Trong những ngày vừa qua, Book Hunter và tôi trải qua một cuộc tấn công liên hồi của nhóm NHẶT SẠN DỊCH THUẬT do ông Trần Đình Thắng chủ xướng và facebooker Nguyễn Việt Anh, hai “dịch giả” mà chúng tôi chưa bao giờ “có cơ hội” làm việc cùng. Nhóm này, dưới danh nghĩa vì nỗ lực nâng cao chất lượng bản dịch, thường xuyên tấn công chúng tôi trong dòng sách triết học.
Xin được nói sơ qua những khó khăn trong việc dịch thuật dòng sách triết học:
- Thứ nhất là vấn đề khái niệm: Tiếng Việt xưa nay vốn không đủ để diễn tả những khái niệm siêu hình và trừu tượng, không chỉ của Châu Âu, mà còn của Ấn Độ hay Trung Quốc. Việc lựa chọn khái niệm cần rất nhiều sáng tạo, bao gồm tạo ra từ mới hoặc tái tạo những từ cũ. Việc này vốn dĩ gây nhiều tranh cãi.
- Thứ hai là vấn đề ngữ pháp: Cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt phổ thông quá đơn giản chủ yếu để diễn tả các nội hàm phổ thông, giản đơn, thế nên một câu thường ít các thành phần phức hợp.
- Thứ ba là vấn đề nền tảng: Nền tảng ở đây không chỉ là nền tảng triết học mà còn là nền tảng văn hóa, lịch sử, thần học, nhận thức luận, ngôn ngữ học, khoa học… Nói chung, một tác giả triết gia lớn cùng một lúc sẽ đề cập hoặc liên hệ liên ngành vô cùng phức tạp.
- Thứ tư là môi trường học thuật: Tại phương Tây, khi một học giả muốn thực hiện một công trình học thuật như nghiên cứu hay dịch thuật, họ dễ dàng có được sự trợ giúp từ cộng đồng học thuật, bất kể là họ vô danh tiểu tốt hay đã thành danh. Nhưng giới học thuật Việt Nam ít học giả có sự cởi mở như thế. Thêm nữa, khi một học giả đưa ra phản biện, họ dùng bằng chứng, nền tảng lý luận, và bằng chính tác phẩm của mình, chứ không phải bằng những bài ném đá kiểu “nhặt sạn”. Ví dụ, khi một dịch giả không đồng tình với cách dịch của một tác phẩm do một dịch giả khác thực hiện, thì họ sẽ dịch một tác phẩm khác. Các tác phẩm này theo thời gian, đều được chỉnh lý liên tục. Một tác phẩm gốc cùng một lúc có chục bản dịch cùng ra là điều bình thường.
- Thứ năm là vấn đề kinh tế: Dịch giả sách triết trên thế giới luôn có những nguồn quỹ hỗ trợ từ các trường đại học hoặc từ các quỹ cộng đồng. Họ cũng dễ dàng tìm đến các hội đồng chuyên môn để tham vấn. Tại Việt Nam thì không, nếu tìm đến một “hội đồng chuyên môn” nào đó thì có lẽ sẽ bị dìm đến mức không bao giờ ngóc đầu lên dậy được bằng một loạt các lời bỉ bôi và sau đó lại thấy tác phẩm của mình gắn tên người khác.
- Thứ sáu là thiếu nền tảng ngoại ngữ: Việt Nam có tiếp xúc sâu nhất với Hán ngữ, sau đó là tiếng Pháp, tiếng Nga. Tiếng Anh tuy có độ phổ biến nhưng cũng chỉ mới được du nhập gần đây, và chưa thực sự tạo được nền tảng chuyển ngữ khái niệm học thuật và chuyển đổi cấu trúc tiếng Việt để phù hợp. Nhưng khi chuyển ngữ tiếng Anh chúng ta lại gặp phải sự kháng cự bằng các luận điệu “lối hành văn thuần Việt” (mà sự thuần Việt ấy được tạo bởi quá trình nào nặn tiếng Việt nôm na với Hán ngữ, tiếng Pháp, tiếng Nga). Đó là còn chưa kể, chúng ta ít có các chuyên gia tiếng Đức, tiếng Latin, tiếng Hy Lạp, tiếng Phạn… Kể cả những người biết các ngôn ngữ này thì cũng chẳng mấy người có thể được gọi là chuyên gia.
Từ những khó khăn này, văn bản dịch Triết học phải đối mặt với các mô hình lỗi như sau:
- Dạng lỗi 1, mà tôi đánh giá là nghiêm trọng nhất: Thiếu nền tảng kiến thức. Đây là lỗi cốt yếu có thể dẫn tới dùng sai khái niệm, phân tích sai ngữ pháp.
- Dạng lỗi 2, nghiêm trọng không kém: Sử dụng khái niệm tùy tiện. Tùy tiện ở đây không phải dùng từ khó hiểu hay là xa lạ, hay là không sát văn bản gốc, mà là thiếu sự suy xét, hoặc đôi khi còn bắt sai nghĩa của từ. Việc sử dụng khái niệm tùy tiện nhiều khi là do quá tin tưởng từ điển hoặc thói quen ngôn ngữ tiếng Việt, mà như tôi chia sẻ ở trên, tiếng Việt hiện tại không đủ để diễn tả khái niệm siêu hình và trừu tượng. Thêm nữa, từ điển tiếng Việt được xây dựng thiếu đi sự nghiên cứu từ nguyên và văn cảnh, thế nên việc suy xét chọn từ trở nên biến ảo khó lường, đương nhiên cũng dễ gây tranh cãi. Bên cạnh đó, để sử dụng khái niệm chính xác thì người dịch cũng cần xem xét từ trong toàn bộ văn bản và trong nghĩa gốc, sự liên hệ với các ngôn ngữ khác, lịch sử sử dụng từ này tại thời điểm tác giả sống hay ngụ ý của tác giả…
- Dạng lỗi 3, lỗi ngữ pháp: Có những lỗi ngữ pháp là do nắm bắt ý sai trong câu nhưng có những lỗi ngữ pháp là do người dịch không đủ trình độ ngữ pháp. Lỗi nắm bắt ý sai có thể là do đọc lướt mà bỏ sót từ hoặc vế (vì một câu phức hợp trong các tác phẩm triết học thường rất nhiều vế), trong trường hợp này, lỗi có thể gây khó chịu cho người đọc. Nhưng nếu lỗi ngữ pháp trong một câu đơn lẻ không làm ảnh hưởng đến toàn bộ đoạn, hoặc chương, hoặc cả quyển sách thì không vấn đề gì. Trong trường hợp, lỗi ngữ pháp dày đặc cả chương sách hoặc bắt gặp thường xuyên trong cả cuốn sách thì đó là do trình độ ngữ pháp của người dịch không tốt. Nên chú ý một vấn đề, đó là lỗi ngữ pháp rất khác so với sự chuyển ngữ theo diễn đạt khác, ví dụ như đảo các vế câu hay sử dụng từ với nghĩa tương đương. Hiện nay, nhiều người phê phán bản dịch thường bám vào sự diễn đạt khác để quy thành lỗi sai.
- Dạng lỗi 4, những lỗi lặt vặt do sự thiếu sót của biên tập: sai chính tả, lỗi đánh máy… trở nên rất khó được đảm bảo bởi sự thiếu ngân sách. Vì để vượt qua lỗi 1 và lỗi 2 đã rất vất vả, lỗi 3 và lỗi 4 cũng thường bị bỏ sót.
Nhóm Nhặt Sạn Dịch Thuật của ông Trần Đình Thắng thường nhặt những lỗi nào
Theo tuyên bố nhóm Nhặt Sạn Dịch Thuật được tạo ra để “đóng góp” vì chất lượng các bản dịch, nhưng những lỗi ông ấy chỉ ra thường không nằm ở dạng lỗi 1. Thực ra, ông ta đã từng vướng mắc ở chính dạng lỗi 1, trong lời mở đầu một cuốn sách mà ông ta luôn tự đắc “Những tìm sâu triết học” của Ludwig Wittgenstein. Đây là cuốn sách được giải thưởng của giải Sách Hay, mà chính ông Bùi Văn Nam Sơn là một trong những chuyên gia của hội đồng trao giải. Tôi đề cập đến chi tiết hội đồng trao giải vì nó có liên quan đến những điều tôi sắp nói ở phần sau. (Có thể xem thêm ở nhóm hình 2) Bây giờ tạm gác lại để tập trung vào lỗi thiếu nền tảng kiến thức của ông Trần Đình Thắng.
Trong lời mở đầu của cuốn sách “Những tìm sâu triết học”, ông Thắng đã kể lể rằng kiếp trước ông là người Sứ Quốc (tôi sẽ không đánh giá gì về mức độ ảo tưởng của ông với nhận định này), đây là cách ông dịch từ “China”. Ông Thắng thích dịch China là Sứ Quốc, tôi hoàn toàn tôn trọng, đó là việc của ông. Nhưng ông bảo rằng “từ Hán Việt” là cách dùng không chuẩn, phải gọi là “từ Sứ Việt” mới đúng thì đây là lỗi sai cơ bản về học thuật, do ông thiếu nền tảng về lịch sử di dân và ngôn ngữ tiếng Việt. Dưới đây là những phân tích của tôi về lỗi sai này:
Một điều cơ bản mà bất cứ học giả nào cũng biết, đó là “Hán” là một khái niệm chỉ những người có nguồn gốc cư trú ở giữa lưu vực sống Hoàng Hà và Trường Giang, kiến tạo nên một quốc gia có tên Đại Hán. Hán là tên một vùng đất thuộc nước Sở, quê hương của Lưu Bang, và bởi vì Lưu Bang chiếm được thiên hạ nên cả vùng Trung Nguyên đều được gọi là Hán, và những người dân tại khu vực này đều được gọi là người Hán. Nhà Hán đã đô hộ nước Nam Việt mà lúc này khu vực phía Bắc Việt Nam hiện nay trực thuộc cai quản của Nam Việt, đồng thời áp đặt ngôn ngữ cũng như văn hóa Hán. Theo dòng lịch sử, dẫu có thêm các triều đại khác cai trị nhưng người dân có gốc gác tại khu vực Trung Nguyên vẫn gọi mình là người Hán. Đặc biệt, khi đương đầu với sự xâm lược từ Mông Cổ hay Mãn Thanh, người Hán càng khẳng định bản thân thông qua tộc danh “Hán”. Trong quá trình tiếp xúc với các nhóm dân cư Việt, tiếng Hán có sự biến âm để phù hợp với khẩu ngữ của người địa phương, dẫu vẫn chung các ký tự. Khi chuyển đổi sang chữ Quốc Ngữ, lúc bấy giờ mới nảy sinh một thứ được gọi là từ Hán Việt, tức từ gốc Hán đọc theo âm Việt được phiên âm sang chữ Quốc ngữ. Theo quan điểm của ông Thắng, chữ “Sứ”, mà ông ta cho rằng xuất phát từ người phương Tây gọi Trung Hoa là “China” thì phù hợp hơn để đứng cùng khái niệm “Việt” nhằm ám chỉ những từ gốc Hán có biến âm theo khẩu ngữ Việt được ký âm lại bằng chữ quốc ngữ. Khoan hẵng bàn đến việc có thật sự rằng chữ “China” tương đương với từ “sứ” trong tiếng Anh hay không, bởi vì đây là vấn đề đang còn được nghiên cứu và tranh luận bởi nhiều học giả phương Tây, nhưng ta có thể dễ dàng thấy ông Thắng dịch Trung Quốc là Sứ Quốc bởi vì trong tiếng Anh có khái niệm “china” có nghĩa là đồ sứ hoặc người bán đồ sứ, và điều này không hề mang tính đại diện cho cả một dân tộc (vì không phải người Hán nào cũng là người bán đồ sứ). Tiếp nữa, từ “China” phổ biến trong tiếng Anh từ khoảng thế kỷ 16, do đó, những đặc trưng ngôn ngữ của người Hán thế kỷ 16 không thể bao trùm toàn bộ đặc trưng ngôn ngữ của người Hán trong khoảng thời gian kéo dài từ nhà Hán, sang các triều đại khác và tới thế kỷ 16 được. Ông Thắng đã mắc lỗi tư duy trong đối chiếu với lịch sử và văn hóa liên quan tới một khái niệm.
Tiếp đó, trình độ ngôn ngữ của ông Thắng không đủ để phân biệt được đâu là từ thuần Việt. Ông Thắng chủ xướng sử dụng từ thuần Việt, tôi muốn hỏi ông một câu rằng từ “Việt” là từ thuần Việt hay từ Hán Việt. Tiếp đó nữa, từ “Sứ” có phải là một từ “thuần Việt” giúp ông thoát Trung trong ngôn ngữ hay không lại là điều phải xem xét ở đây. Đây là chữ “Sứ” trong tiếng Trung: 瓷 , từ này có phiên âm là “cí”, chúng ta dễ dàng thấy rằng “sứ” và “cí” xét về phát âm có nhiều điểm tương đồng, dù rằng chẳng hiểu vì nguyên cớ nào các từ điển Hán Việt lại quy định rằng từ “cí” phát âm là “từ” và “sứ” là cách phát âm Nôm. Thật nực cười. Tiếp đến là từ khái niệm “tìm sâu” trong tựa sách của ông, chữ “tìm” là một phiên âm khác của chữ 寻 với âm Hán Việt phổ biến là “tầm” và âm Nôm là “tìm” (một cách đọc khác). Nếu nghe phát âm chữ 寻 – “xún”, ta sẽ dễ dàng thấy được có nhiều sự tương đồng với “tìm”.
Đây chỉ là một ví dụ điển hình cho thấy toàn bộ cơ sở lý luận của ông Thắng liên quan đến lựa chọn cách dịch là thiếu suy xét. Qua đó ta cũng thấy nền tảng kiến thức lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ của ông Thắng không những thiếu sót mà còn hổng.
>> Các bạn có thể đọc thêm bài viết của blog Qủa Cầu, trong đó có hình chụp trang sách bàn về Sứ Quốc và Sứ Việt của ông Thắng: Một quan điểm về loại bỏ từ Hán Việt trong tiếng Việt – Quả Cầu (xn--qucu-hr5aza.cc)
Với nhãn quan hạn hẹp như vậy, ông Thắng chủ trương mở nhóm Nhặt Sạn Dịch Thuật để đi đánh giá bản dịch. Thông thường, ông ta hay chỉ trích các lỗi sau:
- Đa phần là các vấn đề khác biệt trong diễn đạt, nhưng thường bị đánh đồng với dịch sai ngữ pháp. Tiếng Việt dù không có đủ vốn từ để diễn đạt các khái niệm siêu hình nhưng lại có độ biến ảo về ngữ nghĩa rất linh hoạt do sự giao thoa văn hóa liên tục và đa dạng, đồng thời lại chưa bị định hình bởi các mô phạm ngôn ngữ (vì thực tế là các nỗ lực mô phạm hóa tiếng Việt đều nhanh chóng lỗi thời).
- Các lỗi sai ngữ pháp: thường là bắt bẻ vài chỗ rồi từ đó trầm trọng hóa lên nhằm phủ nhận toàn bộ công trình.
- Thỉnh thoảng ông ta sẽ đề cập đến lỗi khái niệm, nhưng lỗi khái niệm mà ông ta đánh giá thường thiếu cơ sở suy xét, và ông ta thường cho rằng phải gọi bằng từ “thuần Việt” mới đúng.
Ông ta thường xuyên bỏ qua các lỗi thiếu nền tảng kiến thức bởi vì chính bản thân ông ta hổng kiến thức. Qua việc dịch gọi “từ Hán Việt” là “từ Sứ Việt” đã đủ để nói lên điều đó rồi.
Từ sự hạn hẹp trong nền tảng cùng tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực đoan đã khiến ông ta nhìn các văn bản dịch của dịch giả khác ngập đầy sạn, đặc biệt là của các dịch giả thiếu vị thế chính trị trong nền học thuật của Việt Nam. Ngay sau đây, tôi sẽ minh chứng bằng chính trường hợp mà chúng tôi gặp phải.
So sánh thái độ của ông Trần Đình Thắng trong đánh giá cuốn sách “Thế giới như là ý chí và ý niệm” của Schopenhauer do Thiên Trang dịch với bản dịch “Thế giới như là ý chí và biểu tượng” của Thích Nguyên Pháp (Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính)
“Die Welt als Wille und Vorstellung” của Arthur Schopenhauer là một tác phẩm triết học không những kinh điển mà còn đồ sộ với nền tảng kiến thức đa dạng và đòi hỏi việc sử dụng ngôn ngữ rất linh hoạt. Bản thân tiếng Đức là một ngôn ngữ rất nhiều biến chuyển trong quá trình sử dụng, Schopenhauer còn sử dụng thường xuyên tiếng Latin trong quá trình diễn đạt khi ông cảm thấy tiếng Đức không đủ để truyền đạt điều ông muốn. Thêm nữa, Schopenhauer tham chiếu rất nhiều tư tưởng triết học từ Hy Lạp cổ đại đến Ấn Độ cổ đại, từ triết học đến ngôn ngữ, từ nghệ thuật đến khoa học. Trong quá trình dịch tác phẩm của ông, bất cứ dịch giả nào cũng phải tra cứu một lượng kiến thức rất khủng để thực sự hiểu điều ông muốn nói. Toàn bộ trước tác này trong tiếng Đức có khoảng 496.612 từ (vào khoảng hơn 1500 trang khi in ra khổ 16X24cm).
Chúng tôi đã tổ chức dịch đầy đủ bản thảo này sang tiếng Việt với tựa đề “Thế giới như là Ý chí và Ý niệm” (Thiên Trang dịch), bao gồm cả chú thích và tra cứu đầy đủ. Thậm chí trong quá trình tra cứu còn đối chiếu với các tác phẩm khác và chỉ ra hạn chế trong sự tham chiếu của chính Schopenhauer. Đây là một quá trình vô cùng cầu kỳ và mất công trong dịch thuật mà thường thì ở nền học thuật phương Tây sẽ có một hội đồng tham vấn để tư vấn cho các trường hợp tham chiếu này. Còn ở đây, chúng tôi chỉ có thể tự xoay xở. Vâng, có lẽ ông Thắng nói đúng, đây là việc quá sức với Book Hunter, nhưng ông đã nói thiếu, đây là việc quá sức với toàn bộ nền học thuật Việt Nam. Bản dịch này của chúng tôi hiện đang bị ông Trần Đình Thắng chỉ trích và đem ra so sánh với “Thế giới như là Ý chí và Biểu tượng” do Thích Nguyên Pháp dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính. Các đánh giá của Trần Đình Thắng và học trò của ông ta đối với bản dịch của chúng tôi chủ yếu là các vấn đề do diễn đạt nhưng được trầm trọng hóa lên thành “sai lệch”. Ông ta cũng thường xuyên khẳng định rằng chúng tôi “không đủ tầm” để dịch sách Triết và đệ tử của ông cũng chẳng ngại gọi những ai mà ông ta dị nghị là “dịch tặc” làm hỗn loạn thị trường dịch sách triết. (Xem ở hình 3)
Đối với bản dịch của Thích Nguyên Pháp, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính thì ông ta chỉ dùng một lối vỗ về nhẹ nhàng theo hướng dùng khái niệm bị quá nhiều tính Phật giáo và quá nhiều từ Hán Việt. (Xem ở nhóm hình 1 bên dưới) Đây là đánh giá thiếu khách quan và công tâm, hoặc rằng ông Thắng đã không hề có đủ tầm để “nhặt sạn” tác phẩm triết học “Die Welt als Wille und Vorstellung” bởi vì ông còn không phát hiện được những lỗi sơ đẳng nhất. Không những vậy, ông thường xuyên khuyến khích rằng đây là tác phẩm “đáng đọc”.
Nhóm hình 1 cho thấy ông Thắng nhiều lần khẳng định bản dịch của Thích Nguyên Pháp là “đọc được” bất kể các lỗi sai sơ đẳng mà chúng tôi liệt kê bên dưới. Ông cũng nói rõ rằng bản dịch của chúng tôi là “quá sức” so với bản dịch của Thích Nguyên Pháp.
Chúng tôi đã từng tham chiếu cuốn sách này trong quá trình dịch và nhận ra rất nhiều vấn đề, nhưng chúng tôi đã không đề cập đến vì tôn trọng công sức của dịch giả. Tuy nhiên, ông Thắng và học trò của ông thường xuyên công kích, kêu gọi nhau tẩy chay sách triết học do Book Hunter dịch (Mời xem nhóm hình 2 ở bên dưới), do đó, chúng tôi thống kê ra đây 5 lỗi thuộc 2 nhóm lỗi nghiêm trọng trong quá trình dịch triết học khi đọc hơn 40 trang đầu tiên của phần chính bản dịch, bao gồm:
Lỗi 1: Lỗi sai thiếu nền tảng kiến thức dẫn đến dùng sai điển cố, tự phỏng đoán ý
Trang 44: Những người rành lịch sử cho rằng không thể nào phát hiện ra nó giống như sự phát hiện ra phương thuốc chữa bách bệnh (Thế giới như là ý chí và biểu tượng, Arthur Schopenhauer, bản dịch Thích Nguyên Pháp, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính)
Chữ “phương thuốc chữa bách bệnh” ở bản tiếng Anh của E.F.J. Payne (mà họ chọn để dịch) là “philosopher’s stone”. Khái niệm này, khi được dịch sang “thuần Việt” đã bị làm sai hoàn toàn ý nghĩa, và xóa nhòa chi tiết mang tính biểu tượng và thần học đặc trưng của văn hóa phương Tây.
“Philosopher’s stone” là một vật chất trong thần thoại có khả năng biến các kim loại cơ bản như thủy ngân thành vàng hoặc bạc, tượng trưng cho sự hoàn hảo ở mức tốt nhất, ánh sáng thần thánh và niềm hạnh phúc thiên đường. Schopenhauer dùng từ này với ngụ ý rõ ràng về việc tác phẩm này nói về chủ đề siêu hình, tức bản chất của vật chất nói chung, hiểu rõ sự biến đổi vật chất mà không thể chỉ dùng con mắt của chủ nghĩa duy vật hay duy tâm (Ý niệm) của Plato hay Kant.
Lỗi 2 : Lỗi thiếu nền tảng ngôn ngữ đời sống và xã hội đương đại
Trang 45 : Tuy nhiên, vì để truyền thông, tư tưởng này sẽ tự phân chia thành nhiều bộ phận; sự nối kết của các phần này lại cũng phải mang tính hữu cơ (Thế giới như là ý chí và biểu tượng, Arthur Schopenhauer, bản dịch Thích Nguyên Pháp, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính)
Bản tiếng Anh của E.F.J. Payne viết : “If, all the same, it can be split up into parts for the purpose of being communicated, then the connexion of these parts must once more be organic” (E. F. J. Payne dịch)
Khi sử dụng từ “truyền thông” ở đây, dịch giả đã bị lậm thái quá các từ thông dụng, bởi vì từ “communication” không phải chỉ có nghĩa là “truyền thông”, và từ “truyền thông” hiện nay đang được hiểu theo nghĩa khác, ám chỉ hoạt động truyền tin thông qua các phương tiện lưu truyền. Đây không phải lỗi quá nghiêm trọng, nhưng nó khiến câu văn đọc lên bị lạc quẻ so với toàn bộ hành văn.
Giờ ta thử xem xét một chút tiếng Đức, để xem dịch “communication” là truyền thông trong trường hợp này có ổn không:
Läßt er dennoch, zum Behuf seiner Mittheilung, sich in Theile zerlegen; so muß doch wieder der Zusammenhang dieser Theile ein organischer (bản tiếng Đức)
Cụm “zum Behuf seiner Mittheilung” dịch sang tiếng Việt có thể được hiểu là “với mục đích của việc truyền đạt của mình”. Đây là cách diễn đạt trang trọng và cổ điển, thường xuất hiện trong văn bản pháp lý, học thuật hoặc lịch sử.
zum (zu dem): “đến” hoặc “cho”, thể hiện mục đích hoặc ý định.
Behuf: “mục đích”, “lợi ích”. Trong tiếng Việt, từ này có thể được dịch là “mục đích”.
seiner: “của mình” hoặc “của anh ấy”, một đại từ sở hữu thể hiện sở hữu.
Mittheilung (Mitteilung): “sự truyền đạt”
Do đó, khi kết hợp lại, câu này mang ý nghĩa là việc làm gì đó với mục đích là để thông báo hoặc truyền đạt nội dung của bản thân hoặc của người khác.
Lỗi 3: Thiếu nền tảng ngữ pháp và từ vựng tiếng Anh
Trang 46: Sao cho khi đó, điều vốn chỉ là sự hiểu lầm phải thể hiện ra như là sự bất đồng gay gắt và sẽ làm cho nó lại càng ít được coi như là sự hiểu lầm (Thế giới như là ý chí và biểu tượng, Arthur Schopenhauer, bản dịch Thích Nguyên Pháp, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính)
Bản tiếng Anh của E.F.J. Payne viết: That, then, which is mere misunderstanding, must show itself as lively disapproval, and it is the less recognized as misun derstanding.
Từ “Must” ở đây không dùng với nghĩa là „phải“ (thường những người học tiếng Anh ở trình độ cấp A1 hay sử dụng) mà nghĩa là „hẳn nhiên“, tức một điều gì đó diễn ra một cách hiển nhiên (Những người học tiếng Anh ở trình độ B1 sẽ tiếp cận ở nghĩa này).
Lỗi 4: Sử dụng sai từ vựng tiếng Anh thông dụng
Trang 51: Hoặc anh ta có thể đặt nó trên bàn trang điểm hay bàn trà cho người bạn gái uyên bác của anh ta; hoặc cuối cùng anh ta có thể viết lại nó (Thế giới như là ý chí và biểu tượng, Arthur Schopenhauer, bản dịch Thích Nguyên Pháp, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính)
Bản tiếng Anh của Payne: Or he can lay it on the dressing-table or tea table of his learned lady friend. Or finally he can review it;
“Review it”, một từ rất thông dụng trong tiếng Anh nhưng lại dịch thành “viết lại nó”, thật kỳ quặc! Thử xem lại bản tiếng Đức để xem tiếng Anh có dịch sai không nhé. “Oder auch er kann es seiner gelehrten Freundin auf die Toilette, oder den Theetisch legen. Oder endlich er kann ja, was gewiß das Beste von Allem ist und ich besonders rathe, es recensiren „ Schopenhauer dùng động từ „recensiren“, có nghĩa tương đồng với review trong tiếng Anh.
Lỗi 5: Thiếu cái nhìn toàn cảnh với toàn bộ trước tác (do dịch thiếu ⅔ cuốn sách)
Còn một vấn đề nữa, ta có thể thấy ở phần dịch Chú thích số 149 ở trang 82. Chú thích ghi rõ “Vấn đề này được giải thích ở Phụ Lục”. Mời các bạn lật dở đến cuốn cuốn sách, có PHỤ LỤC không, Phụ Lục nào? Không có. Bởi vì 2/3 cuốn sách đã bị bỏ lại và Phụ Lục này nằm trong phần cắt bỏ ấy.
Tôi xin được Nhấn Mạnh rằng bản dịch Thế giới ý chí và biểu tượng của Thích Nguyên Pháp dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính thiếu 2/3 nội dung trước tác. Trong lối đọc sách ở Việt Nam, chúng ta thường cho rằng Phụ Lục không quan trọng, nhưng với Triết Học thì Phụ Lục cung cấp nền tảng để xử lý nhiều khái niệm và khúc mắc. Thêm nữa, dịch Triết Học không giống như dịch tiểu thuyết, trong rất nhiều tác phẩm, cần tự đào sâu toàn bộ tác phẩm mới có thể hiểu được một khái niệm đã đề cập đến ở đầu tác phẩm hay thậm chí là tựa sách. Việc dịch ngắt quãng như vậy có thể tạo nên nhiều thiếu sót trong bản dịch.
Ông Trần Đình Thắng bỏ lơ toàn bộ các lỗi sai này, lý do bởi vì ông Bùi Văn Nam Sơn trong lòng ông là một tượng đài có vị thế, có uy vọng. Ông Bùi Văn Nam Sơn cũng là ban giám khảo uy tín nằm trong hội đồng trao giải Sách Hay đã từng trao giải cho cuốn sách “Những tìm sâu triết học” với mớ lập luận về Sứ Việt và tiếng Việt của ông Trần Đình Thắng. Ông Bùi Văn Nam Sơn đứng tên hiệu đính cuốn sách “Thế giới như là ý chí và biểu tượng” đồng nghĩa với việc ông có trách nhiệm kiểm sai, góp ý, bổ sung cho bản dịch, có thể nói là công việc mang tính chịu trách nhiệm về chuyên môn. Nếu ông Trần Đình Thắng không chỉ ra những “SẠN” rất to này trong quá trình “nhặt sạn” mà chỉ góp ý hời hợt mấy khái niệm Hán Việt do thói quen ngôn ngữ của dịch giả Thích Nguyên Pháp thì chứng tỏ hai khả năng: Khả năng thứ nhất, ông ta thường xuyên mắc các lỗi thiếu nền tảng mà tôi vừa liệt kê đến mức không thể phát hiện ra. Khả năng thứ hai, ông ta không dám chỉ ra những lỗi sai ngớ ngẩn ấy giữa bàn dân thiên hạ vì sợ động đến “ân nhân” đã trao giải cho mình.
Nhóm hình 2: Sự tung hô của ông Trần Đình Thắng với ông Bùi Văn Nam Sơn cho thấy rõ cơ sở tại sao ông Thắng mặc nhiên coi bản dịch có hiệu đính của Bùi Văn Nam Sơn là đúng. Trong khi ấy, những lỗi sai vừa kể trên cho thấy ông Bùi Văn Nam Sơn cũng không thực sự hiệu đính chuẩn xác 100%.
Tôi xin nói thêm rằng tôi vẫn luôn kính trọng ông Bùi Văn Nam Sơn với toàn bộ năng lực tri thức và những đóng góp to lớn của ông cho ngành triết học. Tuy nhiên, không phải mọi cách xử lý trong học thuật mà ông lựa chọn tôi đều đồng tình. Đó là bầu không khí tất yếu của học thuật, và ông Bùi Văn Nam Sơn chắc chắn thấu tỏ tinh thần này. Bản dịch “Thế giới như là ý chí và biểu tượng” cũng giúp chúng tôi rất nhiều trong quá trình dịch thuật và thành hình cuốn “Thế giới như là ý chí và ý niệm”. Do đó, tôi sẽ không tiếp tục “nhặt sạn” theo tinh thần của nhóm thầy trò ông Trần Đình Thắng để bới lông tìm vết một bản dịch không kém phần công phu tuy vẫn còn thiếu sót của ông Thích Nguyên Pháp. Điều này không mang lại lợi ích gì cho tôi cả về tinh thần cũng như vật chất.
Nhóm hình 3 cho thấy sự công kích thường xuyên của ông Trần Đình Thắng và đệ tử đối với Book Hunter
Quay trở lại với thái độ của ông Trần Đình Thắng và các đệ tử của ông. Họ có thái độ rất hả hê khi bắt lỗi và kêu gọi nhau chia sẻ rộng rãi những màn nhặt sạn hòng làm hạ uy tín của bản dịch. Họ cũng không ngần ngại tìm mọi cách để tẩy chay cuốn sách, tấn công về mặt kinh tế. Họ coi chúng tôi và một số đơn vị làm sách khác là “dịch tặc” làm đảo lộn toàn bộ trật tự dịch thuật và triết học mà họ cho là đúng, hoàn toàn độc đoán trong phán xét, tự cho mình có quyền thẩm định điều gì là đúng hay là sai. Họ thỏa sức tự định vị ai là “xứng đáng” và ai là “không đủ tầm” để tham gia vào con đường triết học. Đây là thái độ vừa vĩ cuồng, vừa cực đoan, vừa côn đồ. Vĩ cuồng vì tự cho mình là đúng và có quyền, cực đoan vì hạn hẹp trong tầm nhìn, và côn đồ vì thái độ “gọi hội” để bêu riếu nếu không vừa ý họ. (Xin mời xem lại ở nhóm hình 3)
Có đệ tử của ông Trần Đình Thắng lên facebook của tôi công kích và khiêu khích tôi hãy “nhặt sạn” tác phẩm dịch của ông Thắng rồi hẵng nói. Chà, đây là một lối tư duy nguy hiểm mà ông ta đã cài vào đầu của đệ tử rằng “nhặt sạn” là việc gì đó cao quý và đầy ý nghĩa trong quá trình đấu tranh cho cái đúng trong học thuật. Ông Thắng cũng bao biện rằng ông lập ra nhóm Nhặt Sạn để giúp mọi người học tiếng Anh. Thật nực cười, người ta có thể học tiếng Anh bằng dịch, bằng luyện đọc hiểu, nhưng học bằng “nhặt sạn” thì chính là mượn tay những người trẻ và huấn luyện họ theo quy trình của ông ta để thực hiện thay sứ mệnh của ông ta. Ông ta đang tạo ra một “đội quân nhặt sạn” ngày càng đông đảo mà chắc chắn sẽ chẳng tha cho bất cứ ai trừ những người có ân huệ với ông ta, có uy vọng và ảnh hưởng đủ lớn, hoặc những đơn vị thuê ông ta cộng tác.
So với việc “Nhặt Sạn”, xin mời ông Thắng hãy dịch lại toàn bộ các trước tác mà ông tự cho rằng ông đã hiểu đúng. Đây là cách hành xử của các học giả phương Tây khi họ không đồng tình với phương án dịch của đồng nghiệp. Tôi cho rằng đó mới là thái độ phản biện và đóng góp đúng đắn. Dịch giả dịch mất 2 năm nhưng “nhặt sạn” trong vài cú lật trang mà đó còn chẳng hoàn toàn là lỗi sai thì đó là thái độ tiểu nhân bỉ ổi.
Hướng tới sự phản biện dịch thuật đúng đắn
Trong những năm gần đây, môi trường “nhặt sạn”, “bóc phốt” dịch thuật lan rộng trong cộng đồng sách dịch, không chỉ đối với dòng sách triết. Các lý do “nhặt sạn” và “bóc phốt” không phải hoàn toàn là sai, nhưng thái độ sai. Họ thường xuyên từ một vài lỗi nhỏ rồi phủ nhận toàn bộ tác phẩm với đầy sự hả hê và ác ý, phần nhiều để chứng minh rằng mình giỏi hơn người thực hiện.
Như tôi đã đề cập ở ngay phần đầu bài viết này, việc xác định lỗi dịch là cả một quá trình xem xét kỹ lưỡng từ nhiều khía cạnh, mà khía cạnh quan trọng nhất chính là nền tảng kiến thức. Bởi vì nền tảng kiến thức chính là yếu tố cho thấy người dịch có nắm bắt được cốt yếu của tác phẩm hay không. Việc nắm bắt điều cốt yếu vốn quan trọng hơn so với nhặt những sạn nhỏ trong diễn đạt hay một vài nhầm lẫn do đọc bị bỏ sót.
Thái độ phản biện dịch thuật cũng đòi hỏi một giọng ôn hòa, khách quan, đưa ra lập luận dựa trên những nền tảng chứ không phải hả hê. Hơn nữa cũng cần một sự soi chiếu rằng sự phản biện của chính mình có thật sự công tâm hay không, hay bị chi phối bởi các thiên kiến loại nào.
Thị trường sách dịch tại Việt Nam còn rất nhiều dư địa bởi vì nhân sự dịch thuật vốn cực kỳ thiếu thốn, trong khi lượng trước tác cần chuyển ngữ thì vô biên. Tự giới hạn quyền dịch thuật cho một nhóm nào đó được coi là “có uy tín” thực sự là một thái độ độc đoán tồi tệ và kìm hãm nền học thuật.
Hà Thủy Nguyên