Home 2018 Tháng Hai / page 2

LONG ĐIỂU TRUYỆN – CHƯƠNG 14: BỨC TƯỜNG ĐỒNG

Thành Trấn Tây quả là khu thành trấn thủ phía Tây của Điểu tộc. Đúng như tên gọi của nó, thành men theo sườn núi phía Tây Bắc của dãy Đại Sơn, tường cao dựng đứng ngang với những gốc thông cổ thụ. Vào ngày mờ sương, đứng dưới chân thành không thể nào nhìn thấy bờ tường thành. Tường thành không được làm bằng đá mà bằng một lớp thanh đồng dày. Cửa thành luôn luôn đóng, bất kể có chiến sự hay không.

Lính Điểu tộc thông thường cũng không được qua lại gần tường thành. Bố trí quanh tường thành là trùng trùng cạm bẫy và các cơ quan. Người nắm giữ hệ thống điều khiển các cạm bẫy này chỉ có Điểu Tùng. Hệ thống tường thành và cạm bẫy được các vị tiền nhân của Điểu tộc tạo nên qua nhiều đời. Bí kíp vận hành chỉ được phong cho vị tướng trấn giữ thành. Nếu chẳng may vị tướng mà chết sớm, không kịp truyền lại thì hệ thống cũng khỏi hoạt động luôn, và có khả năng rằng bất cứ ai đến gần tường thành cũng chết chắc. Bọn người Chúc Thịnh Lai, Long Phi Thiên, Hoàng Tế Thiên dễ dàng vượt qua tường thành, chẳng qua là có sự bảo trợ của Điểu Tùng, nếu không chắc cũng tan xác từ lâu.

Điểu Thiên Hoàng khi chỉ là một vị vương tử, vốn rất hứng thú với bố trí của thành Trấn Tây. Một người yêu thích với các hệ thống như chàng, hẳn phải bị thu hút bởi thành Trấn Tây. Nhưng cân nhắc thiệt hơn thì chàng thấy mình nên trấn thủ thành Vũ Cầm ở phía Nam thì hơn. Chàng không thích ở những nơi hẻo lánh chỉ có lũ sói và đám giặc giã, chàng hứng thú với thành Vũ Cầm bốn mùa hữu tình, lúc nào cũng dập dìu tài tử giai nhân hơn. Ngoài lúc đánh trận ra, còn có thể ngâm vịnh thơ phú, gẩy đàn ngắm hoa, cũng có thể gọi là qua ngày đoạn tháng.

Thành Trấn Tây có thể ngăn được quân đội của Dã Quốc nhưng khó có thể ngăn cản được Dã Vương. Dã Vương bấy lâu nay vô hình vô ảnh nhưng luôn hiện diện. Chưa ai từng thấy chân thân của hắn, chỉ thấy hắn thỉnh thoảng xuất hiện nhưng cũng không chắc đấy có phải là hắn hay không. Dã Vương đích thân xuấ quân cũng là một tin đồn chẳng biết giả hay thật. Sức mạnh của đàn bướm đen hút về cho hắn cũng không thể lường trước được. Chàng thấy không khỏi lo lắng dù ngoài mặt vẫn giả vờ nhàn tản.

Ngồi trong trung khu điều khiển của toàn bộ thành cùng với Điểu Tùng và Tế Thiên, Thiên Hoàng mới được chứng kiến hết vẻ hùng vĩ và đáng sợ của dãy Đại Sơn phía bên kia biên giới. Những rặng núi tuyết với hốc đá to, cao ngất như lũ quái vật gầm thét từ đại ngục. Những dòng suối đóng băng đổ thành một dải lởm chởm cái dài không biết tới tận đâu. Tất cả đều lạnh ngắt và chết chóc.

Thiên Hoàng vừa đưa mắt nhìn khắp núi non, tay vẫn ôm Thiên Phụng trong lòng. Cô bé không quan tâm đến quang cảnh lắm, chỉ cần được cha ôm mình trong lòng là đã thấy dễ chịu lắm rồi.

Điểu Tùng lạnh nhạt nói:

– Ta chưa từng ra trận mà không có một binh tốt trong tay thế này!

Tế Thiên cười cười:

– Thế mới chứng tỏ được bản lĩnh của Trấn Tây tướng quân chứ! Đem quân lính ra trận để làm mồi cho đàn bướm đen thì thật không tốt chút nào!

Điểu Tùng thở dài:

– Sau mấy ngày liền đi giết từng con bướm trong các sơn động, ta chán bướm đen lắm rồi. Tên Dã Vương này thật sự không có loại vũ khí nào khác hay sao?

Mặt trời xuống dần sau những rặng núi. Nhưng do sương mù dày đặc nên không có cảnh hoàng hôn huy hoàng và tráng lệ mà Điểu Thiên Hoàng kỳ vọng. Chàng tự nhủ rằng sau khi thắng trận xong, nhất định phải đòi Điểu Tùng để chàng lên đây một lần nữa ngắm cảnh hoàng hôn.

Mặt trời còn chưa tắt hẳn, một đàn bướm đen cả vạn con bay đến. Những con bướm này to bản, mỗi cánh to bằng hai bàn tay. Cánh của chúng đập cùng một nhịp, không chút xô lệch. Chúng hướng về phía tường thành Trấn Tây.

– Điện! – Hoàng Tế Thiên ra hiệu lệnh gọn lỏn.

Những tia điện được phóng ra từ tường thành. Đàn bướm đi vào khu vực điện trường, liền cháy thành tro. Chúng đã khôn hơn, lập tức bay lên cao, định vượt qua tường thành vào thành Trấn Tây. Một lớp bướm khác còn to hơn đàn bướm trước, mỗi cánh to như cái quạt cũng theo vào. Điện trường quanh tường thành Trấn Tây không thể cản được.

Điểu Tùng chau mày nghĩ:

– Có lẽ chúng ta nên phản công đôi chút! Không thể ngồi không thế này!

Thiên Hoàng bấy giờ mới lên tiếng:

– Nếu không phản công, không gây chút khó khăn thì khó lòng dụ được Dã Vương ra mặt lắm.

Thiên Hoàng vừa nói dứt lời, Điểu Tùng liền tung người ra khỏi trung khu điều khiển, biến thành một con đại bàng tuyết khổng lồ. Đại bàng có sải cánh rộng bao tròm cả một vùng trời. Khí lạnh từ đại bàng tuôn ra, gió thổi ào ào. Tuyết bay lất phất. Những cánh bướm mỏng mảnh không chịu nổi gió tuyết, bị đóng băng, rụng xuống lả tả.

Thiên Hoàng lắc đầu chán ngán:

– Hóa ra cơ quan của thành Trấn Tây chỉ có như vậy.

Đột nhiên, một tiếng trẻ con vọng lên:

– Cơ quan của thành Trấn Tây không đơn giản thế!

Thiên Hoàng và Tế Thiên há hốc mồm nhìn về phía có giọng nói trẻ con. Hai chàng kinh ngạc khi thấy ba đứa bé Điểu Âu, Chúc Thần Cơ, Chúc Thái Sơn đang lố nhố trèo vào trung khu điều khiển qua một đường ngầm. Tế Thiên sẵng giọng quát:

– Sao lại chạy ra đây chơi rồi!

Thái Sơn đáp:

– Con tìm ra cổng vào nối từ thư viện trong phủ đến trung khu điều khiển của thành Trấn Tây.

Tế Thiên đập tay vào trán chán nản. Trong lúc tử chiến thế này, thực sự chàng không có tâm trạng trông trẻ. Không ngờ đứa bé Chúc Thái Sơn lại lợi hại như vậy, làm thế nào mà tìm ra được cổng vào bí mật ấy. Điểu Âu nói chen vào:

– Này này, đừng có quên công của ta. Không có ta mách cho cậuvề cổng vào bí mật, thì cậu biết thế nào được!

Thần Cơ bĩu môi:

– Công ơn gì! Là do ta cho nổ thạch động dưới thư viện mới tìm ra cuốn sách hướng dẫn đường đến đây ! Có mỗi một mẩu tin chẳng đầu chẳng đũa, thật chẳng ra làm sao !

Tế Thiên nghe bọn trẻ nói chuyện, thật sự thấy không biết nói gì hơn. Giữa lúc bướm đen hút năng lượng bay rợp trời, toàn bộ dân cư và quân đội phải di tản, thì lũ trẻ lại bày trò nghịch phá ở Trấn Tây phủ. Nếu chẳng may cái Chúc Thần Cơ phá không phải là thạch động giấu bí kíp mà là trung tâm bảo vệ phủ Trấn Tây thì chẳng phải ba đứa bé thành mồi cho lũ bướm rồi sao. Trẻ con nhà thường dân nghịch phá cùng lắm là cháy nhà thôi chứ trẻ con nhà quý tộc như mấy đứa trẻ vừa rồi thật là nguy hiểm không lường hết được.

Thái Sơn chẳng quan tâm đến trò tranh công của Điểu Âu và Thần Cơ, chỉ nói :

– Con đọc trong sách thấy bảo rằng bức tường thành này có thể phóng vạn tiễn cùng một lúc, lại còn có hệ thống chuông đồng va vào nhau tạo thành hỗn âm có thể khiến lòng người điên đảo…

– Khoan đã ! – Tế Thiên ngắt lời – Con biết điều khiển chuông đồng không ?

– Con có đọc qua ! Chắc là sẽ biết dùng !

Thiên Hoàng lo lắng nhác nhở :

– Dùng chuông lúc này liệu có ảnh hưởng gì tới Điểu Tùng không ?

Tế Thiên xua tay :

– Chắc không đâu ! Trấn Tây tướng quân là người có thể điều khiển hệ thống này, ắt hẳn phải luyện qua chịu đựng sóng âm từ chuông đồng rồi !

Điểu Âu gật đầu xác nhận :

– Cha cháu miễn nhiễm với mọi loại tiếng động mê hoặc!

Thiên Hoàng nhớ lại lúc chàng gẩy đàn để vây bắt Chúc Thịnh Lai lúc ấy, Điểu Tùng hoàn toàn không hề hấn gì. Chàng không tin tiếng chuông đồng có sức mê hoặc bằng tiếng đàn của chàng. Điểu Tùng bấy lâu nay đã luyện tâm tới một cảnh giới bất động trước vạn động, nên những tác động bằng ảo giác hẳn nhiên khó có thể tác động đến.

Thái Sơn bước đến bàn điều khiển. Đó là một hệ thống cơ quan phức tạp với các ký hiệu kỳ lạ. Thái Sơn nhìn một loạt rồi nói :

– Sách có ghi những ký hiệu này đều được mã hóa bằng các biểu tượng. Phải ghép đúng các biểu tượng thì mã lệnh mới được nhận. Bí kíp này chủ yếu là hướng dẫn cách sử dụng các biểu tượng thôi, không có gì đặc biệt !

Thái Sơn nhoay nhoáy lướt tay trên các biểu tượng. Thiên Hoàng và Tế Thiên nhìn thao tác chuyên nghiệp của thằng bé chưa đến năm tuổi mà không khỏi ngỡ ngàng. Dù vẫn biết Thái Sơn khác người nhưng biểu hiện quá xuất sắc của cậu bé không khỏi khiến hai người vừa kinh ngạc lại vừa hứng thú. Thiên Phụng bấy giờ mới thò mặt ra khỏi ngực của cha mình, ngó ra ngoài xem chuyện hay.

Từ trong bức tường đồng, những chiếc chuông thò ra từ hốc tường. Phải có đến cả ngàn cái chuông. Chúng bắt đầu rung lên. Tiếng kim loại va nhau loảng xoảng thành một trường âm thanh hỗn loạn. Sóng âm bắn theo chiều gió mà Điểu Tùng tạo ra, hướng về phía đàn bướm. Sóng âm làm bạt cả đàn bướm. Chúng liêu xiêu mất định hướng, nhịp đập cánh lờ vờ như say rượu. Những con bướm rụng lả tả dưới chân thành. Điểu Tùng thấy đàn bướm bị đẩy lùi, chao liệng một vòng, tạo thành cơn lốc, bay lên cao hơn.

Từ trên cao, chàng có thể nhìn thấy đạo quân của Dã Quốc đang tiến gần đến. Dẫn đầu đạo quân là đàn linh cẩu được dẫn đầu bởi một nữ tướng. Nữ tướng cưỡi trên con linh cẩu đầu đàn, trên tay cầm một cây giáo dài. Nữ tướng cưỡi linh cẩu ấy, Điểu Tùng đã nghe danh. Vị nữ tướng này còn trẻ, nhưng đã được phong làm tiên phong, trực tiếp dưới trướng của Dã Vương. Cô ta tên là Sái Thương. Sái Thương lớn lên cùng linh cẩu, huấn luyện linh cẩu thành quân đội. Linh cẩu là loài động vật tham lam nhất trong thiên hạ, nhờ vào lòng tham mà mạnh mẽ. Hàm răng sắc nhọn và khả năng hoạt động thành từng đội, nhất là dưới sự chỉ huy của Sái Thương, khiến cho đội quân này còn lợi hại hơn đội quân sói của Phó tướng Vương Lâm dưới trướng Chúc Thịnh Lai. Sái Thương là tiên phong trực tiếp dưới sự chỉ huy của Dã Vương, lần này đích thân cầm quân tấn công, cho thấy khả năng Dã Vương đích thân ra trận là rất cao.

Sau đội linh cẩu là một đoàn kỹ nữ thướt tha mặc váy trắng xóa. Những kỹ nữ này không phải để phục vụ cho quân đội của Dã Quốc, mà chính là một phần của quân đội. Điểu Tùng đã nghe tình báo kể về đội quân kỹ nữ này nhưng chưa bao giờ được chứng kiến. Các kỹ nữ này đều được tuyển vào từ khi mới mười tuổi, được dậy cách ngón nghề hát múa làm rối loạn nhân tâm. Khi họ hát múa, họ sẽ tạo ra các ảo cảnh khiến đối phương bị mê hoặc. Sự lợi hại không kém gì ngón đàn của Điểu Thiên Hoàng. Họ còn được luyện công phu hút năng lượng. Sau khi bị rơi vào ảo cảnh, đối phương sẽ bị họ hút sạch nguyên khí mà không biết, rốt cuộc chỉ còn cái xác không. Người đứng đầu đội kỹ nữ này là Hoa Nương Nương, người tình của Dã Vương. Nhìn thấy Hoa Nương Nương lả lướt ngồi trên một con voi trắng, Điểu Tùng càng tin rằng Dã Vương nhất định sẽ xuất hiện trong trận này.
Xa hơn nữa là một lớp bụi mù, chàng không thể nhìn thấy rõ được, chỉ thấy khu vực ấy sấm sét đì đùng, mây đen dồn tụ. Đó hẳn là vị trí của Dã Vương ? Cũng có thể là không. Nhưng đương đầu với đội quân của Sái Thương và Hoa Nương Nương cũng chẳng dễ dàng gì. Lúc này, chàng mới nhớ ra rằng ai đó đã thay chàng điều khiển trong trung khu. Chàng vội vã bay trở về trung khu, quay lại với nhân dạng.

Nhìn thấy Thái Sơn ngồi thản nhiên tại bàn điều khiển, Điểu Tùng thoáng ngạc nhiên, nhưng khi nhìn thấy cuốn sách trên tay cậu bé thì chàng có thể đoán ra được ít nhiều, nên cũng không có biểu hiện cảm xúc gì đặc biệt. Qủa đúng như Điểu Thiên Hoàng nhận định, Điểu Tùng đã đạt đến cảnh giới tâm bất động giữa vạn động.

Điểu Tùng thuật lại về những gì chàng vừa nhìn thấy rồi kết luận :

– Ta thấy sắp tới Dã Vương sẽ phải dùng đến số bướm đen nuôi ở bên trong thành. Bởi vì trong đội quân đang tiến tới không thấy có dấu vết của bướm thêm nữa.

Tế Thiên cười khẩy :

– Ta đã cho người giăng lưới điện khắp tất cả các cửa hang động trong thành và đường ngầm ở khu ổ điếm rồi ! Chuyện bướm đen trong thành không cần quá lo.

Thiên Hoàng tiếp lời :

– Đàn linh cẩu của Sái Thương không phải là điều ta lo ngại nhất. Về căn bản chúng không thể vượt qua được thành đồng. Bản lĩnh của Sái Thương này chắc cũng chẳng đáng bao nhiêu. Hoa Nương Nương và đoàn kỹ nữ tạo ảo cảnh kia có lẽ sẽ gây rắc rối cho chúng ta nhiều hơn. Với tình trạng sức khỏe của ta hiện nay e rằng không thể chống lại được Hoa Nương Nương. Mà sau Hoa Nương Nương còn là gì nữa thì khó lường trước.

Điểu Tùng thở dài :

– Tới nước này, ta nghĩ nên viết thư cầu viện !

– Không được ! – Thiên Hoàng cắt lời – Điểu vương còn nhỏ, mới lên ngôi, thế cục triều đình còn chưa vững. Nếu lúc này để lộ tình trạng của thành Trấn Tây nguy cấp thì Long tộc sẽ lợi dụng tấn công, mà các phiên vương khác sẽ bất phục gây rối. Trận đánh này, ta chỉ có thể cố gắng, chỉ được quyền thắng, không được phép thua !

 

Hà Thủy Nguyên

Đọc các chương của Long Điểu truyện tại đâyhttps://hathuynguyen.com/tag/long-dieu-truyen/

Home 2018 Tháng Hai / page 2

Bí mật Long Thành – Chương 1: Đứa trẻ cô độc

Tôi sinh ra trong một gia đình quái gở. Về căn bản, tôi thích sự quái gở ấy, nhưng thỉnh thoảng tôi cứ thắc mắc tại sao gia đình tôi không như gia đình người ta.

Mẹ tôi chẳng ngồi bên tôi kèm cặp, dậy tôi học như mẹ người ta. Mẹ mặc tôi thích học thì học, không học thì nghỉ. Tôi cũng kệ thôi, không bắt học là sướng rồi. Thỉnh thoảng, khi bị bà ngoại tôi ép buộc, mẹ mới ngồi hướng dẫn tôi học. Cầm đến quyển sách Tiếng Việt, mẹ liền tức điên người rồi phàn nàn một thôi một hồi về các lỗi trong sách giáo khoa. Đến môn Sử thì khỏi nói luôn, mẹ chỉ kết luận một câu ngắn gọn: “Lừa đảo!”. Mẹ chỉ hứng thú nhất khi đưa tôi đi ăn nhà hàng và kể cho tôi nghe những câu chuyện kỳ quái. Bà tôi kể là mẹ tôi ngày trước học giỏi lắm, đủ cả cầm kỳ thi họa, văn võ song toàn, có khi còn vừa hồng vừa chuyên. Ấy thế mà, không giống như mẹ người ta hàng ngày đi làm kiếm tiền, rồi đi shopping quần áo, lên mạng xã hội selfie; mẹ tôi ngủ đến gần trưa mới dậy rồi lại ôm riệt cái máy tính cả ngày, và cứ đêm đến lại đi mất tăm khỏi nhà.

Bố tôi cũng vậy. Tôi không gọi ông là “bố”, toàn gọi bằng tên. Không sao cả! Bố cũng không nề hà. Với tôi, bố như một người bạn, không, chính xác là một chiến hữu. Chúng tôi thường cùng nhau chinh chiến trên chiếc xe máy thị sát khắp thành phố Hà Nội, bất kể mùa đông giá rét hay mùa hè nóng nực. Bố không lạnh nhạt và phũ phàng như mẹ. Nhiều khi tôi nghĩ chắc bố cũng bị mẹ hành ghê lắm. Bởi vì mẹ hầu như lúc nào cũng đăm chiêu. Ngay cả khi đùa vui, bên ngoài nói cười thế thôi, chứ bên trong đầu của mẹ tôi đang tính toán cái gì thì đến trời cũng khó mà biết được. Bố tôi và tôi đầu óc đơn giản, thôi thì cứ kệ cho mẹ tôi suy tính, biết kết quả là được rồi, mà kết quả không làm phật ý tôi thì càng tốt.

Hầu hết thời gian tôi ở cùng bà ngoại. Ông ngoại qua đời, toàn bộ sự chú ý của bà dành cho tôi. Nhưng bà tuyệt đối không dậy tôi học. Mặc dù cũng muốn tôi học giỏi và chăm chỉ như con nhà người ta, nhưng cứ khi bà nghe mẹ tôi phân tích là chương trình sách giáo khoa dạy sai thế này thế kia, thì thấy cũng có lý, dần dần xuôi xuôi rồi mặc kệ tôi thích làm gì thì làm. Bà mặc kệ tôi thích làm gì thì làm, nhưng tôi không muốn mặc kệ mẹ thích làm gì thì làm. Tôi luôn cảm giác mẹ đang làm cái gì đó rất bí mật, rất quan trọng mà không muốn cho tôi biết. Người duy nhất biết bí mật là bố tôi, và có vẻ ông còn là trợ thủ đắc lực.

Mỗi khi tôi lên phòng bố mẹ, điều tôi chú ý nhất là những tấm bản đồ, chi chít các vết đánh dấu bằng các ký tự khó hiểu. Tấm bảng trắng liệt kê những cái tên cả Tây cả Ta, những cái tên chỉ có trong thần thoại, hoặc là đã bị gạch đi, hoặc là đánh dấu đỏ đậm nét.

Đấy, học hành như thế, bố mẹ như thế thì làm sao có điểm số cao được. Được cái, tôi cũng không cần điểm cao. Điểm cao mà làm gì? Tôi thấy có bà giáo viên dậy giỏi ở một trường điểm của thành phố, hôm được mời đến một hội thảo lớn, còn nói ngọng “l” – “n” “noạn cả nên”, vẫn là giáo viên hàng đầu. Tôi còn có bà bác chẳng đi học đại học ngày nào cũng có bằng luật sư, một chữ tiếng Anh không biết nhưng vẫn đầu tư kiếm tiền tỉ ở bên Úc. Tôi cũng thấy bố mẹ tôi kiến thức hơn người, nhưng tiền chẳng có mấy, cũng chẳng đi xe hơi như người ta, lại ít kết giao bè bạn. Có hôm tôi phàn nàn:

– Mẹ không chịu dậy con học, sau này con chỉ đi quét rác thôi!

Mẹ tôi đáp gọn lỏn:

– Đi quét rác cũng tốt chứ sao! Thế giới đầy rác, quét bớt đi cho sạch!

Tôi khó chịu với kiểu nói nửa đùa nửa thật ấy:

– Sao mẹ không đi quét rác đi?

Mẹ tôi phá lên cười:

– Thì vẫn đang quét đây!

Rốt cuộc cái ý quét rác mà mẹ tôi nói đến là gì? Mẹ tôi bình thường sợ bẩn chết đi được. Nhìn thấy rác rưởi là nôn ọe, chẳng bao giờ dám động tay động chân đến rửa bát quét nhà, làm gì có chuyện đủ dũng khí đi làm nghề quét rác. Tôi chỉ biết bĩu môi một cái dài thượt rồi thôi. Mà tôi nghĩ rồi, tôi sẽ phải tìm ra bằng được xem mẹ tôi thực sự làm gì.

Như mọi hôm, tôi giả vờ vô dụng mò lên phòng bố mẹ tôi. Lúc ấy, bố đang ngồi xem tấm bản đồ Hà Nội, dùng bút đỏ đánh dấu một loạt các đền dọc bờ sông Tô Lịch. Còn mẹ tôi thì đang gõ gõ một cái gì đó dài dằng dặc. Hà Nội là thành phố nơi tôi sống, một thành phố có lớp lịch sử dày đặc. Mẹ tôi vẫn nói đùa rằng: “Giả Bình Ao nói một con ruồi ở Tây An cũng mang trong mình dấu vết lịch sử thì ở Hà Nội, một cái thở hắt ra cũng ảnh hưởng đến toàn bộ lịch sử”. Tôi không hiểu hết ý nghĩa trong câu nói của mẹ, chỉ đoán lờ mờ rằng Hà Nội là thủ đô của một quốc gia nên mới có ảnh hưởng như vậy.

Nhà tôi nằm ngay ven sông Tô Lịch, gần một lúc mấy cái chợ và siêu thị, có thể nói là một nơi tấp nập buôn bán, đèn điện lúc nào cũng sáng choang. Ông tôi là người chọn chuyển nhà ra đây. Tôi nhìn thấy trên bản đồ, địa điểm nhà của tôi được đánh dấu bằng chữ H (chắc là viết tắt của “Home”. Từ địa điểm ấy, một đường thẳng được nối lên Văn Miếu Quốc Tử Giám. Văn Miếu Quốc Tử Giám là một điểm thiêng trong thành phố Hà Nội. Văn Miếu được xây vào năm Thần Vũ thứ hai, đời vua Lý Thánh Tông, thờ các vị thánh hiền trong Nho giáo bao gồm Chu Công, Khổng Tử cùng với các danh nho khác. Vị thái tử, con trai của Lý Thánh Tông, Lý Càn Đức (miếu hiệu Lý Nhân Tông) là người đầu tiên học trong Văn Miếu này. Đến đời Trần Thái Tông tức Trần Cảnh, nơi này xây thành Quốc Tử Giám và cho phép con nhà thường dân có tài năng đến đây theo học. Xưa kia, Văn Miếu Quốc Tử Giám thuộc huyện Thọ Xương. Bây giờ không ai gọi khu vực đó là huyện Thọ Xương nữa mà chỉ biết đến những tên đường gần đó. Nhưng bố mẹ tôi vẫn nói theo lối cũ, vẫn gọi khu vực phía Nam kinh thành Thăng Long, trong đó có Văn Miếu Quốc Tử Giám với cái tên này.

Đừng hỏi tại sao tôi học ở trên lớp thì kém cỏi mà những thứ này tôi lại biết rõ thế. Nó là một trong các câu chuyện “nhảm” mà bố mẹ vẫn thường tán hươu tán vượn với tôi khi rảnh rỗi. Tôi vẫn thấy lý thú hơn nhiều so với giờ lịch sử ở trên lớp. Lên đúng lúc bố mẹ tôi đang đăm chiêu thế kia, ắt hẳn là có thông tin. Tôi nghe bố tôi nói:

– Tưởng giáo dục đổi mới thế nào, hóa ra vẫn y hệt như cách đây cả nghìn năm!

Mẹ tôi cười khẩy:

– Y hệt là y hệt thế nào? Thua xa ấy chứ! Em thấy giống giáo dục thời Lê- Trịnh, khi người ta cứ học như vẹt là thế nào cũng đỗ cao. Còn chưa kể mấy trò ghen tài!… Ừm, đáng chú ý đây, từ thời Trần Thái Tông đã đổi từ Quốc Tử Giám sang Quốc Học Viện nhưng đến thời Lê Hiển Tông thì lại đổi lại thành Quốc Tử Giám và biến nơi này thành một trung tâm giáo dục cao cấp của triều đình, như trường đào tạo cán bộ vậy á!

Bố tôi là người thông thạo nhiều ngôn ngữ, liền nói:

– Chữ Giám trong Quốc Tử Giám có nghĩa gốc là “xem”, “soi”, còn có nghĩa ám chỉ nhà tù. Hay thật! Ở đây chữ “giám” chắc muốn nói đến công sở nhưng mà liên hệ với nhà tù thì thật là liên quan một cách sâu sắc.

Tôi nghe đến đó, mơ hồ nhớ đến câu vè mà tôi được nghe: “Đi học là đi tu/ Ngồi học là ngồi tù/ Sách vở là vũ khí/ Cô giáo là kẻ thù/Ngồi cạnh đứa xấu mù/ Càng học càng thấy ngu”. Nghe mẹ tôi nói, câu này mẹ tôi biết từ hồi học cấp 1. Xem ra cái ý tưởng “ngồi học là ngồi tù” có từ thời Quốc Tử Giám được xây cũng nên.

Nghe bố tôi nói thế, mẹ tôi quay ra nhìn tôi một cách ái ngại rồi kết luận một câu:

– Mẹ nghĩ Hà nên nghỉ ở nhà hẳn một tuần đi! Đến lớp thế nào cũng gặp chuyện!

Tôi cau mày:

– Con không nghỉ đâu! Nghỉ nhiều quá không lên lớp được!

Mẹ tôi cười khẩy:

– Yên tâm đi, con cứ ở lại lớp vài năm thì thế nào nhà trường cũng mời con lên lớp, lại còn tạo mọi điều kiện để con tốt nghiệp nữa chứ!

Tôi “hứ” một tiếng, lắc đầu nguầy nguậy. Mẹ nói tiếp:

– Mấy hôm nữa đi học mà gặp chuyện khó chịu thì đừng có về khóc với mẹ đấy!

Nãy giờ quên nói, tôi tên là Hà, chữ Hà có nghĩa là con sông chứ không phải hoa sen hay ráng chiều. Cái tên “Hà” khá phổ biến, nhưng tên do bố mẹ tôi đặt thì ắt là phải có lý do. Tôi cũng không tò mò làm gì, khi nào đủ 18 tuổi, tôi được quyền tự đổi tên, nhất định sẽ chất vấn sau. Mẹ tôi tên là Phụng, chữ Phụng trong con phượng hoàng. Bố tôi có tên Sơn, lại một cái tên thông dụng nhưng khi đi với tên mẹ tôi liền gợi cho tôi đến sự bí ẩn, nhưng tại sao bí ẩn thì tôi không biết rõ.

Sáng nào cũng vậy, 6 giờ sáng tôi bước chân ra khỏi nhà. Một động lực bí ẩn nào đó đã thôi thúc tôi phải dậy sớm và đi học sớm. Tôi đạp xe qua ngõ nhỏ nối từ nhà đến trường. Trường tôi nằm ngay cạnh đình làng. Trước đình làng có một cái ao rộng thênh thang. Tôi đạp xe vài vòng quanh ao trong vô thức, cứ mỗi lần hết một vòng lại thấy mình tỉnh táo hơn một chút, khung cảnh xung quanh đỡ mờ nhạt hơn. Tôi nghe người ta đồn ở ao này cứ mười hai giờ đêm có một nữ quỷ mặc áo trắng bỏ tóc xõa ngồi hát. Tôi kể với bố mẹ, bố mẹ cười lăn cười bò. Mẹ tôi giải thích rằng nữ quỷ ấy chính là mẹ tôi. Mẹ tôi có cái váy trắng rất sexy, cứ đến hôm trăng sáng lại lôi ra mặc rồi để tóc xõa ra cho thoải mái. Nghe mẹ tôi giải thích, tôi lập tức nhớ đến cái váy trắng, thấy cũng có lý. Nhưng mà nửa đêm chạy ra bờ ao ngồi vắt vẻo rồi hát thì kỳ quái quá rồi.

6h sáng mùa đông, trời vẫn còn nhá nhem chưa sáng hẳn, sương dày đặc. Trường lúc này còn chưa có ai tới ngoài ông bảo vệ. Tôi đi bộ lững thững trong sân trường, cảm thấy rờn rợn, như có ai bám theo. Gió thổi những cánh cửa ken két càng thêm phần ma quái. Trường tôi cách bờ ao không xa, nếu như nữ quỷ ấy không phải mẹ tôi thì liệu nó có ám ngôi trường của tôi không? Nghĩ đến đó, tôi rùng mình, ba chân bốn cẳng chạy thẳng lên lớp, ngồi úp mặt xuống bàn run cầm cập chẳng rõ vì lạnh hay vì sợ nữa.

Khi tôi nhắm mắt lại, những tiếng động mơ hồ vẫn vang vang trong tai tôi. Tiếng xích sắt kéo ì ạch trườn đi vào vô định, chẳng biết từ đâu vọng tới. Tiếng hú mơ hồ lúc xa lúc gần không rõ là gió rít ngoài cửa sổ hay những oan hồn đang kêu gào. Tiếng cạch cạch như một bàn tay đang cào cào cửa sổ. Tôi hé mắt ra, chỉ là một cành cây khô đang đập vào cánh cửa. Nhắm mắt lại xem ra còn đáng sợ hơn cả mở mắt chứng kiến khung cảnh u ám trước mắt. Ít ra thì trời cũng còn sáng dần lên. Nhắm mắt vào chỉ rặt là bóng tối với các ảo giác kinh dị.

Bạn học của tôi bắt đầu vào lớp. Nhìn chúng nó xem, nhếch nhác và bầy đàn. Chúng nó đang nói xấu các thày cô giáo. Tôi vẫn không hiểu tại sao chúng nó có thể một mặt vẫn vâng dạ nịnh bợ thày cô, còn một mặt khác chúng nói gọi thày cô là “ông này bà kia” rồi chê bai, chửi rủa. Tôi nhìn thấy chúng nó chép bài nhoay nhoáy trong giờ kiểm tra, dù trong đầu không hiểu gì. Tôi không làm được thế! Đừng hỏi tại sao điểm của tôi kém, tôi còn bận quan sát từng đứa một trong giờ kiểm tra, xem chúng nó làm gì và sắc mặt biến đổi ra sao. Như mẹ tôi nói, bài kiểm tra không thể kiểm tra được khí chất của tôi.

Lũ bạn học hôm nay nhìn tôi với ánh quái dị. Tôi chưa nhìn thấy ánh mắt như vậy bao giờ. Đó là những cái nhìn chòng chọc, soi xét, hằn lên sự thù hận khó hiểu. Những ánh mắt ấy đều hướng về tôi. Tôi linh cảm thấy có gì đó chẳng lành. Ở lớp, tôi bị xếp một mình một bàn ở cuối phòng học, do tôi cao to hơn hẳn lũ bạn học, và có lẽ là do cô giáo cũng không muốn nhìn mặt tôi. Một đứa học sinh lúc nào cũng nộp giấy trắng tất cả các môn không có lợi gì cho bảng thành tích của cô giáo.

Bốn tiết học buổi sáng trôi qua chậm rãi, tiết cuối cùng là sinh hoạt lớp. Suốt bốn tiết, đầu tôi mơ mơ màng màng, chắc là trôi dạt phiêu du khắp Hà Nội rồi. Mà có khi ngược sông Hồng lên tận dãy Côn Luân rồi cùng nên. Lúc cô giáo chủ nhiệm vào lớp, hồn tôi mới men dần theo cơn gió bay từ đầu nguồn của con sông, xuôi theo dòng, về đến Hà Nội, còn chưa kịp tới cổng trường. Tôi chỉ thấy cô giáo và bạn học nói cái gì đó đến tên tôi.

Lớp trưởng đứng lên gay gắt:

– Thưa cô, bạn Hà tuần này không làm bài tập về nhà, không chơi với các bạn trong lớp. Bọn em góp ý chẳng bao giờ chịu nghe.

Cả lớp cũng nhao nhao lên:

– Đúng rồi, làm tụt điểm thành tích của lớp.

Tổ trưởng tổ tôi cũng đứng lên nói:

– Thưa cô, bạn ấy học đã dốt còn không thèm đi học thêm các buổi chiều. Như thế là không tôn trọng cô, không coi cả lớp ra gì!

Cả lớp vẫn nhốn nháo:

– Cô phải phạt bạn ấy đi ạ!

Tôi vẫn ngơ ngơ ngác ngác, hồn chỉ mới về đến xác, còn chưa rõ chuyện gì xảy ra. Cũng chẳng hiểu tại sao cả lớp lại quay sang đấu tố mình. Nước mắt tôi chực trào ra uất ức. Nghĩ lại thì cũng chẳng rõ tôi uất ức cái gì. Phần lớn thời gian hồn tôi còn đang bay lượn dọc sông Hồng, chỉ có xác của tôi vẫn ngồi nghiêm chỉnh trong lớp học. Hồn vừa về đến xác, thấy xung quanh nhốn nháo buộc tội tôi, là liền chực khóc. Chắc hồn tôi “mong manh dễ vỡ”, không chịu nổi cái cảnh mấy chục cái mồm cùng chĩa vào buộc tội.

Cô giáo thấy tôi rơm rớm nước mắt, liền tá hỏa, mắng át cả lớp:

– Cả lớp trật tự! Bạn Hà tuần sau cần cố gắng hơn!

Nhưng cô càng nói thế, tôi càng uất ức. Tôi khóc òa lên như sông Hồng vỡ đê. Thấy tôi khóc, cả lớp ngồi rúm ró cả lại im thin thít, không dám nói gì. Trong lúc khóc, hình bóng mẹ tôi mặc áo trắng, để tóc xõa, ngồi trên thành bờ ao, hát dưới đêm trăng sáng hiện ra trong đầu tôi. Tôi tự nhủ: “Có lẽ mẹ tôi nói thật!”. Bên ngoài khóc cứ khóc, bên trong, tôi chợt nhận ra tôi hoàn toàn khác với những người xung quanh, và bố mẹ tôi cũng thế, hoàn toàn khác. Và tôi cần phải tìm xem, sự khác biệt ấy đến từ đâu. Tôi không muốn làm một đứa trẻ hoàn toàn cô độc một cách không rõ ràng như thế. Tôi mơ hồ cảm thấy giữa Văn Miếu Quốc Tử Giám, lời dụ dỗ nghỉ học một tuần của mẹ tôi và việc cả lớp xúm vào đấu tố tôi có một sự liên quan nào đó mà tôi cần phải tìm ra. 

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2018 Tháng Hai / page 2

Long Điểu truyện – Chương 13: Ổ bướm

Tế Thiên lững thững đi vào một khu phố đèn hoa chăng rực rỡ. Nơi đây là điểm sáng sặc sỡ nhất của thành Trấn Tây xa xôi ngoài biên ải. Tiếng cười đùa chen tiếng nhạc, xiêm y phất phơ hường phấn. Tế Thiên không mấy xa lạ với chốn này. Chàng thành danh được cũng nhờ thuở trước hay qua lại khu ổ điếm. Những bệnh nhân thường xuyên với khoản trả hậu hĩnh cho chàng chính là những cô gái điếm ở khắp các khu thành. Chữa bệnh cho họ, chàng vừa có thêm khoản tiền để có thể giúp đỡ cho những người dân nghèo khổ, lại vừa là nơi chàng dễ dàng nắm những tin tức quan trọng nhất. Trước đây, Chúc Thịnh Lai và Long Phi Thiên không hiểu chàng, thường cho rằng chàng là kẻ gió trăng.

Khu ổ điếm của thành Trấn Tây vốn dĩ được bố trí rất khác so với các khu ở thành khác. Sự bố trí này là do Điểu Tùng sắp đặt để thuận tiện cho việc đảm bảo an toàn của gái điếm và khách. Các gian phòng hành nghề ở đây đều cách nhau bằng bức tường mỏng nhạt màu, có thể nhìn thấy những mảng màu loang loáng trong phòng do gái điếm và khách vần vũ với nhau tạo nên. Khung cảnh này lại càng khiến cho khu ổ điếm trở nên quyến rũ với những vị khách không tiết chế được ham muốn. Không rõ Điểu Tùng có tính toán được khoản lợi mà ổ điếm này mang lại nên mới bố trí kỳ quặc như vậy hay không. Nhưng sự phồn thịnh ở miền biên ải này có phần bất thường, nên cũng có khả năng Điểu Tùng cũng nắm được không ít khoản lợi này.

Tế Thiên mặc y phục thày thuốc, tay xách hộp đồ vừa đi vừa rao:

– Bệnh nặng bệnh nhẹ, bệnh kín bệnh hở, bệnh gì cũng chữa… Không khỏi bệnh không lấy tiền…

Vừa rao, chàng vừa đảo mắt khắp các gian phòng trong khu ổ điếm. Kinh nghiệm thời trẻ của chàng có thể giúp chàng nhanh chóng biết được đâu là những cô điếm mới đến và đâu là những cô điếm đã lâu năm. Những cô điếm mới đến thường ăn mặc, điểm trang lòe loẹt, ra giữa sân khấu phô diễn tài nghệ trong khi những cô đã lâu năm thì có vẻ trễ nải, lười nhác. Thành Trấn Tây nghiêm cấm các gái điếm quá tuổi hành nghề môi giới. Họ bị quây lại một nơi để hướng dẫn kinh nghiệm cho các cô gái điếm mới vào nghề. Gái điếm là một nghề được yêu thích bởi không phải lo cái ăn cái mặc, lại được sung sướng hưởng thụ, nên nhiều bé gái được cha mẹ gửi vào khu ổ điếm từ sớm để được đào tạo bài bản. Nhìn quang cảnh của khu ổ điếm thì thấy thật đối nghịch với phủ Trấn Tây nghiêm cẩn với thư viện đồ sộ và thâm sâu.

Tế Thiên lướt mắt qua những gương mặt người đi lại trên phố. Người ta đến ổ điếm để tìm khoái lạc, những thứ mà các cô gái nhà lành ít khi có thể mang tới cho họ. Bởi thế, bước chân ra khỏi đó, ai cũng hưng phấn, thỏa mãn, mặt mày hớn hở như thắng trận. Những người không vừa ý sẽ có vẻ mặt cau có, bực tức. Nhưng bước ra khỏi phòng của gái điếm mà nét mặt điềm nhiên không một chút động tâm thì hẳn phải có vấn đề.

Vị khách này đi ra từ phòng một cô gái điếm đã nhiều tuổi, nhưng vẫn còn nhan sắc. Tế Thiên thoáng thấy cô ta ra tận cửa tiễn khách. Cô gái khoác y phục màu xanh biếc lả lơi, mắt liếc khắp phố như dò xét. Tế Thiên đi ngang qua, cất tiếng rao to hơn:

– Bệnh nặng bệnh nhẹ, bệnh kín bệnh hở, bệnh gì cũng chữa… Không khỏi bệnh không lấy tiền…

Tế Thiên tựa như không hề chú ý nhưng không gì lọt qua giác quan tinh nhạy của chàng. Chàng ngửi thấy mùi nồng nồng và tanh tanh từ người khách, lẫn với mùi son phấn nồng nặc. Đó là mùi của sâu bướm mà chàng đã gặp trong hang động ở Tụ Linh Phong. Tế Thiên ghi nhớ số hiệu phòng rồi đổi lời rao:

– Bệnh nặng bệnh nhẹ, bệnh kín bệnh hở, bắt bệnh lấy tiền ít, chữa bệnh lấy tiền nhiều…

Điểu Thiên Hoàng cưỡi ngựa trắng, cùng một toán lính xông vào khu phố điếm. Sự xuất hiện của Thiên Hoàng lao xao cả khu phố, vì có lệnh nghiêm cấm quân đội Điểu tộc dính dáng đến gái điếm. Toán lính tỏa ra, đuổi hết khách làng chơi quanh đó, rồi giải các cô gái điếm ra đứng thành hàng giữa phố.

– Ta cần khao quân trước trận chiến, nên muốn chọn một vài cô sạch sẽ và xinh đẹp. Ta sẽ trả công hậu hĩnh.

Năm thày thuốc lang thang trong khu phố cũng bị áp giải đến, trong đó có Hoàng Tế Thiên. Thiên Hoàng tiếp tục ra lệnh:

– Các ngươi khám và chọn giúp ta những cô gái khỏe mạnh, xinh đẹp. Tiền công khám, các ngươi có thể tới doanh trại để lĩnh.

Theo lựa chọn của các thày thuốc, những cô gái điếm được đưa về doanh trại của thành Trấn Tây, cùng với một bản danh sách đầy đủ tên tuổi và số phòng của các cô gái. Nhưng Tế Thiên thì vẫn ở lại tiếp tục lang thang quanh khu phố. Chàng muốn lục soát căn phòng của cô gái.

Trời vừa nhá nhem, chàng phá ổ khóa, chui vào phòng của cô gái điếm. Thoạt nhìn bên ngoài vẫn là căn phòng giao hợp như mọi căn phòng khác, không có gì đặc biệt. Mùi son phấn và hương thơm tỏa nồng nàn khắp căn phòng khiến người Tế Thiên choáng váng đầu óc. Chàng lẩm bẩm trong đầu, chửi thầm: “Khỉ thật, tay khách nào chịu nổi cái mùi này chứ!”. Nhưng rèn luyện nghề thuốc từ bé, một trong các kỹ năng quan trọng nhất mà chàng được học đó là ngửi. Khi mới ba tuổi, bài tập đầu tiên chàng được học đó là phát hiện một vị thuốc giữa một trăm vị trộn lẫn với nhau. Mùi son phấn này đã là gì.

Tế Thiên nhắm mắt lại định thần. Trong thần thức của chàng, những mùi son phấn nhạt dần, hương thơm nồng nặc nhạt dần. Một dải mùi tanh hôi tỏa lên từ dưới gầm giường. Tế Thiên tung cước, chiếc giường bị đẩy bật ra khỏi vị trí mà chăn màn không hề bị xô lệch. Tế Thiên nhìn xuống sàn đất phủ bụi. Chàng cười khẩy. Làm thày thuốc không chỉ mũi thính mà cần cả mắt tinh. Thày thuốc dạng thường phải bắt mạch mới biết bệnh trạng của người ta, còn cỡ như chàng chỉ cần nhìn lướt qua là đã có thể biết người ấy mắc phải chứng gì, tại sao mắc. Như cái trò che mắt tầm thường này, có thể che được hệ thống giám sát của Điểu Tùng chứ làm sao qua mắt được Hoàng Tế Thiên.

Tế Thiên nhìn thấy một viên gạch hơi kênh khỏi mặt sàn. Do độ kênh không đáng kể và lớp bụi dày nên người thường khó có thể nhìn thấy được, nhưng chàng phát hiện ra chỉ trong một cái lướt mắt. Chàng cúi người bậy viên gạch lên. Viên gạch vừa được bậy thì mùi tanh hôi bốc lên nồng nặc. Tế Thiên mặt không biến sắc, cũng chẳng cần bịt mũi, nhảy xuống cái hầm dưới sàn nhà.

Đó là một gian hầm rộng, tối như hũ nút. Trong bóng tối, những kén bướm phát lên ánh lân quang thành một dải dài chạy sâu hoắm. Có lẽ căn hầm này không đơn giản vậy, nó có lối dẫn đi nơi khác. Tế Thiên nhẹ nhàng bước từng bước. Càng đi vào sâu, mật độ bướm lại càng dầy. Chàng nhìn lên trên trần, những con bướm đen đang bám vào vách hầm ngủ, chờ hiệu lệnh để ùa ra. Những con bướm to, béo mẫm, cho thấy chúng đã no nê sinh khí người. Những con bướm này sau khi hút no sinh khí sẽ phải bay về Dã quốc để Dã vương sử dụng. Thế nhưng, những con bướm này vẫn chưa bay về có lẽ là do còn có nhiệm vụ bảo vệ tổ bướm.

Tế Thiên nghĩ thầm: “May mà đuổi hết đám lính đi rồi, ta hành động một mình, chứ đám lính hậu đậu chắc chắn sẽ làm kinh động bầy bướm, rồi lại chỉ béo cho Dã vương thôi!” Tế Thiên nhón chân bên trái, nhón chân bên phải, thoắt phát vượt qua khu vực bầy bướm đang ngủ mà không một chút trở ngại. Cuối đường hầm nối liền vào một đường hang động. “Không phải hang động này sẽ nối tới hang động ở Tụ Linh Phong đấy chứ!”, chàng nghĩ tiếp, “Đến giờ Điểu Tùng còn chưa tới được hang này, 5 ngày chắc không thể kịp quét sạch bướm ở thành Trấn Tây được rồi! E rằng khó thoát một cuộc chiến máu chảy đầu rơi!”

Tế Thiên quay lại căn phòng của ả điếm, rồi phi thân vội về phủ Trấn Tây. Điểu Tùng vẫn chưa về phủ, chỉ có Điểu Thiên Hoàng ngồi ung dung uống rượu giữa sân như thể đang nhàn hạ tại tư gia. Bốn đứa trẻ con nằm lăn lóc cười đùa như thể sống giữa thời thái bình thịnh trị. Tế Thiên bấy giờ mới ngửi ngửi mùi y phục của mình rồi cau mày, ngẫm đến cảnh Thiên Hoàng ăn trắng mặc trơn ở nhà có phần bực bội.

Chàng e hèm một tiếng, Thiên Hoàng hồ hởi:

– Ngươi vào đây uống rượu cùng ta! Đi đâu mất cả ngày trời, ta uống rượu một mình buồn chết đi được!

Tế Thiên lạnh nhạt đáp:

– Bấy lâu nay ngài toàn uống rượu một mình, đâu có thấy buồn khổ gì đâu! Tự dưng lại có hứng nhớ nhung ta vậy!

Thiên Hoàng đáp:

– Nhàn nhã được cứ nhàn nhã… Chẳng phải có trận chiến lớn đang chờ chúng ta đó sao?

Tế Thiên nghe nói vậy cũng nhạt dần bưc bội, ngồi xuống đối diện với Thiên Hoàng. Thiên Hoàng nói tiếp:

– Ta đã cho người gọi Điểu Tùng về. Chúng ta nghỉ ngơi cho thoải mái rồi đánh một trận cho sảng khoái! Mấy ngày qua ngươi đã vất vả nhiều rồi!

Nói đoạn, Thiên Hoàng rót rượu vào ly cho Tế Thiên:

– Việc phân bố quân đội, ta giao toàn quyền cho ngươi. Tuyệt đối không được phép để thua Dã quốc. Lần này đích thân Dã vương sẽ dẫn quân. Hắn nghe đồn Điểu vương của chúng ta còn nhỏ tuổi, nên muốn đánh chiếm.

Tế Thiên thở dài:

– Ta tìm thấy ở dưới sàn khu ổ điếm là một địa đạo nuôi bướm đen. Địa đạo này dẫn đi khắp nơi. Đám kỹ nữ đi lại các thành cũng không lường hết được, e rằng các thành khác cũng đã bị bướm đen xâm nhập.

– Ta không quản được nhiều thế… Ta đã cho người báo các thành về nạn bướm đen, hướng dẫn cách xử lý để ngăn ngừa. Việc của chúng ta hiện nay là phải trấn thủ vững ở đây!

Tiếng đập cánh cùng với một cơn gió lốc chợt ùa đến. Trên bầu trời là một con đại bàng khổng lồ lông trắng như tuyết. Con đại bàng đáp cánh xuống sân, hóa thành Điểu Tùng. Sau nhiều ngày đi phá các ổ bướm, mặt chàng đỏ bừng bừng không giữ được vẻ thanh cảnh hàng ngày. Điểu Tùng nhún vai đi đến:

– Ta đã diệt kha khá ổ bướm, cũng ngăn cản được phần nào sự tàn phá!

– Có lẽ là không kịp! Trận chiến với Dã quốc e rằng khó tránh!

Tế Thiên nhìn bốn đứa trẻ ái ngại:

– Vậy lũ trẻ sẽ phải làm sao?

Điểu Tùng tự tin đáp:

– Thành Trấn Tây có thể mất chứ phủ Trấn Tây là bất khả xâm phạm! Mà thư viện của ta lại càng an toàn hơn thế!

Thiên Hoàng nghe đến đó phì cười:

– Nói như vậy, Điểu Kinh chẳng may có bị tấn công thì sẽ phải đến nương nhờ Trấn Tây phủ rồi!

Điểu Tùng cười ha hả, cũng chẳng phần phải tỏ ra khiêm tốn gì. Sau mấy ngày làm việc vất vả, hao tổn tinh thần lẫn sức lực, chàng chẳng còn hơi sức để mà giữ lễ độ nữa:

– Còn phải nói sao! Điểu Kinh mặc dù được phòng bố bởi hệ thống của Chinh Nam tướng quân đây, nhưng vẫn còn nhiều sơ sót. Sơ sót này là do thế lực trong Điểu Kinh phân tán, mỗi thế lực đều không muốn hệ thống của tướng quân vừa bảo vệ, vừa giám sát. Do đó có nhiều lỗ hổng. Như ta đây, một mình một cõi, tha hồ xếp đặt bố phòng theo ý mình. Như thế thì sao có thể có lỗ hổng. Ta muốn ai vào phủ thì người đó được vào, ta đã muốn giấu kín phủ thì phủ cũng sẽ tựa hồ như biến mất.

Tế Thiên lắc đầu:

– Sao ngài không làm luôn hệ thống ấy cho cả thành Trấn Tây chứ!

– Thành Trấn Tây khác! – Điểu Tùng phủi tay áo – Nếu mà như thế, thì người dân sao có thoải mái sinh cơ lập nghiệp được!

Hình ảnh về cách bố trí khu ổ điếm mà Tế Thiên được chứng kiến vẫn lảng vảng trong đầu chàng. Chàng tính hỏi Điểu Tùng rằng có phải Điểu Tùng quy định như vậy để thu nhiều lợi nhuận hơn không, nhưng nghĩ lại thì cũng thấy câu hỏi ấy lúc này vô duyên quá.

Đột nhiên, cô bé Thiên Phụng đến gần, giật giật tay áo của Thiên Hoàng:

– Cha… cha có ra trận không!

Thiên Hoàng mỉm cười:

– Con cứ ở trong phủ! Cha sẽ tới đón con!

– Không! Bao lâu nay cha nhốt con ở trong cung một mình rồi! Con muốn ra trận cùng cha!

Điểu Tùng khuyên nhủ:

– Quận chúa còn nhỏ tuổi, vẫn là nên ở trong phủ của ta thì hơn!

Thiên Phụng cau mày nhìn Điểu Tùng, chẳng thèm nói năng gì. Rồi cô bé đủ lên cổ Thiên Hoàng, vòng tay ôm chặt cổ chàng:

– Nếu cha không cho con đi cùng, con cứ bám cổ thế này, không buông đâu!

Thiên Hoàng cười xòa, vỗ vỗ lưng quận chúa:

– Được rồi, được rồi… Ta sẽ cho con ra trận cùng!

Điểu Tùng chán nản nghĩ: “Không phải chứ! Phủ ta đã biến thành cái sân chơi cho lũ trẻ, đến chiến trường cũng biến thành sân chơi nữa sao!”

Nghe thấy Thiên Phụng mè nheo được cha mình chấp nhận cho ra chiến trường, Điểu Âu cũng len lén đến gần Điểu Tùng:

– Cha cho con đi cùng!

Điểu Tùng lạnh lùng đáp:

– Không! Ở lại phủ, bảo vệ phủ, bảo vệ các em của con!

Điểu Âu cụp tai quay lại phụng phịu, kể lể với Thần Cơ và Thái Sơn. Chỉ có Thiên Phụng là đắc chí, vẫn đu bám trên lòng của Thiên Hoàng, không chịu xuống.

 

Hà Thủy Nguyên

Đọc các chương của Long Điểu truyện tại đâyhttps://hathuynguyen.com/tag/long-dieu-truyen/