn có nghe thế giới chuyển mình Để lộn về mông muội Trong cơn điên huyễn tưởng Bạn có nghe tiếng triệu hồi tuyệt vọng Một con quỷ đang gào Để diệt trừ con quỷ khác Rồi mong đợi thiên đàng Bạn có nghe tiếng thiên thần rũ cánh Nơi nóc cao đợi chết Mặc lũ người mông muội Rạp mình hôn chân quỷ dữ Xin phúc phận dư thừa Bạn có nghe phận người tuyệt vọng Chút cần sa mê sảng tinh thần Hềnh

Dẫn nhập Kabbalah (3): Các luận thuyết bí truyền cổ đại

Chương 2 của cuốn sách có tựa đề "Bí Giáo Do Thái Cổ Đại và Sự trỗi dậy của Kabbalah", và bài này là phần đầu tiên của chương với tựa đề "Các luận thuyết bí truyền cổ đại". Để đọc toàn bộ chùm bài Dẫn nhập Kabbalah, được dịch từ cuốn sách “Kabbalah – A very short introduction”, NXB Oxford University Press, 2006, xin mời theo dõi tại đây: Dẫn nhập Kabbalah Archives – Hà Thuỷ Nguyên (hathuynguyen.com) Các trường phái khác nhau của Kabbalah, từ

Nhảm #21: Quằn quại

Quằn quại không có nghĩa là sâu sắc. Đó là trạng thái của những con sâu bị xéo tới mức ngoài quằn ra thì chẳng còn có thể làm gì khác. Tội nghiệp lũ sâu bất lực. Thích thú chiêm ngưỡng sự quằn quại lại càng không phải là sâu sắc. Đó là thú vui bệnh hoạn. Đó thậm chí còn không phải đồng cảm và thấu hiểu, mà là sự đói khát quằn quại của những con sâu chẳng bao giờ được ai để