Home Bình Luận Tết và giả dối, phù phiếm, rác rưởi

Tết và giả dối, phù phiếm, rác rưởi

Mỗi năm một lần Tết âm lịch lại đến như một cái gông đè nặng lên cổ từng người. Hết thế hệ này đến thế hệ khác, chúng ta tổ chức một kỳ lễ Tết mà chẳng hiểu ý nghĩa của nó, chúng ta tiêu tốn một lượng lớn thời gian – công sức – tiền bạc để hoàn thành những nghi lễ vô giá trị được dán nhãn “truyền thống”, chúng ta cười cười nói nói với những người mà chúng ta chẳng hiểu gì về họ ngoài những thứ họ phô diễn. Tết trở thành một nghi thức mà trong đó mọi sự giả dối, rác rưởi và phù phiếm được cho phép dưới danh nghĩa chúc tụng và cầu cúng.

Phô diễn lòng thành không thật

Chúng ta thường được dạy rằng Tết là lúc chúng ta tưởng nhớ những người đã khuất trong gia tộc. Nhiều gia đình ra nghĩa trang dọn sạch mồ mả, thắp hương cho người đã khuất. Sau đó, là nhộn nhịp chuẩn bị một loạt mâm cúng linh đình: nào bánh chưng, thịt kho, nem rán, giò…. Nào thì mâm ngũ quả, nào thì vàng mã…

Thời xa xưa, những nghi lễ này thường liên quan đến vụ mùa: một mùa xuân mới đang đến và một vụ mùa mới sắp bắt đầu. Cúng tế tổ tiên đối với người xưa về bản chất là một hình thức cúng người chết – những người mà thân thể của họ đã trở thành phân bón để nuôi dưỡng cây cối, và cúng tế mang tính chất thể hiện một sự tri ân của người sống đối với thân thể của người chết, và của người sống với những ký ức về người chết khi họ còn ở dương trần. Linh hồn người chết, bởi thế, luôn ngự trị trong xã hội người sống thông qua lương thực – thực phẩm thu hoạch được; và những ký ức mà người sống lưu lại. Nhưng rồi, ý nghĩa tri ân ấy hoàn toàn trở nên mờ nhạt trước lòng tham của con người. Họ cúng tế Tết vì muốn được người chết phù hộ độ trì cho họ thêm tài lộc, phúc phận; hoặc vì sợ bị quật do không đảm bảo đúng nghi lễ (một nỗi sợ vô hình). Vậy là thay vì thực sự chỉn chu và kỹ tính trong nghi lễ, họ làm ra mâm cao cỗ đầy với hi vọng rằng sẽ không làm mất lòng người đã chết.

Mâm ngũ quả để làm gì? Có ai tự hỏi xem những người đã khuất đang được thờ trên bàn thờ có thực sự muốn ăn những món quả màu mè ấy? Họ có thực sự lúc nào cũng muốn ngắm con gà khỏa thân chổng mông trên đĩa? Hay mùi dầu mỡ của thịt thà lẫn lộn át hương trầm? Người sống bày mâm cỗ cúng bởi vì trong lòng họ nghĩ rằng những món ăn ấy hẳn sẽ cho họ một bữa ăn nhậu thích thú với bè lũ mà họ đã kết giao trong dòng tộc. Trong tâm trí họ không có người đã chết.

Hãy nghe những người sống tụng các bài văn cúng được in sẵn trong quyển sách được bày bán đầy ở cổng chùa, cổng đền. Một danh sách dài tên các thần Phật mà chính họ còn chẳng biết nguồn gốc được tụng lên trước khi trong tâm họ nhớ đến những người đã khuất – vô nghĩa! Đức tin của họ thậm chí còn chẳng đặt vào những vị thần trong bài tụng. Tâm tư của họ chẳng có một chút lặng để kết nối với tinh thần của người thân đã qua đời.

Qúa nhiều thịt thà, quá nhiều lời lẽ, quá nhiều lòng tham, quá nhiều nghi thức đã cắt đứt đời sống tinh thần trong khoảnh khắc đón xuân. Những ký ức cũng chẳng có cơ hội được tái hiện trong tâm trí bởi sau những buổi quần quật cỗ bàn, đâu còn góc riêng nào cho nhung nhớ. Sau tất cả, người đã chết cứ khuất dần đi trong dòng chảy thời gian, chỉ còn những nghi thức cũ vẫn ngự trị một cách trớ trêu và kệch cỡm.

Gặp gỡ những người xa lạ bằng bộ mặt giả dối

Những người đến thăm ta ngày Tết ắt hẳn là những người xa lạ: Họ hàng và những người đến để nịnh nọt, biếu xén. Nịnh nọt và biếu xén thì có lẽ chẳng có gì đáng để đề cập nhiều: những con người ấy với ta tuyệt đối xa lạ.

Họ hàng: những con người cả năm chúng ta không gặp gỡ vì lý do: bân bịu với công việc. Hãy thẳng thắn với nhau: giữa ta và họ chẳng có điểm gì chung, từ nền tảng văn hóa đến lợi ích kinh tế, từ sự tương giao tinh thần đến sự hứng thú. Chẳng có tình thân gì ở đó, chỉ có một thứ ràng buộc: lễ nghĩa dòng tộc. Lễ nghĩa dòng tộc quy định một thứ luật bất thành văn: họ hàng phải thăm hỏi nhau ngày Tết. Nhưng họ không thăm hỏi vì họ đâu có quan tâm đến tâm tư tình cảm của ta, kỳ thực họ chẳng hề quan tâm. Họ thăm hỏi ta vì thói quen cửa miệng, vứt cho ta những lời khuyên như thể họ là con người đầy kinh nghiệm, tặng ta những món quà mà họ còn không thèm tìm hiểu xem chúng ta có thực sự thích hay cần không.

Hãy nhìn những con người này mừng tuổi cho con trẻ và người già! Họ nhét tiền vào các phong bao in sẵn chẳng chút tính cá nhân, đo đếm số tiền dựa trên thân – sơ hay tầm quan trọng. Rồi con cái của họ lại nhân tiếp những phong bao như thế từ những gia đình mà họ đến chúc Tết hay chúc Tết nhà họ. Lì xì giống như một hình thức đổi tiền, còn những đứa trẻ thì vui mừng đếm tiền, được nuôi dưỡng trong tinh thần đồng nhất tiền với vận may mà nó nhân được trong đời. Bao nhiêu đứa trẻ sẽ đánh giá người lớn dựa trên số tiền họ  mừng tuổi chúng? Bao nhiêu đứa trẻ sẽ đánh giá vị thế của gia đình mình dựa trên “tổng thu nhập” của chúng ngày Tết.

Toàn bộ vòng quay giả dối của quà cáp, thăm hỏi, lì xì… đang mỗi năm lại thêm bào mòn sự kết nối giữa con người với con người. Con người không có khoảng lặng cho chính mình để suy ngẫm, để tận hưởng những ngày xuân. Thay vì đó, con người gia tăng thêm những lớp mặt nạ của sự yên ổn, hạnh phúc, thành công, thân tình để vừa lòng những người trong dòng tộc.

Dòng tộc trong xã hội Việt Nam hiện đại đã mất dần đi vai trò đích thực của mình. Dòng tộc không tan rã, nó biến tướng thành mô hình nhóm truyền miệng  những nghi thức được cho là truyền thống và những giá trị được cho là thành công trong xã hội. Sự kết nối của dòng tộc đời xưa đến từ mối quan hệ gìn giữ đất đai và nghề truyền thống, nhưng sự kết nối ngày nay chỉ xoay quanh chăm sóc mồ mả ở quê. Người ta buộc phải quan hệ với nhau vì chung nhau một khu nghĩa địa. Vì sợ “động mồ động mả” hoặc sợ “sau này chết đi thì mộ ở quê ai chăm sóc” mà chúng ta buộc phải cười cười nói nói với toàn bộ những người xa lạ mà chúng ta gọi là họ hàng. Sự thân tình này đến từ nỗi sợ bị bỏ rơi bởi chính dòng tộc của mình và sự hoài nghi tính trách nhiệm của họ hàng. Tóm lại, ta chấp nhân là một phần của dòng tộc, vì hoang mang không biết cách tiếp cận thế giới cõi chết nơi mà ta sẽ đến trong tương lai và những người ruột thịt của ta đã đến trong quá khứ. Thế rồi, ta chấp nhân thăm hỏi một cách giả dối với những người có khả năng sẽ tác động đến khu nghĩa trang chung chạ của dòng tộc.

Tại sao chúng ta phải trói cuộc đời của chúng ta vào khu nghĩa địa của dòng tộc? Tại sao chúng ta lại chấp nhận cõi chết chi phối xã hội cõi sống đến thế? Bởi vì chúng ta tham lam đủ thứ cả khi sống lẫn khi chết, tham lam những thứ chẳng thể mang theo người, những thứ chẳng hề thuộc về chúng ta. Còn tâm hồn ta thì bị ta bỏ vương vãi, còn thân thể ta thì ta biến chúng thành thứ chỉ để treo mặt nạ.

Lẽ tất yếu là rác rưởi

Để đáp ứng những nhu cầu giả dối và phù phiếm ấy, ta đã xả ra đủ thứ rác rưởi vào ngày Tết – ngày mà đáng lẽ ta phải thể hiện sự trân trọng với thiên nhiên. Thử đếm các đầu mục rác mà một gia đình vứt ra môi trường nhé:

Rác hữu cơ:

  • Xác cây và hoa cảnh sau khi cắm chỉ để nhân lấy vài câu khen của người xa lạ, để tỏ ra ta là những người tao nhã, hoặc để đưa ít mùa xuân về nhà bất chấp ta đang giết mùa xuân.
  • Thức ăn thừa hoặc đồ bị cắt bỏ trong quá trình nấu ăn phục vụ đủ các loại mâm cúng cho một cõi chết mà ta không hề tưởng nhớ.

Rác vô cơ:

  • Đủ các loại bao bì hộp quà, hộp đựng sản phẩm, lon bia, chai rượu… chủ yếu để tỏ ra sang chảnh theo điều hướng của các chuyên gia marketing của các thương hiệu.
  • Bao lì xì để khiến trẻ con sớm băng hoại đạo đức
  • Đồ trang trí nhà cửa, vụn pháo hoa, kim tuyến rắc… mà có lẽ sẽ chỉ dùng vài ngày chỉ để thỏa mãn thứ thị hiếu được xây dựng bằng sự khát khao lộng lẫy trong vòng hào quang hư ảo mô phỏng giàu có.
  • Vàng mã chỉ để đốt cho những vong hồn không thể sử dụng và tiếp tục giam lỏng vong hồn trong sự nuối tiếc sự sống tới mức chối bỏ giải thoát.

Rác tinh thần:

  • ­Những lời chúc tụng, thăm hỏi hoàn toàn vô nghĩa mà chẳng ai nhớ, và ngay cả đến ta là người mở miệng ra nói cũng chẳng nhớ.
  • Những bài hát karaoke để giải trí ngày xuân mà chủ yếu là để khoa dàn loa khủng – chiến tích của một năm làm ăn phát đạt.
  • Những đồng tiền lì xì nuôi dưỡng lòng tham của lũ trẻ, biến lũ trẻ thành súc vật, không hơn.
  • Những nghi thức hoàn toàn vô giá trị về mặt thực tiễn mà chỉ kích thích chủ nghĩa tiêu dùng với các chiến lược xả hàng, khuyến mại, quảng cáo…

Vâng, đủ loại rác rưởi ấy đã bào mòn tinh thần của mỗi cá nhân, bào mòn cảm xúc của mỗi gia đình. Tết trở thành một dịp để người nhà ràng buộc nhau vào vòng xoay bất tận của xả rác được định danh bằng mỹ từ “truyền thống”. Và có lẽ truyền thống mới cần tiết được xây dựng trong đời sống của chúng ta: Xin đừng xả rác để không phải dọn rác.

Hà Thủy Nguyên

Thiết lập tín ngưỡng Hồ Chí Minh: truyền thống Việt và sự biến tướng

Sau Cách Mạng Tháng Tám năm 1945, Hồ Chí Minh được tôn vinh là trung tâm của một tôn giáo chính trị mới được thành lập và cuối cùng đã trở thành một phần của bức tranh tôn giáo Việt Nam. Bài viết này truy tìm nguồn gốc của tín ngưỡng Hồ Chí Minh và vai trò của chính ông trong việc củng cố hình ảnh của ông không chỉ với tư cách là vị lãnh tụ của dân tộc mà còn là Bác, người

Lễ Vu Lan, Rằm Tháng Bảy – Cuộc hội tụ của những thế giới người chết Ấn Độ & Trung Quốc

Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt, Toát hơi may lạnh buốt xương khô, Não người thay buổi chiều thu, Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng. Đường bạch dương bóng chiều man mác, Ngọn đường lê lác đác sương sa, Lòng nào là chẳng thiết tha, Cõi dương còn thế nữa là cõi âm. Trong trường dạ tối tăm trời đất, Có khôn thiêng phảng phất u minh, Thương thay thập loại chúng sinh, Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người. …

Từ tín ngưỡng thờ nữ thần đến tín ngưỡng thờ Mẫu

Tín ngưỡng thờ nữ thần không phải là một hiện tượng độc đáo trong đời sống tâm linh của người Việt, trái lại, rất phổ biến trên toàn thế giới. Tượng thờ nữ thần cổ xưa nhất được tìm thấy của người Cro-Magnon tại Hohle Fels có niên đại khoảng 35.000 năm với bộ ngực, bụng và âm hộ phóng đại. (1) Ở thời kỳ đồ đá, nữ thần giữ vai trò tối cao – đấng Sáng Thế, Nuôi Dưỡng và Hủy Diệt và luôn

Truyền thông đã định hướng 9 truyền thống của văn hóa Tết Nguyên Đán dẫn đến chủ nghĩa tiêu dùng, hài rẻ tiền và tâm thức nguyên thủy tại Việt Nam

Văn hóa Tết Nguyên Đán được định vị bằng một loạt những hình ảnh: bánh chưng, sum vầy, mâm cúng, lì xì, lời chúc, quà Tết, màu đỏ, cầu may, chơi hoa. Hết năm nay qua năm khác, người dân lặp đi lặp lại những thói quen và tự gọi đó là “truyền thống cha ông để lại”, dần dần trở thành một văn hóa Tết ăn sâu vào tâm thức xã hội, thành một định chế áp đặt lên toàn bộ người dân. Định

Hệ thống thờ cúng thần của người Việt

I – Khái niệm “Thần” trong văn hóa người Việt “Thần” là một khái niệm rất khó định nghĩa cho dù ở bất cứ nền văn hóa nào. Một cách mơ hồ, ta có thể hiểu “thần” như một lực lượng siêu nhiên ở bên ngoài đời sống hiện hữu của con người nhưng vẫn có thể tác động đến số phận của mỗi cá nhân. Con người một các tự nhiên, đã sớm ý thức được cái chết của mình và sợ hãi tới