Home Bình Luận “Giặc xấu” bắt đầu tàn phá Hội An?

“Giặc xấu” bắt đầu tàn phá Hội An?

Bài viết lên án dự án Công viên Ấn tượng và chương trình thực cảnh Ký ức Hội An

Những ngày tháng 4 vừa qua, dư luận báo chí xôn xao về sự tàn phá môi trường và cảnh quan của dự án Công viên Ấn tượng và chương trình thực cảnh Ký ức Hội An trong khu vực Phố Cổ Hội An.

Ở bài viết này tôi sẽ không đề cập đến vấn đề pháp lý hay những nguy hại về môi trường mà bàn đến vấn đề bấy lâu nay chúng ta dường như đã bỏ quên trong công cuộc xây dựng một nước Việt Nam văn minh và hiện đại: Đó là tính thẩm mỹ của cảnh quan đô thị. 

So với những vấn đề khác thì vấn đề tính thẩm mỹ không được coi trọng bởi vì ở một quốc gia mà người dân còn có trình độ dân trí thấp và coi trọng miếng ăn hơn giá trị tinh thần thì đòi hỏi về cái đẹp vẫn là quá xa xỉ.

Tuy nhiên, nếu chúng ta thay đổi cái nhìn về cái đẹp, mà cụ thể hơn là tính thẩm mỹ trong cảnh quan đô thị, thì chúng ta sẽ thấy rằng vai trò chính trị của cái đẹp cũng quan trọng không kém các quyền tự do.

Một quốc gia, một dân tộc, một cộng đồng người không thể tạo ra các tác phẩm hay sản phẩm có tính thẩm mỹ cao thì quốc gia ấy, dân tộc ấy, cộng đồng ấy cho thấy một sự suy thoái về tinh thần và sự kém cỏi về trí tuệ, nói một cách khác đó là dấu hiệu cho thấy sự man rợ và lạc hậu.

Xã hội loài người đã từng chứng kiến sự thăng trầm của những nền văn minh rực rỡ, từ Ai Cập cổ đại, Hi Lạp và La Mã cổ đại, Trung Quốc cổ và trung đại, Kỷ nguyên vàng Islam, Phục Hưng ở Châu Âu…

Những gì còn lưu lại đến nay đều là những tạo vật đẹp đẽ mà những người nghệ sĩ đã dành nhiều tâm huyết để chế tác.

Động lực thúc đẩy sự sáng tạo của nghệ sĩ chính là một xã hội biết thưởng thức cái đẹp và tôn trọng cái đẹp. Những nền văn minh này đã lụi tàn theo thời gian do quy luật thành bại của lịch sử nhưng những dấu vết để lại với tính thẩm mỹ cao đều cho chúng ta thấy khả năng tư duy hoàn hảo, tinh thần trách nhiệm, sự chuyên nghiệp trong tài năng cá nhân, sự khai phóng tinh thần trong sáng tạo và cả tư tưởng thời đại của các tiền nhân.

Chẳng ai nhớ đến các tác phẩm hay các sản phẩm xấu xí và tệ hại. Sự xấu xí chỉ tồn tại trong những cộng đồng người man dã khi khả năng tư duy còn hạn chế và kỹ thuật còn thô sơ. Đây là những đặc điểm về thẩm mỹ điển hình trong các xã hội man dã. Những đồ tạo tác của xã hội man dã không phải vô dụng, chúng có giá trị về mặt khảo cổ. Rất ít trong số chúng có độ tinh xảo nhất định thì mới có thể được đánh giá là đẹp, và cái đẹp ấy là đại diện cho sự tiến bộ.

Nhưng lịch sử có những trớ trêu khó cưỡng, đó là trong một số hoàn cảnh, người ta đứng về phía cái xấu thay vì chọn cái đẹp. Để chế tác hoặc sáng tạo một tác phẩm hay một sản phẩm xấu, người ta không cần sự kỳ công, không cần sự tính toán kỹ lưỡng, không cần sự hiểu biết, không cần đạo đức nghề nghiệp. Họ chỉ cần sự tằn tiện trong chi phí sao cho lợi nhuận tối đa.

Bởi thế, họ chọn cái xấu không phải vì họ không nhận thức được rằng nó xấu mà đơn giản rằng nó tiện lợi cho họ. Nhưng tiếc rằng, đúng như nhà văn Oscar Wilde, nhà văn duy mĩ hàng đầu của Anh quốc đã kết luận:

“Người ta thường nói như thể cái đẹp đối nghịch với cái hữu dụng. Nhưng chẳng có gì đối nghịch với cái đẹp ngoại trừ cái xấu: mọi thứ đều hoặc là đẹp hoặc là xấu, và cái có ích luôn ở về phía cái đẹp, bởi vì sự điểm trang đẹp đẽ luôn ở về phía cái đẹp, bởi vì sự điểm trang đẹp đẽ cho một vật luôn là biểu hiện của tính năng và giá trị của vật đó.

Không người thợ nào trang trí đẹp cho một sản phẩm tồi, và bạn cũng không thể có những người thợ hoặc nghệ nhân tốt mà lại không có những thiết kế đẹp. Bạn nên chắc chắn về điều đó.

Nếu bạn có những thiết kế nghèo nàn và vô giá trị, dù trong nghề thủ công nào, bạn cũng sẽ chỉ có được những người thợ nghèo nàn và vô giá trị, nhưng khi bạn có những thiết kế đẹp đẽ và tao nhã, bạn sẽ có những người với đủ sức mạnh và trí tuệ làm việc cho mình.

Có được một thiết kế tốt, bạn sẽ có những người thợ làm việc không chỉ bằng đôi tay, mà bằng cả trái tim và khối óc nữa, ngược lại, bạn sẽ chỉ có được những kẻ ngu xuẩn và lười nhác làm việc mà thôi.”

(Trích tiểu luận “Nghệ thuật và thợ thủ công”. Bản dịch của Minh Hùng, đăng trên Book Hunter)

Ở thời đại của Oscar Wilde, nước Anh phải trải qua một thời kỳ phát triển của tư bản hoang dã trong cơn hưng phấn của Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất.

Sự phát triển công nghiệp nặng, sự lên ngôi của thói thẩm mỹ trọc phú đều là những đối tượng Oscar Wilde lên án trong các tiểu luận và bài giảng về nghệ thuật của mình.

Ông đã dành toàn bộ tài năng của mình để tạo ra các áng văn chương tuyệt đẹp với tinh thần duy mỹ để chống lại sự tràn lan của cái xấu xí trong xã hội Anh thế kỷ 19.

Trước Oscar Wilde, rất nhiều nhà thơ lãng mạn của Anh dưới thời Victorian như Lord Alfred Tennyson, William Wordsworth… cũng chọn tinh thần duy mỹ và sự ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên như một sứ mệnh chính trị của mình.

Họ từ chối các đặc quyền chính trị khi trở thành nhà thơ hoàng gia ca ngợi công cuộc đổi mới để quay về với sự cô độc cá nhân trong sự đắm chìm vào thế giới đẹp đẽ của ngôn từ. Đó là thái độ bất tuân dân sự của người duy mĩ.

Những nhà làm chính trị thực tiễn thường cho rằng các nhà thơ, nhà văn duy mỹ là những kẻ thoát ly thực tại nhưng trên thực tế, họ đang tiếp tục thông qua sáng tác cá nhân để nâng cao thị hiếu người dân. Bởi vì, chừng nào họ còn sáng tác những áng văn chương tuyệt mỹ thì chừng đó cái đẹp còn tồn tại.

Ở Việt Nam, đã từng có thời tính duy mĩ được coi trọng, tuy nhiên do yếu tố man dã vẫn còn phổ biến nên những thời đại rực này đã sớm lụi tàn ngay khi bắt đầu.

Lần gần nhất được ghi dấu trong giai đoạn đầu thế kỷ 20 ở các đô thị lớn. Xu hướng này chấm dứt khi phe Nghệ thuật vị nhân sinh chiếm ưu thế trong cuộc tranh luận những năm 1940s. Các cây bút của phong trào Nghệ thuật vị nhân sinh mà dẫn đầu là Hải Triều đã có một cuộc tổng tấn công vào các nhà văn, nhà thơ lãng mạn có xu hướng duy mĩ ở Việt Nam và đả kích họ là không thực tế và thoát li hiện thực.

Quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh này đã biến tướng thành một sự cổ vũ lối thẩm mỹ đại chúng xa rời cái đẹp còn kéo dài đến tận bây giờ. Và hậu quả là tính thẩm mỹ bị lơ là trong quy hoạch đô thị nói riêng và chiến lược phát triển văn hóa – giáo dục nói chung.

Đặc biệt, từ sau khi mở cửa kinh tế và cho phép các tập đoàn tư nhân được đầu tư kinh doanh bất động sản thì sự tàn phá thẩm mỹ xã hội lại còn nhanh chóng hơn và tệ hại hơn trước đó. Xu hướng tăng trưởng kinh tế để giúp đất nước phát triển đã tạo ra một xã hội tư bản hoang dã dựa trên một nền tảng tri thức thấp kém do chính sách phát triển văn hóa sai lầm.

Trường hợp Công viên Ấn tượng Hội An của tập đoàn Gami chỉ là một trong số những ví dụ của chuỗi tàn phá không biết bao giờ kết thúc mà công cuộc xây dựng kinh tế sau Đổi Mới đã gây ra.

Quá trình đô thị hoá bừa bãi, không, chính xác phải gọi là bê tông hoá đã tàn phá những cánh đồng quê êm ả, những vùng núi hùng vĩ, những con sông xanh mát, những bờ biển cát trắng, những cánh rừng huyền bí và cả những đô thị cổ còn lưu lại dấu vết của một thời văn minh đã xa…

Cái đẹp đã mất ở Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Sapa … và bây giờ liệu có mất thêm Hội An? Một công trình của Gami chỉ có thể tàn phá một góc Hội An nhưng nó sẽ là bắt đầu cho chuỗi tàn phá của các tập đoàn khi ai cũng có thể xây dựng vô tội vạ với sự lơ là của các cơ quan ban ngành quản lý.

Thế đấy, cùng với “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm” thì người dân Việt Nam còn phải đương đầu với “giặc xấu”, thứ giặc mà trước giờ ít người nhận ra dù sự phát triển của loại giặc này đã và đang ngày một phổ biến do sự xuống cấp của giáo dục và sự tàn phá văn hoá trong nhiều thập kỷ liên tiếp.

Nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của bản thân cũng như của xã hội là trách nhiệm vô cùng quan trọng của văn nghệ sĩ và trí thức để đưa xã hội Việt Nam hướng tới sự văn minh đồng thời gột rửa dần các tố chất man dã.

Bởi vì chỉ có văn nghệ sĩ và trí thức mới có cơ hội cũng như khả năng để tiếp cận tri thức và trang bị cho mình các nền tảng mỹ học đủ để thẩm định và sáng tạo cái đẹp.

Văn học nghệ thuật không đơn thuần chỉ là sự phát biểu cái tôi cá nhân của văn nghệ sĩ mà đó còn là một sự tạo dựng nền tảng thẩm mỹ cho xã hội mà trong đó văn nghệ sĩ trí thức được khám phá và hoàn thiện chính mình.

Tự do học thuật – Nền tảng vững chắc để Việt Nam trỗi dậy

Tự do học thuật là vấn đề then chốt trong việc nâng cao dân trí. Một nền học thuật không tự do, tức là không có sự lành mạnh thì không có giáo dục nhân văn, không có tự do tư tưởng, và điều đó đồng nghĩa với việc hết thế hệ này đến thế hệ khác, người dân trở thành đám đông bị dắt mũi bởi các thế lực kiểm soát hệ thống. Chính trị hóa nền học thuật là một trong những trở

Đi tìm “tính Việt” trong những tách trà

Nằm trong khu vực có khí hậu và thổ nhưỡng tốt cho sinh trưởng của cây trà, nhưng đến nay trà Việt vẫn loay hoay trong định vị văn hóa của mình trên bản đồ thế giới. Trong “Trà Kinh”, Lục Vũ viết về nguồn gốc của trà  như sau: “Trà là giống cây quý phương Nam”( Trần Quang Đức dịch), phương Nam ở đây ám chỉ một dải đất rộng lớn từ phía Nam sông Dương Tử, kéo dài xuống Ấn Độ và bán

Người trẻ muốn làm việc tốt cần quên những thứ học ở trường đi

Học, thi cử, rồi lại học, cho đến khi có được bằng cấp, và khi đi làm, những điều học được ở nhà trường không hẳn là thích hợp với yêu cầu công việc thực tiễn. Đây vốn không phải là một thực tế quá gây shock với người Việt Nam. Mỗi người Việt chúng ta đều chấp nhận thực tế ấy như một chân lý hiển nhiên và miễn là con cái chúng ta cố học để có đủ các bằng cấp, điều kiện

Tiếng ồn trong các đô thị – suy giảm sức khỏe, thiệt hại kinh tế & văn hóa tụt hậu

Tập hợp một lượng lớn dân cư trong một không gian nhỏ hẹp như các đô thị, một mặt vừa tạo ra cơ hội, nhưng mặt khác lại gây ra rất nhiều nguy cơ lớn như dịch bệnh, chất thải, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội… Trong nhiều thế kỷ sinh tồn, không chỉ học giả mà ngay cả những cư dân có trình độ thấp mưu sinh tại các đô thị đều nhận thức được các nguy cơ này, nhưng gần như,

KHI VĂN HÓA ĐỌC THIẾU NỀN TẢNG HỌC THUẬT VÀ PHÁP LUẬT

Có lẽ chưa bao giờ văn hóa đọc lại nở rộ như ngày nay, đặc biệt là sự hỗ trợ từ chính quyền và các kênh báo đài chính thống. Không khí tấp nập nhộn nhịp trong các hội trợ sách, các hội thảo sách, các cuộc chạy đường trường cổ vũ phong trào đọc dường như làm sống dậy cái không khí Đông Kinh nghĩa thục: “Buổi diễn thuyết người đông như hội/Kỳ bình văn khách đến như mưa”. Chứng kiến cảnh “trăm hoa