Một xu hướng kinh tế mới trong những năm gần đây đang được đề cập đến ngày một nhiều: Thoái Tăng Trưởng, tức nền kinh tế không đề cao sự tăng trưởng mà chú ý đến các khía cạnh khác như thiên nhiên, môi trường, sức khỏe, đời sống nhân sinh, các giá trị tinh thần.
“Kinh tế học thiêng liêng” của Charles Eisenstein là một cuốn sách nằm trong xu thế này mà những đồng đội của tôi ở Book Hunter đã nỗ lực dịch & giới thiệu với các độc giả Việt Nam. Cuốn sách đặt ra các vấn đề quan trọng:
– Con người tham gia vào các hoạt động kinh tế không chỉ thuần túy vì lợi nhuận mà vì động cơ khác: động cơ được chia sẻ các giá trị và tài năng của mình, mà trong đó tiền bạc là phần thường xứng đáng được nhận. Tuy nhiên, khi lòng tham quá độ được thúc đẩy bởi thị trường tài chính không lành mạnh, thổi phồng bong bóng giá trị, thì lợi nhuận lại được đẩy lên vị trí tối cao và lấn át những động lực khác.
– Đồng tiền không có tội, nó chỉ có giá trị trung gian cho sự trao đổi các giá trị với nhau trong cộng đồng. Đồng tiền nếu không đảm nhiệm vị trí trung gian này, mà lại đóng vai trò là một “mặt hàng” để định giá, thì thị trường hỗn loạn. Thị trường chỉ có thể ổn định khi người ta đầu tư để tạo ra hàng hóa, để mang lại đời sống tốt đẹp hơn, để giúp cho những người kém may mắn, để nghiên cứu và tìm tòi cải thiện thế giới… thay vì đầu cơ vào các bong bóng. (Có lẽ, những ngày này, chúng ta đã biết cái giá phải trả của nền kinh tế khi dòng tiền được đổ vào cuộc đua đầu cơ tài chính & bất động sản).
– Kích cầu thị trường bằng cách sản xuất đại trà, hàng loạt, giá rẻ, bóc lột nhân công và thúc đẩy chủ nghĩa tiêu dùng không phải phương án tốt cho nền kinh tế, bởi nó tạo ra một nền kinh tế không dựa trên nhu cầu thật mà chủ yếu dẫn tới lãng phí nguồn lực. Lãng phí luôn đi kèm với sự suy kiệt: tài nguyên thiên nhiên & sức lực và trí tuệ của con người – những gì thiêng liêng nhất của sự sống mà chúng ta được ban tặng.
Cuốn sách này đã giúp tôi trải qua những khó khăn trong quyết định sự nghiệp, rằng mình sẽ đeo đuổi tiền tài như bao người hay sẽ sống ở một mức “đủ ăn” tối thiểu để đeo đuổi các ý tưởng? Cuốn sách không khuyến khích cả hai thái cực ấy, mà đã cho tôi thấy con đường hài hòa giữa hai khía cạnh Kinh Tế và Thiêng Liêng.
Hà Thủy Nguyên