Home Bình Luận Thị trường sách Việt Nam (8): Kiểm duyệt theo “mùa”

Thị trường sách Việt Nam (8): Kiểm duyệt theo “mùa”

Kiểm duyệt theo “mùa”, nghe có vẻ kỳ quặc nhưng đó là thực tế. “Mùa” ở đây không phải là vòng lặp thời gian theo từng năm, mà là vòng lặp thời gian theo từng kỳ đại hội. Cứ mỗi khi vào mùa đại hội, hệ thống kiểm duyệt lại làm việc chặt chẽ hơn từ thượng tầng trung ương cho đến các cơ sở xuất bản, báo chí, truyền hình… Sếp lớn, sếp nhỏ nào cũng sợ bị “dính phốt” nên không dám cấp phép những tác phẩm hoặc sản phẩm hơi “lạ”.

Từ đầu năm nay (2020), tôi đi xin giấy phép một tập thơ của mình, ấy thế mà bao nhiêu nhà xuất bản viện đủ cớ để từ chối, từ những cớ mơ hồ nhất như “nhạy cảm”, cho đến những cớ vớ vẩn nhất không có trong Luật Xuất Bản như “câu từ không mượt mà, trữ tình”. Ban đầu tôi không biết tại sao tập thơ của mình lại khó khăn trong xuất bản đến thế, vì nếu so độ “nhạy cảm” thì tập thơ của tôi chẳng bài ai, mà xét về độ “thiếu mượt mà, trữ tình” thì tôi còn thua xa những nhà thơ đương đại. Một bà chị làm việc ở nhà xuất bản rỉ tai tôi: “Chuẩn bị Đại hội Đảng!”. Nghe đến đó, tôi chỉ biết câm lặng vì đã “đại ngộ” ra nguyên nhân khiến cuốn sách của tôi bị ách lại.

Đại hội Đảng là lúc cơ cấu lại nhân sự của toàn bộ bộ máy chính quyền, người lên kẻ xuống, không may có khi còn trượt chân rơi vào cái lò nào đó đang được đốt lên, thế nên các bên ai cũng “rén”, không dám làm gì, tốt nhất cái gì không an toàn là coi như làm lơ luôn. Mà không an toàn ở đây là một ranh giới rất mờ ảo mà có lẽ các quan chức phải dùng trực giác mới biết được ☹ Tuy nhiên, tôi có thể liệt kê ra một vài thứ được coi là không an toàn:

Thứ nhất, không nghi ngờ lịch sử chống giặc ngoại xâm của đất nước hay tấm gương sáng chói của các vĩ nhân.  Tính đến giờ tôi đã vướng hai vụ liên quan đến giới hạn này. Đầu tiên là cuốn “Cầm thư quán” (NXB Phụ Nữ, 2008). Cuốn sách chỉ lỡ nhắc đến việc vị thánh quân Lê Thánh Tông rong thuyền ở Hồ Tây để đi tìm cô gái mình yêu và có vài cảnh tình dục không “nóng” lắm và thể hiện sự chán nản của ông vua ấy với việc triều đình. Mà khổ, tôi nào có bịa đặt về sự tình tứ và tâm trạng chán nản của Lê Thánh Tông, tôi dựa trên thơ ca của ông để suy đoán. Hơn nữa, tiểu thuyết và lịch sử là hai con đường khác nhau, không thể lấy tiêu chí lịch sử để xét đoán tiểu thuyết được. Vụ gần đây nhất là tập thơ “Nằm xem sao rụng” của tôi, tôi chỉ lỡ viết mấy bài thơ chê các cuộc chiến tranh mà dân tộc của chúng ta phải trải qua là sự vô nghĩa, chẳng có chiến thắng nào cả, chỉ đau thương. Thế mới biết chính quyền ta coi trọng sự vinh quang, chiến thắng, những vĩ nhân đau đáu vì dân vì nước đến thế nào. Bóp méo lịch sử theo hướng các nhà tuyên truyền mong muốn và lấy đó làm tiêu chí kiểm duyệt, trói chặt tinh thần vào ảo tưởng vĩ cuồng về một nước Việt Nam “siêu anh hùng” có thể chiến thắng mọi đối thủ là cách nuôi dưỡng tinh thần bạo lực tồi tệ nhất, còn hơn cả những game online bạo lực. Tô vẽ danh nhân lịch sử trở nên những bậc thánh là lối kiểm duyệt ngu xuẩn nhất bởi vì từ đó sẽ nảy sinh tâm lý so sánh của người dân dành cho các lãnh đạo hiện nay. Ấy thế mà các nhà kiểm duyệt vẫn cứ tự đắc cho rằng bằng cách ấy có thể nuôi ra một đội quân dân sự trung thành và đổ biết bao tài chính chỉ để duy trì một thực tại tuyên truyền kém hiệu quả.

Thứ hai, không được phép công kích Phật giáo. Thật sự nực cười khi một vài câu thơ của mình nhắc đến vấn đề mạt pháp và Phật giáo suy tàn lại bị bắt gỡ bỏ! Dù không quy định rõ trong văn bản nhưng có vẻ như Phật giáo đã trở thành quốc giáo. Họ viện cớ là bây giờ chính quyền đã cho tự do tôn giáo nên các tác phẩm không được phép bài xích tôn giáo. Ơ hay, hoặc các nhà kiểm duyệt không hiểu rõ ràng về các khái niệm chính trị này, hoặc là họ cố tình đánh tráo khái niệm. Quyền tự do tôn giáo là chính quyền cho phép người dân tự do chọn lựa đời sống tôn giáo của mình chứ không phải chính quyền viện cớ đó để hạn chế quyền tự do ngôn luận. Một người dân như mình hoàn toàn được quyền bày tỏ sự nghi ngờ của bản thân với đủ mọi đức tin chứ nhỉ! Phật giáo từ khi nào đã yếu kém đến mức sợ hãi trước mọi nghi ngờ? Những người tu Phật giáo mà sợ hãi như thế thì đó là tâm Ma chứ nào phải tâm Phật.

Thứ ba, không được sử dụng các từ ngữ có vẻ “thuần Việt” như “cứt, đái, lồn, cặc…”. Thật là dị hợm khi người ta sợ đề cập đến những thứ gần gũi với bản thân mình đến thế. Suy cho cùng đây vẫn là cái thói “tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại” nhưng lệch lạc trong đánh giá điều gì là xấu xa. Cứt-đái-lồn-cặc, bốn thứ ấy là tất yếu của con người, có gì đâu mà xấu xa? Có gì đâu mà bị bắt gỡ bỏ, kiểm duyệt? Từ Hán Việt thì được xếp vào hàng trang trọng hoặc học thuật, còn từ thuần Việt thì bị coi đó là dung tục, ấy vậy mà vẫn lớn tiếng rao giảng về tình yêu nước, thật là nghịch lý!

Thứ tư, không được hô hào chống chính quyền hoặc các thành viên của chính quyền, mà thế nào là “chống” thì không được quy định rõ trong văn bản pháp luật. Vì thế, các nhà kiểm duyệt cứ nhầm lẫn giữa tuyên truyền chống đối và lật đổ với sự phản biện và nghi ngờ.

Có lẽ còn nhiều “vùng cấm” nữa như tình dục, bạo lực, tự do… tùy theo sở thích của cá nhân mỗi nhà kiểm duyệt. Mà ngay cả những “vùng cấm” tôi vừa đề cập ở trên cũng được nhân định một cách cảm tính của nhà kiểm duyệt chứ không có quy chuẩn. Vì ranh giới vùng cấm mờ ảo như thế, nên lúc thả lúc bóp là tùy tâm tính cá nhân, và đặc biệt là tùy mùa đại hội.

Thói quen kiểm duyệt này là di sản xộc xệch của Đề cương văn hóa 1943 của “đồng chí” Trường Chinh nhằm xây dựng một nền văn hóa đại chúng và tuyên truyền lý tưởng Cách Mạng. Qua những đợt “đại khai sát giới” thời Nhân Văn- Giai Phẩm hay sau 1975, hệ thống kiểm duyệt đã nới lỏng dần vì cách thức này chỉ nuôi dưỡng những bức xúc trong giới trí thức và làm sụt giảm năng lực nhân sự vận hành nhà nước đáng kể, nhưng những nhân tố của bản Đề cương vẫn ám ảnh không buông và dễ dàng bùng phát mỗi khi bước vào các cuộc đấu đá quyền chức trước các kỳ Đại hội. Chừng nào Đề cương văn hóa 1943 chưa bị gỡ bỏ khỏi tâm thức của các nhà quản lý văn hóa thì lúc ấy lúc nào cũng tiềm tàng một cuộc “đại khai sát giới” mới mà những kẻ thực hiện sẵn sàng bất chấp hậu quả để thỏa mãn cơn cuồng và che giấu sự dốt nát của mình.

Nhân sự kém hiểu biết, lãnh đạo thiếu chiến lược, thiếu các công cụ đo đạc lòng dân, tư tưởng lạc hậu… đó là những yếu tố khiến hệ thống kiểm duyệt Việt Nam làm việc kém hiệu quả, cho dù họ báo cáo thành tích nhiều tới đâu đi chăng nữa. Những thành tích ấy chỉ là con số, còn những hệ lụy khó đo đếm một cách rõ ràng như là sự tín nhiệm của người dân dành cho chính quyền sẽ càng giảm sút, bởi vì làm sao người dân có thể đặt lòng tin vào một chính quyền luôn luôn sợ hãi?

Hà Thủy Nguyên

Gửi các mẹ: Đọc sách có quan trọng đến thế?

Sáng nay lên mạng, một bức thư thống thiết của một bà mẹ gửi tới đứa con lười đọc sách của mình hiện lên Newsfeed của tôi. Ngay khi click vào đọc, tôi đã biết được bức thư này có thể lâm li bi đát đến cỡ nào. Bởi vì, cứ thỉnh thoảng phong trào cổ vũ văn hóa đọc lại rộ lên những trò thú vị mà có lẽ chỉ Việt Nam mới có. Nào thì chụp ảnh khoe tủ sách, nào thì chạy

Thị trường sách Việt Nam (10): Đắt rẻ giá sách và quan niệm kinh tế bao cấp

Năm 2020, dịch bệnh COVID-19 ập đến khiến các đơn vị xuất bản sách lao đao, nhưng ngay lập tức, thị trường sách Việt Nam đã chuyển mình thích nghi với dịch bệnh. Chính trong thời điểm cách ly, nhu cầu đọc sách tăng (cả về số lượng và đòi hỏi chất lượng), và nhờ thế các đơn vị làm sách cũng xuất bản nhiều cuốn sách thuộc dòng "khó đọc" hơn. Trong hai năm 2020 và 2021, kéo dài đến hết quý I -2022,

Thị trường sách Việt Nam (4): Giá sách hiện nay có đắt không?

Đọc chùm bài “Thị trường sách Việt Nam” tại đây: https://hathuynguyen.com/tag/thi-truong-sach-viet-nam/ Nhiều người cho rằng giá sách trên thị trường hiện nay vẫn còn quá đắt và đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng độc giả khó khăn trong việc tiếp cận tri thức. Đắt – rẻ tưởng như là một vấn đề mang tính định lượng, thế nhưng, nó lại là vấn đề tâm lý. Người chê đắt, người khen rẻ ít khi dựa trên những tính toán bằng con số mà dựa

Thị trường sách Việt Nam (7): Khi văn hóa đọc thiếu nền tảng học thuật và pháp luật

Có lẽ chưa bao giờ văn hóa đọc lại nở rộ như ngày nay, đặc biệt là sự hỗ trợ từ chính quyền và các kênh báo đài chính thống. Không khí tấp nập nhộn nhịp trong các hội trợ sách, các hội thảo sách, các cuộc chạy đường trường cổ vũ phong trào đọc dường như làm sống dậy cái không khí Đông Kinh nghĩa thục: “Buổi diễn thuyết người đông như hội/Kỳ bình văn khách đến như mưa”. Chứng kiến cảnh “trăm hoa

Thị trường sách Việt Nam (6): Cộng đồng đọc sách và quyền lực của độc giả

Trong suốt dòng lịch sử của sách, các độc giả luôn đóng vai trò như “người tiêu dùng” cho các sản phẩm và tác phẩm của các tác giả, dịch giả. Họ bị định hướng bởi các nhà phê bình, nhà báo – những người chỉ cho các độc giả biết cuốn sách nào là hay, cuốn sách nào là dở. Do đó, các độc giả chỉ là thần dân trong vương quốc tri thức mà họ chỉ có nghĩa vụ tuân thủ các chỉ