Mây mẩy mầm trăng nhú
Sữa trời đượm mây giăng
Thiều ca vừa chuyển khúc
Sóng thiên hà ngân loang
Cựa quậy giọt tình
Vừng dương nhấp nhô
Bén hơi
TÌNH đọng
Bốn bề tinh cầu khua loạn
Rập rình
Em vừa nẩy
Anh vừa mênh mông
Xịch động tầng không
Ái ân nhịp này say mộng
Muôn trùng thế giới váng tâm tư
Luân hồi chuyển bước nào định trước
Nhịp mới chân tâm trót dẫm hờ
Hà Thủy Nguyên
*Viết khi xem “The Rite of Spring” của Igor Stravinski
“The Rite of Spring” (Le Sacre du printemps) là một vở ballet và bản giao hưởng của nhà soạn nhạc Nga Igor Stravinsky. Ngay từ lần đầu được biểu diễn vào ngày 29 tháng 5 năm 1913 tại Théâtre des Champs-Élysées ở Paris, vở ballet này đã trở thành một trong những tác phẩm biểu diễn nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20 với màn ra mắt đầy kích động và nổi loạn. Tác phẩm được chia thành hai phần: “The Adoration of the Earth” (Sự tôn thờ Đất Mẹ) và “The Sacrifice” (Sự hiến tế). Tác phẩm tái hiện các nghi lễ cổ xưa của văn hóa Slavic vào mùa xuân, bao gồm sự chào đón mùa mới và sự hiến tế thương tâm để đảm bảo sự màu mỡ cho mùa màng. Âm nhạc và vũ đạo phản ánh sự dã man, nguyên thủy và mạnh mẽ của các nghi lễ này. Buổi biểu diễn đầu tiên của “The Rite of Spring” đã gây ra một phản ứng gay gắt từ khán giả, với những tiếng la ó và bạo lực trong rạp hát lúc bấy giờ. Sự phức tạp và sự mới lạ của nhịp điệu, cũng như sự dữ dội và tính cách mạng của vũ đạo do Vaslav Nijinsky đạo diễn, đã khiến nhiều người không chấp nhận được. Tuy nhiên, theo thời gian, “The Rite of Spring” đã được công nhận là một kiệt tác, ảnh hưởng sâu rộng đến cả âm nhạc và ballet. Âm nhạc của Stravinsky cho vở này đã mở đường cho sự phát triển của âm nhạc hiện đại, với việc sử dụng những kỹ thuật mới mẻ trong việc sắp xếp nhịp điệu và hòa âm.
Bài thơ của tôi không phải là một sự tái hiện lại vở ballet bằng ngôn ngữ thơ ca, mà chỉ là một tứ thơ nảy lên khi xem lại vở ballet này. Tình yêu và những lạc thú của tình yêu, với tôi chính là sự hiến dâng đẹp đẽ nhất khi xuân về, một sự hiến dâng không mong cầu bất cứ đáp trả nào, nó thực sự rất khác sự hiên tế nhục dục để mưu cầu bội thu vật chất.