Home Bình Luận Con cả “phải” nhường đứa bé hơn – yếu tố cấu thành tính chất bất công trong gia đình và xã hội

Con cả “phải” nhường đứa bé hơn – yếu tố cấu thành tính chất bất công trong gia đình và xã hội

Sáng sớm nay, tôi đọc trên báo Gia Đình một bức tâm thư của em bé nào đó ký tên là HA bày tỏ nỗi niềm của một người con cả bị bố mẹ của mình “ghẻ lạnh” khi gia đình có đứa con thứ hai. Bất kể bài viết này của báo có tính xác thực hay không, vì tên chung cư không được nêu tên và ngay cả chị hàng xóm kể lại câu chuyện cũng không có thông tin rõ ràng, thì đây vẫn là vấn đề “nhức nhối”.

Anh em như thể tay chân…

Trong xã hội Việt Nam, chúng ta thường nghiễm nhiên tin theo những lời khuyên dân gian không rõ nguồn gốc được đúc kết thành một thứ gọi là “tục ngữ”, “thành ngữ”. Chúng ta tin đó là “minh triết của cổ nhân”, nào thì:

“Yêu trẻ trẻ đến nhà, kính già già để tuổi cho”,

“Mấy đời bánh đúc có xương/Mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng”,

“Chồng thấp mà lấy vợ cao/như đôi đũa lệch sánh sao cho vừa”,

“Anh em như thể tay chân”…

Những câu tục ngữ – thành ngữ kiểu này thường được những người thuộc thế hệ trước răn dạy thế hệ sau, hoặc để ví von mang tính răn dạy. Trên thực tế, không có đúc rút nào trong số này đúng về mặt thực tế, và cũng chẳng có một sự logic hay tương quan nào để làm cơ sở dẫn đến những đúc rút ấy. Người ta sử dụng chúng để răn dạy đơn giản là do bị nhồi sọ cả đời và nói có vẻ thuận miệng.

Ở đây, tôi sẽ đề cập đến câu “Anh em như thể tay chân”, bởi vì đây là câu thường được các bậc phụ huynh sử dụng để răn dạy những đứa con của mình phải đoàn kết với nhau, đặc biệt là những đứa con cả phải nhường nhịn em của mình.

Một biến thể khác của câu này là:

Anh em như chân với tay
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần

Thoạt đầu, “Anh em như thể tay chân” nghe rất thuyết phục. Người xưa ví anh chị em trong nhà như hai bộ phân “chân” và “tay” trong cơ thể, và do đó phải đoàn kết với nhau. Gượm đã, hãy tư duy sâu hơn, tại sao lại ví anh em như tay chân mà không phải như đôi mắt, như tim gan…

Tay và chân là hai bộ phận đảm nhận chức năng lao động của người nông dân xưa: tay để làm các việc tỉ mẩn, chân để bước đi. Những người cụt tay và cụt chân thường kém đi khả năng lao động. Điều đấy cho thấy, trong tâm thức sâu kín của ai đó sáng tác nên câu tục ngữ này và cả những người thường xuyên lải nhải nó, những đứa trẻ trong gia đình đều chỉ là nhân công lao động.

Điều này không lạ đối với cộng đồng nông nghiệp như ở Việt Nam. Các gia đình Việt Nam thường coi trọng đẻ nhiều con, để nhà đông đúc con cháu, mỗi khi có việc thì mỗi người “một chân một tay” vào giúp để nhanh hoàn thành việc. Từ tâm thức ấy, con cái đối với gia đình nhiều con, thực tế chỉ là Oshin không lương và ít rủi ro “phản chủ”.

Bậc cha mẹ trong xã hội cũ (mà có lẽ trong xã hội đương đại vẫn tồn tại phổ biến), trong cách đối xử với con cái của mình thường xen lẫn giữa tình yêu thương bản năng, với sự trông chờ con cái sẽ đỡ đần công việc của mình càng sớm càng tốt, cùng những trách nhiệm huấn luyện con cái trở thành một nhân công cho xã hội, mà cụ thể là cho gia đình.

“Anh em như thể tay chân”, nói trắng ra, chính là anh em phải cố học cách làm việc nhà nhịp nhàng với nhau, để hỗ trợ gia đình. Trong đó anh em không được phép đề cao tính cá nhân của mình, bởi vì dù là tay hay chân thì cũng chỉ là một bộ phận của cơ thể gia đình.

Nhưng mỗi đứa trẻ là một cá thể tách biệt…

Đây là vấn đề khiến các phụ huynh đau đầu nhất. Mặc dù được răn dạy qua hệ thống ca dao tục ngữ, hay bị trói buộc bởi hệ thống giáo lý Nho giáo, thì mỗi đứa trẻ trong gia đình đều ẩn chứa các mầm mống của tính cá nhân. Ở chiều hướng tiêu cực, các bậc phụ huynh thường phán xét mầm mống này là sự ích kỷ và vô trách nhiệm với gia đình.

Tính cá nhân ở mỗi đứa trẻ trong gia đình xuất phát ban đầu từ động lực sinh tồn của chúng khi chúng dần dần nhận ra rằng tình yêu của cha mẹ có thể thay đổi, và chúng bị buộc phải thực hiện những nghĩa vụ mà không được giải thích xác đáng, đặc biệt đối mặt với tình trạng quyền lợi của chúng dường như bị cạnh tranh đối với gia đình có từ hai con trở lên.

Hãy trở lại với lịch sử các cuộc tranh chấp ngôi báu trong lịch sử phong kiến. Không ít các cuộc huynh đệ tương tàn đã diễn ra vì các hoàng tử tranh nhau ngôi báu, mà bản chất là tranh nhau quyền lợi và tình yêu thương của phụ hoàng. Dẫu thắng hay thua thì các hoàng tử vẫn chỉ là những đứa trẻ hoang mang, bị tổn thương, do cha mẹ đã đẩy chúng vào cuộc chiến sinh tồn lệch lạc.

Và ngay cả trong xã hội hiện đại, những cuộc tranh chấp tài sản của anh chị em trong gia đình vẫn gây ra nhiều câu chuyện thương tâm: đâm chém nhau, kiện cáo nhau, từ mặt nhau… Tất cả đều không phải lỗi của anh chị em, mà lỗi của của người làm cha làm mẹ đã không biết nuôi dưỡng tình cảm, và cũng không biết cách đối xử công bằng cho những đứa trẻ trong gia đình.

Thân phận con cả: quá nhiều trọng trách, quá ít yêu thương

Hồi bé, khi đọc những câu chuyện cổ tích, tôi luôn thắc mắc rằng tại sao những đứa con út luôn là người tốt, dù gặp nhiều sóng gió nhưng rồi vẫn sống trong hạnh phúc mãi mãi về sau; và tại sao những người con cả đều xấu xa và có một kết cục bất hạnh. Nếu kinh nghiệm dân gian đều chính xác, không lẽ tất cả những người con cả đều tệ hại từ Tây sang Đông, từ Bắc chí Nam?

Tôi còn nhớ hồi lớp 4, tôi đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa, đọc đến đoạn Tào Thực làm bài thơ vịnh cảnh nồi canh đậu được đun bằng củi cành đậu để trỉ chích hành vi của Tào Phi, trách Phi tàn nhẫn. Tác giả Tam Quốc Diễn Nghĩa dành sự ưu ái cho Tào Thực, tin rằng Phi vì ghen ghét đố kỵ với tài năng và sự sủng ái của Tào Tháo dành cho Thực mà luôn tình cách hãm hại Thực.

Thuở ấy, một cách mơ hồ, tôi vẫn nghĩ rằng Tào Thực bị Tào Phi đối xử như vậy là bởi anh ta đáng bị như vậy. Sau này, tôi đọc thêm Tam Quốc Chí và tìm hiểu thêm các thông tin xung quanh cả Tào Phi và Tào Thực, thì lập trường của tôi trong vấn đề này càng được củng cố hơn.

Tào Thực được đánh giá là có tài văn chương hơn Tào Phi, nhưng nếu so sánh về giá trị nghệ thuật của tác phẩm, tầm vóc tư tưởng hay năng lực trị quốc, thì Tào Thực đều dưới Tào Phi.

Trong khi thơ văn của Tào Thực chỉ xoay quanh mấy chủ đề ca ngợi chiến tích của Tào Tháo, vịnh vẻ đẹp của phụ nữ, những cuộc say bí tỉ… thì thơ Tào Phi bày tỏ tinh thần phản chiến, nỗi xót thương cho người lính, những người chinh phụ, thậm chí nhuốm màu sắc hư vô.

Trong khi Tào Thực thường xuyên tụ tập văn nhân tài tử uống rượu say sưa, bất chấp quy định của triều đình, thì Tào Phi chăm lo việc triều chính, xử lý nội vụ thay Tào Tháo.

Và cuối cùng, dù cho Tào Tháo yêu quý Tào Thực đến đâu, thì cuối cùng ông vẫn quyết định trao ngôi báu cho Tào Phi – người ông tin chắc rằng có thể gìn giữ được cơ đồ. Thế nhưng, hậu thế thì vẫn chặc lưỡi tiếc rằng Tào Thực không được nhường ngôi báu.

Với tất cả những dữ kiện ấy, tôi bỗng thấy bài thơ vịnh nổi tiếng của Tào Thực trở nên lố bịch. Bởi đó là lời oán trách của một đứa em út quen được nuông chiều, quen là trung tâm của mọi sự chú ý, nay bỗng mất đi vị trí trung tâm ấy. Còn chưa kể đến những động cơ chính trị đằng sau bài thơ này trong quá trình tranh chấp ngôi báu giữa Tào Phi và Tào Thực.

Nhưng tại sao Tào Thực – đứa em út điển hình, một nguyên mẫu thường thấy trong tâm thức dân gian lại được yêu thích đến thế. Đối với các bậc phụ huynh hành động cảm tính, ít coi trọng lý trí và không có các thước đo đạo đức thì sẽ dễ phản ứng dựa trên những ám ảnh mà não bộ ghi nhận.

Những nghiên cứu về não bộ liên quan đến phản ứng của não người trưởng thành đối với trẻ nhỏ đã chỉ ra rằng não người trưởng thành ghi nhân hình ảnh trẻ em tốt hơn so với hình ảnh của người lớn, và não bộ yêu thích hình dạng khuôn mặt bầu bĩnh và đôi mắt tròn của những sinh vật sơ sinh, và chất oxytocin kích thích tình yêu tiết ra trong não bộ của bố mẹ trong quá trình tiếp xúc với con.

Khi những đứa con càng lớn lên, các nét dễ thương càng mất đi, và quá trình tiết chất oxytocin trong não bộ của cha mẹ càng ít, nên tình yêu vô thức thuở ban đầu dành cho đứa trẻ dần biến mất. Nếu cha mẹ có thể chuyển đổi tình yêu này sang một dạng tình yêu khác có lý trí hơn, thì đứa trẻ có lẽ sẽ hạn chế được những tổn thương.

Nhưng nhiều gia đình chọn cách đi tìm kiếm một đối tượng khác để lấp đầy khoảng trống của một gương mặt em bé bé dễ thương. Sinh thêm một đứa con khác là giải pháp để tiếp tục được tiết Oxytocin. Sự tiết ra Oxytocin thực sự dễ gây nghiện, và các phụ huynh đói khát nó để có cảm giác hạnh phúc, đặc biệt đối với những cặp vợ chồng không còn hứng thú tình dục với nhau.

Dù không biết những cơ chế sinh lý chi phối hành vi của cha mẹ, những đứa trẻ luôn mơ hồ có một nỗi sợ: lớn lên. Chúng không còn dễ thương như hồi bé, và đặc biệt không dễ thương bằng đứa em mà mẹ mới sinh. Đáng sợ hơn thế, cha mẹ bắt đầu nói về trách nhiệm làm anh chị, và yêu cầu chúng phải nhường phần hơn cho em (hoặc các em).

Nghiễm nhiên, đứa con cả trong gia đình bị thúc lớn nhanh hơn so với điều kiện phát triển sinh học và não bộ của chúng có thể chịu đựng, để trở thành một nhân công trong gia đình, “đỡ đần công việc” giúp cha mẹ.

Trong khi ấy, cha mẹ vẫn dành tình yêu cho đứa bé nhỏ nhất, vì nó vẫn đang giúp oxytocin được tiết ra và tạo cảm giác hưng phấn. Ngay cả khi đứa nhỏ nhất lớn lên, không có đứa trẻ nào thay thế (cho đến khi những đứa cháu được sinh ra), thì nó vẫn được yêu thương nhất, bởi vì nó gắn liền với lần cuối cùng oxytocin được tiết ra và ký ức tình yêu mơ hồ ấy vẫn đọng lại trong trí nhớ cha mẹ.

Những người con lớn hơn, mà trách nhiệm nặng nề nhất đặt lên vai con cả, đều phải bày tỏ tình yêu vô điều kiện dành cho đứa con út, nếu không sẽ bị coi là đố kỵ, ích kỷ. Bởi vì, ký ức về tình yêu dành cho những đứa lớn hơn quá mờ nhạt trong trí nhớ của cha mẹ, cho dù chúng có bày tỏ tình cảm của mình với cha mẹ nhiều tới đâu chăng nữa.

Không có đứa trẻ ích kỷ, chỉ có cha mẹ đối xử bất công

Nếu một đứa trẻ không biết nhường nhịn, luôn ghen tuông khi thấy cha mẹ yêu thương em nhỏ hơn, thì lỗi không phải của nó, lỗi là của cha mẹ. Tình yêu thương không thể được dậy bảo, mà cần được nuôi dưỡng. Sao có thể yêu cầu một đứa trẻ yêu thương một đứa trẻ khác trong khi tình yêu của bố mẹ nó dành cho nó giờ đã sụt giảm?

Khi cha mẹ yêu cầu đứa con cả hãy nhường nhịn em nhỏ, tức là chia phần nhiều hơn và ngon hơn cho em, đứa trẻ hẳn sẽ ghi nhận rằng cha mẹ đang gián tiếp nói rằng đứa em nhỏ xứng đáng được nhân tình yêu hơn, xứng đáng có nhiều hơn những gì nó đang có. Đứa trẻ khó chấp nhận lời bao biện rằng: vì em nhỏ hơn đến anh chị phải thường em.

Thực tế là, nguyên tắc cư xử này kéo dài trong suốt khoảng thời gian những đứa trẻ gắn bó với gia đình, ngay cả khi con trẻ đã trưởng thành. Mặc dù về mặt lễ giáo, những đứa con cả được tôn trọng hơn, nhưng cha mẹ lại luôn ưu ái chăm lo cho con út hơn. Cha mẹ có thể dễ dàng nói lời yêu thương với đứa con út luôn được coi là nhỏ bé, nhưng lại luôn giao tiếp lạnh nhạt với con cả.

Cách ứng xử này là nguyên nhân gián tiếp nhưng quan trọng dẫn tới đại đa số các vụ tranh chấp của anh chị em trong gia đình. Khi nhỏ thì tranh chấp nhau đồ chơi, lớn lên thì tranh chấp nhau từng khoản thừa kế, âu đó cũng là hậu quả tất yếu. Và hãy tưởng tượng những đứa trẻ lớn lên trong trạng thái tranh chấp liên tục, chúng sẽ trở thành công dân như thế nào trong xã hội.

Ngoài ra, còn phải kể đến ý thức về sự công bằng trong mỗi đứa trẻ đã đổ vỡ ngay từ khi còn bé. Đứa con cả sẽ thấy rằng ở đời không có công bằng vì suốt tuổi thơ nó không được đối xử công bằng, còn những đứa nhỏ hơn mà đặc biệt là con út sẽ chắc mẩm rằng đầu cần lẽ công bằng, mọi điều tốt nhất hẳn nhiên sẽ thuộc về chúng.

Và thế là trong quá trình trưởng thành, chúng liên tục nhân rộng lối hành xử thiếu công bằng đối với những người xung quanh mình, với xã hội, và với cả những đứa con trong tương lai. Cứ thế, hết thế hệ này đến thế hệ khác, xã hội vận hành theo cơn nghiện oxytocin chứ không phải lẽ công bằng cần thiết để hạn chế các rủi ro mâu thuẫn.

Đương nhiên, bản chất của con người là sợ hãi mâu thuẫn, yêu thích hòa bình và yêu thương. Nhưng chỉ khi chúng ta không chiều chuộng bản thân tới mức để tình yêu thương sinh hóa của chúng ta biểu lộ một cách bản năng, và đối xử công bằng với mọi đứa trẻ (dù chúng nhỏ hay lớn) thì lúc ấy những đứa trẻ mới cùng trưởng thành trong hòa bình và yêu thương.

Hà Thủy Nguyên

>>Đọc thêm:

Tận hưởng niềm vui với con cái – Hà Thuỷ Nguyên (hathuynguyen.com)

Khi những đứa trẻ bị tách xa khỏi tiếng Việt và văn hóa Việt – Hà Thuỷ Nguyên (hathuynguyen.com)

Tận hưởng niềm vui với con cái

Con cái có lẽ là tạo tác tuyệt vời nhất trong cuộc đời mỗi con người. Nhân tính của đứa con sẽ nói lên cách mà bạn đối xử với chúng, hay nói một cách khác sự trưởng thành của con cái phản ánh nhân cách của những người nuôi dưỡng chúng. Nhưng cũng giống như sáng tác tác phẩm nghệ thuật, thái đô và quan niệm của bạn trong sáng tác sẽ quyết định phong cách và tư tưởng của tác phẩm, quan niệm

Bằng cấp – chúng ta đang làm gì với đời mình

Còn nhớ những ngày đầu nhóm Book Hunter mới tụ nhau, bọn tôi thường hay dành buổi chiều chủ nhật để xem phim. Ngày ấy, một bạn trong nhóm “đề cử” bộ phim khoa học viễn tưởng “Gattaca” (1997). Bộ phim đặt ra một giả định: rằng khi công nghệ chọn lọc gen phát triển tới mức mỗi đứa trẻ được sinh ra nhờ và công nghệ này đều là những đứa trẻ hoàn hảo, và chúng nghiễm nhiên được đặt trong một số phận

Giáo dục Việt Nam, sai lầm bởi mặc thời đại xô đẩy

Trong 10 năm gần đây, ngành giáo dục tại Việt Nam gặp phải nhiều sự lên án: từ chương trình học nặng nề thiếu thực tế, đến đề thi thiếu tính chuyên môn, sách giáo khoa có nhiều sai phạm, giáo viên ý thức kém… Mới đây, sự việc 231 cái tát lại càng dấy lên sự lo lắng về một nền giáo dục đang còn lạc hậu so với thế giới. Nhiều bài viết đã chỉ ra những điểm yếu kém cũng như đã

Người trẻ muốn làm việc tốt cần quên những thứ học ở trường đi

Học, thi cử, rồi lại học, cho đến khi có được bằng cấp, và khi đi làm, những điều học được ở nhà trường không hẳn là thích hợp với yêu cầu công việc thực tiễn. Đây vốn không phải là một thực tế quá gây shock với người Việt Nam. Mỗi người Việt chúng ta đều chấp nhận thực tế ấy như một chân lý hiển nhiên và miễn là con cái chúng ta cố học để có đủ các bằng cấp, điều kiện

Krishnamurti bàn về giáo dục và ý nghĩa cuộc sống

Mỗi khi chuẩn bị bước vào năm học mới, dù còn trên ghế nhà trường hay đã rời khỏi chốn ấy, chúng ta đều không khỏi băn khoăn về ý nghĩa của giáo dục. Tại sao chúng ta phải cần phải được “giáo dục”, tại sao chúng ta phải tuân thủ một loạt các định chế do nhà trường tạo ra. Tất cả những cải cách giáo dục dường như không thay đổi được gì nhiều tình thế của chúng ta, chúng có thể có