Home Bình Luận Thị trường sách Việt Nam (4): Giá sách hiện nay có đắt không?

Thị trường sách Việt Nam (4): Giá sách hiện nay có đắt không?

Đọc chùm bài “Thị trường sách Việt Nam” tại đây: https://hathuynguyen.com/tag/thi-truong-sach-viet-nam/

Nhiều người cho rằng giá sách trên thị trường hiện nay vẫn còn quá đắt và đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng độc giả khó khăn trong việc tiếp cận tri thức. Đắt – rẻ tưởng như là một vấn đề mang tính định lượng, thế nhưng, nó lại là vấn đề tâm lý. Người chê đắt, người khen rẻ ít khi dựa trên những tính toán bằng con số mà dựa trên tình trạng của bản thân. Ở bài viết này, tôi sẽ làm rõ vấn đề “đắt – rẻ” của giá sách, để các bạn đọc có cái nhìn đúng đắn hơn và tìm cho mình những lựa chọn phù hợp.

Vào một ngày đẹp trời, bạn đi ra mua sách với 300 ngàn trong ví, cầm cuốn sách có giá trên 100 ngàn, bạn hẳn sẽ cho rằng cuốn sách ấy đắt. Do đó, bạn sẽ phải đắn đo và chọn các phương án rẻ hơn hoặc tìm các lựa chọn giảm giá. Thế nhưng, nếu bạn có 3 triệu trong ví, việc bỏ ra 100 ngàn để mua sách không phải là việc quá khó khăn với những ai thực sự yêu sách, thực sự muốn nâng cao nhận thức của mình. Thế nên, tình trạng túi tiền của bạn là một trong các yếu tố quyết định đến phán quyết rằng sách đắt hay rẻ đối với bạn.

Đương nhiên, một cuốn sách không ăn được cũng không nuôi sống được người đọc (trừ phi anh ta bán nó cho hàng sách cũ), thế nên sách trở nên không thiết thực đối với những ai thực dụng và coi đồng tiền hơn những điều khác. Khi đem sách lên bàn cân rằng “có hữu dụng” hay không thì đa số các cuốn sách đều có thể bị coi là “đắt”. Bởi vì, sách đôi khi không mang tính giải trí như chơi tàu lượn siêu tốc cũng không làm no bụng chúng ta như một suất cơm văn phòng. Do đó, nếu sách vượt quá 100 ngàn, thì nó có thể trở thành một khoản không đáng để chi. Thế nhưng, với những người coi trọng sách hơn miếng ăn hay những trò giải trí khác, thì với cái giá ấy vẫn có thể chấp nhận được, thậm chí khi tính ra vẫn còn là rẻ.

Người đọc Việt Nam hiện nay vẫn còn đọc sách theo kiểu đếm chữ ăn tiền, tức là sách mà dày hoặc chữ kín đặc thì đáng để bỏ tiền ra mua, còn những sách mỏng hơn mà bằng giá thì họ sẽ không mua. Có lần tôi đã chứng kiến một bạn đến mua sách ở chỗ tôi. Bạn ấy đến và hỏi mua cuốn “Giọt rừng” của Mikhail Prisvin. Đó là một cuốn sách rất hay mà tôi nhiều lần giới thiệu trên facebook. Bạn ấy lật từng trang, từng trang và nhận xét rằng: “Sao quyển này ít chữ thế”, rồi đặt lại quyển sách trên giá. Sau đó, bạn ấy quyết định mua cuốn “Nước Mỹ nhìn từ bên trong” của Donald Trump.

Đó là những lối suy nghĩ thường gặp dẫn đến việc người đọc đánh giá một cuốn sách là “đắt” hay “rẻ”. Thế nhưng, trên thực tế, nếu thử định lượng, ta sẽ thấy rằng trong một số trường hợp sách rất đắt so với giá trị của nó nhưng ở trường hợp khác thì sách lại rất rẻ.

Tôi đã từng thử tự in một tập sách dày 150 trang, giấy đẹp và chất lượng mực tốt, in 300 bản và bán ra thị trường với giá 85.000/quyển. Các khoản tôi phải chi bao gồm:

  • Xin giấy phép: 1.500.000
  • Thiết kế bìa + dàn trang: 500.000
  • Tiền in và đóng 300 bản sách: 5.000.000
  • Nhuận bút: 2.500.000
  • Truyền thông: 2.000.000
  • 20 cuốn nộp lưu chiểu: 340.000

Như vậy, tổng số tiền phải chi là: 11.840.000. Trong trường hợp 300 bản sách đều được bán hết thì số tiền tôi thu về là 25.500.000 đồng. Như vậy, tôi chỉ lãi hơn gấp đôi một chút. Tuy nhiên, thực tế kinh doanh không tốt đẹp như vậy vì thường người đọc chỉ mua rải rác, rả rích cả năm trời, có khi là 2 năm.

Tôi đã thử làm ở quy mô nhỏ như vậy. Còn các nhà sách thì sao? Họ còn phải trả tiền thuế, trả lương cho nhân viên, tiền thuê văn phòng, tiền biên tập, chi phí phát hành, tiền bản quyền (đối với sách dịch) …v…v… Và như thế để các bạn nhìn thấy rằng số tiền bạn mua một cuốn sách với giá 100 ngàn cho đến 300 ngàn với những cuốn có độ dày từ 300 đến 500 trang không phải là một cái giá quá đắt.

Ngoài ra, nếu bạn thử so sánh giá một cuốn sách với rất nhiều những khoản chi khác của chúng ta, các bạn sẽ thấy rằng chúng vẫn còn quá rẻ. Uống một cốc Ding Tea trong vòng 30 phút bạn có thể mất đến 50 ngàn, bằng một nửa một cuốn sách mà ai đó chê đắt. Đi xem phim mất 2 tiếng ở CGV cũng có thể lên tới 210.000/vé (phim hot) hoặc rẻ hơn cũng phải 90 ngàn đối với phim thường, ngang ngửa một cuốn sách thuộc loại dày. Vào công viên chơi các trò chơi chưa đến 1 phút/trò, bạn có thể mất từ 20 -40 ngàn/trò… Tóm lại, bạn có thể có rất nhiều các khoản chi bất hợp lý và vứt tiền vào hư vô nhưng lại tiếc tiền khi mua một cuốn sách.

Đương nhiên, với những bạn sinh viên nghèo mong muốn học hỏi, họ không có nhiều cơ hội cho các khoản chi bất hợp lý và cũng không có nhiều cơ hội để mua những cuốn sách mà họ cho là đắt tiền. Thế nhưng, có rất nhiều lựa chọn cho họ. Họ có thể đi làm thêm ở những quán café sách để được đọc sách. Tôi đã thấy những bạn sinh viên như vậy ở Trung tâm Văn hóa Đông Tây, ở Ngọc Tước Book Café – Vũng Tàu. Hoặc nếu không có cơ hội, các bạn có thể đăng ký thẻ thư viện của trường, hoặc thậm chí là Thư viện Quốc gia hay Thư viện thành phố. Và đừng vội chê rằng những cuốn sách trong đó lỗi thời. Bạn đã thử lục lọi đủ chưa? Hồi bé khi chưa kiếm ra tiền, tôi vẫn đọc sách ở thư viện và đặt chỉ tiêu cho mình rằng đọc hết những cuốn tiểu thuyết và những sách lịch sử trong đó. Nếu bạn chịu khó loay hoay ở các thư viện này trong vòng 1 năm, bạn đã có thể giắt lưng một vốn kiến thức thuộc loại khá rồi. Những cuốn sách mới ra, bạn hoàn toàn có thể để dành tiền và mua. Thị trường sách Việt Nam, dù gì cũng không có nhiều quyển đáng để mang về giá sách đâu.

Sách có loại đọc một lần rồi bỏ, loại sách này mà bán với cái giá 100 – 300 ngàn với một cuốn 300 -500 trang là đắt. Sách loại này thường là những cuốn có nội dung quá tệ (viết sai ngữ pháp, lập luận kém, các thông tin cung cấp không chính xác), hoặc những cuốn người đọc dễ dàng nắm bắt được nội dung (có thể là sách kỹ năng hoặc sách giải trí như ngôn tình, kinh dị, truyện cười…v…v…). Thế nhưng, có những cuốn người đọc phải đọc đi đọc lại mới có thể hiểu hết ý nghĩa sâu sắc trong đó, hoặc phải tra cứu thông tin nhiều lần mà những thông tin ấy lại hữu dụng cho công việc hay sự nghiệp riêng, thì những cuốn 300 – 500 trang có mức giá từ 100 đến 300 ngàn vẫn có thể coi là rẻ. Những cuốn này, thậm chí cần phải có mức giá cao hơn nữa để tác giả và dịch giả nhận được những phần nhuận bút xứng đáng hơn, chứ không thể để họ đồng hạng với các cây bút thị trường. Bởi vì, để có được một cuốn sách hữu ích với nội dung thâm sâu như vậy, người viết hoặc người dịch cần phải làm việc nỗ lực trong một thời gian rất dài có thể là 1-2 năm, cũng có thể là 5-7 năm, cũng có thể là trả giá bằng cả cuộc đời. Và đương nhiên, những người hiểu giá trị của họ sẽ chẳng bao giờ tiếc tiền để mua một cuốn sách như vậy.

Hà Thủy Nguyên

Thị trường sách Việt Nam (7): Khi văn hóa đọc thiếu nền tảng học thuật và pháp luật

Có lẽ chưa bao giờ văn hóa đọc lại nở rộ như ngày nay, đặc biệt là sự hỗ trợ từ chính quyền và các kênh báo đài chính thống. Không khí tấp nập nhộn nhịp trong các hội trợ sách, các hội thảo sách, các cuộc chạy đường trường cổ vũ phong trào đọc dường như làm sống dậy cái không khí Đông Kinh nghĩa thục: “Buổi diễn thuyết người đông như hội/Kỳ bình văn khách đến như mưa”. Chứng kiến cảnh “trăm hoa

Các lỗi sai trong dịch thuật triết học và Năng lực học thuật thực sự của nhóm NHẶT SẠN DỊCH THUẬT do ông Trần Đình Thắng chủ xướng

Trong những ngày vừa qua, Book Hunter và tôi trải qua một cuộc tấn công liên hồi của nhóm NHẶT SẠN DỊCH THUẬT do ông Trần Đình Thắng chủ xướng và facebooker Nguyễn Việt Anh, hai “dịch giả” mà chúng tôi chưa bao giờ “có cơ hội” làm việc cùng. Nhóm này, dưới danh nghĩa vì nỗ lực nâng cao chất lượng bản dịch, thường xuyên tấn công chúng tôi trong dòng sách triết học.  Xin được nói sơ qua những khó khăn trong việc

Thị trường sách Việt Nam (8): Kiểm duyệt theo “mùa”

Kiểm duyệt theo “mùa”, nghe có vẻ kỳ quặc nhưng đó là thực tế. “Mùa” ở đây không phải là vòng lặp thời gian theo từng năm, mà là vòng lặp thời gian theo từng kỳ đại hội. Cứ mỗi khi vào mùa đại hội, hệ thống kiểm duyệt lại làm việc chặt chẽ hơn từ thượng tầng trung ương cho đến các cơ sở xuất bản, báo chí, truyền hình… Sếp lớn, sếp nhỏ nào cũng sợ bị “dính phốt” nên không dám cấp

KHI VĂN HÓA ĐỌC THIẾU NỀN TẢNG HỌC THUẬT VÀ PHÁP LUẬT

Có lẽ chưa bao giờ văn hóa đọc lại nở rộ như ngày nay, đặc biệt là sự hỗ trợ từ chính quyền và các kênh báo đài chính thống. Không khí tấp nập nhộn nhịp trong các hội trợ sách, các hội thảo sách, các cuộc chạy đường trường cổ vũ phong trào đọc dường như làm sống dậy cái không khí Đông Kinh nghĩa thục: “Buổi diễn thuyết người đông như hội/Kỳ bình văn khách đến như mưa”. Chứng kiến cảnh “trăm hoa

Tác phẩm là tài sản của chủ sở hữu tác quyền hay quà tặng gửi tới cộng đồng

Từ khi Việt Nam tham gia Công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả vào năm 2004, các đơn vị xuất bản, các tác giả và công chúng nước ta bắt đầu biết đến khái niệm “tác quyền” và hệ thống pháp lý liên quan. Thế nhưng, trong khi chúng ta còn đang loay hoay tuyên truyền về bảo vệ tác quyền, thì nhiều câu hỏi lớn xoay quanh vấn đề tác phẩm có nên được coi như tài sản tư hữu đã được