Home Sáng tác mới Long Điểu truyện – Chương 4: Phủ Trấn Tây mờ sương

Long Điểu truyện – Chương 4: Phủ Trấn Tây mờ sương

Hoàng Tế Thiên sau khi vứt hết số thuốc bổ mà Vương Minh mua về cho Thái Sơn uống thì hàng ngày đều phải vận công điều khí cho cậu bé. Sinh lực bị tổn thương sao có thể dùng thuốc để chữa trị được. Thuốc chỉ là chữa trị bên ngoài, điều khí mới là cách trị tận gốc. Nhưng hiềm một nỗi, năng lượng của Hoàng Tế Thiên không đủ để trị  cho Thái Sơn. Chàng nguyện học nghề y để chữa bệnh cứu người, nên không quá quan tâm trong việc sử dụng năng lượng. Đưa Thái Sơn về Trấn Tây thành là cách duy nhất lúc này.

Tế Thiên mua một cỗ xe ngựa để chở hai đứa trẻ nhà họ Chúc rời Ô Thị, chạy đến thành Trấn Tây. Lúc này vẫn đang trong tiết thu, mây mù giăng kín. Nhờ mây mù che lối, cả chặng đường họ đi an toàn, không bị ai truy đuổi. Cũng có thể nghĩa quân mới là cái dích truy đuổi của Dã quốc. Chẳng mấy chốc mà họ đến thành Trấn Tây.

Phủ Trấn Tây vốn nằm trong rừng sâu, tách biệt với khu thành biên giới nặng nề sát khí. Con đường mòn trong rừng lúc này đã vào thu, được trải một lớp lá khô buồn thảm. Hoàng Tế Thiên kìm cương ngựa cho đi chậm lại. Từ trong cỗ xe ngựa nhỏ, Thần Cơ và Thái Sơn vén màn, thò đầu ra. Thần Cơ cất tiếng hỏi:

– Chú ơi, chúng ta sắp đến rồi đúng không?

Hoàng Tế Thiên chỉ mỉm cười, gật đầu. Thái Sơn ngẩng đầu lên nhìn trên vòm lá rung rinh, đôi mắt bỗng trở nên mơ màng:

– Chúng ta dừng xe một lúc được không ạ?

– Tại sao? – Hoàng Tế Thiên dừng ngựa hỏi, nhưng không quay đầu lại.

– Tiếng lá rơi… con muốn nghe chúng!

Hoàng Tế Thiên bật cười vì nguyên nhân thật ngớ ngẩn của thằng bé . Nó dường như chẳng quan tâm đến kẻ thù ở sau lung đang đến gần. Nhưng chàng cũng không muốn làm mất đi cái thi hứng đặc biệt của cậu bé Thái Sơn ốm yếu. Ai biết được cậu bé này sẽ sống đến bao giờ? Làm sao chàng nỡ lòng tước mất một chút niềm vui nhỏ nhoi mà cậu bé tìm thấy nơi những chiếc lá rơi.

Thần Cơ bĩu môi:

– Lá rơi thì có gì hay?

Tế Thiên xuống ngựa, đi đến bế hai đứa trẻ xuống xe ngựa, nói:

– Ở đây cảnh đẹp, chúng ta có thể ngồi nghỉ một lúc.

Thái Sơn buông mình ngồi xuống một gốc cây. Một cơn gió thổi qua, những chiếc lá cây rơi lộp độp, tiếng đứt tiếng nối như một bản nhạc ngẫu hứng. Những chiếc lá khô thì chạm đất rất nhanh nhưng thật là nặng nhọc. Còn chiếc lá vàng thì chỉ nhẹ nhàng tựa hồ lặn vào hư không. Thái Sơn cứ đắm chìm thích thú trong điều mình vừa phát hiện.

Thần Cơ thì thơ thẩn nhặt từng chiếc lá vàng khô, đưa lên mũi hít hít. Sau đó, cô bé bới bới đất, mặt đăm chiêu suy nghĩ điều gì đó. Tế Thiên lại gần hỏi:

– Đang thơ thơ thẩn thẩn gì đấy?

– Thật kỳ diệu! – Thần Cơ thốt lên – Lá cây này có mùi hương giữ được lâu. Mùi hương trên cây, mùi hương khi lá đã úa, và cả khi tan vào đất, vẫn giữ được nguyên mùi. Nếu lá này chiết xuất ra làm nguyên liệu sẽ rất thơm!

Tế Thiên gật gù:

– Ừm, cũng có tố chất đấy! Có thích học nghề thuốc không?

Thần Cơ lắc đầu nguầy nguậy:

– Hồi trước cha bắt cháu tập Thần Cơ công pháp, cháu đã mệt mỏi lắm rồi! Giờ lại cả nghề thuốc nữa thì cháu chịu…

Tế Thiên trừng mắt:

– Nhiều người muốn bái ta làm sư phụ lắm, biết không! Đúng là con nít không hiểu gì!

Thần Cơ nhún vai:

– Chú thích thì con nhận chú làm thầy! Nhưng học là con không học!

Tế Thiên gật đầu:

– Được lắm! Vậy bái sư đi!

Thần Cơ há hốc mồm, mở trò mắt nhìn Tế Thiên. Tế Thiên nhắc lại:

– Còn chưa bái sư sao? Con chẳng nhận ta làm thầy rồi đó sao?

Thần Cơ đứng sững một hồi rồi quỳ xuống, vái lạy:

– Từ giờ con sẽ làm học trò của Thần Y Hoàng Tế Thiên, nhưng việc học thì con không muốn học!

Hoàng Tế Thiên cười ha hả, đỡ đứa học trò dậy. Chàng bế nó trong tay, đi dạo dạo trong khu rừng, vừa đi vừa giảng giải:

– Vạn vật trên mặt đất đều có linh khí riêng. Linh khí ấy là khối năng lượng được cấu trúc bởi ý thức của chính vật ấy. Cây cối cũng vậy, tảng đá cũng vậy, chim muông cũng vậy, Điểu tộc, Long tộc hay tất cả các tộc khác cũng thế. Ý thức có phân cao thấp, năng lượng có phân mạnh yếu. Người có ý thức cao mà kinh mạch trong cơ thể có chỗ sai sót thì năng lượng yếu lại càng yếu. Kẻ ý thức thấp mà năng lượng lớn thì chỉ hại người hại mình.

Thần Cơ nghe bài thuyết của Hoàng Tế Thiên một cách chăm chú, dù cho cô bé tỏ ra mình không thích học. Tế Thiên biết rằng đứa bé vẫn đang lắng nghe mình, nên chỉ cười thầm, để một khoảng lặng cho cô bé suy nghĩ. Chẳng rõ cô bé suy nghĩ mông lung những gì, được một lúc rồi ngập ngừng hỏi:

– Chú… à thầy… con xin hỏi là, thế nào là ý thức cao thế nào là ý thức thấp.

Tế Thiên vuốt tóc Thần Cơ rồi đáp:

– Kẻ ý thức cao là kẻ luôn biết mình đang làm gì, luôn biết rằng mình còn thiếu sót và phải vươn lên. Kẻ ý thức thấp không biết điều ấy. Họ có thể biết mọi thứ trong thiên hạ, nhưng lại không thể biết bản thân mình và cũng không muốn hiểu bản thân mình. Kẻ ý thức thấp có thể giả vờ làm kẻ ý thức cao, kẻ ý thức cao có thể hành xử tựa như rất hồ đồ như kẻ ý thức thấp. Thật giả lẫn lộn, lòng người khó đoán. Sau này lớn lên con sẽ hiểu.

Thần Cơ nhìn về phía Thái Sơn, rồi hỏi tiếp:

– Vậy bệnh từ đâu sinh ra?

Tế Thiên trả lời:

– Bệnh có nhiều loại. Ta có thể chia loại dựa trên căn nguyên. Có loại căn nguyên từ ý thức. Kẻ ý thức thấp tất thảy đều bệnh tật. Ý thức thấp thì tâm loạn, tâm loạn thì khí loạn, khí loạn thì không còn linh nữa, tất thảy chỉ là vật chết di chuyển. Nên năng lượng có lớn thì chẳng qua chỉ là khối bệnh dịch lớn lan tràn mà thôi. Có loại căn nguyên từ năng lượng. Ý thức rất cao nhưng cơ thể vì bị tổn thương, hoặc do bẩm sinh, hoặc do ngoại vật tác động, thì cơ thể tựa hồ không tải nổi ý thức lớn ấy. Cơ thể sẽ bị hủy hoại rất nhanh. Nhưng người ý thức cao, nếu biết phương pháp, có thể dùng ý thức tự trị bệnh cho mình. Có điều, người biết những phương thuật ấy, không nhiều. Ta cũng chỉ biết vài cách, về căn bản chưa thể chữa trị cho em trai con!

Thần Cơ lí nhí trong miệng:

– Con biết…

Tế Thiên xoa xoa lưng Thần Cơ:

– Ta sẽ tìm cách… Nhưng giờ chúng ta phải tới Trấn Tây phủ đã… Trời cũng sắp tối rồi!

Chiều đã ngả sang tối, khu rừng nhuộm thêm khí sương mờ ảo của hoàng hôn khiến khu rừng đượm vẻ tịch mịch, u buồn. Thái Sơn ho khụ khụ một tràng dài, sắc mặt tím tái, nhưng ánh mắt vẫn trong suốt nhìn theo ánh chiều sắp tắt. Tế Thiên thấy cảnh ấy, lắc đầu ngán ngẩm. Chàng thả Thần Cơ xuống rồi bế thốc Thái Sơn lên xe:

– Con nhìn xem, lạnh cóng cả rồi này! Chúng ta đi thôi!

Thần Cơ nháy mắt khoe:

– Chị đã có sư phụ rồi nhé! Từ giờ, em cũng phải gọi chị là “tiểu thần ý” đấy nhé! Sau này chị sẽ là “đại thần y”. Chị sẽ chữa bệnh loạn tâm cho toàn thiên hạ!

Thần Cơ liến thoắng khiến Tế Thiên và Thái Sơn cười khúc khích. Ba người lên xe ngựa rồi tiến về hướng Trấn Tây phủ.

Họ cứ đi, cứ đi. Trời tối dần, chỉ còn le lói vài tia nắng cuối cùng. Sương giăng lúc một dày đặc. Chợt, một vành mái cong cong ẩn hiện trong màn sương và thấp thoáng dưới tán lá cổ thụ. Ba chữ “Trấn Tây Phủ” lộ ra dần dần. Kỳ lạ thay, quanh phủ không có một quan binh hay gia nhân nào, cổng cũng không đóng.

Tế Thiên dừng ngựa. Chàng xuống ngựa nhìn quanh. Thần Cơ cũng nhảy xuống theo, định lon ton bước vào thì Tế Thiên kéo tay cô bé lại. Chàng thầm nghĩ rằng đây chắc chắn không phải cổng chính mà chỉ là một cái bẫy. Nhìn vào trong phủ, chẳng có gì khác ngoài một khu rừng trúc lao xao trong gió! Chàng đề khí cất tiếng sang sảng:

– Hoàng Tế Thiên nhận sự ủy thác của phu nhân Tử Quỳnh xin được yết kiến Trấn Tây tướng quân.

Một lúc lâu vẫn không thấy ai bước ra, cũng chẳng thấy động tĩnh gì. Mấy lần Thần Cơ định liều mạng bước vào đều bị Tế Thiên giữ lại. Thái Sơn cũng thò mặt ra khỏi xe ngựa nhìn chằm chằm vào khu rừng trúc.

Chợt, có tiếng vó ngựa phi nước đại tới gần. Nhưng âm thanh không phải từ trong phủ, mà từ phía cánh rừng. Cả ba quay người lại, hướng ánh mắt về phía tiếng vó ngựa. Càng lúc, âm thanh càng rõ hơn, và xa xa thấp thoáng bóng áo choàng đỏ tung bay. Gần hơn, ba người có thể nhìn thấy người cưỡi ngựa là một vị trượng phu đã gần bốn chục, nét mặt nghiêm nghị, rắn rỏi. Nằm vắt ngang lung ngựa là một cậu bé nhem nhuốc, đang cười nhăn nhở. Nhưng qua y phục và đôi mắt sáng ngời của cậu, người ta có thể nhận ra khí chất quý tộc ít thấy ở người dân quanh đây.

Hoàng Tế Thiên vội chắp tay, cúi mình:

– Hoàng Tế Thiên xin bái kiến Trấn Tây tướng quân!

Thái Sơn và Thần Cơ cùng reo lên:

– Bác Điểu Tùng…

Đó quả là Trấn Tây tướng quân Điểu Tùng. Chàng vội xuống ngựa, ân cần đáp lễ:

– Kìa thần y, ta đợi ba người mãi!

Trong lúc ấy, cậu bé nhem nhuốc tuột ngay xuống từ lung ngựa, chạy tọt vào trong phủ và biến mất sau rặng trúc. Hoàng Tế Thiên lấy làm lạ:

– Ồ, hóa ra cổng phủ nào có cơ quan gì đặc biệt, vậy mà đệ cứ tưởng…

Điều Tùng cả cười:

– Đó là cách ta giữ yên tĩnh cho mình. Ta vốn không thích đông người nên không muốn có gia binh. Nhưng cũng phải giữ an toàn cho phủ để tránh sự xâm nhập. Ta cho trồng một rặng trúc được bày binh bố trận như một mê cung, người ngoài chẳng thể nào tìm thấy lối vào. Còn cửa thì vẫn luôn mở tung, chỉ buồn cười là chẳng có ai dám bước vào cổng vì sợ rằng ta có cất giữ cơ quan bảo vệ.

Hoàng Tế Thiên cũng bật cười cho sự đa nghi của mình. Thái Sơn nhìn vào rặng trúc um tùm khẽ nhún vai:

– Có gì đâu ạ! Chỉ cần một mồi lửa là xong!

Điểu Tùng xoa đầu, hất hàm hỏi:

– Phủ của ta, dám đốt không?

Hoàng Tế Thiên giục:

– Chúng ta mau vào thôi, đứng ngoài này nguy hiểm lắm!

Điểu Tùng gật đầu. Đoạn, ba người lên xe ngựa rồi đi theo ngựa của Điểu Tùng vào trong phủ. Vừa hay lúc ấy, những con quạ của Ô Thị bay ngang qua. Những con quạ Ô Thị này, nếu thấy có sự lạ ở cửa Trấn Tây phủ thì thật là không hay. Không biết tin tức ấy có thể sẽ đem bán cho thế lực nào. Vào Trấn Tây phủ là vào chỗ an toàn, bất khả xâm phạm. Rừng trúc và màn sương dày đặc bao quanh được tạo ra bởi năng lượng của Điểu Tùng đã che kín mọi con mắt tọc mạch.

Điểu Tùng nổi tiếng trong Điểu tộc về tài chế tác các cơ quan theo dõi. Ngay giữa phủ là một hồ nước lớn trong vắt. Hàng ngày, Điểu Tùng có thể nhìn toàn bộ động thái của thành Trấn Tây in hình trên mặt hồ nước này. Các vị Điểu vương của Điểu tộc thường thích giám sát chặt chẽ mọi hành vi của dân chúng, mọi biến động diễn ra trên lãnh thổ. Quan tham cũng vì thế mà ít đi. Hòa bình, trật tự trong Điểu tộc luôn luôn ổn định. Mọi vụ mưu phản đều bị phát hiện trước khi nó diễn ra. Người giữ ngôi Điểu vương, là người giữ quyền điều khiển tất cả cỗ máy giám sát, các nguồn gián điệp trong toàn cõi Điểu tộc. Điểu Tùng là người thiết kế toàn bộ các cỗ máy giám sát hiện có trong Điểu tộc, cũng nhờ vậy mà Điểu vương không dám cũng như không nỡ trừng phạt ông khi ông để em gái mình lấy Chúc Thịnh Lai và để hai người xây dựng nghĩa quân ngay thành Trấn Tây. Giết Điểu Tùng, toàn bộ cỗ máy ấy sẽ không có người vận hành.

Chúc Thái Sơn và Chúc Thần Cơ không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy những gì diễn ra trên mặt hồ nước. Hai đứa bé cảm thấy thích thú, lại vừa cảm thấy gờn gợn vì cảm giác như lúc nào mình cũng bị theo dõi.

Điểu Tùng nhìn hai đứa bé cười:

– Yên tâm đi! Ta không có thời gian để theo dõi xem các cháu làm gì đâu!

Chợt, cậu bé lem nhem vừa nãy chạy ra, chỉ vào mặt hồ làu nhàu:

– Đừng tin, nếu không phải vừa nãy vì cái hồ này thì ta đâu có bị cha bắt về! Không cần theo dõi, nhưng nhìn là thấy ngay! Qúa nguy hiểm! Qúa nguy hiểm!

Điểu Tùng trừng mắt quát:

– Còn không mau đi tắm! Trông kìa, lem nha lem nhem!

Cậu bé chạy biến đi, miệng vẫn làu bàu hậm hực. Tế Thiên, Thần Cơ, Thái Sơn há hốc mồm nhìn cậu bé thoăn thoắt trèo lên tay vịn của hành lang lướt đi nhanh như gió. Bộ pháp mà cậu sử dụng là một phần trong Thần Ưng Phi Thiên, thuật khinh công của những người trong Điểu tộc. Ai là người Điểu tộc, đều phải biết bộ pháp này. Điểu Tùng nhún vai nói:

– Đó là Điểu Âu, con trai ta. Nó bằng tuổi Thần Cơ, nhưng tính tình lông bông lắm! Suốt ngày trốn ra khỏi phủ đi chơi. Đấy, ta vừa tìm được nó trốn trong xưởng đúc vũ khí, nghịch ngợm rèn những thú linh tinh!

Thần Cơ và Thái Sơn cười khúc khích. Điểu Tùng nói thêm:

– Nhưng không sao! Nó ham chơi lắm! Sẽ dẫn hai đứa chơi ở nhiều nơi, hai đứa sẽ không nhàm chán đến chết trong phủ đâu!

Tối ấy, họ cùng nhau ngồi dưới màn sương, cùng nướng thịt thú rừng ăn. Không khí thật giống như những ngày trong rừng Bạch Tùng. Thần Cơ và Điểu Âu lanh chanh tranh nhau nướng thịt, rất vui vẻ. Thái Sơn thì ngồi im lặng không hiểu nghĩ ngợi mông lung những đâu. Tế Thiên và Điểu Tùng cùng trò chuyện, bàn tính thiên hạ. Điểu Tùng uống một hớp rượu rồi kể:

– Ta vừa mới nhận được tin, Dã quốc đã bắt được nữ thần Thanh Nguyệt. Họ một đao chém chết cô bé, thật tội nghiệp!

Tế Thiên kinh ngạc:

– Mấy trăm năm chờ đợi nữ thần giáng thế, ấy thế mà lại có thể giết chết dễ dàng vậy sao? Thế thì chúng ta phải làm sao? Chẳng phải cơ hội duy nhất để chúng ta biết được toàn bộ ký ức của vùng đất này đã mất rồi sao!

Điểu Tùng lắc đầu cười:

– Chỉ là truyền thuyết thôi! Cái đáng chú ý là tại sao Dã Quốc phải lập tức giết nữ thần Thanh Nguyệt. Liệu có phải họ có điều muốn giấu, không muốn tiết lộ hay không? Họ không cần hỏi han thông tin, mà đã giết ngay, chứng tỏ họ cũng biết được bí mật gì đó.

Tế Thiên gật đầu:

– Có lý! Dã Quốc vẫn là một bí ẩn lớn… Bây giờ đã không còn Chúc Thịnh Lai, ai sẽ là kẻ ngăn cản Dã Quốc. Chúng sẽ còn bành trướng nữa. Thiên hạ sẽ còn đại loạn nữa.

Đột nhiên, Thái Sơn ngã gục xuống đất. Máu từ mũi chảy ra, hòa lẫn với nước mắt trên gò má. Tế Thiên và Điểu Tùng hốt hoảng. Tế Thiên bế thốc Thái Sơn lên, đưa vào phòng trong. Điểu Tùng vội vã đi theo. Điểu Âu và Thần Cơ cũng vứt thịt lăn lốc trên mặt đất chạy vội theo vào.

Thái Sơn đã ngất lịm đi. Mặt tái nhợt, xanh xao. Áo phanh ra, để lộ tấm ngực nhỏ gầy gò. Điểu Tùng lo lắng đứng bên cạnh. Hoàng Tế Thiên dùng năm ngón tay, điểm vào các huyệt xung quanh tim của Thái Sơn. Được một lúc, nét mặt của Thái Sơn đã trắng trẻo trở lại, hơi thở cũng đều đặn hơn.

– Là lỗi của ta! – Tế Thiên lắc đầu – Bệnh của Thái Sơn, nếu gặp xúc động mạnh thì sẽ tái phát, nguồn năng lượng sẽ chạy hỗn loạn trong kinh mạch. Nó sẽ không chịu nổi… Ta lỡ miệng nhắc tới Thịnh Lai…

Điểu Tùng thở dài:

– Đời người đâu thoát được thất tình lục dục, giữ cho nó không xúc động không phải cách. Chẳng lẽ người trong thiên hạ không ai chữa được cho nó hay sao?

Tế Thiên thở dài:

– Có thì có… nhưng lại là điều bất khả!

Thần Cơ và Điểu Âu trong lúc hai người lớn mải nói chuyện, đến gần giường của Thái Sơn. Hai đứa vuốt vuốt má cậu bé để lay dậy.

Tế Thiên nói tiếp:

– Cần có máu của phượng hoàng hoặc rồng thần của Long tộc để làm vật dẫn. Sau khi máu vào cơ thể, máu có thể hồi phục mọi tổn thương bên trong kinh mạch. Nhưng lượng máu cần rất lớn, đâu có hoàng tộc Long tộc hoặc Điểu tộc nào sẵn sàng đổi tính mạng của mình cứu tính mạng thằng bé. Thế nên việc ấy là bất khả. Tử Quỳnh phu nhân tuy có thể phượng hoàng, nhưng đã tự hủy thể năng lượng ấy, nên cấu trúc năng lượng trong máu của phu nhân không còn là máu phượng hoàng nữa. Đó là điều phu nhân đau lòng và hối tiếc nhất khi từ bỏ thể phượng hoàng của mình.

Thái Sơn bị Điểu Âu và Thần Cơ hết vuốt má lại nghịch tóc, dần dần tỉnh dậy. Hai đứa trẻ reo lên. Thái Sơn còn nhỏ tuổi nhưng đã có nét mặt nghiêm nghị, cậu bé chỉ nói gọn lỏn một câu:

– Cha con mất rồi, nhưng nghĩa quân vẫn còn!

Hà Thủy Nguyên

Đọc các chương của Long Điểu truyện tại đây: https://hathuynguyen.com/tag/long-dieu-truyen/

 

Long Điểu truyện – Chương 8: Đổ nát

Hoàng cung chỉ còn là một đống đổ nát. Điểu Kinh náo loạn kinh hãi, dân chúng lật đật rủ nhau thu vén tài sản trong đêm. Thiên Hoàng đứng trên đống đổ nát nhìn xuống phía dưới kinh thành. Tấm áo choàng của chàng ám bụi bay lất phất trong gió. Trong cơn phẫn nộ, chàng đã thiêu rụi tất cả. Thân xác của Điểu vương, vương hậu chỉ còn là một đám tro tàn. Điểu Kinh lúc này không còn ai ngoài chàng

Long Điểu truyện – Chương 9: Máu phượng hoàng

Điểu Kinh đã yên ổn trở lại với sự lên ngôi của tân Điểu vương Điểu Lãnh Phong. Những bí mật của Điểu Linh Hoàng được chôn sâu cùng với oan khuất của Điểu Minh Hoàng để giữ cho danh tiếng của Điểu tộc không bị tổn hại, và cũng là để những kẻ đời sau không biết đến bí thuật giả mạo thể năng lượng phượng hoàng. Tử Bằng được giao cho Ô thị nuôi dưỡng, ẩn thân dưới một danh phận khác, để

Bí mật Long Thành – Chương 1: Đứa trẻ cô độc

Tôi sinh ra trong một gia đình quái gở. Về căn bản, tôi thích sự quái gở ấy, nhưng thỉnh thoảng tôi cứ thắc mắc tại sao gia đình tôi không như gia đình người ta. Mẹ tôi chẳng ngồi bên tôi kèm cặp, dậy tôi học như mẹ người ta. Mẹ mặc tôi thích học thì học, không học thì nghỉ. Tôi cũng kệ thôi, không bắt học là sướng rồi. Thỉnh thoảng, khi bị bà ngoại tôi ép buộc, mẹ mới ngồi hướng dẫn tôi

Long Điểu truyện – Chương 1: Non cao cao, nước xanh xanh

Nghĩa quân của Chúc Thinh Lai nằm ở khu rừng Bạch Tùng ngay biên giới Tây Bắc của Điểu tộc trên dãy Đại Sơn. Rừng Bạch Tùng nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi đá cao chót vót, mây mù giăng kín. Người thường không dám qua lại rừng Bạch Tùng bởi đàn sói lúc nào cũng lẩn quất săn mồi. Đàn sói ấy lại không dám xâm phạm đến trại của nghĩa quân. Người ta đồn rằng Chúc Thịnh Lai từ lâu đã luyện

LONG ĐIỂU TRUYỆN – CHƯƠNG 11: Bướm rợp quan san

Rừng dưới chân núi Tụ Linh Phong vào cuối thu, lá dệt thành một màu vàng mênh mông. Mỗi khi một cơn gió thoảng qua, cả cánh rừng như dải lụa vàng lung lay dưới nắng nhạt. Càng đi lên trên, những cây lá vàng thưa dần, thay bằng từng phiến đá chen tùng xanh thẳng đứng vươn chọc trời. Mây bị vướng vào tán lá kim của cây tùng khiến cả ngọn núi mang bầu không khí u tịch. Thỉnh thoảng, một tiếng chim