Home Dịch thuật Dịch thơ Dịch mới Long thành cầm giả ca của Nguyễn Du

Dịch mới Long thành cầm giả ca của Nguyễn Du

Người chơi đàn chốn Long Thành, không rõ tên gọi là chi. Nghe nói thuở nhỏ, nàng học chơi đàn nguyệt (còn gọi là đàn Nguyễn) trong đội nữ nhạc hoàng cung vua Lê. Quân Tây Sơn ra Bắc, đội nhạc cũ người chết kẻ đi. Nàng lưu lạc các chợ, ôm đàn hát rong. Những khúc nàng chơi đều là khúc “Cung phụng” hầu vua, người ngoài chưa từng được biết, cho nên tài nghệ của nàng nổi tiếng bậc nhất một thời.

Thời còn trẻ, ta đến kinh đô thăm anh (tức Nguyễn Nễ), trọ gần Giám Hồ. Bên hồ, các quan Tây Sơn mở tiệc, ca kỹ đẹp có đến vài chục người. Nàng nổi danh nhờ ngón đàn nguyệt. Nàng hát hay khéo chuyện, ai cũng say mê, đua nhau ban thưởng từng chén rượu lớn, nàng uống can, tiền thưởng vô kể, tiền và lụa chồng đầy mặt đất. Lúc ấy, ta nấp trong bóng tối, không thấy rõ mặt. Sau được gặp ở nhà anh ta. Nàng người thấp bé, má bầu bính, trán cao, mặt gẫy, không quá đẹp, nhưng nước da trắng trẻo, thân hình nở nang, khéo trang điểm, lông mày thanh tú, má thoa phấn, áo hồng, quần lụa xanh cánh trả, có vẻ phong nhã. Nàng hay rượu hay pha trò, con mắt long lanh, chẳng để ai vào mắt. Khi ở nhà anh ta, mỗi lần uống rượu thì nàng say đến nỗi nôn bừa bãi, nằm lăn ra đất, chúng bạn chê trách cũng chẳng màng. Vài năm sau, ta rời nhà về Nam, mấy năm liền không trở lại Long Thành.

Xuân này ta lại phụng mệnh sang sứ Trung Quốc, ngang qua Long Thành. Bạn cũ mở tiệc tiễn ta ở dinh Tuyên phủ, cho gọi vài chục ca nữ, ta đều không biết mặt biết tên. Các nàng thay nhau múa hát. Rồi ta nghe khúc đàn nguyệt trong trẻo nổi lên, khác hẳn những khúc thường nghe, ta lấy làm lạ, nhìn người gảy đàn thì thấy một nàng gầy gò, tiều tụy, da đen sạm, xấu xí, áo quần vân vải thô bạc thếch, vá nhiều mảnh trắng, ngồi im lặng cuối chiếu, chẳng hề nói cười, hình dáng khó ưa. Ta không biết nàng là ai, nhưng tiếng đàn thì dường như đã từng nghe, nên động lòng thương tâm. Tiệc xong, hỏi biết thì ra chính là người trước kia từng gặp.

Than ôi! Người ấy sao ra nông nỗi này! Ta bồi hồi lúc ngẩng đầu khi cúi mặt, ngậm ngùi ngẫm cảnh xưa nay. Đời người trong cõi trăm năm, sự vinh nhục buồn vui thật khó đoán biết. Từ biệt lên đường, cảm thương khôn xiết, nên làm bài ca để ghi lại tâm tư.

Giai nhân Long thành

Danh xưng nào biết

Ngón đàn diệu tuyệt

Người đời lấy “Cầm” làm tên gọi

Gảy được khúc “Cung phụng” xưa thuở tiền triều,

Chợt nghe điệu đàn tiên giới bậc nhất hồng trần.

Nhớ thời niên thiếu duyên gặp gỡ,

Bữa tiệc đêm bên Giám Hồ xưa.

Tuổi nàng hăm mốt vào độ ấy,

Vẻ đào hoa gió xuân hây hẩy.

Rượu say thêm dáng người khả ái,

Tay lướt năm cung réo rắt lòng.

Khoan như gió thoảng trên đồi tùng

Thanh như hạc gọi giữa núi rừng.

Mạnh như sấm sét bia Tiến Phúc vỡ tan(*)

Buồn như điệu Việt chàng Trang Tịch ngâm nga (**)

Kẻ nghe say đắm nào biết mệt

Qủa là điệu cũ chốn cung xưa (***)

Quan khách Tây Sơn túy lúy đều nghiêng ngả

Đêm truy hoan nào biết sáng rồi.

Tả hữu tranh nhau khen ban thưởng,

Bạc tiền ngập đất nghĩa chi đâu.

Khí độ hào hoa vượt công hầu

Công tử Thiếu Lăng sánh được đâu.

Ba mươi sáu cung xuân ngày ấy

Đổi lấy trân bảo chốn kinh kỳ.

Lặng nhớ nay đã hai mươi kỷ,

Tây Sơn tiêu tán ta vào Nam.

Long thành gần gụi mà nào thấy,

Kể chi ca múa tiệc nơi đây.

Nay Tuyên phủ sứ bày tiệc đãi mừng ta,

Giữa chiếu thiếu nữ đang hát ca

Thấy nàng tóc che nửa mặt hoa

Sắc tan hồn nát thân nhỏ bé.

Phờ phạc mày thưa kém điểm trang,

Ai biết nàng xưa từng nổi danh đệ nhất kinh kỳ.

Khúc xưa điệu mới mà rơi lệ,

Tai nghe lòng lặng nặng sầu bi.

Bất chợt lòng nhớ hai mươi năm lần ấy,

Đã gặp nàng nơi Giám Hồ kia.

Thành quách đổi dời người cũng khác

Năm tháng ruộng dâu hóa biển khơi.

Cơ nghiệp Tây Sơn một sớm rồi cũng lụi,

Sót lại nơi đây nàng ca nhân

Thấm thoắt trăm năm là bao nhỉ,

Chuyện cũ lòng đau lệ đầm đìa.

Sông Nam ngoảnh lại đầu đã bạc (****)

Trách sao nhan sắc cũng tàn phai.

Hai mắt mở to lòng nhung nhớ

Xót xa gặp gỡ biết đâu mà.

Hà Thủy Nguyên dịch

(*) Bia Tiến Phúc:  Tương truyền Phạm Trọng Yêm đời Tống lúc làm quan ở Bá Dương, có người học trò nghèo dâng bài thơ hay. Ông muốn giúp đỡ, cho rập một ngàn bản in để bán lấy tiền, chưa rập xong thì một nên bản in rập đã bị sét đánh vỡ tan.

(**)Trang Tích, người Việt làm quan cho nước Sở. Khi ốm, ông vẫn ngâm nga điệu Việt.  

(***) Trung Hòa là tên một điện trong hoàng cung nhà Lê.

(****) Tức ám chỉ sông Gianh

>> Đọc thêm: Nhân sinh vô thường trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh của Nguyễn Du – Hà Thuỷ Nguyên (hathuynguyen.com)

Bản Hán Việt:

Long Thành Cầm giả, bất tri tính thị. Văn kỳ ấu niên tòng học bát Nguyễn cầm ư Lê cung Hoa tần bộ trung. Tây Sơn binh khởi, cựu nhạc tử tán, kỳ nhân lưu lạc thị triền, hiệp kỹ dĩ ngao, thuộc tản bộ. Sở đàn giai ngự tiền cung phụng khúc, phi ngoại nhân sở văn, toại xưng nhất thời tuyệt kỹ. Dư thiếu thời, thám huynh để kinh, lữ túc Giám hồ điếm. Kỳ bàng Tây Sơn chư thần đại tập nữ nhạc, danh cơ bất hạ sổ thập. Kỳ nhân độc dĩ Nguyễn cầm thanh thiện trường. Phả năng ca, tác bài hài ngữ, nhất toạ tận điên đảo. Sác thưởng dĩ đại bạch, Triếp tận, triền đầu vô toán, kim bạch uỷ tích mãn địa. Dư thời nặc thân ám trung, bất thậm minh bạch. Hậu kiến chi huynh xứ, đoản thân khoát kiểm, ngạch đột diện ao, bất thậm lệ, cơ bạch nhi thể phong, thiện tu sức, đạm mi nùng phấn, ý dĩ hồng thuý tiêu thường, xước xước nhiên hữu dư vận. Tính thiện ẩm, hỉ lãng hước, nhãn hoắc hoắc, khuông trung vô nhất nhân. Tại huynh gia mỗi ẩm triếp tận tuý, ẩu thổ lang tạ, ngoạ địa thượng, đồng bối phi chi bất tuất dã. Hậu sổ tải, Dư tòng gia nam quy, bất đáo Long Thành nhược thập niên hĩ. Kim xuân tương phụng mệnh Bắc sứ, đạo kinh Long Thành. Chư công nhục tiễn vu Tuyên phủ nha, tất triệu tại thành nữ nhạc, thiếu cơ sổ thập, tịnh bất thức danh diện, điệt khởi ca vũ, kế văn cầm thanh thanh việt, quýnh dị thời khúc, tâm dị chi. Thị kỳ nhân, nhan sấu thần khô, diện hắc, sắc như quỷ, y phục tịnh thô bố, bại hôi sắc, đa bạch bổ, mặc toạ tịch mạt, bất ngôn diệc bất tiếu, kỳ trạng đãi bất kham giả, bất phục tri vi thuỳ hà. Duy vu cầm thanh trung tự tằng tương thức, trắc nhiên vu tâm. Tịch tán, chất chi nhạc nhân, tức kỳ nhân dã. Ta hồ! Thị nhân hà chí thử da! Phủ ngưỡng bồi hồi, bất thắng kim tích chi cảm. Nhân sinh bách niên, vinh nhục ai lạc, kỳ khả lượng da. Biệt hậu, nhất lộ thượng, thâm hữu cảm yên, nhân ca dĩ thác hứng.

Long thành giai nhân,
Bất ký danh tự.
Ðộc thiện huyền cầm,
Cử thành chi nhân dĩ cầm danh.
Học đắc tiên triều cung trung “Cung phụng” khúc,
Tự thị thiên thượng nhân gian đệ nhất thanh.
Dư tại thiếu niên tằng nhất kiến,
Giám Hồ hồ biên dạ khai yến.
Thử thời tam thất chánh phương niên,
Xuân phong yểm ánh đào hoa diện.
Ðà nhan hám thái tối nghi nhân,
Lịch loạn ngũ thanh tuỳ thủ biến.
Hoãn như luơng phong độ tùng lâm,
Thanh như chích hạc minh tại âm.
Liệt như Tiến Phúc bi đầu toái phích lịch,
Ai như Trang Tích bịnh trung vi Việt ngâm.
Thính giả mỹ mỹ bất tri quyện,
Tận thị Trung Hoà Ðại Nội âm.
Tây Sơn chư thần mãn toạ tận khuynh đảo,
Triệt dạ truy hoan bất tri hiểu.
Tả phao hữu trịch tranh triền đầu,
Nê thổ kim tiền thù thảo thảo.
Hào hoa ý khí lăng công hầu,
Ngũ Lăng niên thiếu bất túc đạo.
Tính tương tam thập lục cung xuân,
Hoán thủ Trường An vô giá bảo.
Thử tịch hồi đầu nhị thập niên,
Tây Sơn bại hậu dư Nam thiên.
Chỉ xích Long Thành bất phục kiến,
Hà huống thành trung ca vũ diên.
Tuyên phủ sứ quân vị dư trùng mãi tiếu,
Tịch trung ca kỹ giai niên thiếu.
Tịch mạt nhất nhân phát bán hoa,
Nhan xú thần khô hình lược tiểu.
Lang tạ tàn my bất sức trang,
Thuỳ tri tiện thị đương niên thành trung đệ nhất điệu.
Cựu khúc tân thanh ám lệ thuỳ,
Nhĩ trung tĩnh thính tâm trung bi.
Mãnh nhiên ức khởi nhị thập niên tiền sự,
Giám Hồ hồ biên tằng kiến chi.
Thành quách suy di nhân sự cải,
Kỷ độ tang điền biến thương hải.
Tây Sơn cơ nghiệp nhất đán tận tiêu vong,
Ca vũ không lưu nhất nhân tại.
Thuấn tức bách niên tằng kỷ thì,
Thương tâm vãng sự lệ triêm y.
Nam Hà quy lai đầu tận bạch,
Quái để giai nhân nhan sắc suy.
Song nhãn trừng trừng không tưởng tượng,
Khả liên đối diện bất tương tri.

*Ảnh minh họa: Nhân vật Cầm trong bộ phim Long Thành cầm giả ca, đạo diễn Đào Bá Sơn, làm về mối tình của Nguyễn Du với nàng kỹ nữ.

Hành lạc từ – Nguyễn Du

Bản dịch của Hà Thủy Nguyên: Bài 1 Chó hay lông vàng trắng Cổ đẹp đeo chuông vàng Chàng trẻ manh áo cộc Dắt đi về núi nam, Núi nam lắm hươu nai Huyết thơm thịt béo ngậy Dao vàng thái món quý Rượu ngon cạn trăm li. Đời người ai trăm tuổi Vui được cứ vui đi Tội gì bần hàn mãi Năm hết mở mày chi. Di Tề danh không lớn (*) Chích Cược nào giàu đâu (**) Trung thọ tầm tám chục

Dự án tiểu thuyết dã sử “Thiên địa phong trần” về những biến động chính trị và văn hóa thời Lê Mạt

Bộ tiểu thuyết dã sử “Thiên địa phong trần” Tác giả: Hà Thủy Nguyên Thời gian sáng tác: 2018 – nay Dự kiến:  3 tập Hiện đã hoàn thành: Tập 1 - Khúc Cung Oán & Tập 2 - Nổi gió  Link mua sách: Combo Thiên Địa Phong Trần (Tập 1&2) - Book Hunter Lyceum Tổng quan nội dung: Cuối thế kỷ 18, nước Việt ta đối mặt với một bối cảnh loạn lạc chưa từng có, đánh dấu sự suy tàn không chỉ của triều Lê

Bản dịch mới Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn

Một điều thú nhận khó chối cãi, tôi không thích những bản thơ chữ Hán được dịch sang thể lục bát hoặc song thất lục bát, vậy nên, dù bản “Chinh phụ ngâm khúc” của Đặng Trần Côn do Đoàn Thị Điểm diễn Nôm hay tới cỡ nào đi chăng nữa cũng không làm tôi bị lay động (Nhiều học giả cho rằng đó là bản diễn Nôm của Phan Huy Ích). Âm hưởng của nguyên tác là sự kết hợp giữa sự bi tráng

Vãn hứng – Nguyễn Trãi

Cuối ngõ náu mình nỗi quạnh hiu Khăn đen gậy trúc dạo bước chiều Xế tà thôn vắng cây ngưng bóng Cầu ngập đường hoang vắng tịch liêu Thời gian trôi mãi sông mờ mịt Anh hùng ôm hận lá liêu xiêu Về tựa lan can ngồi lẻ chiếc Trăng trong trời biếc một mảnh treo. Hà Thủy Nguyên dịch Bản Hán Việt: Cùng hạng u cư khổ tịch liêu, Ô cân trúc trượng vãn tiêu diêu. Hoang thôn nhật lạc, hà thê thụ. Dã

Nhân sinh vô thường trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh của Nguyễn Du

Cứ tới tháng Bảy âm lịch, tâm trí tôi văng vẳng một giọng ca ngâm xa vắng trong tiếng đàn đáy u tịch: “Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt, Toát hơi may lạnh buốt xương khô, Não người thay buổi chiều thu, Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng…” Thực tại điêu tàn bám theo gió thu giăng khắp bốn cõi. Đôi khi, tôi hoang mang chẳng rõ bởi những trận gió thu đìu hiu chết chóc đã đi vào thơ Nguyễn Du