Home Bình Luận Giáo dục Việt Nam, sai lầm bởi mặc thời đại xô đẩy

Giáo dục Việt Nam, sai lầm bởi mặc thời đại xô đẩy

Trong 10 năm gần đây, ngành giáo dục tại Việt Nam gặp phải nhiều sự lên án: từ chương trình học nặng nề thiếu thực tế, đến đề thi thiếu tính chuyên môn, sách giáo khoa có nhiều sai phạm, giáo viên ý thức kém… Mới đây, sự việc 231 cái tát lại càng dấy lên sự lo lắng về một nền giáo dục đang còn lạc hậu so với thế giới. Nhiều bài viết đã chỉ ra những điểm yếu kém cũng như đã lý giải nhiều nguyên nhân dẫn đến sự lạc hậu này, tuy nhiên, các bài viết thường chỉ đưa ra các nguyên nhân trực tiếp.

Trong bài viết này, tôi muốn đề cập đến một khía cạnh khác, đó là thế đứng của giáo dục Việt Nam – một thế đứng chập chờn giữa những giao thoa về mô hình giáo dục, để rồi không thể đưa ra một chiến lược phát triển tổng thể trong tương lai, mà mặc cho sự xô đẩy của thời đại.

Truyền thống một nền giáo dục bị động

Một nền giáo dục bị xô đẩy bởi thời đại không phải chỉ là câu chuyện đương đại ở Việt Nam. Nhìn lại lịch sử, ta có thể dễ dàng nhận thấy liên tục trong 2000 năm, người Việt hiếm khi nào tự chọn cho mình một hướng giáo dục phù hợp với các đặc tính của dân tộc, mà chỉ sao chép một cách thụ động từ sự giáo dục mang tính cưỡng chế do các chính quyền đô hộ.

Cho đến nay, các sử gia chưa chứng minh được cách thức giáo dục trước khi nhà Hán đô hộ nước ta, nhưng nền tảng Nho giáo do các đô hộ sứ người Hán áp đặt đã trở thành sự lựa chọn mặc nhiên trong suốt chiều dài lịch sử phong kiến nước ta. Chính quyền các triều đại phong kiến dường như không mấy để tâm đến việc giao lưu tri thức với các nền văn hóa khác. Điều này rất khác biệt, thậm chí với Trung Quốc, vốn được xem như bản mẫu để Đại Việt học tập theo. Thậm chí, ý chí học tập không thể sánh với các nước Á Đông khác như Nhật Bản và Triều Tiên (thời phong kiến). Nhật Bản và Triều Tiên (thời phong kiến) mặc dù cũng tiếp thu Nho giáo nhưng họ không để mình rơi vào thế bị động mà chủ động nghiên cứu, học hỏi, khảo sát và chọn lựa các yếu tố tốt cho phát triển dân tộc. Vậy nên, cùng từ một nguồn ảnh hưởng nhưng các nước Á Đông nhưng nước ta, ngay cả trong thời kỳ độc lập, lại tiếp thu một loại Nho giáo khắc nghiệt, thiên nhiều về nghi lễ và giáo điều để làm tư tưởng

Đến thời Pháp thuộc, cơn bão phương Tây đã đánh bật vị trí thống trị của Nho giáo trên toàn bộ xã hội và thay vào đó một nền giáo dục kiểu mới: giáo dục phổ thông và phổ cập. Nền giáo dục này không phải một nền giáo dục lâu đời ở phương Tây mà chỉ mới xuất hiện trong thời kỳ công nghiệp. Tính đến nay, tuổi thọ của nền giáo dục phổ thông phổ cập mới chỉ 200 năm. Chính hệ thống giáo dục này cũng được chính quyền nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam lựa chọn để tạo ra những “công dân mới”, đúng như tôn chỉ của mô hình giáo dục phổ thông phổ cập khi mới ra đời.  Nếu tư tưởng giáo dục Nho giáo chủ trương tạo ra các Nho sinh để “tải đạo” thì mô hình giáo dục phổ thông và phổ cập ngay từ cốt lõi đã hướng tới việc tạo ra những người công dân làm việc trong các công xưởng và văn phòng phục vụ nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, mô hình giáo dục phổ thông và phổ cập ở phương Tây đã có những bước tiến rất xa về thành tựu nhờ vào kho tri thức khổng lồ được tích trữ trong nhiều nghìn năm lịch sử và một truyền thống học thuật lâu đời. Đây lại chính là thành phần mà Việt Nam không hề tiếp thu trong quá trình ứng dựng chương trình giáo dục phổ thông và phổ cập.

Như vậy, sự bị động trong việc tiếp thu hai mô hình giáo dục lớn, một phương đông cổ xưa và một phương tây hiện đại, đã khiến cho chúng ta không tiếp thu được những yếu tố xuất sắc nhất, mà ngược lại chỉ sao chép được các công thức cứng nhắc và lấy đó như tiêu chuẩn của nền giáo dục. Trong khi đó, một làn sóng giáo dục kiểu mới của thời đại công nghệ cao đã thành hình trên thế giới và Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận dù chưa đủ các cơ sở căn bản về cơ sở vật chất cũng như chuyên gia trong các chuyên ngành. Một hậu quả dễ nhận thấy đó là giáo dục lập tức bị rơi vào tình trạng “loạn chuẩn”.

Không gặp nhau ở đỉnh cao mà chỉ giao thoa sự lạc hậu

Mọi mô hình giáo dục một khi đã được áp dụng rộng rãi luôn có những điểm ưu việt và những hạn chế. Các quốc gia có nền giáo dục phát triển luôn biết cách kết hợp các điểm ưu việt phù hợp với tình trạng của quốc gia, giống như trường hợp của Nhật và Hà Lan; hoặc cho phép nhiều mô hình được song song tồn tại và chuyển biến giống như Mỹ và Tây Âu. Còn các quốc gia chỉ biết khiên cưỡng sao chép đóng kín trong một mô hình lại dễ dàng xảy ra sự chồng lấn lên nhau giữa các giao thoa giữa giáo dục kiểu cũ và giáo dục kiểu mới mà tình trạng giáo dục Việt Nam chính là một ví dụ điển hình.

Mô hình giáo dục phương Tây hiện đại theo kiểu phổ thông và phổ cập vốn dĩ là một mô hình giúp người học nhanh chóng có được các kỹ năng và kiến thức toàn diện phục vụ đời sống hiện đại, thế nhưng ở Việt Nam, các kỹ năng thực tế không được quan tâm. Thay vì đó, cách dạy và học từ cấp 1 cho đến đại học vẫn theo lối giáo điều của mô hình Nho giáo, tức là thày đọc trò chép và thi cử theo lối thuộc lòng. Thay vì thói quen tư duy theo quy trình, một kết quả dễ nhận thấy của nền giáo dục phổ thông phổ cập thì các học sinh và sinh viên ở Việt Nam khi ra trường dễ bị rơi vào lối tư duy rập khuôn, bắt chước và thiếu chủ động khi bắt nhịp vào quy trình làm việc của xã hội hiện đại.  Thâm chí, tình trạng thầy cô giáo thích quát mắng hoặc bạo hành học trò cũng là do những tàn dư lạc hậu của mô hình Nho giáo vốn quen “gõ đầu trẻ” gây ra dù rõ ràng chúng ta đang ở trong một nền giáo dục hiện đại mà quyền trẻ em là vấn đề được coi trọng… Tình trạng này không phải lỗi của mô hình giáo dục Nho giáo hay mô hình phổ thông phổ cập, mà là do sự bị động đã trở thành cố hữu ở nước ta trong suốt hai ngàn năm lịch sử. Và ngay cả khi các mô hình giáo dục đương đại khác du nhập vào Việt Nam thì các mô hình ấy vẫn không hề giúp Việt Nam cải thiện tình trạng giáo dục. Mọi sự cải cách dù lớn hay nhỏ đều không đến từ sự chủ động mà đến từ sự bị động thì đều lãng phí tiền bạc, nhân lực và gây ra các xáo trộn đối với học sinh – sinh viên nói riêng cũng như toàn bộ xã hội nói chung.

Những thực trạng tồi tệ của nền giáo dục như tham nhũng, năng lực cán bộ giảng dạy yếu kém, điều kiện vật chất không đầy đủ, đạo đức học đường xuống cấp, chương trình học lạc hậu… tất cả, theo tôi đều là biểu hiện của một nền giáo dục chắp vá được tạo bởi phần lạc hậu nhất của các mô hình giáo dục lớn. Chừng nào, Việt Nam không thể đưa ra một chiến lược giáo dục thực thụ dựa trên các khảo sát của những chuyên gia hàng đầu để tạo ra một hệ thống giáo dục vừa căn bản, vừa phù hợp với thực tiễn của thời đại, vừa tôn trọng học sinh – sinh viên, lại vừa dựa trên các lợi thế của Việt Nam thì chừng ấy, nền giáo dục Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục trì trệ như hiện nay. Tuy nhiên, việc đưa ra một chiến lược lâu dài không phải việc dễ dàng, không đơn giản là các cuộc cải cách hàng loạt vội vã, mà đòi hỏi sự nghiên cứu nghiêm túc, đầy đủ, kỹ lưỡng không chỉ các mô hình giáo dục và văn hóa của thế giới mà cả các đặc tính văn hóa của người Việt.

Hà Thủy Nguyên

Bài đã đăng trên báo Pháp Luật Việt Nam

Bằng cấp – chúng ta đang làm gì với đời mình

Còn nhớ những ngày đầu nhóm Book Hunter mới tụ nhau, bọn tôi thường hay dành buổi chiều chủ nhật để xem phim. Ngày ấy, một bạn trong nhóm “đề cử” bộ phim khoa học viễn tưởng “Gattaca” (1997). Bộ phim đặt ra một giả định: rằng khi công nghệ chọn lọc gen phát triển tới mức mỗi đứa trẻ được sinh ra nhờ và công nghệ này đều là những đứa trẻ hoàn hảo, và chúng nghiễm nhiên được đặt trong một số phận

Người trẻ muốn làm việc tốt cần quên những thứ học ở trường đi

Học, thi cử, rồi lại học, cho đến khi có được bằng cấp, và khi đi làm, những điều học được ở nhà trường không hẳn là thích hợp với yêu cầu công việc thực tiễn. Đây vốn không phải là một thực tế quá gây shock với người Việt Nam. Mỗi người Việt chúng ta đều chấp nhận thực tế ấy như một chân lý hiển nhiên và miễn là con cái chúng ta cố học để có đủ các bằng cấp, điều kiện

Gửi các mẹ: Đọc sách có quan trọng đến thế?

Sáng nay lên mạng, một bức thư thống thiết của một bà mẹ gửi tới đứa con lười đọc sách của mình hiện lên Newsfeed của tôi. Ngay khi click vào đọc, tôi đã biết được bức thư này có thể lâm li bi đát đến cỡ nào. Bởi vì, cứ thỉnh thoảng phong trào cổ vũ văn hóa đọc lại rộ lên những trò thú vị mà có lẽ chỉ Việt Nam mới có. Nào thì chụp ảnh khoe tủ sách, nào thì chạy

Krishnamurti bàn về giáo dục và ý nghĩa cuộc sống

Mỗi khi chuẩn bị bước vào năm học mới, dù còn trên ghế nhà trường hay đã rời khỏi chốn ấy, chúng ta đều không khỏi băn khoăn về ý nghĩa của giáo dục. Tại sao chúng ta phải cần phải được “giáo dục”, tại sao chúng ta phải tuân thủ một loạt các định chế do nhà trường tạo ra. Tất cả những cải cách giáo dục dường như không thay đổi được gì nhiều tình thế của chúng ta, chúng có thể có

Tự do học thuật – Nền tảng vững chắc để Việt Nam trỗi dậy

Tự do học thuật là vấn đề then chốt trong việc nâng cao dân trí. Một nền học thuật không tự do, tức là không có sự lành mạnh thì không có giáo dục nhân văn, không có tự do tư tưởng, và điều đó đồng nghĩa với việc hết thế hệ này đến thế hệ khác, người dân trở thành đám đông bị dắt mũi bởi các thế lực kiểm soát hệ thống. Chính trị hóa nền học thuật là một trong những trở