ANH HÙNG LUẬN (2): GIẤC MƠ HOA ĐÀO CỦA LÝ CÔNG UẨN

Thời nào cũng có những anh hùng, kẻ thành người bại, tất cả rồi sẽ đi vào cõi chết, nhưng khí phách thì vẫn còn mãi. Chúng tôi xin gửi tới bạn đọc chùm tản văn luận bàn về các số phận anh hùng, nửa dựa trên lịch sử, nửa do tác giả Hà Thủy Nguyên cảm khái mà viết nên.

Đọc các bài Anh hùng luận khác tại đây: https://bookhunterclub.com/tag/anh-hung-luan/

“Tận nơi lầy lội tối tăm, hàng vàn sâu bọ ăn mòn muôn dân trong chiến trận. Kìa lũy thành, kìa ngựa hí! Khói sa trường mờ mịt ánh dương quang. Ôi những hồn cổ sa lầy, tấn kịch cũ ngày ngày tái diễn.”

Ta đứng bên bờ con sông  âm phủ lững lờ trôi. Dưới đáy đục ngầu nghiệp quả, những gương mặt quằn quại trầm luân. Cõi Việt kia máu nhuộm sông, trời u ám mùa tận diệt. Ta trút bỏ sự huy hoàng thần thánh, nhúng chân mình xuống dòng âm thủy. Ta chọn cuộc chơi luân hồi, ai thấu được chăng ai? Người ấy đứng bên kia sông, im lặng nhìn đá tam sinh chữ đã mòn dần.

Ta thác sinh làm đứa trẻ mồ côi họ Lý vùng Cổ Pháp. Khi ta cất tiếng khóc kinh tâm động phách, Lý thị đã diệt vong. Bại bởi bàn tay Đinh Bộ Lĩnh, âu cũng đáng, Bộ Lĩnh e ngại Lý thị nổi dậy, sai người tận diệt người họ Lý trên đất Việt. Đến lượt Lê Hoàn, nỗi e sợ này vẫn không hết. Người họ Lý trên đất Việt bị tàn sát không thương tiếc. Ta nhờ Khánh Văn thiền sư nâng đỡ mà qua được cơn hoạn nạn, lại nhờ Vạn Hạnh thiền sư mà tài trên thiên hạ. Lừng lẫy trên tất thảy chỉ mình ta.

Ngày lại ngày, nửa phần ta tụng niệm chốn cửa Thiền, nửa phần ta ôm giấc mộng đế vương. Cửa Thiền chật hẹp ư? Ta thấu lẽ sắc không, hiểu vòng tục lụy, song, đã dẫm bước luân hồi sao còn tiếc đời thoát tục? Ai kia bên đá tam sinh ngày ấy, lòng có sầu bi vì nỗi ta đắm chìm trong thế cuộc?

Một chiều xuân, ta theo sư phụ Vạn Hạnh vào cung tiếp kiến Lê Hoàn. Chân ta từng bước dẫm trên cánh đào, nghe từng khắc mùa xuân tàn úa. Câu chuyện Thiền ngăn sao nổi khí dương xuân. Đứng giữa thiên triều, mặt đối mặt cùng Lê Hoàn gian hùng một thuở, nhưng lòng ta  đã lang thang theo gió, lay rụng trận mưa hoa.

Lạ chưa, kìa gót chân ai lướt trên cánh đào… Dáng ai lướt thướt bạch y nép dưới hoa, tay vuốt cánh đào, khẽ thở dài mênh mông. Người đứng đó buồn sâu thẳm, tựa hồ cố nhớ nghìn xưa. Người thấy ta chăng, người không thấy ta chăng? Tất thảy chỉ chập chờn hư ảo. Ta chỉ là làn gió xuân non trẻ, lạc khỏi xác mình vào một buổi tà dương.

Giật mình, quỳ gối nhận sắc phong. Lê Hoàn đã ban cho ta quyền chức. Hắn quên rằng ta là người họ Lý. Ta mỉm cười khoan khoái. Lần đầu tiên ta nhận thấy, mưu đồ bá vương chẳng bằng cánh đào phai. Mặc thế gian kia tranh đoạt, ta chỉ muốn được cùng người trôi nổi bến đào hoa.

“Này hoa… người có phải cố nhân từ ngàn kiếp? Ta đang mộng ư? Hay người đang mộng ? Mộng nào rồi cũng tan. Hoa nào rồi cũng tàn. Đế vương nghiệp rồi cũng đến ngày sụp đổ. Chỉ cửa Thiền kia là mênh mông, nhưng ta có gặp được người giữa mênh mông ? »

Tiếng ai thánh thót dịu dàng vang bên tai ta. Đó là công chúa Phất Ngân của Lê Hoàn. Ta đưa mắt lén nhìn công chúa. Chẳng phải người sao? Người vuốt cánh đào dưới chiều xuân man mác. Ta không nằm mộng. Ta cũng không ở trong giấc mộng của người. Ta và người đang cùng trong một giấc mộng miên viễn của triệu triệu kẻ vô minh.

Bên cạnh Phất Ngân là Long Đĩnh và Long Việt. Long Đĩnh thực là một trang nam tử đầu đội trời, chân đạp đất. Một ánh nhìn có thể thâu tóm cả giang sơn. Long Việt phong lưu thanh thoát, thực là rất vừa ý ta. Cuộc gặp hôm ấy, ta mới thật sự bước vào cuộc luân hồi.

“Than ôi, anh hùng lại gặp anh hùng, trăm vạn điều tâm đắc, nhưng không thể không chém giết nhau. Anh hùng gặp mỹ nhân, một lòng tình chung quyến luyến, lại khoác bên ngoài tấm áo quyền mưu. Ngoài mặt mỗi lời như dao cứa, thâm tâm thổn thức tình xưa. Anh hùng mưu nghiệp lớn chua xót là vậy. Mai này về trời, người  có thấu lòng ta?”

Phất Ngân và ta vui tình phu phụ. Long Đĩnh, Long Việt vì tranh đoạt mà tàn hại lẫn nhau. Ngày lưỡi kiếm của Long Đĩnh đâm nát tim Long Việt, ta đã ôm  Việt khóc. Đĩnh có hiểu nước mắt của ta:

“Ta than khóc Việt, nào phải vì đau đớn cho Việt. Việt vốn dĩ không nên thác sinh vào thế cuộc này. Ta khóc cho ta và Long Đĩnh. Cùng tâm đắc nhau mà mai kia phải chĩa mũi kiếm vào nhau. Đĩnh có hiểu nước mắt ta không?”

Ta ngước mắt nhìn Đĩnh. Đĩnh thoáng bối rối thở dài:

– Ấy mới thực là bậc trung lương! Công Uẩn, ngươi cứ giữ phận của ngươi, ta sẽ làm tròn phận của ta.

Long Đĩnh chấn chỉnh kỷ cương, thiết lập giao thương, bội phần xuất sắc hơn Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn. Giá như Long Đĩnh có chút ngụy quân tử, hẳn đã trở thành vị đế vương bậc nhất của nước Việt. Tiếc thay, bản tính hoang sơ khó đổi. Long Đĩnh lên ngôi, bắt sư sãi hoàn tục. Đĩnh róc mía trên đầu kẻ nào không chịu cởi bỏ áo cà sa. Ta hiểu lòng Đĩnh. Nhiều năm loạn lạc, kẻ biếng nhác hèn mạt thường trốn vào chùa giảng đạo để lừa dân. Chúng làm nhiễu loạn chính pháp, khoác áo thày tu nhân buổi giao thời rao bán cõi Tịnh Độ, cõi Niết Bàn. Dẫu biết điều Đĩnh làm là cần thiết, nhưng sư phụ Vạn Hạnh và nghĩa phụ Khánh Văn của ta vẫn không thể đồng tình với hành động róc mía trên đầu sư. Từ ấy, hai vị cùng với triều thần đá ngầm có ý đưa ta lên ngôi.

“Ta có muốn ngồi trên ghế thiên tử? Đó là giấc mộng thời trẻ của ta. Long Đĩnh đối với ta không bạc. Chỉ hiềm một nỗi, hai con rồng sao có thể ở chung vũng lầy chật hẹp này. Ta vừa muốn ngôi thiên tử, ta vừa tiếc cái tài, cái tình của Đĩnh. Ra tay với Đĩnh như bá quan mong muốn ư? Ta không thể! Anh hùng chỉ có thể diệt tà ma, sao có thể diệt anh hùng.”

Một ngày, Long Đĩnh đổ bệnh, chỉ có thể nằm mà tiếp triều, kẻ không hiểu miệt thị Đĩnh là “Ngọa Triều”. Ta không miệt thị Đĩnh, không đắc thắc, chỉ đơn giản là số mệnh của Đĩnh đã hết. Vũng lầy Đại Cồ Việt này không phải chỗ cho những kẻ quá cương liệt như Đĩnh. Đĩnh mang bệnh bởi vũng lầy này quá chật hẹp, không đủ để tráng chí loài rồng bay bổng.

Phút cuối, chỉ còn ta bên giường Đĩnh. Đĩnh hổn hển mấy lời:

-Ta qua đời, ngươi sẽ phò tá thái tử như Ngũ Tử Tư năm xưa phò tá Phù Sai, hay sẽ cướp ngôi như cha ta?

Ta chắp tay cảm khái:

-Ta cảm cái ơn tri ngộ của hoàng thượng. Hoàng thượng biết ta là người của Lý thị, vẫn không giết. Hoàng thượng không sợ sấm truyền sao ?

Long Đĩnh bật cười ha hả :

-Khá khen cho Uẩn ! Làm rồng ẩn mình trong thân chó, quả có bức bối cho ngươi. Lúc này đây, ta vẫn có thể chém đầu ngươi để bảo toàn ngai vị cho thế tử. Ngươi không sợ sao ?

-Ta hứa với ngươi khi lên ngôi, con ngươi sẽ được ta nuôi dạy thành tài. Nếu chúng có đủ khí chất, chúng vẫn có thể giết ta và con cháu ta nhằm khôi phục quyền lực họ Lê. Thay triều đổi đại âu cũng là lẽ thường tình mà thôi, với ta điều đó không thực coi trọng.

Long Đĩnh trầm ngâm nhìn Uẩn với ánh mắt nghi ngại :

-Ngươi coi trọng điều gì ?

Ta im lặng. Điều ta coi trọng ư ? Sao có thể nói rõ trong một lời. Long Đĩnh khi đã về cõi thần chắc hẳn sẽ nhớ ra. Đĩnh sẽ biết ta xuống đây rốt cuộc vì điều gì. Đĩnh cũng im lặng cùng ta. Không oán trách, không kỳ vọng. Đĩnh nhếch mép cười :

-Nếu còn có kiếp sau, chúng ta đừng trở thành hai con rồng chung một vũng lầy… Vũng lầy này, ta giao lại cho ngươi, mặc ngươi vẫy vùng ngang dọc. Ta nay cũng mệt rồi !

Đĩnh ra đi trong cái nhếch mép ấy. Nếu không có cái nhếch mép, ta sẽ coi hắn như mọi kẻ đã đại bại dưới tay ta. Hắn nhếch mép rồi ra đi càng khiến ta bội phần nể phục. Giờ đây, cơ nghiệp họ Lê nằm gọn trong tay ta, nhưng lòng Phất Ngân có còn thuộc về ta không, ta nào đoán được.

Phất Ngân ngày đầu gặp ta thường vận bạch y, trở thành phu nhân của ta người vẫn vận bạch y, nay liên tiếp mang cái tang của cha, của hai em, người không thể không vận bạch y. Người không tô son điểm phấn vì ta. Ở bên ta người không hẳn là vui, cơ đồ nhà Lê suy sụp người không hẳn là buồn. Ta chỉ biết rằng ánh mắt người luôn dõi theo ta, như khi người ở bên đá tam sinh xưa kia. Liệu người có còn nhớ ngàn ngàn kiếp trước như ta chăng ?

Ngày đăng cơ, ta mới thực hiểu thấu sự tĩnh lặng bên trong Phất Ngân. Cơ đồ nay đã thuộc về ta, ta chẳng mảy may chút gì hào hứng. Rồi tất thảy có thể như giấc mộng hoàng lương, khi ta tỉnh dậy nồi cháo kê vẫn còn chưa chín. Lúc ấy, thân phận kẻ làm vua như ta mới là kẻ nằm mơ, hay thân phận kẻ tỉnh dậy bên nồi kê mới là kẻ nằm mơ.

Cưỡi thuyền rồng đưa cả triều đình dời về Đại La, lòng ta lạnh như nước mùa thu. Cửa Thiền đã khiến cõi lòng ta lạnh nhạt hay bẩm sinh ta lạnh nhạt nên mới rơi vào chốn cửa Thiền. Một cơn mưa rào đổ xuống, lộp độp trên nóc thuyền. Đi trong mưa là cái thú của ta. Ta thích thú  với những gì từ trên trời rơi xuống : tia nắng, ánh trăng, giọt mưa, tuyết… và cả thiên thạch mang đến điềm hủy diệt.

Mưa tạnh. Trời trong vắt mùa thu. Một đám mây vàng cuộn hình rồng hướng về phía mặt trời. Bá quan văn võ trầm trồ nhìn đám mây. Chỉ là một đám mây thôi mà. Bá quan coi đó là điểm lạ. Ta chiều theo sự trầm trồ của bá quan mà đổi tên Đại La thành Thăng Long. Chỉ là đám mây rồng và nó có thể sẽ tan. Liệu đó có phải dấu hiệu hay là lời Long Đĩnh nhắn gửi ta?

“Vùng đất vũng lầy này ta sẽ đổi tên thành Đại Việt. Ta không thể yên lòng khi cát cứ vẫn còn nhiều. Ta ở đây để chấm dứt thời chiến loạn và tối tăm. Ta sẽ thôn tính các vùng cát cứ. Trăm họ phải quy thuận ta. Mọi thứ thô lậu sẽ được thay thế bằng tao nhã, sự kém cỏi sẽ bị xóa sổ bởi khuôn khổ. Cướp cơ đồ có để làm gì nếu không thể khiến muôn vật trở nên đẹp hơn.”

Đó là lời ta tự nhủ lòng mình. Mười chín năm ở ngôi vua, ta không ngày ngừng nghỉ. Sự thô lậu, sự kém cỏi vẫn còn đầy rẫy. Nhiều đêm ta giật mình thức dậy những tưởng cái chết sắp đến gần, cứ nghĩ sẽ không kịp để hoàn thành đại nghiệp. Khi rong ruổi thân chinh giết giặc, khi đau đáu nghĩ kế an dân, khi đích thân vi hành tìm nhân tài ẩn dật. Sống ở vũng lầy, ta không cố gắng gieo trồng, ai sẽ làm thay ta đây ? Mười chín năm ấy trôi qua, ta đã vào tuổi ngũ tuần, tóc điểm vài sợ bạc. Mười chín năm vẫn là Phất Ngân lặng lẽ bên ta. Không một lời thốt ra, nhưng tâm sự trùng trùng chất chứa.

Mười chín năm, vào một chiều xuân, ta nằm bên giường bệnh. Hoa đào phai rơi kín lan can. Một đời dằn lòng, giấu mọi mũi nhọn cảm xúc vào tim, ta chỉ mong được một lần khẽ vuốt cánh đào rơi. Một cuộc chính biến bên ngoài êm thấm, ai biết lòng ta toan tính trăm mối tơ vò. Không thể hại được ai, rốt cuộc chỉ hại chính mình. Nhói đau từng cơn trong tim theo mỗi đợt gió về. Sức ta không còn như xưa, cái xác này quá cũ rồi. Giang sơn đà đổi mới, thời ta nay đã tàn. Người ở lại thay ta gìn giữ cơ đồ. Ta giờ mệt mỏi như Long Đĩnh ngày ấy. Bên kia bờ sông âm phủ, Long Đĩnh đang đợi ta uống chén rượu nhạt, kể vài chuyện suông nơi trần thế.

Ta mấy bận ra đi, người mấy bận ở lại. Không biết khi về cõi thần ta và người còn duyên gặp gỡ hay chăng. Ta nghe bước người đang vội vã đến bên ta, gót hài vô tình dẫm lên cánh hoa đào. Người có còn kịp nhìn ta lần cuối để lưu lại hình bóng ta tới kiếp sau? Hay người chỉ nhớ sự nghiệp anh hùng của ta để rồi mai này lầm lẫn với một ai đó khác? Mà thôi, còn duyên còn phận, còn hoa đào, người và ta sẽ còn duyên gặp lại.

“Than ôi! Mệnh của ta đã cạn! Phận của ta đã xong! Con rồng đã thoát khỏi vũng lầy để bay lên cao thẳm. Ta uốn mình giữa thiên thanh, rưới mưa lên trần thế. Rả rích giọt sầu. Đất Đại Việt lạnh hương đưa. Tiếng chuông chùa thong thả tiễn hồn ta về trời. Nỗi buồn của anh hùng, loài người kia không thể hiểu. Sự giải thoát của anh hùng, chỉ ta hiểu mình ta.  Xác trần bỏ lại trần gian. Tên tuổi bỏ lại sử xanh. Ngai vị bỏ lại hậu thế. Đào hoa bỏ lại người thương”

Lý Bạch đời Đường đã viết rằng :

« Sự khứ phất y liễu

Thân tàng thâm dữ danh »

Nghĩa là :

« Việc xong rũ áo ra đi

Xóa nhòa thân thể, kể gì tiếng tăm »

 

Hà Thủy Nguyên

Ma mơ mơ ma

Ma mơ mơ ma…

Mơ cõi vong tình nơi giếng cổ

Mơ mùa trăng lọt đáy khe xanh

Mơ cốt tang thương ngoài biên tái

Mơ hẹn ngày về kiếp luân sinh

 

Mơ ma ma mơ…

Ma phong chướng khí vương niềm tục

Ma tâm lả tả rụng bên ngàn

Ma mị phất phơ men hồ điệp

Ma giới tan tành trong nỗi đau

 

Ôm lòng ma…

Đoái trông tiền kiếp

Cắt nghĩa cơn mơ ta tự mơ ta

Hướng về mai hậu

Ta bẫy ta vào cơn mơ ẩn ngữ

 

Ma mơ ma mơ

Mơ ma mơ ma

Gió hú khúc vong hồn

Mưa cưa mòn bạch cốt

Nhân ảnh động

Ma tâm loạn

 

Mơ mơ mơ mơ

Mưa mưa mưa mưa

Xưa xưa xưa xưa

Âm âm cổ khúc

Ai đáp ai thưa

Giữa cơn ma mộng?

Phỏng vấn nhà văn Nguyễn Xuân Khánh – Tác giả “Hồ Qúy Ly”, “Mẫu Thượng Ngàn”, “Đội gạo lên chùa”…

Lần đầu gặp nhà văn Xuân Khánh là lúc tôi mới học lớp 12. Tôi thường thấy ông đạp xe trên phố Bà Triệu. Lúc ấy, tôi hay lang thang đọc sách ở Thư viện Hà Nội. Một lần, vì quá thích cuốn tiểu thuyết “Hồ Qúy Ly”, tôi đã đánh liều đạp xe đến gần ông để bắt chuyện, ông nói rất ít và rất cẩn trọng, chỉ khuyên một câu mấu chốt là: “Cháu muốn viết tiểu thuyết thì cần quan tâm đến cấu trúc tiểu thuyết và kiến thức”. Lời khuyên ấy ngắn gọn nhưng đã vạch cho tôi một con đường rất sáng rõ.

Sau này, nhiều lần có cơ hội gặp mặt ông, nhưng tôi đều đứng từ xa quan sát. Khi bước vào làng văn, tôi đã bị một ấn tượng rằng con người ngoài đời của họ và con người trong sáng tác khác xa nhau lắm, thậm chí là đối lập. Tôi không muốn mất đi thiện cảm với các tác phẩm của ông.

Sáng nay, sau 13 năm quan sát ông từ xa, tôi đã có một cuộc đối thoại trực tiếp với ông khi thực hiện buổi phỏng vấn của VĂN VIỆT. Cuộc phỏng vấn có nội dung khá rộng, bao quát chặng đường sáng tác của ông, những năm tháng khó khăn khi ông bị treo bút và qua đó thể hiện được đời sống cũng như khí phách của văn nghệ sĩ chân chính trong những năm Đổi Mới. Sau cuộc phỏng vấn, tôi đã rất vui, bởi những câu trả lời của ông phản ánh đúng con người mà tôi gặp trong các tác phẩm của ông. Tức là con người đời thực của Nguyễn Xuân Khánh đồng nhất với con người sáng tác của ông. Một điều vui hơn nữa, đó là ông đã cho phép Book Hunter được chuyển tác phẩm của ông sang tiếng Anh.

Một điều nữa tôi muốn nhắn gửi đến những bạn trẻ vẫn hay hỏi tôi về việc làm sao có thể vừa theo đuổi ước mơ, lại vừa đảm bảo đời sống: Hãy xem đoạn trả lời của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Các bạn sẽ thấy rằng, có một thế hệ các nhà văn tâm huyết, họ bị bần cùng hóa, họ bị cấm viết, hàng ngày phải làm thợ may, thợ cắt tóc, nuôi lợn… thế mà họ vẫn học hỏi, vẫn viết, vẫn đeo đuổi giấc mơ lớn của mình. Vậy thôi! 

Trích Facebook Hà Thủy Nguyên

Lạc loài

Nếu ta là Satan

Ta lạc loài giữa một bầy thiên sứ

Nếu ta là thiên sứ

Ta lạc loài giữa một lũ điên

Nếu ta là người điên

Ta lạc loài giữa cõi đời quá tỉnh

 

Hãy điên đi người ơi

Ngày mai là ngày cuối cùng trên Trái Đất

Đạp tung những căn phòng quá chật

Xông ra giữa biển khơi

 

Hãy điên đi người ơi

Ngày mai là ngày cuối cùng trên Trái Đất

Có ý nghĩa gì đâu những bộ áo quần

Đem đốt hết cùng nhân gian lừa dối

 

Hãy điên đi người ơi

Ngày mai là ngày cuối cùng trên Trái Đất

Uống cho say

Yêu cho mê

Thở cho cạn khí trời

Hãy điên đi ta ơi

Lộn cổ xuống đáy hỗn mang

Rỏ máu xuống trái tim bị giam hãm ngàn năm

Chúa có biết Satan lạc lõng giữa Thiên Đàng.

(2009)

Tương lai của chúng ta nằm trong tay chúng ta – Trả lời Tạp chí Phía Trước

Đây là phỏng vấn do phóng viên tạp chí Phía Trước thực hiện vào năm 2014 ngay khi diễn ra cuộc biểu tình lớn tại Hong Kong. Trong cuộc phỏng vấn này, nhà văn Hà Thủy Nguyên đã biểu lộ những quan điểm chính trị của mình về tương lai của Việt Nam.


Phía Trước: Cuộc biểu tình đòi quyền phổ thông đầu phiếu ở Hong Kong đang trở thành một tâm điểm chú ý của dư luận. Báo giới trong nước và hải ngoại đang nhấn mạnh tầm quan trọng nổi bật của giới học sinh, sinh viên trong phong trào chính trị – xã hội Hong Kong, đồng thời liên hệ đến trường hợp Việt Nam, và cho rằng Việt Nam đáng ra phải có một phong trào như vậy. Là một trí thức trẻ thường xuyên hiện diện trong những sinh hoạt của xã hội dân sự Việt Nam, xin chị cho biết cảm nhận của mình?

Hà Thủy Nguyên: Trước hết, tôi xin phép được đính chính, đó là tôi không dám chắc về việc mình có phải là một trí thức hay không. Tôi bỏ học từ năm thứ 3 đại học, không có bằng Đại học, và mặc dù làm nhiều công việc liên quan đến lĩnh vực sáng tác và học thuật, nhưng điều đó không khẳng định chắc chắn về việc tôi là một trí thức. Cuộc đời học sinh, sinh viên của tôi là quãng thời gian tôi không liên quan lắm đến môi trường xung quanh. Dù cho ở trường có nhảm nhí đến đâu, tôi cũng lựa chọn cho mình một cách (có lẽ nhiều người sẽ đánh giá nó hơi ích kỷ) đó là tự mình học cho bản thân mình, và tự tìm những kiến thức trong nhà trường chắc chắn sẽ không bao giờ dạy. Tôi tiếp tục giữ thái độ này cho đến năm 2012. Bởi thế, nếu bạn hỏi tôi về cảm nhận, thì tôi không có nhiều sự hào hứng lắm với Joshua Wong và phong trào ở Hong Kong.

Tôi cho rằng cuộc biểu tình này, dù nó có thể gây chấn động khắp thế giới, nhưng không thật sự mang lại nhiều thay đổi. Người dân Hong Kong có thể đi bầu cử bằng số phiếu, chính quyền Trung Quốc có thể có vài nhân nhượng, nhưng người dân Hong Kong, người dân Trong Quốc sẽ vẫn tiếp tục bị kiểm soát bằng cách này hoặc cách khác. Chúng ta mải mê đấu tranh cho những quyền tự do, một chính phủ khôn ngoan có thể thừa nhận các quyền tự do đó, nhưng điều đó không có nghĩa rằng đó là dân chủ. Họ vẫn giám sát bạn, kiểm soát bạn và tìm mọi cách điều hướng bạn. Điều này không chỉ xảy ra ở Trung Quốc hay Việt Nam, nó xảy ra ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, thậm chí cả những nước luôn nói chuyện nhân quyền và dân chủ như Hoa Kỳ. Điều đó có nghĩa là, cho dù chúng ta đấu tranh đến đâu, thì những người cầm quyền cũng sẽ chỉ thay hình thức cai trị này bằng một hình thức cai trị khác tinh vi hơn. Không biết tôi đề cập đến vấn đề này có quá xa chủ đề không?

Phía Trước: Cũng không quá xa chủ đề lắm đâu! Chị có nhắc đến việc trước năm 2012, chị gần như không quan tâm lắm đến việc thay đổi xã hội. Vậy năm 2012, sự kiện gì đã xảy ra? Tại sao sau đó Book Hunter lại chính thức công khai?

Hà Thủy Nguyên: Tôi thật sự đã thay đổi suy nghĩ khi biết đến cái chết của một nhà hoạt động tự do thông tin trên Internet – Aaron Swartz. Bên cạnh những cuộc vận động xã hội nhằm bãi bỏ các điều luật vô lý của chính phủ Mỹ về việc kiểm duyệt bản quyền trên Internet, anh đã tạo dựng rất nhiều nền tảng để chia sẻ tự do những tài liệu quý giá đến với người dân khắp thế giới. Cuối năm 2012, Aaron Swartz đã hack vào hệ thống của JSTOR và download 4 triệu tài liệu nghiên cứu khoa học và chia sẻ chúng tự do trên Internet. Không lâu sau đó, tháng 1 năm 2013, anh đột ngột tự sát một cách bí hiểm ở căn hộ của mình và bạn gái. Aaron Swartz không giống Joshua Wong, anh rất biết mình phải làm gì, và biết cách giải quyết vấn đề thật sự. Anh hiểu rằng, không có tự do thông tin, sẽ không có tự do ngôn luận, không có các quyền tự do căn bản khác, không có dân chủ thực sự, khi các chính phủ, các tập đoàn vẫn tiếp tục bưng bít thông tin và tung ra những thông tin làm sai lệch định hướng xã hội. Cái chết của Aaron Swartz và câu chuyện về anh đã thúc đẩy bạn bè tôi và tôi cùng nhau làm một điều gì đó, và Book Hunter chính thức được ra mắt vào tháng 3 năm 2013. Tôi thích những anh hùng không bị lệ thuộc vào đám đông, họ có thể có người ủng hộ hoặc không ai bên cạnh, họ có thể chiến đấu đơn độc bằng trí tuệ và tài năng của mình để vá víu thế giới này, xã hội này, cuộc sống này.

Phía Trước: Được biết, mới đây, chị cùng nhiều facebooker có thành lập một group có tên là “Người tiêu dùng cần biết về GMO” ( Thực phẩm biến đổi gen). Hoạt động hướng tới việc cản trở việc các sản phẩm biến đổi gen của Monsanto xâm lấn thị trường nông sản Việt Nam. Tôi không rõ mục đích của hoạt động này? Và hoạt động này hiên có phải là một trong các dự án của Book Hunter?

Hà Thủy Nguyên: GMO là một vấn đề rất phức tạp, cản trở cuộc xâm lược của Monsanto là điều vô cùng khó, không khác gì “châu chấu đá xe”. Tôi mong muốn rằng hoạt động này có thể trở thành một phong trào và tôi là một phần trong đó, Book Hunter là một trong các tổ chức cùng tham gia trong đó, tôi không muốn đây là một dự án của Book Hunter. Khi chúng tôi quyết định tham gia hoạt động này, chúng tôi hoàn toàn bị động vì gần như mờ mịt thông tin về sự việc một số loại thực phẩm Biến đổi gen chuẩn bị được cấp phép, mới đây là ngô, và trong năm 2015 sẽ đến lượt đậu nành. Mặc dù đài báo có đưa một vài thông tin trước khi cấp phép, nhưng đều là những tin vắn và không được quảng bá rộng rãi. Tôi thật sự cảm thấy shock khi biết rằng ngô và đậu nành GMO đã có mặt trên thị trường 5-6 năm nay rồi, nhưng không người tiêu dùng nào biết về chúng, và không thể phân biệt được chúng với các loại khác. Điều này khiến tôi vô cùng tức giận.

Trên thế giới, thực phẩm biến đổi gen đã bị cấm ở 26 nước trên thế giới (thời điểm năm 2014), đa số là các nước Châu Âu. Loại thực phẩm này cho đến nay, không thể tiên đoán được chúng có gây hại cho bộ gen và sức khỏe của con người hay không. Bản thân những chuyên gia khoa học hàng đầu trên thế giới cũng không thể kiểm soát và dự đoán được tương lai của những người thường xuyên sử dụng thực phẩm biến đổi gen. Câu hỏi đặt ra là, có phải người dân là những vật thí nghiệm cho chiến lược kiểm soát lương thực toàn cầu của tập đoàn Monsanto? Họ đã thí nghiệm thất bại ở nhiều nơi, thất bại ở Ấn Độ, vậy có nên tiếp tục thử nghiệm chiến lược này ở Việt Nam. Và nếu đã bị lôi ra làm vật thí nghiệm, nên chăng các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến sự việc này, như Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, phải có trách nhiệm cho phép người dân có cơ hội lựa chọn mình có trở thành vật thí nghiệm hay không. Vì thế, cốt lõi ở chỗ, thông tin về thực phẩm biến đổi gen cần phải được ghi rõ ràng trên nhãn hàng các sản phẩm sử dụng nguyên liệu Biến đổi gen. Không chỉ có thế, các kênh truyền thông chính thống cần đưa thông tin trung thực về các nguy cơ cần phải đối mặt khi sử dụng cây trồng và thực phẩm Biến đổi gen. Nhưng những việc căn bản ấy vẫn không được thực thi. Tệ hại hơn thế, họ trắng trợn thừa nhận không đủ khả năng kiểm tra và thẩm định nên giao cho Monsanto giám sát và báo cáo về chính các sản phẩm của họ. Monsanto sẽ trình báo lên chính quyền các trường hợp bất ổn khi người dân sử dụng thực phẩm Biến đổi gen ư? Không đâu, họ sẽ chỉ quan tâm xem hạt giống của họ có bị vi phạm Sở hữu trí tuệ không và sẵn sang kiện nông dân để đòi mức phí rất cao chẳng qua về phấn ngô từ cánh đồng biến đổi gen bay sang cánh đồng trồng ngô giống địa phương, chẳng hạn vậy.

Tôi dông dài kể về thực trạng ấy, chẳng qua để nói trong vụ việc GMO được cấp phép ở Việt Nam, thông tin đã bị giấu nhẹm, bị đưa một chiều hoặc khôn ngoan hơn, đưa tin theo một cách người dân thường không thể đọc theo một cách dễ hiểu. Tôi không rõ nguyên nhân tại sao, hoặc là họ không biết cách tuyên truyền, hoặc chính họ cũng không muốn tuyên truyền. Tôi đã đi gặp nhiều nhà khoa học ở trong nước có liên quan đến lĩnh vực Nông nghiệp, công nghệ sinh học…, nhưng họ đều không lên tiếng một cách thật sự, mà chỉ nói nước đôi với các cộng đồng nhỏ ít sức ảnh hưởng. Càng như vậy, tôi càng thấy rằng, minh bạch thông tin là vấn đề cấp thiết hơn các cuộc tranh luận khoa học không có hồi kết về GMO.

Phía Trước: Chị nói chị không chắc chắn về việc mình có phải là trí thức hay không khiến tôi cảm thấy hoang mang khi dự định hỏi về vai trò của văn nghệ sĩ, trí thức trong xã hội. Tôi có thể tiếp tục đặt câu hỏi với chị được không?

Hà Thủy Nguyên: Thực ra tôi có phải là trí thức hay không, không quan trọng, bởi vì bất cứ người dân nào cũng có những mường tượng và kỳ vọng của mình về trí thức. Tôi cũng có những nhận định của riêng mình. Theo như tôi thấy, trí thức là những người có sự hiểu biết sâu rộng và quan trọng là phải biến những hiểu biết sâu rộng đó của mình thành tác phẩm hoặc công trình cụ thể. Công việc của trí thức có thể vì cộng đồng hoặc không, nhưng cách thức tư duy hay tư tưởng mà các trí thức lựa chọn để gửi gắm vào tác phẩm hoặc công trình của mình sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến xã hội. Và bởi vì thế, họ phải vô cùng cẩn trọng, họ phải giữ cái nhìn khách quan, thái độ ôn hòa và tư thế trung lập (nhưng không lập lờ).

Văn nghệ sĩ cũng vậy, nhưng khác với trí thức, họ không chỉ tác động lớn đến cách thức tư duy và tư tưởng mà còn đóng vai trò rất quan trọng đến tinh thần thời đại. Đa phần các các văn nghệ sĩ không nhận thức được điều này, bởi vì điều quan trọng với họ là khám phá thế giới tinh thần của mình rồi giãi bày chúng thành tác phẩm. Điều này dễ hiểu thôi, nếu họ có thể ý thức được tác dụng của các tác phẩm văn chương nghệ thuật do mình sáng tạo ra sẽ làm thay đổi xã hội ra sao, thì tố chất nghệ sĩ của họ cũng mất đi, thay vào đó là tố chất chính trị rồi. Bởi vậy, điều duy nhất, theo tôi một nghệ sĩ nên làm đó là: “Là chính mình”. Chỉ cần họ không biến nghệ thuật thành công cụ chính trị hay sản phẩm hàng hóa hay một món đồ trang sức thời thượng rẻ tiền thì đời sống tinh thần của xã hội đã tốt đẹp lên rất nhiều rồi. Như ở Việt Nam hiện nay, thật không dễ gì để đọc một tác phẩm văn chương nghệ thuật thật sự.

Phía Trước: Nếu nhìn vào các hoạt động khá sớm của chị từ khi mới học lớp 12 đến nay, tôi thấy dường như chị vừa là một nghệ sĩ lại vừa tham gia vào các hoạt động xã hội mang tính chính trị. Vậy thì tố chất nào đang ảnh hưởng đến chị nhiều nhất, nghệ sĩ hay chính trị?

Hà Thủy Nguyên: Tôi rất thích cụm từ “mang tính chính trị” mà anh sử dụng. Với tôi, tất cả những hành vi, hoạt động có mục đích tạo ra thay đổi cho cộng đồng đều “mang tính chính trị”, nhưng không có nghĩa đó là chính trị. Năm lớp 12 là năm cuốn tiểu thuyết dã sử đầu tiên của tôi được xuất bản, tôi đã mất 2 năm để viết cuốn sách này. Khi viết quyển sách, đồng thời tôi cũng là một Bí thư Đoàn trường, từ thời bé, tôi nuôi hi vọng rằng khi lớn lên mình sẽ trở thành một quan chức nào đó cao cấp trong chính phủ và thay đổi những gì tôi được chứng kiến. Nhưng tôi nhận ra rằng mỗi khi mình ngồi vào bàn và sáng tác thì những tham vọng đó trở thành phù phiếm. Đó là lý do khi bước vào Đại học, tôi đã hoàn toàn từ bỏ các ý định chính trị của mình, bởi vì sáng tác cho tôi được là chính mình. Dần dần, tôi đã học được cách, khi sáng tác nghệ thuật thì không có chính trị, và khi đã tham gia các hoạt động nhằm thay đổi xã hội như Book Hunter hay Người tiêu dùng cần biết về GMO, tôi không mang con người nghệ sĩ của tôi vào đó. Tuy nhiên, do các tham vọng từ thuở nhỏ, nên đâu đó trong tác phẩm của tôi vẫn có đôi chút “mang tính chính trị”, nhưng tôi không cố tình làm điều đó. Tôi rất thích một câu trong “Văn tâm điêu long” của Lưu Hiệp: “Than ôi, văn chương là tấc lòng gửi lại ngàn năm vậy”, với tôi văn chương không phải để tạo ra thay đổi xã hội, đó là quá trình tôi đi vào cõi tinh thần của chính mình và cứ thế ngôn từ cất lên.

Phía Trước: Vậy với tư cách là một người trẻ, chị thấy việc cần làm trước những bất công xã hội đang diễn ra trước mắt là gì, và nên có thái độ như thế nào?

Hà Thủy Nguyên: Albert Einstein có một câu nói rất hay: “Bạn không thể giải quyết một vấn đề nếu chỉ tư duy ở cùng một đẳng cấp với vấn đề đó”, nếu chúng ta cứ chạy theo giải quyết từng bất công thì ngay lập tức một trường hợp bất công khác lại nảy sinh. Đó là những lỗi hệ thống. Muốn sửa nó, trước hết, chúng ta phải hiểu một cách rõ ràng rằng hệ thống xã hội hiện nay đang vận hành như thế nào, đâu là lỗi cục bộ trong hệ thống xã hội Việt Nam từ trước đến giờ, đâu là lỗi của toàn hệ thống xã hội trên thế giới, và các lỗi đó đang chi phối chúng ta như thế nào. Nếu còn phụ thuộc vào các tư duy, những tư tưởng và trạng thái tinh thần mà hệ thống xã hội tạo ra, dù cực tả hay cực hữu, thì cũng sẽ chẳng có gì khác biệt thật sự xảy ra. Tôi tin tưởng vào việc có rất nhiều các cá nhân độc lập, hiểu biết rất sâu rộng, tinh thần hướng thượng, họ nhận ra rằng một thế giới mới cần được tạo dựng chứ không phải tiếp tục đi theo những cách thức của thế giới cũ. Nếu những con người này có đủ sức mạnh và liên kết với nhau, các bất công đó sẽ được giải quyết bằng trí tuệ chứ không phải bằng cái mồm và nắm đấm. Tương lai của chúng ta nằm trong tay chúng ta, tại sao giới trẻ phải cố lao đầu vào những giải pháp cũ kỹ và vô dụng? Tôi không có ý phủ nhận các giá trị cổ xưa, bởi chúng rất nền tảng, nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta nên vận dụng các tri thức cổ xưa này bằng các cách thức mới, mà cụ thể là cách của chính bản thân mình lựa chọn, chứ không phải do chính phủ, nhà trường hay truyền thông dẫn lối, cho dù đó là chính phủ tài ba, nhà trường chất lượng cao hay truyền thông hấp dẫn.

Phía Trước: Xin cảm ơn chị, chúc các hoạt động của chị thực sự tạo ra thay đổi trong tương lai không xa!

4000 NĂM LỊCH SỬ CỦA CHÚA – THUỞ BAN ĐẦU (1): VỊ THẦN ĐẦU TIÊN

Thuở ban đầu, loài người tạo ra Chúa để lý giải Nguồn gốc ban đầu của vạn vật và Người cai trị thiên đường cũng như mặt đất. Ngài được biểu hiện bởi những hình ảnh và không có đền thờ hay thầy tu phục vụ cho ngài. Ngài cũng được tụng ca trong nghi lễ của loài người. Dần dần, ngài phai nhạt đi trong tâm trí của con người. Ngài trở nên xa cách đến mức họ quyết định rằng họ không muốn ngài nữa. Thậm chí, nhiều người cho rằng ngài đã biến mất.

Đó là một giả thuyết khá phổ biến được lưu truyền bởi Đức cha Wilhelm Schmidt trong cuốn sách “Nguồn gốc ý tưởng về Chúa”, lần đầu được xuất bản vào năm 1912. Cha Schmidt có nhắc đến một tôn giáo nhất thần nguyên thủy xuất hiện trước khi con người bắt đầu thờ phụng các vị thần. Đầu tiên, họ công nhận chỉ một Đấng Tối Cao duy nhất, người đã tạo ra thế giới và cai trị con người từ rất xa. Niềm tin vào Đấng Tối Cao (đôi khi được gọi là Chúa Trời, đấng ngự trị trên các cõi trời) vẫn là một đặc tính của đời sống tín ngưỡng tại nhiều bộ lạc Châu Phi bản địa. Họ khao khát cầu nguyện Chúa, tin rằng ngài đang dõi theo họ từ xa và sẽ trừng phạt những hành vi sai trái của họ. Ấy thế mà ngài lại xa lánh con người trong đời sống hàng ngày: ngài không có nghi lễ thờ cúng đặc biệt và không bao giờ được mô tả với hình dạng cụ thể. Những thổ dân nói rằng ngài không thể biểu hiện và không thể bị dơ bẩn bởi thế giới con người. Một số thì nói rằng ngài đã “đi xa”. Những nhà nhân chủng học cho rằng vị Chúa này đã trở nên xa cách và được tán tụng cáo quá đến mức ngài bị thay thế bởi những linh hồn thấp kém hơn hoặc các vị thần dễ tiếp cận hơn. Qủa nhiên, học thuyết của Schmidt cũng nói vậy, ở thời cổ sơ, Chúa Tối Cao đã bị thay thế bởi những vị thần hấp dẫn hơn trong đền thờ Pagan. Do đó, ban đầu chỉ có vị Chúa Duy Nhất. Nếu vậy thì tôn giáo nhất thần là một trong những ý tưởng sớm nhất của loài người để giải thích những bí ẩn và bi kịch của cuộc sống. Nó cũng chỉ ra vài vấn đề mà thần linh phải đối mặt.

Rất khó để chứng minh điều này theo cách này hay cách khác. Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của tôn giáo. Tuy nhiên, dường như việc tạo ra các vị thần là điều mà con người luôn thực hiện. Khi một ý tưởng tôn giáo cáo chung, tức thì chúng sẽ bị thay thế. Những ý tưởng này biến mất một cách âm thầm như Chúa Trời không kèn không trống. Ngày nay, nhiều người nói rằng Chúa được thờ phụng hàng thế kỷ trước bởi Do Thái giáo, Công giáo và Hồi giáo và dần trở nên xa cách với vai trò là Đức Chúa Trời. Một vài người thì cho rằng ngài đã chết. Tất nhiên, có vẻ như ngài không xuất hiện trong đời sống mà dân cư ngày càng trở nên đông đảo của loài người, đặc biệt là Tây Âu. Họ nói về Chúa – tại – tâm (“God-shaped hole) trong tâm thức họ, nơi mà ngài đã từng ở đó, bởi vì, do không thích hợp nên ngài có lẽ ngài đã ở một chỗ nào đó hác, ngài đóng vai trò cốt yếu trong lịch sử và là một trong những ý tưởng vĩ đại nhất của loài người trong mọi thời đại. Để hiểu được những gì mà chúng ta đang đánh mất – liệu, ngài có thật sự biết mất – chúng ta cần xem xét những gì con người đã thực hiện khi họ bắt đầu thờ phụng Chúa, những gì ngài tượng trưng và được nhận thức. Để làm vậy, chúng ta cần quay lại thời cổ đại ở Trung Đông, nơi ý tưởng về Chúa đã khởi sinh vào khoảng 14.000 năm trước đây.

Một trong những nguyên nhân tại sao tôn giáo có vẻ như không thích hợp ngày nay đó là nhiều người trong số chúng ta không còn có cảm giác về những thứ vô hình tồn tại xung quanh chúng ta. Nền văn hóa của khoa học đã giáo dục chúng ta tập trung chú ý vào thế giới vật lý và hiện hữu ngay trước mắt. Biện pháp quan sát thế giới đã đạt được những thành tựu lớn. Một trong những hậu quả của nó, đó là chúng ta đã loại bỏ những cảm giác về “tinh thần” (spirit) hay “tính thiêng” (holy) vốn đã ăn sâu vào đời sống con người trong các xã hội cổ xưa với nhiều cấp độ và đã từng là một trong những cột trụ thiết yếu của đời sống con người. Ở những hòn đảo ở Polynesia (Nguyên văn là “South Sea Islands” – một cách gọi khác của Polynesia), người ta gọi các năng lượng huyện bí là “mana”, một số nơi khác người ta trỉa nghiệm nó như một thực thể hay một tinh thần, thỉnh thoảng nó được cảm nhận thấy như một dạng nhân điện, tương tự với sóng điện từ hoặc luồng điện. Người ta tin rằng chúng có ở trong thủ lĩnh của bộ lạc, trong cây cối, đá và động vật. Những người Latin trải nghiệm “numina” (tinh thần) trong các khu rừng bí mật; người Ả Rập cảm thấy các “jinn” đều cư trú trên mặt đất. Đương nhiên con người muốn có sự tiếp xúc với dạng thực tại này và muốn điều khiển chúng, nhưng họ đồng thời cũng khao khát nó. Khi họ nhân cách hóa những thế lực vô hình và biến chúng thành các vị thần, liên quan đến gió, mặt trời, biển cả, các vì sao cũng như sở hữu những tính cách con người, họ biểu hiện cảm giác về sự thân thuộc của các lực lượng vô hình và thế giới của họ.

Rudolf Otto, sử gia tôn giáo người Đức, người đã xuất bản cuốn sách quan trọng có tên là “Ý tưởng về Đấng thiêng liêng” (“The Idea of Holy”) vào năm 1917, đã tin rằng cảm thức về “sự thiêng liêng” (numinous) là căn bản của tôn giáo. Nó bắt đầu bất cứ ham muốn giải thích nguồn gốc thế giới hay tìm kiếm một căn cứ cho thái độ đạo đức. Sức mạnh thiêng liêng có thể được con người cảm nhận theo nhiều cách khác nhau – thỉnh thoảng nó kích thích sự thích thú hoang dại và huyên náo; thỉnh thoảng sâu lắng, thỉnh thoảng người ta cảm thấy kinh hoảng, ghê sợ và khuất phục trước sự hiện diện của các thế thực huyền bí vốn có trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Khi con người bắt đầu tạo ra các thần thoại và nghi lễ thờ cúng các vị thần, họ không còn tìm kiếm một lời giải thích trực tiếp cho các hiện tượng tự nhiên nữa. Các câu chuyện mang tính biểu tượng, những bức tranh và chạm khắc trong hang động là một cố gắng để biểu thị sự phi thường và liên hệ các bí ẩn với đời sống của họ, trên thực tế, nhà thơ, nghệ sĩ và nhạc sĩ thường bị thôi thức bởi những khát vọng kiểu này cho tới tận ngày nay. Ví dụ như ở thời Palaeolithic, khi nông nghiệp phát triển, tục thờ cúng Nữ thần Mẹ biểu thị một cảm giác rằng sự sinh sản giúp con người chuyển hóa là một điều thiêng liêng. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những bức tượng được các nghệ sĩ trạm trổ bà ta dưới hình dạng một người đàn bà khỏa thân và mang thai ở khắp Châu Âu, Trung Đông và Ấn Độ. Nữ thần Mẹ vĩ đại vẫn còn là biểu tượng quan trọng trong hàng thế kỷ. Giống như Chúa Trời cổ xưa, bà được đưa vào các đền thờ muộn hơn và gia nhập hàng ngũ cùng với các vị thần cổ xưa hơn. Bà ta thường là một trong số những vị thần quyền lực nhất, thậm chí còn quyền lực hơn Chúa Trời, người vẫn chỉ như một hư ảnh. Bà ta được gọi là Inana tại Sumeria cổ đại, là Ishtar ở Babylon, Anat ở Canaan, Isis ở Ai Cập và Aphrodite ở Hy Lạp, nhiều câu chuyện đáng chú ý đã được tạo ra trong nhiều nền văn hóa để biểu thị vai trò của bà trong đời sống tâm linh của con người. Các thần thoại này không kể theo nghĩa đen mà thường ẩn dụ để mô tả một thực tại quá phức tạp và khó nắm bắt. Những câu truyện bi kịch và gợi cảm về các nữ thần và nam thần đã giúp con người nhận thức được các cảm nhận về những thế lực mạnh mẽ và vô hình xung quanh họ.

(Còn tiếp)

Người dịch: Hà Thủy Nguyên

Tác giả: Karen Amstrong

(Trích “A History of God – The 4000 year quest of Judaism, Christianity and Islam)

Bạn có thể đặt sách tiếng Anh tại đây: https://www.hangcao.info/san-pham/1-history-god-4000-year-quest-judaism-christianity-islam-karen-amstrong/ 

NHỮNG BĂN KHOĂN VỀ KHAI SÁNG

Tư tưởng Khai Sáng là tư tưởng nền tảng của thế giới hiện đại, có ảnh hưởng tới cả tư tưởng của Chủ nghĩa Cộng sản và các giá trị dân chủ ngày nay. Thế nhưng tiến trình phát triển và giá trị cốt lõi của kỷ nguyên Khai Sáng giờ đây vẫn còn khá mập mờ và nhiều tranh cãi. Bài viết này thuật lại ngắn gọn một số tranh luận về vai trò của Khai Sáng trong lịch sử.

———-

Cũng giống như tất cả những học giả tự do của thế kỷ trước, cuốn tiểu thuyết “Herzog” kể về Moses của Saul Bellow đã dành phần lớn trong đó để phân tích di sản của tư tưởng Khai Sáng. Sau khi li dị vì vợ ngoại tình, Herzorg mong muốn hiểu rõ về bản thân anh ta, về đất nước của anh ta và thế kỷ của anh ta, bằng cách viết những lá thư không bao giờ được gửi đi cho những triết gia và những chính trị gia, kể cả còn sống hay đã chết. Anh ta than thở “ảo tưởng về sự hoàn hảo thể chế dân chủ nghị viện , sự đầu độc của hi vọng” và yêu cầu Thủ Tướng Eisenhowver “phải chỉ rõ cho tôi một số chỗ”. Thay vào đó, anh ta học về sự thật cay đắng từ người bạn là Sandor Himmelstein. Sandor nói với Herzog rằng: “Các học giả chỉ giỏi châm chích những điều ngớn ngẩn. Chính bản thân cậu còn không trả lời nổi câu hỏi của chính mình… Một lũ đầu trứng chết tiệt! Nó tạo ra những kẻ khốn ngu dốt như tôi đấu tranh cho tự do”

Vào khoảng thập kỷ cuối, những người ủng hộ Khai Sáng đã lảng tránh những băn khoăn của Herzog về chủ nghĩa tự do hiện đại mà thay vào đó chỉ quan tâm đến tính hiếu chiến của Sandor. Kết quả là sự kiện 11/9 và mối nguy hiểm từ Hồi giáo đãmóc nối các vấn đề, không còn những tay triết gia nhảm nhí nữa, Christoper Hichen và Richard Dawins đề xướng đào sâu tranh luận những quan điểm với góc độ bên ngoài tính hàn lâm và đi vào góc nhìn cá nhân. Học liệt kê lại tất cả những gì đáng giá từ phương Tây hiện đại tới thế kỷ 18, khi mà sự biện chứng, khoa học, chủ nghĩa duy vật và dân chủ bị cấy vào trí não của người Châu Âu.

Mặc dù họ có được một lưu lượng thông tin khổng lồ, những nhà tư duy hiện đại này chắc chắn vẫn không phải là những người đầu tiên phát động Thời Khai Sáng. Các triết gia thế kỷ 18 như Voltaire, Diderot và Alembert đã dành cả đời để tranh luận về những thế hệ sau với vai trò là những người tiên phong cho thời Hiện đại. Vào năm 1784, Immanuel Kant đã mô tả về thời Khai Sáng là “sự giải thoát con người khỏi những giáo điều huyễn hoặc”, đó là một cuộc Cách mạng tri thức, đã khiến cho trí não con người lấp đầy những ham muốn tư duy cùng với các giá trị tự do chính trị và tự do xã hội. Tóm lại, thời Khai Sáng hiện diện như bình minh của tư tưởng hiện đạim và khởi đầu cho hoài nghi mà bỏ qua thần học và phi giáo hóa chủ nghĩa.

Đương nhiên, các triết gia đã tô vẽ bản thân mình như những người khai phóng cứu rỗi nhân loại đang ở trong tăm tối. Chỉ hơn 20 năm sau tuyên bố khải hoàn của Kant, Hegel đã lên án Khai Sáng vì sự tàn sát đẫm máu và những cái máy chém đầu của Cách mạng Pháp, vì vậy họ đã đặt tất cả những tư tưởng nền tảng của thời Khai Sáng là tôn vinh tình yêu, tinh thần và truyền thống lên bàn thờ của hoài nghi và tự do tuyệt đối. Kant và Hegel đã tạo ra một trận chiến triết học xuyên suốt thế kỷ 20 về thời Khai Sáng. Vào thời nắm quyền của Đức Quốc Xã, Ernst Cassirer đã ngăn ngừa chủ nghĩa tự do Weimar (kết hợp giữa học thuyết của Weber, Freud và Marx) bằng việc khôi phục lại triết học hoài nghi của Kant. Lưu vong ở California vào năm 1944, Max Horkheimer và Theodor Adorno đã đáp trả lại sự ngây thơ của Cassirier bằng luận điểm rằng: những gì Khai Sáng biểu hiện không phải là dập tắt chế độ Weimar mà đã thổi bùng lên lò thiêu tội ác của Đức Quốc Xã, và sự độc tôn của công nghệ đã khiến Châu Âu bị chia rẽ. (Quan điểm về việc thời Khai Sáng đã mở đường cho Hitler, ngày nay khá phổ biến trong luận điểm của quyền tự do tôn giáo. Penny Nance, CEO của Hiệp hội Phụ Nữ Hoa Kỳ, trên Bản tin đầu tuần của Fox đã phát biểu: “Bạn biết rằng Kỷ nguyên Khai Sáng và Hoài Nghi đã mang đến quan niệm tương đối về đạo đức. Và quan niệm tương đối về đạo đức đã dẫn chúng ta đi xuống con đường tối tăm tới Ngày Tận Thế”)

Quan điểm của Horkheimer và Adorno về Hegel được dịch sang tiếng Anh vào năm 1972, đã khuyến khích phê bình hậu hiện đại về chủ nghĩa tự do phổ quát. Các triết gia lục địa như Derrida và Foucault cố gắng tìm kiếm bản chất chuyên chế và độc tài của các khái niệm công lý và sự thật, trong khi John Gray và Alasdair Macintyre của Anh lại buộc tôi Khai Sáng vì những kế hoạch chính trị không tưởng sai lầm trong thế kỷ 20 và vì đã tạo ra một thế giới vật chất và nguyên tử hóa của tư bản phương tây. Đương nhiên những đứa trẻ trung thành với thời Khai Sáng đã phản đòn. Kwame Anthony Appiah đã coi bản thân mình là một “triết gia Khai Sáng thời đại mới”, và những người khác, ví dụ như Francis Wheen, đã dùng những ngôn từ mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa phi lý, có thể do ảnh hưởng từ những căn cứ chủ quan của Ernest Gellner trong cuốn sách của ông năm 1992 với tựa đề “Chủ nghĩa Hậu hiện đại, Hoài nghi và Tôn giáo” như một “nền tảng lý luận của thời Khai Sáng”.

Lý luận lắm lời của Hitchens, Wheen … đơn giản chỉ là sự phổ thông hóa truyền thống tri thức, qua đó, các nhà tư tưởng thấy được những gì Khai Sáng đã tạo ra cho thời kỳ được gọi là “hiện đại”, ví du như Mỹ học và chủ nghĩa Cộng sản hiện đại vào đầu thế kỷ 20 hay các giá trị dân chủ của ngày nay. Như sử gia của Stanford là Dan Edelstein gầy đây đã chỉ ra rằng ” có thể thấy Khai Sáng đã trở thành cái gì đó giống những bản tuyên ngôn tư tưởng yếu ớt và ảnh hưởng mờ nhạt đến các xu hướng đương đại.”

Kỳ lạ hơn là trong đám đông ồn ào tranh luận về di sản của Khai Sáng, không có ai là sử gia. Cứ thể như là không có sử gia nào tìm hiểu về thế giới tri thức của Châu Âu thế kỷ 18. Cùng lắm chỉ có tác phẩm “Khai Sáng” hoành tráng của Peter Gay và năm 1966, từ đó các học giả cố gắng cấu trúc lại những tư tưởng của các triết gia về chính trị và xã hội của họ. Hơn thế nữa, họ yêu cầu chúng ta đọc tác phẩm của các triết gia và cuộc đời của họ. Họ nói với chúng ta rằng Khai Sáng không phải bắt đầu từ Paris và Scotland mà từ Ý, Ba Lan và ngoại vi Châu Âu. Họ tranh cãi về sự sửa đổi và những ảnh hưởng mang tính cách mạng của Khai Sáng, và lập luận rằng liệu chúng ta có thể tách Khai Sáng ra khỏi những cuộc biểu tình khác. Kiến thức của chúng ta về chính trị, giới trí thức và văn hóa trong thế kỷ 18 với sự nổi dậy của trí não chỉ được đào sâu và ghi chép mới hơn 50 năm trước đây.

Và những nghiên cứu này vẫn chưa được thừa nhận trong những tranh luận về di sản trí tuệ của thời Khai Sáng. Cho dù vì bất cứ nguyên nhân gì, tất cả những kết luận và thái độ của các sử gia đều đã thất bại trong việc phá vỡ ranh giới mà những người theo Kant và những người theo Hegel đã vạch ra cho các triết gia, các nhà thần học và các ký giả. Các sử gia chắc chắn không quên sự liên quan của thời Khai Sáng và những thành tựu của các học giả được tôn vinh vào nửa cuối của thế kỷ như Robert Darnton, Daniel Roche và Franco Ventury; nhưng sự khẳng định của họ cũng không mấy có tiếng vang trong tranh biện Hiện đại.

Có thể vì sự phản đối yếu ớt của các sử gia chống lại lý lẽ của chủ nghĩa tự do, năm 2001, Jonathan Israel đã giải phóng “Sandor Himmelstein” ở bên trong mình và cho xuất bản phần đầu tiên (800 trang) trong bộ sách viết về lịch sử triết học Khai Sáng. Đây là một sử gia có những chứng cứ đầy ấn tượng trong nghiên cứu chủ nghĩa đế quốc ở Tây Ban Nha, nguồn gốc của chủ nghĩa tư bản và sự nổi trội mang tầm thế kỷ của Cộng hòa Hà Lan thế kỷ 17, có thể coi như là gần nhất với nguồn gốc không chắc chắn của Khai Sáng với sự phức tạp của triết học và chính trị học mà nó để lại.

Thật không may mắn! Thay vì làm một bộ ba đồ sộ kiến thức, ông lại bị rơi vào phê phán vì một sự ám ảnh không thể kiểm soát được với Spinoza, và niềm tin vững chắc của ông đối với góc nhìn hiện đại dường như không khác nào những cuộc tranh luận triết học lớn nhất thời đại (về tự do, dân chủ, bác ái). Nhiều nhà phê bình trích dẫn Israel như một quan điểm tích cực về dân chủ phương Tây so với quá khứ. Một lần nữa, thế kỷ 18 đã trôi qua trong chủ nghĩa hiện đại.

Vậy thì lịch sử triết học phải làm gì? Một người bi quan sẽ nói rằng người đó phải đối mặt với 2 lựa chọn. Người đó có thể tiếp tục nghiên cứu thời Khai Sáng với các giai đoạn của nó, và chờ đợi ai đó vượt qua sự ảnh hưởng của nó – người tự tin xác định nó là cái gì, rồi ghi chép lại. Hoặc ra, như Israel đã làm, người đó có thể chọn một khía cạnh và diễn giải những thành tựu của chủ nghĩa tự do hiện đại hoặc giải thích cho kẻ chống đối nó. Nói cách khác, người đó có thể giống như Moses Herzog, với những bức thư không bao giờ được đọc của anh ta và những câu hỏi không bao giờ được trả lời; hoặc có thể giống như Sandor Himmelstein và những tên khốn to mồm ngu dốt. Liệu có còn cách nào khác chăng?

Hi vọng được lấy lại khi có tin rằng Anthony Pagden viết một cuốn sách có tên “Thời Khai Sáng – tại sao vẫn là vấn đề?” (NXB Đại học Oxford ). Pagden, hiện đang làm viện tại UCLA, đã có một sự nghiệp toàn cầu nhất mà các học giả khác chỉ có thể mơ. Được học ở Chile, Luân Đôn và Oxford, ông đã nắm giữ vai trò chủ chốt trong các ngành lịch sử, chính trị học và triết học tại nhiều viện hàn lâm cấp cao ở Anh, Châu Âu và Hoa Kỳ. Ông viết nhiều nghiên cứu về chủ nghĩa đế quốc, sự di cư và các học thuyết của châu Âu. Cuốn sách cuối cùng ông viết là khảo cứu về 2500 phân tranh giữa phương đông và phương tây. Một con người toàn cầu như ông đủ điều kiện để mang đến cho chúng ta một cái nhìn toàn diện về việc tại sao thời Khai Sáng và những vấn đề lịch sử liên quan, đến giờ “vẫn là vấn đề”.

Câu chuyện của Pagdens bắt đầu khi tư tưởng Khai Sáng ý thức rằng nó đã được cài đặt trước đó. Những nhà tư tưởng vĩ đại của thế kỷ 17 như Newton, Descartes, Hobbes và Locke phá hủy triết học đang được giảng dạy trong các trường đại học bấy giờ về việc trí não con người là thiên bẩm, là do Chúa tạo ra; và thay vào đó là những bản tính tự nhiên của con người thông qua trải nghiệm thực tế và quyền lợi cá nhân. Vì vậy, thế kỷ 18 đã thừa hưởng cách nhìn thế giới của những người duy lý, không phải Chúa là trung tâm. Nhưng không còn Công giáo để điều khiển được dòng chảy trí tuệ, cái gì có thể cứu con người thoát khỏi sự sa đà vào thói ích kỷ, bạo ngược và tranh đua?

Pagden cho rằng, thành tựu lớn nhất của Khai Sáng là chuẩn bị cho sự đoàn kết nhân loại. Khía cạnh đặc biệt của nó không phải là trói buộc lịch sử, tự nhiên, thần học và chính trị trong vòng giám sát của hoài nghi, mà hầu hết các nhà phê bình và nhiều kẻ thằng cuộc vẫn kêu gào, mà thay vì đó là sự thừa nhận tinh thần nhân loại của chúng ta – khả năng đặt vị trí của mình vào người khác để có thể đồng cảm với họ. Adam Smith và David Hume dậy chúng ta rằng loài người không phải do Chúa tạo ra, cũng không phải là những kẻ ích kỷ đòi hỏi lợi ích cá nhân, mà loài người chính là một người bạn của loài người. Pagden cho rằng đây là nguồn gốc của tư tưởng đại đồng: niềm tin của Khái Sáng vào một nhân loại đại đồng và nhận thức về một thế giới rộng lớn hơn cộng đồng của mỗi người.

Đối với Pagden, tầm quan trọng của việc chuyển đổi tư duy nhân loại không cần phải thêu dệt thêm bất cứ điều gì. Tư tưởng đại đồng “đã từng và vẫn còn là con đường duy nhất để thuyết phục nhân loại sống cùng với nhau trong sợ hòa hợp, hoặc nói một cách khác, là ngừng chém giết lẫn nhau.” Có một sự liên quan không thể lý giải được giữa “viễn cảnh toàn cầu của thế giới con con người” của Khai Sáng và những khái niệm về công dân trong các đòi hỏi về công lý cần được thực thi trên toàn cầu. Pagden phê phán những nhà phê bình Khai Sáng như Gray và Macyntyre vì đã làm hạ thấp Khai Sáng thành các phong trào dựa trên hoài nghi tự trị và khoa học khách quan. Thay vào đó, Khai Sáng là về sự đồng cảm, sự hình thành nền văn minh và thiết lập trật tự thế giới.

Mặc dù đứng về phía Kant để luận giải tại sao Khai Sáng vẫn là vấn đề, Pagden vẫn muốn tham gia vào những cuộc tranh luận để làm rõ những điều còn thiếu sót. Và những vấn đề này vẫn quan trọng bởi vì kế hoạch toàn cầu vẫn chưa hoàn thành. Dịch chuyển tiêu điểm của Khai Sáng xa khỏi khoa học và hoài nghi để ủng hộ sự bác ái và văn minh, Pagden đã tránh được sự tấn công kỳ quặc của chủ nghĩa hậu hiện đại. Nhưng liệu rằng phiên bản của ông về Khai Sáng trên thực tế có gây ra nhiều tranh luận hơn so với một Khai Sáng “Kỷ nguyên hoài nghi” theo cách hiểu truyền thống mà những người theo Hegel, những người hậu hiện đại và những người Cộng sản vẫn đùa giỡn?

Ollie Cussen

Người dịch: Hà Thủy Nguyên

Ollie Cussen là tiến sĩ dự bị về Lịch sử tại Đại học Chicago

Nguồn: prospectmagazine.co.uk

TA ĐỘC HÀNH TỰA MÂY – WILLIAM WORDSWORTH

Ta độc hành tựa mây

Phiêu bồng trên hẻm núi cao tới những ngọn đồi,

Trong phút chốc ta thấy một chùm

Một khóm. Hoa thủy tiên ánh vàng

Cạnh hồ nước, ngay dưới gốc cây

Vẫy gọi và nhảy nhót trong làn gió

*

Miên viễn tựa hồ ánh sao tỏa sáng

Và lấp lánh giữa giải ngân hà,

Chúng vươn tới sự vô cùng.

Dọc theo bờ vịnh:

Cả vạn người chứng kiến ta trong khoảnh khắc,

Ngất ngây trong điệu nhảy cuồng nhiệt

*

Những làn sóng cũng nhảy múa; nhưng

Chúng còn lấp lánh vui vẻ hơn gấp bội:

Nhà thơ không thể kìm sung sướng

Khi bên cạnh có tươi vui.

Ta đắm đuối, và đắm đuối, nhưng chợt nghĩ

Về điều tuyệt diệu đến với ta:

*

Thường thường, khi ta nằm trên trường kỷ

Trong trống rỗng hay thèm khát

Chúng ánh lên trong mắt ta

Đó là cực khoái của đơn độc

Thế rồi trái tim ta ngập đầy hoan lạc

Và rồi ta nhảy múa cùng khóm thủy tiên.

 

Thơ William Wordsworth

Dịch: Hà Thủy Nguyên


Bản tiếng Anh:

 

I wandered lonely as a cloud

That floats on high o’er vales and hills,

When all at once I saw a crowd,

A host, of golden daffodils;

Beside the lake, beneath the trees,

Fluttering and dancing in the breeze.

*

Continuous as the stars that shine

And twinkle on the milky way,

They stretched in never-ending line

Along the margin of a bay:

Ten thousand saw I at a glance,

Tossing their heads in sprightly dance.

*

The waves beside them danced; but they

Out-did the sparkling waves in glee:

A poet could not but be gay,

In such a jocund company:

I gazed—and gazed—but little thought

What wealth the show to me had brought:

*

For oft, when on my couch I lie

In vacant or in pensive mood,

They flash upon that inward eye

Which is the bliss of solitude;

And then my heart with pleasure fills,

And dances with the daffodils.