Home Bình Luận Truyền thông đã định hướng 9 truyền thống của văn hóa Tết Nguyên Đán dẫn đến chủ nghĩa tiêu dùng, hài rẻ tiền và tâm thức nguyên thủy tại Việt Nam

Truyền thông đã định hướng 9 truyền thống của văn hóa Tết Nguyên Đán dẫn đến chủ nghĩa tiêu dùng, hài rẻ tiền và tâm thức nguyên thủy tại Việt Nam

Văn hóa Tết Nguyên Đán được định vị bằng một loạt những hình ảnh: bánh chưng, sum vầy, mâm cúng, lì xì, lời chúc, quà Tết, màu đỏ, cầu may, chơi hoa. Hết năm nay qua năm khác, người dân lặp đi lặp lại những thói quen và tự gọi đó là “truyền thống cha ông để lại”, dần dần trở thành một văn hóa Tết ăn sâu vào tâm thức xã hội, thành một định chế áp đặt lên toàn bộ người dân. Định chế ấy giống như một thứ xác sống trồi dậy từ nấm mồ của xã hội Nho giáo, đáng lẽ đã bị chôn vùi sau chiến tranh, nhưng vì động cơ chính trị nào đó hoặc bản thân những con người chuyên chính vô sản không đủ sức thoát ra khỏi văn hóa Tết nên thay vì bị gạt bỏ thì lại được tôn vinh, bảo tồn và nuôi dưỡng bằng các chính sách văn hóa “tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.

“Truyền thống” luôn là cái cớ được viện dẫn nhiều nhất để duy trì từng chi tiết của văn hóa Tết, nhưng truyền thống về bản chất là một cái gì đó mơ hồ. Truyền thống không tự thân hiện diện, truyền thống luôn đến từ những định chế văn hóa bị áp đặt. Một truyền thống cũ mất đi, một truyền thống mới được hình thành, trên thực tế chỉ là sự thay đổi của những định chế văn hóa do sự dẫn hướng của định chế chính trị. Mà công cụ hữu hiệu nhất để duy trì một truyền thống, ấy chính là truyền thông.

Chữ “truyền” 傳 có trong cả “truyền thông” và “truyền thống”, với ý nghĩa là “giao cho, dạy cho, trao cho” được ghép từ bộ “nhân” đứng  亻(có nghĩa là con người) và chữ “chuyên” 專 (có nghĩa là chú ý vào một việc, đều đặn). Toàn bộ động từ “truyền” đã bao hàm một sự điều hướng con người vào một lộ trình được vạch ra. Chữ “thống” 統 nghĩa là sự truyền đời hết thế hệ này thế hệ khác, quy tắc ngàn đời, sự dẫn đầu. Nhưng chẳng có gì là mãi mãi, kể cả những thứ ngàn đời, và cuộc sống không phải là sự lặp đi lặp lại mà luôn có biến chuyển và sàng lọc. Một cách tự nhiên, những gì không cần thiết cho cuộc sống, luôn cần phải  bị sàng lọc. Quay lại với chữ “thông” trong “truyền thông”, đây là một từ hoàn toàn vô nghĩa do sự ghép vụng về của “truyền” và “thông tin”, mà trong đó chữ “thông” được viết là 信, với nghĩa lá thư, lòng thành, tin báo, tín ngưỡng…Với ý nghĩa ấy, toàn bộ hệ thống thống truyền thông dường như đang đảm nhân một nhiệm vụ là truyền đi những thứ cũ kỹ từ ngàn đời trước đến đời nay một cách đều đặn, sao cho xã hội mới không thực sự sống mà chỉ nỗ lực mô phỏng lại tổ tiên, tiêu tốn thật nhiều nguồn lực xã hội để duy trì những trật tự cũ, những định chế cũ, những quyền lực cũ.

9 truyền thống luôn được hệ thống truyền thông sử dụng để định vị cho văn hóa Tết Nguyên Đán ngày nay

Những truyền thống của văn hóa Tết Nguyên Đán này đã được duy trì qua nhiều thế hệ, qua nhiều lần di cư văn hóa, được lặp đi lặp lại đến mức chúng ta không cần biết đến nguồn gốc của chúng, mà chỉ bắt chước theo lối “monkey see, monkey do” mà hệ thống truyền thông điều hướng. Nhưng trước khi đi sâu vào mỗi truyền thống này, chúng ta hãy thử xem xét trọng điểm mấu chốt nhất: tại sao ta phải ăn TẾT NGUYÊN ĐÁN?

Tết Nguyên Đán với ý nghĩa là ngày đầu tiên của thời khắc sang xuân, theo Âm lịch – lịch nông nghiệp của người Trung Hoa cổ đại. Và xin các bạn đừng tự ái khi người phương Tây gửi cho bạn những lời chúc “Happy Chinese New Year”, bởi vì đích thực đây là một ngày lễ xuất phát từ văn hóa Trung Hoa. Chúng ta không còn biết chúng ta có thực sự thuộc về một sắc tộc định danh bằng Âu Việt và Lạc Việt hay không, chúng ta cũng không biết giống nòi Âu – Lạc ấy có ăn Tết hay không, chúng ta chỉ còn lưu lại chút dấu vết qua truyền khẩu và tích hợp vào nghi lễ Tết Nguyên Đán, vốn bị (hoặc được) áp đặt từ các quan  đô hộ cách đây hơn 2000 năm. Mặc dù, trong những năm gần đây, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã cố gắng để bao biện rằng Tết Nguyên Đán mà chúng ta thường xuyên tổ chức chẳng liên quan gì đến Trung Hoa, nhưng cho dù bao nhiêu luận cứ được đưa ra thì cũng chẳng có chút luận chứng nào ngoài tục cúng bánh chưng.

Bánh chưng là nét văn hóa Tết đặc sắc mà ta vẫn còn có cảm giác rằng ta là người Việt Nam chứ không phải người Trung Quốc trong suốt mấy ngày Tết.

Chúng ta được “truyền” dạy trong nhà trường rằng bánh chưng có hình vuông, tượng trưng cho đất, và nó được chàng Lang Liêu sáng tạo nên để dâng lên vua Hùng Vương. Câu chuyện này được nhắc đến trong “Lĩnh Nam chích quái” – đây có lẽ là văn bản cổ nhất (nếu có văn bản khác cổ hơn nhắc đến thì mong các bạn đọc có thể bổ sung), một tác phẩm được viết bởi các nhà Nho nỗ lực dựng nên một gia phả Văn Lang để phân biệt với phương Bắc. Và bởi vì đây là nỗ lực của các nhà Nho được nhào nặn bởi hệ thống học thuật từ “mẫu quốc”, nên toàn bộ lớp văn hóa Văn Lang cũng mang màu sắc Nho giáo, thậm chí hao hao các truyền thuyết về thời Viêm – Hoàng của Trung Quốc và dăm ba truyện truyền kỳ mang màu sắc ngôn tình của thời Đường (ở một bài viết khác, tôi sẽ đi sâu vào vấn đề này sau). Thế là “bánh chưng” cũng được Nho giáo hóa.

https://bookhunterclub.com/hong-bang-thi-truyen-nhu-mot-truyen-thong-duoc-kien-tao-cua-nguoi-viet-nam-thoi-trung-dai/

Chuyện là, có lẽ xưa kia, cái thời dân Âu và Lạc chưa biết chữ Nho, cái bánh chưng không có hình vuông. Nó có hình thuôn dài, tương trưng cho dương vật của đàn ông, và nằm trong một cặp tương xứng với bánh dầy tượng trưng cho âm hộ. Tuy không còn văn bản nào khẳng định điều này, nhưng cụ Trần Quốc Vượng trong những khảo sát về tập tục cúng Tết của người Mường đã đưa ra nhận định như vậy. Tôi hoàn toàn đồng ý với cụ Trần Quốc Vượng ở điểm này. Trong đời sống tín ngưỡng của các xã hội nông nghiệp, việc thờ cúng sinh thực khí bao gồm dương vật và âm hộ khá phổ biến dưới nhiều hình thái khác nhau. Trong thói quen ẩm thực của người Việt, cặp sinh thực khí này còn xuất hiện ở giò – chả, trong đó giò dài như dương vật còn chả thì tròn và dẹt như âm hộ. Hiến tế bánh chưng – bánh dầy và giò – chả vào đầu xuân là một phần của nghi lễ tính giao cầu cho đất – trời (một cặp âm – dương khác) mưa thuận gió hòa. Nho giáo luôn coi các hoạt động tính giao là xa rời lời Khổng Tử dạy, thiếu sự thanh nhã, do đó đã các nhà Nho Việt Nam biến tướng bánh chưng hình dương vật là hình vuông, quy định bánh chưng đại diện cho đất; còn bánh dầy vốn là cái âm hộ được ví với trời. “Trời tròn – đất vuông” là cặp âm dương trong thế giới quan cổ đại của người Trung Hoa, mà đồng tiền hình tròn khoét hình vuông ở giữa là sự mô phỏng quen thuộc.

Bánh chưng đen là đặc sản của đồng bào dân tộc Tày vào dịp Tết cổ truyền.
Bánh chưng của người Tày có hình dạng giống bánh tét, với ý nghĩa biểu trưng cho dương vật – Dấu vết của tín ngưỡng phồn thực của cư dân Âu và Lạc. Nguồn ảnh: Internet.

Dần dần, không rõ từ bao giờ, đa số người dân Việt đã “quên” bánh dầy là một cặp với bánh chưng. Chúng ta có một biểu tượng truyền thông được lặp đi lặp lại là quây quần bên nồi bánh chưng, nhưng không có cảnh quay quần giã bánh dày. Thay vì bày lên mâm cỗ cúng bánh chưng – bánh dày, chúng ta sẽ thắp hương cặp bánh chưng. Ý nghĩa phồn thực của nghi lễ hiến tế bị mất đi, và hãy thử hình tính giao giữa cặp dương vật – dương vật (nếu theo tín ngưỡng phồn thực), và “âm vật – âm vật” (nếu ta coi bánh chưng đại diện cho đất).

Nhưng tại sao bánh chưng lại được ưa chuộng hơn bánh dầy trên phương tiện truyền thông? Tôi cho rằng lý do đến từ ám ảnh một thời thiếu đói của thời bao cấp. Bố mẹ tôi vẫn kể lại niềm vui của bánh chưng nhân thịt mỡ – đậu xanh được phân cho các gia đình cán bộ ngày Tết, một điểm sáng trong suốt năm ròng ăn hạt bo bo và cơm độn ngô. Trong cơn ám ảnh thiếu đói ấy, bánh dầy chỉ được làm bằng gạo nếp giã nhuyễn không phải là thứ gì đó quá hấp dẫn. Cơn đói đã làm lu mờ đi truyền thống cúng tế mong cầu giao hòa âm dương, mà thay bằng đồ hiến tế vừa to hơn, vừa nhiều dinh dưỡng hơn, lại vừa bảo quản được lâu hơn.

Tiện đây, tôi xin đề cập thêm về mâm cúng trong văn hóa Tết Nguyên Đán.

Mâm cúng ngày Tết và nhiều ngày lễ khác luôn là một dấu hỏi lớn đối với tôi. Tại sao phải cúng xôi – gà, tại sao phải cúng nguyên con cá chép, tại sao phải có nem (một món ăn mà sau khi hạ lễ, rán lại, tôi thực không muốn ăn nữa), tại sao phải canh măng sườn hay canh bóng, tại sao phải mâm ngũ quả? Mâm cúng ngày Tết là một sự mô phỏng truyền thống Tết của người Trung Quốc mà không cần phải biết tại sao. “Mâm cao cỗ đầy” là một biểu tượng để thể hiện “lòng thành” của con cháu đối với người đã khuất, và cũng để chứng minh với từng thành viên trong gia đình rằng gia đình ta đã rất thành công trong năm qua, ẩn sau đó là một nỗi sợ mơ hồ rằng nếu đồ cúng mà đạm bạc thì các cụ sẽ buồn, hoặc sẽ quở và biết đâu năm tới mình chẳng có được sự may mắn nữa. “Mâm cao cỗ đầy” cúng tổ tiên không phải là văn hóa Tết của người Trung Quốc cổ xưa, mà có lẽ cũng chỉ mới thịnh lên trong giai đoạn bao cấp tại nước này.

Image result for Mâm cúng ngày Tết
Mâm cúng ngày Tết ngồn ngộn thức ăn. Những mâm cúng thế này sẽ xuất hiện tràn lan khi bạn search keyword “mâm cúng ngày Tết” qua Google. Nguồn ảnh: Internet.

Khổng Tử đề xuất cách thức cúng tế tổ tiên rất đơn giản và mang tính tưởng nhớ “Vào mùa xuân và mùa thu, người xưa trang trí bàn thờ tổ tiên. Họ bày các đồ đồng mà tổ tiên đã sử dụng và các quần áo tổ tiên đã mặc. Họ dâng cúng các thức ăn và hoa trái theo mùa.” (Trích sách “Trung Dung”) Nho giáo duy trì tín ngưỡng thờ tổ tiên xa xưa có trong tất cả các bộ tộc và bộ lạc nguyên thủy (ở các dân tộc Mường – Thái của Việt Nam gọi là cúng ma nhà). Việc lựa chọn đồ cúng cũng dựa trên thực phẩm theo mùa và theo thói quen của người quá cố, vốn dĩ rất khác với những quy chuẩn mới về tài lộc và các kiêng kỵ tránh điều xui mà người Việt hiện nay thường tin. Nào thì: không cúng tôm vào Mồng Một vì tôm có cứt trên đầu, không cúng mực vì sợ đen đủi, cúng các loại quả màu đỏ cho hên (nên giờ mới có cả bưởi đỏ, dứa đỏ…), cúng nhiều lá để được “lộc”… Và đặc biệt, một loạt các đồ ăn được bày biện trên mâm cúng ngồn ngộn thịt thà, cao lương mĩ vị – những món đặc biệt phù hợp cho không khí cỗ bàn, rượu chè, liên hoan dịp đầu năm mới (thêm chút Karaoke nữa thì xôm tụ phải biết)!

Cùng với “mâm cúng”, “quà biếu” cũng trở thành một nét văn hóa Tết Nguyên Đán ở Việt Nam từ lúc nào chẳng rõ.

Tôi cho rằng thói quen biếu nhau ngày Tết mới chỉ xuất hiện từ sau thời kỳ Đổi Mới – khi mà nhân viên phải biếu sếp, trò phải biếu thầy cô, và các cơ quan phải biếu nhân sự của mình…, dần dần người trong họ cũng biếu quà Tết cho nhau. Không thấy ghi chép nào về quà biếu ngày Tết trong văn hóa Tết Nguyên Đán cổ truyền. Thị phần quà biếu Tết luôn mang lại doanh thu “khủng” cho các đơn vị bán hàng và sản xuất, bởi vì chẳng có thứ đồ nào trong Tết mà người ta sẵn sàng mua số lượng lớn, không cần chất lượng cao, chỉ cần bao bì đẹp, như quà Tết. Nếu may mắn, nhiều món trong gói quà Tết ấy sẽ được đặt lên cùng mâm cúng. Còn nếu không, chúng sẽ được “tái sử dụng” bằng cách đem tặng nhà khác. Xui xẻo nhất, đó là chúng sẽ bị vứt vào sọt rác sau mấy ngày Tết.

Một giỏ quà biếu Tết phổ biến ở tất cả các siêu thị vào trước ngày Tết

Hiểu được tâm lý ấy, tất cả các nhãn hàng trong ngành ẩm thực đều coi Tết là mùa bội thu với đủ các chiến lược marketing kích cầu, đua tranh chiếm một cái lướt nhìn của khách hàng: khuyến mại – gắn thông điệp sản phẩm với “rinh lộc” – thay bao bì lòe loẹt với các hình ảnh đại diện cho Tết – tham gia hội chợ – đổ nhiều tiền vào quảng cáo… ôi thôi đủ cả! Nếu ngày thường, người mua hàng còn cân nhắc, thì những ngày trước Tết họ mua sắm không tiếc tay bằng tiền lương tháng thứ mười ba. Và tiếp đó là những giây phút mệt mỏi nhất của các bà, các mẹ, các chị em phụ nữ, khi họ phải đầu tắt mặt tối nấu cỗ và rửa bát.

Mẹ tôi kể rằng, hồi mẹ tôi còn bé (mẹ tôi là người Đô Lương, Nghệ An), sáng Mồng Một người ta không cúng thịt thà, mà cúng các loại bánh thanh đạm: bánh chè lam, bánh trôi, bánh dày – bánh chưng, chè con ong, xôi chè… Mỗi người phụ nữ trong nhà làm một món bánh thể hiện được tay nghề của mình và cúng cho tổ tiên. Tôi cho rằng đó là một mâm cúng xinh xắn, ý nghĩa, thành tâm và thanh nhã mà ngay cả các mâm cúng chay cũng không thể sánh bằng. Tiếc là mâm cúng ấy chỉ nằm trong ký ức xa xôi, mà mẹ tôi dù có thích thú với mâm cúng như vậy cũng không dám quay trở lại tinh thần ấy.

Mâm cúng ngày Tết đã chuyển từ mâm cúng thể hiện lòng thành, thể hiện sự khéo léo thì dần dần đã trở thành mâm cúng thể hiện chủ nghĩa tiêu dùng, nỗi khao khát giàu có và lối sống ăn nhậu bừa phứa của con cháu. Mùi dầu mỡ, thịt thà lựng bàn thờ, át cả hương trầm hương hoa. Đó là còn chưa kể những hộp bánh, hộp trà đỏ chói mắt khoe thương hiệu, chẳng hề là biểu hiện cho chút lòng thành nào, được xếp đầy ngồn ngộn bên cạnh đèn treo với ánh sáng ma quái như ở động yêu tinh. Một bàn thờ đại diện cho văn hóa Tết Nguyên Đán vô văn hóa nhất trên thế giới, đại diện cho “nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” kém cỏi, cổ hủ và lạc hậu nhất.

Vâng, màu đỏ chính là màu kích thích tiêu dùng trong ngày Tết.

Tone màu nóng, gây ấn tượng thị giác đáng kể, tương phản với bầu trời cuối năm u ám, thực sự là cách tân dụng thông minh màu sắc trong marketing, nhất là lựa chọn này tương thích với thói quen văn hóa Tết ngàn đời. Theo truyền thuyết xa xưa, vào ba mươi Tết hàng năm, có loai quái thú gọi là con Niên, thường xuất hiện phá hoại dân làng. Tương truyền, một bà tiên đã chỉ cho người dân cách đuổi con Niên bằng việc dán giấy đỏ trong nhà, thắp nến sáng và đốt pháo. 

Image result for màu đỏ ngày Tết
Sắc đỏ chói mắt ở tất cả các không gian công cộng vào ngày Tết. Nguồn ảnh: Internet

Nhưng giấy đỏ thuở xưa thường được cắt nhiều hình thù tinh xảo, dán trước cửa nhà, hoặc người xưa treo đèn lồng đỏ trước cửa nhà để đuổi quái thú tên Niên vô hình; chứ không phải tất cả mọi đồ đạc và vật dụng đều được nhuộm đỏ để may mắn. Chiến lược bán hàng tồn cuối năm đã khiến đại đa số các nhãn hàng chuyển hàng cũ sang bao bì đỏ để đánh vào insight ngày Tết của người dân vốn tinh tưởng một cách ngu muội rằng màu đỏ ấy tương đồng với số đỏ, tức là sang năm mới sẽ gặp nhiều may mắn. Thế là, trong ngày đầu năm mới, người ta e ngại tặng nhau đồ màu đen hay màu vàng (vì coi rằng đó là màu của sự tàn úa, già nua, chết chóc), sáng Mồng Một thì kiêng mặc áo trắng – đen (vì đó là tone màu của đám ma).

Chơi hoa ngày Tết dù lãng phí nhưng có lẽ là nét văn hóa Tết Nguyên Đán đỡ lố lăng nhất.

Những bông hoa vẫn tươi đẹp dù chúng bị tra tấn cỡ nào bởi thẩm mỹ tệ hại của người trồng, người bán và người chơi. Thật may, hoa không giúp kích thích tiêu dùng ngày Tết, ngoài việc trở thành họa tiết trang trí trên bao bì của hộp quà hay làm hình nền trong ảnh quảng cáo. Thế nhưng cái sự lãng phí của hoa thì không thể kể hết được. Hãy nghĩ xem, vào lúc xuân về, thay vì để hoa đơm thành quả và sinh trưởng tiếp, thì ta lại cắt hoa vào cắm trong những chiếc lọ chật hẹp, để rồi úa tàn và vứt vào sọt rác. Xưa kia, khi dân cư còn ít, nhà còn thưa thớt, nhà nào cũng có một khoảnh vườn, ngắm cây hoa đào, hoa mai trổ bông ngoài vườn, hay cây quít lủng lẳng quả lúc xuân về tạo nên cảm giác hồ hởi và vui tươi. Thú chơi hoa đương nhiên là đặc quyền của những ai sở hữu đất đai và có thời gian rảnh rỗi, còn dân nghèo bữa ăn chẳng đủ, làm gì có thú vui tao nhã ấy.

Sau Cách mạng, phố phường thành chốn nương thân của dân nghèo, những người dân bấy lâu nay bần hàn giờ có cơ hội được sống như những ông chủ bà chủ, và họ bắt đầu tập tành thói quen cũ. Nhưng “phố phường chật hẹp, người đông đúc”, lấy đâu ra khoảnh sân để cây cối được trồng dưới đất? Và thế là họ bắt đầu chặt cành đào cành mai, họ bứng những cây quất ra khỏi mảnh đất sinh trưởng để nhét vào những cái chậu. Thậm chí, họ tập tành theo ông Nguyễn Tuân ngày xưa ngồi tỉa thủy tiên để cố học vẻ tao nhã.

Tiếc là tiếc cho phận cây cối, hoa lá bị phí hoài…

Image result for đào vứt sau Tết
Những cành đào khô chưa úa tàn những đã bị vứt bỏ trên vỉa hè vì Tết đã hết. Nguồn: Internet.

Cùng với màu đỏ, thông điệp liên quan đến sự “sum vầy” cũng xuất hiện trong tất cả các mẩu quảng cáo ngày Tết.

Các bạn có để ý quảng cáo của Cocacola trong chiến dịch hàng bán Tết? Cocacola màu đỏ rực rỡ luôn xuất hiện cùng mâm cỗ gia đình với thông điệp mang ý nghĩa đón Tết sum vầy. Không chỉ Cocacola, mà thương hiệu Chocopie, Lu, Comfort… thậm chí cả Vinfast (vốn mặt hàng chẳng liên quan đến mua sắm trong Tết) cũng tung ra clip quảng cáo đua xe vội về nhà sum vầy cùng mẹ ngày Tết do Ngô Thanh Vân thủ vai.

Nếu chúng ta nhìn một loạt các ngày lễ tiết của người xưa, ta sẽ thấy rằng đa phần các ngày ấy đều mong cầu sự “sum vầy”: Nguyên Tiêu, Thanh Minh, Vu Lan, Trung Thu và đương nhiên là cả Nguyên Đán. Những cuộc “sum vầy” này, đều nằm ở thời điểm chuẩn bị gieo trồng hoặc thu hoạch vụ mùa, cần sự tập hợp nguồn nhân lực đông đảo. Những người rời quê làm ăn hoặc học hành ở trong các đô thành cũng nhân dịp này tiện về quê, vừa để thăm hỏi, vừa để đỡ đần người nhà. Lúc ấy, đàn ông làm các việc nặng, còn phụ nữ đảm nhận lo cơm nước (vốn là những việc nhẹ nhàng hơn so với canh tác). Không còn thói quen nông nghiệp, đàn ông thì uống rượu chém gió, còn việc của phụ nữ vẫn cứ xoay quanh cỗ bàn.

Biểu tượng “sum vầy” được Cocacola và nhiều nhãn hàng khác sử dụng để định vị khuôn mẫu hạnh phúc trong ngày Tết. Nguồn ảnh: Internet

Mặc dù nhiều gia đình không làm nông nữa, mặc dù phương tiện vận chuyển cho phép người ta về quê bất cứ khi nào người ta muốn, nhưng áp lực “sum vầy” vẫn cứ là nỗi ám ảnh của không ít người, không hoàn toàn do truyền thống mà do sự thổi phồng của truyền thông. Nực cười nhất là các gia đình cả năm lúc nào cũng ở bên nhau, gần như bữa ăn nào cũng đoàn tụ với nhau, nhưng Tết vẫn cứ phải “sum vầy”. Và để “sum vầy”, người ta phải tước bỏ đi đời sống cá nhân yêu thích, để quần quật dọn dẹp, chuẩn bị cỗ bàn, chụp ảnh selfie cả nhà đoàn tụ bên chậu hoa ngày Tết và đồng bộ trang phục màu đỏ chói lọi còn hơn cờ Cách Mạng.

“Sum vầy” với nhau rồi sẽ làm gì cùng nhau? Những khác biệt và mâu thuẫn thế hệ luôn ủ sâu trong mối quan hệ gia đình, tới mức người trong gia đình không thể nào nói chuyện vui cười một cách tự nhiên. Thậm chí, các thế hệ còn khác biệt nhau trong thú vui ngày Tết. Như ở nhà tôi, nếu bố mẹ tôi thấy vui trong hoạt động cùng nhau chuẩn bị mâm cúng Tết thì tôi lại chỉ thấy vui khi ngồi thưởng trà sáng tác vào khoảnh khắc giao mùa, còn con gái tôi chỉ thấy vui nếu gia đình cùng nhau chơi một trò chơi nào đó. Sẽ rất khó khăn để cùng chia sẻ niềm vui. Còn bố mẹ bên nội ở quê, trưởng thành trong một nền văn hóa khác với văn hóa mà vợ chồng tôi sống, do đó không thể chia sẻ với vợ chồng tôi những tâm tư tình cảm để mà cùng ngồi với nhau tâm sự thân tình. Tôi nghĩ, tình trạng “vênh” này là phổ biến trong mọi gia đình của người Việt.

Nhưng, vì áp lực “sum vầy” ngày Tết, người ta không thể cho phép nhau được đóng cửa trong phòng riêng để làm thứ mình thích, đã thế, cuộc “sum vầy” miễn cưỡng ấy phải tràn ngập tiếng cười thì mới được coi là Tết, thế thì cần phải có những thứ lấp đầy khoảng trống giao tiếp ấy. Lẽ tất nhiên: truyền hình, mà cụ thể là hài Tết. Tôi đã từng làm việc trong hoạt động truyền hình, nên tôi biết, hài Tết là miếng mồi béo bở cho các nhãn hàng, các diễn viên hài, các đơn vị sản xuất phim. Không cần chất lượng quay phức tạp, không cần kịch bản sâu sắc, chỉ cần những câu nói bông đùa tếu táo là đủ để gia đình cười xòa với nhau, và quan trọng hơn đó là một cuộc làm ăn lãi lớn với chi phí sản xuất thấp mà biên độ lợi nhuận lại cao ngút do cuộc chạy đua quảng cáo của các thương hiệu. Hài Tết thịnh hành bắt đầu từ những băng đĩa hài của Xuân Hinh, Hoài Linh trong thập niên 90s, sau đó phát triển mạnh mẽo nhờ các nhà sản xuất và diễn viên của Gặp nhau cuối tuần vào đầu thế kỷ 21, đến nay vẫn thống trị màn ảnh nhỏ của mỗi gia đình.

Image result for Gặp nhau cuối năm
Chương trình “Gặp nhau cuối năm” thường tấu hài vào Giao Thừa hàng năm, dù càng ngày càng nhạt, càng lố, nhưng vẫn chiếm sóng truyền hình.

Hài Tết thường kệch cỡm, với những gương mặt diễn viên méo mó, chọc cười bằng điệu bộ quái gở, với kịch bản chỉ xoay quanh sex joke, giễu nhại, quê mùa, đá xoáy… Tất cả những tâm thức bệnh hoạn nhất, vô văn hóa nhất, tục tĩu nhất, đều được nhồi nhét vào tâm trí của các gia đình liên tục trong mấy ngày Tết. Và thế là, dân tộc Việt Nam ta dần hình thành nên một truyền thống văn hóa Tết mới: xem hài. Vâng, đích thực đến giờ, xem hài đã trở thành truyền thống văn hóa Tết đặc trưng của thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thế rồi, từ Mồng Một trở ra, hàng xóm, họ hàng, đồng nghiệp… bắt đầu tới thăm hỏi và lì xì cho người già – trẻ nhỏ.

Lì xì là bính âm của 利市 với phiên âm Hán Việt là “lợi thị”, có nghĩa là lợi nhuận, có lợi, tốt lành, vận tốt. Dù với nghĩa nào thì về bản chất “lì xì” vẫn là hoạt động mang tính chất trọng lợi vào đầu xuân, và mặc định rằng cái lợi ấy là được tiền. Đây là phong tục du nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam đi theo bộ truyền thống Tết Nguyên Đán. Tâm thức “trọng lợi” ấy sau mấy ngàn năm vẫn không thay đổi, bởi nó được gieo vào tâm thức của mỗi người, đặc biệt là trẻ con vào đầu mỗi năm. Hãy tưởng tượng các gia đình lì xì cho con cái của nhau trong các cuộc thăm hỏi trông thật không khác nào một cuộc đổi tiền. Các phụ huynh cũng tính toán số tiền bỏ trong hồng bao sao cho không bị thiệt và cân đối với số con trong nhà mình và nhà người. Cộng trừ một hồi, ta sẽ thấy thấm thía sâu sắc câu nói đùa “tiền chỉ chuyển từ túi người này sang túi người khác”, chung quy vẫn về không, và có khi còn âm.

Năm 2019, tôi và Book Hunter có tổ chức vận động Lì xì sách cho trẻ vào ngày Tết với mong muốn rằng lì xì sách sẽ làm thay đổi văn hóa Tết Nguyên Đán tại Việt Nam. Nhưng, ngay cả khái niệm “lì xì” đã mang sẵn ý nghĩa kiếm lợi bằng đồng tiền, thì làm sao sách có thể thay thế được. Vậy là tôi không “lì xì sách” nữa, tôi chỉ đơn giản là để kệ ngày Tết trôi qua. Đôi món quà nhỏ, tôi sẽ tặng cho lũ trẻ thân thiết với tôi trước Tết, còn chúng hóng lì xì ở nơi khác là việc của chúng. Mồng Một, tôi dành thời gian cho viết lách và làm việc để trốn những tiếng cười nói thăm hỏi vô duyên của khách.

https://bookhunterclub.com/li-xi-sach-thay-tien-mot-xu-huong-moi-da-va-dang-hinh-thanh/

Lời chúc luôn là một thảm họa ngày Tết.

Họ chúc nhau bằng các câu cửa miệng. Ngày xưa thì chúc “phúc như Đông Hải, thọ tỉ Nam Sơn”, với ý nghĩa gặp nhiều may mắn và sống lâu. Ngày nay thì chúc “Tiền vào như nước sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin”, hoặc các từ ngữ loảng xoảng vô nghĩa như may mắn, hạnh phúc, an yên, khỏe mạnh… Có những lời chúc mang tính cá nhân hơn như “chúc sớm lập gia đình”, “chúc sớm đỗ đạt”, “chúc sớm lên chức”… Người chúc nói ra lời chúc mà tâm không thật mong muốn thế, chỉ bắt chước nói theo nhau như vẹt. Tệ hại hơn, họ thường chúc người khác điều mà họ muốn, không phải điều người khác muốn. Tôi thường hay phải nghe những câu chúc kiểu: “Chúc chị năm mới sinh em bé nhé! (điều mà tôi thấy kinh hãi nhất) hay là “Chúc em năm nay lên báo nhiều nhiều, thêm nổi tiếng” (mà tôi vẫn không hiểu lên báo đều đều để làm gì!) Chưa ai trong số họ chúc tôi viết được tác phẩm thật hay, nhưng lại chúc tôi “bán được nhiều sách”. Thế đấy, lời chúc là thứ tệ hại nhất ngày Tết vì nó thể hiện cho sự giả dối và phù phiếm của xã hội.

Image result for Chúc thịnh vượng 2021
Lời chúc điển hình thường thấy vào ngày Tết.

Rồi thì, thật nực cười thì thấy các nhãn hàng thi nhau đưa ra lời chúc khách hàng một năm mới thịnh vượng. Vâng, thật thú vị: các nhãn hàng kích thích tinh thần làm giàu của toàn xã hội, để họ cũng nhờ đó mà thêm giàu vì bán được nhiều hàng hóa. Tôi khá chắc chắn lời chúc thịnh vượng có tần suất xuất hiện nhiều nhất trên bao bì và poster của các nhãn hàng trong đợt bán Tết, dù không có bằng chứng số liệu cụ thể. Các bạn chỉ cần cứ chú ý quan sát đến lời chúc của các nhãn hàng và đếm thử số lần từ khóa “thịnh vượng” xuất hiện, sẽ thấy điều tôi nói không phải là vô căn cứ.

Và rồi, với một tâm thức trọng lợi, ước ao giàu có, người ta đi lễ đền, lễ chùa vào ngày Tết.

Đây cũng là mùa kiếm bộn của đền chùa với lượng du khách thập phương đổ về nườm nượp. Nếu kì nghỉ lễ của dân công sở kết thúc sau Mồng Năm thì Tết đối với đền chùa có thể kéo dài đến hết Tháng Giêng, thậm chí nhiều nơi là hết tháng Ba. Tại các địa điểm thờ cúng cộng đồng này, người ta cầu đủ thứ mà chủ yếu là cầu làm ăn phát đạt, sớm có tình duyên, sinh con quý tử, gặp dữ hóa lành… tóm lại là chỉ muốn cầu may và tránh họa. Từ đó, sinh ra một loạt các dịch vụ xem bói, hầu đồng, giải hạn… Mặc dù các kênh truyền thông chính thống hay truyền thông quảng cáo không tân dụng nét văn hóa Tết Nguyên Đán này cho mục đích riêng, nhưng chiến lược phát triển du lịch tâm linh của các địa phương thì không ngừng quảng bá, không chỉ trên báo chí địa phương mà còn qua hình thức truyền miệng phổ biến trong nhóm các bà các mẹ, hay những người làm ăn mong muốn được thuận lợi vừa nhàn vừa giàu.

Phủ Tây Hồ ngày Tết lúc nào cũng đông nườm nượp. Nguồn ảnh: Internet.

Du lịch tâm linh luôn là món lợi lớn cho ngành kinh tế các địa phương nhưng đi kèm với đó là một loạt các tệ nạn mê tín dị đoan, lừa đảo… Nguy hiểm hơn, hoạt động này nuôi dưỡng tâm thức nguyên thủy man dã của người dân, khi người dân tin rằng những vận may về tiền bạc và thành đạt không đến từ năng lực tự thân mà đến từ thế lực cõi âm. Hệ lụy lâu dài của xã hội tất yếu: xã hội sẽ đầy rẫy những kẻ phất lên nhờ vận may và sự ngu dốt của cộng đồng.

Những địa điểm thiêng vào ngày xuân có ý nghĩa quan trọng trong cộng đồng nhưng không phải là nơi để cầu cúng. Tại các địa điểm này, người dân được gắn kết với nhau trong các hoạt động chung bao gồm phần Lễ (do các ông từ có học thức, có đức hạnh tổ chức) và Hội (người dân tham gia vào các trò chơi cộng đồng để kết nối và thi thố bản thân). Dần dà, phần Lễ bị mai một, còn phần Hội thì chỉ còn mang tính hình thức, địa điểm thiêng trở thành nơi kinh doanh dịnh vụ mê tín dị đoan dán nhãn “du lịch tâm linh”.

Đáng lẽ, văn hóa Tết Nguyên Đán có thể sẽ khác…

Tết Nguyên Đán có thể sẽ khác nếu nhà nước đặt ra một cách nghiêm túc các câu hỏi về những truyền thống phổ biến. Không có truyền thống nào không thể thay đổi, chỉ các bộ ngành quản lý văn hóa và các nhà nghiên cứu văn hóa thực sự nghiêm túc trong xây dựng nếp văn hóa Tết Nguyên Đán văn minh dựa trên các triết lý về nhân văn, tử tế và bền vững.

Nhớ lại năm 1994, sắc lệnh cấm pháo được ban bố, người dân đã từng than thở rằng Tết sẽ không còn là Tết nữa khi cấm pháo. Thế nhưng chỉ một năm sau đó, chẳng ai còn nhớ đến tiếng pháo nữa, và sắc lệnh này đã cứu nhiều thế hệ khỏi thương tật do pháo gây ra. Đến nay, pháo đã bị loại khỏi danh mục truyền thống văn hóa Tết Nguyên Đán. Sự chấm dứt của pháo là minh chứng rõ rệt cho lời khẳng định của tôi: không có truyền thống nào là không thể thay đổi, chỉ cần chính quyền và các nhà quản lý văn hóa thực sự muốn.

Hãy tưởng tượng về một cái Tết mà mâm cúng không còn là áp lực nặng nề, mỗi người đều có nhiều khoảng thời gian để tân hưởng niềm vui cá nhân, các gia đình cùng ngồi với nhau để trò chuyện về những tâm tư của mỗi thành viên, không có những núi rác xả ra đường, không ồn ào nhậu nhẹt, không hài bẩn rẻ tiền, không cầu khấn tham lam, không chúc nhau điều vô nghĩa, không vung tiền vào mặt con trẻ, không mê tín dị đoan… Vâng, hẳn đó phải là một cái Tết không bị truyền thông chi phối. Ồ, đến đây, tôi chợt nhớ, năm 2020, hình như tôi đã từng có cái Tết như vậy: một cái Tết khi dịch bệnh Covid-19 mới bùng phát và ai cũng sợ sệt tới mức quên hết những truyền thống phù phiếm của ngày Tết.

Thế nhưng, thật tai hại khi chính quyền và các nhà quản lý văn hóa cũng chỉ là nạn nhân của vòng lặp truyền thông ngày Tết. Khi ấy, sẽ không có gì thay đổi: Tết không còn những nét đẹp cổ xưa mà những nét đẹp của nếp sống mới cũng chẳng hình thành. Để rồi, dấu ấn ngày Tết mà chính quyền Cộng hòa xã hội Việt Nam để lại sẽ chỉ là chủ nghĩa tiêu dùng, hài rẻ tiền và mê tín dị đoan.

Hà Thủy Nguyên

Thiết lập tín ngưỡng Hồ Chí Minh: truyền thống Việt và sự biến tướng

Sau Cách Mạng Tháng Tám năm 1945, Hồ Chí Minh được tôn vinh là trung tâm của một tôn giáo chính trị mới được thành lập và cuối cùng đã trở thành một phần của bức tranh tôn giáo Việt Nam. Bài viết này truy tìm nguồn gốc của tín ngưỡng Hồ Chí Minh và vai trò của chính ông trong việc củng cố hình ảnh của ông không chỉ với tư cách là vị lãnh tụ của dân tộc mà còn là Bác, người

Tết và giả dối, phù phiếm, rác rưởi

Mỗi năm một lần Tết âm lịch lại đến như một cái gông đè nặng lên cổ từng người. Hết thế hệ này đến thế hệ khác, chúng ta tổ chức một kỳ lễ Tết mà chẳng hiểu ý nghĩa của nó, chúng ta tiêu tốn một lượng lớn thời gian – công sức – tiền bạc để hoàn thành những nghi lễ vô giá trị được dán nhãn “truyền thống”, chúng ta cười cười nói nói với những người mà chúng ta chẳng hiểu

TẾT THÌ LÀM GÌ?

Gần đến Tết rồi, người ta vẫn bàn cãi nhau về chuyện giữ Tết hay không giữ Tết. Bên thì cho rằng gần “gìn giữ bản sắc dân tộc” nên phải giữ, bên thì cho rằng Việt Nam cần “phát triển” nên tốt nhất là “gộp chung Tết tây Tết ta”. Cãi qua cãi lại, mất đi cái vui ngày Tết. Không có gì tốn năng lượng bằng tranh luận, mấy năm làm “keyboard warrior” đã dạy cho mình điều ấy. Mình không hiểu nghĩa

“Lịch sử các lý thuyết truyền thông”: thao túng hay khách quan?

Tôi muốn mượn cuốn sách “Lịch sử các lý thuyết truyền thông” (Armand & Michèle Mattelart – dịch giả Hồ Thị Hòa, Trần Hữu Quang hiệu đính) để trò chuyện đôi chút về vấn đề truyền thông (communication). Truyền thông trong suốt thế kỷ 20 đã đóng vai trò quan trọng ngang ngửa với năng lượng hạt nhân trong sự tác động đến thế giới và sức mạnh cũng như sức hủy diệt của nó vẫn chưa thực sự lường tính được.  Sự phát triển