Home Bình Luận “Bhagavad Gita” & Thiền Tông Lý – Trần: Gặp gỡ trên con đường nhập thế

“Bhagavad Gita” & Thiền Tông Lý – Trần: Gặp gỡ trên con đường nhập thế

Hindu giáo và Phật giáo đều khởi sinh từ vùng đất Ấn Độ huyền bí với những lễ nghi và pháp tu khác nhau, dẫn đến những triết lý khác nhau. Hindu giáo lan tỏa khắp Ấn Độ và các quốc gia phía Nam của Đông Nam Á truyền bá một đời sống hướng tới sự cao quý linh thiêng, còn Phật giáo theo bước chân hành khất của các nhà sư ghi dấu khắp Đông Nam Á và Đông Á để nhắc nhở con người về sự buông bỏ. Trên con đường lưu truyền ấy có một cái chạm tình cờ giữa chủ thuyết về hành động của “Bhagavad Gita” (thường được dịch là “Chí Tôn Ca”) và quan điểm nhập thế của Thiền tông Lý Trần.

Hành động không mong cầu kết quả…

“Bhagavad Gita” có nghĩa là khúc ca của đấng tối cao được thị hiện qua hóa thân của thần Krishna. Người đời biết đến khúc ca này qua đoạn đối thoại siêu hình thiêng liêng giữa thần Krishna và vua Arjuna ngay trước trận chiến Kurusetra vĩ đại. Vua Arjuna, môn đồ của Krishna, với bản tính thiện lương và khao khát hòa bình, khi đứng trước một trận chiến lớn, đã băn khoăn lựa chọn giữa chiến đấu chống lại những con người đang đe dọa và tấn công vương quốc mình, hay sẽ buông bỏ để tránh một cuộc binh đao loạn lạc. Krishna, vị thần trung tâm trong tín ngưỡng Hindu giáo đã đáp lại băn khoăn của Arjuna như sau:

“…nếu ngươi từ chối cuộc chiến chính nghĩa này, đồng nghĩa với việc trốn tránh bổ phận và đánh mất thanh danh của mình, ngươi sẽ phải chịu tội.

Người đời sẽ mãi mãi đổ sự ô nhục lên ngươi, và sự ô nhục đến với một người đáng trọng còn tệ hơn cả cái chết.

…Hãy coi chiến thắng và thất bại, được và mất, niềm vui và nỗi đau, tất cả đều như nhau và sẵn sàng cho trận chiến đấu, như vậy ngươi sẽ không phải chịu tội lỗi.”

(Bản dịch của Sophia Ngo, NXB Đà Nẵng & Book Hunter, 2022)

Nếu chỉ tiếp cận diễn ngôn này theo nghĩa đen, độc giả rất dễ bị nhầm lẫn rằng lời khuyên của Krishna đang kích động một cuộc chiến tranh, và thực tế là những diễn ngôn này đã từng truyền cảm hứng cho độc tài Hitler cũng như J. Robert Oppenheimer, người vốn được coi là “cha đẻ của bom hạt nhân”. Điều này không có  nghĩa rằng cuốn sách là nguyên nhân kích động tính hiếu chiến, mà những người hiếu chiến dễ dàng viện dẫn các diễn ngôn mang tính biểu tượng và chọn lọc những ý tưởng phù hợp với ý định của mình. “Cuộc chiến” là một hình ảnh mang tính biểu tượng cho số phận con người luôn phải đương đầu với mọi tấn công từ thế giới bên ngoài, chọn dũng cảm hành động hay trốn chạy, hay buông xuôi, mỗi lựa chọn đều để lại hậu quả. Câu hỏi của Arjuna đặt ra cho Krishna cũng tương tự như câu hỏi của Hamlet: “Tồn tại hay không tồn tại. Đó là vấn đề. Liệu tâm tư cao quý sẽ chịu đựng những cung tên của số phận dị kỳ, hay cầm vũ khí chiến đấu vượt qua bể khổ…?”

Vượt qua những lớp ngôn từ đậm phong cách sử thi của các văn bản cổ đại, những triết luận quan trọng về hành động được khẳng định:

“Hành động không đeo đuổi kết quả được coi là hành động đúng đắn. Đừng coi bản thân là nguyên nhân cho kết quả của hành động, cũng đừng bám chấp vào không hành động…hãy từ bỏ sự bám chấp và coi thành công – thất bại như nhau…Hành động (với tâm thái mong cầu kết quả) kém xa so với hành động với sự hiểu biết… những người tuệ mẫn sở hữu tâm trí bình thản, từ bỏ kết quả của hành động và giải thoát khỏi trói buộc tử sinh, và đạt đến trạng thái vượt lên trên mọi điều ác. Khi tâm trí ngươi đã hoàn toàn vượt qua vũng lầy ảo tưởng, ngươi sẽ trở nên thờ ơ với những điều ngươi đã từng nghe hay chưa từng nghe nói tới.”

Tình huống của vua Arjuna có sự gợi cho ta nhớ tới những sở đắc của vua Trần Thái Tông được chính ông ghi lại trong “Thiền tông chỉ nam”. Thuở niên thiếu, sớm có duyên với Phật pháp, lại chứng kiến triều đình rối ren, vua Trần Thái Tông phát nguyện đi tu. Ông tìm cớ trốn khỏi triều đình, xin tới quy y tại Yên Tử theo thiền sư Trúc Lâm, dù vậy, triều đình vẫn tìm được ông và theo ông tới Yên Tử. Thiền sư Trúc Lâm khuyên ông: “Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón Bệ hạ trở về, Bệ hạ không về sao được. Song phần nghiên cứu nội điển, mong Bệ hạ đừng xao lãng.” (Trích “Khóa Hư Lục Giảng Giải”, Thích Thanh Từ). Trong suốt cuộc đời tu tập trong hành động trị quốc, Trần Thái Tông sở đắc câu “ưng vô sở trụ” có nghĩa là “không trụ vào đâu”, với hàm ý thực hiện mọi hành động mà không để tham dục chi phối, cũng giống như Arjuna giữ tâm định tuệ không xao lãng trong suốt cuộc chiến của mình.

Bản dịch Bhagavad Gita và bản Gita gốc do Sophia Ngo dịch, Hà Thủy Nguyên hiệu đính

Tâm Định Tuệ giữa thế gian

Không giống những thiền sư tại Trung Hoa vốn không có vị thế chính trị vững chắc, những thiền sư thuyết giáo tại xứ sở Việt Nam từ suốt thời kỳ Bắc thuộc còn đảm nhiệm vị trí của cột trụ tri thức trong cộng đồng, vì họ nằm trong số ít những người có học thức và hiểu biết mà không bị chi phối bởi chính quyền đô hộ phương Bắc. Vị thế này tiếp tục duy trì đến giữa thời Trần, khi những nhà nho người Việt bắt đầu có vị thế cao hơn trong triều đình và có sức ảnh hưởng tới xã hội. Do đó, dù chủ động lựa chọn hay không thì những thiền sư chọn mảnh đất Đại Việt để tu đạo vẫn đảm nhiệm trách nhiệm chỉ dẫn cộng đồng. Khi các triều đại sùng đạo Phật tại Trung Quốc nghĩ về Phật giáo, họ thường nghĩ đến sự buông bỏ để rửa sạch mọi tội lỗi và tìm đến thanh tịnh, nhưng triều đình và con dân đất Việt khi nghĩ tới Phật giáo, họ tìm kiếm chỉ dẫn tới hành động đúng. “Thiền Uyển Tập Anh”, tập sách ghi chép lại tông phái Việt Nam trước thời Trần có lưu lại cuộc tham vấn của vua Lê Đại Hành và thiền sư Pháp Thuận về lẽ trị quốc, ghi dấu trong bài thơ “Quốc tộ”: “Quốc tộ như đằng lạc/Nam thiên lý thái bình/Vô vi cư điện các/Xứ xứ tức đao binh” (tức: Vận nước dây leo cuốn/Trời Nam cảnh thái bình/Vô vi nơi điện các/Khắp chốn lặng đao binh”). Sự tham vấn của một vị vua với một thiền sư về vận nước chứ không phải về sự giải thoát cho thấy vị thế của thiền sư trong xã hội lúc bấy giờ. Vị thế này đặc biệt được củng cố sau khi các nhà sư hợp sức ủng hộ sự lên ngôi của Lý Thái Tổ, và đạt đỉnh rồi thoái trào qua hình tượng Hoàng đế Thiền sư Trần Nhân Tông.

Ta có thể dễ dàng hình dung tính chất của các cuộc tham vấn về lẽ trị quốc và đạo làm vua xa xưa qua cuộc đối thoại của Arjuna và đấng Krishna, trong đó Arjuna là vị vua thiện lành mong cầu điều đúng đắn cho quốc gia của mình, đang băn khoăn giữa những lựa chọn đạo đức, và Chúa tể Krishna, đại diện cho những bậc đạt đạo toàn giác khải lộ sự hư vô của kiếp người để thấu triệt sự vô nghĩa của mọi ham muốn và sợ hãi, hướng tới hành động trong tâm định tuệ giữa thế gian. “Bhagavad Gita” không đề xướng không hành động, mà đề xướng hành động trong tâm định tuệ, con đường gần gũi với Thiền tông: “Không có định thì không có tuệ mẫn, không có định thì không có thiền và không có thiền thì không có an, và làm thê snafo có thể có được hạnh phúc khi tâm bất an… ai hoàn toàn kiểm soát được các giác quan khỏi bám chấp vào đối tượng giác quan, thì người ấy có định tuệ.” Trong “Khóa hư lục”, Trần Thái Tông cũng luận: “Giới, định, tuệ gọi là đạo giải thoát. Giới là nghĩa oai nghi. Định là nghĩa chẳng loạn. Tuệ là nghĩa giác tri… Giới là sơ thiện, định là trung thiện, tuệ là hậu thiện.” (Bản dịch của Thích Thanh Từ). Hành động trong “giới, định, tuệ” mà vua Trần Thái Tông bàn đến chính là “tam bảo” hành pháp trong kinh văn Phật giáo, và tương đồng với tâm định tuệ mà “Bhagavad Gita” đề cập xuyên suốt bài thuyết giảng.

Cũng tương tự như các thiền sư Phật giáo, ở xã hội cổ đại, các tu sĩ Bà La Môn chân chính đứng giữa lựa chọn xuất thế và nhập thế, quan điểm tu tập này được lưu lại trong các upanishad cổ xưa, mà trong đó “Bhagavad Gita” cũng được coi như một upanishad (tức kinh văn thể hiện sự chứng đắc, gần giống “kệ” trong Phật giáo). Các nhà nghiên cứu “Bhagavad Gita” hiện đại đã tìm được bản gốc của “Bhagavad Gita”, một bản kinh văn không có các yếu tố sử thi nhuốm màu sắc thần thoại, mà thuần túy là triết học tâm linh vô thần, có tên “Svabhavikasutra”, dịch sang tiếng Việt là “Kinh về nỗ lực hợp nhất”. Và ngay trong văn bản này, hành động trong định tuệ vẫn là phương châm hành đạo tối thượng: “Kẻ vô minh hành động với bám chấp, bậc tuệ mẫn hành động chẳng hề bám chấp mà vì lợi lạc cho thế gian.” (Bản dịch của Sophia Ngo, NXB Đà Nẵng & Book Hunter, 2022). Những nhà truyền đạo đã đưa bản kinh cổ xưa hơn này bổ sung vào câu chuyện sử thi về dòng họ Bharata để có thể lan rộng trong cộng đồng những người Hindu tôn sùng Vishnu – vị thần tối cao được người Hindu tin rằng có hóa thân thứ tám là Krishna và hóa thân thứ chín là Đức Phật. Tính tương đồng trong quan điểm hành đạo cũng gợi cho các học giả phương Tây nhiều câu hỏi về mối liên hệ giữa hai văn bản Hindu giáo này và các kinh văn Phật giáo, và đặc biệt sự gần gũi về diễn ngôn và hành động với các thiền sư Lý Trần biết đâu còn hé lộ cấu trúc xã hội tương đồng của xã hội trước thời Trần với các cấu trúc xã hội Ấn Độ cổ đại.

Hà Thủy Nguyên

Bài đã đăng trên ANTG giữa và cuối tháng

Lắng nghe đoạn trích Bhagavad Gita

 

Trống rỗng và mỉm cười

Có những ngày trống rỗng trôi qua. Thời gian trở nên không quan trọng. Mọi thứ vèo vèo trôi đi trước mắt. Tôi cảm nhận thấy toàn bộ sự vô nghĩa của cuộc đời mình. Phải rồi, có điều gì có nghĩa đâu. Tất cả những cơn tham vọng, tất cả những sân hận, tất cả những đam mê níu bám. Chúng trống rỗng như ngày hôm nay, và cũng trống rỗng như nhiều ngày khác nữa. Lời này cũng trống rỗng. Tất cả chỉ

Chân tâm chi dụng – Trần Thánh Tông

Chân tâm được dụng Sáng suốt lặng lẽ Không đi không đến Chẳng bớt chẳng thêm Được nhiều được ít Mặc thuận mặc nghịch Như hạc cưỡi mây Như tường vững chãi Nhẹ như cọng lông Nặng như tảng đá Tự tại tâm sáng Vằng vặc lòng trung Không thể đếm đo, Chẳng hề lưu dấu Nay trẫm vì người Tỏ bày gan ruột Bản Hán Việt: Chân tâm chi dụng, Tinh tinh tịch tịch. Vô khứ vô lai, Vô tổn vô ích. Nhập đại

Tạo nghiệp (karma) thì sao!

Những bạn bắt đầu tu theo Phật giáo hoặc các trường phái tương tự như vậy thường liên mồm nói về “nghiệp” và rao giảng về tránh “tạo nghiệp”. Vậy là họ nhìn trước nhìn sau không biết như thế nào để tránh tạo nghiệp. Thậm chí, khi chứng kiến mọi hành vi trái mắt họ, họ đều phán xét rằng người khác đang “tạo nghiệp”. Vậy thì “nghiệp” là cái gì? “Nghiệp” là khái niệm xuất phát từ Hindu giáo và đạo Phật, tiếng

“Thiền học Trần Thái Tông” của Nguyễn Đăng Thục, khi dùng triết để luận giải thiền: Mệt!!!

Chúng ta thường ngưỡng mộ những thiền sư thoát tục, mà đôi khi không nhận ra rằng tu đạo khó nhất là ở giữa cuộc đời. Trước khi nước Việt có một ông vua Phật Trần Nhân Tông thì đã có một Trần Thái Tông tinh thông Thiền học và đắc chứng Bát Nhã ngay giữa cõi đời. Tinh thông Thiền không bằng hành Thiền giữa thế gian, nghiên cứu nội điển chẳng bằng ứng dụng được trong cơn li loạn. Trần Thái Tông tu

Bhagavad Gita & Đối cảnh vô tâm

Năm 2009, lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với kinh văn Ấn Độ ngoài Phật giáo, và đó là một trải nghiệm độc nhất vô nhị mà sau này tôi chẳng thể gặp lại ở bất cứ một tri thức nào khác nữa. Đó là những ngày tôi lưu lạc ở Sài Gòn, đã quyết định bỏ học ở trường Nhân Văn Hà Nội và quyết định đeo đuổi con đường kiếm tiền qua các hoạt động truyền hình và quảng cáo. Dù đắm