Tinh thần dân tộc không phải đại diện cho lòng yêu nước, mà là biểu hiện của thứ mặc cảm thua kém. Giống như một tên trọc phú yếu sinh lý, chẳng có gì để tự hào ngoài tài sản của mình và ngồi khư khư ôm mớ tài sản ấy vì sợ mất.
Cái gì đại diện cho lòng yêu nước? Còn phải xem định nghĩa thế nào là “nước” đã! Ý niệm đất nước ở mỗi người, mỗi thời đại lại khác nhau xa lắm, nhưng dù thế nào, đó cũng chỉ là một ý niệm để cố kết các cá nhân riêng rẽ vào một lợi ích chung của một số nhóm nhất định.
Tức là, nếu ta muốn yêu nước, ta lại phải cân nhắc xem ta nên yêu nước theo cách nào. Có lẽ ta nên yêu nước theo cách của những kẻ có quyền lực mạnh hoặc những kẻ thắng thế, vì chỉ có vậy ta mới không bị quy là kẻ bán nước! Mỉa mai nhỉ! Tình yêu ai lại thế…
Tình yêu nước quy thuận quyền lực và thứ tinh thần dân tộc đầy mặc cảm một khi kết hợp với nhau sẽ tạo thành mảnh đất đầm lầy nhơ nhuốc với thứ mùi nồng nặc nuôi dưỡng đủ loại quái vật man rợ, thứ mà chúng ta vẫn gọi là truyền thống.
Nhưng… không có tình yêu nước thực thụ, chỉ có sự trung thành với ý niệm mà ta bị cài trong đầu… không có tinh thần dân tộc thực sự mà chỉ có những hóa thạch của lịch sử được đào bới lên để bám víu, để đắp lên nhằm che đậy sự yếu kém của mình.
Nếu một quốc gia quá lệ thuộc vào tình yêu nước và tinh thần dân tộc để phát triển, thì quốc gia ấy chỉ mãi là một vũng lầy. Vì một linh hồn mạnh mẽ được trang bị mọi tài năng sẽ khiến các quái vật đầm lầy ghen tị tới mức tìm mọi cách để ngáng trở nhân danh rất nhiều lý tưởng cao đẹp.
Linh hồn ấy rốt cuộc sẽ chọn trở thành một trong số quái vật đầm lầy hay sẽ thanh tẩy đầm lầy ấy? Có phải “nước trong thì cá gầy”?
Hà Thủy Nguyên