Home Bình Luận Gửi các mẹ: Đọc sách có quan trọng đến thế?

Gửi các mẹ: Đọc sách có quan trọng đến thế?

Sáng nay lên mạng, một bức thư thống thiết của một bà mẹ gửi tới đứa con lười đọc sách của mình hiện lên Newsfeed của tôi.

Ngay khi click vào đọc, tôi đã biết được bức thư này có thể lâm li bi đát đến cỡ nào. Bởi vì, cứ thỉnh thoảng phong trào cổ vũ văn hóa đọc lại rộ lên những trò thú vị mà có lẽ chỉ Việt Nam mới có.

Nào thì chụp ảnh khoe tủ sách, nào thì chạy việt dã để nâng cao văn hóa đọc (chả hiểu liên quan ở đâu), nào thì người nổi tiếng chụp selfie cùng sách, nào thì thử thách đọc 10-20 cuốn sách một ngày…v…v…

Và đến giờ là một bức tâm thư (không rõ thật lòng hay không) của một bà mẹ mong muốn con mình hãy cầm cuốn sách lên và đọc.

Lợi ích và tác hại của sách đến đâu, khó có thể nói rõ hết được.

Ngày xưa, người Trung Quốc có cái tích kể về anh chàng thư sinh mọt sách, nhờ đọc sách mà thấy từ sách hiện ra cả nhà cửa, kho báu và gái đẹp.

Câu chuyện ấy đại diện cho giấc mơ của một lớp người từ xưa đến nay chỉ nhìn thấy khía cạnh thực dụng và vật chất của sách.

Trước hết, tôi phải “rào trước” rằng tôi không phải là một người ghét sách.

Từ nhỏ, tôi loanh quanh với thế giới sách vở, cũng chẳng dám nhận là thiên kinh vạn quyển hay bác học thâm sâu, nhưng cũng tự hào rằng mình nghe ai đó khoe sách thở vài câu là biết họ ở tầm cỡ nào của công phu đọc sách.

Thế nên, cứ mỗi khi đến cái mùa khoe sách, cùng lúc với cái mùa hội chợ sách giảm giá, tôi lại được phen vừa buồn cười vừa khó chịu, rồi cuối cùng chỉ biết thở dài với tất cả các chiêu trò truyền thông được đẩy lên.

Tôi không dám chắc bức thư của bà mẹ kia là một thao tác truyền thông hay là những lời thật lòng, nhưng tôi dám chắc đó là một phần của thứ trào lưu cổ vũ văn hóa đọc cực đoan trong nhiều năm gần đây.

Sách rất hữu dụng, sách ẩn chứa kho tàng tri thức của nhân loại, đúng vậy, nhưng sách không phải chìa khóa vạn năng trong cuộc sống, cũng không phải chìa khóa duy nhất cho cuộc sống.

Nếu đứa con của bà mẹ ấy lười đọc sách, hẳn nhiên bà mẹ ấy sẽ đổ lỗi cho giáo dục, cho môi trường Internet tệ hại, cho tính lười biếng của đứa con.

Bà mẹ ấy không chịu tìm hiểu và quan sát xem ẩn sâu trong tiềm thức của đứa bé, điều gì dẫn đến việc nó lười đọc sách. Nguyên nhân có thể đến từ rất nhiều. Hoặc là do nó quá mệt mỏi với chương trình học của nhà trường nên lúc về nó chỉ muốn được thư giãn, muốn thoát khỏi chữ nghĩa.

Hoặc là do nó thấy mẹ nó cuồng sách quá nên nó có phản ứng ngược để chứng minh bản thân rằng mình phải có một đời sống khác.

Hoặc là đơn giản hơn, tủ sách của bà mẹ sở hữu không có loại sách mà đứa bé cảm thấy phù hợp.

“Nếu ai đó hỏi mình rằng mình có thích sách không? Mình chắc chắn trả lời là KHÔNG. Mình thích sự hiểu biết”.

Tóm lại, có hàng trăm hàng ngàn lý do sâu xa hơn dẫn đến việc một đứa trẻ lười đọc sách. Những lời tâm thư ấy liệu có lọt vào tai đứa trẻ hay không? Hay nó chỉ cười khẩy một cái: “Lại trò truyền thông của mẹ” hay “Lại giọng điệu của mẹ”.

Sách, về bản chất, là một công cụ để lưu trữ thông tin. Thông tin đó có thể bao gồm kiến thức, các chiêm nghiệm, các cảm xúc. Thông tin đó có thể có hại hoặc có ích, thậm chí là vô dụng, tùy với từng người.

Nếu các thông tin đó không được lưu trữ trong sách mà được lưu trữ trên website, video, hay game… thì có vấn đề gì không nếu đứa trẻ không lựa chọn sách như một công cụ?

Mỗi công cụ đều tạo ra các kiểu tư duy khác nhau để tiếp nhận và xử lý thông tin. Tức là nếu bạn tiếp nhận qua website, video hay game sẽ có một lối tư duy khác với đọc qua sách (đặc biệt là sách giấy).

Nếu một đứa trẻ không thích đọc sách không có nghĩa rằng đời nó thế là vứt đi. Nó hoàn toàn có thể đạt được sự hiểu biết qua các công cụ khác.

Sách là một công cụ lưu trữ vĩ đại của nhân loại, nhưng không phải cái gì được lưu trong đó cũng là tinh hoa.

Cái thứ bà mẹ kia muốn nhồi vào đầu con mình qua sách, chẳng rõ là có giá trị hay toàn rác rưởi. Nếu là rác rưởi thì thật bất hạnh cho đứa trẻ. Nếu là tinh hoa thì cũng phải tùy căn cơ của đứa trẻ, đâu phải người nào cũng ăn được nhân sâm dù nhân sâm là thuốc quý.

Tôi luôn cho rằng người lớn không nên ép buộc con cái. Người lớn cũng có đầy đủ các kiểu ngu xuẩn và chúng ta chẳng có tư cách gì để dậy dỗ thế hệ đi sau.

Người lớn chỉ có thể chia sẻ các kinh nghiệm của bản thân và để con thế hệ sau tự quyết định. Những cuốn sách hay đều ghi chép lại kinh nghiệm của những người đi trước, chúng không dạy dỗ người khác phải làm gì.

Chúng ta đọc chúng cũng giống như những đứa trẻ tiếp nhận các kinh nghiệm của người đi trước vậy, chúng ta và những đứa trẻ đều có lựa chọn của riêng mình.

Vì thế, hãy để cho con trẻ cái quyền được sống theo cách của mình và hãy hiểu rõ hơn về lựa chọn của con cái.

Nếu đứa trẻ lựa chọn không đọc sách mà xem video, hãy hướng dẫn cho nó xem những video có giá trị.

Nếu nó lựa chọn chơi game, hãy giúp nó chọn những game lành mạnh thay vì cấm nó chơi game. Và nếu ông bố bà mẹ nào không đủ năng lực để giúp con lựa chọn thì đó là lúc nên học hỏi thêm cho bản thân mình.

Ừ, thế còn phong trào nâng cao văn hóa đọc thì sao, nó có giúp cho người ta đọc sách tốt hơn không?

Nó có thể kích thích lượng mua sách tăng lên, nhưng nó không giúp người ta mở mang trí não hơn.

Không phải tôi không muốn ngày càng có nhiều người đọc sách có chất lượng, mà là việc này không cưỡng ép bằng truyền thông được.

Để giải quyết việc nâng cao văn hóa đọc thì dễ thôi, chừng nào các NXB có trách nhiệm hơn trong việc chọn bản thảo, chừng nào các tác giả có trách nhiệm với chữ nghĩa của mình, thì lúc ấy chất lượng độc giả cũng được nâng cao.

Còn nếu không thì thà mù chữ còn hơn đọc sách nhảm!

Hà Thủy Nguyên

Thị trường sách Việt Nam (4): Giá sách hiện nay có đắt không?

Đọc chùm bài “Thị trường sách Việt Nam” tại đây: https://hathuynguyen.com/tag/thi-truong-sach-viet-nam/ Nhiều người cho rằng giá sách trên thị trường hiện nay vẫn còn quá đắt và đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng độc giả khó khăn trong việc tiếp cận tri thức. Đắt – rẻ tưởng như là một vấn đề mang tính định lượng, thế nhưng, nó lại là vấn đề tâm lý. Người chê đắt, người khen rẻ ít khi dựa trên những tính toán bằng con số mà dựa

NHÀ XUẤT BẢN CỦA GS CHU HẢO VÀ MỘT Ý TƯỞNG TRUYỀN BÁ TRI THỨC…

Ngay khi thông tin về việc Giáo sư Chu Hảo bị kỷ luật vì những cuốn sách có tư tưởng chính trị do NXB Tri Thức ấn hành thì lập tức một đợt sóng truyền thông rầm rộ trên Internet và người ta đua nhau đi ôm sách NXB Tri Thức về nhà. Họ khoe nhau những tủ sách ngập sách NXB Tri Thức, những bức ảnh chụp bác Chu Hảo. Có lẽ các siêu sao Việt Nam chẳng ai có bộ sưu tập ảnh

Các lỗi sai trong dịch thuật triết học và Năng lực học thuật thực sự của nhóm NHẶT SẠN DỊCH THUẬT do ông Trần Đình Thắng chủ xướng

Trong những ngày vừa qua, Book Hunter và tôi trải qua một cuộc tấn công liên hồi của nhóm NHẶT SẠN DỊCH THUẬT do ông Trần Đình Thắng chủ xướng và facebooker Nguyễn Việt Anh, hai “dịch giả” mà chúng tôi chưa bao giờ “có cơ hội” làm việc cùng. Nhóm này, dưới danh nghĩa vì nỗ lực nâng cao chất lượng bản dịch, thường xuyên tấn công chúng tôi trong dòng sách triết học.  Xin được nói sơ qua những khó khăn trong việc

KHI VĂN HÓA ĐỌC THIẾU NỀN TẢNG HỌC THUẬT VÀ PHÁP LUẬT

Có lẽ chưa bao giờ văn hóa đọc lại nở rộ như ngày nay, đặc biệt là sự hỗ trợ từ chính quyền và các kênh báo đài chính thống. Không khí tấp nập nhộn nhịp trong các hội trợ sách, các hội thảo sách, các cuộc chạy đường trường cổ vũ phong trào đọc dường như làm sống dậy cái không khí Đông Kinh nghĩa thục: “Buổi diễn thuyết người đông như hội/Kỳ bình văn khách đến như mưa”. Chứng kiến cảnh “trăm hoa

Đọc sách có thể thành tài?

Từ khi những lời kêu gọi nâng cao Văn hóa đọc lan tràn trên các kênh truyền thông đại chúng, người ta ngày càng có những khẩu hiện buồn cười, kiểu như “Đọc sách là yêu nước” hay “Đọc sách để thành tài”… Ừ thì đọc sách cũng có ích, nhưng mà đọc sách gì, đọc như thế nào và đọc để làm gì cơ chứ? Tôi không tin rằng đọc sách là có thể thành tài, và cũng chẳng có chuyện tất cả những