Home 2018 / page 6

Nhân sự việc Công viên Ấn tượng Hội An, bàn về tính chính trị của cái đẹp

Hà Thủy Nguyên

Những ngày tháng 4 vừa qua, dư luận báo chí xôn xao về sự tàn phá môi trường và cảnh quan của dự án Công viên Ấn tượng trong khu vực Phố Cổ Hội An. Ở bài viết này tôi sẽ không đề cập đến vấn đề pháp lý hay những nguy hại về môi trường mà bàn đến vấn đề bấy lâu nay chúng ta dường như đã bỏ quên trong công cuộc xây dựng một nước Việt Nam văn minh và hiện đại: Đó là tính thẩm mỹ của cảnh quan đô thị. So với những vấn đề khác thì vấn đề tính thẩm mỹ không được coi trọng bởi vì ở một quốc gia mà người dân còn có trình độ dân trí thấp và coi trọng miếng ăn hơn giá trị tinh thần thì đòi hỏi về cái đẹp vẫn là quá xa xỉ. Tuy nhiên, nếu chúng ta thay đổi cái nhìn về cái đẹp, mà cụ thể hơn là tính thẩm mỹ trong cảnh quan đô thị, thì chúng ta sẽ thấy rằng vai trò chính trị của cái đẹp cũng quan trọng không kém các quyền tự do chính trị, tự do kinh tế. Một quốc gia, một dân tộc, một cộng đồng người không thể tạo ra các tác phẩm hay sản phẩm có tính thẩm mỹ cao thì quốc gia ấy, dân tộc ấy, cộng đồng ấy cho thấy một sự suy thoái về tinh thần và sự kém cỏi về trí tuệ, nói một cách khác đó là dấu hiệu cho thấy sự man rợ và lạc hậu.

Xã hội loài người đã từng chứng kiến sự thăng trầm của những nền văn minh rực rỡ, từ Ai Cập cổ đại, Hi Lạp và La Mã cổ đại, Trung Quốc cổ và trung đại, Kỷ nguyên vàng Islam, Phục Hưng ở Châu Âu… Những gì còn lưu lại đến nay đều là những tạo vật đẹp đẽ mà những người nghệ sĩ đã dành nhiều tâm huyết để chế tác. Động lực thúc đẩy sự sáng tạo của nghệ sĩ chính là một xã hội biết thưởng thức cái đẹp và tôn trọng cái đẹp. Những nền văn minh này đã lụi tàn theo thời gian do quy luật thành bại của lịch sử nhưng những dấu vết để lại với tính thẩm mỹ cao đều cho chúng ta thấy khả năng tư duy hoàn hảo, tinh thần trách nhiệm, sự chuyên nghiệp trong tài năng cá nhân, sự khai phóng tinh thần trong sáng tạo và cả tư tưởng thời đại của các tiền nhân. Chẳng ai nhớ đến các tác phẩm hay các sản phẩm xấu xí và tệ hại. Sự xấu xí chỉ tồn tại trong những cộng đồng người man dã khi khả năng tư duy còn hạn chế và kỹ thuật còn thô sơ. Đây là những đặc điểm về thẩm mỹ điển hình trong các xã hội man dã. Những đồ tạo tác của xã hội man dã không phải vô dụng, chúng có giá trị về mặt khảo cổ. Rất ít trong số chúng có độ tinh xảo nhất định thì mới có thể được đánh giá là đẹp, và cái đẹp ấy là đại diện cho sự tiến bộ.

Nhưng lịch sử có những trớ trêu khó cưỡng, đó là trong một số hoàn cảnh, người ta đứng về phía cái xấu thay vì chọn cái đẹp. Để chế tác hoặc sáng tạo một tác phẩm hay một sản phẩm xấu, người ta không cần sự kỳ công, không cần sự tính toán kỹ lưỡng, không cần sự hiểu biết, không cần đạo đức nghề nghiệp. Họ chỉ cần sự tằn tiện trong chi phí sao cho lợi nhuận tối đa. Bởi thế, họ chọn cái xấu không phải vì họ không nhận thức được rằng nó xấu mà đơn giản rằng nó tiện lợi cho họ. Nhưng tiếc rằng, đúng như nhà văn Oscar Wilde, nhà văn duy mĩ hàng đầu của Anh quốc đã kết luận:

“Người ta thường nói như thể cái đẹp đối nghịch với cái hữu dụng. Nhưng chẳng có gì đối nghịch với cái đẹp ngoại trừ cái xấu: mọi thứ đều hoặc là đẹp hoặc là xấu, và cái có ích luôn ở về phía cái đẹp, bởi vì sự điểm trang đẹp đẽ luôn ở về phía cái đẹp, bởi vì sự điểm trang đẹp đẽ cho một vật luôn là biểu hiện của tính năng và giá trị của vật đó. Không người thợ nào trang trí đẹp cho một sản phẩm tồi, và bạn cũng không thể có những người thợ hoặc nghệ nhân tốt mà lại không có những thiết kế đẹp. Bạn nên chắc chắn về điều đó. Nếu bạn có những thiết kế nghèo nàn và vô giá trị, dù trong nghề thủ công nào, bạn cũng sẽ chỉ có được những người thợ nghèo nàn và vô giá trị, nhưng khi bạn có những thiết kế đẹp đẽ và tao nhã, bạn sẽ có những người với đủ sức mạnh và trí tuệ làm việc cho mình. Có được một thiết kế tốt, bạn sẽ có những người thợ làm việc không chỉ bằng đôi tay, mà bằng cả trái tim và khối óc nữa, ngược lại, bạn sẽ chỉ có được những kẻ ngu xuẩn và lười nhác làm việc mà thôi.”

(Trích tiểu luận “Nghệ thuật và thợ thủ công”. Bản dịch của Minh Hùng, đăng trên Book Hunter)

Ở thời đại của Oscar Wilde, nước Anh phải trải qua một thời kỳ phát triển của tư bản hoang dã trong cơn hưng phấn của Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Sự phát triển công nghiệp nặng, sự lên ngôi của thói thẩm mỹ trọc phú đều là những đối tượng Oscar Wilde lên án trong các tiểu luận và bài giảng về nghệ thuật của mình. Ông đã dành toàn bộ tài năng của mình để tạo ra các áng văn chương tuyệt đẹp với tinh thần duy mỹ để chống lại sự tràn lan của cái xấu xí trong xã hội Anh thế kỷ 19. Trước Oscar Wilde, rất nhiều nhà thơ lãng mạn của Anh dưới thời Victorian như Lord Alfred Tennyson, William Wordsworth… cũng chọn tinh thần duy mỹ và sự ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên như một sứ mệnh chính trị của mình. Họ từ chối các đặc quyền chính trị khi trở thành nhà thơ hoàng gia ca ngợi công cuộc đổi mới để quay về với sự cô độc cá nhân trong sự đắm chìm vào thế giới đẹp đẽ của ngôn từ. Đó là thái độ bất tuân dân sự của người duy mĩ. Những nhà làm chính trị thực tiễn thường cho rằng các nhà thơ, nhà văn duy mỹ là những kẻ thoát ly thực tại nhưng trên thực tế, họ đang tiếp tục thông qua sáng tác cá nhân để nâng cao thị hiếu người dân. Bởi vì, chừng nào họ còn sáng tác những áng văn chương tuyệt mỹ thì chừng đó cái đẹp còn tồn tại.

Ở Việt Nam, đã từng có thời tính duy mĩ được coi trọng, tuy nhiên do yếu tố man dã vẫn còn phổ biến nên những thời đại rực này đã sớm lụi tàn ngay khi bắt đầu. Lần gần nhất được ghi dấu trong giai đoạn đầu thế kỷ 20 ở các đô thị lớn. Xu hướng này chấm dứt khi phe Nghệ thuật vị nhân sinh chiếm ưu thế trong cuộc tranh luận những năm 1940s. Các cây bút của phong trào Nghệ thuật vị nhân sinh mà dẫn đầu là Hải Triều đã có một cuộc tổng tấn công vào các nhà văn, nhà thơ lãng mạn có xu hướng duy mĩ ở Việt Nam và đả kích họ là không thực tế và thoát li hiện thực. Sự tàn phá cái đẹp trong văn chương này đã mở màn cho một chuỗi đi xuống về thẩm mỹ trong xã hội Việt Nam ngày nay. Năm 1943, đề cương về văn hoá Việt Nam của Đảng Cộng sản Đông Dương do Trường Chinh biên soạn đã trở thành một chiến lược chống lại cái đẹp toàn diện, và là chủ trương có sẵn trong vô thức của tầng lớp quan chức Cộng sản Việt Nam nói riêng và xã hội nói chung: “chống chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tượng trưng… làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng.” Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam giành thắng lợi, không chỉ xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa mà còn xu hướng bình dân hoá trong văn học nghệ thuật cũng dẫn đến một tình trạng thẩm mỹ kém cỏi trong cảnh quan cũng như các sáng tác, tạo tác. Mở của kinh tế, những tưởng rằng sự nới lỏng các quyền tự do sẽ tạo ra một xã hội văn minh hơn, nhưng không. Đây là thứ tàn phá thẩm mỹ xã hội, thậm chí là cảnh quan còn nhanh chóng và tệ hại hơn bao giờ hết. Giai đoạn “quá độ xã hội chủ nghĩa” được bổ sung thêm tính chất của chế độ tư bản hoang dã đã tạo ra những công trình đồ sộ nhưng xấu xí, những tạo tác kệch cỡm, và một cộng đồng người bị man dã hoá do đã quen dần với môi trường sống vừa thiếu quyền làm người, vừa thiếu tri thức lại vừa thiếu thẩm mỹ. Bởi thế, việc triệt hạ cái đẹp trong xã hội là một phần của trong chính sách ngu dân và bần cùng hoá mà trớ trêu thay có lẽ chính nhà cầm quyền và ngay cả các nhà hoạt động chính trị cũng không hẳn đã ý thức được.

Trường hợp Công viên Ấn tượng Hội An của tập đoàn Gami chỉ là một trong số những ví dụ của chuỗi tàn phá không biết bao giờ kết thúc mà công cuộc xây dựng kinh tế sau Đổi Mới đã gây ra. Quá trình đô thị hoá bừa bãi, không, chính xác phải gọi là bê tông hoá đã tàn phá những cánh đồng quê êm ả, những vùng núi hùng vĩ, những con sông xanh mát, những bờ biển cát trắng, những cánh rừng huyền bí và cả những đô thị cổ còn lưu lại dấu vết của một thời văn minh đã xa… Cái đẹp đã mất Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Sapa … và bây giờ liệu có mất thêm Hội An? Một công trình của Gami chỉ có thể tàn phá một góc Hội An nhưng nó sẽ là bắt đầu cho chuỗi tàn phá của các tập đoàn khi ai cũng có thể xây dựng vô tội vạ với sự lơ là của các cơ quan ban ngành quản lý.

Thế đấy, cùng với “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm” thì người dân Việt Nam còn phải đương đầu với “giặc xấu”, thứ giặc mà trước giờ ít người nhận ra dù sự phát triển của loại giặc này đã và đang ngày một phổ biến do sự xuống cấp của giáo dục và sự tàn phá văn hoá trong nhiều thập kỷ liên tiếp. Nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của bản thân cũng như của xã hội là trách nhiệm vô cùng quan trọng của văn nghệ sĩ và trí thức để đưa xã hội Việt Nam hướng tới sự văn minh đồng thời gột rửa dần các tố chất man dã. Bởi vì chỉ có văn nghệ sĩ và trí thức mới có cơ hội cũng như khả năng để tiếp cận tri thức và trang bị cho mình các nền tảng mỹ học đủ để thẩm định và sáng tạo cái đẹp. Văn học nghệ thuật không đơn thuần chỉ là sự phát biểu cái tôi cá nhân của văn nghệ sĩ mà đó còn là một sự tạo dựng nền tảng thẩm mỹ cho xã hội mà trong đó văn nghệ sĩ trí thức được khám phá và hoàn thiện chính mình.

Bài đăng trên Văn Việt

Home 2018 / page 6

Dân tộc bên bờ biển

Có một dân tộc bên bờ biển quỷ

Dậy sóng tham

Chìm đắm cơ đồ

Con thuyền tương lai mắc cạn

Quỷ khốc

Than thân

Đói tinh thần

Cứ ngỡ mình nghèo đói

Tự nhai mình, thịt dai nhách, về không

 

Ngày lại ngày

Kẻ cúi đầu

Biết gì đâu

Vài ba tấc đất

Cũng ngậm cười

Quỷ đói

Lết đêm trăng đỏ ối

Thời gian trôi

Thế hệ ăn thế hệ sau ăn thế hệ sau

 

Tôi viết bài thơ phi dân tộc

Không phải những dòng lục bát lục nồi

Bài thơ này

Thể thơ của lòng tôi

Cơn đau gào thét biển luân hồi

Mênh mông nỗi buồn xuyên thế kỷ

Dân tộc có chứa nổi tôi

Và những kẻ như tôi

 

“Lũ chúng tôi lạc loài dăm bảy đứa

Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh”

Trong cơn mơ dài

Máu và hoa trộn lẫn

Đĩa gỏi thịt người dâng quỷ

Tỉnh cơn mơ

Chúng tôi thành kẻ phản bội giống nòi

Một giống nói vô định

Luôn tự huỷ diệt mình

Bằng ăn

 

Dân tộc tôi chẳng biết buồn

Họ hận thù trong tang lễ thê lương

Họ cười khi nhục nhã

Họ tự hào nhờ một ký ức xa xôi

Họ lôi kéo tôi

Vào cơn mơ dân tộc

Để tôi quên buồn

Vui vẻ bước vào hiến tế

Để họ đắc đạo quỷ nay mai

Để được nhấm nháp thịt tôi cùng đồng bọn

Thứ thịt lạ miệng

Vị người dị chủng

Kéo dài ngày tàn

Khi họ ăn chính mình

Và kết thúc

 

Bạn tôi ơi

Tỉnh mơ thôi

 

 

Home 2018 / page 6

Biển lặng ta hát điệu câm

Biển lặng

Buồn

Ta mênh mang

Nghêu ngao khúc hát câm

Sau lưng, ô kìa, điêu tàn

 

Ửng làn vàng gió lạc

Có bầy người quá khứ

Lẫn lộn giữa xa hoa

Thành phố điêu tàn

Ánh đèn lộng lẫy

Lầm rầm lời ký ức

Gọi ta ư?

 

Các ngươi nghe chăng

Bụi điêu tàn phủ kín trăng

Thành phố đóng băng

Nơi con tim đã thôi thổn thức

Nơi đôi mắt đã ngưng tìm kiếm

Ta điêu tàn chưa?

Nỗi buồn ta vẫn mênh mang ngoài sóng

 

Những câu thơ kiều diễm đã bay xa

Bên trường kỷ, ta nằm

Điêu tàn lướt qua

Bầy người quá khứ vẫy chào ta

Họ đi ra biển

Ra biển

Biển

 

Bài thơ này – Ta kiệt quệ

Điêu tàn này – Cơn buồn lan

Nắng và trăng đều vàng

Màu thời gian ố nhạt

Khúc hát câm âm lặng

Ta thành quá khứ thôi

 

Hà Thủy Nguyên

Viết trong một buổi sáng buồn ở Đà Nẵng

Home 2018 / page 6

Trường ca: Vị thần hiện đại

“Ta có thể ẩn mình trong vỏ hạt dẻ, nhưng vẫn là thượng đế của vũ trụ vô biên” (Trích “Hamlet” – William Shakespeare)

 

1- Khởi sinh cô độc

 

Ai đang trong này nhỉ

Tinh cầu thẫm đỏ

Hoả tinh ngùn ngụt lộ trình

Ồ hơi máu nồng xác thịt

Phàm thai rung động trời chiều

Ai có nghe chăng?

Xác thịt ơi

Đáp lời ta

Ngươi cô độc

Ta cô độc nhỉ

Màu tử sinh sôi sục

Cho chật hẹp tinh thần

 

Một vì sao sa phàm thai bừng tỉnh

Trái tim nhịp nhịp điệu thiên hà

Ôi hư vô đã nhuốm màu tạp nhiễm

Kiếp lang thang nay mỏi bước dừng chân

 

Ta ngơi nghỉ trong kiếp phàm nhân

Đời là mộng và mộng là quá khứ

Tinh bàn kia, trọn một bầu tinh tú

Ta xin nhường lại thế nhân

Mặc các ngươi xoay vần

 

Ta mệt quá, cả vạn năm cô độc

Xoay và xoay vòng vận mệnh luân hồi

Lời ai oán tim ta rung thấu cả

Giận hờn ta, ngươi hãy cứ quên ta

Để ta tự do thống khoái

Trút nỗi đau nhân thế bên vò rượu

Màu vang hoà máu đỏ

Cho giây phút hạ sinh

 

Ta sẽ sống một đời khoái lạc

Khóc cười theo vận mệnh con tim

Dẫu mình ta bơ vơ

Hay ồn ào tụ nghĩa

Ta vẫn cạn vò rượu đỏ

Đời tuôn chảy sao sa

Dải thiên hà nghiêng ngả

Loài người cứ bơi và bơi

Tới bờ hay bị đắm

Thì cũng chết cả thôi

Cứ mặc tôi

Quên đi cái Ta vĩ đại

Quên vạn kiếp huy hoàng

Để làm tôi khoái lạc

Và rượu tràn phàm thai

 

  1. Đất nước vô loài

Một đất nước như bao nhiêu đất nước

Máu trộn máu, thịt hoà với thịt

Ai cũng vong bản như ai

Gen vong bản lây lan nơi xác thịt

Tôi nghe tôi vong quốc tự thuở nào

 

Tôi oe một tiếng chào đất nước

Họ lạnh lùng trong bệnh xá

Hiểu gì đâu

Tôi bú no dòng sữa người vong bản

Đâu tình yêu nơi giọt giọt ngọt ngào

Người đã quên cách yêu từ nụ hôn đầu

Bán tình yêu đổi lồng giam sặc sỡ

Còn tình yêu nào trao tôi nữa đâu

Trái tim người đã khoét sâu

Lời vong bản về sứ mệnh

 

Tôi, chỉ một giữa người dân

Trong triệu người vong bản

Tình yêu đâu còn

Tôi vô loài, anh vô loài, dân vô loài cả

Đất nước trôi về đâu giữa thiên hà

Chỉ lời rao giảng còn vang

Sứ mệnh thiên đàng

Ngoài loa phố

 

Tôi oà khóc thật to

Khóc thống khoái

Khóc cho nức nở con tim

Khóc những mong người hiểu

Thiên hà trôi hàng tinh tú vô loài

Nhưng ai hiểu gì đâu

Tôi được đưa vào đời

Để tôi sẽ quên tôi

 

  1. Nhà máy trẻ thơ

Răng rụng dần

Con người giã cỗi

Ký ức rụng theo chiếc răng mòn vẹt

Tôi lớn

Đồ chơi cũng lớn

Bài hát ru cơ khí

Ru hoài cơn mơ tôi

“À ơi ơi à

Máy ơi ta bảo máy này

Máy nuôi thế giới, máy làm thầy ta

Con người vốn chỉ sinh ra

Để làm cỗ máy kệ cha linh hồn…”

 

Linh hồn đẽo gọt

Người máy khai sinh

Hạng nhất thượng tầng

Phế phẩm tràn phố

Tôi lang thang chọn hạng cho mình

 

Tôi sẽ là ai đây

Kẻ số Một

Mình đứng đỉnh cao quên bè lũ

Vận hành cỗ máy, cỗ máy vận hành tôi

Tôi khác nào vị thần thuở ấy

Khi chưa hạ phàm thai

Máu có ngược dòng

Rượu có đổ ngược

Tim có rung động nhịp trăng sao

Tôi có còn nhớ tôi vong bản

Hay chấp nhận mình theo lời ru phận số

Rồi mỉm cười xuôi tay theo nấm mồ

Người đời tưởng nhớ

Cầu xin phúc phận thừa?

 

Tôi sẽ là ai đây

Một số Không tròn trĩnh

Mặc đời trôi tôi du lãng

Rượu tràn cung mây

Hát một khúc riêng tây

Một cuộc ngơi nghỉ không điểm kết

Giấc mơ nào sẽ đến với tôi

Linh hồn tôi phản chiếu

Ti tỉ phận số người

Cuộc nghỉ ngơi nặng lòng

Chẳng trọn vẹn niềm vui

Chẳng tròn cơn nước mắt

Tiếng ru đang à ơi

Gọi bạn tôi

Xuống mồ

 

Tôi sẽ là ai đây

Một người cam phận

Mặc đời mình cho vận số xoay vần

Vòng vận số chẳng người phán xử

Chỉ đám đông người thôi

Điều khiển nhau đến tận cùng thế giới

Tôi khóc tôi cười theo vì tinh tú

Ních cho đầy túi kỷ niệm

Rồi hoả thiêu bên mộ

Chờ ai đó nhớ nhung

Sợ quên lối về

Loanh quanh gia đình

Công sở lối cũ

Một chiếc đinh giữa hàng vạn chiếc đinh

Hết đinh này đến đi khác

Thay thế nhau

Cho vận số quay vòng

Những cái đinh luôn hướng về ta

Vị thần vĩ đại

Cầu mong ban phát và tái sinh

Nhưng tôi sao có thể quì gối trước tượng ta

Làm cái đinh ư?

Ta là chúa tể của vũ trụ mênh mông

Chủ nhân của vận mệnh loài người

Dù lạc bước phàm thai

Cũng chẳng cam lòng đóng đinh mình theo cỗ máy

 

Tôi sẽ là ai đây

Một kẻ ngược chiều

Hiện thân ác quỷ

Thách thức thiện tính trần gian

Cười điệu kẻ điên

Man dại phố phường

Quay cuồng tội lỗi

Phỉ báng đời vong bản

Dội mưa máu tràn đê

Giam cầm linh hồn loài người

Ngắm chúng quằn quại siết rên

Như ngắm nỗi đau cái tôi ngược đãi

Mồ côi tình yêu

Tra tấn đời

Tra tấn hồn tôi

Tôi là kẻ đao phủ

Cỗ máy nghiền nhân loại

Ha hả cười bạo chúa

Tôi ngỡ tôi độc tôn

Cười ngạo nghễ tự do

 

Tôi sẽ là ai đây

Kẻ đấu tranh

Tự do làm lý tưởng

Chính nghĩa làm danh dự

Nở nụ cười hào hiệp

Vì nhân loại hi sinh

Tôi mơ đời no ấm

Thiên hạ sẽ thái bình

Kẻ đấu tranh đập tan cỗ máy

Dành quyền vận mệnh cho dân nghèo

Quyền được than thở chẳng vì gì cả

Quyền được vô minh

Treo cổ những cái đinh

Quyền được bệnh hoạn không chữa trị

Quyền được vô tư khi tận thế đến gần

Tôi sẽ tử đạo

Người ta xây tượng thánh

Chờ tương lai

Đoàn người đấu tranh kéo đổ tượng tôi

Cỗ máy vẫn chạy rì rầm

Sau cơn nổi dậy

 

Tôi sẽ là ai đây

Gã ngốc

Hềnh hệch cười

Phố đông người cười hềnh hệch

Gã hề mua vui thế giới

Thoả mãn ngu si

Đời quanh tôi như rạp xiếc

Tôi như con thú hoang ăn đòn chẳng biết

Tràng pháo tay

Vô nghĩa vinh quang

Linh hồn tôi chết lịm sau mặt nạ

Tay hề cười, cười mãi

Chỉ khóc lúc chia xa

 

Tôi sẽ là ai đây

Kẻ yêu đương

Uốn mình theo dục vọng

Mơn trớn thịt da

Tâm hồn lãng đãng gió mây

Vì mai đây

Xa rời trần thế

Có mang gì theo ngoài xác thân này

Khoái lạc xác thân

Tìm vui

Ướp buồn đáy mắt

Tôi cũng bán tình yêu cho dục vọng

Còn tình yêu nào trao ai

Còn tình yêu nào trao tôi

 

Hay tôi là nhà hiền triết

Kể lể về cỗ máy

Thiên hạ há mồm nghe

Khoảnh khắc tôi kể lể

Vũ trụ đã đổi thay

Chẳng ai thấu lẽ này

Tôi hợm mình tri thức

Mài minh triết

Hình khoa học: đường thẳng

Hình tôn giáo: ngoằn nghoèo

Hình nghệ thuật: siêu thực

Hình âm nhạc: biểu trưng

Hình hội hoạ: ký hiệu

Hình truyền thông: đồng tiền

Đời trích dẫn tôi

Lời tôi định dạng đời

Dù vũ trụ đổi thay

Dù tinh bàn khác nhịp

Cho đến kiếp sau tôi trở lại

Tôi sẽ cười khẩy trước lời mình

 

Thế đó

Tôi được đẽo gọt

Và đẽo gọt chính mình

Trong nụ cười đầu tiên trên thế giới

 

  1. Đói khát

“Tồn tại hay không tồn tại” (1)

Là tôi hay ai đó khác

Vận mệnh đặt tên

Tôi đói khát một tôi xa lạ

Đang rú gào nơi sâu thẳm

Vực hồn

Không đáy

 

Nơi vực hồn

Tôi nào vươn cánh tay dài vô tận

Khẩn cầu giải phóng

Nhưng tôi ngoảnh đi

Tôi bước vòng quanh tồn tạI

Khát yêu thương

Khát hư ảnh

Về thiên đường xa tít

 

Tôi mặc tôi hồn sâu hoắm

Trong cơn mơ

Muôn ngàn tôi

Ở muôn ngàn thế giới

Chối bỏ tôi trong thế giới này

Tôi ở đây hay ở đâu

 

Tôi sôi trào cơn dục vọng

Đêm trăng cuồn cuộn máu triều dâng

Úp mặt vào đêm

Nén huỷ diệt

Tồn tại nào mới thực là tôi?

Quá nhiều câu hỏi, ôi thôi

Tôi tồn tại như chuỗi ngày nghi vấn

 

Nghi vấn

Nơi tôi ngưng đói khát

Muôn trùng phản chiếu chạm nhau

Ứa tiếng thơ

Tôi không tồn tại

Chỉ thơ tồn tại

 

Tôi nghe lời Chúa

Tôi nghe lời Phật

Tôi nghe lời Ala

Vạn vạn tiên tri rao giảng

Chẳng ai tồn tại bên hình chiếu của chính mình

Lời lời nhuốm trần ai

Ô trọc linh hồn cũ

Im bặt đêm trăng máu

Hồng thuỷ nhấn chìm

Thành phố tượng đài

Tôi thoát thai

Từ bể máu

Tôi nhớ Ta

 

Ta đã vỡ

Muôn vạn sao sa

Muôn vạn tôi lạc lối

Đói khát nhau

Mà tưởng đói khát đời

 

  1. Duyên phận

Ngày xửa ngày xưa

Thế giới này chồng chất

Thế giới khác

Mờ sương

Ngày nay

Đã sụp rồi

Mảnh vụn văng

Tôi ở nơi này hay nơi khác

Nghĩa là sao?

 

Tôi đã biết

Phàm trần xác thịt

Tình yêu thăng giáng

Phản chiếu tinh bàn

Tôi đã biết

Mê đắm này

Nào phải hồn tôi

Tôi đã biết

Tình yêu

Bi kịch kết hồi

Triết lý lên ngôi

 

Những mảnh tinh bàn vụn

Online

Tôi tìm ai đó

Đam mê

Hận thù

Bình yên

Dòng dữ liệu đẩy đưa mệnh số

Đeo mặt nạ Tôi

Tôi bước lên sân khấu

Bộ phim hậu hiện đại

Mặt nạ cũ vá chằng chịt

Chực rơi ra

Cô đơn

Tôi

Có phải là tôi

Định mệnh tôi

Không định mệnh

Tôi lạc bước giữa tôi

 

Khoảng trống Đêm

Mặt nạ bò lổm ngổm

Thành phố mơ

Cơn ác mộng nhân cách

Bài thơ hậu hiện đại

Mảnh vụn thực tại

Nối nhau không khớp

Và người ta cười

Khen định mệnh trớ trêu

 

Tôi lướt qua

Bãi vụn tinh bàn

Online

Tôi lần mò

Cuộc đời hiện hữu

Nghe tế bào phàm

Chết mòn theo sắp đặt

Tôi gặp người

Giao điểm những luân hồi

Tôi gặp tôi

Khi mặt nạ rời xa

Không thế giới nào chạm tới

 

  1. Tiếng thét

Lời định dạng tôi

Lời khoác lên tôi mặt nạ

Tôi học lời

Học vai diễn

“Gã hề nói điều vô nghĩa” (2)

Hôm nay, hôm nay, lại hôm nay

Chẳng thánh kinh nào chép kịp

 

Thoát khỏi miệng tôi

Ngôn từ hiện hữu

Thực như ly rượu

Đổ tràn cơn say

Bàn tay

Đỏ màu vang

Thẫm thịt da

Cơn xác thịt cuộn tròn xác thịt

Ta giao nhau

Lời hoá âm thanh

 

Thét

Roi vùn vụt

Ngấu nghiến thân phàm

Tôi lạc thổ dân

Lễ Cannibal (3)

Ăn nhau nhập định

Xác phàm tan hoang

Tiếng cừu kêu cứu

Chúng có gì đâu, một mảnh xác phàm

 

Kẻ chăn cừu thét

Sa mạc nổi giông

Cát bay cuồn cuộn

Lời nguyền bốc hơi

Ngưng tụ bão ngoài khơi

Nhấn nút hồng thuỷ

Cho nghiêng thiên hà

 

Tiếng thét vô ngôn

Lặng hồn

 

  1. Sợi dây

Tôi ở thế giới quá lâu

Chục năm đằng đẵng thiên niên kỷ

Sát na qua

Tôi rối

Mớ bòng bong

Xích quàng cổ tôi

Nhốt vào mệnh số

 

Ta trói đời

Và đời trói tôi

Đời

Thượng đế A.I (4)

Tôi cảm xúc

Như một lần lỗi máy

Bài thơ này là một lần tội lỗi

Có sợi dây đã đứt khỏi đời

 

Tôi giao kết nhân gian

Một cuộc vui trần thế

Uống cạn kèo rượu

Tôi sẽ ra đi

Chẳng dây nào trói buộc

 

Ngày nào đó

Tôi gặp lại ai

Cuộc vui mới lại bắt đầu

Không trói buộc

Thơ đến và đi

Tôi đến và đi

Nói lời vô nghĩa

Người đến và đi

 

  1. Cái chết

“Vạn vật phải chết” (5)

Tôi chết lâu rồi

Giây phút hạ phàm thai

Tôi giết tôi vĩ đại

 

Tôi đi qua hàng bia mộ

Nghĩa trang chiều thanh minh lộng gió

Cỏ xanh vàng

Gót giầy tục dẫm qua

 

Họ buộc nhau lúc sống

Lại trói nhau lúc chết

Dòng sông đen

Địa ngục dắt tay về

Trong lời phổ độ

Tới hư vô

 

Những gương mặt chờ phán xử

Như kiểm tra bài cũ

Diêm phủ ồn ào sĩ tử

Đợi trúng tuyển kiếp sau

 

Tôi ha hả

Quay đi

 

Tôi vất vưởng

Vong hồn cô độc

Quên dần tôi

Vô hình

Vô hình rượu

Vô hình cơn say

Vô hình đi đến

Vô hình xem đời

Vô hình thơ rót

Vào tai ai

Thầm thì cắt đứt dây

Và tinh bàn lay động

Và lang thang trong mộng

Tròn cơn say

 

Hôm nay

Tôi chết chưa?

Tôi chết khi thoát thai

Trong quả cầu thẫm đỏ

Phút chào đời

Đời đã lìa tôi

 

Hà Thủy Nguyên

 

*Chú thích:

(1) Lời thoại trong kịch “Hamlet” của Shakespeare

(2) Lời thoại trong kịch “Macbeth” của Shakespeare

(3) Tục ăn thịt đồng loại

(4) Viết tắt của “artificial intelligence » có nghĩa là trí tuệ nhân tạo

(5) Câu thơ trong bài « Vạn vật phải chết » của Tennyson

Home 2018 / page 6

Hà Nội nơi tôi mùa đông

Hà Nội nơi tôi mùa đông

Rào rào gió

Phố ma thất thểu bóng người

Bóng tôi

tôi hành khất

kết thân đời

xin xỏ giọt chân tâm

 

Nơi gió rụng vàng sương

Hà Nội

Cổ thành tôi giam tôi

Tôi mơ trong mơ

trong mơ

lại trong mơ

Ngút ngàn thơ

mộng ngàn năm mộng

 

Hà Nội trong ai

Bóng mờ thế giới

Hành khất tôi

Hành khất thơ

Phố ma chờ tôi nhỏ giọt chân tâm

Cổ thành chôn vùi ba tấc

Đất gió nổi

Gào tôi

Vàng sương gió héo

 

Nhưng

Tôi đã chìm sâu

Sâu trong lòng tôi

Mùa đông

Chìm sâu nỗi buồn

Gào cơn cô độc

Mặc bóng tôi hành khất thị thành hành khất

giữa cơn mơ

chỉ thơ lải nhải

 

Hà Nội. Mùa thơ

Mộng tràn phố gió

Chân tâm hư vô

Tôi gom bóng tôi

vần thơ lạc điệu

giữa mơ

 

Hà Thủy Nguyên

 

Home 2018 / page 6

Ngỡ ngàng khoái lạc, vội vàng như gió – William Wordsworth

Ngỡ ngàng khoái lạc – vội vàng như Gió

Tôi loay hoay chia sẻ hân hoan này – Ồ! Cùng ai đây

Mà Người, đã chôn sâu trong Hầm mộ lặng im,

Nỗi đau ấy nào đâu phai mờ được?

Tình yêu, tình yêu chân thành, hồi tưởng trong tâm tôi –

Nhưng làm sao tôi quên được? Bằng sức mạnh nào,

Dù chỉ trong giây phút thôi,

Tôi đã tự huyễn trong mù quáng

Trước mất mát đau thương? – Ảo tượng quay về

Là nỗi đau tột cùng làm sầu muộn khôn nguôi,

Giữ lại một, chỉ một thôi, khi tôi tuyệt vọng

Gia tài quý nhất trong tim tôi đâu còn nữa ;

Dù lúc này đây, hay những năm tháng tới

Lưu lại nơi đáy mắt tôi khuôn mặt thiên đường.

 

Người dịch: Hà Thủy Nguyên

 

Nguyên tác:

Surprised by joy—impatient as the Wind

I turned to share the transport—Oh! with whom

But Thee, deep buried in the silent Tomb,

That spot which no vicissitude can find?

Love, faithful love, recalled thee to my mind—

But how could I forget thee? Through what power,

Even for the least division of an hour,

Have I been so beguiled as to be blind

To my most grievous loss?—That thought’s return

Was the worst pang that sorrow ever bore,

Save one, one only, when I stood forlorn,

Knowing my heart’s best treasure was no more;

That neither present time, nor years unborn

Could to my sight that heavenly face restore.

Home 2018 / page 6

Người mặt lạnh

Có một mùa thơ vào độ úa

Tình ca đứt nhịp

Dở dang

Cơn khóc lóc nuốt sâu

Rượu cay cay quặn đau

Người mặt lạnh

Lạnh nụ cười

Lạnh bờ môi

Nén mưa tầng mây xám

 

Người mặt lạnh đi qua phố phường u ám

Con phố dài ai ngoảnh bước nhìn ai

Lời thông thái rơi tàn như lá

Mắt lạnh rồi

Khô héo rượu

Khô lời yêu

Sao rụng giữa linh hồn

 

Người mặt lạnh trôi trên thiên hà

Tinh cầu vừa sa đời biến động

Lẽ Sắc Không bất chợt mơ hồ

Lòng lạnh rồi

Nhạt tương tư

Nhạt vô thường

Cõi tịch không thôi nhường kẻ khác

 

Người mặt lạnh gục đầu bên phím chữ

Ngắm say sưa cái chết xác thân này

Người đã chết

Và người cười ngạo nghễ

Thân chết rồi

Hồn có khóc, hồn ơi?

Và chỉ có hồn mãi mãi lạnh thôi

Phím chữ, chao ôi, lạnh mất rồi

Mưa ơi hãy đọng nơi hồn lạnh

Thơ úa quạnh quẽ thêm

Chờ đêm

Chờ điều gì rụng xuống

Chờ máu khô phim chữ

Chờ hồn khóc ra mưa

 

Hà Thủy Nguyên

 

 

 

 

Home 2018 / page 6

Cỗ quê

Những nấm mộ được xếp thẳng hàng như một khu chung cư cao cấp giữa cánh đồng hoang. Người ta vẫn thế chỗ những nấm mộ bằng khu chung cư để rồi cuối đời, khi hơi thở đã tận, người ta lại về với dãy mộ thẳng hàng.

Cỏ xanh xơ xác bụi. Ngày thanh minh nắng gắt.

Mâm cỗ cúng trơ trơ con gà luộc mắt trắng dã bên cạnh đĩa xôi có hình của một nấm mộ hoang tí hon. “Sẽ thế nào nếu người ta luộc người trước khi đen chôn?” Tôi tự hỏi và nhìn chăm chăm vào con gà luộc đang cố hếch cái đầu lên ngậm bông hoa hồng như thể mĩ miều lắm. “Tại sao lại là gà luộc?” – “Để người ta có thể nhìn đắm đuối cái mắt trắng dã của con gà chăng?”

Tôi khựng lại trước tiếng kèn ò í e thảm thiết vang vang từ chiếc loa rè. Nếu là một chiếc loa xịn có lẽ không tang thương đến thế. Chiếc loa rè giống như một ông già sắp chết, có thể vọng lại tiếng âm hồn từ thế giới bên kia, xa vắng, xa vắng… xa… và xa… người chết nay vắng bóng… nhưng lòng vẫn lưu luyến trần gian. Tôi tách khỏi đám ma trước mặt, để nó mờ dần như một bức họa đã phai nhạt. Đời mỗi người đều phải đi nhiều đám ma tới nỗi chúng in hằn vào trong não từng ấn tượng, từ con gà luộc tới nấm mộ, từ tiếng kèn cho đến tiếng khóc ỉ ôi không rõ là của người đưa tiễn hay của âm hồn đang níu kéo. Cứ thể như âm hồn càng níu kéo thì tiếng khóc càng ỉ ôi vậy? Níu kéo điều chi? Ai khóc cho con gà luộc? Người ta sẽ cười khi con gà được chặt ra từng miếng, mời nhau trên bàn cỗ với vẻ lịch sự kiểu quê, chỉ người dưới mộ là im lặng giữa bốn bề hư vô đối diện với một thế giới vô minh của bản thân.

Thân xác nằm sâu dưới tấc đất là cỗ bàn của loài sâu bọ. Chúng rúc rỉa từng tế bào cho đến khi người chết chỉ còn là một đống xương khô. Kìa nhìn xem, sâu bọ ăn cỗ, người đi đưa đám cũng ăn cỗ. Tưng bừng xoay quanh cái chết. Con gà luộc và người chết đều không cảm nhận được nỗi đau bị cắn xé, bị ngấu nghiến. Thứ người ta ăn chỉ là một xác chết đã khô héo của con gà, thứ loài sâu bọ ăn cũng chỉ là thân xác đã tàn tạ tới mức mọi đau đớn đều vô nghĩa.

Tôi thường đứng từ xa quan sát người ta ăn cỗ. Mỗi bàn có sáu người, ngồi quây lại cùng nhau, có thể quen biết hoặc không. Phải đủ sáu người, phục vụ mới bày cỗ. Bên bàn cỗ, từ không quen biết sẽ thành quen biết cả. Nhưng ngay sau đó, khi dùng tăm xỉa miếng thịt cuối cùng dắt trên răng có lẽ họ sẽ chẳng nhớ mình đang nói chuyện với ai. Kệ! Cứ nâng ly! Cứ gắp mời nhau! Cứ nói chuyện bả lả. Chỉ vài năm nữa thôi, có thể tất cả những người ngồi chung mâm cỗ này đều có thể thành cỗ cho loài sâu bọ. Sâu bọ không ý thức được rằng xác chết kia là xác chết, chúng chỉ biết đó là thức ăn. Loài người chúng ta cũng vậy, chúng ta đâu biết rằng mình cũng đang ăn xác chết của bao loài sinh vật khác trên bàn cỗ, trong bữa cơm hàng ngày, trong các nhà hàng…v…v…

Người 1 nói:

– Thịt gà ngon thật? Gà dai mà ngọt! Gà công nghiệp vừa nhạt vừa bã, ăn chán lắm!

Người 2 nói:

– Ông cụ sống có phúc lắm đấy, khu mộ đẹp quá! Bốc mộ xong thì nghe đâu sẽ xây lên hoành tráng lắm!

Người 3 nói:

– Nhà này đông con cái, lại làm ăn tốt, xây cho ông cụ cái nhà đẹp quá! Không biết sau này nhà nào hưởng nhỉ?

Người 4 nói:

– Chính ra nên hỏa thiêu ông cụ! Để sâu bọ ăn khổ lắm! Đau một lần còn hơn!

Người 5 nói:

– Gà ở quê bới sâu bới giun ngoài vườn ăn, nên thịt chắc lắm! Gà ăn cám thì ăn ra gì? Tối thiểu cũng phải ăn ngô thì thịt mới ngon.

Người 6 nói:

– Nào, mời các bác! Cụng ly vì đám ma suôn sẻ, trời đẹp, mộ đẹp! Uống cho người ra đi được thanh thản…

Bầy ruồi vo ve quanh cỗ bàn chỉ đợi bầy người mải buôn chuyện là lao vào rúc rỉa. Chúng bất chấp từ mâm trưởng tộc và các lũ trưởng thượng cho đến lũ trẻ ranh chẳng biết cái gì vẫn cười hềnh hệch suốt đám ma. Bầy ruồi không biết phân thứ bậc, chúng chỉ biết ăn. Bầy người biết phân thứ bậc, nhưng chung quy lại cũng chỉ để ăn cỗ. Nắng càng gắt, ruồi bay càng đông, người nói chuyện càng rôm rả. Vo ve, vo ve, cho quên cơn nắng gắt.
Tôi mường tượng về cái chết của mình. Sẽ như vậy ư? Tất cả màn kịch này? Tiếng vo ve này? Tiếng ò í e ngoài mộ? Những cơn khóc theo nhịp của nghi lễ? Tôi sẽ bị ăn như con gà kia trong một tương lai nào đó.

– Này, vào đây ăn đi chứ! – Tiếng ai đó gọi tôi. Họ lôi tôi xềnh xệch, dí tôi xuống mâm cỗ cho đủ sáu người – Không phải khách khí đâu!

Tôi cả nói được câu nào, chỉ biết cười ngớ ngẩn. Cái cảm giác mình như loài sâu bọ đang ăn xác chết trên bàn cỗ khiến tôi rùng rợn không cầm được đũa. Tôi mặc cho lũ ruồi bâu lấy miếng thịt gà trơ xương người ta gắp cho tôi. Tiếng của họ lạo xạo trong tai tôi lẫn lộn với tiếng ruồi vo ve, vo ve.

– Bao giờ có đứa nữa thế cháu? – Một bà già hỏi tôi!

Tôi giật mình đáp lấy lệ rằng tôi chưa muốn đẻ thêm con. Tôi giật mình kinh hãi. Bà già kia có cái đầu giống với những con ruồi, con bọ. Tôi đưa mắt nhìn quanh, tất cả đều có cái đầu như thế. Chúng nhung nhúc, nhung nhúc ăn ngấu nghiến. Tôi bất giác nhìn vào bàn tay của mình, may quá vẫn còn mỗi bàn năm ngón. Tôi đưa tay sờ lên mặt. Vẫn da thịt mềm mại căng mịn nhờn nhờn bã mồ hôi. May quá! Mình chưa phải sâu bọ.

Tôi bỏ đũa đứng dậy. Cười cười xin rời khỏi bàn tiệc. Những người cùng bàn lại lao xao.

Đầu ruồi 1 nói:

– Ở lại ăn thêm đã! Thịt gà ngon lắm! Gà quê không như gà thành phố đâu!

Đầu ruồi 2 nói:

– Làm thêm miếng xôi đã nào! Xôi dẻo lắm ấy! Ăn cho nó chắc bụng không lại bảo đi ăn cỗ chẳng có gì!

Đầu ruồi 3 nói:

– Ở đây nói cho xong câu chuyện đã! Định khi nào tậu nhà mới?

Đầu ruồi 4 nói:

– Nhà bây giờ ở rộng rãi không? Đi làm phải cố sắm lấy cái nhà!

Đầu ruồi 5 nói:

– Về quê là phải ăn uống nhiệt tình, phải vui vẻ đầm ấm với bà con! Không được giả dối như người thành phố đâu…

Tôi lại một lần nữa sờ lên mặt mình. Bàn nào cũng có đủ sáu cái đầu rồi. Cứ thế, tôi sợ đầu tôi thành đầu ruồi lúc nào không biết. Tôi nhấp nhổm chẳng biết nên ngồi lại hay đứng lên. Xương gà nhởn ra vun thành từng đống ở các mép bàn đều đặn như bày thế trận. Đây là trận gì? Chẳng đủ bảy đống để làm thành Thất tinh trận huyền thoại.

Một con ruồi đậu vào má tôi. Tôi xua tay đuổi đi. Nó bâu lại lên đầu. Tôi lắc đầu nguầy nguậy đuổi đi. Nó vẫn vo ve đợi cơ hội đậu vào. Tôi nhìn vào cái mặt ruồi đang hom hem cười nói với tôi. Ô kìa! Họ không phải đang ăn thịt gà! Họ đang nhai một miếng thịt da trắng phau mịn màng. Họ ăn ngấu nghiến. Một người kết luận:

– Con này chắc lai thành phố! Thịt bở quá, nhưng được cái vẫn ngọt!

Con ruồi vừa nãy tôi xua đi thấy tôi mất tập trung, liền sà xuống đậu trên má tôi. Tôi cảm thấy nó cũng đang rúc rỉa sự trắng trẻo của tôi. Những người dân đầu ruồi vẫn đang nói triết lý:

– Phải ăn bữa cỗ quê mới thành người nhà quê được! Thành phố thì có gì hay? Lạnh nhạt với nhau lắm!

Tôi rùng mình. Chẳng biết mình đã biến thành ruồi chưa? Ăn cỗ quê vui quá nhỉ! Người người ăn nhau cho đến khi tất cả biến thành ruồi. Rồi một lớp con cháu mới được vỗ béo, da thịt trắng mịn màng, cứ bước vào bữa cỗ là sẽ bị ăn cho đến khi lộ ra cái vẻ ruồi.
Tôi buồn nôn. Oẹ thốc ọe tháo. Tôi không muốn nghĩ mình đã ăn linh hồn trắng trẻo của ai đó để biến họ thành con ruồi mà không biết. Oẹ ra mà họ hồi lại được nhân phẩm của mình thì tốt quá. Nếu không, tôi cũng tự cho rằng mình đã thanh tẩy bản thân.

Tiếng người lao xao:

– Hay là nó nghén rồi?

– Có khi là say nắng?

Tôi ngước mắt lên nhìn. Ồ, không phải bầy ruồi, vẫn là bầy người. Họ đang nói cười rôm rả bên cỗ bàn. Tôi ngồi xuống bên bàn nước chè gần với ban thờ. Bức ảnh người chết đang nhìn tôi chằm chằm. Tôi nhìn khắp căn nhà. Đó là một căn nhà xây theo kiểu mới với gạch và xi măng, trát vôi màu vàng nhạt. Trong phút chốc tiếng ồn ào lùi xa bên ngoài, tôi phóng con mắt lên đỉnh trần nhà, nhìn chằm chằm tới nỗi mắt tôi đã dí đến sát trần. Có khi nào mắt người chết bật mở và cũng nhìn lên nắp quan tài như tôi nhìn lên trần nhà không? Họ sẽ sợ hãi hay vô cảm. Tôi thì vô cảm! Tôi ước được chết trước khi biến thành ruồi. Thà rằng làm món thức ăn cho bầy sâu bọ xâu xé còn hơn biến thành một phần trong số chúng.

Hà Thủy Nguyên

Home 2018 / page 6

Chiêu hồn vong bản

“Ôi ngơ ngác một lũ người vong bản”

(Trích “Bài ca man rợ” – Đinh Hùng)

Ta lạc trần gian thân biệt xứ
Trông vời cố quốc dõi thi từ
Vong thân, vong quốc, vong hồn hận
Tiếng lòng chốn cũ vọng niềm riêng

Ta thuộc về đây ư
Cõi thực?
Nước nhà hư ảo
Kẻ thân xa
Lật tờ thơ nát
Ly hương hát
Một điệu lạc trần: vong bản âm

Hồn hỡi hồn, tha hương trần ai
Có về đây ngưng đọng dựng thi đài
Cho tinh thần chân mỹ
Cho bản thể hiện hình
Cho tâm tình rung động
Cho nước nhà mờ nhạt
Cho tham vọng tan tành
Cho dậy sóng biển xanh
Nhấn chìm cơ đồ ảo

Hồn hỡi hồn, bờ kia là ảo giác
Bám víu điều chi?
Tiếc nuối những gì?
Lời rao giảng nhuốm mùi trần tục
Đua chen nhau mua đất ở thiên đàng
Và hô hào cho lịch sử sang trang
Mà đã quên linh hồn lạc lối
Chỉ xác thân nông nổi
Lải nhải lời ảo giác trên môi

Ta lạc loài giữa bầy lạc lối
Đi dần vào bóng tối
Chiêu một khúc hồn ca
Thế giới vong tình
Nghe chăng nhỉ?

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2018 / page 6

Hết thời

Ta di một vì sao mệnh số
Nhân gian xô lệch gì đâu
Mặc quyền lộc rụng rơi
Mặc danh tài phai nhạt
Thân phận người nhỏ nhoi
Sơn ca lạc
Cuồng phong gầm thét

Tờ thiên thư rách nát
Hơi cổ đã lên mùi
Bụi thời gian mờ mịt
Kho sách đời
Hết thời
Vì sao trời
Hết thiêng
Chỉ lời ta còn vọng
Tiếng nghìn năm

Phật Chúa vắng cả rồi
Trăng sao nay cũng vắng
Bạn bè đều cô tịch
Ngàn năm
Ta hiểu ta

Tiếng thời đại chuyển dời
Gương mặt xưa cười mỉm
Xa và xa và xa
Trăng sao hồi sinh đó
Ta cô tịch đợi chờ
Người xưa nay có nhớ
Hay chỉ ta hiểu ta

 

Hà Thủy Nguyên