Home 2017 / page 11

Tạo nghiệp (karma) thì sao!

Những bạn bắt đầu tu theo Phật giáo hoặc các trường phái tương tự như vậy thường liên mồm nói về “nghiệp” và rao giảng về tránh “tạo nghiệp”. Vậy là họ nhìn trước nhìn sau không biết như thế nào để tránh tạo nghiệp. Thậm chí, khi chứng kiến mọi hành vi trái mắt họ, họ đều phán xét rằng người khác đang “tạo nghiệp”. Vậy thì “nghiệp” là cái gì?

“Nghiệp” là khái niệm xuất phát từ Hindu giáo và đạo Phật, tiếng Sankrit là “Karma” – có nghĩa là “việc làm”. Trong đạo Hindu, “karma” bao gồm các việc làm, kết quả trong kiếp sống này hoặc rất nhiều kiếp sống trước và toàn bộ chuỗi nhân quả. Có 3 loại karma: agami karma – nhân quả hiện tại gây ảnh hưởng đến vị lai; prarabdha karma – đã tạo nhân rồi và đang trong quá trình tạo quản; sanchita karma – những việc làm đã được tích lũy và dẫn đến quả. Mỗi cá nhân chịu trách nhiệm với chuỗi hành động của mình, và mỗi hành động không tự nhiên có, mà đến từ các suy nghĩ được tích lũy trong suốt đời hoặc từ kiếp trước. Bởi thế, nếu bạn nói rằng “cá tính tôi là…” hoặc “tôi thích thì tôi làm thôi…”, tức là bạn hoàn toàn đang hành động dựa trên vô thức, vì cá tính không tự có mà nó được xây dựng dựa trên chuỗi thói quen của quá khứ. Trong đạo Phật, “karma” được chia thành các tầng bậc như do thể xác (hành động), miệng (lời nói), tinh thần (suy nghĩ) tạo ra. Đạo Phật tin rằng chỉ cần đi theo “Bát chánh đạo”. Tuy nhiên “Bát chánh đạo” thực sự là gì thì vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Như vậy, cho dù là Hindu giáo hay đạo Phật đều thống nhất rằng “karma” được xây dựng từ chuỗi thói quen trong cuộc đời và cuộc đời trước đó. Nếu đơn thuần “karma” là nhân quả thì chúng ta cũng không nên hiểu khái niệm này theo nghĩa tiêu cực. Một cách cực đoan, chúng ta làm việc gì cũng sợ tạo nghiệp xấu. Trên thực tế, mỗi hành vi của chúng ta (dù là hành động, suy nghĩ hay lời nói) đều tạo ra các tác động cả xấu cả tốt, hoặc xấu với người này nhưng tốt với người kia. Hành vi đơn thuần chỉ là hành vi mà thôi, xấu tốt phụ thuộc và hệ tiêu chuẩn của mỗi chúng ta.

Thế giới của chúng ta được vận hành dựa trên các chuỗi nhân quả. Nếu chuỗi nhân quả chấm dứt thì thế giới cũng không tồn tại. Người tu luyện không phải là ngừng không tạo nghiệp mà cần phải giải thoát khỏi các “nghiệp”. Tức là mọi hành động, suy nghĩ, lời nói của chúng ta không bị chi phối bởi các thói quen quá khứ do chúng ta vô thức tạo nên, mà chúng ta cần có ý thức trong từng hành vi của mình và biết rõ mọi hành vi ấy từ đâu mà có. Phân tích các cơ chế bên trong bản thân mình là một quá trình khó để đối mặt hơn bất cứ trò tu luyện quyền năng nào. Đây là quá trình mà các thần Phật không giúp được chúng ta, thậm chí còn cản trở chúng ta, bởi vì một khi chúng ta cầu thần Phật giúp đỡ thì chúng ta cũng đang tự tạo cho mình cái thói quen nhờ vả mà thôi.

Suy cho cùng, nghiệp là do chúng ta tạo ra, là quá khứ và hiện tại của chúng ta. Tất cả những điều ấy không phải là điều “trói buộc” chúng ta mà chúng ta tự trói buộc mình mà thôi. Khi ý niệm muốn giải thoát càng mãnh liệt thì cùng với đó chúng ta càng bị trói buộc nặng nề hơn. Những người bị ám ánh bởi sự giải thoát hay vươn lên những điều kỳ vĩ là bởi vì họ sợ hãi khi đối mặt với sự tầm thường của bản thân mình. Thế thì chi bằng cứ buông bỏ cả nỗi ám ảnh giải thoát chẳng hơn sao. Đến đây, tôi chợt nhớ mấy câu thơ của Trần Nhân Tông và cũng muốn lấy mấy câu này để kết lại:

“Thuỳ phọc cánh tương cầu giải thoát,
Bất phàm, hà tất mịch thần tiên.
Viên nhàn mã quyện nhân ưng lão,
Y cựu vân trang nhất tháp thiền.”

Tức là: “Ai trói buộc mà cầu giải thoát/ Không tầm thường thì đâu cần cầu đến thần tiên/Vượn nhàn ngựa mỏi ta thì đã già/Vẫn một chiếc giường thiền ở am mây cũ thôi”.

Hà Thủy Nguyên

Home 2017 / page 11

Men ký ức

Kiếp người cạn

Duyên phận tàn

Ta say thêm chén nữa

Nồng men huyết nhân sinh

 

Một kiếp trôi qua

Ôi một kiếp trôi qua

Cũng rơi tàn như nước

Ai nhớ, ai quên, ai dốc cạn bầu ký ức

Có ai kia ngoảnh mặt thế gian cười

 

Ta và người một thuở

Bén lửa nhân duyên

Ủ men tình ái

Sống trọn kiếp bình sinh

Lững lờ trôi xuôi dòng thời gian vô tận

 

Soi bóng thời gian

Trùng trùng kiếp

Cạn lại đầy

Rượu nhân sinh rót mãi

Ký ức đượm cơn say

 

Nơi chốn hư vô

Kẻ sau người trước

Nơi thời gian ngừng lại

Nơi không gian tĩnh lặng

Thuyền nhân sinh cập bến

Không lời, không nước mắt

Rượu cũng đã cạn rồi

 

Bóng người đi vào nơi hư tĩnh

Dòng thời gian kia, ta nguyện gieo mình

Hơi rượu nhân sinh mai lại nhạt

Ai người uống cạn cùng ta?

 

Mai này ta mộng trong cơn mộng

Thoát hồn lên tận chốn hư vô

Cắt huyết tâm ủ men  ký ức

Vẩy rượu nồng tan nát cõi hư vô

 

Mai này không còn hư vô nữa

Muôn người say men huyết nhân sinh

Dòng thời gian mênh mông không bờ bến

Cạn máu rồi

Ôi ta  đã hư vô…

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2017 / page 11

Con đường Viết của tôi (6): Diễn đạt loằng ngoằng và sự suy thoái của tư duy

Các bạn click vào để đọc thêm:  “Con đường viết của tôi” 

Walt Whitman nói: “Nghệ thuật của nghệ thuật, niềm vinh quang của sự biểu hiện, ánh thái dương của vẻ đẹp ngôn từ, chính là sự mộc mạc”. Thơ Walt Whitman quả thực là một điển hình cho tiếng lòng được cất lên như nó vốn là. Tôi thích thơ ông chính ở điểm ấy. Nhưng tôi cũng rất thích các tác giả có lối diễn đạt kỳ lạ hoặc những ngôn từ bay bướm như Oscar Wilde, Mikhail Prisvin hay C.S Lewis… Nhìn qua, tưởng như đó là hai lối diễn đạt đối lập nhau, nhưng không, chúng không hề đối lập. Trên thực tế, chúng đối lập với thứ diễn đạt loằng ngoằng và vô nghĩa mà ngày nay đang thịnh hành không chỉ ở các văn bản tiếng Việt mà cả ở các văn bản ngoại văn.

Trước khi nói về cái sự “diễn đạt loằng ngoằng”, ta phải trở lại những chức năng căn bản của viết. Bản chất hành vi “viết” là để lưu trữ và truyền đạt thông tin. Thông tin này có thể là sự mô phỏng thế giới bên ngoài (các hợp đồng, các sự kiện lịch sử, các văn bản pháp luật, các nghiên cứu, các tin tức…v…v…), cũng có thể là sự mô phỏng của thế giới bên trong (các chiêm nghiệm triết lý, các thang bậc cảm xúc, các ám ảnh, các ước mơ và hy vọng…v…v…). Ngôn ngữ là một hệ thống hình chiếu của thế giới tâm trí vốn dĩ rất phức tạp của xã hội loài người. Xã hội càng mở rộng các phạm vi của đời sống vật chất và tinh thần thì ngôn ngữ cũng sẽ càng đa dạng. Hành vi viết cấu trúc các ngôn từ theo cách người viết tiếp nhận và xử lý thông tin của thế giới bên ngoài và thế giới bên trong. Vậy thì “viết” chỉ là biểu hiện của quá trình “tư duy” mà thôi.  Một sự “diễn đạt loằng ngoằng” là thể hiện cho cái “viết” hỗn loạn, hay nói một cách khác là sự tư duy thiếu rõ ràng.

“Diễn đạt loằng ngoằng” có rất nhiều cấp độ, mỗi cấp độ lại tương ứng với một kiểu khiếm khuyết của tư duy. Một khi tư duy không rõ ràng sẽ dẫn đến việc viết thiếu hệ thống, ngôn từ bóng bảy không hợp với bối cảnh, thông tin sắp xếp lộn xộn.

Thứ nhất phải kể đến việc sử dụng ngôn từ bóng bảy không hợp với bối cảnh. Các từ ngữ được ra đời gắn liền với sự mô phỏng thế giới bên trong và bên ngoài của con người. Có những từ rất đơn giản để mô phỏng những vật thể hoặc hành vi hiện hữu, ví dụ như “cái bàn”, “con mèo”, “ngôi nhà”, “khóc”, “đánh nhau”, “mặt trời”…v…v… Nhưng cũng có nhiều từ dùng để mô phỏng những thứ nội tâm phức lạp như “buồn rầu”, “cô đơn”, “khoái lạc”… Phức tạp hơn thế nữa là các chiêm nghiệm siêu hình và trừu tượng như “nhận thức”, “tâm thức”, “sự thông thái”, “tình yêu”, “nhân tính”… Không thua kém, các từ nhằm mô phỏng mối quan hệ trong xã hội con người và thế giới tự nhiên cũng vô cùng phức tạp như “tình yêu”, “quốc gia”, “pháp luật”, “lòng thương xót”, “nghệ thuật”…v…v… Ở nhóm từ mô phỏng thế giới hiện hữu, người viết ít khi dùng từ sai với bối cảnh. Nhưng với các từ thuộc nhóm nội tâm, nhóm chiêm nghiệm siêu hình trừu tượng và nhóm mô phỏng các mối quan hệ trong xã hội con người và thế giới tự nhiên, thường xuyên bị dùng sai với bối cảnh. Việc dùng sai các từ này thường là do người viết không nắm rõ được nghĩa của từ biến chuyển ra dòng thời gian cũng như được quy ước theo cách hiểu phổ thông được ghi lại trong từ điển. Họ dùng từ theo thói quen được hình thành từ môi trường thông tin họ thường xuyên tiếp xúc. Nhiều người cho rằng từ ngữ chỉ là từ ngữ, sai chút có sao đâu hoặc quy chuẩn phổ thông thay đổi theo dòng thời gian, cần gì phải quan tâm. Hệ lụy của việc này đó là dẫn đến việc người đọc tiếp nhận sai ý nghĩa mà người viết muốn truyền đạt. Những người sử dụng từ ngữ một cách vô ý thức thường không có thói quen tư duy làm sao để người đọc hiểu đích xác được điều mình đang viết, hoặc nguy hại hơn, họ thậm chí còn không hiểu mình đang viết gì mà chỉ tuôn trào các dòng ngôn từ được lắp ghép với nhau trong tâm trí mà thôi.

Thứ hai, những câu văn dài dòng nhiều vế là một sự thể hiện cho việc thiếu khả năng tư duy phân loại thông tin. Những câu văn rất dài, “dây cà ra dây muống”, vế này ngoằng vào vế kia, thường được viết bởi những người không có thói quen sắp xếp các thông tin thành từng mảng khác nhau theo trình tự, mà muốn trong một câu thể hiện cả hệ thống thông tin phức tạp. Nói vui, họ không biết đặt dấu phẩy và dấu chấm đúng chỗ. Người đọc khi đặt các văn bản như vậy thường sẽ không thể biết được trong một câu văn dài dằng dặc đó, đâu là chủ thể tạo ra hành động và đâu là hành động (tức chủ ngữ và vị ngữ). Đây là hiện trạng lỗi tư duy khi viết thường thấy ở người viết hiện nay khi người viết không được học hành tử tế về ngữ pháp tiếng Việt. Thậm chí, trong nhiều văn bản tiếng Anh (có thể cả với tiếng Đức và tiếng Pháp), lối diễn đạt loằng ngoằng này được ưa chuộng như một điển hình của lối viết hàn lâm. Thật là khổ cho những dịch giả phải dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Không rõ họ có quá choáng ngợp trước nền văn minh phương Tây mà tôn sùng lối viết này hay chăng?

Thứ ba, “diễn đạt lằng ngoằng” còn được thể hiện ở những bài viết thiếu tính hệ thống, tức là thông tin không được sắp xếp có trình tự, ý trên ý dưới trùng lặp nhau, đang viết ý nọ lại xọ sang ý kia. Người viết những văn bản này không trải qua quá trình xử lý thông tin. Bản chất quá trình xử lý thông tin là tìm ra các mối tương quan giữa các thông tin và nhóm thông tin với nhau. Các thông tin chưa qua xử lý thường thiếu tính chính xác, không liên kết với nhau. Người viết dựa trên thông tin chưa qua xử lý thường không hiểu vấn đề mình định viết mà hoàn toàn bị lái hướng bởi các định kiến và cảm xúc. Các thông tin tìm kiếm được từ thế giới bên ngoài được lắp ghép vô tội vạ vào các định kiến và dòng cảm xúc của người viết, bất kể đúng sai. Người đọc khi gặp phải những văn bản như thế này sẽ có hai loại phản ứng. Đối với những người viết thiếu hệ thống nhưng kém khả năng diễn đạt, người đọc sẽ cười khảy bỏ qua để tìm bài viết thú vị hơn. Đối với những người viết thiếu hệ thống nhưng biết nhiều thủ thuật diễn đạt, người đọc rất dễ bị lôi cuốn và bị đưa vào mê hồn trận của người viết. Người đọc một khi đã mắc kẹt tại đây, sẽ bị tẩy não dễ dàng và bị đồng hóa trở thành kệ người tư duy loằng ngoằng khác. Những văn bản mang tính tuyên truyền thường xuyên có lối “diễn đạt loằng ngoằng” này.

Thời đại của Internet, ai cũng có thể trở thành tác giả mà không cần trải qua quá trình biên tập và thẩm định, là một cơ hội hiếm có cho những lỗi sai căn bản trong diễn đạt mà tôi vừa kể trên. Đi kèm với các lỗi sai trong diễn đạt này là một sự suy thoái trong tư duy. Người ta không cần phải tư duy rõ ràng rành mạch nữa, không cần phải sắp xếp thông tin trong văn bản sao cho người đọc có thể hiểu được điều mình viết ra nữa. Người ta chỉ cần bắn lên thế giới ảo bất cứ cái gì xuất hiện trong não trạng hỗn loạn của mình và khoác cho nó những mỹ từ như “sáng tạo”, “hậu hiện đại”, “tự do biểu đạt”…

Quay trở lại với điểm tôi đề cập ở phần mở đầu của bài viết. Thế nào là “sự mộc mạc”. “Sự mộc mạc” trong diễn đạt không phải là sử dụng các ngôn từ thô lậu, mà là sử dụng những ngôn từ đúng đắn để diễn đạt đúng bản chất của vấn đề, không nói quá lên cũng không giảm bớt đi. Môi trường sống của một nhà văn như thế nào sẽ được phản ánh trung thực qua văn bản của mình. Một nhà văn thích sử dụng các ngôn từ đơn giản như đời sống thường ngày vốn là những nhà văn lăn lộn vào cuộc sống để trải nghiệm. Một nhà văn thích sử dụng các ngôn từ bay bổng, giàu hình ảnh, vốn là những nhà văn sống chậm rãi và chìm đắm trong thế giới nội tâm và siêu hình. Nhưng dù như thế nào, văn bản của họ là một thể thống nhất các hình chiếu mô phỏng cho cả thế giới bên ngoài và thế giới bên trong của họ. Một nhà văn lớn, họ chủ động với hành vi viết của mình, chứ không để các hình chiếu của thế giới định hình bản thân họ.

Hà Thủy Nguyên

Home 2017 / page 11

Phúc âm mưa

Héo khô đất trời đại mạc
Với tay tìm hư ảnh Đào Nguyên
Than ôi…
Hư ảnh tiếp kề hư ảnh
Trái tim cạn kiệt sầu bi
Độc tố chốn thiên đường
Hư ảnh hỉ lạc
Hư ảnh ánh dương xuân

Mưa…
Mưa…
Tan chảy…
Thấm môi…
Ứa tàn lệ…
Sầu…
Bi…
Một kiếp phù du thôi cũng đành dấn bước
Than ôi… Mưa không nhuốm màu hư ảnh
Mưa…
Sợi dây…
Nối liền…
Thực tại…
Chạm ướt lạnh…
Tỉnh giấc mộng dài chốn vĩnh cửu thiên đường đang tốc gió bốn phương biến cát bụi thành cát bụt

Hỡi mưa
Âm giai sầu bi
Có nhớ chăng ai?
Giăng thơ cõi tình u uẩn
Cổ huyền xưa buông thõng giọt rơi rơi

Hỡi mưa
Bóng dáng ai cô độc
Nhòa góc phố miên man
Phủ tang ngàn kiếp lang thang
Cơ đồ tan loãng bụi mưa phũ phàng…

Hỡi mưa
Cầu Ô Thước nối liền lại đứt
Thực tại sâu kín mong manh
Quay tơ bến thời gian
Ai ơi có nhớ
Mộng ngàn năm thoáng chốc tiêu tan
Kẻ cung vàng điện ngọc
Kẻ lưu lạc nhân gian
Mượn lời mưa giãi tỏ tâm can
Đan mưa dệt lệ
Gửi vào bồng lai…

Hỡi mưa
Thăm thẳm vực sâu muôn trượng
Nâng cao đôi cánh hải hồ
Trải mây mưa thiên địa
Trọn kiếp bình sinh chốn tiêu diêu

Mưa dừng chân nơi đại mạc
Gột rửa nỗi đau cứu thế trên vai
Thiên thần lấp lánh hào quang nước
Sầu bi nhân thế…
Tạnh rồi…

Hà Thủy Nguyên

Home 2017 / page 11

Ghi chép trong mưa

Nhiều thế kỷ trước, Phạm Đình Hổ viết “Vũ trung tùy bút”, như một sự nuối tiếc dằng dặc. Có thể là do mát trời mà viết, cũng có thể do cái không khí ấm ức trong những ngày nắng tàn đã cô đặc thành từng giọt… Những giọt cô đặc ấy lăn thành vệt dài trên mái rồi nhỏ xuống hè phố… Đã nhiều ngày nay, tôi như kẻ điên rồ với vai diễn mà quên mất rằng mình là kẻ sáng tạo.

Tôi vẫn làm công việc của Thượng Đế (có thể là Thượng Đế giả mạo). Tôi tự cho mình cái đặc quyền tạo ra số phận cho những hình bóng mờ nhạt trong tâm trí. Không rõ Thượng Đế có từng quên tôi và những hình bóng của người, giống như tôi đã lãng quên những hình bóng của mình. Chỉ khi những giọt mưa rơi xuống, những số phận bế tắc ấy xuất hiện và kêu gào. Đời sống của tôi trôi đi nhạt nhẽo đến mức phải mượn vào những giọt mưa để đi tìm cảm hứng.

Những hình bóng đứng lặng nhìn tôi chằm chằm. Những kẻ bị tôi lãng quên! Không oán thán, không đau buồn nhưng làm tôi rợn tóc gáy. Cái rùng rợn như một kẻ điên cuồng thắp nến đứng trước gương để kêu gọi hồn ma từ thế giới khác. Mưa rả rích trong sự đối xứng khó chịu của gió và mây. Thà rằng chúng lao đến tôi, nuốt gọn linh hồn tôi còn hơn là đứng đó, yên lặng không vô cảm, trơ trơ không khiêu khích. Lúc này tôi mới nhận ra rằng hình như mình không phải kẻ tạo ra số phận cho chúng. Một sự nghi ngờ khác: có thật là số phận của tôi đã được sắp sẵn hay không. Tôi hoàn toàn có thể lựa chọn việc đứng im và nhìn trừng trừng như thế vào Thượng Đế để khiến ngài bối rối. Nhưng chắc tôi sẽ không thể câm lặng lâu như chúng, cái bản tính trẻ con của tôi nhất định sẽ xông vào hỏi Thượng Đế đủ thứ chuyện bá láp. Giống như lúc này đây, đáng ra tôi phải nhìn chằm chằm vào chúng thì tôi lại tưởng tượng ra Thượng Đế và cái ngày tôi được gặp người. Không biết hên hay xui, chỉ vì lòng hoài nghi của tôi với Thượng Đế quá lớn đến mức tôi không thể tưởng tượng, nếu không thì Thượng Đế đã trở thành một trong những hình bóng mờ nhạt mà tôi tạo ra.

Tôi tiến lại gần những chiếc bóng (hoặc chúng đang tiến lại gần tôi).

– Tại sao lại nhìn ta như vậy?

Một hình bóng bước lên, với dáng hình của một cô gái thời cổ xưa, nhưng phảng phất không rõ mặt, chẳng khác nào bóng ma trong câu chuyện kinh dị lúc đêm khuya.

– Chẳng phải vì cô vẫn nhìn chúng tôi như vậy sao?

Tôi nhìn sâu vào gương mặt ấy… không còn thấy gương mặt, chỉ thấy bóng mặt trăng chết đuối nơi đáy nước. Một sự điên rồ bệnh hoạn! Tôi không thể nhìn thấy mọi vật như nó vẫn là. Ảo ảnh hiện lên trong nhận thức lại là một ảo ảnh hoàn toàn khác chứ không phải chính ảo ảnh đó. Biết dùng ngôn ngữ thế nào với ảo ảnh, biết sắp đặt số mệnh cho ảo ảnh như thế nào đây? Không thể nói với những hình bóng về sự thật này. Phần nào đó tôi e sợ cái cảnh chúng nhận ra rằng chúng không có thật. Giá như tôi chỉ còn một chút nho nhỏ của niềm tin thôi, có thể chúng đã có số phận của riêng mình, chúng có thể không còn là ảo ảnh.

Không lẽ tôi và các hình bóng cứ đứng như vậy nhìn nhau cho hết cơn mưa. Trời âm u thấy bảo sẽ kéo dài nhiều ngày lắm. Nếu tôi không nghĩ ra trò nào đó để chơi đùa với chúng, tôi sẽ phải đối mặt với việc so găng cùng sự buồn chán.

Cái tiếng tí tách chết tiệt! Cái giai điệu u buồn chết tiệt! Hãy nổi gió lên! Bão ào ào đổ! Gốc cổ thụ bị quật ngã trơ bộ rễ cổ quái! Hãy như thác đổ! Trở thành cuồng phong! Thác lũ lớn lên đi! Đại hồng thủy đi! Sấm rung chớp giật! Các bóng hình cuộn lại, xoáy tròn thành những vòi rồng. Chúng thổi bay thành phố ngột ngạt và chật hẹp. Cơn bão lớn sẽ khiến đám đông mê muội đang đuổi bắt nhau trên đường bê tông kia không kịp thở. Đám đông chỉ còn hai lựa chọn di chuyển : hoặc tiếp tục đi thẳng, hoặc bị cuốn theo lốc xoáy của vòi rồng. Hamvas Béla đã từng viết: “mọi thứ đều cong, ngoại trừ sự bất lương”.

Sự bất lương chất chứa đầy ngay lúc này đây! Không có cơn bão nào cả! Ngoài kia dòng người vẫn cắm đầu cắm cổ chạy thẳng tưng. Đến những giọt mưa cũng nặng nề rơi xuống theo phương thẳng đứng. Tôi và những hình bóng cũng đang nhìn thẳng vào nhau. Và nếu tôi nói thẳng với chúng rằng: “Các ngươi không có thật đâu” thì đó hoàn toàn là sự bất lương.

Để trở thành một kẻ bất lương, người ta cần sự dũng cảm phi thường. Sự thật không giải phóng con người, sự thật phá hủy mọi thứ thuộc về con người. À không, có thể nói một cách khác, sự thật giải phóng con người khỏi chính mình rồi sau đó giải phóng họ khỏi chính sự thật. Tôi phải lựa chọn: Hoặc là cố tạo cho chúng những khuôn mặt hoàn chỉnh, hoặc chấm dứt toàn bộ sự tồn tại của chúng bằng sự thật. Lựa chọn thứ nhất tôi có nhiều thứ: số phận của chúng sẽ cho tôi những câu chuyện, những cuốn tiểu thuyết, cho tôi sự nổi tiếng. Lựa chọn thứ hai tôi sẽ không có gì cả ngoài cảm giác của một trận cuồng phong, của cơn đại hồng thủy, của sự tận diệt. Chẳng thể hủy diệt thế giới bên ngoài, còn cách nào khác ngoài từng ngày gặm nhấm bản thân và tự hủy diệt chính mình.

– Các ngươi không có thật đâu!

– Há há há há há… – Lũ hình bóng cười ầm lên.

– Ta tạo ra các ngươi dùng để viết truyện thôi…

– Há há há há há… – Lần này chúng cười dài hơn

Nếu thêm một lần nữa chúng cười như vậy, tôi chắc là sẽ nghi hoặc chính bản thân mình. Sự hoài nghi đã khiến tôi không thể cho chúng một hình hài nguyên vẹn, cũng giống như không thể tưởng tượng ra Thượng Đế. Nhưng điệu cười mỉa mai của chúng lại khiến tôi nghi ngờ chính sự hoài nghi ấy.

– Các người có thể ngừng cười và nghe ta nói được không vậy! – Tôi bực bội sẵng giọng.

– Há há há … – Một hình bóng có vẻ lười nhác, tóc tai bờm xờm nói xen giữa tràng cười – Để chúng ta cười nốt cho đã đời rồi sẽ tiếp chuyện.

Tôi nhìn chúng cười cứ như thể chúng không thể dứt. Chúng đang bỡn cợt tôi à? Nhịp điệu cười của chúng hoàn toàn trùng khít với nhịp mưa.

– Nếu các ngươi ngừng cười, ta có thể viết các ngươi thành sách, các ngươi sẽ có số phận!

Cô gái giống mặt trăng chết đuối lướt đến gần tôi, ghé sát vào mặt tôi hà hơi lạnh buốt. Tiếng chuông gió ngoài kia leng keng, leng keng:

– Đừng tưởng chúng ta thích lên trang sách… Chúng ta lựa chọn không xuất hiện, lựa chọn ở lại trong tâm trí của ngươi…

– Phải – Kẻ đầu tóc bờm xờm lăng xăng nhảy múa vờn quanh tôi – Nhìn xem, nhìn xem… thật tự do thoải mái… Không số phận, không tên tuổi, không khuôn mặt… Nhưng thấy không, chỉ chúng ta có thể gặm nhấm tinh thần ngươi… Cái đám háo danh nhanh chóng chạy theo cảm hứng của ngươi và ào ra trang sách, chẳng phải ngươi đã quên tiệt chúng rồi sao…

Tôi trợn tròn mắt. Làm sao để giết chết chúng? Chúng chỉ là những ý niệm, và người ta không thể giết những ý niệm. Tiếng mưa vẫn tí tách. Sự bất lương trở nên vô nghĩa lúc này! Sự nhân tính lại càng nhảm nhí nữa! Khi người ta cố giết những điều không thể giết thì người ta đã mất luôn cả tính thiện và tính ác của chính mình.

Lúc này đây, tôi bỗng dưng hoàn toàn tin vào Thượng Đế. Điều kỳ diệu của Thượng Đế nằm ở chỗ: chỉ cần tin vào ngài là ngài xuất hiện.

– Ta biết con đang cần đến ta!

– Vâng, thưa Thượng Đế, con cần người tiêu diệt những hình bóng kia! Chúng đang ám ảnh con! Con chỉ cần tận hưởng cơn mưa thuần túy là một cơn mưa. Nhưng sự xuất hiện của chúng biến cơn mưa không còn là cơn mưa nữa.

– Không cần phải xua đuổi chúng – Thượng Đế mỉm cười hiền từ – Ta có thể hòa tan chúng vào trong ta…

Cô gái giống mặt trăng chết đuối hét lên:

– Đừng tin hắn! Hắn không phải Thượng Đế đâu…

– Tại sao? – Tôi quắc mắt hỏi

– Đừng bao giờ hỏi tại sao? Con hãy nghe theo lời trái tim con… Ta ở trong trái tim của chính con và con chỉ có thể cảm nhận ta bằng trái tim – Thượng Đế vẫn ôn tồn.

Tên tóc tai bờm xờm nhào lộn vòng quanh tôi, vòng quanh Thượng Đế:

– Hắn chỉ cần ngươi tin, tin rồi hắn sẽ như virus được cấy vào trong chúng ta, hắn sẽ biến chúng ta thành chính hắn cũng như biến chính hắn thành chúng ta. Ngươi sẽ bị gặm nhấm theo một cách khác thôi.

Thượng Đế vẫn tiếp tục tỏa ánh hào quang:

– Không có gì cao cả hơn sự hi sinh chính mình cho tình yêu và chân lý.

Tôi nhíu mày hết nhìn Thượng Đế rồi nhìn đám hình bóng tội nghiệp. Ngoài kia trời đã gần tạnh mưa. Chỉ còn lắc rắc vài hạt nhè nhẹ. Nhưng trời vẫn âm u, có thể sẽ còn một cơn mưa khác. Điện vụt tắt! Mất điện rồi. Không nhìn thấy gì hữu hình nữa, nhưng tôi vẫn thấy Thượng Đế và những hình bóng. Những lúc thế này mới thấy là khái niệm ánh sáng và bóng tối thật là tương đối.

Không nói không rằng tôi đi đến bên tấm gương to đặt ở góc tường, xòe lửa, thắp nến. Gương phản chiếu ánh sáng lung linh khắp phòng. Tôi đưa mắt nhìn lên gương để thưởng thức hình bóng của lửa. Lạ thật! Thượng Đế và đám hình bóng vẫn đúng đó, đều nhìn theo tôi. Trong gương, tôi lại nhìn rõ từng gương mặt. Gương mặt Thượng Đế: Tôi. Gương mặt cô gái giống mặt trăng: Tôi. Gương mặt kẻ bờm xờm: Tôi. Gương mặt của tất cả: chính Tôi.

Giụi mắt nhìn lại mình lần nữa. Tôi nâng cao cây nến lên sát mặt. Gương mặt tôi bị cắt vụn thành nhiều mảnh, xếp chồng chéo lên nhau như tranh lập thể. Thế rồi chúng nhòa dần, nhòa dần, biến mất. Tôi không còn nhìn thấy rõ đường nét và màu sắc trên gương mặt mình nữa. Tôi chỉ thấy ngọn lửa đang ăn mòn ngọn nến thành từng giọt trào xuống. Dòng nến chảy dài đông đặc lại, chất chồng lên nhau. Và bởi vì là ngọn lửa nên không còn cách nào khác ngoài việc thiêu hủy tất cả cho đến khi nó tận diệt.

Ngoài trời, một cơn mưa khác lại bắt đầu nhỏ giọt! Thôi thì không thể trở thành cuồng phong, hãy trở thành ngọn lửa.

Hà Thủy Nguyên

24/6/2014

*Truyện nằm trong tập truyện ngắn Gallery & Bóng

Home 2017 / page 11

Tiểu thuyết “Điệu nhạc trần gian”

Tiểu thuyết “Điệu nhạc trần gian”

Tác giả: Hà Thủy Nguyên

Thời gian sáng tác: 2000 đến 2002

Số trang: 939 trang

Xuất bản năm 2004, NXB Phụ Nữ và Nhà sách Đông Đô ấn hành

Tình trạng bản thảo: Không còn ấn bản trên thị trường. Đang trong quá trình sửa lại bản thảo và chuẩn bị xuất bản trên Amazon.

Tổng quan về tác phẩm:

Từ thuở xa xưa, khi thần tiên và các tộc như rồng, yêu long, ma quỷ…v…v… vẫn đang hiển hiện song song với đời sống của con người, có một nhóm tên là Bát Long. Bát Long được sinh ra với sự kết hợp dòng máu của thần tiên, con người, ma quỷ  và rồng, và được các tiên nhân nuôi dạy. Bát Long gồm 8 người, đã cùng nhau mưu phản những mong lật đổ thiên đình. Thế nhưng, kế hoạch của họ thất bại. Bát Long bị trừng phạt, phải đầu thai xuống kiếp người, quên hết mọi quá khứ và pháp lực. Thế nhưng, khi xuống làm người, số phận vẫn đưa đẩy họ gặp nhau tại kinh thành Thăng Long dưới thời vua Lý Nhân Tôn. Họ đã giúp triều đình nhà Lý chống lại quân Tống xâm lược, tiêu diệt các thế lực ma quỷ hỗ trợ quên Tống. Khi cuộc chiến chống quân Tống của vua quan nhà Lý đã kết thúc, cuộc chiến của Bát Long vẫn tiếp diễn, bởi các thế lực ma quỷ vẫn còn lộng hành. Trong suốt cuộc chiến, họ trải qua đủ các thang bậc hỉ lạc sầu bi chốn trần gian và nhận ra rằng đời sống chốn nhân gian đáng sống hơn nhiều so với việc trở thành thần tiên bất tử.

Sau khi được xuất bản, cuốn sách đã tạo ra một tiếng vang lớn trong báo chí. Đây là cuốn tiểu thuyết kết hợp giữa dã sử, kiếm hiệp, thần tiên đầu tiên ở Việt Nam, và đặc biệt là nó được viết bởi một cô bé mới 14 tuổi (được hoàn thành năm 16 tuổi). Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đã nhận xét như sau về cuốn sách:

“Một cuốn tiểu thuyết viết theo lối chương hồi phóng túng (có câu thơ đầu ở hầu hết các chương tuy không nhất thiết phải đối nhau nghiêm ngặt; có đoạn thơ kết thúc từng chương). Một cuốn tiểu thuyết hoàn toàn tưởng tượng, nghĩa là đọc nó người đọc được bước vào một thế giới thần tiên ma quỷ, không phải thế giới hiện thực của con người trần gian, nhưng tình cảm, cảm xúc của các nhân vật tiên quỷ trong đó lại là của con người. Một cuốn tiểu thuyết cuốn hút người đọc theo những bước chân phiêu lãng, theo những cuộc tình trong sáng đắm say của những chàng trai cô gái vốn hóa thân xuống đất làm việc thiện việc nghĩa, không ngại chấp nhận thử thách đến từ phía cái ác cái xấu. Một cuốn tiểu thuyết mà đọc nó ngỡ như quen thuộc từ nhân vật đến giọng văn nhưng lại thấy lạ lùng khi nghĩ đó là do một cô bé học sinh viết ra.”

Trích dẫn truyện:

…“Phụng Nhi cũng không lên triều. Không hiểu nàng đã đi đâu trong suốt ngày hôm qua và cũng không biết hiện giờ nàng đang ở đâu nữa? Hai ngày sau, nàng đã trở về, nàng vẫn lên triều nhưng trông nàng xanh xao và tiều tụy hơn, đối mắt sắc sảo của nàng trở nên buồn đến não người. Nàng càng buồn, mà không hiểu sao những vị quan tài tử trong triều bỗng trở nên tâm thần rối loạn. Từ một cô gái chuyên đề ra những phương châm đúng đắn về việc nước, Phụng Nhi bỗng trở nên trầm tư và thờ ơ trước mọi chuyện chính sự. Nàng vẫn đứng trong điện mà không hiểu tâm trí của nàng đang ở nơi đâu? Trước đây, cứ sau một buổi chầu là nàng lại tranh luận với tất cả văn võ bá quan, vậy mà bây giờ cứ tan triệu, nàng lùi lũi bước đi không nói một lời. Hình như đối với nàng, lên triều là cả một cực hình vậy. Sức mạnh của nỗi buồn quả là to lớn. Nó làm cho người cứng rất nhất cũng trở nên mềm yếu.”…

…“Chàng đã để tất cả quãng thời gian đó để khám phá một thế giới mới mà theo chàng đó là một thế giới thú vị vô cùng. Đó là thế giới của núi đá rêu phong, của thác đổ ào ào, của vạn vật muôn lời. Chàng thấy thật sảng khoái khi được gối đầu lên tảng đá, lưng đặt xuống đất ẩm, màn đêm là bức màn kỳ diệu che cho chàng. Thỉnh thoảng, chàng lại lấy tiêu thổi một khúc nhạc tình yêu. Chàng đã ngộ ra được nhiều điều trước khung cảnh thiên nhiên này.”Nhiều khi, những đếm trăng sáng, chàng cũng không khỏi xúc động. Ánh trăng sáng hòa với ánh bạc lấp lánh của suối tạo nên một tấm lụa tuyệt đẹp. Từng sợi tơ ánh vàng xen kẽ với những sợi bạc… và tựa như cả trăng và suối đã làm một chiếc khung cửi vĩ đại nhất trần đời.”…

…“Chàng không muốn nhìn thấy ai phải đau khổ, mà muốn tiêu diệt cái gì thì phải truy tìm nguồn gốc của cái đó. Song, thật là trớ trêu, chàng không sao tìm được nguồn gốc của đau khổ. Và đâu chỉ mình chàng không tìm được. người ta không hiểu được nguồn gốc của đau khổ cũng như không hiểu tại sao loài người lại có mặt trong trời đất vậy. Mưa xuân vương trên tóc và áo, chàng nhìn căn phòng đầy bụi bặm và mạng nhện, nhưng bức họa vẫn còn rõ nét. Dáng người ấy, vẻ mặt ấy, nụ cười ấy khiến tim chàng nhó lên từng đợt như ai đang cầm cây kim chọc vào. Bức tranh nhòa dần đi trong nước mắt, chàng bước đến gần, phủi nhẹ lớp bụi trên bức tranh, chìm đắm vào đau thương.”…

…“Đào hoa rụng xuống bên thềm

Lòng ta chỉ một giữa đêm mưa buồn

Những ngày gió xéo mưa tuôn

Lấy ai sưởi ấm chút hồn cô đơn

Đôi lời thệ hải minh sơn

Một cơn mưa xuống trút hờn ngàn năm”…

Home 2017 / page 11

Con đường viết của tôi (5): Sáng tác văn chương như hành trình khám phá thế giới tâm trí

Các bạn click vào để đọc thêm:  “Con đường viết của tôi” 

Ngày nay, văn chương không còn được ưa chuông nhiều nữa. Văn chương trở thành thứ vô dụng, đặc biệt là ở nước ta, bởi nó không mang lại nhiều tiền bạc và danh vọng. Văn chương chỉ còn là đam mê hoàn toàn rất cá nhân đến từ những ai muốn vượt trên đời sống tầm thường này để đi sâu khám phá thế giới tâm trí của mình. Đó là những người mơ hồ nhận thức được rằng, tất cả những gì đang diễn ra ở ngoài kia đều sẽ có một hình chiếu trong tâm trí hoặc ngược lại, vạn sự diễn ra đều là phóng chiếu ở tâm. Như vậy thì, thành công ở đời sống bên ngoài có lẽ không lý thú bằng con đường khám phá và chinh phục thế giới tâm trí bên trong.

Nghe qua thì việc sáng tác văn chương có phần nào giống những người thiền định hay những bậc tu hành nhỉ! Điều này không sai. Nếu người thiền định hay bậc tu hành thông qua các phương pháp tĩnh lặng để đạt được tri kiến, thì người sáng tác văn chương thông qua hành vi chiêm nghiệm và viết, cũng để đạt được tri kiến. Có nhà văn chiêm nghiệm rồi viết, cũng có nhà văn vừa viết vừa chiêm nghiệm, nhưng dù thế nào, trong quá trình sáng tác, những tri kiến mới mẻ sẽ xuất hiện bên ngoài cái biết thông thường của chúng ta. Nếu sau khi viết xong một bài thơ, một truyện ngắn, một tản văn, một cuốn tiểu thuyết…v…v… mà ta không thấy mình trưởng thành hơn, tức là ta chưa thực sự sáng tác mà chỉ thông qua viết để mô phỏng lại những gì đã biết như một cái máy.

Viết thơ, truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết… như một cái máy là thói quen thường thấy của những nhà văn chuyên nghiệp hoặc ở cấp độ thấp hơn, là các cây viết thị trường. Các nhà văn chuyên nghiệp khi đã định hình phong cách, định hình tư tưởng, định hình lối tư duy rõ rệt, thì tâm trí của họ đã trở thành một phần mềm thông minh luôn vận hành tự động. Mọi dữ liệu đời sống tự động nạp vào tâm trí của họ, tự bố cục theo những gì tâm trí họ định sẵn. Nếu bạn thấy một nhà văn, nhà thơ nào có phong cách lặp đi lặp lại nhưng vẫn hấp dẫn thì đó là bởi họ đã bị mắc kẹt trong chính cái phần mềm thông minh mà họ tạo ra trong các tác phẩm thành công ban đầu. Đương nhiên, một tác giả chân chính sẽ nhận thức được điều này. Họ sẽ vùng vẫy để thoát khỏi sự “chuyên nghiệp” ấy. Họ sẵn sàng thử nghiệm những thứ mới hơn, đi vào các ngóc ngách khác lạ trong tâm trí mình, thậm chí sẽ dẫn đến các biểu hiện điên rồ trong lối viết cũng như trong đời sống. Các thử nghiệm này chưa chắc được số đông độc giả đón nhận, nhưng với tác giả đó là bước đi cần thiết để thoát khỏi cái bóng của chính mình. Các cây viết thị trường thì vừa giống lại vừa khác. Họ cũng chạy trên phần mềm, nhưng là phần mềm cải tiến lắp ghép từ rất nhiều người khác. Họ đủ hiểu độc giả muốn gì, các Nhà xuất bản yêu cầu gì, và từ những yêu cầu đó họ cải tiến thành một phần mềm. Thường trong các tác phẩm thị trường, tính cá nhân của nhà văn không cao, mà chỉ tuân thủ theo các xu hướng có sẵn của xã hội. Người đọc đọc tác phẩm của họ để ve vuốt cái tôi cá nhân của bản thân với những thói quen suy nghĩ đã sẵn có của họ.

Vậy thì vấn đề quan trọng nhất của sáng tác có phải là thoát khỏi những phần mềm tâm trí có sẵn hay không? Không hoàn toàn như vậy! Nếu người viết nhận ra rằng mình bị rơi vào phần mềm tâm trí, càng cố vùng vẫy thì càng khó thoát. Thực ra nếu chúng ta nhớ lại cái cảm giác run rẩy ban đầu khi bước vào con đường sáng tác, còn ngơ ngác trước mọi thủ thuật viết lách, còn non nớt trong diễn đạt, bạn sẽ thấy rằng quá trình sáng tác văn chương có chiều sâu hơn một cuộc vùng vẫy rất nhiều.

Còn nhớ những ngày đầu tôi viết cuốn tiểu thuyết “Điệu nhạc trần gian”. Lúc ấy, tôi chưa biết gì về các lý thuyết văn học, chưa giỏi các thủ thuật, còn nghĩ cuộc đời là màu hồng với những lý tưởng cao vời về tình yêu và chính nghĩa. Tôi tự hóa thân mình vào nữ nhân vật chính, tôi tưởng tượng ra kinh thành Thăng Long thời Lý, vùng núi phía Nam Trung Quốc, và cả mảnh đất  kỹ lưỡng từng chi tiết (thậm chí còn chả quan tâm đến sử liệu). Tôi tạo cho mình những người bạn, những kẻ thù; tạo cho mình một thời cuộc để sống; tạo ra những va đập và phản ứng của đời thường. Một cuộc đời giả lập đã được tạo ra, để trong đó tôi cho phép cá tính của mình thoải mái bộc lộ và xem xét những phản ứng. Tôi cũng để những nhân vật khác trong truyện có cá tính riêng dựa trên nguyên mẫu người tôi đã gặp và đưa vào đó những dự đoán của tôi về phản ứng phù hợp với cá tính nhân vật.  Tất cả những nhân vật va đập với nhau để tạo ra một thế cuộc của cuốn sách, rồi chính thế cuộc ấy lại tác động góp phần nổi bật nhân vật chính đại diện cho tôi. Nghe tưởng chừng như tôi kiểm soát toàn bộ cuộc chơi sáng tác và thế giới trong truyện do một tay tôi dàn xếp tất cả. Nhưng không phải vậy. Các nhân vật đều có đời sống riêng của nó, kể cả nhân vật đại diện cho tôi. Chúng luôn có những phản ứng bên ngoài sự sắp đặt. Tại sao lại vậy? Bởi lúc viết, tôi chưa hoàn toàn hiểu hết con người sâu thẳm bên trong minh và cũng chưa từng hệ thống hóa những gì tiếp thu được từ thế giới bên ngoài. Trong quá trình sáng tác, những nhận thức từ thế giới bên ngoài được lắp ráp lại với nhau để tạo thành một thế giới trong tưởng tượng. Nhân vật đại diện cho tôi, mà thực ra là chính tôi, đã đi vào thế giới tưởng tượng ấy, sống hoàn toàn trong đó, trải nghiệm từng thang bậc hỉ nộ ái ố trong đó, để rồi rút ra những tri kiến riêng cho mình. Suốt 2 năm viết tiểu thuyết, tôi sống song song hai cuộc đời: một cuộc đời trong truyện và một cuộc đời vật vờ ngoài đời thật. Có thể xem, việc sáng tác một cuốn tiểu thuyết giống như là một lần “lịch kiếp” vậy. Trải qua kiếp người giả lập ấy, nếu chúng ta không học được bài học gì cho bản thân, chúng ta sẽ lặp đi lặp lại kiếp ấy ở những cuốn tiểu thuyết khác. Chính bài học chúng ta không học được qua trải nghiệm sáng tác sẽ đẩy chúng ta vào phần mềm thông minh của chính mình.

Vậy thì sáng tạo văn chương thực sự là một cuộc dấn thân toàn bộ bản thân mình vào thế giới tâm trí bên trong. Càng dấn thân, càng liều chết xông lên mà không màng tới những gì đã bỏ lại ở thế giới bên ngoài, thì ta càng đạt được các nấc thang cao hơn của sự sáng tạo. Đôi khi, sự dấn thân này sẽ gặp bế tắc, bởi thế giới tâm trí dường như bị rơi vào tình trạng thiếu thông tin. Ta lại làm một cuộc hành trình ngược lại, đó là dấn thân toàn bộ vào một cuộc chơi bên ngoài. Thế nhưng, cuộc chơi bên ngoài này chỉ là một hướng đi đột phá. Bởi ta chơi trò chơi bên ngoài với cái nhìn nội tâm. Sau cuộc du ngoạn ngắn ngày ấy, ta lại quay vào thế giới nội tâm với các dữ kiện mới thu thập được, để có thể kiến tạo cho mình một thế giới mới hơn. Nhưng nếu với cuộc chơi bên ngoài, bạn không thể quăng quật bản thân mình vì sợ tổn thương, sợ đau đớn, thì bạn cũng không thể thu lượm được tri kiến nào mới mẻ. Và đến khi quay lại với việc sáng tác văn chương, bạn vẫn sẽ lặp lại cái phần mềm của mình với các dữ liệu góp nhặt khác.

Thế nên, con đường sáng tạo văn chương hay sâu xa hơn là hành trình khám phá nội tâm của mỗi cá nhân cần sự dũng cảm phi thường. Trên con đường này, người viết không sợ hãi sự cô độc, không hoảng hốt trước các ý nghĩ điên rồ, không ngại các cơn tra tấn tinh thần, không e dè trong việc đạp đổ các ý tưởng của chính mình. Thậm chí, con đường này có phần gai góc hơn tu hành, bởi vì không cái phao niềm tin nào để bấu víu. Người viết loay hoay giữa vô cùng, và chỉ những người dũng cảm phi thường mới có thể thích thú với vô cùng.

Hà Thủy Nguyên

Home 2017 / page 11

Ta lạc vào xa vắng

Ta lạc vào xa vắng

Trập trùng thức mây lồng

Ai đợi ta cõi sống

Nhịp luân hồi vang vang…

 

Ta lạc vào xa vắng

Ai kẻ đóng vai ta

Uốn éo một khúc ca

Ta có về chăng nhỉ ?

 

Ta lạc vào xa vắng

Kìa là mộng hay đời

Nhân thế một kiếp chơi

Biết nên đi hay ở ?

 

Ô kìa cổ mộ ngàn năm vắng

Ô kìa cố nhân như bóng mây

Ta đợi ta

Bụi hồng dương quang lấp lóa

Lần dấu tơ duyên

Nhập hồn khúc ca xưa…

 

Ô kìa đời lao xao bỗng dừng trong tĩnh lặng

Ô kìa mộng mơ hồ bỗng tỉnh giữa đơn côi

Say ngủ chốn mây lồng

Nhân thế ta bỏ cuộc

 

Cởi vai diễn luân hồi

Khúc ca xưa ngưng bặt

Ta cười tan váng mây

Kìa giấc mơ dần tắt…

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2017 / page 11

Con đường Viết của tôi (4): Tại sao cần tuân thủ các nguyên tắc khi viết?

Các bạn click vào để đọc thêm:  “Con đường viết của tôi” 

Có nhiều người coi việc viết nhằm mục đích để thuyết phục người đọc, thế nên chỉ cần viết sao cho bay bướm văn hoa hoặc văn phong kỳ dị là đủ hoặc lời lẽ êm tai như ru ngủ. Lối viết này được các nhân vật nổi tiếng của làng viết yêu thích, đặc biệt trong thời đại Internet. Tất cả các văn bản viết một khi đã đăng trên mạng thường được cho rằng chỉ đọc lướt. Thế nên, nội dung gì không quan trọng, người viết cứ chém thoải mái, tần số xuất hiện cái tên càng nhiều thì người viết càng nổi tiếng. Dần dần, nội dung trong bài viết không đọng lại nơi người đọc mà chỉ biết đến cái tên của người viết. Bởi thế, người viết thời Internet dễ nổi danh, miễn là bạn đủ sức trâu bò viết những điều vô nghĩa vừa mắt đám đông độc giả dễ dãi. Nhưng viết một bài có tác động thay đổi nhận thức người đọc, khiến người đọc thấm thía đến mức thỉnh thoảng lấy ra đọc lại rồi vỗ đùi tâm đắc thì lại cần nhiều yếu tố khác. Các yếu tố ấy chính là nguyên tắc khi viết.

“Văn tâm điêu long” (Lưu Hiệp), tập luận bàn về văn chương kinh điển nhất của Trung Hoa nói điều này thật chí lý: “Người ta thường đi con đường văn từ hoa lệ, càng đi càng quên lối về. Nếu có thể xác lập được cái phép tắc chân chính khiến văn chương đã sáng rõ lại mạnh mẽ thì cái “phong” sẽ trong, cái “cốt cách” sẽ vững, cái thể của thiên sẽ rực rỡ.” Điều này nghĩa là sao? Nghĩa là viết mà chỉ chú trọng vào câu chữ màu mè hay lối chơi chữ sáo rỗng thì rốt cuộc là người viết cũng chẳng biết được mình đang viết điều gì, ý tứ sẽ rối loạn vô phương, người đọc không thể lĩnh hội được (Mà cũng có thể họ cố tình để người đọc càng đọc càng chẳng hiểu rốt cuộc người viết viết cái gì). Thế nên người đọc non kinh nghiệm dễ dàng bị rơi vào mê hồn trận câu từ, nhưng người đọc có kinh nghiệm thì nhìn loại văn bản màu mè ấy chắc chắn sẽ vứt vào thùng rác. Theo quan điểm của Lưu Hiệp, “phong” tương ứng với chí khí của tác giả, “cốt cách” chính là mạch văn, “thể” chính là  cá tính của người viết được biểu hiện trong văn bản. Ở đây, ông muốn nói rằng nắm vững được phép tắc của việc viết văn thì chí khí của người viết sẽ sáng rõ, mạch văn sẽ vững vàng mà hành văn sẽ đẹp một cách tự nhiên không khiên cưỡng. Vậy thì cái phép tắc của việc viết văn là gì?

Phép tắc của viết văn không phải đơn thuần chỉ là chuyện viết đúng Chủ ngữ – Vị ngữ. Viết đúng Chủ ngữ – Vị ngữ nằm trong việc viết cho đúng mạch văn, bởi như đã nói ở bài trước, đó là vấn đề nguyên tắc thông tin. Thế thì cái phép tắc viết văn thực sự là như thế nào? Bản chất các phép tắc này là một quá trình phức tạp trong cân nhắc chọn lựa cái chí khí của mình, sắp xếp cái mạch văn của mình và từ đó mới thể hiện được cái cá tính của mình.

Thế nào là chọn lựa chí khí của mình? Chí khí về bản chất chính là thái độ của mình với một vấn đề nào đó. Thái độ có muôn màu, có tức tối, có ghen tị, có mê tín, có sợ hãi, có đồng cảm, có khinh khét, có bức bối, cũng có hi vọng…v…v… Thái độ nào cũng có cái hay cái dở. Thái độ được hình thành từ việc tiếp nhận thông tin từ bên ngoài và thông tin bên ngoài ấy có sự va đập với hệ thống thông tin được lưu trữ trong ký ức của chúng ta. Nếu sự va đập này có tương thích và giao hòa thì thái độ có thiên hướng tích cực, còn nếu sự va đập này mang tính phá vỡ thì thái độ sẽ có thiên hướng tiêu cực. Để sự va đập ấy diễn ra không kiểM soát, tức là không có quá trình phân tích, tự vấn và kiểm chứng đối chiếu thì thái độ sẽ cực đoan, dẫn đến lập luận lỏng lẻo và thiếu sót, tức là đã mất đi cái cốt cách của văn bản vậy. Vậy thì phép tắc khi viết bản chất chính là quá trình xử lý các luồng thông tin va đập với nhau trong tâm trí để xác lập thái độ, hay nói ngắn gọn là cách tư duy về một vấn đề.

Trước hết, chúng ta phải xác định rõ ràng vấn đề chúng ta định viết là gì. Nếu vấn đề quá rộng lớn và chung chung thì chúng ta sẽ không hiểu biết đủ để viết. Những điều chúng ta định viết nhất định phải phù hợp với khả năng có thể tiếp cận của chúng ta. Nếu định viết về một chủ đề chúng ta chưa biết thì không có cách nào khác đúng đắn hơn là học hỏi, tìm tòi để biết. Người biết càng cặn kẽ về một chủ đề thì viết càng ít sơ hở.

Tiếp nữa, người viết cần phân tích cả tâm trí của bản thân mình. Tại sao mình phản ứng tích cực hoặc tiêu cực với một vấn đề? Điều gì thúc đẩy phản ứng ấy? Thái độ mình đang có đây rốt cuộc là do một sự va đập mất kiểm soát hay đã qua quá trình phân tích đầy đủ. Thông thường, chỉ những người chủ động kiểm soát phản ứng của mình trước một vấn đề mới có khả năng chọn lựa tìm tòi, phân tích để hiểu vấn đề. Sau khi tìm tòi, phân tích rồi, thái độ thực sự mới được chủ động xác lập một cách dần dần.

Quan trọng không kém là dựng khung cho bài viết, theo cách nói người xưa là cái “cốt cách”,  cách hiểu ngày nay là cái dàn ý. Dàn ý không thể đi trước quá trình xử lý thông tin và xác lập thái độ được, nó phải đi sau. Dàn ý thực chất là hệ thống hóa quá trình xử lý thông tin của chúng ta. Hệ thống chặt chẽ thì thông tin được sắp xếp mạch lạc trên một nền lập luận vững vàng. Chúng ta sẽ không còn phải bận tâm vừa viết vừa nghĩ mà để hành văn của mình thỏa sức như “nước chảy mây trôi”. Nhà có cấu trúc vững thì thiết kế trang trí sẽ tôn thêm vẻ đẹp, nhà dột nát thì trang trí thế nào cũng tù hãm. Con công lông có màu mè sặc sỡ nhưng xương cốt kém thì không thể bay cao và xa như đại bàng.

Đó chính là phép tắc căn bản khi viết. Người viết có kinh nghiệm thì các phép tắc này diễn ra rất nhanh trong tâm trí. Người viết non tay thì phải từng bước từng bước rèn rũa mới thành tài được. Những phép tắc này không chỉ đúng với văn chương nghị luận mà có phần còn đúng với cả văn chương nghệ thuật. Những người sáng tác nghệ thuật thường có thói quen cho rằng chỉ cần cảm xúc kết hợp với chiêu trò xào xáo câu chữ là đủ. Nhưng cảm xúc từ đâu mà có, cảm xúc khiến ta nhìn thế giới như thế nào, lại chính là cái tứ văn, tứ thơ vậy. Người sáng tác nghệ thuật không làm chủ được lối viết chẳng qua cũng chỉ mô tả lại cảm xúc của mình bằng câu từ mà thôi; còn nếu muốn sâu sắc hơn thế, ấn tượng hơn thế, đánh động vào lòng người hơn thế thì không có khả năng thực hiện. Đương nhiên cách cấu tứ cái cốt của văn bản nghệ thuật có phần khác với cách lập dàn ý của văn bản nghị luận. Điều này không có nghĩa rằng viết một cách mạch lạc và theo phép tắc là khô cứng. Lời văn biến tấu linh hoạt phụ thuộc vào dòng chảy cảm xúc và vốn từ rộng rãi của người viết, không phụ thuộc vào việc có được cấu tứ chặt chẽ hay không. Cái chí khí, cái cốt cách của văn bản càng vững thì càng có đủ lực để biến tấu câu từ linh hoạt theo ý mình.

Đó là lý do tại sao khi chúng ta bắt đầu con đường viết của mình, không nên bắt đầu từ cái vỏ mà phải bắt đầu rèn từ cốt lõi. Rèn viết không phải chỉ là học mấy nguyên tắc ghi lại trong sách hướng dẫn hay học thủ thuật. Rèn viết thực chất là học cách rèn tư duy, xác lập thái độ, hệ thống hóa tư duy của mình và học cách hiểu câu từ mình sử dụng. Khi rèn khả năng viết vững vàng, bạn có thể viết bất cứ thể loại nào mình muốn mà không cần phải học các thủ thuật.

Hà Thủy Nguyên

Home 2017 / page 11

Ăn chay là tốt, ăn thịt là xấu

Năm 2011 đến 2012, mình tu tập theo một trường phái tâm linh vô cùng khắt khe. Yêu cầu ăn chay là điều hiển nhiên. Ăn chay, theo trường phái này không chỉ ăn các thức ăn có nguồn gốc thực vật, mà ngay cả những thực vật có mùi hắc như hành tỏi cũng bị cấm tiệt. (May quá từ bé mình đã không ăn được hành tỏi). Gay gắt hơn đó là tuyệt đối không ra nhà hàng chay ăn bởi đầu bếp có thể là người ăn thịt hoặc tâm của họ nhiều hỗn loạn, gây ảnh hưởng đến năng lượng của món ăn. Tất cả những điều đó quả thực rất tốt. Song song với việc ăn chay, để giữ tâm tĩnh lặng, tôi phải cách ly khỏi những bản nhạc tôi yêu thích, ngừng việc viết lách, hạn chế gặp gỡ, và tuyệt nhiên không có mối quan hệ nam nữ. Phải thừa nhận, đây là một giai đoạn thử thách và thú vị. Trong thời gian ấy tôi khám phá ra những khía cạnh chưa từng thấy ở bản thân. Và sau khi khám phá những điều ấy, tôi bắt đầu đặt ra một loạt những câu hỏi nghi vấn. Theo những bạn đồng tu của tôi lúc đó, nghi vấn là thứ trần tục và là điều không tốt.

Nghi vấn đầu tiên đặt ra là việc ăn chay. Tại sao ăn chay có thể giải nghiệp, có thể thanh lọc cơ thể, có thể hướng thiện ? Điều này trên thực tế là rất ít cơ sở. Quan niệm tu hành ở Ấn Độ, mà gần gũi với người Việt là Phật giáo, tin rằng khi chúng ta ăn thịt động vật là chúng ta sát hại sinh mạng của chúng. Nhưng người Á Đông chúng ta lại có quan niệm rằng « vạn vật hữu linh », tức là không chỉ động vật mà cái cây ngọn cỏ, thậm chí tảng đá… cũng có sinh mệnh của mình. Ăn thực vật, theo quan điểm của người Á Đông cũng chính là sát sinh vậy. Ăn thịt một con bò, bạn giết một sinh mệnh. Ăn một bát cơm, bạn giết không biết mấy ngàn sinh mệnh. Vậy thì giải nghiệp ở đâu ? Thêm nữa là chuyện thanh lọc cơ thể. Thanh lọc cơ thể bản chất là đẩy các độc tố ra ngoài đồng thời giữ những chất tốt để nuôi dưỡng cơ thể. Ăn chay vốn dĩ không thể thanh lọc cơ thể bởi một thành phần đáng kể trong các món chay là tinh bột. Phần lớn lượng tinh bột không được « thanh lọc » mà sẽ khiến chất béo bị trữ trong cơ thể nhiều hơn. Nếu muốn « thanh lọc » hãy uống nước sạch thay vì ăn chay. Thêm nữa, ăn chay cũng không hề giúp người ta hướng thiện. Lẽ « thiện  – ác » là do nhận thức của mỗi người mà hình thành. Đạo Phật quan niệm rằng kẻ vô minh (tức ngu dốt) thì chắc chắn ác, chỉ có người hiểu biết mới hành thiện được. Ăn chay mà vẫn vô minh thì chắc chắn vẫn ác. Ác cũng có trăm đường ác : ác bằng hành động, ác bằng lời lẽ, ác bằng suy nghĩ…v…v… thế nên ăn chay vốn dĩ không làm cho con người bớt ác.

Vậy thì người tu hành ăn chay để làm gì ? Một cách sâu xa, tôi đoán rằng họ cũng chả biết. Cơ thể con người không ai giống ai, có những người hệ tiêu hóa của họ sinh ra để tiêu thụ các thức ăn có nguồn gốc thực vật, nhưng có những người hệ tiêu hóa của họ thích hợp để tiêu thụ các thức ăn động vật (dân gian gọi là « ăn mặn ». Đó là lý do tại sao có đứa trẻ thích ăn rau quả, có đứa chỉ thích ăn thịt mà ghét rau. Hãy quan sát trẻ em, đừng quan sát người lớn, bởi người lớn bị nhồi nhét vào đầu cơn cuồng tín ăn chay rồi. Đứa trẻ thích ăn rau quả có cao quý và đặc biệt hơn đứa thích ăn thịt không ? Không ! Chỉ đơn giản là cơ thể cấu trúc như thế. Tiêu hóa được rau quả tức là dạ dày của nó có thể lấy được nhiều chất dinh dưỡng nhất từ loại rau quả và nhanh chóng đào thải độc tố. Còn những người thích ăn thịt thì hệ tiêu hóa của họ cũng tương tự, cơ thể họ tự biết thanh lọc độc tố trong thịt để giữ lại những chất tốt. Kẻ vô minh ăn chay không biết điều này mà đi phán xét người ăn thịt thì chính là rơi vào ác khẩu, ác tâm vậy.

Việc ăn chay phải đi đôi với tu hành mới là tốt. Có một số phương pháp tu luyện dẫn khí trữ ở luân xa 3, tức ổ bụng thì đúng là không nên ăn thịt. Không phải bởi vì thịt « bẩn » hay « năng lượng xấu », mà đơn giản là vì người tu luyện sẽ tiêu hoa nhiều năng lượng cho việc tiêu hóa, trong khi mục tiêu là cần tiết kiệm năng lượng cho việc khác. Nhưng tu luyện cũng có « ba bảy đường », nếu không trữ khí ở ổ bụng thì ăn chay cũng chẳng cần thiết cho lắm. Ngoài ra có một số phương pháp quán tưởng, hình thức thường là hình dung ra một biểu tượng (đức tính của thần Phật hoặc cảnh giới tầng trời) để tụng niệm, để hướng tâm. Theo tâm lý học thì đây là một pháp « tự kỷ ám thị ». Những người già, phụ nữ, trẻ em, hoặc những người cơ thể thiếu chất thường dễ rơi vào ảo giác do « tự kỷ ám thị » hơn là những người khỏe mạnh, có khả năng phân tích lý trí. Phương pháp quán tưởng kiểu này tôi cũng đã từng học qua và quả nhiên ăn chay thì giúp mình duy trì các ảo giác ấy tốt hơn. Nếu bữa ăn của bạn dính tí thịt thôi, bạn sẽ lo lắng các ảo cảnh ấy tan vỡ, thế là lại tu luyện hăng say hơn, nhờ thế ảo cảnh do tâm trí mình tạo ra lại càng vững vàng hơn, càng ngày bạn sẽ càng thấy nó có vẻ « thật » hơn. Ảo cảnh ấy chỉ thực sự tan vỡ khi bạn nhận ra rằng đó chỉ là sự phóng chiếu tâm trí của mình mà thôi.

Đương nhiên, tôi không phủ nhận chuyện có một thế giới vô hình của các linh hồn (bậc cao là Phật, tiên, thần thánh ; bậc thấp là ma quỷ, vong linh). Thế giới này tôi biết là có tồn tại. Thế nhưng, phân biệt được mình có thật sự tiếp cận được thế giới này hay không, hay mình đang rơi vào ảo cảnh của bản thân thì không phải câu chuyện dễ. Và ăn chay, ăn mặn vốn dĩ chẳng giúp gì cho chuyện này. Việc biết về cõi giới vô hình kia cũng chẳng giúp gì cho con đường tu luyện. Con đường tu luyện chân chính là nhận thức bản thân mình rõ ràng, càng rõ càng tốt, để tránh tình trạng vô minh, chứ không phải ngồi ăn chay tụng niệm.

Sau chuỗi ngày hoài nghi ấy, tôi từ bỏ luôn trường phái tu luyện, cũng bỏ luôn việc ăn chay, quay về với những bản nhạc tôi thích, với những cuộc chiến tôi đang dở dang, với những kế hoạch viết lách, và đặc biệt là quay trở về với thú vui tình ái. Thỉnh thoảng chán thịt cá, tôi vẫn ăn chay, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và thời tiết. Nên giờ đây, nghe ai đấy truyền đạo và khuyên người khác ăn chay, tôi chỉ cười ruồi. Ừ, tốt thì có tốt, nhưng tốt là tốt cụ thể thế nào cơ chứ ?

Hà Thủy Nguyên