“Cảm xúc có thật chăng?”
“Cảm xúc này có thực là của ta hay của ai đó đưa tới cho ta?”
Một chút lá rụng có thể khiến ta buồn. Một cánh én chao liệng giữa bầu trời xanh ngắn có thể khiến ta hưng phấn. Một ánh mắt có thể khiến ta rạo rực. Một lời nói có thể khiến ta đổ vỡ… v… v… Cảm xúc đến từ những cái cớ nho nhỏ, lúc rất gần, lúc lại xa xôi. Càng chậm lại và trầm hơn, dấu vết cảm xúc in trong tâm hồn ta càng rõ nét. Ta trải qua cảm xúc như thế, nhẹ nhàng, chợt đến chợt đi. Bất kể vui, buồn, đau khổ, giận hờn, đam mê… lướt qua đời ta, ta vẫn ở đó chứng kiến không suy chuyển.
Cảm xúc không đến với những kẻ cuồng loạn. Say một cách cuồng loạn. Hiếu chiến một cách cuồng loạn. Căm hận một cách cuồng loạn. Yêu một cách cuồng loạn. Đau khổ một cách cuồng loạn. Thực dụng một cách cuồng loạn… Tất cả sự cuồng loạn ấy chỉ như chiếc lồng thực tại nhốt tâm hồn chúng ta. Trong chiếc lồng ấy chúng ta tự biến mình thành một diễn viên, đẩy thái quá mọi bi kịch của cuộc đời và đắm đuối trong ấy. Khi vở diễn này qua đi, ta lại cần một vở diễn khác để nuôi dưỡng cho cái lồng bắt nhốt. Những vở diễn ấy, người ta gán cho nó nhiều cái tên: sứ mệnh, định mệnh, mục đích cuộc đời, hệ tư tưởng, ý chí tối thượng, niềm tin… Gọi nó bằng gì cũng được, nó vẫn cứ là một cái lồng.
Cảm xúc sẽ không thể xuất hiện trong cái lồng thực tại của bạn, bởi cảm xúc vốn tự do, chợt đến chợt đi và biến hóa nhiều hình thái. Cảm xúc không phải thứ thuộc về ta, ta chỉ trải qua nó. Một tác động nào đó từ ngoại cảnh đến với tâm trí ta, tâm trí ta phản ứng lại, cảm xúc nảy sinh. Dù cảm xúc là yếu tố bên ngoài, như thể một thứ chất kích thích được bơm vào tâm trí ta, nhưng việc ta trải nghiệm nó, tận hưởng những biến động bên trong tâm trí, lắng nghe sự đối thoại của những suy nghĩ, thực sự là một điều tuyệt diệu. Khoảng thời gian ấy chính là khoảng thời gian đẹp nhất, là giây phút thăng hoa của nghệ thuật và cái đẹp. Đó là khoảng thời gian mà mọi rác rưởi của đời sống đột nhiên tiêu biến, chỉ còn đọng lại những gì quý giá.
Những kẻ trong lồng nói: “Ngươi thì hiểu gì về tình cảnh của ta. Ta đau khổ lắm! Ta trải qua biết bao chuyện chẳng lành. Đời đối xử với ta tàn nhẫn biết bao. Nên ta phải cuồng loạn theo một cách nào đó. Sự cuồng loạn ấy chính là cảm xúc”.
Ta nói: “Sự cuồng loạn không phải cảm xúc. Cảm xúc không kéo dài, cảm xúc đến rồi đi, và cảm xúc không thể được nuôi dưỡng. Sự cuồng loạn là việc chất chồng những lớp vỏ cảm xúc giả dối lên cảm xúc thật. Những suy nghĩ bệnh hoạn của ngươi tạo nên lớp vỏ ấy. Ngươi đau khổ vậy ư? Đau khổ muốn chết ư? Dao đây! Dây thừng đây! Thuốc độc đây! Chết đi! Chết đi và ngươi sẽ chấm dứt khỏi cơn cuồng loạn, khỏi tình cảnh khốn khiếp của ngươi. Phải rồi… ngươi đâu dám. Ngươi phải bám vào cơn cuồng loạn, bởi vì không có cơn cuồng loạn ấy ngươi chỉ là một kẻ não rỗng, không có gì để đeo đuổi, không có gì để định danh giữa cuộc đời. Ngươi hãy thử một lần im lặng, tách biệt và không làm gì cả! Ta đoán chắc ngươi sẽ không chịu nổi và coi đó là trò tra tấn dã man nhất mà ngươi phải chịu đựng. Trong sự cô lập ấy, sự cuồng loạn không có chỗ để nuôi dưỡng, ngươi sẽ chẳng còn gì? Ngươi có dám sống như một kẻ chẳng còn gì và cũng chẳng có gì chăng?”.
Những kẻ trong lồng nói: “Ngươi là quỷ dữ! Ngươi là kẻ lừa đảo! Cảm xúc chỉ như một thứ ma túy và ngươi muốn bán thứ ma túy ấy!”
Ta nói: “Ma túy khiến ngươi lệ thuộc, khiến ngươi không thể thoát nổi nó. Ngươi không dám bỏ sự cuồng loạn của ngươi. Ngươi không dám thay đổi tình cảnh sống của ngươi. Ngươi mới là kẻ bị đắm chìm trong ma túy. Cảm xúc đích thực đâu cần ngươi níu giữ, và nó cũng không hứng thú với việc mãi mãi ở bên ngươi. Có kẻ buôn ma túy như vậy ư?”
Những tiếng ồn ào của những kẻ trong lồng không dứt. Đương nhiên họ sẽ chối bỏ lời của ta, chối bỏ cảm xúc thật để say mê trong cảm xúc giả mà bản chất chỉ là những cơn cuồng loạn. Ta nhận ra ta đã lây nhiễm cơn cuồng loạn của họ. Cố giảng giải cho những kẻ cuồng loạn về cơn cuồng loạn của họ sẽ biến ta dần thành một kẻ cuồng loạn.
Thôi thì thây kệ! Tiếng ồn lịm dần. Ta về với ta.
Hà Thủy Nguyên