Home Bình Luận Thị trường sách Việt Nam (9): Đàm phán xuất bản sách, cần thận trọng với tác quyền

Thị trường sách Việt Nam (9): Đàm phán xuất bản sách, cần thận trọng với tác quyền

Đã hơn 2 năm rồi tôi không bàn về thị trường sách, dù rằng 2 năm vừa qua thị trường sách thật sôi động và lắm “drama”. 2 năm, có lẽ tôi cũng nhặt nhạnh thêm được kha khá vấn đề của thị trường sách Việt Nam, và đã đến lúc “khai bút” trở lại, và xin được bắt đầu bằng vấn đề tác quyền.

Tôi đặt ra vấn đề tác quyền và đàm phán xuất bản sách khi dư luận trên facebook đang xôn xao sự việc cuốn sách của tiến sĩ giáo dục Nguyễn Quốc Vương bị đăng bán ở định dạng ebook trên chuyên trang sách điện tử Waka suốt 3 năm qua mà tác giả không hay biết gì, và đương nhiên cũng không được nhận khoản nhuận bút nào. Sự việc dấy lên mối lo ngại về một thực trạng mà bao nhiêu năm nay vẫn thế của thị trường sách Việt Nam. Tương tự như ebook, sách nói (audio book) cũng được phát hành lậu nhan nhản trên những nền tảng trực tuyến mà các tác giả không hề hay biết.

Ảnh chụp màn hình bài đăng của TS Nguyễn Quốc Vương về sự việc

Khốn nỗi, mức độ các đơn vị kinh doanh sách phớt lờ các vấn đề về tác quyền cũng song hành với sự non kém của tác giả trong quá trình đàm phán và theo dõi tác phẩm của mình. Điều này khó tránh, bởi vì tác giả nào cũng chỉ hào hứng với sáng tạo nội dung và đưa nội dung ấy đến bạn đọc, chứ ít khi quan tâm đến vấn đề pháp lý. Thông thường, ở các quốc gia có nền xuất bản sách chuyên nghiệp, hoạt động pháp lý này sẽ do bên thứ ba đảm nhiệm và bảo hộ. Nhưng tại Việt Nam, các tác giả chỉ có thể một mình đương đầu, tự đàm phán, tự PR, tự tổ chức sự kiện, đôi khi còn phải tự bán sách… và vì thế, câu chuyện tác quyền trở thành một thứ xa xỉ ít ai để ý đến… cho đến khi sự cố xảy ra.

Bắt đầu từ giai đoạn đàm phán

Câu chuyện tác giả (nhất là những tác giả trẻ) đàm phán với đơn vị xuất bản sách luôn khiến tôi liên tưởng đến những bộ phim pháp sư đàm phán với quỷ. Con quỷ sẽ luôn thắng thế khi pháp sư non tay không để ý đến các tiểu tiết trong quá trình thỏa thuận vì bị mờ mắt với những viễn cảnh đầy hứa hẹn mà con quỷ tô vẽ nên. Vâng, tiểu tiết “chí mạng” ấy chính là vấn đề tác quyền.

Khi chúng ta đàm phán với các đơn vị làm sách, chúng ta đặc biệt cần chú ý đến định dạng của sách. Thường thì các đơn vị xuất bản sách ở Việt Nam chỉ có chức năng xuất bản sách giấy, và các nhà xuất bản thông thường cũng chỉ cấp phép xuất bản và phát hành cho sách giấy. Nếu đơn vị xuất bản muốn phát hành các định dạng phái sinh khác như sách điện tử hay sách nói, họ sẽ phải thỏa thuận lại hợp đồng với tác giả, đồng thời xin giấy phép phát hành ở định dạng sách điện tử, sách nói. Trường hợp đáng bàn cãi nhất, đó là nếu ý tưởng cuốn sách được sử dụng để làm truyện tranh, hoạt hình, phim điện ảnh hoặc truyền hình, thì ai là người được quyền cho phép?

Như tôi đã đề cập, hãy cẩn thận với thỏa thuận của mình, đặc biệt trong từ ngữ được sử dụng trong văn bản thỏa thuận. Tác giả khi thỏa thuận với đơn vị xuất bản sẽ có hai lựa chọn cần xem xét: hoặc tự thân giữ tác quyền và ủy quyền cho đơn vị xuất bản trong giới hạn, hoặc trao toàn quyền sử dụng tác quyền cho đơn vị xuất bản.

Hãy cẩn thận với lựa chọn thứ hai. Lựa chọn trao toàn quyền sử dụng tác quyền cho đơn vị xuất bản sẽ cho bạn nhiều món lợi, vì đơn vị kinh doanh sách sẽ mạnh dạn hơn để lăng xê bạn trên truyền thông cho mục tiêu kiếm lời dài hạn của họ, và đương nhiên, điều này đi kèm với rủi ro. Hãy xem xét kỹ lưỡng cơ chế nhuận bút mà họ trả cho bạn, đặc biệt chú ý đến khoản tiền bạn nhận được khi sách được tái bản. Nếu chính đơn vị làm sách ấy chủ động “in lậu” sách của bạn, thì bạn sẽ không hề được nhận khoản nhuận bút này, và bạn cũng chẳng có cách nào kiểm soát được “đối tác” ấy có tuân thủ đúng thỏa thuận hay không. Ngoài ra, nếu sách của bạn được xuất bản ở các định dạng phái sinh, liệu bạn có được nhận phần trăm nhuận bút nào không? Tất cả những điều này cần được quy định rất rõ theo từng đầu mục, nếu không, bạn sẽ chỉ nhận được một khoản tiền ban đầu và toàn bộ sẽ nằm trong túi tiền của nhà xuất bản. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu bạn tự ý đăng tải tác phẩm của bạn ở định dạng khác, bạn đã vi phạm hợp đồng. Và ngay cả khi bạn muốn chuyển thể thành phim, truyện tranh… bạn cũng cần sự cho phép của đơn vị đã sở hữu tác quyền của bạn.

Nhiều tác giả trẻ non kinh nghiệm, mong muốn nhanh chóng nổi tiếng và bán được nhiều sách, rất dễ lựa chọn phương án trao tác quyền cho nhà xuất bản toàn quyền xử lý. Điều này có thể đến từ việc họ không bận tâm lắm đến lợi nhuận và đề cao danh tiếng bản thân hơn tác phẩm, hoặc cũng có thể đến từ những sơ sót trong quá trình đàm phán.

Lựa chọn thứ nhất là ủy thác quyền xuất bản tác phẩm cho đơn vị xuất bản. Lựa chọn này đòi hỏi bạn phải chủ động với tác phẩm của mình, chấp nhận mức nhuận bút thấp (thường là 7-10% giá bìa). Đơn vị xuất bản lúc này không sở hữu tác quyền, mà chỉ nhận ủy thác trong thời hạn thỏa thuận (thường là 5 năm), do đó họ sẽ không nhiệt tình PR tác phẩm cho bạn, mà chỉ thực hiện các hoạt động căn bản hỗ trợ bán sách và quản lý phân phối trên các kênh bán. Nếu bạn lựa chọn hình thức này, hãy lưu ý, họ không có quyền xuất bản các định dạng khác sách giấy như audio book, ebook… hay các hình thức phái sinh như chuyển thể phim, truyện tranh… Trong trường hợp bạn phát hiện ra sai phạm của họ, bạn hoàn toàn có thể khởi kiện. Và đương nhiên, họ cũng không có quyền kiện cáo bạn nếu bạn thỏa thuận với các đối tác khác để phát hành những định dạng sách hay sản phẩm phái sinh khác. Do đó, một lần nữa, tôi muốn nhắc các bạn tác giả non kinh nghiệm, hãy đọc kỹ lưỡng từng điều khoản và nếu bạn không chắc chắn, hãy tìm một luật sư tư vấn cho mình.

Bên cạnh đó, một số trường hợp khác, ví dụ như tác giả tự bỏ tiền đầu tư sách và thuê đơn vị xuất bản đứng ra đại diện, hay nhà xuất bản thuê tác giả viết sách theo yêu cầu…, cũng cần được xem xét từng điều khoản theo hai chiều hướng lựa chọn trên.

Tìm hiểu thêm quy định pháp luật về tác quyền: Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2019 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (thuvienphapluat.vn)

Hỗn loạn vi phạm tác quyền

Không phải chỉ trong thị trường sách mà khắp nơi tại Việt Nam, vi phạm tác quyền đã thành thói quen phổ biến. Ở đây, tôi sẽ không bàn về vấn đề đạo văn, bởi vì những tranh cãi liên quan đến đạo văn là một câu chuyện dài, mà có lẽ ở kỳ sau tôi sẽ bàn kỹ lưỡng hơn. Ở đây, tôi sẽ chỉ đề cập đến tác quyền.

Khái niệm “tác quyền” là một khái niệm mới tại Việt Nam. Chỉ đến khi Việt Nam tham gia công ước Berne vào năm 2004, từ khóa “tác quyền” có lẽ mới bắt đầu được đề cập đến. Trước đó, mọi “tác quyền” đều thuộc về nhân dân, có nghĩa là dù tên tác giả được xác định gắn liền với tác phẩm, nhưng tác phẩm có thể dễ dàng được lan truyền dưới nhiều hình thức định dạng và ngôn ngữ khác nhau mà không phải trả bất cứ chi phí nào cho tác giả, và tác giả dường như cũng không quan tâm lắm đến khoản tiền mình sẽ được nhận ngoài nhuận bút của nhà xuất bản. Thói quen này đến nay vẫn còn phổ biến, và các tác giả đôi khi sẽ chọn “kệ”, miễn sao tác phẩm và danh tiếng của mình được càng nhiều người biết đến càng tốt.

Thái độ “kệ” này của nhiều tác giả đã hình thành nên thói quen bất chấp của nhiều đơn vị xuất bản. Họ tự cho mình quyền được chèn ép tác giả non kinh nghiệm ngay khi có thể, bởi vì họ cho rằng nếu không có họ thì các tác giả sẽ chẳng có cơ hội xây dựng danh tiếng và bán sách. Cả tác giả và đơn vị xuất bản đều quên mất rằng giá trị cốt lõi tạo nên thương hiệu của một đơn vị xuất bản chính là các cây viết.

Nghịch lý gây hài hước đó chính là các độc giả chân chính dường như lại thông thạo các vấn đề về tác quyền hơn tác giả và đơn vị xuất bản.  Chính những độc giả này là “quan tòa” thông thái trong các cuộc phân xử liên quan đến tác quyền hay đạo văn, và cho dù người sai phạm tìm cách xóa dấu vết dư luận hay mua chuộc những nhà quản lý ngành thì các độc giả cũng truyền tai nhau về “kẻ xấu” vi phạm thỏa thuận. Tòa án chính thống có thể làm ngơ, nhưng tòa án dư luận sẽ vẫn còn đó, và thương hiệu sẽ luôn phải gánh chịu sự trừng phạt chính là vết nhơ khó tẩy xóa trong trí nhớ của dư luận.

Đọc thêm: Thị trường sách Việt Nam (7): Khi văn hóa đọc thiếu nền tảng học thuật và pháp luật – Hà Thuỷ Nguyên (hathuynguyen.com)

Hà Thủy Nguyên

Đọc toàn bộ chùm bài Thị trường sách Việt Nam tại đây: Thị trường sách Việt Nam Archives – Hà Thuỷ Nguyên (hathuynguyen.com)

*Nguồn ảnh: Copyright Alliance

Thị trường sách Việt Nam (7): Khi văn hóa đọc thiếu nền tảng học thuật và pháp luật

Có lẽ chưa bao giờ văn hóa đọc lại nở rộ như ngày nay, đặc biệt là sự hỗ trợ từ chính quyền và các kênh báo đài chính thống. Không khí tấp nập nhộn nhịp trong các hội trợ sách, các hội thảo sách, các cuộc chạy đường trường cổ vũ phong trào đọc dường như làm sống dậy cái không khí Đông Kinh nghĩa thục: “Buổi diễn thuyết người đông như hội/Kỳ bình văn khách đến như mưa”. Chứng kiến cảnh “trăm hoa

Thị trường sách Việt Nam (10): Đắt rẻ giá sách và quan niệm kinh tế bao cấp

Năm 2020, dịch bệnh COVID-19 ập đến khiến các đơn vị xuất bản sách lao đao, nhưng ngay lập tức, thị trường sách Việt Nam đã chuyển mình thích nghi với dịch bệnh. Chính trong thời điểm cách ly, nhu cầu đọc sách tăng (cả về số lượng và đòi hỏi chất lượng), và nhờ thế các đơn vị làm sách cũng xuất bản nhiều cuốn sách thuộc dòng "khó đọc" hơn. Trong hai năm 2020 và 2021, kéo dài đến hết quý I -2022,

THỊ TRƯỜNG SÁCH VIỆT NAM (1): NGUỒN GỐC CỦA SÁCH GIẢM GIÁ

Đứng ở vị trí của một độc giả, sách giảm giá, dù là 10% hay 20% đều khiến chúng ta cảm thấy rất thích thú, mà đến mức 50-60% càng tốt, tốt nhất là bán đồng giá 5000, 10.000/cuốn. Đứng ở vị trí của tác giả, tôi thường cảm thấy rất đau lòng khi nhìn cuốn sách của mình gắn thêm chữ “giảm giá” vào đó. Không phải chỉ riêng tôi, mà ngay cả các nhà văn lớn lẫy lừng cái ao tù Việt Nam

Tác phẩm là tài sản của chủ sở hữu tác quyền hay quà tặng gửi tới cộng đồng

Từ khi Việt Nam tham gia Công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả vào năm 2004, các đơn vị xuất bản, các tác giả và công chúng nước ta bắt đầu biết đến khái niệm “tác quyền” và hệ thống pháp lý liên quan. Thế nhưng, trong khi chúng ta còn đang loay hoay tuyên truyền về bảo vệ tác quyền, thì nhiều câu hỏi lớn xoay quanh vấn đề tác phẩm có nên được coi như tài sản tư hữu đã được

Thị trường sách Việt Nam (3): Sự vô nghĩa của phong trào nâng cao văn hóa Đọc

Đọc chùm bài “Thị trường sách Việt Nam” tại đây: https://hathuynguyen.com/tag/thi-truong-sach-viet-nam/ Trong “ĐỀ ÁN Phát triển Văn hóa Đọc trong cộng đồng Giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn 2030” của Thủ tướng chính phủ được thảo ra từ năm 2010, những số liệu được đưa ra để chứng minh rằng văn hóa đọc đang xuống cấp như sau: “2.2. Thói quen đọc: Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay số người đọc nhiều, đọc thường xuyên chiếm tỷ lệ 30%, số người thỉnh