Home Bình Luận Văn hóa sùng bái chiến tranh trong tín ngưỡng của người La Mã cổ đại và ảnh hưởng tới phương Tây

Văn hóa sùng bái chiến tranh trong tín ngưỡng của người La Mã cổ đại và ảnh hưởng tới phương Tây

Nếu người Hy Lạp cổ đại sùng bái trí tuệ và sự khéo léo, thì người La Mã cổ đại coi chiến tranh như biểu tượng của sức mạnh và sự vĩ đại, và trong suốt lịch sử phát triển, chiến tranh trở thành cột trụ của nền văn hóa mà đến ngày nay vẫn ảnh hưởng đến thế giới phương Tây.

Sự tôn sùng các vị thần chiến tranh

Trước khi Julius Caesar thành lập đế chế Roma vào thế kỷ I trước Công Nguyên, La Mã là dải đồng bằng phì nhiêu tập hợp đa sắc tộc các nhóm nông dân và du mục. Khác với Athens và các thành bang khác của thế giới Hy Lạp cổ xưa, giao thương không phải là hình thức kinh tế chủ đạo của các sắc tộc Latins như Sabines, Etruscans… mà nông nghiệp và chiến tranh là cốt lõi của đời sống xã hội. Từ đó, hình thành nên một hệ sinh thái văn hóa phục vụ đời sống nông nghiệp và chiến tranh.

Văn hóa La Mã cổ đại là sự pha trộn giữa các yếu tố của những sắc tộc Latins với các yếu tố du nhập từ Hy Lạp, Carthage và có lẽ là từ đô thành Troy huyền thoại. Theo sử thi “Aeneid” của Virgil, người anh hùng Aeneas của Troy (cũng từng xuất hiện trong sử thi “Iliad” của Homer), đã tới Ý và trở thành tổ tiên của người La Mã cổ đại. Aeneas đã thực hiện cuộc hành trình từ Troy, qua Carthage, rồi đến vùng đất của các nhóm sắc tộc Latins. Tại đây, chàng được vua Latinus gả con gái và giúp vua Latinus chống lại những đợt tấn công từ các tộc láng giềng sau đó kế vị cai trị các tộc Latins. Theo thần thoại, Aeneas là con trai của thần Venus (thần tình yêu của người La Mã, thường bị đồng nhất với nữ thần Aphrodite của Hy Lạp) và một hoàng thân của Troy. Ngay sau đó, một khoảng trống lớn trong huyền sử các bộ tộc Latins đã kéo dài cho đến khi anh em Romulus xuất hiện với thân phận thuộc dòng dõi của Aeneas và là con của thần chiến tranh Mars (thường bị đồng nhất với thần chiến tranh Hy Lạp Ares). Cũng từ đây, yếu tố chiến tranh trong văn hóa La Mã trở nên rõ nét.

Người anh hùng Romulus đạt được vị trí thống soái các bộ tộc Latins không phải bằng hôn nhân chính trị như Aeneas, mà bằng vũ lực. Ông cùng với người em trai của mình và đồng đội (có lẽ thuộc nhóm Etruscans, vì ông là nhân vật xuất hiện thường xuyên trong các tác phẩm điêu khắc của sắc tộc này), đã tấn công người Sabines, hãm hiếp phụ nữ Sabines để duy trì nòi giống. Chiến thắng của Romulus khiến ông được tôn sùng như một vị thần chiến tranh và được xưng tụng là Quirinus, mà nghi lễ tế tự ông tái hiện cái chết của chính ông, khi ông bị ám sát và xé xác bởi chính các quý tộc trong hội đồng nguyên lão. Romulus – vị nhân thần đại diện cho mọi phẩm tính chiến tranh, dường như vừa là biểu tượng khiến các quý tộc và người dân Latins ngưỡng mộ, lại vừa khiến họ khiếp sợ. Và quyền lực quân sự, đối với hội đồng nguyên lão La Mã trong nhiều thế hệ, là thứ cần được phân tán chứ không thể tập trung hóa. Với hệ nhận thức về chiến tranh ấy, không hề lạ khi cũng lại hội đồng nguyên lão của đế chế La Mã sau này, đã chọn cách ám sát Julius Caesar và tước bỏ quyền lực của đại tướng quân Marc Antony vào thế kỷ I trước công nguyên.

Dẫu rằng sợ hãi quyền lực quân sự tập trung trong tay một độc tài, nhưng người La Mã lại có một tinh thần hiếu chiến lạ lùng. Các vị thần của họ, dù có các chức năng khác nhau, nhưng đều đảm nhiệm thêm nghĩa vụ phò trợ chiến tranh, ngay cả những vị nữ thần vốn dĩ chẳng liên đới trực tiếp chút nào như Juno và Venus. Các vị thần trong thần thoại La Mã, trước khi được tích hợp với thần thoại Hy Lạp do quá trình xâm chiếm Hy Lạp và tiếp thu thần tích, chủ yếu có nguồn gốc từ Sabines và Etruscans. Trong số đó, một loạt các vị thần đều mang danh thần chiến tranh, bao gồm: Jupiter (thần Bầu Trời, tương ứng với Zeus), Saturn (thần Thời Gian, tương ứng với Chronus), Mars (thần Chiến Tranh, tương ứng với Ares), và Janus (không có vị thần tương ứng trong thần thoại Hy Lạp, vị thần của Chuyển Giao, giao điểm giữa hòa bình và chính tranh)… Nữ thần Juno vốn đại diện cho nữ giới và sự sinh để, tương ứng với thần Hera thì lại được miêu tả như một nữ chiến binh. Và Venus – vị thần tình yêu, luôn đi theo bước chân chinh chiến của những người lính La Mã, bởi giao phối với phụ nữ của đối thủ chính là là biểu tượng cho chiến thắng. Văn hóa chiến tranh bạo lực thấm đẫm trong những nghi lễ của người La Mã, từ những cuộc giác đấu giải trí tại đấu trường cổ đại kì vĩ, cho đến những nghi lễ tái hiện các chiến tích chinh phạt lừng lẫy, nghi lễ hiến tế nô lệ đẫm máu dâng lên các vị thần…

Đồi Capitol và nỗi ám ảnh xuất chúng

Đồi Capitol tại trung tâm Roma là đại diện cho quyền lực của La Mã, nơi các vị thần tối cao được tôn thờ trong bầu không khí trang nghiêm và hùng tráng, với tinh thần khích lệ chiến tranh và không ngừng thịnh vượng. Sự giàu có và quyền uy của La Mã, với quyền lực trải rộng và đường biên liên lục được nới mênh mông đã trở thành ao ước của nhiều thế hệ cai trị tại Châu Âu dù cho thời đại của các Caesar chỉ còn là quá vãng và bị coi như một nền văn hóa dị giáo. Các vị vua phương Tây tiếp tục duy trì hội đồng của các quý tộc, đua nhau gây chiến với Trung Đông và các bộ tộc Đông Âu để tìm kiếm của cải và nô lệ, liên tục mở ra những cuộc viễn chinh và thám hiểm trên khắp thế giới như các Caesar đã từng thực hiện. Đồi Capitol đã được tái hiện ở Hoa Kỳ tại thủ đô Washington, mô phỏng theo La Mã. Khi châu Âu bắt đầu chuyển dần sang mô hình Hy Lạp với sự đề cao khoa học, nghệ thuật và phát minh, thì Hoa Kỳ chọn chủ nghĩa xuất chúng và quyền lực chiến tranh làm nền tảng cho văn hóa của mình. Sử gia người Pháp Alexis de Tocqueville đã mô tả nước Mỹ như một đất nước “đặc biệt” hơn hẳn các quốc gia khác. Và chính tổng thống Woodrow Wilson sau hòa ước Versailles cũng tuyên bố “Cuối cùng thế giới cũng biết được rằng nước Mỹ chính là cứu tinh của thế giới này”. Theo cuốn sách “Nước Mỹ chuyện chưa kể” của sử gia Peter Kuznick và đạo diễn phim tài liệu Oliver Stone, động lực về một nước Mỹ xuất chúng, một nước Mỹ vĩ đại như La Mã khi xưa, đã luôn thôi thúc nước Mỹ phát triển thành một mô mình “đế chế kiểu mới”, chưa từng có trong lịch sử. Mặc dù không chiếm lĩnh đất đai và kiểm soát dân số ở các quốc gia khác, nhưng nước Mỹ đã thúc đẩy sự kiểm soát kinh tế trên khắp thế giới và củng cố bằng quyền lực quân sự với vũ khí và trang thiết bị tối tân. Phong cách kiến trúc La Mã phổ biến trong tất cả các công trình tại Washington và giải trí của Mỹ nối tiếp xu hướng xây dựng hình mẫu những người hùng chiến binh chinh phạt và cứu rỗi nhân loại thông qua phim ảnh đại chúng, các trò chơi thể thao, các trò chơi điện tử…

Nhưng văn hóa chiến tranh không giúp quyền lực của La Mã vững bền mãi mãi. Giống như bao cuộc hưng phế trong lịch sử loài người, đế chế La Mã cũng sụp đổ và được thay thế bằng các quốc gia mới. Mặc dù được xây dựng nền tảng từ quân sự, nhưng điều làm nên sự vĩ đại của La Mã không phải là sức mạnh quân đội mà là những thành tựu rực rỡ của triết học, nghệ thuật. Tương tự như vậy, điều làm nên sự vĩ đại của châu Âu không phải những cuộc thánh chiến mà là nền tảng học thuật sâu rộng, sự vĩ đại của “đế chế” Hoa Kỳ không đến từ vũ khí hạng nặng hay quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki mà đến từ nền tảng khoa học kỹ thuật với những phát minh tiện ích thay đổi toàn bộ đời sống lao động của con người. Văn hóa chiến tranh lan rộng trong một xã hội thường đánh dấu sự suy đồi của đạo đức bởi nó thúc đẩy tính chất hiếu chiến man dã và bản năng trong con người.

Xenophon, triết gia Hy Lạp, người đã từng dấn thân với vai trò cố vấn quân sự đã chọn cách “khéo thua” để bảo toàn lực lượng cho quân đội của vua Cyprus, từng luận như sau khi bàn về thứ văn hóa chiến tranh: “Hãy ghi nhớ lấy bài học lịch sử. Hãy nhớ về những dân tộc bị những người “thông thái” thuyết phục tham chiến để rồi bị giết hại bởi chính kẻ địch mà họ đồng ý tấn công! Hãy nhớ những chính khách khởi xướng chủ trương quyền lực mới rồi thì cũng bị lật đổ bởi chính người ủng hộ họ. Hãy nhớ, những thủ lĩnh đối xử với bạn bè như nô lệ rốt cuộc sẽ bỏ mạng trong cách cuộc cách mạng được hình thành do những phương pháp cai trị ngu ngốc của họ. Bao nhiêu người đàn ông quyền lực đã khao khát thống trị thế giới, và bởi lạm dụng quá mức, đã đánh mất tất cả những gì họ từng sở hữu.“ Văn hóa chiến tranh mà trong đó khuyến khích vũ lực và bạo tàn luôn là con đường nhanh chóng dẫn đến hủy diệt, không chỉ với quyền lực mà với toàn bộ xã hội.

Hà Thủy Nguyên

Bài đã đăng trong tạp chí Văn hóa Quân sự

Đọc thêm về khao khát xuất chúng của nước Mỹ: Những quyền lực ngầm chi phối chính trị Mỹ (1): Chủ nghĩa nước Mỹ xuất chúng – BOOKHUNTER – Đọc để nhận thức một thế giới đa chiều (bookhunterclub.com)

Tìm hiểu thêm về Thần thoại La Mã: Lưu trữ Thần thoại La Mã – Cộng đồng Tác giả và Dịch giả (foxstudy.org)

Chiến hay Hòa – lựa chọn khó khăn trong lịch sử Việt Nam

Với vị trí của một quốc gia ven biển, thường xuyên đối mặt với rủi ro xâm chiếm từ các triều đại phương Bắc, luôn canh chừng sự xâm nhập của các nước lân bang ở phía Tây và Nam… hết thế hệ này đến thế hệ khác, các chính quyền dẫu khác biệt về thể chế, nhưng luôn đối mặt với lựa chọn Chiến hay Hòa. Và các lựa chọn này dường như không có công thức chung rõ rệt, mà bị chi phối