Home 2018

Mưa, đọc sách

Tôi – mưa rơi vô tận

Mưa bất khả đếm

Tận bất khả cùng

Tôi bất khả chờ kết thúc

 

Hà Nội mấy lần vào đông nhỉ

Có nghe gió gợn quầng mây

Mưa lạnh như lòng tôi

Đêm sâu như mắt tôi

Lá như thời gian rụng

Và cốc nước chưa đầy hơi lạnh

Chưa vơi một chút thảnh thơi

 

Vô vàn cuốn sách đợi tôi

Bạn bè cũ đợi tôi

Tôi cũng đợi tôi

Nơi góc quán cũ mòn mưa rơi

Những gương mặt nửa quen nửa lạ

Thời gian trôi đi nơi gương mặt

Bao nhân cách đổi thay

Như tôi khác tôi từ vạn ngàn niên quá khứ

 

Những trang mưa ký ức

Đã ướt đầm tang thương

Thịnh thịnh suy suy hồ sương khói

Hỷ lạc sầu bi hồ mây tan

Tôi đọc tôi nơi dòng chữ

Đã soi thấu tâm can

 

Hà Nội bán sách ai mua nhỉ

Giấy úa vàng cả thời gian

Lời cố nhân vọng hồn ai nhỉ

Tôi ép mưa lúc đêm tàn

Và bên góc bàn, những dòng viết dở dang

Chuẩn bị một ngày tôi quá cố

Ai đó sẽ đọc tôi nơi mưa rơi

“Bất tri tam bách dư niên hậu”*

Lòng tôi ai kẻ bước vào sâu?

Hay lại chính tôi

Một hậu kiếp xa xôi

Lật trang sách từ quá khứ

Thê lương bất chợt ngập hồn…

 

Hà Thủy Nguyên

 

(*) Câu thơ của Nguyễn Du, trích từ “Độc Tiểu Thanh ký”: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” (Không biết ba trăm năm lẻ nữa, người đời ai khóc Tố Như không?)

 

 

 

 

Home 2018

Mưa chinh tây

Hãy nghe reo reo mưa

Lưa thưa mùa tội lỗi

Tôi đã nguôi tĩnh lặng

Đã mờ vệt hư vô

 

Mưa vỗ thái dương xa

Thì thùng tan sân hận

Ơ gió mùa gió mùa

Đồng cổ vang vang trận

 

Ta sinh ra trong mùa tội mới

Ai sinh ra nơi mưa

Nẩy tươi giọt và giọt

Ta đã reo như mưa

Và gieo mình

Thềm mưa

 

Tấm áo long lanh ngày trở gió

Vá víu dăm tình thơ

Cũng hờ

Và hững

Tội lỗi thì sao

Thì thùng mây chuyển

Thì sao

Thì tôi nghe buồn len mây

Và nghe cuộn trời tây

Phong trần mờ mịt

Khuê phụ hứng sầu

 

Trong cơn mưa mơ

Mơ mưa

Loang loáng bóng gươm khua

Tôi ôm mầm tội lỗi

Nẩy bên bờ hư vô

Và những ai đẩy xô

Tôi ngã nhoài thành cổ

Vờ mỉm cười thần tiên

Và thây kệ nhã tiền

 

Tôi đang đợi ai đây

Tôi đang chờ ai đây

Ám ảnh cuộc chinh tây

Rồi nhớ mưa khắc khoải

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2018

Đôi mắt tôi

Có những thế giới tôi dạo bước

Chẳng ai lai vãng

Họ lờ đi như không có trên đời

Hai con mắt bịt hai thôi còn một

Giả ngắm nhìn nhân gian ở cõi kia

Kẻ vô lý trí thấy tất thảy

Chẳng hiểu gì tất thảy

Lao và lao và lao và lao

Nào có sao

Lạc vào vô vàn thế giới

Xoá nhoà bản thân thành hạt bụi

Đúc nên tầng tầng thế giới

 

Tôi yêu đôi mắt tôi

Lý trí tôi quan chiếu thiên hà

Các thế giới tôi đã đi qua

Thâu gọn trong tầm mắt

Những bóng mờ tôi thấu nhìn chân diện

Những ký ức đã nhoà

Tôi chớp mắt

Ánh thời gian

Ký ức lưu nơi hạt bụi cũng ùa về

 

Những thế giới con phố không nhà trơ trơ tàn lụi

Những thế giới tượng đài đổ vỡ chẳng rõ mặt ai

Những thế giới giác ngộ hoan ca xoay và xoay theo điệu xoáy huỷ diệt của vũ trụ – nụ cười lao đầu vào cái chết

Những thế giới ký tự rời nhau vô nghĩa chẳng nên nổi câu thơ

Những thế giới đắm bể máu tanh đâu còn nhân loại để xót thương

Có thế giới không gì cả, chỉ bóng đen và nỗi sợ của mình tôi – vực sâu của vạn trương giấc mơ

Thế giới, một thế giới, lại vô vàn thế giới

 

Tôi trở về thế giới tôi ngự trị

Ngự trị nụ hôn, ngự trị tiếng cười

Cả những nỗi đau ứa đôi mắt không còn lý trí

Nơi thế giới tôi

Đôi mắt này khép lại

Chẳng cần đôi mắt

Chẳng cần tôi

Chốn bình yên cũng chẳng ai lai vãng

Cũng không mở cửa tiếp tục khách qua đường

 

Mở bừng đôi mắt

Tôi lại ra đi

Lại cất bước dạo chơi khắp thiên hà

Và viết thơ về chúng

 

Hà Thủy Nguyên

Video đọc thơ

https://www.youtube.com/watch?v=BKHdMCmXCJo

 

 

Home 2018

Ta thôi thần nhân

Nấn ná mưa sa

Sa dải ngân hà

Tha hương ta lênh đênh chẳng chân trời níu kéo

Tha hương ta sa nẻo không nhà

 

Có những con đường đi đi mãi

Vết hài đỏ vệt đau dài

Có vài đêm dài như mưa

Đứt nối hay đứt ruột

Cũng tiêu tàn theo ta

 

Ta đã nghe những tiếng ồn trôi qua

Kìa phận người không còn thơ nữa

Ta – vị thần quên lối

Lạc loài trong kiếp thần nhân

Hứng mưa dưới cõi trần

Nghe lạnh lẽo ứa tràn thớ máu

Ta rơi vào cơn buồn nhân thế

Cho vợi bớt thần tiên

Như một buổi chiều lên cơn điên

Ha hả tha hương

Chiều mưa chẳng lặng

 

Ta xin đời cơn điên

Và cơn thơ

Xin ngân hà sa hồ mưa

Xin tim ta hồ như

Tha hương

Ta xin ta thôi thần nhân

Là bông hoa nghiêng mưa bên sao rơi

Chuông chùa

Thôi ngân

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2018

Gieo lá

Ta bước đi ký ức

Mộng vô hồi đêm trăng

Ta gieo mưa ký ức

Vọng tình điên cung trăng

 

Gieo một cuộc tang thương

Còn lại gì thế giới

Ta còn trăng trăng thôi

Ký ức đọng trên môi

Huýt điệu dài ma mị

Huýt

Ký ức nào chưa tới

Lang thang nơi bể dâu

Thời gian trôi và chảy

Phù sa đắp mộ rầu

 

Ai ơi xếp lá đợi thu gieo

Hứng thơ tuôn ra những nhiệm màu

Ta gieo thế giới vào vô cực

Thành bại định rồi, có sao đâu

 

Ta gieo một vì sao mới

Bầu trời xao động gì đâu

Ta gieo một vần thơ mới

Vàn sao ô đã đổi màu

 

Ta thâu thế giới trong câu chữ

Bàn cờ xô lệch mênh mông

Mệnh nào địch nổi người thơ nhỉ

Ta còn ta, trăng còn thơ

Và ký ức còn mưa

Cho bể cuồn cuộn sóng

Tinh hải nhấp nhô nhô

 

Ta buông mái chèo trên biển không mệnh số

Quay đầu đâu đâu

Và đêm nay đã thâu

Mà thơ chưa thành rượu

Mộng đã tàn như lá

Lá lá lá

Tựa sao…

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2018

Còn lại gì?

Mọi ngọn lửa đều phải cháy

Viên đạn bắn ra

Và rơi xuống đất

Còn lại gì sau tiếng nổ

 

Một tiếng thét vang

Tiếng vọng chấn động tinh thần

Còn lại gì giữa thinh không

 

Có rồi mất, sống rồi chết

Những cái lồng thay thế cho những  cái lồng

Khoảng không nơi ta bay nhảy

Bất kể ngày mai

Tự do ở đó

 

Khoảng không

Nơi tiếng thét không có giới hạn

Nơi viên đạn không bao giờ trúng đích

Cho đến khi kết thúc và rơi vào cái lồng khác

Và những cái lồng sẽ liên tục bị đốt

Cho đến khi người ta hiểu rằng muốn nghe điều tuyệt diệu cần phải có tự do

 

Lý tưởng có nhiều mặt nạ

Nhưng lý tưởng thuộc về khoảng không

Mặt nạ nổ tung cùng chiếc lồng chật hẹp

 

Tôi đã thấy nhiều con người

Trong phẫn nộ

Mọi mặt nạ đều rơi rụng

Chỉ còn nơi họ một khoảng không

Cần gì đến ngày mai

 

Hà Thủy Nguyên

Bài thơ đăng trong tập “Mùa dã cổ” (Xuất bản 2016, NXB Hội Nhà Văn)

Home 2018

Rượu mình ta

Mình ta đổ chiều quạnh quẽ

Rượu nhạt hơi cay

Đời nhạt mùi say

Lời buồn vô nghĩa thay!

 

Ta ngồi

Vài ba bóng cười cười

Nghe máu chẳng còn tươi

Thình thịch tuôn cạn đời

Lồng ngực vang nhịp thời

Bóng người váng vất màu ma quỷ

Ta vẫn ở đây nơi đám đông này

Chẳng chút gì liên hệ

 

Ta diễn vai ta hết một chiều mê

Giả say ly rượu nhạt

Giả cười xa lạ

Thời gian chẳng lối về

Vai diễn mờ nhân cách

 

Những bóng ma đã đi qua đời ta

Mặt mặt lùi xa

Cả nét mặt của ta

Vốn cười giả dối

Cũng lùi xa

 

Ta khát thèm

Giọt rượu nồng đơn độc

Nơi sa mạc hư vô

Ta múa cuồng si

Điệu vô thanh

Không vết chân nào lưu lại

Hạt hạt cát vàng tung bão tố

 

Ta khát thèm một đỉnh hoang sơn

Hú lên lời man dại

Tâm can trống rỗng phận người

Chỉ còn buồn thôi

Buông buông tuyết rụng

Phủ màu đơn côi

 

Ta khát thèm hút máu ta

Tự tái lập mình trong cơn cuồng bất tử

Ôi cái chết bất tử

Xác thân nào cũng vô nghĩa như nhau

Chỉ nụ cười còn sâu

Sau vạn điều giả dối

Và sự sống còn lâu

Mặc ta còn hay mất

 

Thôi thôi đã cạn ngày

Chẳng rượu nào say

Chẳng nụ cười hạnh phúc

Và chẳng ai đơn độc

Chờ một lần không vai

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2018

Niệm thu

Có những mùa mây nổi nước trôi

Thu nấn ná đợi bài thơ ứa hứng

Và tôi nữa đợi lòng mình đến độ

Trời còn thu

… vì tôi còn thu

 

Thả bóng câu thời gian ngưng đọng

Vạn cầu mong

Nhân loại đã úa tàn

Lá lá rụng

Và nhịp trăng mờ mịt

Cây khô cành

Ngúc ngoắc vệt thời gian

Mây trời rạn vỡ

Tim tôi máu loang

 

Những dòng sông đã cạn dòng

Khô kiệt đời nặng khổ đau

Chẳng thể tới mênh mông

Chỉ im lìm nước đọng

Ai có khóc cho sông

Giọt lệ ngàn thế kỷ

Thời gian lớp lớp cằn

 

Tôi nghe cái chết nhoẻn miệng cười

Khắc khắc thời thời

Nơi mùa thu tàn tận

Nơi mặt trời dịu hận

Ánh màu bi tráng

Rớt tay tôi

Tôi nghe cái chết bên mình

Sợi đời mong manh đến vậy

Muôn duyên nghiệp chỉ trong nhất niệm

Cũng héo tàn dưới ánh thu

 

Ô kìa thu

Những khắc si mê

Ôm chấp niệm níu một phần tươi trẻ

Níu vàng rộ những chia ly quyến luyến

Níu yêu đương nay đã nhạt màu

Và níu ta nguyên một nụ cười

Khi tận cùng đang tới

Thu ơi

Thu cạn ngày chưa

Ta cạn đời đi

 

Ta buông lòng thu

Thời gian đã cạn

Ta chết chiều nay

Niệm niệm tiêu hồn

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2018

Chiều lịch sử

Tôi đã đi dọc đường lịch sử

Chẳng bóng người

Chẳng đáp lời ai

Chỉ những quân cờ tung tóe

Bàn cờ toang hoác lỗ

Những hố chôn người nào biết sử xanh

Nào những ai lưu danh

Đã ố màu kim cổ

 

Tôi lạc đường giữa muôn vàn trang sách

Vàn sự thật đều dối trá như nhau

Mờ mờ nỗi đau tiền kiếp

Hỏi ai, đáp ai

Muôn đời câm nín

Chỉ đau thương lên men ly rượu chiều

Và trăng sao cũng thôi định mệnh

 

Những gương mặt đi qua ai nhớ ai quên

Trôi nổi dòng sông máu

Sông thời gian

Chẳng hạn nào ngăn được

Những anh hùng đã nguôi cơn giông bão

Cuộc chiến nào có nghĩa gì đâu

Khi tất thảy là quân cờ định mệnh

Bàn cờ kia ta đã hất tung rồi

Và những vì sao mệnh số

Cũng chẳng còn lấp lánh

Sẽ chẳng ai hiến tế cho ngươi

Để lưu danh kim cổ

 

Nơi đây

Gò xác mủn đất bùn

Xác khô hờn thế giới

Khát thèm gì đây sau những mùa đổ máu

Khát thèm một phút vĩnh hằng thôi

Chìm trong ly rượu chiều cô độc

 

Tôi xoay một vì sao mệnh số

Cơn điên thôi dài

Lời thôi dối trá

Chỉ có tang thương

Bể dâu vần vũ

 

Rũ tay áo

Tôi lại bước đi

Trong chiều lịch sử

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2018

Soi trọc phú (1): Họ là ai và tại sao lại là họ?

Lưu ý khi đọc chùm bài “Soi trọc phú”:

–  Người nhà giàu không nhất thiết là trọc phú và trọc phú không nhất thiết phải rất nhiều tiền

–  Giàu có là tốt nhưng trọc phú thì lố bịch

–  Trọc phú không đáng ngại bằng Tính trọc phú lây lan rộng trong xã hội qua các môi trường doanh nghiệp, truyền thông, ẩm thực, du lịch…

Thử định nghĩa lại trọc phú

Từ điển Hán Việt của Nguyễn Quốc Hùng định nghĩa “trọc phú” là nhà giàu nhưng lòng dạ bẩn thỉu. Đây là cách định nghĩa rất sát với từ “trọc phú” trong tiếng Hán ( 濁富). “Trọc” có nghĩa là bẩn thỉu, “Phú” có nghĩa gốc là dồi dào và thêm một nghĩa nữa là giàu có. Như vậy, định nghĩa của ông Nguyễn Quốc Hùng là chính xác, nhưng không đủ rõ nghĩa. Bởi vì, thế nào là “lòng dạ bẩn thỉu”?

Sự bẩn thỉu hay xấu xa trong tâm ở mỗi thời đại lại có cách hiểu khác nhau. Sự sạch sẽ, trong sáng thì chỉ có một kiểu thôi nhưng sự xấu xa thì muôn cách thể hiện, biến đổi không ngừng. Ở đây, tôi sẽ không bàn về cách hiểu của người xưa, bởi vì tôi không sống ở thời đại đó, không biết rõ các cách thức xấu xa của các bậc tiền bối trong làng trọc phú. Tôi chỉ bàn về trọc phú ngày nay, ở thời đại tôi đang sống mà thôi.

Từ “trọc” được sử dụng rất hay, bởi trọc phú thì bẩn toàn diện, bẩn từ trong ra ngoài, bẩn từ lòng dạ đến thói quen, cho dù có khoác lên những chiếc áo hạng sang và chải chuốt bóng bẩy.

Về căn bản, một trọc phú không kiếm tiền bằng tài năng và sự nghiêm túc trong nghề nghiệp đâu, mà bằng lối làm ăn chộp giật, trục lợi, bất chấp thủ đoạn. Mặc dù không đủ tay nghề nhưng để kiếm tiền nhanh, họ cứ thế nhận việc mà không quan tâm đến các hậu quả có thể xảy ra; hoặc sẽ trí trá tìm cách cướp công của người khác để nhận về mình. Kiếm được một mớ tiền rồi, lòng thấy sung sướng, rồi đâm ra kiêu ngạo, tự nghĩ mình là tài giỏi hơn người. Họ tự gạt mình rằng trước kia mình kiếm tiền được là nhờ họ giỏi giang về nghề, tự cho tay nghề của mình là nhất, rồi khinh miệt những người có tài nhưng chưa (hoặc không) có nhiều tiền như họ.

Bởi vì của cải họ kiếm được là bất chính nên họ cần phải tìm mọi cái mã để đắp lên mình, để tự che đậy quá khứ làm ăn bẩn thỉu của mình. Vậy là họ học làm sang. Buồn cười thay, sẽ có một hệ thống những trọc phú khác cũng chộp giật và trục lợi như vậy, cung cấp những cái vỏ để từng phần tử trọc phú khác khoác lên người. Những cái vỏ ấy thôi thì đủ loại: hàng hiệu, dịch vụ sang chảnh, thờ bái quỷ thần, tu thiền học đạo nửa vời… Và bởi vì họ đã quen cái thói “chộp giật”, nên những cái vỏ mà họ chọn cũng rởm lắm. Những cái vỏ ấy cũng được tạo ra bởi các… trọc phú như họ. Thế nên, không chỉ ăn chơi, tiêu dùng là dịch vụ mà ngay cả thần thánh, tu thiền học đạo, hoạt động tri thức, với họ cũng chỉ là dịch vụ, và được vận hành theo đúng cái lối của trọc phú. Tóm lại, một hệ sinh thái trọc phú được tạo ra để cung cấp vỏ cho trọc phú.

Tại sao tôi lại viết về họ?

Tôi biết các trọc phú lười đọc lắm, chưa chắc họ đã đọc bài của tôi. Nhưng thôi, để phù hợp với nhận thức của họ, tôi sẽ gạch đầu dòng cho tiện:

Thứ nhất, bởi vì họ chiếm đa số trong xã hội Việt Nam hiện nay (có thể là cả trên thế giới), nên họ là những kẻ nhân rộng virus “trọc phú” qua cách thức kinh doanh, cách đào tạo nhân viên, cách truyền thông. Đó là còn chưa kể lây lan qua con cháu, anh em họ hàng, bạn bè, đồng hương… blah blah blah…

Thứ hai, họ là những kẻ tàn phá môi trường tự nhiên, văn hóa và đạo đức xã hội nhất nhưng vẫn vênh vang rằng mình tạo ra của cải vật chất cho xã hội.

Thứ ba, lý do cá nhân thôi, tôi rất khó ở mỗi khi phải tiếp xúc với các trọc phú và các trọc phú cũng rất ngứa mắt với sự kênh kiệu và vô lễ của tôi.

Thứ tư, tôi thực sự lo ngại vì hệ sinh thái trọc phú đang ngày càng lan rộng với một niềm tin chắc chắn được lan truyền trên truyền thông đại chúng rằng cần phải giàu có, cần phải đẳng cấp theo cái cách rất… trọc phú.

Tóm lại, tôi viết bài này và cả các bài khác trong chùm bài SOI TRỌC PHÚ, không phải để các bạn khinh rẻ các trọc phú hay những ai có tính trọc phú, mà mong sao ai đó bị nhiễm virus trọc phú rồi thì cố chữa trị, để cuộc sống của chúng ta bớt dối trá và phù phiếm hơn.

Hà Thủy Nguyên