Home Bình Luận Nhân sinh vô thường trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh của Nguyễn Du

Nhân sinh vô thường trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh của Nguyễn Du

Cứ tới tháng Bảy âm lịch, tâm trí tôi văng vẳng một giọng ca ngâm xa vắng trong tiếng đàn đáy u tịch:

“Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt,

Toát hơi may lạnh buốt xương khô,

Não người thay buổi chiều thu,

Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng…”

Thực tại điêu tàn bám theo gió thu giăng khắp bốn cõi. Đôi khi, tôi hoang mang chẳng rõ bởi những trận gió thu đìu hiu chết chóc đã đi vào thơ Nguyễn Du hay Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh của ông đã triệu hồi cơn gió thu tang thương ấy. Thu trong cổ thi thường mang không khí tàn lụi, ứng với hành Kim trong ngũ hành, thế nên, gió thu còn được gọi là “Kim phong”. Những trận gió như đao kiếm loang loáng sát khí lạnh buốt úa tàn cỏ cây. Mưa dầm dề kéo đến với mây đen giăng kín những tưởng bầy ma từ địa ngục tiến dần vào cõi sống. Tiết khí là vậy, nên tâm nảy sinh tưởng nhớ cố nhân xa khuất, tình ủ rũ sầu thương. Thi nhân xưa cảm ứng với thiên thời mà nảy sinh nhân tâm như vậy.

“Đường bạch dương bóng chiều man mác,

Ngọn đường lê lác đác sương sa,

Lòng nào là chẳng thiết tha,

Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.”

Nhưng một mùa thu ảo não trong những ngày bình yên không thể khiến Nguyễn Du viết nên khúc thơ âm dương nhập nhoạng trong nhịp điệu não nề như vậy. Thường thì, trong ngày thu yên bình, nỗi buồn có tới cũng chỉ là đôi chút “mang mang thiên cổ sầu”(mượn câu thơ của Huy Cận). Nguyễn Du bước vào cuộc đời trong cảnh tang thương của một triều đại đến hồi suy tàn do chiến loạn. Khi còn ở tuổi thiếu niên, Nguyễn Du chứng kiến một trận dịch bệnh lây lan trong quân đội của Xuân quận công Nguyễn Nghiễm (cha ông). Lúc bấy giờ, dịch bệnh hoành hành không chỉ ở Nghệ An mà lan rộng khắm Kinh Thành và các trấn lân cận, đã cướp đi tính mạng của những trụ cột triều đình như Nguyễn Nghiễm, Hoàng Ngũ Phúc, Bùi Thế Đạt… Sự ra đi của các trụ cột triều đình và nhiều binh sĩ viễn chinh, mang theo một trận dịch bệnh lớn, đánh dấu cho bước suy của thời đại Lê-Trịnh. Ngay sau đó, liên tiếp bạo loạn, đốt phá, giết chóc do các thế lực trong triều đình buộc phải sử dụng kiêu binh để giành quyền lực. Gia tộc Nguyễn Du là nạn nhân của kiêu binh, phủ của anh trai ông – Toản quận công Nguyễn Khản, vị đại thần được sủng ái bậc nhất – bị kiêu binh tàn phá. Quang cảnh sụp đổ ấy sau này được Nguyễn Du gửi gắm qua trường đoạn gia đình nàng Kiều bị kẻ gian hãm hại.

“Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh

Rụng rời khung cửi, tan tành gói may.”

(Trích “Truyện Kiều”)

Và chẳng bao lâu sau đó là liên miên biến loạn giao tranh giữa Tây Sơn và nhà Lê, giữa Tây Sơn và Mãn Thanh, nhà Lê bại vong. Vinh quang của dòng họ Nguyễn Tiên Điền bỗng chỗng tan tành mây khói, giang sơn đổi chủ, Nguyễn Du lưu lạc “mười năm gió bụi”. Trong suốt những năm tháng ấy, bao nhiêu cảnh chết chóc mà ông đã chứng kiến trên những chặng đường tứ cố tha hương của mình, bao nhiêu số phận đau thương mà ông được biết rồi cũng đi vào hư vô… Ngay cả khi nhà Nguyễn thống nhất giang sơn, Nguyễn Du trở thành một vị triều thần quyền uy, nhưng bầu không khí thê lương vẫn bao trùm khắp cõi bởi loạn lạc, giặc cướp, dịch bệnh…bao lần bãi bể nương dâu trôi qua, tất cả chỉ còn lại “Sè sè nấm đất bên đàng/ Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh” (mượn câu thơ trong “Truyện Kiều”).

Theo quan niệm Phật giáo, đời người vốn vô thường, tất cả những gì đang hiện hữu trước mắt rồi cũng sẽ đến ngày phai tàn. Nếu Phật giáo chứng kiến sự tàn lụi trong thái độ chấp nhận quy luật vốn có của tự nhiên thì một nhà Nho tài tử như Nguyễn Du dù thấu triệt quy luật ấy vẫn đẫm lệ đau lòng thương tiếc. Thi nhân không phải bậc chân tu dứt mọi ý niệm thế gian, thi nhân là kẻ bước vào thế gian và rung cảm với mọi hỷ lạc sầu bi, bởi thế người ta gọi thi nhân là “cái giống đa tình”. Thi nhân sầu bi cho số phận lụi tàn của vạn vật mà cũng là sầu bi cho số phận của chính mình. Tất thảy những nỗi niềm thổn thức rồi cũng tàn phai, trong sự tàn phai ấy, vạn vật cô độc tuyệt đối, chỉ mình đối diện với mình; và cũng trong sự tàn phai ấy, vạn vật tuyệt vọng tuyệt đối, không còn tìm thấy chút tựa nương, không còn chút hi vọng. Thi nhân thời vãn Đường, quỷ thi Lý Hạ giữa thu chứng kiến cây cối héo úa đã thốt lên:

“Trong vườn chớ trồng cây

Trồng cây lòng sầu bấy

Nằm co một giường trăng

Gió thu xưa vẫn thổi.”

Hà Thủy Nguyên dịch

Phiên âm Hán Việt:

“Viên trung mạc chủng thụ,

Chủng thụ tứ thì sầu.

Độc thuỵ nam sàng nguyệt,

Kim thu tự khứ thu.”

Nguyễn Du, cũng như nhà thơ cùng thời là Phạm Thái, trong những ngày lang bạt, từng giả làm sư khất thực để trốn sự truy lùng của kẻ địch, vậy nên ông cũng dần trở thành một vị “bán vi tăng” (nửa là sư). Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh không rõ được viết trong giai đoạn nào của cuộc đời ông, nhưng đa phần các nhà nghiên cứu đều cho rằng Văn tế được viết trước “Truyện Kiều”. Nếu ta gác lại cái nhìn của nhà nghiên cứ văn bản học, để có cái nhìn toàn  cảnh về thời đại mà ông sống, thì có lẽ Văn Tế được sáng tác vào thời điểm nào trong cuộc đời ông thì cũng không làm thay đổi nỗi lòng thương cảm của Nguyễn Du dành cho các số phận tứ cố vô thân.

“Trong trường dạ tối tăm trời đất,

Có khôn thiêng phảng phất u minh,

Thương thay thập loại chúng sinh,

Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người.

Từ khúc ngâm ai oán tới lời tụng từ bi

Văn tế là một thể tài cổ văn được viết chủ yếu dưới dạng văn biền ngẫu với giọng ai điếu hoặc bi tráng để tưởng niệm người quá cố., được cấu trúc như sự tuôn trào xót thương, không bị trói buộc trong các khuôn khổ thi luật. Nhưng Nguyễn Du không ai điếu. Dân gian ta xưa quan niệm rằng khóc lóc là cách để níu giữ vong hồn người quá cố, song Phật giáo đại thừa lại hướng tới sự giải thoát. Một vị « bán vi tăng » như Nguyễn Du, ắt là chọn một tâm thế nửa đời nửa đạo : đủ ai oán để đồng cảm, đủ vỗ về bằng nhịp điệu nhạc tính, đủ điều tiết để nhã nhặn. Khúc ngâm, thể thơ đặc trưng của văn chương nhà Nho tài tử ở Đàng Ngoài vừa hay lại phù hợp với tâm thế « bán vi tăng » của Nguyễn Du : cặp câu lục bát gợi niềm thương, cặp câu song thất giúp điều tiết nhịp điệu, từ bi của Phật hòa điệu cùng đa sầu đa cảm của thi nhân… tất cả tạo thành lời chiêu hồn thập loại chúng sinh bước tới cầu giải thoát.

« Hương khói đã không nơi nương tựa,

Hồn mồ côi lần lữa đêm đen,

Còn chi ai quí ai hèn,

Còn chi mà nói ai hiền ai ngu?

Tiết đầu thu lập đàn giải thoát

Nước tĩnh đàn sái hạt dương chi

Muôn nhờ đức Phật từ bi

Giải oan cứu khổ độ về Tây phương. »

Mỗi số phận là một khúc thơ chạm vào nỗi đau : nào là những bậc anh hùng, nào là bậc thiên kim, nào là bậc trí giả, nào là những người dân lao khổ mưu sinh, nào là những kẻ vô tội chẳng may mất mạng… Tất thảy sang hèn, hiền ngu…đều chỉ là những vong hồn vất vưởng mang theo oán thán vô minh. Với mỗi số phận, Nguyễn Du cảm và thương bằng « tấm lòng thấu suốt nghìn đời » rồi phân giải thị phi bằng « con mắt nhìn thông sáu cõi » đặng thức tỉnh cả người chết cũng như kẻ sống. Trong vô minh tăm tối, kẻ đang đắc chí hôm nay rồi cũng có thể trở thành cô hồn ngày mai, cô hồn hôm nay cũng từng có một ngày hôm qua hào quang rực rỡ. Qúa khứ – tương lai đều đồng hiện trong thực tại thu sang u uẩn dật dờ bóng quế hồn ma lần tìm con đường siêu thoát. Cô hồn, rốt cuộc là những vong linh không thể siêu độ vẫn bám víu trần thế, thực ra, họ không bám víu trần thế, họ bám víu vào ánh hào quang của sự sống, dẫu có là người đã chạm đến, người vẫn đang tất bật để vươn tới, hay người mới hé mắt trông thấy… Thấu rõ lẽ vô thường để không chấp trước, không oán niệm, để trọn vẹn sống và trọn vẹn chết, ấy chính là lẽ giải thoát của Phật pháp.

« Kiếp phù sinh như hình như ảnh

Có chữ rằng: ”Vạn cảnh giai không”

Ai ơi lấy Phật làm lòng

Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi. »

Khác với vẻ tình tứ, xúc cảm nuối tiếc và tâm tư nặng trĩu trước cuộc phong trần của « Chinh phụ ngâm khúc » hay « Cung oán ngâm khúc », Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh chỉ có thân xác là ngâm khúc còn hồn cốt vẫn là ai điếu. Tột đỉnh của ai điếu lại không phải là khóc lóc bi lụy, mà mong cầu siêu độ cho chúng sinh, nương theo cửa Phật mà thoát cõi ngạ quỷ.  Những câu thơ cuối cùng của Văn Tế đi từ chiêu niệm vong hồn tới  tụng cầu Phật, dẫu cho là Phật tại tâm hay những vị Phật nhuốm màu huyền ảo trong tưởng tượng của dân gian, dẫu cho bằng cách thấu rõ vô thường vay trả hay vẫn mê muội tin rằng vàng mã có thể cúng dường qua cầu Nại Hà…Khi tâm từ mong cầu siêu độ rộng lớn mênh mang thì đều dung chứa được vạn pháp bởi mỗi pháp lại ứng với một phận người và rồi sau rốt « vạn pháp » cũng đều « quy tông ».

« Ai đến đây dưới trên ngồi lại

Của làm duyên chớ ngại bao nhiêụ

Phép thiêng biến ít thành nhiều

Trên nhờ Tôn Giả chia đều chúng sanh.

Phật hữu tình từ bi phổ độ

Chớ ngại rằng có có không không.

Nam-mô chư Phật, Pháp, Tăng

Độ cho nhất thiết siêu thăng thượng đài. »

 

Thập loại chúng sinh: Mỗi người một nghiệp khác nhau

Trong quan niệm Phật giáo, vòng luân hồi tùy duyên luân chuyển khắp lục đạo, lục đạo ấy bao gồm : cõi thiên (deva : hạnh phúc, mạnh mẽ, trí tuệ…nhưng chưa toàn giác), cõi thần (asura : cũng mạnh mẽ nhưng hung tàn và giận dữ), cõi người (manussa : tức người phàm như chúng ta), cõi súc sinh (tiracchānayoni : động vật), cõi ngạ quỷ (petta : những oan hồn bóng quế không thể siêu thoát luôn trong cảnh đói khát mà không bao giờ thỏa mãn), cõi địa ngục (niraya : nơi những linh hồn tội lỗi bị đọa đày, tra tấn miên viễn). Nhưng khi Phật giáo được lưu truyền tới Trung Quốc, mô mình địa ngục đã thay đổi. Địa ngục không chỉ là nơi giam cầm và trừng phạt các linh hồn tội lỗi, mà đó cũng là nơi con người bước qua để siêu thoát đầu thai. Những linh hồn cần bước qua cầu Nại Hà, uống canh Mạnh Bà để đi vào một kiếp khác, quên đi mọi hỷ nộ ái ố đã qua. Thế nên địa ngục là nơi đáng sợ nhưng cũng là đường giải thoát. Ngược lại, cõi ngạ quỷ mới thực là cõi đau khổ nhất, đày đọa nhất.

Ngạ quỷ được miêu tả là những vong hồn luôn đói khát, cô độc, phiêu dạt không nơi nương tựa. Vong hồn đọa vào cõi ngạ quỷ khi trong lòng đầy oán niệm, còn chấp trước vào những ảo vọng nhân sinh. Chúng sinh lúc còn trên dương thế vì đeo đuổi vọng niệm mà lầm lạc, mà bất hạnh, khi thác xuống thành cô hồn ngạ quỷ. Sau những cơn biến loạn, người xưa tin rằng ngạ quỷ lang thang khắp chốn không được siêu độ khiến cho cõi sống cũng chẳng được an. Con số « thập loại » (mười loài) là một con số phiếm chỉ có tính chất tượng trưng muôn phận người lầm lạc, tương tự như khi ta nhắc tới « chư phật thập phương » ý muốn nói đến phật pháp phổ độ mọi nơi chốn. Phật giáo Mật truyền khi được truyền vào Trung Quốc đã xuất hiện truyền thống « thí thực » tức bố thí đồ cúng cho cô hồn ngạ quỷ, truyền thống này được ghi lại trong « Du già tập yếu thí thực nghi quỹ » với danh sách « thập loại chúng sinh » gồm vua chúa vương hầu, tướng soái, tể thần, văn nhân tài tử, tăng ni, đạo sĩ, thương nhân, binh sĩ, mẫu tử sảy thai, người khuyết tật, tiểu thư khuê các, đói khát khốn khó… « Du già tập yếu thi thực nghi quỹ » triệu hồi chư phương ngạ quỷ mỗi người một phận, có những vong hồn lưu danh trong sử sách, tới đón nhận phước báu của Phật pháp, nương theo cửa Phật mà tu tập. Bản Văn Tế của Nguyễn Du không dựa vào đạo tu Du già Phật giáo, mà dựa vào thi đạo dẫn đường cho vong hồn tới cõi Phật. Ông không chỉ triệu hồi, ông tha thiết ngâm lên khúc tiếng lòng của biết bao cô hồn ngạ quỷ, bằng lời thơ mà đi vào những oán niệm gây nên đày đọa tâm tư để mà gỡ rối. Nhiều cảnh đời trong lời chiêu niệm ấy phảng phất bóng dáng cố nhân lúc sinh thời.

Nguyễn Du, sinh ra trong một gia đình quý tộc tột bậc phú quý vinh hoa, hơn nửa cuộc đời mình sống trong tàn cuộc của một triều đại và cũng là tàn cuộc của mọi cuộc tranh chấp quyền lực, cận cảnh chứng kiến đồng thời cũng can dự ít nhiều vào thế cục, có lẽ đồng cảm sâu sắc, nếu không muốn nói đến đồng bệnh tương lân với những ngạ quỷ xuất thân cao quý. Phận càng cao oán hờn càng lớn, nút thắt tâm tư cũng vì thế mà khó gỡ hơn chúng sinh xuất thân thấp hèn.

Đó là những quân vương quý tộc quyền quý, vì thất thế sa cơ, ôm mối cừu hận khó tan :

« Cũng có kẻ tính đường kiêu hãnh,

Chí những lăm cướp gánh non sông,

Nói chi những buổi tranh hùng

Tưởng khi thế khuất vận cùng mà đau.

Bỗng phút đâu mưa sa ngói lở

Khôn đem mình làm đứa sất phu,

Lớn sang giàu nặng oán thù,

Máu tươi lai láng, xương khô rã rời. »

Trong những cuộc thay triều đổi đại, nhất là khi sự đổi thay ấy được đổi bằng máu, khối oán hận chất chồng, phận càng cao, oán hận càng lớn. Năm 1786, vua Lê Chiêu Thống lên ngôi với rất nhiều ước vọng hưng phục nhà Lê. Trái với những điều tiếng rằng Lê Chiêu Thống là vị vua hèn nhược quỳ gối trước kẻ địch của người đời sau, ở thời đại của mình, ông là niềm hi vọng cho một bậc minh quân giữa thời loạn. Các danh gia vọng tộc và những nhà Nho cuối thời Lê, trong đó có dòng họ Nguyễn Tiên Điền, tin tưởng rằng ông có thể dẹp loạn kiêu binh, có thể chiêu mộ nhân tài bằng khoa cử công bằng, có thể tạo dựng được một viễn cảnh thịnh thế trên đất Việt. Chính ông cũng gửi gắm ý nguyện ấy qua niên hiệu « Chiêu Thống » (ý muốn quy giang sơn về một mối). Nhưng cuộc đời Lê Chiêu Thống là một câu chuyện buồn, vận hết thế cùng lực kiệt, ông chẳng thể thực hiện được ý nguyện của mình. Trong những nghiên cứu về hành trạng của Lê Chiêu Thống khi Tây Sơn Bắc tiến và quân Thanh kéo quân vào Đại Việt theo danh nghĩa « Phù Lê » thì ông không hề có mặt tại Thăng Long, và cũng không hề đích thân viết thư mời quân Thanh. Thế nhưng, sau cùng, tiếng oan bán nước cũng một mình ông gánh chịu. Khi ông cùng toàn bộ hoàng tộc nhà Lê rơi vào tay quân Thanh và bị đưa về phương Bắc, Nguyễn Du cùng anh trai mình lưu lạc lên đất Bắc tìm kiếm minh chủ trong vọng tưởng của chính mình, lang thang phiêu bạt suốt « Mười năm gió bụi ». Có rất nhiều người chê trách ông và dòng họ Nguyễn Tiên Điền ngu trung phò vua bán nước, nhưng trong con mắt của Nguyễn Du, sự thất bại và oan khuất của Lê Chiêu Thống chỉ là « thế khuất vận cùng ». Hoàng Lê Nhất Thống Chí kể rằng, sau khi Gia Long đánh bại Tây Sơn, lập nên nhà Nguyễn, thi hài Lê Chiêu Thống đã quàn 12 năm được đưa về nước, da thịt đã nát, máu đã khô, nhưng trái tim vẫn tươi hồng sắc máu. Thực hư không bàn đến, nhưng biểu tượng trái tim vẫn còn tươi đỏ chứa đựng ẩn ngữ tấm lòng son – đan tâm, ám chỉ tấm lòng trung trinh trước sau không đổi. Lê Chiêu Thống không phải bậc tôn quý duy nhất lao khổ trong thời loạn, nào thì chúa Trịnh Tông, chúa Trịnh Bồng, nào thì bao hoàng tộc nhà Lê…, tấm lòng càng trung trinh son sắt thì nỗi oán hận càng sâu, Nguyễn Du cũng không có lời giải cho nỗi oán hờn của họ, chỉ có thể cùng họ thở một tiếng than dài :

« Cho hay thành bại là cơ

Mà cô hồn biết bao giờ cho tan! »

Sự suy tàn của những người đàn ông tôn quý kéo theo những người phụ nữ tôn quý. Lầu vàng điện ngọc không còn, lụa là gấm vóc không còn, cảnh yên ấm xa hoa cũng không còn nữa. Mẹ và vợ của Lê Chiêu Thống, bao nhiêu công chúa hay quận chúa, bao thiên kim tiểu thư… vốn chân yếu tay mềm, giờ đây cũng như nàng Kiều lưu lạc hay cũng chỉ còn như nấm mộ Đạm Tiên ở ven đường:

« Cũng có kẻ màn lan trướng huệ,

Những cậy mình cung quế Hằng Nga,

Một phen thay đổi sơn hà,

Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu?

Trên lầu cao dưới cầu nước chảy

Phận đã đành trâm gãy bình rơi,

Khi sao đông đúc vui cười,

Mà khi nhắm mắt không người nhặt xương.

Đau đớn nhẽ không hương không khói,

Luống ngẩn ngơ dòng suối rừng sim.

Thương thay chân yếu tay mềm

Càng năm càng héo, một đêm một rầu.”

Biết đâu, nhiều người trong số họ cũng sa cơ bước vào lầu xanh như nàng Đạm Tiên hay nàng Thúy Kiều, chung thân phận với bao cô gái làng hoa, để rồi cám cảnh:

“Cũng có kẻ nhỡ nhàng một kiếp,

Liều tuổi xanh buôn nguyệt bán hoa,

Ngẩn ngơ khi trở về già,

Đâu chồng con tá biết là cậy ai?

Sống đã chịu một đời phiền não

Thác lại nhờ hớp cháo lá đa,

Đau đớn thay phận đàn bà,

Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?”

Trong thời loạn, phụ nữ là những thân phận đáng thương nhất, bởi họ mong manh yếu đuối, bởi họ chẳng mong cầu gì ngoài một chữ “an”, nhưng rồi ước nguyện nhỏ nhoi ấy cũng không thể thực hiện được. Họ hoàn toàn xa lạ với toàn bộ tham vọng của những người đàn ông, loạn tới, họ cũng chỉ có thể ngơ ngác phó mặc cho số phận. Tên tuổi của những người đàn ông có thể được lưu lại, được nhớ tới, nhưng trong bước đường lưu lạc, ai sẽ nhớ tới nấm mộ của một người phụ nữ, ai sẽ quan tâm trước đây họ đã từng tôn quý dường nào. Những cô hồn phụ nữ ấy chỉ có thể chấp nhận định mệnh của mình và bước tiếp, cứ thế bước khỏi những giấc mơ về chữ “an” để chấp nhận hiện thực trước mắt và bước lên cầu Nại Hà siêu thoát.

Trong khúc chiêu hồn của Nguyễn Du, tôi bắt gặp bóng dáng của Nguyễn Khản, anh trai cả của ông – vị nhất phẩm đại thần tài danh phong lưu một thời. Thân phận của Nguyễn Khản chính là nguyên mẫu cho thân phận tể thần trong Văn Tế:

“Kìa những kẻ mũ cao áo rộng,

Ngọn bút son thác sống ở tay,

Kinh luân găm một túi đầy,

Đã đêm Quản Cát lại ngày Y Chu.

Thịnh mãn lắm oán thù càng lắm,

Trăm loài ma mồ nấm chung quanh,

Nghìn vàng khôn đổi được mình

Lầu ca, viện hát, tan tành còn đâu?

Kẻ thân thích vắng sau vắng trước

Biết lấy ai bát nước nén nhang?

Cô hồn thất thểu dọc ngang,

Nặng oan khôn nhẽ tìm đường hoá sinh.”

Nguyễn Khản sinh thời được người đời xưng tụng bốn chữ “phong lưu đại thần”. Ông là thầy của chúa Trịnh Sâm, đến khi chúa Trịnh Tông kế vị thì ông giữ chức tham tụng (tức tể tướng) dưới một người trên muôn người. Tài danh của Nguyễn Khản đứng vào hàng bậc nhất, là tượng đài của các Nho sĩ bởi từ bé ông đã nổi danh thần đồng, đỗ đạt rất cao, vinh dự rất lớn. Tương truyền phủ của Nguyễn Khản tại Thăng Long, ven hồ Kim Âu (tức hồ Ba Mẫu bây giờ) ngay gần phủ chúa Trịnh (tức khuôn viên quanh hồ Bảy Mẫu trong công viên Thống Nhất),  xét về độ xa hoa chỉ sau phủ chúa, nhưng xét về vẻ nhã nhặn lại có phần hơn. Nguyễn Khản thi tài trác tuyệt, giỏi đàn địch ca lâu, nên quanh ông lúc nào cũng tấp nập phong lưu. Nhưng đúng như Nguyễn Du nhận định “thịnh mãn lắm oán thù càng lắm”, phủ Nguyễn Khản bị kiêu binh đốt phá, bản thân ông bị truy bắt, buộc phải chạy lên thành Sơn Tây tá túc một người em khác của mình. Khi Tây Sơn tiến đánh, Nguyễn Khản chiêu binh mãi mã phò tá vua Lê, những mong đẩy lùi Tây Sơn, nhưng đột ngột ông lâm bệnh nặng qua đời. Lúc này chiến loạn vào hồi ác liệt, những người thân thích trong dòng họ Nguyễn Tiên Điền hay những tri kỷ của ông đều tan đàn xẻ nghé, chẳng còn ai ở bên ông. Nỗi oan khuất của Nguyễn Khản, cũng là nỗi oan của các trung thần khác như Lê Quýnh (vị đại thần theo Lê Chiêu Thống đến phút cuối của cuộc đời), của Ngô Thì Chí (tác giả của Hoàng Lê Nhất Thống Chí đã bỏ mạng trên đường phò tá Lê Chiêu Thống)… có lẽ cũng nặng nề nào kém nỗi oan khuất của vị vua bất hạnh.

Loạn thế chính là thế cục mà trong đó ác vị tướng soái được vùng vẫy đội trời đạp đất, cơ hội để lưu doanh muôn thuở, nhưng cũng có thể chỉ là một cuộc bại vong. Cuối thế kỷ 18, lợi dụng sự suy yếu liên tục của các cự thế lực Lê – Trịnh – Nguyễn, nước Việt ta bước vào một cuộc tranh đoạt liên miên, các võ tướng trấn thủ đều nổi dậy cát cứ, gây chiến loạn chết chóc. Quân đội giết nhau, quân đội giết dân, dân giết quân đội, dân giết nhau… cứ thế cứ thế… thành một vòng xoáy nghiền nát những đẹp đẽ còn sót lại của triều đại cũ và cảnh an bình của muôn dân. Nguyễn Du cay đắng khi nghĩ tới những chiến tướng thời loạn truy cầu công danh, ông thốt lên:

“Kìa những kẻ bài binh bố trận

Đem mình vào cướp ấn nguyên nhung.

Gió mưa sấm sét đùng đùng,

Dãi thây trăm họ nên công một người.”

Đó là những Quang Trung, Nguyễn Hữu Chỉnh, Vũ Văn Nhậm…, những người gây nên cơn biến loạn. Cũng có thể là những tướng soái hiếu chiến tham công dự phần thổi ngọn lửa chiến tranh lan rộn. Họ đã đem xương máu của binh sĩ và dân chúng để đánh cược cho công thành danh toại của chính mình, nhưng toàn bộ cuộc đỏ đen ấy đều chỉ là sự thất bại. May mắn thì được vào lăng miếu, chẳng may thua cuộc thì chỉ còn:

“Khi thất thế tên rơi đạn lạc,

Bãi sa trường thịt nát máu rơi,

Bơ vơ góc bể chân trời,

Nắm xương vô chủ biết vùi nơi nao?”

Bóng dáng của Nguyễn Hữu Chỉnh , đồng hương của họ Nguyễn Tiên Điền đâu đó thấp thoáng trong đoạn tế này. Trong tâm trí của nhiều nhà Nho, Nguyễn Hữu Chỉnh có thể được xem là anh hùng thời loạn. Trước loạn thế, ông là gia thần dưới trướng Hoàng Ngũ Phúc. Nếu Nguyễn Khản được người đời xưng tụng là “phong lưu đại thần” thì Nguyễn Hữu Chỉnh cũng được gọi là “phong lưu gia thần”. Khi Hoàng Ngũ Phúc qua đời, Hoàng Đình Bảo thất bại, Cống Chỉnh chạy vào nam theo Tây Sơn. Và cũng chính Chỉnh là người dẫn đường cho Tây Sơn cướp phá Thăng Long, ép triều đình nhà Lê thừa nhận sự tồn tại của Tây Sơn. Và cũng chính Cống Chỉnh, sau khi lợi dụng khí thế của Tây Sơn để có vị trí trong triều đình, lại là người khích động các mâu thuẫn của Tây Sơn và triều đình họ Lê. Nhưng rồi, sau rốt, vẫn chỉ còn là “nắm xương vô chủ”, Nguyễn Hữu Chỉnh đến cuối đời bị Tây Sơn xé xác vứt thây ngoài đồng hoang. Giải oán thù của những vong hồn chất chứa hận anh hùng như Nguyễn Hữu Chỉnh, suy cho cùng chẳng có cách nào khác ngoài cách giải những chấp niệm đeo đuổi chí tang bồng bằng cách cho họ thấy phép tính của họ sai rồi.

Quang cảnh không gian trong điếu tế các chiến tướng là một quang cảnh đen kịt sầm sì với oán khí ngùn ngụt nối tiếp nhau:

“Trời thăm thẳm mưa gào gió thét,

Khí âm huyền mờ mịt trước sau”

Mấp mô giữa bầu không gian u tối khốc liệt ấy là những “nội cỏ rầu rầu”, những mồ hoang vô chủ mấp mô điêu tàn chẳng ai điếu tế khóc thương. Đó có thể là nấm bộ của các chiến tướng, những tử sĩ, những người dân chết oan trong chiến trận, những bậc tôn quý sa cơ, những người phụ nữ lưu lạc. Kéo theo nỗi hận anh hùng là oán hờn đau khổ của những tính mạng bị cướp đoạt vô nghĩa… Ở đoạn tế sau, khi kể về những chúng dân chết oan, ông có nhắc đến những người bỏ mạng vì tên rơi đạn lạc:

“Cũng có kẻ mắc vào khoá lính,

Bỏ cửa nhà đi gánh việc quan,

Nước khe cơm ống gian nan,

Dãi dầu nghìn dặm lầm than một đời.

Buổi chiến trận mạng người như rác,

Phận đã đành đạn lạc tên rơi.

Lập loè ngọn lửa ma trơi,

Tiếng oan văng vẳng tối trời càng thương. »

Là một nho sinh, dẫu là công tử con nhà thế tộc nhưng Nguyễn Du cũng như các anh trai mình vẫn đeo đuổi nghiệp khoa cử. Ông có đời sống gần gũi với những hàn nho xa xứ lên kinh thành mong mỏi đề tên trên bảng vàng để lập công danh, và với họ, ông cũng trải nỗi lòng thương cảm :

« Cũng có kẻ rắp cầu chữ quý

Dấn mình vào thành thị lân la,

Mấy thu lìa cửa lìa nhà,

Văn chương đã chắc đâu mà trí thân? »

Nếu những chiến tướng những mong “cướp ấn nguyên nhung » liên lụy tới chúng dân, thì những nho sinh cầu mong vinh hoa phú quý, muốn đổi đời đổi phận theo đuổi khoa cử cũng liên lụy tới người thân. Họ đánh đổi êm ấm chốn quê nhà để đánh cược vào cơ hội thăng quan tiến chức, được dự vào hàng tôn quý, được ngang vai với những « phong lưu đại thần » như Nguyễn Khản, nhưng tất cả chỉ là một giấc mộng hoàng lương, dẫu có đắc thời rồi cũng đến lúc suy tàn. Và nếu chẳng may số phận khắc nghiệt thì rồi người ấy cũng chỉ còn là hồn ma bóng quế vất vưởng tha hương :

« Dọc hàng quán phải tuần mưa nắng,

Vợ con nào nuôi nấng khem kiêng,

Vội vàng liệm sấp chôn nghiêng,

Anh em thiên hạ láng giềng người dưng.

Bóng phần tử xa chừng hương khúc

Bãi tha ma kẻ dọc người ngang,

Cô hồn nhờ gửi tha phương,

Gió trăng hiu hắt, lửa hương lạnh lùng. »

Trong bãi tha ma loạn thế ấy, phong lưu đại thần hay nho sinh bạc mệnh nào khác gì nhau, vua hay chiến tướng nào có khác gì nhau, thiên kim tôn quý hay gái làng chơi nào có khác gì nhau… Những ảo mộng cao vời của một kiếp người tất thảy cũng hư vô như những mong ước tầm thường : tầm thường như một kẻ « tính đường trí phú » mải mê buôn bán hay tầm thường như một kẻ ăn xinnằm cầu gối đất,/Dõi tháng ngày hành khất ngược xuôi ». Người giàu và người nghèo khi đứng trước cái chết đều vô nghĩa cả, tất thảy rồi vẫn chỉ là cảnh « chết vùi đường quan ».

« Ruột rà không kẻ chí thân

Dẫu làm nên để dành phần cho ai?

Khi nằm xuống không người nhắn nhủ,

Của phù du dẫu có như không,

Sống thời tiền chảy bạc ròng,

Thác không đem được một đồng nào đi. »

Và biết bao oan khuất, biết bao cảnh đời thân bất do kỷ, họ không có lựa chọn nào khác ngoài chứng kiến cái chết đột ngột đến với mình. Có số phận chẳng may vướng vào vòng lao lý vì bị vấy oan ; nhưng có những người chẳng may sa sẩy gặp tai nạn, ấy cũng là nỗi oan ; và có những đứa bé mới chào đời đã thác oan.

« Cũng có kẻ mắc oan tù rạc

Gửi mình vào chiếu rách một manh.

Nắm xương chôn rấp góc thành,

Kiếp nào cởi được oan tình ấy đi?

Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé,

Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha.

Lấy ai bồng bế vào ra,

U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng.

Kìa những kẻ chìm sông lạc suối,

Cũng có người sẩy cối sa cây,

Có người leo giếng đứt dây,

Người trôi nước lũ kẻ lây lửa thành.

Người thì mắc sơn tinh thuỷ quái

Người thì sa nanh sói ngà voi,

Có người hay đẻ không nuôi,

Có người sa sẩy, có người khốn thương. »

Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh phác nên một bức tranh toàn cảnh của hồn ma bóng quế phiêu bạt trong cõi ngạ quỷ vào ngày Rằm Tháng Bảy nhưng cũng là họa nên một diễn cảnh về đời sống khổ đau của con người. Khổ đau, suy cho cùng cũng đến từ níu bám những điều hư ảo. Với bậc tôn quý thì hư ảo là công danh, là ước vọng ; với những người thân phận thấp hơn thì truy cầu ảo mộng về danh giá, tiền tài, địa vị ; với những người phụ nữ, yên bình cũng là một hư ảo ; với những kẻ chẳng may, mạng sống cũng là hư ảo… Xét ra thì mọi sự đeo đuổi, truy cầu ấy, có lớn, có nhỏ, nhưng hư ảo vẫn chỉ là hư ảo, và vẫn cứ là vướng mắc, mà càng vướng mắc thì càng kéo lê đau khổ tới mức dật dờ vô hướng :

« Gặp phải lúc đi đường lỡ bước

Cầu Nại Hà kẻ trước người sau

Mỗi người một nghiệp khác nhau

Hồn xiêu phách tán biết đâu bây giờ?

Hoặc là ẩn ngang bờ dọc bụi,

Hoặc là nương ngọn suối chân mây,

Hoặc là bụi cỏ bóng cây,

Hoặc nơi quán nọ cầu này bơ vơ.

Hoặc là nương thần từ, Phật tự

Hoặc là nơi đầu chợ cuối sông

Hoặc là trong quãng đồng không,

Hoặc nơi gò đống, hoặc vùng lau tre.

Sống đã chịu nhiều bề thảm thiết,

Gan héo khô dạ rét căm căm,

Dãi dầu trong mấy mươi năm,

Thở than dưới đất, ăn nằm trên sương.

Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn,

Lặn mặt trời lẩn thẩn tìm ra,

Lôi thôi bồng trẻ dắt già,

Có khôn thiêng nhẽ lại mà nghe kinh. »

Siêu độ thực sự đối với các vong hồn không siêu thoát không phải là những « hớp cháo lá đa » qua bữa hay cúng lễ thịnh soạn của người thân, cũng không phải sự tôn vinh trong sử sách, Nguyễn Du mong cầu Phật pháp có thể « khua tỉnh chiêm bao » và như những trận mưa rào xối xả có thể giúp « Não phiền rũ sạch, oán thù rửa không ».

Bao trùm cảnh tượng hồn ma bồng bế dắt nhau dưới bầu trời u huyền giông gió dật dờ nơi những bãi tha ma là bước chuyển của thiên tượng. Từ những trận mưa dầm dề lẫn với gió may đìu hiu se lạnh, chuyển dần lên bầu trời tối tăm gió bão, và khi bóng tối buông xuống bao phủ cõi sống, chỉ còn « lập lòe đốm lửa ma trơi » với những âm thanh văng vẳng xé lòng cất lên từ cõi chết, và rồi sau rốt, những cơn mưa phúc lành tuôn xuống cùng ánh hào quang của Phật xua đi cơn ác mộng triền miên không chỉ của người chết mà của cả người đang sống.

Người sống suy cho cùng cũng là người chết đang lạc lối trong cơ thể hữu hình, cũng bị trói buộc trong những mong cầu của bản thân. Mong cầu ấy chẳng phải là mơ ư ? Mong cầu ấy chẳng là ám ảnh ư ? Con người ai cũng là ngạ quỷ khi đang sống nếu vẫn tiếp tục mong cầu. Nguyễn Du chiêu hồn người chết nhưng cũng là chiêu hồn kẻ sống, để « khua tỉnh chiêm bao » của kẻ sống, để kẻ sống sẽ không rơi vào cõi ngạ quỷ vất vưởng mai sau. Dòng âm thanh trong bầu không gian Rằm Tháng Bảy cũng theo thiên tượng mà chuyển biến… mở đầu như tiếng đàn đáy đêm một điệu ca ngâm, và rồi lẩn vào tiếng gió heo may khe khẽ, rồi mạnh dần lên thành tiếng gió rít thấp thoáng tiếng ma kêu khóc trong đêm… dần dần đọng lại chỉ còn tiếng mõ tiếng kinh chạm sâu tỉnh thức « sắc sắc không không » :

« Phật hữu tình từ bi phổ độ

Chớ ngại rằng có có không không.

Nam mô Phật, nam mô Pháp, nam mô Tăng

Độ cho nhất thiết siêu thăng thượng đài.”

Hà Thủy Nguyên

Viết trong những ngày tháng Bảy âm u năm 2023

Dịch mới Long thành cầm giả ca của Nguyễn Du

    Người chơi đàn chốn Long Thành, không rõ tên gọi là chi. Nghe nói thuở nhỏ, nàng học chơi đàn nguyệt (còn gọi là đàn Nguyễn) trong đội nữ nhạc hoàng cung vua Lê. Quân Tây Sơn ra Bắc, đội nhạc cũ người chết kẻ đi. Nàng lưu lạc các chợ, ôm đàn hát rong. Những khúc nàng chơi đều là khúc “Cung phụng” hầu vua, người ngoài chưa từng được biết, cho nên tài nghệ của nàng nổi tiếng bậc nhất một

Hành lạc từ – Nguyễn Du

Bản dịch của Hà Thủy Nguyên: Bài 1 Chó hay lông vàng trắng Cổ đẹp đeo chuông vàng Chàng trẻ manh áo cộc Dắt đi về núi nam, Núi nam lắm hươu nai Huyết thơm thịt béo ngậy Dao vàng thái món quý Rượu ngon cạn trăm li. Đời người ai trăm tuổi Vui được cứ vui đi Tội gì bần hàn mãi Năm hết mở mày chi. Di Tề danh không lớn (*) Chích Cược nào giàu đâu (**) Trung thọ tầm tám chục

Bản dịch mới Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn

Một điều thú nhận khó chối cãi, tôi không thích những bản thơ chữ Hán được dịch sang thể lục bát hoặc song thất lục bát, vậy nên, dù bản “Chinh phụ ngâm khúc” của Đặng Trần Côn do Đoàn Thị Điểm diễn Nôm hay tới cỡ nào đi chăng nữa cũng không làm tôi bị lay động (Nhiều học giả cho rằng đó là bản diễn Nôm của Phan Huy Ích). Âm hưởng của nguyên tác là sự kết hợp giữa sự bi tráng