Năm 2009, lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với kinh văn Ấn Độ ngoài Phật giáo, và đó là một trải nghiệm độc nhất vô nhị mà sau này tôi chẳng thể gặp lại ở bất cứ một tri thức nào khác nữa. Đó là những ngày tôi lưu lạc ở Sài Gòn, đã quyết định bỏ học ở trường Nhân Văn Hà Nội và quyết định đeo đuổi con đường kiếm tiền qua các hoạt động truyền hình và quảng cáo. Dù đắm mình trong thế giới của tiền bạc và lạc thú nhất thời, nhưng tôi vẫn cố giữ cho mình một khoảng sáng tinh thần với những người bạn tri thức. Có những ngày tôi trốn làm, theo họ vào “học lỏm” chuyên đề văn hóa Ấn Độ dành cho cao học tại một đại học trong Sài Gòn (xin phép được giấu tên). Ở Hà Nội, tôi không được biết đến thế giới này, tôi chỉ được dạy rằng Phật giáo là tôn giáo tiến bộ nhất của xứ sở Ấn Độ mông muội. Tôi đã say sưa nghe giảng về Vedas, các Upanishad, MahaBharata, Ramayana, Kama Sutra, Yoga Sutra… và tất nhiên không thể nào thiếu Bhagavad Gita. Nhưng thời bấy giờ (và đến giờ vẫn thế), các bản dịch tiếng Việt cho tác phẩm của Ấn Độ, mà cụ thể là thuộc nhóm văn hóa Hindu, rất thiếu và xộc xệch, không có bản in giấy (tôi thường phải lên các trang sách điện tử lậu để tìm hoặc đọc bản tiếng Anh free bản quyền). Mỗi ngày rót thêm vào mình những lời kinh và câu chuyện về các bậc đạo sư là cách nhanh nhất để bản thân không thể nào chấp nhận thỏa hiệp dễ dàng với những cảnh tượng đang bày ra trước mắt. Tôi đã nghỉ việc ở Sài Gòn, quay lại Hà Nội với sách, quay lại với cõi giới của các vị thiền sư, giữ lấy một ý niệm nhỏ nhoi rằng một lúc nào đó đủ duyên, tối sẽ trở về với các kinh điển của Hindu.
Duyên ấy đã tới trong quán trà Mộc Thanh với bức tượng Trần Nhân Tông thư nhàn phe phẩy quạt biểu hiện cho câu kệ “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”. Cần đến 11 năm, trải qua đủ bước thăng trầm, danh vọng và sai lầm, cái duyên ấy mới quay trở lại. Tại đó, tôi gặp Sophia Ngo, một cô giáo Yoga vừa tu học Yoga ở một học viện của Ấn Độ về nước và đang chuẩn bị dạy con gái tôi tại ngôi trường mà cô bé quyết định đăng ký học một cách hoàn toàn ngẫu hứng. Ngay từ lần đầu gặp, chúng tôi đã ngồi nói chuyện với nhau từ chiều đến tối muộn để tìm hiểu về quá trình tu học của Sophia Ngo, và tôi vẫn nhớ không quên rằng Sophia Ngo đã nói, trước khi về nước, cô đã nguyện rằng sẽ dịch Bhagavad Gita và các cuốn kinh khác của Hindu giáo sang tiếng Việt. Để tới được cuốn sách “Bhagavad Gita & Văn bản gốc” do Book Hunter xuất bản là một chuỗi duyên khởi, duyên ẩn sâu trong tâm, và để rồi biểu lộ thành hành động, mọi sự cứ đến và đi, và chạm vào nhau để tạo tác điều tuyệt đẹp. Đây là ý tưởng vừa giống và cũng vừa khác với Phật giáo, nếu Phật giáo hướng tới vô sinh vô diệt, thì Bhagavad Gita hướng tới sự tạo tác điều tốt giữa thế gian nhưng vẫn chấp nhận vạn vật tự có quy luật của riêng mình.
> Đọc thêm: “Bhagavad Gita” & Thiền Tông Lý – Trần: Gặp gỡ trên con đường nhập thế – Hà Thuỷ Nguyên (hathuynguyen.com)
Từ thiền tông tới Bhagavad Gita và “cư trần lạc đạo”
Từ nhỏ, tôi yêu thích đọc về những vị ẩn tu và chiêm nghiệm của họ, dù cho họ sống trong nền văn hóa nào chăng nữa. Ban đầu tôi dành cho họ sự tò mò, sau đó là thấu hiểu cái nhìn sâu sắc về vũ trụ nhưng ngây thơ về nhân loại của họ, và rốt cuộc tôi không muốn sống cuộc đời ấy. Hamvas Béla, triết gia tâm linh người Hungary mà tôi yêu thích đã viết, rằng sự ẩn tu ấy, sự cô lập bản thân trong những tu viện đá treo ấy, có thể chỉ là những người lùn tự thu rút mình vào cực độ và né tránh cuộc đời. Thích Ca Mâu Ni đã rời bỏ cuộc đời ẩn tu và chọn hành động, chọn mở rộng bản thân tới vô hạn, vậy hà cớ gì ta lại trốn sâu vào một góc an toàn? Thuở nhỏ, tôi luôn thắc mắc về sự mâu thuẫn giữa tư tưởng thoát khỏi luân hồi và đạt tới vô sinh vô diệt của Phật giáo với chính hành động của ngài và các đại đệ tử. Thuyết pháp để làm gì, thành lập tăng đoàn để làm gì, như vậy chẳng phải là nối tiếp nhau tạo nên các duyên nghiệp trùng trùng hay sao? Những thuyết giảng về Bát Chánh Đạo hay trong Bát Nhã Tâm Kinh không thuyết phục được cái tôi nơi tôi, có lẽ bởi vì sở học Phật giáo của tôi không đủ, nhưng sự thiếu thuyết phục ấy khiến cái tôi hỏi nhiều hơn, hoài nghi nhiều hơn, và chất vấn tới mức trong khoảng thời gian 3 năm, tôi tự phong ấn mọi ý niệm Phật giáo đã ở trong tôi từ khi thơ ấu, thậm chí là từ bỏ trạng thái Thiền một cách tuyệt đối trong suốt 10 năm để điên cuồng lao vào cuộc sống.
Bhagavad Gita đã đưa tôi quay trở lại với Thiền, và sau đó là Phật giáo theo một góc nhìn hoàn toàn khác. Nếu Phật giáo thuyết giảng về pháp tu Thiền định thì Bhagavad Gita thuyết giảng về Yoga, mà cụ thể là Yoga tuệ mẫn chứ không phải thứ Yoga tư thế hay hình thể. Yoga là một sự thiết lập trật tự để hướng tới trạng thái tốt nhất, rộng mở nhất; trong khi đó Thiền là trạng thái nhận thức mọi biến động mà không nỗ lực tác ý. Dẫu khác nhau về chiều hướng, nhưng trong Yoga có Thiền và trong Thiền có Yoga, bởi để đi tới sự thiết lập trật tự nội tại và kết nối với Chân Ngã Tuyệt Đối nơi mình thì cần có nhận thức không tác ý của Thiền; và để đạt tới nhận thức không tác ý, tức “đối cảnh vô tâm” (lấy tứ từ bài kệ của Trần Nhân Tông), thì cần phải trải qua thiết lập hướng thượng trong toàn bộ sự tồn tại của Yoga, tức “đoạn luyện thân tâm” (lấy tứ từ bài kệ của một thiền sư vô danh môn đồ đi theo Không Lộ thiền sư).
Toàn bộ giáo lý tâm linh quan trọng nhất của Hindu giáo nói chung và đạo tu Yoga nói riêng được gửi gắm qua cuộc đối thoại thiêng mang đậm yếu tố siêu hình giữa vị thần Krishna vĩ đại và vị vua Arjuna. Kỳ thực, cuộc đối thoại tâm linh này độc lập so với toàn bộ cuộc chiến giữa các gia tộc được kể lại trong sử thi MahaBharata, nói một cách khác, những tác giả dân gian vô danh đã lồng ghép các thuyết giảng của các bậc minh triết vốn hoàn toàn vô thần vào câu chuyện sử thi thiêng liêng có tính chết cố kết cộng đồng Hindu vốn phân tách trong các lãnh địa khác biệt. Đối với người Hindu, Bhagavad Gita không chỉ là một chỉ dẫn dành cho các bậc đạo sư và tu sĩ, mà là tuyên ngôn cho lối sống của bất cứ con người hướng thượng nào.
Đoạn thuyết giảng của Krishna dành cho Arjuna là sự thuyết giảng mang tính biểu tượng, giữa chiều kích tâm thức toàn thể – Chân Ngã Tuyệt Đối – với cái tôi nhỏ bé của một phàm nhân đang trăn trở trước những quyết định đúng sai được mất của đời người. Arjuna là một vị vua, ông phải đối mặt với chiến loạn, những người họ hàng của ông đang tấn công vương quốc của ông và gây ra bao cảnh lầm than. Ông sẽ làm gì, cầm vũ khí lên và chiến đấu hay đầu hàng để đổi lấy sinh mạng cho chúng dân. Là một vị vua với tấm lòng thiện lương, ông không thể chấp nhận cảnh máu chảy đầu rơi cho dù có thể mang tới chiến thắng, và tệ hại nhất đó là chiến thắng những người đồng tộc với mình. Với tôi, những trăn trở của Arjuna thật quen thuộc. Tôi bắt gặp chúng trước mọi hành động của đời mình, rằng tôi nên thu mình lại trong một góc nhỏ với những điều tôi quen thuộc, hay sẽ bước vào thế giới nhân sinh trùng trùng duyên nợ? Tôi cũng bắt gặp chúng trong những băn khoăn của các tác giả lớn mà đáng nhớ nhất là đoạn tự thoại kinh điển của Hamlet:
“Tồn tại hay không tồn tại, đó là vấn đề. Chịu đựng tất cả những viên đá, những mũi tên của số mệnh phũ phàng, hay là cầm vũ khí vùng lên mà chống lại với sóng gió của biển khổ, chống lại để mà diệt chúng đi, đằng nào cao quý hơn?
Chết, là ngủ! Không hơn! Và tự nhủ rằng ngủ đi tức là chấm dứt mọi đau khổ của cõi lòng và muôn vàn vết tử thương mà hình hài phải chịu đựng, kết liễu cuộc đời như thế chẳng đáng mong muốn sao? Chết, ngủ. Ngủ có thể chỉ là mơ. Hừ! Đây mới là điều khó khăn. Vì trong giấc ngủ của cõi chết ấy, khi ta đã thoát khỏi cái thể xác trần tục này, những giấc mơ nào sẽ tới, điều đó làm cho ta phải ngừng lại mà suy nghĩ. Chính điều đó gây ra bao tai họa cho cuộc sống dằng dặc này! Bởi vì, ai là người có thể chịu được những roi vọt và khinh khi của thời đại, sự áp bức của kẻ bạo ngược, hống hách của kẻ kiêu căng, những nỗi dày vò của tình yêu tuyệt vọng, sự trì trệ của công lý, hỗn xược của cường quyền, sự miệt thị của kẻ bất tài đối với người đức tài nhẫn nhục, khi chỉ cần một mũi dao là có thể đủ đưa mình đến chỗ yên nghỉ.
Có ai đành cam chịu, than vãn, rên rỉ, đổ mồ hôi dưới gánh nặng của cuộc đời mệt mỏi, nếu không phải chỉ vì sợ một cái gì mênh mang sau khi chết, cả một thế giới huyền bí mà đã vượt biên cương thì không một du khách nào còn quay trở lại, nỗi sợ làm cho tâm trí rối bời và bắt ta phải cam chịu mọi khổ nhục này hay là bay tới những khổ nhục khác mà ta chưa hề biết tới? Đấy, chính nỗi vướng mắc của tâm tư ấy làm cho chúng ta trở thành hèn mạt tất cả, và ngọn lửa của quyết tâm vừa bùng lên đã mờ nhạt, ốm yếu đi, trước ánh leo lét của ý nghĩ đó, bao dự kiến lớn lao, cao quý cũng xoay chiều đổi hướng chẳng thể biến thành hành động.”
(Trích “Hamlet” của William Shakespeare – Bản dịch của Thế Lữ)
Tôi cũng bắt gặp trăn trở này trong lời tựa Thiền Tông Chỉ Nam của vua Trần Thái Tông, còn sót lại trong “Khóa Hư Lục” của ông. Khi còn nhỏ, phải giữ ngôi báu, đứng trước bao cảnh trái ngang của triều đình: xung đột anh em tranh chấp hoàng vị, bị buộc phải lìa xa người vợ kết tóc se tơ, thái sư Trần Thủ Độ thao túng các quan viên và lạm sát người họ Lý, bên ngoài ngoại xâm rình rập, Thái Tông Trần Cảnh đã chọn một giải pháp: tu hành. Lẽ tất nhiên, mọi nghịch cảnh đều là nhân tố thúc đẩy tu luyện, nhưng ta có thể lựa chọn thoái lui hay nhập cuộc, đó là tùy vào ta. Thoái lui là để giữ mình, nhưng nhập cuộc là để mở rộng mình, và bất cứ vị cao tăng đắc đạo nào đều thấu triệt rằng khi giữ tâm vô thì nhập cuộc hay xuất thế đều như nhau tất thảy. Thiền sư Phù Vân tu hành ở núi Yên Tử bấy giờ đã khuyên vị vua trẻ rằng: “Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm. Tâm lặng mà biết gọi là Chân Phật. Nay bệ hạ nếu ngộ tâm này thì tức khắc thành Phật, không nhọc tìm cầu bên ngoài.” (Bản dịch của Thích Thanh Từ)
Thần Krishna, đại diện cho Chân Ngã Tuyệt Đối cũng thuyết giảng với cái tôi nhỏ bé đang tràn đầy sợ hãi và lo âu của Arjuna rằng:
“Hành động không đeo đuổi kết quả được coi là hành động đúng đắn. Đừng coi bản thân là nguyên nhân cho kết quả của hành động; cũng đừng bám chấp vào không hành động.
Hỡi Dhananjaya, hãy từ bỏ sự bám chấp và coi thành công – thất bại như nhau, hãy kiên định trong Yoga và thực hiện các bổn phận của ngươi. Sự bình thản của tâm trí được gọi là Yoga.
Hành động (với tâm thái mong cầu kết quả) kém xa so với hành động với sự hiểu biết. Hãy tìm nơi nương tựa trong Yoga của mẫn tuệ. Chỉ những kẻ khốn khổ mới hành động vì mong cầu kết quả.”
Trích Chương 2, trang 44, Bhagavad Gita & Văn bản gốc
Điều này nghĩa là gì? Nghĩa là không thể trốn tránh hành động, bởi hành động là một phần của toàn thể vũ trụ. Vedas nói: “Vũ trụ là một cuộc hiến sinh lớn”, tức là muốn nói rằng mọi sự tồn tại sinh diệt nối tiếp nhau, hiến sinh tồn tại này cho tồn tại khác và tiếp nối trong vòng quay bất tận để rồi lại tái sinh nhờ vào sự hiến sinh khác. Các nghiệp – karma – hành động liên tiếp tạo nên toàn bộ tồn tại. Và bởi vì không thể né tránh, hãy hành động, hành động như một bổn phận cần có. Và trong vòng luân hồi miên viễn ấy, thân xác của vạn vật sinh diệt nối nhau, như một tồn tại khách quan không thể thay đổi, trong khi ấy, chân ngã thì bất biến, và chỉ cần nương náu nơi chân ngã thì vạn sự trôi qua đều hư vô. Tội lỗi đích thực không đến từ hành động và chiến đấu một cách chính nghĩa, mà đến từ sự trốn tránh bổn phận hành động.
“Bây giờ, nếu ngươi từ chối cuộc chiến chính nghĩa này, đồng nghĩa với việc trốn tránh bổn phận và đánh mất thanh danh của mình, ngươi sẽ phải chịu tội.
…
Hãy coi chiến thắng và thất bại, được và mất, niềm vui và nỗi đau, tất cả đều như nhau và sẵn sàng cho trận chiến; chiến đấu như vậy ngươi sẽ không phải chịu các tội lỗi.”
Trích Chương 2, trang 41 – 42, Bhagavad Gita & Văn bản gốc
Tinh thần hành động này hoàn toàn khác với “Chính nghiệp”, một trong “Bát chính đạo” của Phật giáo. Phật giáo hoàn toàn chủ trương không gây ra bất cứ sát thương nào cho sinh mạng khác dù với bất cứ lý do gì hay vì mục đích tốt đẹp nào. Tuy nhiên, sự xuất thế, quy ẩn và hạn chế tác nghiệp của các nhà sư Phật giáo là phương cách hoàn hảo để hạn chế sát nghiệp; trong khi ấy, với các vị vua hay các quý tộc – tức những người mà mọi hành động của bản thân đều ảnh hưởng tới số phận của rất nhiều sinh linh khác, thì “Chính nghiệp” lại là điều bất khả. Thay vì đó, hành động trong sự sáng suốt, tức Yoga hành động là điều cần thiết. Đó là lý do Thái Tông Trần Cảnh phải quay lại triều đình nhưng chẳng quên nghiên cứu Phật điển và tu tập chăm chỉ, để rồi viết nên “Khóa Hư Lục” như một chỉ dẫn về thiền tông nhập thế của bậc vua chúa. Đó cũng là lý do Thánh Tông Trần Hoảng viết “Chân Tâm Chi Dụng”:
“Chân tâm được dụng
Sáng suốt lặng lẽ
Không đi không đến
Chẳng bớt chẳng thêm
Được nhiều được ít
Mặc thuận mặc nghịch
Như hạc cưỡi mây
Như tường vững chãi
Nhẹ như cọng lông
Nặng như tảng đá
Tự tại tâm sáng
Vằng vặc lòng trung
Không thể đếm đo,
Chẳng hề lưu dấu
Nay trẫm vì người
Tỏ bày gan ruột”
Bản dịch của Hà Thủy Nguyên
Đó cũng là lý do Nhân Tông Trần Khâm không đầu hàng trước sự đe dọa của vó ngựa Mông Cổ, mà bước khỏi thiền cảnh để dẫn dắt triều đình và người dân Đại Việt chiến đấu đến cùng. Bởi vì ông một lòng tu đạo, thế nên ông cũng một lòng cai trị quốc gia, thậm chí coi hoạt động chính trị cũng như một cuộc tu. Giữa một thời đại biến loạn và chiến chinh, Trần Nhân Tông cùng triều đình an định, để rồi nhận ra khi bổn phận đã xong, là lúc để quy ẩn, để được hoàn toàn nương náu trong thiền cảnh. Thiền cảnh ấy chính là Chân Ngã tuyệt đối mà Bhagavad Gita nhắc đến, trong chiều kích tối cao nhất của tinh thần. Vị thế của các nhà vua tu thiền hay có thể hiểu ở một khía cạnh khác là các thiền sư phải làm vua đã vô tình đưa Thiền tông nhập thế thời Trần gần gũi với thông điệp của Bhagavad Gita. Những biến loạn không phải là lúc để thoái ẩn mà để hiển lộ những chiều kích kỳ vĩ nhất của những tinh thần chân chính:
“Hỡi Bharata, bất cứ khi nào đức hạnh bị suy tàn và sự bất chính thắng thế, thì TA tự hiển lộ Chân Ngã của mình.
Để bảo vệ những người có đức hạnh, để xua đuổi những kẻ làm điều ác, và để tái thiết lập Dharma và tôn giáo, TA giáng thế từ kiếp này sang kiếp khác.”
Trích Chương 4, trang 58, Bhagavad Gita & Văn bản gốc
Và sự hiển lộ này không phải là đọa trong luân hồi, mà đơn giản là “Cư trần lạc đạo”, bởi chỉ trong sự hiển lộ toàn bộ tồn tại, một người mới đạt tới phúc lạc thật sự, ngay tại trần gian.
>> Tìm hiểu thêm về cuốn sách Bhagavad Gita: Bhagavad Gita và văn bản gốc – Book Hunter Lyceum
Vô ngã và dâng hiến
Nhưng “cư trần lạc đạo” không phải điều dễ, bởi cõi tục là thế giới maya (ảo giới), và ảo giới này chi phối tâm trí và hành động của chúng ta. Các giác quan của chúng ta là cánh cổng tri giác của tinh thần với vạn vật, nhưng chúng đồng thời cũng tạo ra các ảo giác và khiến ta lầm lạc. Đó chính là lý do Phật giáo coi cuộc đời là hư huyễn, bởi cuộc đời của mọi chúng sinh được tạo nên bởi ảo giác do các giác quan lầm lạc gây nên. Nhưng chân ngã – atman, theo cách dùng từ của Bhagavad Gita, không bị tác động bởi maya mà bị các ảo giác do các giác quan làm lu mờ, và một yogi cần vén lớp mù này để hiển lộ chân ngã. Để thoát khỏi những hư huyễn này, các thiền sư ở trong Phật tính còn các yogi nương náu nơi chân ngã. Sự trụ trong tự tính này, dù có tên là Phật tính hay chân ngã đều là quá trình “Đoạn luyện thân tâm thủy đắc thanh”, tức đoạn tuyệt thân tâm với ảo giác do giác quan gây ra để thân tâm thanh tựa nước vậy. Sự xâm nhập của ảo giác, với những mong cầu, chính là uế tạp, và chính những mong cầu ấy tạo ra tội lỗi hay nghiệp chướng chứ không phải là hành động.
Vui đạo dưới cõi trần hay hành động không vướng bận bởi kết quả và không bị chi phối bởi giả huyễn của maya thì toàn bộ sự tồn tại ấy tự thân mang trong mình tinh thần dâng hiến. Đây chính là trạng thái dâng hiến mà Vedas gọi là “cả vũ trụ như một cuộc hiến tế lớn” và Bhagavad Gita thì gọi là phụng sự toàn thể, chân ngã tuyệt đối, và cống hiến cho lợi ích của tất cả chúng sinh. Ta có thể bắt gặp trong Phật giáo quan niệm vô ngã, một trạng thái mà cái tôi nhỏ bé không tồn tại và người tu hòa vào đại đạo, nhận biết bản thân mình trong tổng thể tồn tại của vạn vật chúng sinh. Trong vô ngã, mọi được mất, thành bại, tốt xấu… mọi định kiến nhị nguyên đều tan biến. Và đó là lúc chẳng chấp vào thiền sư hay không thiền sư, chẳng chấp vào tu hay không tu, chẳng bận tâm thiền hay không thiền, yoga hay không yoga, đắc đạo hay không đắc đạo, mà chỉ đơn giản là hiển lộ. Người ta không thể từ bỏ để đạt tới vô ngã, nhưng trong vô ngã, trong tâm thức hành động chẳng mong cầu kết quả, trong chân ngã, thì từ bỏ diễn ra. Và chính thời khắc ấy hợp nhất giữa Chân ngã (Atman) và toàn thể (Brahman) diễn ra, một trạng thái mà Phật giáo gọi là đạt tới Niết Bàn.
“Một Yogi đã chế ngự được tâm trí, thực hành hợp nhất với Chân Ngã, giống như một ngọn đèn không bập bùng ở nơi vắng gió.
Trong trạng thái ấy, khi tâm trí hoàn toàn bị chế ngự nhờ thực hành Yoga và đạt được sự bình thản, tự thân người đó thấy Chân Ngã, và mãn nguyện trong Chân Ngã.
Ở trạng thái siêu việt trên cả các giác quan, với sự hiểu biết đã được tịnh hóa, người đó (nhà Yogi) cảm thấy niềm phúc lạc vô biên; một khi đã đạt được trạng thái thực tại này (sự tự nhận biết Chân ngã), anh ta không còn bị lay động từ trạng thái này sang bất kỳ trạng thái nào khác nữa.
Sau khi đã đạt được trạng thái ấy, anh ta cho rằng chẳng còn gì cao hơn thế, anh ta không bao giờ bị mất bình tĩnh ngay cả khi phải đương đầu với những đau buồn nặng nề nhất.
Trạng thái đó, được gọi là Yoga, là trạng thái không còn tiếp xúc với đau khổ. Yoga này nên được kiên trì thực hành với một tâm trí không bị mệt mỏi.”
Trích Chương 6, trang 73, Bhagavad Gita & Văn bản gốc
Những thuyết giảng này của Bhagavad Gita đã đạp đổ mọi nhận thức coi Yoga như một phương tiện để đạt tới phúc lạc. Đó là một góc nhìn sai. Kỳ thực, Yoga cũng như Thiền là một trạng thái phúc lạc, là trạng thái hợp nhất với toàn thể và hiển lộ toàn bộ sự tồn tại của chính mình: Yoga biểu hiện bằng hành động và Thiền biểu hiện bằng không hành động. Nếu Phật giáo Mật Tông tiếp thu Yoga thì các Yogi cũng Thiền. Phật giáo và Hindu giáo tuy có nhiều khác biệt về văn hóa và giáo lý, nhưng tựu chung các pháp tu không quá khác biệt, và đó là lý do cho sự tương đồng tự nhiên tới mức mọi sự chứng minh trở nên vô nghĩa này. Cùng với Yoga, Thiền (Dhyana) được Bhagavad Gita coi như một bước tiếp theo trên con đường tu tập:
“Đối với thiền sinh mong muốn đạt được Yoga, hành động là phương tiện; và khi người đó đã đạt được Yoga, phương tiện tiếp theo là chấm dứt hành động.”
Trích Chương 6, trang 71, Bhagavad Gita & Văn bản gốc
Sự chấm dứt hành động này chính là thiền. Yoga là trạng thái nương náu trong chân ngã, tức đã đạt tới tuệ mẫn, vậy thì Thiền chính là sự chú tâm duy trì hiển lộ của chân ngã trong tồn tại, tức luôn luôn tuệ mẫn:
“Người mãn nguyện với tuệ mẫn và trực tiếp lãnh hội Chân Lý, đã điều phục được các giác quan và không còn bị lay động, đối với người đó thì dù là một cục đất, một cục đá, hay cục vàng đều giống nhau, người Yogi như vậy được gọi là một Yukta (một nhà hiền triết đã được thiết lập trong tuệ mẫn).”
Trích Chương 6, trang 71, Bhagavad Gita & Văn bản gốc
Xa hơn thế, trạng thái thiền cũng là trạng thái hợp nhất với toàn thể:
“Ngân lên âm tiết “Om”, Chân Lý Tuyệt Đối, và thiền định về TA, người đó bắt đầu cuộc hành trình, trút bỏ thân xác mình, người đó đạt được mục đích tối thượng.”
Trích Chương 8, trang 85, Bhagavad Gita & Văn bản gốc
Thiền định là pháp môn tối cao đưa một Yogi đạt tới toàn thể, thế nhưng pháp môn tối cao không đồng nghĩa với việc bất cứ ai tu tập theo cũng có thể đạt tới kết quả tốt. Nguy hại lớn nhất với người tu tập, dù là Yoga hay Thiền vẫn là tâm thức mong cầu. Sự mong cầu có thể dẫn đến các ảo giác tâm trí và dẫn người tu thiền lầm lạc. Sự mong cầu cũng có thể dẫn những người tu tập yoga mê đắm trong luân hồi nghiệp chướng. Bởi thế, cốt yếu tu luyện không nằm ở yoga hay thiền, mà nằm ở tâm thức không mong cầu, đó là điểm bắt đầu. Bhagavad Gita thuyết:
“Tri thức thì tốt hơn hành động mù quáng, thiền định ưu việt hơn tri thức, và từ bỏ các thành quả của hành động thậm chí còn ưu việt hơn thiền định. Người biết buông xả thì ngay tức khắc sẽ đạt được an lạc.”
Trích Chương 12, trang 117, Bhagavad Gita & Văn bản gốc
Trong tâm thức không mong cầu kết quả ấy, đơn giản là hồn nhiên, đơn giản là tự nhiên nhi nhiên, người tu có thể tu bằng bất cứ pháp môn nào, dù rằng dị thường tới đâu, không cần thiết phải là yoga hay thiền. Đó có thể là tri thức như các hiền triết, đó có thể là say như các sufi, đó có thể là dục tình như tantra, đó có thể là cầu nguyện như Thiên Chúa giáo, thậm chí là bắn cung múa kiếm như các chiến binh, hay sáng tạo nghệ thuật như nghệ sĩ, hay đắc đạo trong trà như Lục Du… bởi một lẽ giản đơn, Thượng Đế hay một cách gọi khác là toàn thể, là đạo, là chân ngã tuyệt đối, là Niết Bàn… tồn tại trong mọi khía cạnh của cuộc sống, và chỉ khi không mong cầu ta mới nhận ra.
Và tôi đã hiểu, Đức Phật thuyết pháp, lập tăng đoàn, trợ duyên cho chúng sinh, bởi đó là ngài hiển lộ thông qua hành động.
Hà Thủy Nguyên