Home Bình Luận KHI VĂN HÓA ĐỌC THIẾU NỀN TẢNG HỌC THUẬT VÀ PHÁP LUẬT

KHI VĂN HÓA ĐỌC THIẾU NỀN TẢNG HỌC THUẬT VÀ PHÁP LUẬT

Có lẽ chưa bao giờ văn hóa đọc lại nở rộ như ngày nay, đặc biệt là sự hỗ trợ từ chính quyền và các kênh báo đài chính thống. Không khí tấp nập nhộn nhịp trong các hội trợ sách, các hội thảo sách, các cuộc chạy đường trường cổ vũ phong trào đọc dường như làm sống dậy cái không khí Đông Kinh nghĩa thục: “Buổi diễn thuyết người đông như hội/Kỳ bình văn khách đến như mưa”. Chứng kiến cảnh “trăm hoa đua nở” của các đơn vị xuất bản, các cộng đồng đọc sách, các cá nhân cổ vũ đọc sách…v…v… chúng ta dễ lầm tưởng rằng một tương lai tươi sáng cho công cuộc nâng cao dân trí đang diễn ra. Tuy nhiên, nếu nhìn cận cảnh văn hóa đọc ở Việt Nam sẽ thấy một nguy cơ của tình trạng nhiễm độc “tinh thần” đang là vấn đề nan giải.

Một điểm dễ thấy ở thị trường sách Việt Nam đó là sự vượt trội về doanh số của các đầu sách dạy làm giàu, dạy kỹ năng sống, tiểu thuyết tình yêu…v…v… so với các đầu sách khác. Những cuốn sách này thường khá dễ đọc, giải quyết các nhu cầu trước mắt của người đọc, và thường được những độc giả thiếu nền tảng kiến thức ưa thích. Ở phương Tây hay Trung Quốc, những cuốn sách dạng này cũng được số đông độc giả ưa thích nhưng chúng không có vị trí thống soái như ở Việt Nam. Dù cho chúng có thể là “best seller” nhưng người dân vẫn ý thức được rằng vẫn có những cuốn sách tầm cỡ cao hơn thế, có tính học thuật hơn và sách hàn lâm vẫn giữ một vị trí thống soái dù số lượng bán ra không bằng. Nhưng ở Việt Nam, sách hàn lâm cứ như thể là một thế giới vô cùng biệt lập đối với độc giả đại chúng.

Đặc biệt là các sách dạy làm giàu, dạy kỹ năng sống luôn xuất hiện ở các giá sách của các quán café sách như một phần của phong trào nâng cao văn hóa đọc. Đây cũng là các cuốn sách ưa thích trong các chương trình đào tạo nhân viên của các tập đoàn, các công ty bán hàng đa cấp…v…v… Đến nay, sự đúng – sai của các cuốn sách này vẫn gây nhiều tranh cãi trên thế giới và ở Việt Nam, tuy nhiên, nếu đưa số sách này vào làm một phần chiến lược của phong trào nâng cao dân trí thì chẳng khác nào vứt vào tay người dân những “cái cần” chẳng biết có “câu được cá” hay không? Và nếu các cuốn sách này không thực sự giúp được người dân cải thiện cuộc sống mà chỉ được sử dụng để khích lệ ham muốn kiếm lợi thì đó không phải là nâng cao dân trí mà là làm giảm đi khả năng làm việc có chuyên môn để thay bằng các phương pháp làm giàu nhanh chóng.  Trong khi ấy, các cuốn sách có tính chuyên môn sâu hay tính hàn lâm vẫn thiếu vắng trên thị trường sách và được in với số lượng rất ít.

Tiểu thuyết tình yêu hay còn có tên gọi mới là tiểu thuyết ngôn tình không chỉ xuất hiên nhan nhản ở các nhà sách, các trang bán sách online mà còn cả ở Thư viện Quốc gia, nơi vốn dĩ là tập hợp của những cuốn sách có tính hàn lâm hoặc hữu dụng. Nếu ai đã từng một lần tới phòng đọc của Thư viện Quốc gia Hà Nội hẳn sẽ ngạc nhiên khi thấy tiểu thuyết ngôn tình chiếm một vị trí lớn trong thư viện: không chỉ có ngôn tình Trung Quốc mà còn có đủ cả ngôn tình Anh, Pháp và Việt Nam. Trong khi ấy, thư viện lại thiếu vắng các tác phẩm văn học kinh điển của thế giới mà các dịch giả từ đầu thế kỷ 20 đến nay vẫn tiếp tục dầy công chuyển ngữ. Thậm chí, nhiều tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam cũng không thể tìm thấy tại Thư viện Quốc gia Hà Nội. Những bạn trẻ đến thư viện có thể thoải mái ngồi đọc tiểu thuyết ngôn tình bên cạnh những nhà nghiên cứu đọc các cuốn sách dầy cộp. Đây có lẽ là một cảnh khá hi hữu tại một Thư viện công có tầm cỡ quốc gia với nền tảng lưu trữ học thuật hơn 100 năm. Cùng lúc ấy, các tác giả trẻ viết tiểu thuyết tình yêu mang tính thị trường và các tác giả sáng tác văn chương mang tính nghệ thuật cũng rất khó để phân định được ranh giới dẫn đến một tình trạng loạn chuẩn trong nền văn học, và người đọc có thể hoàn toàn sẽ bị dẫn hướng bởi truyền thông. Ví dụ như các độc giả trẻ sẽ không thể phân biệt được sự chênh lệch về chất lượng giữa một cuốn tiểu thuyết ngôn tình sử dụng yếu tố lịch sử (như trường hợp “Thành kỳ ý” của Lê Ngọc Linh hay “Đại Nam dị truyện” của Phan Cuồng) với một cuốn tiểu thuyết lịch sử công phu (như “Hồ Qúy Ly” của Nguyễn Xuân Khánh hay “Vạn xuân” của Yveline Féray).

Tình trạng “vàng” không được coi trọng bằng “thau” này đã khiến cho nền văn hóa đọc của Việt Nam ở thời sung sức của giai đoạn đầu nhiễm những tạp chất khó có thể tẩy rửa khỏi thói quen đọc sách của thế hệ trẻ. Đây là hệ quả của sự thiếu nền tảng học thuật và pháp lý trong chiến lược của phong trào nâng cao văn hóa đọc. Trong “ĐỀ ÁN Phát triển Văn hóa Đọc trong cộng đồng Giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn 2030” của Thủ tướng chính phủ được thảo ra từ năm 2010, việc xây dựng nền tảng học thuật và pháp lý làm chỗ dựa cho xuất bản gần như không được đề cập đến mà hầu như chỉ nhấn mạnh vào công tác tuyên truyền nhằm gia tăng lượng độc giả. Trên thực tế, nếu không thể xuất bản ra những cuốn sách có chất lượng cao, đảm bảo tính chính xác của kiến thức, đạt các chuẩn của tiếng Việt và không có các sai phạm về bản quyền thì nền văn hóa đọc ấy sẽ chỉ gây hại cho độc giả mà thôi. Vấn đề chính yếu của văn hóa đọc hiện nay không phải là tình trạng giảm sút của số lượng độc giả mà tình trạng lỏng lẻo trong quản lý chất lượng sách.

Ngăn ngừa đạo văn có lẽ là vấn đề pháp lý quan trọng nhất của một nền văn hóa đọc. Tuy nhiên, cho đến nay, khung pháp lý xử lý đạo văn vẫn còn lỏng lẻo, không có cơ quan giải quyết các khúc mắc về đạo văn một cách chuyên nghiệp, cũng không có mức phạt nghiêm khắc thực sự để ngăn ngừa đạo văn. Hầu như trong các vụ đạo văn bị phanh phui trên truyền thông, những tác phẩm đạo văn không hề bị thu hồi và tác giả cũng không phải chịu một mức phạt nào, thậm chí nhiều trường hợp còn không xin lỗi một cách công khai. Qúy cuối năm 2015 cho đến quý I năm 2016, độc giả được chứng kiến hai vụ đạo văn đình đám: Một là sự việc nhà thơ Phan Huyền Thư đạo thơ của Phan Ngọc Thường Đoan. Hai là sự việc Lê Ngọc Linh trong tiểu thuyết ngôn tình có yếu tố lịch sử “Thành Kỳ Ý” đã đạo rất nhiều đoạn văn từ cuốn sách “Tứ thư bình giải” cùng nhiều bài báo từ các trang online của báo Dân Trí, Vietnamtourism…v…v… Cả hai trường hợp đạo văn này, sách đều không bị tịch thu và không bị nhận mức phạt nặng, cùng lắm chỉ là bị ép xin lỗi hoặc như nhà thơ Phan Huyền Thư chỉ cần trả lại giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội là đủ. Như trường hợp “Thành Kỳ Ý”, mức độ sai phạm trầm trọng hơn khi tác giả của cuốn sách này kêu gọi độc giả ủng hộ cô ta số tiền lên đến hơn 200 triệu đồng trước khi cô ta ra mắt sách. Số tiền này không hề được hoàn trả cho người ủng hộ khi cuốn sách được chứng minh là đạo văn, và cũng không có khoản phạt tài chính nào với sai phạm này. Cho đến nay, Lê Ngọc Linh vẫn không hề bị xử phạt dù cho đã có hơn 1000 chữ ký từ các độc giả vận động trên mạng và gửi thư khiếu nại đến Cục xuất bản. Hai ví dụ trên thật sự đã cho ta thấy sự quản lý lỏng lẻo của các đơn vị quản lý văn hóa. Đây chỉ là hai vụ scandal nổi tiếng trong số rất nhiều những sự vụ khác ít đình đám hơn và rất nhiều những vụ chưa được phanh phui vì chưa có ai phát hiện. Sẽ ra sao nếu Việt Nam có một nền văn hóa đọc mà ai ai cũng có thể đạo văn mà không phải chịu trách nhiệm gì? Đó là một nền văn hóa đọc không bảo vệ sự sáng tạo mà chỉ dung túng cho thói quen viết lách thiếu trách nhiệm và trình độ.

Không chỉ là một nền văn hóa đọc thiếu sự khuyến khích sáng tạo mà nền văn hóa đọc Việt Nam còn thiếu sự chính xác và tinh thần khoa học. Tình trạng nội dung sách không đảm bảo chất lượng ngôn ngữ hay khoa học là khá phổ biến. Gần như năm nào người đọc cũng được chứng kiến các sự việc sách dịch không chính xác ( như “Lolita” do Dương Tường dịch, “Sapiens, lược sử về loài người” do Nguyễn Thủy Chung và Võ Minh Tuấn dịch, “Căn tính và bạo lực – Huyễn tưởng về số mệnh” do Trần Tiễn Cao Đăng và Lê Tuấn Huy dịch…). Những cuốn sách này hoặc là thiếu chính xác trong chuyển ngữ, hoặc là diễn giải không đúng với văn phạm tiếng Việt. Bên cạnh đó còn phải kể đến không ít các cuốn sách nghiên cứu, khảo cứu, hướng dẫn… thiếu tính chính xác trong việc sử dụng kiến thức. Tôi sẽ không đề cập đến ví dụ về tình trạng sách nghiên cứu, khảo cứu sử dụng sai kiến thức bởi vì sẽ rất dài dòng để giải thích. Thay vào đó, tôi sẽ sử dụng một cuốn giáo trình tiếng Anh làm ví dụ. Đây là cuốn giáo trình tiếng Anh do trung tâm Elight phát hành, cấp phép bởi NXB Thanh Niên, có tên “Tiếng Anh cơ bản”. Một giáo viên dậy tiếng Anh rất nổi tiếng người Mỹ có tên là Dan Hauer đã chỉ ra rất nhiều lỗi sai ngữ pháp và từ vựng nghiêm trọng ở cuốn giáo trình này cùng với hơn 300 chi tiết đạo văn từ các giáo trình tiếng Anh khác. Cuốn sách được bán với giá 299 ngàn, một mức giá khá cao. Video nhanh chóng được lan truyền trên mạng với hơn 660 ngàn lượt xem và đến nay cũng chưa có dấu hiệu của đơn vị quản lý văn hóa và giáo dục xử lý các lỗi sai về kiến thức cũng như đạo văn trong cuốn sách này. Việc cung cấp sai kiến thức là một lỗi nghiêm trọng không kém gì đạo văn bởi những cuốn sách ấy phát tán các nhận thức sai lệch cho độc giả. Một nền văn hóa đọc mà trong đó độc giả dễ dàng bị nhồi nhét những nhận thức sai lệch thì đó là một nền văn hóa không lành mạnh. Sở dĩ có tình trạng như vậy là do thiếu một đội ngũ có trình độ học thuật cao tham gia các khâu thẩm định chất lượng nội dung và một nền xuất bản thiếu các tiêu chuẩn khoa học.

Mặc dù vậy, ở góc khuất của nền văn hóa đọc nhốn nháo ngày nay vẫn có những cộng đồng đọc sách nghiêm túc những mong tuyển chọn các cuốn sách hay giới thiệu cho bạn đọc, vẫn có những tác giả và dịch giả miệt mài ngày đêm âm thầm cống hiến cho tri thức, vẫn có những độc giả khôn ngoan biết tìm đến các nguồn sách có chất lượng cao. Tất cả những yếu tố này tạo nên một ốc đảo tri thức nằm giữa biển sách ngổn ngang của thị trường. Tuy rằng biệt lập nhưng họ vẫn luôn cố gắng để duy trì ngọn lửa tri thức. Và dù cho xã hội không có một khung pháp lý hay một khung học thuật để quản lý chất lượng sách trên thị trường thị họ cũng tự xác lập cho mình những chuẩn mực riêng trong ốc đảo tri thức ấy.

Hà Thủy Nguyên

Bài đăng trên Tạp chí Văn hóa Nghệ An số ra ngày 10 tháng 4 năm 2018

Tự do học thuật – Nền tảng vững chắc để Việt Nam trỗi dậy

Tự do học thuật là vấn đề then chốt trong việc nâng cao dân trí. Một nền học thuật không tự do, tức là không có sự lành mạnh thì không có giáo dục nhân văn, không có tự do tư tưởng, và điều đó đồng nghĩa với việc hết thế hệ này đến thế hệ khác, người dân trở thành đám đông bị dắt mũi bởi các thế lực kiểm soát hệ thống. Chính trị hóa nền học thuật là một trong những trở

Thị trường sách Việt Nam (6): Cộng đồng đọc sách và quyền lực của độc giả

Trong suốt dòng lịch sử của sách, các độc giả luôn đóng vai trò như “người tiêu dùng” cho các sản phẩm và tác phẩm của các tác giả, dịch giả. Họ bị định hướng bởi các nhà phê bình, nhà báo – những người chỉ cho các độc giả biết cuốn sách nào là hay, cuốn sách nào là dở. Do đó, các độc giả chỉ là thần dân trong vương quốc tri thức mà họ chỉ có nghĩa vụ tuân thủ các chỉ

Zootopia – Ẩn ức bình đẳng trong thế giới lý tưởng

Bộ phim “Zootopia” đã trình chiếu hơn 1 tháng nay và nhận rất nhiều lời khen về nội dung dễ thương, hài hước, hình ảnh thiết kế đẹp. Qủa nhiên, “Zootopia” là một tác phẩm kỹ lưỡng trong từng thước phim và chắc hẳn số tiền đầu tư cũng không nhỏ. Nhưng tôi tin, các nhà làm phim của Mỹ không đầu tư rất nhiều tiền bạc và công sức chỉ để làm mộ tác phẩm “dễ thương” hay “đẹp”, bộ phim luôn có thông

Các lỗi sai trong dịch thuật triết học và Năng lực học thuật thực sự của nhóm NHẶT SẠN DỊCH THUẬT do ông Trần Đình Thắng chủ xướng

Trong những ngày vừa qua, Book Hunter và tôi trải qua một cuộc tấn công liên hồi của nhóm NHẶT SẠN DỊCH THUẬT do ông Trần Đình Thắng chủ xướng và facebooker Nguyễn Việt Anh, hai “dịch giả” mà chúng tôi chưa bao giờ “có cơ hội” làm việc cùng. Nhóm này, dưới danh nghĩa vì nỗ lực nâng cao chất lượng bản dịch, thường xuyên tấn công chúng tôi trong dòng sách triết học.  Xin được nói sơ qua những khó khăn trong việc

Chuyển dịch văn hóa đọc – Tất yếu của lịch sử

Đây vẫn là câu chuyện hỗn loạn văn hóa đọc ở Việt Nam, nhưng tôi xin phép được thử đưa ra một góc nhìn khác để làm lý giải xem những thiếu sót của chúng ta nằm ở đâu. Và tôi xin bắt đầu câu chuyện từ một quá khứ xa xôi: thời kỳ sơ khởi của sách để đến chúng ta có thể nhìn thấy tiến trình dịch chuyển của các loại tư duy. Thay đổi cách đọc, thay đổi tư duy Văn hóa Việt