Home Bình Luận Thị trường sách Việt Nam (3): Sự vô nghĩa của phong trào nâng cao văn hóa Đọc

Thị trường sách Việt Nam (3): Sự vô nghĩa của phong trào nâng cao văn hóa Đọc

Đọc chùm bài “Thị trường sách Việt Nam” tại đây: https://hathuynguyen.com/tag/thi-truong-sach-viet-nam/

Trong “ĐỀ ÁN Phát triển Văn hóa Đọc trong cộng đồng Giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn 2030” của Thủ tướng chính phủ được thảo ra từ năm 2010, những số liệu được đưa ra để chứng minh rằng văn hóa đọc đang xuống cấp như sau:

“2.2. Thói quen đọc: Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay số người đọc nhiều, đọc thường xuyên chiếm tỷ lệ 30%, số người thỉnh thoảng đọc là 44%, trong khi đó số lượng người hoàn toàn không đọc là 26 % – một tỷ lệ khá cao so với thế giới. Bạn đọc của thư viện chỉ chiếm khoảng 8 – 10 % dân số. Thư viện Quốc gia Việt Nam chỉ có khoảng 30 nghìn bạn đọc thường xuyên; thư viện cấp tỉnh chỉ có khoảng 1 – 2 nghìn bạn đọc, cấp huyện 500 – 600 bạn đọc; thư viện/phòng đọc cấp xã khoảng 100 – 200 bạn đọc. Có thể nói, thói quen đọc của người Việt Nam chưa được hình thành một cách vững chắc.

2.3. Xu hướng đọc: Xu hướng đọc hiện nay ít nhiều có biểu hiện lệch lạc. Giới trẻ (thanh,thiếu niên) – đối tượng chúng ta đang hướng tới xây dựng thế hệ đọc tương lai – có xu hướng đọc những truyện tranh với những nội dung đơn giản, vô bổ, thậm chí thiếu lành mạnh, ngại đọc các loại sách kinh điển, lý luận, đặc biệt các sách dày, nhiều tập, sách chữ … . Xu hướng văn hóa nghe – nhìn đang có phần lấn lướt Văn hóa Đọc. Thời gian dành cho lướt web, chơi game, xem truyền hình của học sinh, sinh viên tương đối cao tới 55%.”

Đề án này đã được phê duyệt vào năm 2017.

Số liệu này có các vấn đề như sau: Những tỉ lệ phần trăm được thống kê về số người đọc nhiều, đọc thường xuyên, đọc thỉnh thoảng và không đọc, không rõ được tính toán dựa trên số lượng bao nhiêu người được khảo sát. Bởi vì tôi, và có thể rất nhiều bạn có thói quen đọc nhiều và thường xuyên đọc sách có lẽ chưa bao giờ được tham gia trả lời những câu hỏi kiều này. Ngoài ra, số liệu chỉ ra rằng lượng người tham gia đọc ở thư viện là rất ít, cũng chưa chắc thể hiện rằng văn hóa đọc đang xuống cấp, mà hoàn toàn có thể thể hiện rằng chất lượng của các thư viện kém và xuống cấp. Phần sau khi nói về xu hướng đọc của giới trẻ, người viết không hề đưa ra bất cứ số liệu nào và bằng chứng nào cho sự “biểu hiện lệch lạc”. Thế nên, từ những số liệu này, thật sự không đủ bằng chứng thuyết phục để chứng minh rằng có một sự xuống cấp của văn hóa đọc.

Những bên xuất bản và phát hành sách đi tiên phong cho sự hô hào nâng cao văn hóa đọc phải kể đến Nhà xuất bản Tri Thức, Alpha Book, Thái Hà Book, NXB Trẻ, Nhã Nam…v…v… tiếp bước theo sau. Sự đánh giá về việc xuống cấp của văn hóa đọc từ họ có lẽ đều đến từ việc số lượng sách bán ra không đáng kể so với những sách thị trường khác. Điều này cũng không nói lên được rằng văn hóa đọc đang xuống cấp. Thứ nhất, sự xuất hiện của Internet làm gia tăng cơ hội tiếp cận các nguồn tư liệu của độc giả. Thay vì độc giả đọc các bản dịch, họ có thể đọc được tiếng Anh trên Internet hoặc các nguồn dịch miễn phí trên mạng. Thứ hai, khi số lượng các nhà sách và các đầu sách gia tăng thì miếng bánh thị trường phải bị chia nhỏ. Đây là điều bình thường. Vậy nên, các đánh giá về việc văn hóa đọc đang xuống cấp đến từ các nhà sách đều không đáng tin cậy, vì họ chỉ đánh giá dựa trên doanh số.

Thế nhưng, một điều khó có thể phủ nhận, đó là văn hóa đọc xuống cấp thật sự. Nhưng sự xuống cấp ấy không được biểu hiện bằng số lượng người mua sách hay đọc sách ở thư viện, mà đến từ những vấn đề khác. Văn hóa đọc xuống cấp vì người ta đại hạ giá sách trong những gian hàng đổ đống trong ngày sách Việt Nam, các hội chợ sách, các phố sách, hay các vỉa hè. Văn hóa đọc xuống cấp vì người đọc mua sách dựa trên tần suất xuất hiện của sách trên các phương tiện truyền thông chứ không dựa vào khả năng đánh giá của bản thân. Văn hóa đọc xuống cấp vì các tác giả đạo văn mà không bị xử phạt, dùng kiến thức sai mà không bị phát hiện… Văn hóa đọc xuống cấp vì sách bây giờ dùng để trang trí cho gia đình và cho cái thói “trưởng giả học làm sang” chứ không phải để đọc và nghiền ngẫm. Văn hóa đọc bị xuống cấp vì những tác giả, dịch giả chỉ được nhận những đồng tiền bèo bọt cho quá trình làm việc của mình… Vậy đấy, văn hóa đọc xuống cấp vì chất lượng chứ không phải ở số lượng.

Khi các phong trào phát động nâng cao văn hóa đọc được cổ vũ từ chính quyền đến người dân, người ta chỉ hướng tới số lượng chứ không phải chất lượng. Các phong trào này đều nhằm mục đích gia tăng số lượng người đọc sách, cụ thể hơn là kích thích tiêu dùng trong thị trường sách, chứ không thật sự nâng cao văn hóa đọc.

Tôi còn nhớ vào năm 2011, khi mới thành lập Book Hunter, tôi bắt đầu theo dõi facebook của một số ông chủ nhà sách, trong đó có ông Nguyễn Mạnh Hùng – giám đốc nhà sách Thái Hà. Hồi đó ông này chủ trương kêu gọi đọc sách nhanh, thậm chí còn tổ chức mấy khóa học đọc sách nhanh. Gần đây, năm 2016, Cộng đồng đọc sách tinh hoa do Alpha Book tổ chức còn có phong trào chụp ảnh tủ sách để khoe xem ai là người đọc sách nhiều.  Những trào lưu kiểu này tạo ra một ấn tượng rằng càng sở hữu nhiều sách trên tủ thì càng tỏ ra rằng mình là người có tri thức, càng lướt qua nhiều chữ thì mình càng giỏi. Trong khi ấy, đọc sách gì và đọc với tư duy như thế nào thì có vẻ không được các bên cổ vũ phong trào này quan tâm cho lắm.

Cuối năm 2016, đầu năm 2017, một phong trào có tên “Đọc sách phong cách” đã xuất hiện. Phong trào này vận động giới trẻ đọc sách bằng việc chụp ảnh và quảng bá người nổi tiếng đọc sách. Phong trào đánh vào tâm lý thần tượng hóa của giới trẻ. Phong trào này cũng tương tự như chủ trương đọc sách nhanh, đọc sách nhiều mà tôi vừa nói ở trên. Phong trào không hề giúp nâng cao chất lượng của các đầu sách và ý thức trân trọng tri thức ở người đọc. Phong trào này, cũng chỉ là một cách để kích thích tiêu dùng.

Tổ chức các sự kiện giới thiệu sách và thảo luận về sách cũng là một hoạt động được các bên ủng hộ. Đáng lý ra, hoạt động này có thể đã rất hiệu quả. Tuy nhiên, việc tổ chức các sự kiện này đang ngày càng bị đám đông hóa thành kiểu sự kiện mang tính quảng cáo hoặc “truyền đạo”.

Các buổi giới thiệu sách hoặc ra mắt sách bản chất là để giới thiệu tổng quan và các điểm đặc biệt sách với người đọc, các học giả đưa ra các hướng dẫn để người đọc có thể hiểu sách hơn. Thế nhưng, ở Việt Nam, những nội dung này không được chú trọng. Tôi đã dự một số buổi giới thiệu sách, ví dụ như giới thiệu “Dị nghị luận, đồng chân dung” (Đặng Thân) ở L’espace và giới thiệu “Minh triết thiêng liêng” (Hamvas Béla , Hồng Nhung dịch) ở VUSTA… , người ta sẵn sàng dành 2 tiếng đồng hồ cho việc bàn đi bàn lại về cái tên của quyển sách mà đáng ra chỉ cần 5-10 phút để trình bày.

Tôi cũng từng tổ chức các buổi thảo luận về sách tại nhiều địa điểm với nhiều chủ đề khác nhau. Tại các buổi này, dù rất cố gắng tôi cũng không làm sao để biến chúng thành cuộc thảo luận thú vị. Số lượng người quá đông, và đa phần người tham dự chưa đọc sách, thế nên các câu hỏi được đặt ra thường chẳng liên quan đến nội dung sách mà chỉ là sự biểu diễn định kiến của người hỏi hoặc sự khoe khoang kiến thức. Những người có câu hỏi hay hoặc phản biện hay thường chờ đến cuối buổi hoặc trao đổi với tôn qua tin nhắn facebook. Tôi cũng tổ chức được 3-4 buổi có thể gọi là tạm ưng ý vì chất lượng thảo luận. Một điểm chung của các buổi thảo luận về sách có chất lượng cao này đó là số lượng người tham dự rất ít, đều chưa đến 15 khách, với các chủ đề mang tính chất chuyên sâu. Tôi đánh giá sự “ứng ý” của một cuộc thảo luận không phải bằng số lượng người lên tiếng hay sự sôi nổi của tranh luận mà bằng việc các ý kiến và câu hỏi đưa ra có dựa trên các thông tin và số liệu liên quan hay không. Quan trọng hơn thế, sau cuộc thảo luận tôi và những người tham gia thảo luận có gia tăng thêm kiến thức và mở rộng tư duy hay không. Bởi thế, gần đây, tôi và Book Hunter đã quyết định không tổ chức các buổi thảo luận sách như thế này nữa. Tôi mong muốn một cộng đồng đọc sách, chiêm nghiệm và trao đổi dựa trên học thuật chứ không phải là sự phô diễn. Mặc dù Book Hunter đã rút khỏi hoạt động này thế nhưng những hoạt động kiểu này vẫn đang ngày một nhân rộng và lấy thước đo là số lượng người tham gia.

Những hoạt động hữu ích hơn mà tôi cho rằng cần làm ngay để nâng cao văn hóa đọc có lẽ sẽ không thực sự kích thích tiêu dùng trong thị trường sách. Nếu các nguồn quỹ đổ vào các nhóm dịch thuật để đưa tri thức thế giới vào Việt Nam thì sẽ ra sao? Bạn có biết các dịch giả có tiền nhuận bút rất rẻ mạt, thậm chí nhiều người phải nhận sách thay vì nhận tiền. Nếu hệ thống kiểm duyệt sách ở Việt Nam không đi soi các lỗi chính trị mà xử lý các lỗi vi phạm bản quyền, sử dụng sai kiến thức, viết sai văn phạm tiếng Việt…, thì mọi chuyện có khá hơn không? Nếu người đọc có đủ khả năng để biết mình thực sự cần đọc sách gì, cuốn sách nào là hay và đọc theo cách như thế nào thì có phải lượng mua sẽ giảm? Tôi cho rằng đó là những điều chúng ta cần phải so sánh với thế giới và học tập họ chứ không phải là doanh số hay những sự kiện phù phiếm đang diễn ra như phố sách, ngày sách, thảo luận sách… hiện nay.

Hà Thủy Nguyên

(Còn nữa)

NHÀ XUẤT BẢN CỦA GS CHU HẢO VÀ MỘT Ý TƯỞNG TRUYỀN BÁ TRI THỨC…

Ngay khi thông tin về việc Giáo sư Chu Hảo bị kỷ luật vì những cuốn sách có tư tưởng chính trị do NXB Tri Thức ấn hành thì lập tức một đợt sóng truyền thông rầm rộ trên Internet và người ta đua nhau đi ôm sách NXB Tri Thức về nhà. Họ khoe nhau những tủ sách ngập sách NXB Tri Thức, những bức ảnh chụp bác Chu Hảo. Có lẽ các siêu sao Việt Nam chẳng ai có bộ sưu tập ảnh

Thị trường sách Việt Nam (6): Cộng đồng đọc sách và quyền lực của độc giả

Trong suốt dòng lịch sử của sách, các độc giả luôn đóng vai trò như “người tiêu dùng” cho các sản phẩm và tác phẩm của các tác giả, dịch giả. Họ bị định hướng bởi các nhà phê bình, nhà báo – những người chỉ cho các độc giả biết cuốn sách nào là hay, cuốn sách nào là dở. Do đó, các độc giả chỉ là thần dân trong vương quốc tri thức mà họ chỉ có nghĩa vụ tuân thủ các chỉ

Thị trường sách Việt Nam (7): Khi văn hóa đọc thiếu nền tảng học thuật và pháp luật

Có lẽ chưa bao giờ văn hóa đọc lại nở rộ như ngày nay, đặc biệt là sự hỗ trợ từ chính quyền và các kênh báo đài chính thống. Không khí tấp nập nhộn nhịp trong các hội trợ sách, các hội thảo sách, các cuộc chạy đường trường cổ vũ phong trào đọc dường như làm sống dậy cái không khí Đông Kinh nghĩa thục: “Buổi diễn thuyết người đông như hội/Kỳ bình văn khách đến như mưa”. Chứng kiến cảnh “trăm hoa

Nỗi niềm của một trọc phú tri (kiến) thức

Trước tiên, mình cần khẳng định không có gì giấu diếm rằng mình đích thực là một trọc phú tri thức, không những thế còn là loại trọc phú tri thức đi lên bằng tay trắng 😁 Mình không phải "con ông cháu cha" trong giới tri thức để được thừa hưởng những yếu tố "gia truyền" như kho tư liệu hay network sẵn có. Đã thế, lại còn không đủ kiên nhẫn ngồi đủ lâu trên ghế đại học để được thầy nọ cô

Thị trường sách Việt Nam (10): Đắt rẻ giá sách và quan niệm kinh tế bao cấp

Năm 2020, dịch bệnh COVID-19 ập đến khiến các đơn vị xuất bản sách lao đao, nhưng ngay lập tức, thị trường sách Việt Nam đã chuyển mình thích nghi với dịch bệnh. Chính trong thời điểm cách ly, nhu cầu đọc sách tăng (cả về số lượng và đòi hỏi chất lượng), và nhờ thế các đơn vị làm sách cũng xuất bản nhiều cuốn sách thuộc dòng "khó đọc" hơn. Trong hai năm 2020 và 2021, kéo dài đến hết quý I -2022,