Home Bình Luận Ăn chay là tốt, ăn thịt là xấu

Ăn chay là tốt, ăn thịt là xấu

Năm 2011 đến 2012, mình tu tập theo một trường phái tâm linh vô cùng khắt khe. Yêu cầu ăn chay là điều hiển nhiên. Ăn chay, theo trường phái này không chỉ ăn các thức ăn có nguồn gốc thực vật, mà ngay cả những thực vật có mùi hắc như hành tỏi cũng bị cấm tiệt. (May quá từ bé mình đã không ăn được hành tỏi). Gay gắt hơn đó là tuyệt đối không ra nhà hàng chay ăn bởi đầu bếp có thể là người ăn thịt hoặc tâm của họ nhiều hỗn loạn, gây ảnh hưởng đến năng lượng của món ăn. Tất cả những điều đó quả thực rất tốt. Song song với việc ăn chay, để giữ tâm tĩnh lặng, tôi phải cách ly khỏi những bản nhạc tôi yêu thích, ngừng việc viết lách, hạn chế gặp gỡ, và tuyệt nhiên không có mối quan hệ nam nữ. Phải thừa nhận, đây là một giai đoạn thử thách và thú vị. Trong thời gian ấy tôi khám phá ra những khía cạnh chưa từng thấy ở bản thân. Và sau khi khám phá những điều ấy, tôi bắt đầu đặt ra một loạt những câu hỏi nghi vấn. Theo những bạn đồng tu của tôi lúc đó, nghi vấn là thứ trần tục và là điều không tốt.

Nghi vấn đầu tiên đặt ra là việc ăn chay. Tại sao ăn chay có thể giải nghiệp, có thể thanh lọc cơ thể, có thể hướng thiện ? Điều này trên thực tế là rất ít cơ sở. Quan niệm tu hành ở Ấn Độ, mà gần gũi với người Việt là Phật giáo, tin rằng khi chúng ta ăn thịt động vật là chúng ta sát hại sinh mạng của chúng. Nhưng người Á Đông chúng ta lại có quan niệm rằng « vạn vật hữu linh », tức là không chỉ động vật mà cái cây ngọn cỏ, thậm chí tảng đá… cũng có sinh mệnh của mình. Ăn thực vật, theo quan điểm của người Á Đông cũng chính là sát sinh vậy. Ăn thịt một con bò, bạn giết một sinh mệnh. Ăn một bát cơm, bạn giết không biết mấy ngàn sinh mệnh. Vậy thì giải nghiệp ở đâu ? Thêm nữa là chuyện thanh lọc cơ thể. Thanh lọc cơ thể bản chất là đẩy các độc tố ra ngoài đồng thời giữ những chất tốt để nuôi dưỡng cơ thể. Ăn chay vốn dĩ không thể thanh lọc cơ thể bởi một thành phần đáng kể trong các món chay là tinh bột. Phần lớn lượng tinh bột không được « thanh lọc » mà sẽ khiến chất béo bị trữ trong cơ thể nhiều hơn. Nếu muốn « thanh lọc » hãy uống nước sạch thay vì ăn chay. Thêm nữa, ăn chay cũng không hề giúp người ta hướng thiện. Lẽ « thiện  – ác » là do nhận thức của mỗi người mà hình thành. Đạo Phật quan niệm rằng kẻ vô minh (tức ngu dốt) thì chắc chắn ác, chỉ có người hiểu biết mới hành thiện được. Ăn chay mà vẫn vô minh thì chắc chắn vẫn ác. Ác cũng có trăm đường ác : ác bằng hành động, ác bằng lời lẽ, ác bằng suy nghĩ…v…v… thế nên ăn chay vốn dĩ không làm cho con người bớt ác.

Vậy thì người tu hành ăn chay để làm gì ? Một cách sâu xa, tôi đoán rằng họ cũng chả biết. Cơ thể con người không ai giống ai, có những người hệ tiêu hóa của họ sinh ra để tiêu thụ các thức ăn có nguồn gốc thực vật, nhưng có những người hệ tiêu hóa của họ thích hợp để tiêu thụ các thức ăn động vật (dân gian gọi là « ăn mặn ». Đó là lý do tại sao có đứa trẻ thích ăn rau quả, có đứa chỉ thích ăn thịt mà ghét rau. Hãy quan sát trẻ em, đừng quan sát người lớn, bởi người lớn bị nhồi nhét vào đầu cơn cuồng tín ăn chay rồi. Đứa trẻ thích ăn rau quả có cao quý và đặc biệt hơn đứa thích ăn thịt không ? Không ! Chỉ đơn giản là cơ thể cấu trúc như thế. Tiêu hóa được rau quả tức là dạ dày của nó có thể lấy được nhiều chất dinh dưỡng nhất từ loại rau quả và nhanh chóng đào thải độc tố. Còn những người thích ăn thịt thì hệ tiêu hóa của họ cũng tương tự, cơ thể họ tự biết thanh lọc độc tố trong thịt để giữ lại những chất tốt. Kẻ vô minh ăn chay không biết điều này mà đi phán xét người ăn thịt thì chính là rơi vào ác khẩu, ác tâm vậy.

Việc ăn chay phải đi đôi với tu hành mới là tốt. Có một số phương pháp tu luyện dẫn khí trữ ở luân xa 3, tức ổ bụng thì đúng là không nên ăn thịt. Không phải bởi vì thịt « bẩn » hay « năng lượng xấu », mà đơn giản là vì người tu luyện sẽ tiêu hoa nhiều năng lượng cho việc tiêu hóa, trong khi mục tiêu là cần tiết kiệm năng lượng cho việc khác. Nhưng tu luyện cũng có « ba bảy đường », nếu không trữ khí ở ổ bụng thì ăn chay cũng chẳng cần thiết cho lắm. Ngoài ra có một số phương pháp quán tưởng, hình thức thường là hình dung ra một biểu tượng (đức tính của thần Phật hoặc cảnh giới tầng trời) để tụng niệm, để hướng tâm. Theo tâm lý học thì đây là một pháp « tự kỷ ám thị ». Những người già, phụ nữ, trẻ em, hoặc những người cơ thể thiếu chất thường dễ rơi vào ảo giác do « tự kỷ ám thị » hơn là những người khỏe mạnh, có khả năng phân tích lý trí. Phương pháp quán tưởng kiểu này tôi cũng đã từng học qua và quả nhiên ăn chay thì giúp mình duy trì các ảo giác ấy tốt hơn. Nếu bữa ăn của bạn dính tí thịt thôi, bạn sẽ lo lắng các ảo cảnh ấy tan vỡ, thế là lại tu luyện hăng say hơn, nhờ thế ảo cảnh do tâm trí mình tạo ra lại càng vững vàng hơn, càng ngày bạn sẽ càng thấy nó có vẻ « thật » hơn. Ảo cảnh ấy chỉ thực sự tan vỡ khi bạn nhận ra rằng đó chỉ là sự phóng chiếu tâm trí của mình mà thôi.

Đương nhiên, tôi không phủ nhận chuyện có một thế giới vô hình của các linh hồn (bậc cao là Phật, tiên, thần thánh ; bậc thấp là ma quỷ, vong linh). Thế giới này tôi biết là có tồn tại. Thế nhưng, phân biệt được mình có thật sự tiếp cận được thế giới này hay không, hay mình đang rơi vào ảo cảnh của bản thân thì không phải câu chuyện dễ. Và ăn chay, ăn mặn vốn dĩ chẳng giúp gì cho chuyện này. Việc biết về cõi giới vô hình kia cũng chẳng giúp gì cho con đường tu luyện. Con đường tu luyện chân chính là nhận thức bản thân mình rõ ràng, càng rõ càng tốt, để tránh tình trạng vô minh, chứ không phải ngồi ăn chay tụng niệm.

Sau chuỗi ngày hoài nghi ấy, tôi từ bỏ luôn trường phái tu luyện, cũng bỏ luôn việc ăn chay, quay về với những bản nhạc tôi thích, với những cuộc chiến tôi đang dở dang, với những kế hoạch viết lách, và đặc biệt là quay trở về với thú vui tình ái. Thỉnh thoảng chán thịt cá, tôi vẫn ăn chay, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và thời tiết. Nên giờ đây, nghe ai đấy truyền đạo và khuyên người khác ăn chay, tôi chỉ cười ruồi. Ừ, tốt thì có tốt, nhưng tốt là tốt cụ thể thế nào cơ chứ ?

Hà Thủy Nguyên

 

Đi tìm vị thầy, hãy nhìn sao Bắc Đẩu

Tôi viết những dòng này cho ai đó ngoài kia đã, đang và sắp bước đi trên con đường tu tập tâm linh. Chúng ta có thể tạm thống nhất “tu tập tâm linh” là quá trình chúng ta khám phá các chiều khác nhau của chính mình và thực tại, để rồi nhận ra đích thực mình là ai và mình đang hướng tới điều gì. Đến nay, quan điểm “tu tập tâm linh” đã bị bóp méo và làm sai lạc rất nhiều.

Sống không phản kháng – Krishnamurti

Tôi thực sự không biết tại sao tôi ngồi trên bục này. Tôi cảm thấy tôi nên ngồi trên mặt đất cùng với tất cả những người còn lại, nhưng tôi đã ở đây rồi. Đó không phải là vị trí thẩm quyền. Tôi nghĩ rằng điều này cần phải được làm rõ ngay từ đầu. Tôi không ngồi đây với tư cách là Hội đồng Delphi, đặt ra giới luật hoặc cố gắng thuyết phục bạn nên có bất kỳ thái độ, hành động

Tạo nghiệp (karma) thì sao!

Những bạn bắt đầu tu theo Phật giáo hoặc các trường phái tương tự như vậy thường liên mồm nói về “nghiệp” và rao giảng về tránh “tạo nghiệp”. Vậy là họ nhìn trước nhìn sau không biết như thế nào để tránh tạo nghiệp. Thậm chí, khi chứng kiến mọi hành vi trái mắt họ, họ đều phán xét rằng người khác đang “tạo nghiệp”. Vậy thì “nghiệp” là cái gì? “Nghiệp” là khái niệm xuất phát từ Hindu giáo và đạo Phật, tiếng