Home Bình Luận THỊ TRƯỜNG SÁCH VIỆT NAM (2): XUẤT BẢN MỘT CUỐN SÁCH, VỪA KHÓ VỪA DỄ

THỊ TRƯỜNG SÁCH VIỆT NAM (2): XUẤT BẢN MỘT CUỐN SÁCH, VỪA KHÓ VỪA DỄ

Đọc chùm bài “Thị trường sách Việt Nam” tại đây: https://hathuynguyen.com/tag/thi-truong-sach-viet-nam/

Chưa bao giờ ở Việt Nam, xuất bản một cuốn sách lại dễ dàng đến thế. Chi phí rẻ, mọi sự cấp phép đều có thể mua, mọi sự quảng bá có thể dùng tiền để đánh đổi. Tóm lại, một tác giả có sách xuất bản không còn là niềm tự hào vì tri thức và tâm huyết của mình được công nhận nữa, mà tất cả chỉ đơn thuần là kinh doanh. Cách đây vài năm, người ta quen mồm lải nhải việc các nhà văn phải xây dựng “thương hiệu”. Lúc đó tôi đã cười khẩy vì thầm nghĩ rằng tri thức và tâm huyết của tác giả có thể quy đổi ra tiền – một thứ vốn dĩ rẻ rúng và không xứng đáng với những gì một tác giả phải bỏ ra. Nhưng trên thực tế, một sự hỗn loạn đã xảy ra khi ai ai cũng có thể xuất bản sách, ai ai cũng có đủ chiêu trò xây dựng thương hiệu. Vậy thì, việc xuất bản quá dễ dàng đã kéo theo nó một tình trạng “vàng thau lẫn lộn”.

Cách thức để xuất bản một cuốn sách

Bạn có một bản thảo cần xuất bản. Đừng lo lắng gì cả! Có rất nhiều hình thức để xuất bản. Nếu bạn là người dư giả về tiền bạc, chuyện này rất dễ dàng. Nếu bạn có thực tài mà không có tiền, câu chuyện sẽ vô cùng, vô cùng phức tạp.

Khi đã hoàn thiện bản thảo, việc đầu tiên phải làm đó là bạn phải gửi đến các nhà xuất bản hoặc các nhà sách để xin phép xuất bản. Tuy nhiên, các nhà xuất bản hiện nay vốn không có đủ tài chính với kế hoạch xuất bản dàn trải, họ sống bằng tiền bán giấy phép. Chỉ có một số các nhà xuất bản đủ sức sống trong thị trường sách hiện nay, như Nhà xuất bản Giáo dục (hiển nhiên, in sách giáo khoa quá bộn tiền), Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Tri Thức, Nhà xuất bản Hồng Đức, Nhà xuất bản Phụ Nữ… (Ở đây tôi nói “đủ sức sống”, có nghĩa là họ in sách và bán sách được ra thị trường chứ không sống bằng bao cấp hay bán giấy phép.) Vậy nên, có một “cửa sau” hiệu quả hơn đó là các nhà sách như Nhã Nam, Đông Tây, Alpha Book, Đinh Tị, Thái Hà Book…v…v… Chứng năng chính thống của các bên này vốn dĩ là phát hành, tức là sau khi nhà xuất bản cho xuất bản một đầu sách, sẽ phân phối cho các bên nhà sách để bày bán. Tuy nhiên, các Nhà xuất bản với năng lực kinh doanh yếu kém đã không thể đảm nhiệm đúng chức trách của mình. Một số nhà sách có năng lực kinh doanh, có mối quan hệ với tác giả và dịch giả, đã đảm nhiệm vai trò như một nhà xuất bản. Câu hỏi đặt ra là, tại sao họ không chuyển hẳn mô hình kinh doanh sang Nhà xuất bản để có thể đường đường chính chính về mặt danh nghĩa. Đây là điều khó, bởi luật xuất bản Việt Nam chưa cho phép nhà xuất bản tư nhân. Mà các nhà sách lại không có quyền cấp giấy phép xuất bản, thế nên họ buộc phải mua giấy phép từ các Nhà xuất bản (vốn vẫn thuộc hệ thống nhà nước).

Việc thứ hai bạn phải làm đó là… đợi. Nếu bạn bỏ tiền ra để in sách, quá trình “đợi” sẽ rút ngắn. Bạn chỉ phải đợi giấy phép từ nhà xuất bản. Nếu sách của bạn không động chạm quá nhiều đến chính trị và tên tuổi bạn chưa vào danh sách đen thì giấy phép là việc dễ dàng. Bạn sẽ mất từ 1 triệu rưỡi đến 3 triệu để có một giấy phép, tùy thuộc vào độ dày và uy tín của Nhà xuất bản. Nếu bạn không có tiền, bạn sẽ phải đợi biên tập đọc một lượt sách, nếu thấy sách có thể bán được và đạt được thỏa thuận với bạn, nhà sách mới mang đến nhà xuất bản để xin giấy phép. Qúa trình mất thời gian nhất đó là đợi biên tập của nhà sách duyệt về khả năng bán được của cuốn sách. Đây là một quá trình vừa mơ hồ vừa nguy hiểm, bởi đội ngũ biên tập của các nhà sách khá là kém trong khả năng thẩm định và chỉ dựa vào cảm tính để đánh giá mà không có quy chuẩn. Nếu bạn chịu mất tiền, bạn sẽ qua được cửa các nhà biên tập kém chất lượng này một cách dễ dàng.

Đó là hai bước phức tạp nhất, sau đó mọi thứ trở nên dễ dàng hơn ở các khâu sửa chữa, biên tập, chế bản. Vẫn là câu cũ, có tiền thì mọi việc sẽ nhanh, không tiền thì bạn chỉ biết đợi. Tôi đã xuất bản 4 cuốn sách ở diện không có tiền, có cuốn mất 2 năm sau khi nộp bản thảo, có cuốn mất 1 năm. Chờ đợi quả thực là dài đằng đẵng như chờ người yêu.  Tập thơ mới nhất, tôi quyết định tự in và tất cả mọi khâu từ A đến Z như xin giấy phép, thiết kế, chế bản, in ấn… chỉ mất có 3 tháng, trong đó đã mất 2 tuần vì vướng Tết.

Sau khi sách đã in xong, vấn đề còn lại là làm thế nào để sách tiếp cận được người đọc. Nếu sách của bạn được các Nhà xuất bản hay nhà sách chọn để xuất bản thì dễ rồi. Họ sẽ đảm nhiệm việc phân phối đến tất cả các hệ thống trong mối quan hệ của họ. Họ sẽ rải thông cáo báo chí trên một số website. Tốt nhất bạn nên có nhiều mối quan hệ trong giới báo chí và phê bình. Bạn có thể ỏn thót nhờ người viết bài giới thiệu, bài cảm nghĩ (có thể mất tiền hoặc không). Nếu bạn không có mối quan hệ, lại không có tiền nữa, thì dù tác phẩm của bạn hay đến đâu cũng chẳng ai quan tâm. Đó là lý do các bên xuất bản sách thường thích các tác giả có “thương hiệu”, bởi các bên ấy sẽ tận dụng được danh tiếng và mối quan hệ của tác giả, dịch giả mà không cần tốn tiền cho truyền thông. Tóm lại, nếu bạn có tiền và có quan hệ để mua người viết bài trên báo chí, tổ chức sự kiện ra mắt sách, mua quảng cáo…v…v… thì sách của bạn sẽ nhanh chóng nổi tiếng dù dở tệ. Còn nếu bạn viết hay đến mấy, nhưng không có tiền, không có quan hệ thì kể cả có ra được sách, bạn vẫn chìm nghỉm giữa mớ hổ lốn của thị trường sách Việt Nam mà thôi.

Thị trường sách như một mớ hổ lốn

Cơ chế dễ dãi như đã kể trên đã mang lại sự phong phú cho thị trường sách với các đầu sách đa đạng, được in dồn dập. Thế nhưng, nó lại tạo ra tình trạng vàng thau lẫn lộn. Tình trạng vàng thau lẫn lộn này đến từ mấy vấn đề tắc trách sau:

Thứ nhất là sự cấp phép của các nhà xuất bản. Các nhà xuất bản chỉ dựa trên một tiêu chí duy nhất: không đề cập đến vấn đề nhạy cảm. Trước đây, cái phổ “nhạy cảm” rất rộng. Nhưng hiện nay, phổ nhạy cảm chỉ gói gọn trong vấn đề chính trị mà thôi. Bất cứ cuốn sách nào, chỉ cần không chửi Đảng, không chửi Hồ Chí Minh, không chửi chính quyền thì đều có thể cấp giấy phép xuất bản. Trong khi ấy, nhiệm vụ của các Nhà xuất bản còn phải xem xét các vấn đề về bản quyền, chuẩn tiếng Việt và chuẩn kiến thức. Hiện có rất ít các Nhà xuất bản còn quan tâm đến vấn đề này khi bán giấy phép.

Thứ hai là đội ngũ biên tập hoặc cố vấn nội dung của nhà sách. Hầu như họ không có chuyên ngành về xuất bản, biên tập hay đánh giá thị trường cũng như năng lực của người viết. Tất cả đều dựa trên cảm tính hoặc mối quan hệ trong quá trình chọn lọc sách, thậm chí tệ hơn, khi tác giả bỏ tiền ra để in thì họ cũng không quan tâm đến chất lượng sách. Hiện không có nhiều nhà sách có đội ngũ biên tập viên hoặc cố vấn nội dung tốt, nhưng cái “tốt” ở đây vẫn dựa trên việc cảm tính tốt chứ không đánh giá được thị trường.

Thứ ba là giới phê bình sách hiện nay không còn viết bằng sự công tâm hoặc sự yêu thích với sách, mà chỉ viết khi có đơn đặt hàng hoặc bạn bè nhờ vả. Không có giới phê bình đúng nghĩa, tất cả chỉ còn là các chiêu bài PR sách. Người đọc chỉ có thể có niềm tin rằng sách được PR càng nhiều thì càng có chất lượng, bởi không thì tại sao Nhà xuất bản hoặc nhà sách lại bỏ tiền PR. Nếu bạn đọc lại phần trên sẽ rõ, câu chuyện PR sách không đơn giản như bạn tưởng.

Thứ tư là do chính người đọc như bạn và tôi. Nếu chúng ta dễ dàng tin tưởng vào những gì đập vào mắt chúng ta mà không tự rèn luyện, tìm tòi để xây dựng cho mình một chuẩn đọc riêng, thì chính thói quen đọc sách dễ dãi của chúng ta cũng là tác nhân gây ra sự hỗn loạn trong thị trường sách.

Cách đây 1 năm,  Ngôn tình – Ném đá ConfessionBook Hunter đã cùng nhau phanh phui sự việc đạo văn của cuốn tiểu thuyết “Thành Kỳ Ý”. Tôi nhắc lại sự việc này bởi cuốn tiểu thuyết là một minh chứng điển hình của những gì tệ hại đang tồn tại trong thị trường sách. Tôi sẽ không chê tổng thể nội dung là hay hay dở, tôi chỉ nhắc đến cái sai hiển nhiên của nó. Ngay từ chương 1 của cuốn sách, rất nhiều lỗi ngữ pháp có thể được phát hiện từ những câu văn không đầu không cuối. Và các bạn hãy tưởng tượng những chương sau của sách! Tệ hại hơn, đây là một cuốn sách đạo văn, không những đạo từ một cuốn sách khác mà  còn từ cả những bài báo du lịch trên mạng. Chưa kể đến các sai lầm về kiến thức lịch sử, chỉ cần 2 lỗi trên, bạn có thể tưởng tượng nó được Nhà sách Đông A duyệt đưa vào kế hoạch xuất bản, được Nhà xuất bản Văn học cấp giấy phép, được các báo tung hô như một tác phẩm tiểu thuyết lịch sử lừng lẫy? (Đọc thêm tại đây: https://bookhunterclub.com/tuong-thuat-scandal-dao-van-va-lua-dao-cong-dong-cua-du-an-tieu-thuyet-thanh-ky-y/ ) Thậm chí, khi cộng đồng mạng lên tiếng, các báo đưa tin, đơn kiện cả nghìn chữ ký gửi lên Cục xuất bản, cuốn sách vẫn được lưu hành trên thị trường và sắp tới đội tác giả “Thành Kỳ Ý’ sẽ cho ra quyển 2.

Thế đấy, khi bạn ra nhà sách hoặc lên các trang bán sách trên mạng để tìm sách, rất dễ để bạn trở thành nạn nhân của một thị trường hỗn loạn. Và nếu ai cho rằng văn hóa đọc ở Việt Nam đang phát triển vì các đầu sách được xuất bản rất đa dạng thì kẻ đó thật sự không hiểu gì về sách hoặc đang trục lợi từ thị trường hỗn tạp này. Vậy nên, hãy cân nhắc khi mua một cuốn sách.

Hà Thủy Nguyên

(Còn nữa)

Thị trường sách Việt Nam (8): Kiểm duyệt theo “mùa”

Kiểm duyệt theo “mùa”, nghe có vẻ kỳ quặc nhưng đó là thực tế. “Mùa” ở đây không phải là vòng lặp thời gian theo từng năm, mà là vòng lặp thời gian theo từng kỳ đại hội. Cứ mỗi khi vào mùa đại hội, hệ thống kiểm duyệt lại làm việc chặt chẽ hơn từ thượng tầng trung ương cho đến các cơ sở xuất bản, báo chí, truyền hình… Sếp lớn, sếp nhỏ nào cũng sợ bị “dính phốt” nên không dám cấp

Thị trường sách Việt Nam (6): Cộng đồng đọc sách và quyền lực của độc giả

Trong suốt dòng lịch sử của sách, các độc giả luôn đóng vai trò như “người tiêu dùng” cho các sản phẩm và tác phẩm của các tác giả, dịch giả. Họ bị định hướng bởi các nhà phê bình, nhà báo – những người chỉ cho các độc giả biết cuốn sách nào là hay, cuốn sách nào là dở. Do đó, các độc giả chỉ là thần dân trong vương quốc tri thức mà họ chỉ có nghĩa vụ tuân thủ các chỉ

Thị trường sách Việt Nam (10): Đắt rẻ giá sách và quan niệm kinh tế bao cấp

Năm 2020, dịch bệnh COVID-19 ập đến khiến các đơn vị xuất bản sách lao đao, nhưng ngay lập tức, thị trường sách Việt Nam đã chuyển mình thích nghi với dịch bệnh. Chính trong thời điểm cách ly, nhu cầu đọc sách tăng (cả về số lượng và đòi hỏi chất lượng), và nhờ thế các đơn vị làm sách cũng xuất bản nhiều cuốn sách thuộc dòng "khó đọc" hơn. Trong hai năm 2020 và 2021, kéo dài đến hết quý I -2022,

Tác phẩm là tài sản của chủ sở hữu tác quyền hay quà tặng gửi tới cộng đồng

Từ khi Việt Nam tham gia Công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả vào năm 2004, các đơn vị xuất bản, các tác giả và công chúng nước ta bắt đầu biết đến khái niệm “tác quyền” và hệ thống pháp lý liên quan. Thế nhưng, trong khi chúng ta còn đang loay hoay tuyên truyền về bảo vệ tác quyền, thì nhiều câu hỏi lớn xoay quanh vấn đề tác phẩm có nên được coi như tài sản tư hữu đã được

Thị trường sách Việt Nam (5): Trớ trêu sách dịch

Những người yêu sách và có tri thức ở Việt Nam không ít lần phải bực bội khó chịu với những bản dịch được xuất bản có nhiều sai sót. Người ta thường đổ toàn bộ trách nhiệm cho dịch giả, thế nhưng để có một bản dịch tệ hại thì cần có sự tồn tại của một hệ thống biên tập thiếu chuyên môn và một hệ thống giảng dạy tiếng Anh thiếu trách nhiệm. Một bản dịch tệ thường có rất nhiều kiểu sai