Năm 2020, dịch bệnh COVID-19 ập đến khiến các đơn vị xuất bản sách lao đao, nhưng ngay lập tức, thị trường sách Việt Nam đã chuyển mình thích nghi với dịch bệnh. Chính trong thời điểm cách ly, nhu cầu đọc sách tăng (cả về số lượng và đòi hỏi chất lượng), và nhờ thế các đơn vị làm sách cũng xuất bản nhiều cuốn sách thuộc dòng “khó đọc” hơn. Trong hai năm 2020 và 2021, kéo dài đến hết quý I -2022, thị trường sách Việt Nam chứng kiến một cuộc nở rộ sách thuộc dòng “khó nhằn” được xuất bản bởi một loạt các đơn vị uy tín như NXB Tri Thức, Omega Plus Books, Nhã Nam, Tao Đàn, Viện IPER, Sách Thật, Khải Minh Book, NXB Dân Trí, Domino, NXB Phụ Nữ… (và Book Hunter cũng nằm trong số đó). Tuy nhiên, xu hướng tất yếu của thị trường, đó là giá sách cũng leo thang. Các đơn vị làm sách không còn sử dụng chính sách giá rẻ và khuyến mại để cạnh tranh như trước đây nữa. Đằng sau sự tăng giá của sách chứa đựng nhiều vấn đề phức tạp, rất nhiều đến từ tình trạng thực và cũng không ít phần đến từ thổi giá theo các giá trị ảo.
Ngày xửa ngày xưa, giá sách rẻ vì đâu…
Sách giá rẻ có lẽ cần phải được định nghĩa lại. Tôi còn nhớ cái thời một cuốn sách dày cỡ 100 trang chỉ có giá khoảng 3-40.000, có quyển dày 3-400 trang cũng chỉ 7-80.000, và sách 1000 trang chỉ cỡ >100.000. Năm 2005, khi thị trường sách mới “mở cửa”, với sự xuất hiện của thị trường tư nhân, cuốn tiểu thuyết “Điệu nhạc trần gian” dày 1000 trang của tôi được đơn vị làm sách định giá là 110.000. Khi bán cho khách lẻ thường chiết khấu từ 30% đến 40%, và với các nhà buôn có lẽ chiết khấu đến 5-60%. Đây là mức giá sàn ở thời điểm bấy giờ. Tức là khách mua một cuốn sách 1000 trang với mức tiền khoảng 6-80.000 (ngang với 2-3 bát phở). Để viết cuốn sách đó, tôi mất 3 năm viết liên tục, và tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền để mua tư liệu lịch sử, để nhận về mức nhuận bút là 11 triệu (10% giá bìa theo tiêu chuẩn của thị trường), tương đương với 2-3 tháng lương của một nhân viên thông thường lúc bấy giờ. Dù lúc ấy tôi là một cây bút trẻ, nhưng mức nhuận bút của tôi ngang với những cây bút gạo cội và chuyên nghiệp. Không phải bởi vì tôi tài giỏi siêu tuyệt gì, mà bởi vì đó là “mức chung”. Mức giá sách này kéo dài đến những năm 2011,2012, và sau đó dù giá sách có nhỉnh một chút nhưng vì cạnh tranh bán nên các chương trình siêu giảm giá vẫn giăng đầy Internet, thậm chí có những đợt bán sách đổ đống với giá siêu rẻ trong các hội chợ sách.
>> Các bạn có thể đọc thêm về Nguồn gốc sách giảm giá ở bài viết này của tôi: THỊ TRƯỜNG SÁCH VIỆT NAM (1): NGUỒN GỐC CỦA SÁCH GIẢM GIÁ – Hà Thuỷ Nguyên (hathuynguyen.com)
Nhưng đằng sau vấn đề SÁCH GIÁ RẺ cho độc giả là một câu chuyện khốc liệt mà trong đó các bộ phận của guồng máy xuất bản sách bao gồm tác giả, hiệu đính, biên tập, thiết kế, chế bản, công nhân in… đều phải trả một cái giá rất đắt – đó là sức khỏe và chất lượng đời sống của chính mình.
Trong nhiều thập kỷ nay (mà có lẽ là cả hàng thế kỷ), những người làm trong lĩnh vực sách duy trì công việc xuất bản các ấn phẩm ra thị trường chủ yếu bằng… tình yêu. Bởi vì, chi phí được chi trả cho các khâu thực hiện và vận hành khá thấp so với ngành nghề khác.
Mức lương của một biên tập viên của Nhà Xuất Bản chỉ dừng ở 5-6 triệu đồng mỗi tháng (ở thời điểm bây giờ), còn ở các đơn vị làm sách tư nhân thì ở mức 8-15 triệu/tháng (phải làm tất tần tật các khâu từ chọn bản thảo, đọc duyệt, lên kế hoạch marketing, kịch bản truyền thông, làm việc với nhà in, thậm chí là đứng bán sách ở các hội chợ sách, seeding trong các group). Trong khi ấy, một nhân viên content hạng xoàng, viết câu văn còn lủng củng, chủ yếu xào xáo bài chuẩn SEO, bài mạng xã hội, không cần kiến thức chuyên biệt, thì có mức lương từ 10 triệu đến 20 triệu mỗi tháng. Công việc của một biên tập viên sách không hề dễ, vì nó đòi hỏi rất nhiều kỹ năng chuyên biệt bao gồm: thẩm định chất lượng (cũng phải có sự hiểu biết ở mức độ cao mới thẩm định được), đánh giá tiềm năng, thảo luận với tác giả hoặc dịch giả để bản thảo tối ưu nhất, làm việc với thiết kế để bản thảo hiển thị thuận tiện nhất, tương tác với các đầu mối giấy phép và nhà in để đảm bảo đúng tiến độ… Công việc của một biên tập viên có thể sánh ngang với một trưởng bộ phận marketing hoặc truyền thông của một thương hiệu ở mức lương từ 25 triệu đến 30 triệu/tháng. Nhưng thường thì cách đơn vị xuất bản không thể trả biên tập ở mức này (mà đoạn dưới đây tôi sẽ lý giải tại sao), nên các biên tập viên phải đi làm thêm các công việc khác để đảm bảo mức sống tối thiểu của mình ở thành thị.
Tác giả, dịch giả, chuyên gia hiệu đính là bộ phận làm việc không lương mà chỉ hưởng nhuận bút theo từng dự án của các đơn vị làm sách. Do đặc tính công việc, rất khó để có thể trả lương cho nhóm nhân sự này. Nhưng ngay cả khi nhận nhuận bút, họ cũng không có được khoản nhuận bút xứng đáng với công sức mình bỏ ra. Mức chung cho tác giả và dịch giả hiện nay ở Việt Nam là 8-10% giá bìa X số lượng sách được in. Nếu một cuốn sách >300 trang với mức giá 200.000, in 2000 bản, thì số tiền họ nhận được là 35-40 triệu đồng. Con số này thoạt nghe có vẻ to, nhưng một tác giả chất lượng viết một cuốn sách chất lượng dày 300 trang thì có thể mất đến 1-2 năm chấp bút, chưa kể đến khoảng thời gian nghiên cứu trước đó. Còn dịch giả muốn dịch một cuốn sách 300 trang mà nội dung chất lượng, hữu ích, có tính chuyên môn cao, thì cũng mất tối thiểu 1-2 tháng (làm fulltime). Ở đây chúng ta không bàn đến loại sách phổ thông dễ dãi như self-help hay sách dạy làm giàu vốn chỉ cần Google Dịch và sửa lại, mà chỉ giới hạn trong sách được viết kỹ lưỡng với kiến thức tốt và kiến giải xuất sắc của các tác giả nước ngoài. Đôi khi, có những cuốn sách rất khó với độ chuyên sâu cao, và được viết bằng ngôn ngữ hàn lâm, thì cần thiết có sự can thiệp của một chuyên gia hiệu đính. Người hiệu đính phải đọc soát cả tiếng Anh và tiếng Việt, đối chiếu của thuật ngữ chuyên môn, kiểm tra tính chính xác trong cách hiểu của dịch giả. Người hiệu đính có thể phải làm việc nhiều như dịch giả trong hoạt động hiệu đính đối với các cuốn sách rất khó. Và mức trả cho hiệu đính đến nay vẫn còn là một câu hỏi lớn, và thường bị ép xuống mức thấp bằng một nửa hoặc một phần ba so với chi phí dịch, trong khi phần việc có thể nhiều ngang với dịch giả, thậm chị đòi hỏi trình độ cao hơn dịch giả. Một số đơn vị xuất bản nhỏ, bị áp lực vì tài chính, công việc hiệu đính này được quy hết cho biên tập viên (những người chưa chắc đã có đủ năng lực và chuyên môn để đối soát các bản thảo khó), từ đó dẫn đến tình trạng sạn trong dịch thuật. Đương nhiên độc giả có thể quy hoàn toàn trách nhiệm cho đội ngũ nội dung bản thảo này, nhưng chúng ta hãy nhớ rằng con số 2000 bản là một con số lý tưởng trong thị trường sách. Đa phần các cuốn sách chỉ được in ở số lượng 300,500 và nhiều lắm là 1000 bản. Chỉ những đơn vị có hệ thống phân phối rất mạnh, vốn dài như Nhã Nam, Omega Plus Books mới có thể tự tin in mỗi lượt 2000 bản. Và để bán hết chỗ sách đó cũng cần mất từ 1 năm đến 1 năm rưỡi. Như vậy, phải mất tối thiểu 1 năm, nếu sách được tái bản, tác giả và dịch giả mới được nhận lượt tiền nhuận bút sau (nếu thỏa thuận từ đầu). Với mức chi trả này, Việt Nam không thể có tác giả, dịch giả, hiệu đính chuyên nghiệp, bởi vì họ không thể sống bằng nghề viết sách hay dịch sách. Và bởi vì là nghề tay trái, nên sẽ khó có thể chỉn chu kỹ lưỡng từng câu từng chữ, cũng không có động lực trong nâng cao chất lượng bản thảo ở các đợt tái bản sau. Thêm nữa, một cuốn sách 300 trang có thể cần đến 1 năm để dịch, và có thể mất đến nhiều năm để viết, vì công việc mưu sinh hàng ngày vẫn cần được ưu tiên hơn. Trước khi yêu, thì cần sống đã!
Thiết kế và chế bản có lẽ là bộ phân được ưu ái hơn cả, bởi vì vấn đề trình bày một cuốn sách hóa ra lại là thứ khiến độc giả ra quyết định mua hơn là nội dung sách. Ở phần sau khi bàn về tại sao sách đắt, tôi sẽ quay trở lại vấn đề này. Trong khi ấy, công nhân ngành in lại là những người tôi muốn bàn đến ở đây. Dù rằng tôi không muốn các nhà in tăng giá in chút nào, nhưng tôi phải thừa nhận là điều kiện làm việc của công nhân in thật tệ. Ngay cả ở các nhà in hiện đại nhất, công nhân in vẫn phải làm việc trong không gian thiếu các cơ chế lọc khí, khử độc (tiếp xúc với mực in thì rất dễ nhiễm độc chì), và máy móc thì luôn ồn ào ở mức vượt ngưỡng cho phép đối với tai và hệ thần kinh. Đây là tình trạng chung của hầu hết các nhà máy trên cả nước, không riêng gì công nhân ngành in, và thật đáng buồn khi tiêu chuẩn chỗ làm ở Việt Nam vẫn còn thấp. Nếu chất lượng chỗ làm tăng để công nhân in có môi trường làm việc tốt hơn, thì giá in cũng sẽ tăng lên, và tất nhiên giá sách sẽ tăng. Điều này không khiến độc giả vui, vì thực tế là độc giả cũng không hề được tăng lương khi giá cả leo thang do lạm phát.
Hiện nay, quý I năm 2022, giá một cuốn sách 300 trang được coi là rẻ đang ở mức < 200.000 (in 1000 bản), tức là ngang với 4-5 bát phở. Để có được giá sách này, cuốn sách chắc chắn cần được tài trợ từ các cơ quan nhà nước hoặc đại sứ quán, nếu không, thì một trong số các bộ phận dịch giả – tác giả, hiệu đính, biên tập… phải chịu thiệt. Còn nếu không thì đơn vị xuất bản sẽ phải chịu thiệt, tức là khoản lãi để nuôi sống hoạt động kinh doanh coi như không có, và chắc là lấy cảm giác được yêu để làm lãi. Nếu cứ tiếp tục như vậy, đơn vị xuất bản sẽ coi hoạt động xuất bản sách như nghề…tay trái, thay vào đó là bán hóa đơn hoặc xuất khẩu lao động, buôn tranh, đầu tư chứng khoán, buôn bất động sản… để có tiền nuôi tình yêu sách. Tôi cho rằng chúng ta không nên ca ngợi cách kinh doanh theo lối này, bởi vì nó khiến thị trường sách kém lành mạnh.
Để có thể xuất bản một cuốn sách 300 trang với nội dung chất lượng ở Việt Nam, cần các khoản chi như sau:
- 15-20 triệu nhuận bút dịch hoặc viết. Mức nhuận bút này có thể chi trả mức tối thiểu cho tác giả hoặc dịch giả ở ngưỡng chấp nhận được với 1000 ấn bản in lần I. Và hứa hẹn trả thêm vào các lần tái bản sau.
- 5-10 triệu cho biên tập viên (làm việc trong toàn bộ quá trình cho đến khi ra mắt sách)
- 5-7 triệu cho thiết kế và chế bản
- 25-30 triệu tiền in (1000 cuốn, bìa mềm)
- 1-3 triệu giấy phép
- 5-10 triệu cho Chi phí marketing & truyền thông
- Trong trường hợp sách có bản quyền nước ngoài, sẽ cần chi trả từ 5 triệu đến 50 triệu bản quyền.
- Và nếu sách khó cần qua hiệu đính thì cần trả thêm mức từ 5 triệu đến 10 triệu.
Như vậy, tổng đầu tư cho một cuốn sách 300 trang in 1000 cuốn cần dao động từ 61 triệu đến 140 triệu. Đây là chưa tính đến chi phí quản lý khác như kho bãi, kế toán, văn phòng, giám sát… Tức là chi phí đầu tư cố định đã có mức từ 61.000 đến 140.000/cuốn. Nhưng để bán được sách, đơn vị làm sách cần phải chi:
30-40% giá bìa cho đơn vị phân phối. Nhiều đơn vị phân phối đòi đến 50%. Như vậy, để bán ra thị trường ở mức các đơn vị phân phối cảm thấy đáng để bán thì giá sách cần ở mức 120.000 đến 280.000/cuốn. Và để đơn vị xuất bản sách có lãi ở mức tối thiểu để tiếp tục mở rộng đầu tư vào các đầu sách khác thì cần bán với giá 180.000 đến 400.000 (tức là tương ứng với 5 – 8 bát phở). Nhưng vì lực mua trong thị trường Việt Nam không quá tốt nên tốc độ quay vòng vốn chậm. Từ đó dẫn tới việc nhiều đơn vị có nguồn lực tài chính thấp (như Book Hunter) phải chọn cách in từ 300-500 cuốn, vì thế giá in đội lên. Nhưng kể cả giá in đội lên 5-10 triệu/đầu sách thì cũng không đáng kể gì trong tổng đầu tư khi chia đều cho mỗi cuốn, và không thể so được với các khoản chi liên quan đến bản thảo, đặc biệt là với các bản thảo khó. Vì vậy, bán sách với số lượng <500 cuốn thì đơn vị làm sách có khả năng tái đầu tư tốt hơn so với in 2000 cuốn.
Như vậy để các bạn thấy rằng mức giá đắt rẻ mà các bạn đánh giá chủ yếu dựa trên ký ức về những cuốn sách cách đây hơn 10 năm, khi giá cả chưa leo thang và đa phần các sách đều được trợ giá từ cơ chế bao cấp. Khi một cuốn sách được dịch và in bởi tài trợ của chính quyền hoặc các đại sứ quán, đội ngũ làm sách đã được hưởng một khoản tiền đáng kể trích từ tiền thuế của dân Việt Nam hoặc người dân các nước mà đại sứ quán tài trợ tiền xuất bản sách với mục tiêu xúc tiến văn hóa. Những sách này đáng lẽ nên được đánh dấu ở dạng miễn phí đặt trong các thư viện công cộng, nhưng lại được bán ra thị trường với giá rẻ, tạo nên một tiền lệ cạnh tranh không công bằng. Các đơn vị xuất bản tư nhân cũng phải tìm cách đi xin tài trợ từ các cơ quan này để giữ lợi thế cạnh tranh về giá sách của mình mà vẫn có thể có lãi để tiếp tục mở rộng hoạt động. Trong khi đó, nếu so với bát phở, chúng ta sẽ thấy rằng mức giá ấy không quá cao. Bởi vì ăn đến 5-8 bát phở mỗi tháng, hay số lượng trà sữa tương ứng, hay tương đương có thể là một bữa nhà hàng hạng sang, thì giá sách không thể coi là đắt. Bởi vì để đọc một cuốn sách 300 trang chất lượng và hữu ích với bản thân bạn thì có thể tăng đáng kể kiến thức để bạn sống tốt hơn hoặc tư duy đúng đắn hơn trong giải quyết các vấn đề về cuộc sống hay công việc. Đọc một hay một loạt các sách cùng một chủ đề chuyên môn có thể tiết kiệm cho bạn đáng kể tiền học phí để theo học các khóa học với mức giá cao mà chưa chắc bạn thu hoạch được kiến thức đáng giá. Và nếu bát phở hay trà sữa hay bữa ăn hạng sang không thể bán lại sau khi nó đã hoàn thành nhiệm vụ, thì sách vẫn có thể bán lại khi bạn đọc xong, và với các nhà sưu tầm sách thì sách có thể được bán lại với giá cao sau khi nó đã đủ độ…cũ. Tóm lại, thay vì chúng ta coi sách như một khoản mua phục vụ nhu cầu giải khuây, chúng ta nên coi sách là một khoản đầu tư mà giá trị mà ta đạt được vừa hữu hình vừa vô hình. Ở góc nhìn này, ta sẽ thấy rằng bỏ tiền ra để mua một cuốn sách 300 trang ở mức 180.000 đến 400.000 là đúng với quy luật của một thị trường lành mạnh. Đương nhiên, khi ấy, chúng ta hoàn toàn có quyền đòi hỏi một chất lượng sách tốt hơn, chỉn chu hơn.
Hiện nay, rất nhiều đơn vị làm sách, kể cả các đơn vị làm sách lớn và uy tín, cũng đều đang phải thắt lưng buộc bụng. Tức là để đưa giá sách về mức có thể chấp nhận đối với độc giả thông thường, họ sẽ phải cắt bớt tiền lương của biên tập hoặc bắt biên tập “multi-task” một cách phi thường, hoặc trả mức giá thấp hơn đáng lý phải trả cho tác giả – dịch giả và hiệu đính (nhưng càng ngày tác giả, dịch giả, hiệu đính càng đòi hỏi mức nhuận bút xứng đáng với công sức của mình hơn), hoặc chọn mua các sách có bản quyền rẻ và chất lượng đương nhiên cũng không cao, hoặc chọn các sách phổ thông dễ bán thay vì các quyển sách của chuyên môn sâu… Và do đó, các sách chuyên môn thực sự hữu ích cho một chuyên ngành nào đó, hoặc các sách kinh điển cần thiết cho một nền học thuật bài bản tại Việt Nam vẫn thiếu vắng một cách trầm trọng. Các dòng phổ thông cao cấp mấy năm nay cũng được xuất bản nhiều hơn để phục vụ nhu cầu các độc giả có trình độ cao muốn tìm hiểu sơ lược về một chuyên môn nào đó để mở mang kiến thức liên ngành, tuy nhiên, ngay cả khi bán hết số ấn bản của mỗi quyển cũng khó có thể thực sự có lãi nếu trừ hết tất cả các chi phí. Chúng ta không thể đem so sánh giá của một cuốn sách phổ thông với nội dung đơn giản với một cuốn sách có tính chuyên môn cao được, và cảm quan định giá một cuốn sách cũng không thể dựa vào đếm số trang được.
Vậy còn những cuốn có giá cao chót vót thì sao?
Một sản phẩm chỉ có thể bị coi là đắt khi giá bán của nó cao gấp nhiều lần giá trị thực, có thể gấp 7-8 lần đến 10 lần. Để bán được với mức giá cao như vậy, các chủ doanh nghiệp cần sử dụng đến các biện pháp marketing như nâng cao mẫu mã thiết kế thể hiện đẳng cấp, tạo khan hiếm giả, thuê KOL review… Thậm chí còn học theo chiến lược marketing của iPhone, tạo các bản đặc biệt để nâng cao tối đa giá trị sách. Ban đầu, các bản đặc biệt chỉ là những bản bìa cứng in màu với mức giá gấp 3-4 lần khoản đầu tư. Nhưng với đam mê chế tác thủ công từ ông chủ nhà sách Đông A, những cuốn sách bản đặc biệt S100 đã có giá lên đến vô cùng, tính bằng tiền chục triệu mỗi ấn bản, với các hình thức “chịu chơi tới bến” như bìa da, giấy mạ vàng… Các cuốn sách còn được gia tăng thêm tính đặc biệt bằng chữ ký ký hàng loạt và đánh số thứ tự mỗi cuốn (thực sự đến bây giờ tôi vẫn không hiểu ý nghĩa của việc đánh số thứ tự có giá trị gì).
Những ấn bản đặc biệt đã đẩy giá sách lên cao đột biến và hình thành nên lớp độc giả mua sách quý tộc mà chúng ta vẫn gọi là những nhà sưu tầm sách. Những nhà sưu tầm sách coi việc mua ấn bản đặc biệt như một khoản đầu tư để có thể bán lại trong tương lai, giống như bán tranh. Tuy nhiên, nếu giá trị của giấy in sách quá cao mà chất lượng nội dung sách ở mức bình thường thì cuốn sách ấy về lâu dài chắc chắn sẽ giảm giá trị. Hiện nay, Đông A cũng đang tổ chức bản thảo các cuốn kinh điển mới tương xứng với sách S100. Nhưng, vấn đề ở chỗ, nội dung chất lượng cao vốn phù hợp với các độc giả có trình độ tương đối tốt, khi được đặt trong một cuốn sách có giá thành quá đắt đỏ, thì lại không thể đến với người thực sự cần nó. Để bán hết các ấn bản S100 hay S300, Đông A sẽ phải ưu tiên cho những người có khả năng chi trả số tiền rất lớn (mà đa phần trong số đó không hiểu hết nội dung), và hoãn lại việc bán các ấn bản thường, vì lo sợ rằng một khi tung ra đồng loạt thì người ta sẽ chọn mua ấn bản thường thay vì ấn bản được biệt. Như vậy, Đông A tạo ra một tiền lệ bất bình đẳng mà trong đó các nhà sưu tầm giàu có được ưu tiên hơn nhóm trí thức, học giả trẻ và cộng đồng độc giả thông thường. Đương nhiên, đó là lựa chọn phương thức làm ăn kinh tế, và chừng nào vẫn còn những người cuồng tín vào hình thức của sách một cách phi lí trí thì xu hướng sách này vẫn cứ phát triển. Và có lẽ chỉ khi nào sách S100, S300 ế chỏng ế chơ thì thị trường sách mới trở lại bình thường.
Xin được nói thêm là, không phải tôi bài trừ chủ nghĩa duy mỹ, trái lại, tôi yêu thích những thiết kế sách đẹp, và chất lượng giấy in tốt, hoặc hình thức bìa sáng tạo. Nhưng tôi cũng đặc biệt không ưa thích lối xa xỉ thái quá mà chẳng dựa trên tính hữu ích. Đừng nghĩ rằng “nghệ thuật thì hoàn toàn vô dụng” như Oscar Wilde từng phát biểu thì nó đồng nghĩa với việc chúng ta đẻ ra các lối hình thức phù phiếm, bởi Wilde cũng khẳng định rằng “cái đẹp luôn đứng về phía cái hữu ích”. Một mẫu thiết kế đẹp luôn phải tôn lên giá trị sử dụng thực của cuốn sách. Ví dụ như, bìa da để bảo vệ sách khỏi nước, chất lượng giấy cao để chống mối mọt, khâu chỉ chắc chắn để chống long rụng theo thời gian… Điều đó có nghĩa là cuốn sách sẽ lưu được lâu hơn, bền vững với thời gian hơn, để nếu chẳng may nền văn minh internet của chúng ta sụp đổ, thì đâu đó con người thời sau vẫn có thể tìm lại chút gì đó của “muôn năm cũ” đã quá vãng. Câu chuyện này nghe có vẻ lãng mạn nhỉ! Bởi vì thứ bền vững với thời gian hơn không phải là một ấn bản được đóng khung trong tủ trưng bày hay thư viện của các đại gia, mà là nội dung của cuốn sách ấy được nhân bản càng nhiều càng tốt tới mức người ta không còn có thể đốt hay thờ ơ với nó. Vì vậy, tôi mong rằng các đơn vị làm sách bản đặc biệt tư duy lại về giá trị thưc của thứ được gọi là “đặc biệt”.
Điều kỳ cục đó là có không ít các độc giả cảm thấy “bình thường” khi chi một số tiền triệu cho các ấn bản đặc biệt nhưng không ngại chê các bản thường là đắt đỏ, chỉ bởi vì nó được in bình thường. Có lẽ, người ta vẫn cảm thấy định giá một thứ hữu hình như chất lượng giấy in hay bìa sách dễ hơn so với định giá thứ vô hình như tri thức. Người ta có thể dễ đê mê với những hình ảnh chế bản sách phức tạp nhưng chẳng ai nhìn thấy cơn căng thẳng, cảm giác mệt nhoài, trạng thái mờ mắt… của người làm nội dung sách. Và đến đây, tôi nghĩ tôi đã nói quá nhiều về cuộc chạy đua sách bản đặc biệt rồi, có lẽ cần quay về với một vấn đề thực tế hơn.
Nếu sách được định giá ở mức xứng đáng, thì độc giả nghèo phải làm sao?
Vâng, đây là một câu hỏi khó liên tục được đặt ra bởi các độc giả theo dõi sách của Book Hunter. Chúng ta quay về với giá trị cốt lõi của sách, đó là nội dung. Các đơn vị xuất bản có thể bớt đáng kể các chi phí khác như in ấn, kho bãi, chiết khấu cho phân phối… nếu họ bán bản e-book. Nhưng rất ít đơn vị xuất bản lựa chọn phương án này bởi vì họ lo lắng rằng sách sẽ bị copy và chia sẻ miễn phí trên các trang e-book lậu, trong khi đó ở Việt Nam chưa có cơ chế bảo mật tốt như Amazon. Đáng buồn là Amazon ngừng tính năng bán e-book tiếng Việt vì có quá ít e-book tiếng Việt được bán trên Amazon. Đáng tiếc thêm nữa là nền tảng sách điện tử đầu tiên của Aleza đã hoạt động không hiệu quả để rồi hoàn toàn thất bại. Cơ hội cho các độc giả không có điều kiện kinh tế tốt có thể tiếp cận nội dung sách chất lượng với mức giá rẻ đã gần như bị vứt bỏ. Để bù lấp phần nào khiếm khuyết này của thị trường sách, ban quản trị Book Hunter và tôi đã đưa ra giải pháp là bán e-book hoặc tặng e-book đến những độc giả gặp khó khăn về tài chính mà sẵn sàng chia sẻ tình trạng của họ với chúng tôi. Tôi không biết có bao nhiêu đơn vị làm sách sẵn sàng áp dụng phương thức này, nhưng tôi hi vọng rằng trong tương lai, e-book sẽ một lần nữa trỗi dậy với diện mạo mới.
Hiện nay, các độc giả không có nhiều điều kiện tài chính mua sách chỉ có thể đặt kỳ vọng ở các thư viện. Bên cạnh các Thư viện công (Thư viện quốc gia hoặc thư viện địa phương) và Thư viện chuyên ngành tại các trường đại học, Việt Nam dần xuất hiện các thư viện tư nhân dưới danh nghĩa là các quán cà phê sách, cà phê thư viện hay tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ… Phong trào thúc đẩy sự phát triển các tủ sách như vậy, mà đi đầu là nhà sách Đông Tây và Chương trình Sách hóa Nông Thôn thực sự đã góp sức từng bước một để tạo cơ hội tiếp cận sách đối với người có thu nhập thấp.
Tôi cho rằng, giá sách phải trở về đúng với giá trị thực là điều tất yếu để có một thị trường sách lành mạnh, nơi mà các bộ phận làm việc để tạo nên một cuốn sách được trả mức lương xứng đáng, đủ để toàn tâm toàn ý với nghề, trong một điều kiện làm việc tốt. Nhưng song song với đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ thị trường e-book để phục vụ những độc giả có năng lực chi trả thấp hơn, đồng thời gia tăng về số lượng cũng như chất lượng của các thư viện công cộng thuộc nhà nước cũng như tư nhân. Để tạo ra bình đẳng và cơ hội trong khả năng tiếp cận tri thức, không phải là dìm giá sách xuống mức thấp để ép đơn vị làm sách và người làm sách phải sống kham khổ, mà là mở rộng các định dạng khác nhau phù hợp với đa dạng nhu cầu và năng lực chi. Bên cạnh đó, tôi cũng mong rằng các cơ quan tài trợ xuất bản sách hãy cân nhắc điều chỉnh lại yêu cầu đối với đơn vị xuất bản. Thay vì tài trợ tiền để xuất bản, hãy tài trợ tiền để đơn vị xuất bản ấy thực hiện nghĩa vụ với cộng đồng, tức là những cuốn sách được tài trợ khi xuất bản phải phục vụ cộng đồng bằng cách cung cấp cơ hội đọc miễn phí chứ không phải bán giá rẻ hơn để duy trì lợi thế cạnh tranh.
Có lẽ đã đến lúc nâng cao tư duy về thị trường sách của chính các nhà lãnh đạo đang đưa ra chủ trương nâng cao văn hóa đọc thay vì cố găng hô hào nâng cao văn hóa đọc một cách chung chung. Văn hóa đọc của một quốc gia làm sao có thể cao lên được nếu thế hệ trẻ nhìn thấy những trí thức còng lưng làm việc với bản thảo phải sống đời kham khổ, không nuổi nổi thân mình? Hay mở điện thoại lên chủ yếu để xem phim ngôn tình và lướt Tiktok vì không hề biết trên đời có tồn tại một thứ được gọi là e-book? Hoặc sinh viên nghèo chẳng có khả năng tiếp cận sách chuyên ngành chỉ có thể đọc những cuốn giáo trình cũ mèm lạc hậu được biên soạn bởi những giáo sư cũng phải chật vật mưu sinh hay các giáo sư tham nhũng dự án của nhà nước chuyên xào xáo tư liệu? Vâng, văn hóa đọc dẫu có hô hào tới đâu, nhưng thực trạng bần cùng hóa những thành phần tạo nên nó không bị xóa bỏ thì sẽ chẳng thể nào nâng cao chất lượng sách hay văn hóa đọc.
Đọc tới đây, bạn thấy mình đang ở đâu giữa thị trường sách nhỏ hẹp này? Và bạn đang góp phần thúc đẩy khía cạnh nào của nó? Chia sẻ cho mình biết nhé!
Hà Thủy Nguyên