Home 2019 / page 5

Say Rumi…

Tôi say một nỗi buồn trong giọt rượu
Rumi hát bên tai
Điệu xoay xoay
Ly rượu rỗng không
Vỡ
Cố đô
Đổ nát
Thời đại vàng ngả nghiêng tiếng hát
Khúc sáo thưa thoang thoảng trời chiều

Con sư tử gầm rống chân trời đại mạc
Kinh động ai đâu
Gục đầu bên bãi cát
Cửa cố đô đã rụng cánh rồi
Tôi đi qua đại lộ chẳng bao giờ tắt nắng
Chẳng giọt mưa nào đọng vũng chân tâm

Những hoan lạc dục tình
Đã bén mưa
Cũng tới hồi khô cạn
Chỉ đại mạc lòng ta
Và cơn say vô hạn

Người cao quý say ngất nơi đại mạc
Đi qua ảo ảnh
Với nỗi buồn không đau
Chỉ say ngất
Nơi đại mạc

Hà Thủy Nguyên

>> Tìm hiểu thêm về DỰ ÁN DỊCH THƠ RUMI do tôi & Book Hunter thực hiện

Dự án dịch thơ Rumi – bậc thầy sufi vĩ đại của văn minh Islam – Hà Thuỷ Nguyên (hathuynguyen.com)

Home 2019 / page 5

Nỗi buồn thẳm sâu

Khi tôi ngụ nơi nỗi buồn thẳm sâu
Thế giới cựa mình bóng tối

Mây đan nhau
Ánh dương vụn gẫy
Trăng đen

Trường kỷ nơi tôi nằm
Mọc lên
Ngàn hoa tàn úa
Cái chết cũng thẳm sâu
Như tôi

Không điệu nhạc nào lọt thỏm đáy tai
Tất thảy lướt đi theo gió nhẹ
Mất hút khoảng không
Đêm giữa ban ngày
Tối thẫm

Tôi đã lịm vào mơ
Chỉ những ngón tay còn gõ nhịp thơ
Như thể
Tôi không tồn tại
Chỉ thơ là mãi mãi

Khắc này
Lại nỗi buồn thẳm sâu
Tôi hoá thân bia mộ
Vẫn kẻ nằm dài trường kỷ
Ngàn hoa mọc lên héo úa
Thẫm trăng đen.

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 / page 5

Nhảm #9: Đám đông

Các cá nhân chỉ tập hợp với nhau thành đám đông khi họ có một cái “tình” nào đó để “biểu”.
Tức là, đám đông bị một cái tình nào đó chi phối, thường là những cảm xúc mang tính tàn phá như đau thương hay giận dữ, và thậm chí là hí hửng.
Đừng có đi ngược chiều với đám đông, vì sẽ bị đám đông dẫm cho bẹp dí. Chỉ kẻ ngu mới vậy.
Kẻ khôn sẽ hùa vào đám đông, lợi dụng đám đông để đạt được mục đích của mình, những mục đích mà lúc thông thường họ chẳng thể đạt được.
Kẻ biết sẽ thấy rằng, dù đám đông có đang cố tỏ ra văn minh hay chính nghĩa tới mức nào, thì đám đông vẫn cứ là đám đông.
Sự thực là, đám đông không xây dựng cũng chẳng phá hoại, họ chỉ “biểu cái tình” thôi. Những kẻ đứng sau kích thích họ mới là người nắm quyền lực quyết định rằng đám đông sẽ xây dựng hay phá hoại.
Cái tình càng một chiều thì đám đông càng dễ quần tụ, nên khó khăn không phải là làm thế nào để tập hợp đám đông. Điều thực sự đáng phải suy nghĩ là sẽ dùng thứ vũ khí hủy diệt có tên “đám đông” ấy vào cái gì.
Cá nhân độc lập không cần một đám đông để “biểu cái tình” bởi vì tình với họ chỉ như gió thoảng mây trôi.
Good luck, Hongkong! Một cuộc “biểu cái tình” lên ảnh rất đẹp, nhưng đừng để trở thành thứ vũ khí hủy diệt không thể điều tiết được mức độ phá hoại.

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 / page 5

Nhảm #8: Dân tộc

Tinh thần dân tộc không phải đại diện cho lòng yêu nước, mà là biểu hiện của thứ mặc cảm thua kém. Giống như một tên trọc phú yếu sinh lý, chẳng có gì để tự hào ngoài tài sản của mình và ngồi khư khư ôm mớ tài sản ấy vì sợ mất.

Cái gì đại diện cho lòng yêu nước? Còn phải xem định nghĩa thế nào là “nước” đã! Ý niệm đất nước ở mỗi người, mỗi thời đại lại khác nhau xa lắm, nhưng dù thế nào, đó cũng chỉ là một ý niệm để cố kết các cá nhân riêng rẽ vào một lợi ích chung của một số nhóm nhất định.

Tức là, nếu ta muốn yêu nước, ta lại phải cân nhắc xem ta nên yêu nước theo cách nào. Có lẽ ta nên yêu nước theo cách của những kẻ có quyền lực mạnh hoặc những kẻ thắng thế, vì chỉ có vậy ta mới không bị quy là kẻ bán nước! Mỉa mai nhỉ! Tình yêu ai lại thế…

Tình yêu nước quy thuận quyền lực và thứ tinh thần dân tộc đầy mặc cảm một khi kết hợp với nhau sẽ tạo thành mảnh đất đầm lầy nhơ nhuốc với thứ mùi nồng nặc nuôi dưỡng đủ loại quái vật man rợ, thứ mà chúng ta vẫn gọi là truyền thống.

Nhưng… không có tình yêu nước thực thụ, chỉ có sự trung thành với ý niệm mà ta bị cài trong đầu… không có tinh thần dân tộc thực sự mà chỉ có những hóa thạch của lịch sử được đào bới lên để bám víu, để đắp lên nhằm che đậy sự yếu kém của mình.

Nếu một quốc gia quá lệ thuộc vào tình yêu nước và tinh thần dân tộc để phát triển, thì quốc gia ấy chỉ mãi là một vũng lầy. Vì một linh hồn mạnh mẽ được trang bị mọi tài năng sẽ khiến các quái vật đầm lầy ghen tị tới mức tìm mọi cách để ngáng trở nhân danh rất nhiều lý tưởng cao đẹp.

Linh hồn ấy rốt cuộc sẽ chọn trở thành một trong số quái vật đầm lầy hay sẽ thanh tẩy đầm lầy ấy? Có phải “nước trong thì cá gầy”?

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 / page 5

Nhảm#7: Niềm tin

Niềm tin cần thiết khi người ta thiếu ý thức về bản thân mình.
Tất cả các niềm tin, dù tốt dù xấu, đều chỉ là thứ gây ảo giác để ta vượt qua chặng đường đời chông gai, để ta có thể như một kẻ ngáo thực hiện các việc làm điên rồ, vô nghĩa.
Hoài nghi là một biện pháp cai nghiện, nhưng hoài nghi không giúp ta phòng chống một cơn nghiện niềm tin khác sẽ nảy sinh trong tương lai.
Và có thể, người ta sẽ nghiện hoài nghi…vì hoài nghi cho người ta niềm tin rằng người ta đang thông thái hơn hết thảy.
Ừm, niềm tin có thể sử dụng như quần áo, có thể để hợp mốt, cũng có thể để điểm trang cho cái tôi của mình.
Thế tức là có thể vứt bỏ chúng khi cần thiết.
Bám vào một niềm tin nào đó là một dạng bệnh lý và dơ bẩn.
Liên tục ở trong trạng thái ngáo hay mặc đi mặc lại một bộ quần áo ư? Hãy tưởng tượng xem!
Bạn có thể gọi niềm tin bằng một từ khác mĩ miều hơn: “đức tin”.
Đức tin là gì? Bạn thích định nghĩa thế nào cũng được. Nếu cứ bám vào định nghĩa, thì đức tin cũng chỉ là một dạng của niềm tin mà thôi.
Đức tin thiêng liêng và thần thánh nhỉ? Đức tin có thể cứu rỗi loài người? Loài người sợ tỉnh táo tới mức phải mượn những trạng thái ngáo để có cảm tưởng rằng mình được cứu rỗi.
Tin – thể hiện cho sự dối gạt bản thân.
Nói rằng cần niềm tin hay đức tin chẳng khác nào nói thế giới cần dối trá! Mà phải thôi, làm gì có sự thật, chỉ có những người mong muốn đi tìm sự thật, những người không thích ngáo và ý thức rằng quần áo không phải thứ có thể mặc mãi.

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 / page 5

Nhảm#6: Thời gian

Nếu thời gian trôi qua chậm, ấy là bởi ta đang ách tắc trong một mớ bòng bong và từng bước tháo gỡ.
Nếu thời gian trôi qua nhanh, ấy là bởi ta quá mải mê với mớ bòng bong mà bỏ quên mất những gì thực sự đã xảy ra ở một bức tranh toàn cảnh hơn.
Nếu thời gian vẫn trôi qua bình thường, ấy là bởi ta đang có một đời sống hết sức nhạt nhẽo.
Nếu thời gian ngừng trôi, ấy là bởi ta đang không hề sống thế nên cũng không hề chết. Zombie thì biết gì về thời gian.
Thời gian không phải một trạng thái của tâm, thời gian là chuỗi những hiện tượng mà ta chứng kiến và mức độ mà ta tham gia vào đó. 

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 / page 5

Nhảm #5: Tiếng ồn

Sâu kín luôn im lặng!
Lời nói luôn là tiếng ồn, cho dù lời nói có hay ho và ý nghĩa đến đâu đi nữa.
Những tư tưởng thiêng liêng và cao cả đều tha hóa, bởi vì chúng quá ồn ào.
Làm sao có thể tìm kiếm sự im lặng bên trong tiếng ồn? Không thể!
Nhưng ta có thể im lặng giữa tiếng ồn.
Bạn đã bao giờ đi im lặng giữa một đám đông hô hào?
Hừm, tiếng ồn sẽ cho rằng bạn phản động, phản cách mạng, phản xã hội.
Dùng tiếng ồn để trấn áp tiếng ồn – độc tài.
Dùng tiếng ồn để phá sự trấn áp – tự do.
Dùng tiếng ồn để xoa dịu tiếng ồn – mặc khải.
Dùng tiếng ồn để chứng minh một tiếng ồn là đúng – chân lý.
Rất dễ để định nghĩa tiếng ồn, nhưng không thể định nghĩa im lặng.
Nếu bạn không thể học cách im lặng, bạn có thể ngủ. Ngủ để chứng kiến một cách sinh động những tiếng ồn ào láo nháo bên trong mình. Vậy thôi!
Đây cũng là một tiếng ồn, cất lên để muốn dập tắt mọi tiếng ồn khác – hủy diệt. Thế thôi!

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 / page 5

Nhảm #4: Ngôn ngữ đẹp?

Không có ngôn ngữ đẹp.
Chỉ có những thói quen ngôn ngữ. Người ta thấy hay với những thứ người ta thấy quen thuộc.
Tiêu chuẩn ngôn ngữ là thứ thói quen ngôn ngữ đã thắng thế bởi chính trị. Nếu một cuộc thay triều đổi đại không thay đổi được thói quen ngôn ngữ của người dân thì quyền lực không vững chắc. Một thời đại đã chấm dứt nhưng thói quen ngôn ngữ nó để lại vẫn còn thì uy quyền của thời đại ấy vẫn chưa hết.
Sự tôn sùng một thói quen ngôn ngữ tới mức cho rằng ngôn ngữ ấy tuyệt đẹp, về bản chất, là sự lệ thuộc uy quyền cho dù nó đang mới hay đã cũ.
Chọn lựa thói quen ngôn ngữ tuỳ hoàn cảnh hay để một thói quen ngôn ngữ lựa chọn mình trở thành tay sai đắc lực cho thứ uy quyền của nó?
Mọi thói quen thẩm mỹ đều có thể được thay đổi. Bởi thế nên không có cái đẹp, chỉ có những thứ vừa mắt, vừa tai, vừa miệng… vừa tri giác.
Hà Thủy Nguyên
Home 2019 / page 5

Nhảm#3: Hành động

Thế gian này, không ai hành động.

Tất cả chỉ vận hành theo các thói quen, như một mã lệnh tự động được ghi trong tâm trí.

Hành động như một trò diễn theo kịch bản.

Hành động như một vật thể di chuyển theo quỹ đạo.

Hành động không hàm chứa tự do trong đó. Một hành động khởi lên, nó đã bị kiểm soát bởi các lực đẩy và lực nén.

Bất kể con người có ý thức hay vô thức, những hành động ta làm cũng không phải ta làm.

Hành động có ý thức: biết rằng ta là con rối mà cuộc đời giật dây.

Hành động trong vô thức: sự va chạm hỗn loạn của những thói quen, những nguyên tắc, những điều luật, những đức tin, những sân hận, hoài nghi lộn xộn trong đầu…

Không hành động: một trạng thái chối từ rằng mình đang hành động.

Trật tự là khi con người hành động trong vô thức. Và loạn lạc cũng thế, là khi con người tiếp tục hành động trong vô thức. Điều gì tạo ra khác biệt trong trật tự và loạn lạc?

Trật tự: những vai diễn tẻ nhạt ít đột biến, theo một công thức có sẵn.

Loạn lạc: bộ vở đại kịch hấp dẫn kéo dài dằng dặc không dứt chương hồi.

Người ta thích xem đại kịch nhưng lại thích sống trong xã hội trật tự và mâu thuẫn hơn thế là người ta thích hành động mà chả cần suy nghĩ cái quái gì.

Trong vở đại kịch, từ chối thừa nhận rằng mình đang hành động hay ý thức được thân phận con rối của mình sẽ khiến vai diễn lỡ dở. Nhưng đó là sự lỡ dở cần thiết cho một cấu trúc hoàn hảo của thế gian.

Không có sự kết thúc hành động, chỉ có chuyển từ hành động này sang hành động khác.

Kkhông có hủy diệt hay bất tử, chỉ có những chuỗi hành động nối tiếp nhau liên miên bất tuyệt.

Tôi sẽ dừng hành động này ở đây để chuyển sang hành động khác và các bạn nối tiếp hành động vừa qua của tôi bằng cách khởi phát hành động đọc, và gì đó nữa thì tùy các bạn.

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 / page 5

Nhảm(2): Thơ

Có thời, các nhà thơ sợ hãi không dám viết những vần thơ có nhịp điệu.

Nỗi sợ ấy kéo dài tới tận ngày nay.

Họ sợ thứ thơ nhịp điệu bởi tự sâu thẳm bên trong họ không có thứ nhịp điệu nào được cất lên. Chỉ những chuỗi dài ồn ã, lao xao, không cấu trúc. Như hỗn loạn sợ bị thiết lập trong trật tự.

Họ nói hỗn loạn là thơ tự do, là thơ hậu hiện đại, là vô cấu trúc, là sự mở rộng vô biên các thực tại. Chỉ là mơ tưởng. Họ đang đi vào một giấc mơ hôn trầm, bị lắp ghép bởi vô vàn mảnh vụn giấc mơ của kẻ khác.

Nhưng những kẻ yêu thích thứ thơ nhịp điệu còn bệnh hoạn hơn. Họ đóng kín bản thân trong một chiếc hộp nhạc, bật đi bật lại những nhịp điệu quen thuộc của thơ. Họ không cất lên tiếng thơ bằng tiếng nhạc lòng mình, mà bằng tiếng nhạc từ cõi lòng kẻ khác.

Tách nhịp điệu khỏi thơ không phải là một bước tiến của thơ ca! Đó là sự lùi! Đưa thơ ca về mông muội. Những lời thơ ấy thậm chí còn chẳng là văn xuôi vốn luôn cần một trật tự lớn. Thơ ca không nhịp điệu là những âm thanh rời rạc vọng trong tâm trí, thứ thơ ca được nhào nặn bởi con chữ vô hồn. Nói thẳng, đó là thứ thơ ca vô hồn. Mà có sao đâu, con người đa phần không cần đến hồn, thì với họ, thơ ca có hồn là một trò gây hấn.

Nhưng ở mãi trong một nhịp điệu thơ ca, thì nhà thơ đã chết lâm sàng. Nhà thơ ấy không sống. Chỉ lải nhải điệu cũ. Hãy xem, con chim họa mi đích thực sẽ ca muôn điệu. Còn con chim bằng vàng, nó không ca, nó chỉ là cái máy phát.

Nhà thơ làm thơ sa đà vào thủ pháp thì sẽ đánh mất linh hồn.

Nhưng nhà thơ sa đà vào linh hồn, thì sẽ không đánh mất thủ pháp, ngược lại, họ tự tạo ra thủ pháp của riêng mình. Đó là thủ pháp của thứ tự do không thủ pháp.

Nhà thơ quá chú trọng nhịp điệu sẽ chỉ viết những lời sáo rỗng và linh hồn giả tạm.

Nhưng nhà thơ chú trọng linh hồn thì sẽ là kẻ ngân lên những ngôn từ linh dị.

Nhưng này, hãy cẩn thận, những nhà thơ linh hồn, họ sẽ phát điên, tới nỗi viết thơ lên cát và mặc cho gió cuốn trôi.

Hà Thủy Nguyên