Home 2018 Tháng Hai

Đêm hiện diện

Đêm là một trải nghiệm tuyệt đẹp… Khi ồn ào lắng lại, mọi giác quan trở nên nhạy bén hơn, tinh thần bỗng trở nên rung động. Dưới ánh mặt trời, người ta quá hân hoan, như một cơn say cuồng loạn, và người ta không thể cảm nhận bất cứ điều gì, không thể suy nghĩ bất cứ điều gì. Nhưng khi mặt trời đã di chuyển tới một chỗ khác với bầu không khí cuồng loạn mà nó tạo ra, thì đêm hiện diện tuyệt đối, ta hiện diện tuyệt đối.

Trải nghiệm đêm dường như là đặc quyền của những người nhàn rỗi. Trong đời sống nông nghiệp, chỉ cần gà lên chuồng thì người cũng lên giường. Người ta không có nhu cầu thức đêm bởi vì người ta cần đón chờ ánh sáng cuồng loạn của mặt trời. Đến thời đại của công nghiệp, đêm trở thành kẻ thù của những người lao động. Họ trốn chạy bóng đêm, bởi vì đêm không mang lại cho họ tiền bạc, mà chỉ mang lại cho họ những trăn trở. Chỉ những người nhàn rỗi, dù ở bất kỳ một thời đại nào, mới có thể trải nghiệm đêm. Người nhàn rỗi không để bản thân mình chạy theo đời sống vật chất mà muốn trọn vẹn trong những trải nghiệm tinh thần.

Kẻ vô công rỗi nghề không phải người nhàn rỗi, bởi họ không có trải nghiệm tinh thần mà chỉ ăn bám. Kẻ vô công rỗi nghề cũng không thích màn đêm, bởi trong đêm họ sẽ nhận ra họ cô độc đến đáng sợ, và họ sẽ sợ hãi tới mức muốn tìm đến cái chết. Trong đêm, kẻ vô công rỗi nghề sẽ đẻ ra đủ thứ ảo giác để ve vuốt mình: cứu thế giới, hướng tới Chúa, chiêm nghiệm triết học, giãi bày những tâm sự huyên náo tích tụ của chuỗi ngày nhàm chán… Tất cả chỉ là những ảo giác để thoát khỏi nỗi sợ hãi bóng tối bên trong trỗi dậy. Trong bóng tối ấy, họ chỉ là lũ người hoàn toàn vô dụng và đáng vứt đi. Họ không thể sống cuộc đời như những con cừu hàng ngày trật tự đi theo mọi sự xếp đặt, họ cũng không thể đạt được sự nhàn rỗi.

Đêm là một chuỗi vô thanh kéo dài miên viễn. Càng chìm sâu vào đêm, không trốn chạy, không ảo giác, ta càng thấy nó dài. Sự dài đó là khoảnh khắc trải nghiệm cái vô tận. Thỉnh thoảng, đâu đó, những âm thanh vang lên, vô hình vô ảnh, để rồi âm thanh ấy lại tiếp tục chìm dần, chìm dần, tắt lịm. Đó là thứ trải nghiệm hư vô. Mọi tiếng ồn ào điên loạn của nhân sinh, khi đặt giữa sự vô cùng vô tận, chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi mà thôi. Kẻ sợ hãi sự ồn ào điên loạn, chính bản thân hắn cũng chưa trải nghiệm sự vô cùng vô tận, bởi lẽ, với người đã từng thấy hư vô, mọi ồn ào điên loạn chỉ đơn giản là một khoảnh khắc.

Đêm không lời. Ta không biên giới. Trong bóng đêm, cơ thể này trở nên không cần thiết. Cơ thể là thứ để phô ra dưới ánh sáng mặt trời, nhưng trong đêm nó đơn giản chỉ là một vật thể. Những cơn đói cồn cào sẽ trỗi dậy để nhắc nhở ta, lôi kéo ta đứng dậy và bật đèn. Kệ chúng! Ta sẽ thấy rằng cơn cồn cào ấy nguôi dần, nguôi dần… Mọi thứ trở nên nhẹ bẫng. Lòng tham của con người trỗi dậy trong đêm lĩnh lặng rồi cũng qua đi, và biến mất. Để rồi, chỉ còn lại sự tịch liêu miên man, vô tận.

Hãy nghe những tiếng lòng trỗi dậy… Những ký ức chợt đến chợt đi… Lúc này, ta không còn là ta của sự ồn ào nữa. Ta chứng kiến chúng trôi đi với sự phẳng lặng của tinh thần. Một gương mặt nào đó quen thuộc đã lướt qua đời ta, kiếp này hay kiếp khác, còn lưu luyến ở lại, rồi cũng nhạt dần trong đêm. Đó là tiếng vọng của những ồn ào náo nhiệt còn lưu lại, đó không phải ta. Ký ức rất tuyệt vời, nhưng nó chỉ là tiếng vọng. Ký ức cần thiết, nhưng không phải thứ để bám víu. Ký ức, giữa vô cùng vô tận của dòng thời gian, cũng chỉ là một khoảnh khắc. Khoảnh khắc ấy dù có kéo dài, có để lại những vết thương lòng, rồi cũng lại qua đi.

Và một lần nữa, đêm lại hiện diện, ta lại hiện diện. Không khóc, không cười, không đơn độc, chỉ có đêm thôi…

Hà Thủy Nguyên

Home 2018 Tháng Hai

Nhàm chán mang tính thời đại

Tôi đã mệt

Những vần thơ nhàm chán

Thế gian buồn bỏ tôi lại cõi không

Trời đã hết những tia vàng héo hắt

Nhân loại cười có thấy mỏi miệng chăng?

 

Lời vụn quá

Thời đại vụn

Bụi mịt mù, thành phố vỡ tả tơi

Mưa ướt sũng đôi chân người lạnh lẽo

Nóc nhà cao

Rách nát dải sương mờ

 

Những vần thơ câu chữ gãy làm đôi

Thần bạc nhược vuốt ve cơn yếu đuối

Có một bầy nhà thơ nông và nổi

Tiếm thi đài, thành phố tan hoang

Và nhân loại lên cơn hoang đàng

Thời đại chẳng sang trang

Chỉ còn dòng viết dở dang

Thời gian

Ta phủ bụi

 

Dẫm giầy lên phế tích

Nhân loại như bóng ma

Ta nhàm chán lết qua

Ta thành ma chưa nhỉ?

Câu thơ này có vụn?

Thần ta bạc nhược chăng?

Mưa có rơi đầu ngõ?

Bụi có mờ sau lưng?

Bóng ma nào nhàm chán?

Bóng ma nào cuồng điên?

Ta cười như mặt nạ

Ta có mỏi miệng không?

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2018 Tháng Hai

Điệu tình

Tôi sẽ hát điệu tình réo rắt

Khi nhân gian quỳ mọp dưới tượng thần

Chúa lạnh lẽo héo khô như xác tục

Phật ngoảnh đầu rũ nhân loại sau lưng

 

Điều tình vang vang

Sông núi vọng

Hoa bung cánh gió giữa thượng ngàn

Mồ cũ nảy xuân bên luống cỏ

Khói hương ướt đọng giọt mưa tình

 

Điệu tình mênh mang sáu cõi

Lắc lư vòng xoáy luân hồi

Giọt thời thời rơi đêm tịch mịch

Sực tỉnh chiêm bao, khép mộng đời

 

Tiếng ai ngân vang rẻo núi

Tiếng ai sa vực hư vô

Nhịp ai lớp lớp trầm luân sóng

Tình ta thinh lặng

Vô thanh

 

Ta chỉ còn đây ta với ta

Mênh mang tình tỏa khắp sơn hà

Hai tay buông thõng nhìn thiên hạ

Lưng tựa non cao ngóng sông xuôi

 

Tình tang tình tang

Ta gảy điệu

Tình người loang loang động niết bàn

Tang hải dập dềnh cơn hồng thủy

Chúa bặt im lời

Phật động tâm

Thần tiên vứt phận đời cứu độ

Nếm trái nhân gian 

Đọa trần ai

 

Ai thay ta gảy tình điệu cũ

Cho ta say một giấc trần gian

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2018 Tháng Hai

Nam mô a di phần phật

Nam mô a di phần phật

Nam mô a di phần phật

Tro tàn bay loạn thế gian

Tâm thành quy đổi ra bạc cắc

Xuân tâm chộn rộn mắt kim tiền

 

Nhung nhúc bầy người khoe áo mới

Phớt lờ hoa cũ uổng sắc hương

Trời xanh u ám màu hương khói

Cầu khấn gì đâu

Tham sân si

 

Nam mô a di phần phật

Nam mô a di phần phật

Tiền bạc, tiền vàng, ôi tiền ảo

Tình thân, tình nghĩa, ấy tình suông

Một cột khói nhang, hoa đại rụng

Giày ai nện gót nát hoa tàn

 

Thôi có gì đâu

Ngàn năm vẫn thế

Vẫn buồn rầu thương cảnh xuân sang

Thương hoa vắng lặng chờ tàn tạ

Thương trời xanh hoen ố nguyện cầu

Thương cô độc không được đời buông bỏ

Thương Phật Đà lầm phổ độ chúng sinh

 

Ta nói mãi một điều đã cũ

Có sao đâu, xuân vẫn cứ chờ mùa

Hoa cứ rụng

Trời cứ phai nhạt nắng

Đời cứ vô minh

Phật cứ phổ độ lầm

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2018 Tháng Hai

Xuân ca

Ta ca vài điệu cũ

Cô độc bỗng lên ngôi

Thế gian lăn xuống dốc

Giọng cao vút lên mây

 

Ca một chiều xuân hoa rụng rụng

Cố nhân nào còn tiếc nhớ cố nhân

Thư nào gửi về chân trời vắng lặng

Bước trầm luân

Hài rách

Xước chân trần

 

Ca đêm nao độc thoại với riêng đêm

Tay ve vuốt bờ vai trần lạnh lẽo

Giọng ai oán hồn trở về mọi nẻo

Phố lang thang

Đèn nhạt

Lá tả tơi

 

Ca phận người cố níu bám tự do

Níu vô vọng đến khi thân xác rã

Đời lạc lối, bốn bề không bờ bến

Con thuyền trôi

Sóng vỗ

Cánh chim sa

 

Ca một mai yên ngủ nơi hoang vắng

Giọt tinh khôi chấm lạnh trán thanh nhàn

Buông tay thõng hững hờ trông thế sự

Động hoàng hoa

Mây trắng

Khúc tiêu diêu

 

Ca một đời ta điên tất thảy

Vung bạc tiền vương vãi khắp trần gian

Cười ha hả cho tận cuộc truy hoan

Chén rượu đổ

Gối chăn

Xiêm áo tuột

 

Ca điệu tình cho đất trời ngây ngất

Siết chặt nhau không dứt nợ ngàn năm

Vũ trụ im chờ ta từng khoảnh khắc

Thiên cổ tình

Thề hẹn

Kiếp nhân sinh

 

Ta còn ca cho thay thời đổi đại

Ta còn ca cho vũ trụ xoay vần

Ta ca phận ai lan khắp cõi

Ai tụng phận ta

Chiêu hồn xuân

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2018 Tháng Hai

Chau mày đêm vắng

Chau mày đêm vắng

Cạn kiệt thơ rồi

Cạn kiệt ký ức vọng

Chỉ lẳng lặng tình thôi

 

Chau mày đêm vắng

Khẽ nhăn sóng luân hồi

Sợi tóc nào rơi rụng

Chưa bạc đã tàn hơi

 

Âm âm đau đau

Vết thương rên rỉ

Trăm ngàn vết sẹo

Phong ấn tim hồng

Hồng hoang trở gió

Tim hóa mặt trời

Niềm đau vỡ vỡ

Tình loang xa khơi

Máu tràn bể khổ

Buông tay thơ ơi

 

Đêm xuân đọng nhành mai

Vẫn mình ta chau mày

Thế giới tàn trước cửa

Cố nhân như bóng mây

Tiền kiếp nhập vào đây

Cho tim ta thổn thức

Cho cổ huyền lên dây

Cho nguồn thơ tuôn chảy

Cho đã đầy tình duyên

 

Đêm

Tâm sự thả gió trôi

Chau mày

Cho ngày bình yên tới

Luân hồi

Chầm chậm tới hư vô

Trái tim

Rung cổ huyền đãng đãng

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2018 Tháng Hai

TỈNH MƠ

Ta mơ lạc đến trăng lòa

Cố nhân đã xa và xa

Ta cô độc quá, hai tay trắng

Run lạnh trời khuya khúc thiên nga

 

Điệu thơ ngày cũ, ai ngâm ngợi

Ai vuốt tóc ta, đêm rụng đêm

Trăng ơi lạnh quá, trăng trăng trắng

Lặng lặng hồn thăng, ta chơi vơi

Nhìn xuống cõi đời

Cố nhân vắng bặt

Đây từng lệ rơi

Đọng

Đọng

Thành lời…

Người ơi…

Khúc thiên nga lả lơi

Màn khép rồi…

 

Khuya tịch mịch

Vong Xuyên cuộn sóng

Thiên nga ngân trăng trăng

Hồn tình kết hoa đăng

Cố nhân ơi nghe chăng?

Câu thơ cũ

Tam Sinh chưa mòn vết

Mái tóc xưa đợi tay ai ve vuốt

Giữ thanh xuân chờ giọt lệ tao phùng!

 

Trăng ơi hãy hóa mưa hoa rụng

Điệu buồn ơi xin khép lại câu thơ

Đêm ơi đêm, xin đừng thêm lạnh lẽo

Và ta ơi, kịch đã khép màn rồi

Tỉnh mơ thôi!

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2018 Tháng Hai

BI KỊCH CỦA CÁI ĐẸP TRONG PHIM “BÁ VƯƠNG BIỆT CƠ”

Tôi xem “Bá Vương Biệt Cơ” của Trần Khải Ca không ít lần. Lần đầu xem bộ phim, khi ấy tôi mới học năm thứ nhất đại học, tôi đã khóc vì thương cảm cho số phận của anh chàng diễn viên Trình Đắc Di. Thế rồi tôi tìm hiểu thêm về Cách mạng Văn hóa Trung Quốc, tôi đọc thêm về một thời đại đen tối kéo dài trong các nước nằm dưới sự cai trị của Đảng Cộng Sản, lúc đó tôi mới biết rằng Trình Đắc Di chỉ là một trong số những nạn nhân của thời đại ấy. Tội lỗi của Trình Đắc Di và những người anh ta đại diện là gì? Tại sao các lực lượng Cộng Sản bấy giờ lại muốn tận diệt họ đến vậy? Và nhiều lần xem phim sau đó, tôi đã khóc thương cho một lớp người.

“Bá Vương Biệt Cơ” vốn dĩ là tên một vở tuồng cổ trong Kinh Kịch, tái hiện lại cảnh ly biệt giữa Sở Bá Vương và Ngu Cơ. Trình Đắc Di và Đoàn Tiểu Lâu là hai diễn viên nổi danh diễn vở tuồng này. Trình Đắc Di chuyên diễn Ngu Cơ, và đã hóa thân toàn bộ tinh thần của mình vào vai diễn. Anh yêu Sở Bá Vương và cũng yêu Đoàn Tiểu Lâu. Mỗi khi Đoàn Tiểu Lâu ở bên cạnh Đắc Di, Tiểu Lâu lại trở thành một võ  tướng hiệp nghĩa, nhưng khi quay trở về với đời sống bình thường anh ta lại bạc nhược và tầm thường. Tiểu Lâu lấy Diệu Linh, một cô gái điếm làm vợ. Đắc Di cảm thấy rất đau lòng và hận, dù cho Diệu Linh không ít lần giúp đỡ Đắc Di. Ngay cả trong cuộc sống với người vợ gái điếm của mình, Tiểu Lâu cũng thể hiện sự tầm thường bởi anh ta không thể đưa ra được quyết định. Con người anh ta được định nghĩa và dẫn dắt, hoặc bởi Đắc Di hoặc bởi Diệu Linh. Vậy mà hai “tri âm tri kỷ” của Tiểu Lâu vẫn cứ  đồng nhất Đoàn Tiểu Lâu với nguyên mẫu anh hùng.

Những mâu thuẫn tay ba trong mối tình của Đắc Di – Tiểu Lâu và Tiểu Lâu – Diệu Linh sẽ cứ thế tiếp diễn trên nền những sự kiện phức tạp nhất của lịch sử Trung Quốc những năm giữa thế kỷ 20. “Bá Vương Biệt Cơ” và  những vở kinh kịch khác vẫn được diễn từ những ngày tàn của nhà Thanh, cho đến quân Nhật xâm chiếm Trung Quốc, qua thời Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch cầm quyền và cuối cùng là đến thời Hồng quân của Đảng Cộng Sản chiếm đóng Bắc Kinh. Quan lại và quý tộc nhà Thanh  yêu thích và hậu đãi kinh kịch, quân Nhật cũng tỏ một thái độ kính ngưỡng với Kinh Kịch và không giấu được sự thán phục trước vẻ đẹp của vở “Bá Vương Biệt Cơ”. Quân Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch tuy lỗ mãng như bầy khỉ nhưng rồi cũng đành phải chấp nhận sự tồn tại của Kinh Kịch và để Trình Đắc Di, Đoàn Tiểu Lâu tiếp tục giữ vị trí thống soái. Tới đó, người ta có cảm giác rằng Kinh Kịch là bất diệt, cái đẹp có thể chinh phục mọi thế lực tàn bạo nhất. Và “Cộng Sản cũng phải xem hát tuồng”. Nhưng không! Khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc tiếp quản chính quyền, vị thế của mọi chuẩn mực về cái đẹp đã không còn như xưa.

Vở “Bá Vương Biệt Cơ” một lần nữa được diễn trên sân khấu để phục vụ những “đồng chí” Cộng Sản. Những “đồng chí” này ngồi nghiêm như quân đội Nhật nhưng thậm chí còn không phân biệt được khi nào vở diễn kết thúc và không hiểu gì. Sau đó, Trình Đắc Di và Đoàn Tiểu Lâu, cùng với các chuyên gia Kinh Kịch được mời làm cố vấn cho các vở tuồng hiện đại của Cộng Sản. Ngay trong buổi góp ý, Đắc Di đã nhận xét rằng những vở hiện đại quá xấu xí, quá nhàm chán từ trong thiết kế sân khấu đến nhân vật. Anh cho rằng, người ta xem tuồng là để xem cái đẹp tuyệt đối, để xem sự hoàn hảo, chứ không phải để xem những thứ xấu xí và tầm thường. Nhân vật chính của các vở diễn phải là những anh hùng, mỹ nhân, tài tử… thể hiện những nét đẹp của nhân cách. Mọi chi tiết phải tuyệt mỹ, mà như Trình Đắc Di nói: “Mỗi âm thanh đều là bài hát, mỗi cử chỉ đều là điệu múa”. Và muốn vậy, người nghệ sĩ phải khổ luyện. Muốn đạt đến chuẩn mực dù là nhân cách hay tài năng, người ta buộc phải khổ luyện. Những vở tuồng hiện đại quá dễ dãi và người ta không cần phải khổ luyện để đạt tới chuẩn mực ấy. Đứa trẻ mà Đắc Di đã từng nhận nuôi, Tiểu Sĩ, giờ đây theo Cộng Sản. Hắn thoát khỏi những ngày khổ luyện để trở thành một nghệ sĩ nhân dân, một nghệ sĩ Cộng Sản. Hắn đại diện cho tiếng nói của trào lưu nghệ thuật bài trừ cái đẹp, gạt bỏ mọi sự khổ luyện, phản bội lại thầy của mình. Hắn tước đoạt vai diễn Ái Cơ của Trình Đắc Di; đem Đắc Di, Tiểu Lâu và các diễn viên Kinh Kịch ra đấu tố giữa đường, đốt bỏ những bộ trang phục Kinh Kịch.

Đó là vào lúc đỉnh cao của đại cách mạng văn hóa Trung Quốc, khi mọi giá trị bị coi là “phong kiến”, từ cái áo đẹp cho đến chiếc ly ngọc đều bị hủy bỏ. Cuộc cách mạng văn hóa Trung Quốc này đã tiêu hủy các giá trị như sách vở, nghệ thuật, tri thức, văn hóa cổ truyền Trung Hoa và những ảnh hưởng của phương Tây lên đất nước này. Các trí thức, tiểu tư sản, nghệ sĩ phải đi lao động cải tạo, phải chịu tù đày, thậm chí là mất mạng. Mọi sản phẩm văn hóa đều phải phục vụ tầng lớp công nông binh, những sản phẩm văn hóa mà như Đắc Di đã từng nhận xét là xấu xí và tầm thường. Cơn càn quét này ảnh hưởng tới Việt Nam suốt một thời gian dài từ sau Cải cách ruộng đất đến trước Đổi mới. Có thể nói, đây là một cuộc biến loạn kinh thiên động địa nhất, quét sạch mọi cái đẹp từ nghệ thuật tới nhân cách. Trong cơn càn quét này, Tiểu Lâu – người đã một thời đóng Sở Bá Vương đã mất đi toàn bộ khí khái của mình, sẵn sàng đấu tố Đắc Di và người vợ của mình là Diệu Linh. Anh ta đã suy thoái, trở thành một phần của đám đông Cộng Sản. Diệu Linh quá đau khổ, không phải vì hành vi phản bội của Tiểu Lâu mà vì nhận ra rằng nguyên mẫu anh hùng trong lòng mình đã sụp đổ, nên cô tự tử để không chứng kiến thêm bất cứ sự sụp đổ nào nữa. Đắc Di vẫn tiếp tục sống trong tuyệt vọng, trong những hồi ức đẹp đẽ của Kinh Kịch. Anh không đầu hàng Cộng Sản, không chấp nhận cái xấu. Xã hội không ai tôn sùng cái đẹp nữa thì anh sống trong ký ức về nó.

Cuối phim, Trình Đắc Di chọn  lấy cho mình cái chết trên sân khấu. Cơ hội được diễn lại “Bá Vương Biệt Cơ” lần nữa lại trở thành màn diễn cuối cùng. Cái chết ấy không phải cái chết tuyệt vọng mà là cái chết của sự hoàn hảo. Đắc Di không muốn chết trong sự tầm thường. Trước đó, anh nhiều lần nghĩ về cái chết của mình, cũng không ít lần muốn chết. Ái Cơ Trình Đắc Di nhiều năm chứng kiến Sở Bá Vương chết về mặt nhân cách trong đời sống để rồi khi họ gặp lại nhau trên sân khấu, Đắc Di đã hoàn toàn đồng nhất mình với Ngu Cơ và hát những lời cuối:

“Hán binh dĩ lược địa,

Tứ diện Sở ca thanh.

Trượng phu ý khí tận,

Tiện thiếp hà liêu sinh”

(Dịch: Quân Hán lấy hết đất/Khúc Sở vang bốn bề/ Trượng phu chí khí cạn/Tiện thiếp sống làm chi)

Bi kịch lồng bi kịch, sự bi hùng của vở diễn “Bá Vương Biệt Cơ” lồng giữa nỗi đau thân phận của Trình Đắc Di và xen lẫn với nỗi đau của những cái đẹp khi đứng trước ngày tàn. Tất cả tạo nên âm hưởng vừa bi tráng, vừa lãng mạn, vừa đau thương khiến người xem không thể tiết chế được các thang bậc cảm xúc vừa thán phục, vừa say đắm, vừa phẫn nộ, vừa buồn thương, vừa tiếc nuối.

Nhiều cây viết phê bình điện ảnh thường chú ý đến khía cạnh đồng tính của Trình Đắc Di và áp vào anh những mặc cảm tâm lý. Lối phê bình này thật thô thiển và làm mất đi tất cả những gì tuyệt mĩ nhất ở Trình Đắc Di. Đắc Di yêu Đoàn Tiểu Lâu nhưng thực ra là yêu hình bóng anh hùng trong vai diễn Bá Vương. Anh ta đồng nhất bản thân với Ái Cơ và đạt đến sự tuyệt mĩ cả vẻ bề ngoài, tài năng và tinh thần. Tấm chân tình của anh là dành cho cái đẹp. Những ức chế về giới tính không phải chủ đề chính của bộ phim này. Bởi vậy, chúng ta không nên trói buộc vẻ đẹp của Trình Đắc Di trong những ngôn từ như “nữ tính” hay “đồng tính”. Anh ta chỉ  biến cuộc đời mình thành một vở kịch mà trong đó anh ta vẫn giữ nguyên tắc của mình: “Mỗi âm thanh đều là bài hát, mỗi cử chỉ đều là điệu múa”.

Xu hướng duy mỹ là một xu hướng cổ điển. Bi kịch cổ điển phương Tây từ sau Shakespeare đều hướng đến sự tuyệt mỹ. Các vở Opera cổ điển cũng luôn hướng tới sự tuyệt mỹ. Văn chương, thơ ca cổ điển đều lấy sự hoàn hảo của ngôn từ làm tiêu chí. Xu hướng này, từ sau thời Khai Sáng đã phải đối mặt với những cơn sóng hiện đại hóa với các lý thuyết về công bằng, về tính đại chúng, những thứ “vị nhân sinh”. Cơn sóng hiện đại hóa ấy đã hóa thân thành những thứ cách mạng đám đông, giáo dục đại chúng, nghệ thuật hiện đại (sau này là hậu hiện đại) và hóa thân thành con ác quỷ có tên Chủ nghĩa Cộng Sản. Con ác quỷ này khi mạn xu hướng duy mỹ, chà đạp và tận diệt cái đẹp. Sự tầm thường sợ cái đẹp, ghét cái đẹp, oán hận cái đẹp bởi cái đẹp một khi thống trị sẽ không cho phép con người  được quyền thoải mái với sự tầm thường của mình, bởi thế, sự thống trị ấy phải bị lật đổ. Khi nó càn quét đến Trung Quốc, những gì đẹp đẽ trên thế giới cũng đang tan vỡ với sự lên ngôi của văn hóa đại chúng. Bi kịch của Trình Đắc Di, bởi thế không chỉ đại diện cho các trí thức, nghệ sĩ dưới thời Cộng Sản mà còn đại diện cho con người duy mĩ cổ điển trước làn sóng tầm thường hóa của chủ nghĩa hiện đại.

Nỗi đau của Trình Đắc Di tưởng như đã là dĩ vãng khi con ác quỷ Cộng Sản đã suy yếu. Nhưng không, con quái vật ấy chỉ là kết tinh của sự tầm thường hóa mà thôi. Sự tầm thường hóa vẫn đang tiếp diễn, và sẽ đến một ngày kết tinh lại thành một cái gì đó khác không có tên Cộng Sản. Cái đẹp còn chưa kịp phục hồi sẽ vẫn phải tiếp tục cuộc chiến của mình. Điều đau đớn là, những người đại diện cho cái đẹp lại quá thờ ơ, quá ngạo mạn và không thể biết trước cũng không thể chống lại được sự tấn công từ sự tầm thường. Trình Đắc Di cảm thấy bất lực trước đám đông dữ dội ấy. Phải thôi, nếu cái đẹp cũng vác gươm vác giáo để tiêu diệt sự tầm thường thì chẳng phải cũng đã trở nên tầm thường hay sao? Thôi thì, cái đẹp đành đơn độc. Và gìn giữ cái đẹp trong sự đơn độc cũng là một cuộc chiến thầm lặng và bi tráng.

Hà Thủy Nguyên

Các bạn có thể nghe ca khúc “Khi tình yêu trở thành dĩ vãng” của Trương Quốc Vinh với các hình ảnh trong phim “Bá Vương Biệt Cơ”

Home 2018 Tháng Hai

WATCHMEN – SỰ XUNG ĐỘT CỦA CÁC NHẬN THỨC THẾ GIỚI

“Watchmen” (2009) là bộ phim siêu anh hùng xuất sắc nhất trong chùm chủ đề “hot” của truyện tranh và phim ảnh Holywood từ năm 1960 đến nay: siêu anh hùng cứu thế giới. “Watchmen” được chuyển thể từ bộ truyện tranh 12 tập do Alan Moore sáng tác. Bối cảnh xã hội trong “Watchmen” rất đặc biệt bởi vì nó phản ánh thực trạng chính trị của nước Mỹ sau thất bại của chiến tranh Việt Nam.  Nhưng tôi sẽ không bàn về thực trạng Mỹ được phản ánh qua “Watchmen”, đó là công việc của các nhà phê bình có con mắt chính trị. Ở bài viết này, tôi sẽ tập trung vào vấn đề nhận thức thế giới của các anh hùng trong phim. Với tôi, bối cảnh chính trị chỉ là cái phông nền mà trên đó những anh hùng sẽ hành động dựa trên quan điểm và nhận thức của mình về thế giới. Thế nên, nếu ta chỉ khai thác bộ phim ở khía cạnh chính trị xã hội Mỹ, ta chỉ đi mô tả cái phông nền, hoặc nếu ta chỉ xem xét bộ phim với vai trò của các anh hùng thì ta chỉ nhìn thấy các thao tác và hành vi mà không thấy được những động cơ tiềm ẩn bên trong. Bởi thế, so với những bộ phim siêu anh hùng khác của Marvel và DC, “Watchmen” đặc biệt thu hút tôi giải mã cách các anh hùng nhận thức về thế giới. Chính những khác biệt về nhận thức mà các mâu thuẫn nảy sinh trong thiên anh hùng ca bi tráng “Watchmen”.

Mở đầu bộ phim là cảnh Watchmen già Edward Blake với biệt danh The Comedian. Các bạn hãy để ý, Blake đang xem một talkshow bàn về cuộc chạy đua hạt nhân của Mỹ và Liên Xô. Ông ta quan tâm đến vấn đề này và bật TV to hơn khi đồng hồ Doomsday đã cận kề mốc 12h. Không phải loại anh hùng nghe trộm radio của cảnh sát, The Comedian quan tâm đến sự hủy diệt mang tính chính trị. Cuộc đời anh hùng của ông, những ngày ông tham gia chiến tranh Việt Nam giúp ông ta nhận ra rằng chiến tranh gây ra nhiều tội ác hơn gấp trăm lần những tội ác trên đường phố. Moore đã tạo nên nhân vật The Comedian dựa trên nguyên mẫu siêu anh hùng Peacemaker của Charlton Comics và nhân vật điệp viên Nick Fury của Marvel (người điều hành Avengers), đặc biệt còn dựa trên một chính trị gia có thật của nước Mỹ bấy giờ là Gordon Liddy. Thế nên nếu ta nhận định về Edward Blake theo cái nhìn của nữ anh hùng Silk Spectre mẹ, ta sẽ thấy The Comedian chỉ là một kẻ hiếp dâm lỗ mãng. Nhưng không, trong lúc rất nhiều các anh hùng khác đã ẩn danh thì chỉ có ông và Dr Manhattan tiếp tục công khai danh tính và tiếp tục sự nghiệp anh hùng của mình. Theo “Watchmen” thì chính The Comedian là thủ phạm thực sự đã ám sát tổng thống Kenedy. Khi những chính trị gia trên talkshow bắt đầu công kích Dr Manhattan, Blake không khỏi thấy chán nản. Ông ta đã đổi kênh trở về với giấc mơ trai gái yên bình trên nền nhạc ca khúc “Unforgetable”. Một đời chiến đấu của ông cũng chỉ đổi lại là sự cô độc. Thế rồi bỗng chốc, The Comedian bị giết chết ngay trong cảnh đầu tiên, chỉ để lại câu nói cuối cùng đầy ẩn ý “Một trò đùa, tất cả chỉ là một trò đùa”. Đây là cái chết đã được The Comedian chờ đợi, nhưng đến khi nó đến thì ông lại thấy “tất cả chỉ là một trò đùa”. Đây là cái nhìn hư vô của The Comedian, thứ tư tưởng hiện sinh ảnh hưởng lớn đến nước Mỹ từ những năm 50s. Các bạn hãy thử tưởng tượng về một chính trị gia táo bạo chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hư vô? Đó chính là The Comedian. Ở những đoạn sau, từ hồi ức của các Watchmen khác, ta nhận định rõ hơn về các nhận thức thế giới của The Comedian. The Comedian có một sự khinh miệt với con người, ông nhận thấy ở con người những toan tính bẩn thỉu và sự phản trắc. Từ chiến đấu bảo vệ con người, ông đã chuyển sang sứ mệnh bảo vệ con người khỏi chính họ, khỏi chính phẩm chất xấu xa. Ông coi những đám đông biểu tình phản đối Watchmen như một bệnh dịch và tiêu diệt họ không nương tay.

Ngay sau cái chết của Edward Blake là một chuỗi kỷ niệm các hoạt động mà Watchmen đã thực hiện, từ trừng phạt các tội ác trên đường phố đến tham gia những hoạt động của chính trị Mỹ, những tật xấu bị đánh giá là suy đồi ở thời điểm bấy giờ như đồng tính, hiếp dâm… Để rồi, kết thúc những kỷ niệm ấy là dòng chữ “Who watch the watchmen?” do những người biểu tình phản đối công việc của những người hùng. Những người dân phản chiến ở Mỹ đổ lỗi cho các Watchmen khi nền chính trị Mỹ trở nên ngày một suy đồi và bạo lực trong chiến tranh Việt Nam. Người ta đã đổ lỗi cho Dr Manhattan vì cho rằng chính anh là nguyên nhân gây ra chiến tranh hạt nhân chỉ bởi vì toàn bộ cơ thể của anh là một nguồn năng lượng hạt nhân vô tận. Đó là cách suy nghĩ của người bình thường. Họ sợ hãi những gì khác biệt và không thể kiểm soát, nên họ đổ tội cho những gì không thể kiểm soát để phủ nhận lòng tham của chính mình. Nếu không có Dr Manhattan, Mỹ và Liên Xô có chạy đua vũ khí hạt nhân không? Thực tế là hai cường quốc này sẽ vẫn chạy đua vũ khí hạt nhân hoặc bất kỳ loại vũ khí nào cho đến khi nào phân định rõ được ai mới là bá chủ thế giới. “Who watch the watchmen?” là một câu hỏi thể hiện cho tư tưởng dân chủ của Mỹ. Tư tưởng dân chủ đề cao tính giám sát của người dân trong nền chính trị, và ở đây, nó được thể hiện cho việc người dân mong muốn một cơ chế giám sát các anh hùng với sức mạnh và trí tuệ vượt trội, bất chấp việc những người hùng đó đã chiến đấu và bảo vệ người dân ra sao. Đây cũng là một chủ đề được đề cập nhiều trong các sản phẩm của Marvel và DC sau này (Superman bị người dân phả đối và đổ lỗi, các siêu anh hùng Avengers bị Liên Hiệp Quốc lên án và ép phải giải tán, những dị nhân X-men bị xã hội loại người kì thị và năm lần bảy lượt tìm cách tiêu diệt…).

Rorschach là một nhân vật mang tính người dẫn truyện. Sự xuất hiện Rorschach luôn đi kèm với các dòng suy nghĩ miêu tả về thực trạng của một xã hội bẩn thỉu chồng chất những âm mưu và sự đớn hèn của loài người. Rorschach có lẽ là nhân vật gần với The Comedian nhất. Nhưng khác với The Comedian, Rorschach là mẫu nhân vật hành động, là người phân biệt trắng đen rõ ràng và không bị rơi vào chủ nghĩa hư vô. Thay vì ước mơ một cuộc sống êm đềm, Rorschach vẫn đi lại trên từng dãy phố để thực thi công lý mặc cho bị chính phủ kết án và sống ngoài vòng pháp luật. Qua cái nhìn phân định rạch ròi đầy phán xét của Rorschach, ta có thể thấy xã hội Mỹ hiện lên không phải là thiên đường: “Sáng nay phát hiện xác chó bị xe cán chết. Bước đi loạng choạng vì đói. Thành phố này sợ tôi. Tôi biết bộ mặt thật của nó. Phố xá biến thành cống rãnh. Còn cống rãnh thì ngập trong máu. Và chỉ cần nước tràn lên, tất cả lũ sâu mọt sẽ chết chìm. Tất cả rác rưởi từ những tên dâm đãng và giết người sẽ trôi lềnh bềnh ngang thắt lưng bọn chúng. Rồi những con điếm và bọn chính khách sẽ ngước lên gào: “Cứu chúng tôi”. Khi đó tôi sẽ nói khẽ “Không”. Giờ đây cả thế giới đang đứng kề miệng hố nhìn xuống địa ngục đẫm máu. Tất cả những thằng trí thức, lũ giải phóng… và bọn nịnh hót đột nhiên đều không thốt được câu nào. Dưới chân tôi, thành phố đáng ghê tởm này kêu gào như một cái lò mổ đầy lũ trẻ chậm phát triển và ban đêm bốc mùi hôi của bọn gian dâm với lương tâm chó má”. Rorschach luôn mong muốn phân định rạch ròi chính tà, không chấp nhận những âm mưu đen tối và luôn truy cầu sự minh bạch. Biểu tượng mặt nạ với vệt mực trắng đen của Roschach đã thể hiện cho cách nhìn đời của anh ta. Roschach chỉ luôn nhìn đời qua hai mảng màu ấy, không có chỗ cho những khoảng màu nhờ nhờ. Chính bởi cách nhìn đời ấy, anh không thể chấp nhận được kế hoạch lập lại trật tự thế giới của Adrian Veidht tức Ozymandias và chọn lấy cho mình cái chết để bảo vệ nguyên tắc của bản thân.

Adrian Veidht là mẫu anh hùng mang nhiều phẩm tính của nhân vật phản diện. Adrian Veidht được xây dựng dựa trên cảm hứng về Alexandre Đại Đế với tham vọng thống trị thế giới. Nhưng tham vọng thống trí của Adrian Veidht được hợp lý hóa bằng giải pháp giữ gìn trật tự thế giới. Để thực hiện tham vọng này, Veidht đã tiêu diệt toàn bộ những anh hùng có thể gây cản trở. Veidht không muốn tạo ra chiến tranh, anh ta muốn ngăn ngừa chiến tranh. Và để ngăn ngừa chiến tranh, anh không chọn các giải pháp hòa bình và chính nghĩa, anh chọn việc trở nên mạnh hơn vượt trội so với đối thủ là Liên Xô, nói một cách khác, muốn chấm dứt cuộc đua thì hãy trở thành vô địch. Veidht sử dụng khả năng tính toán thiên bẩm của mình vào công việc kinh doanh và tạo ra trật tự mới cho thế giới. Veidht là đại diện cho những ông chủ tập đoàn lớn thống trị nước Mỹ và thế giới, mà ngày nay số lượng của họ gia tăng đột biến trong thời Internet. Với cách suy nghĩ ấy, Veidht luôn coi những người như The Comedian và Roschach là mối nguy của xã hội, là đại diện cho tư tưởng phát xít, là những kẻ hoang tưởng. Veidht không chấp nhận những con người ấy trong trật tự mới mà anh ta đang chuẩn bị cho thế giới.

Dr Manhattan là một nhân vật có tầm nhìn tương tự với Adrian Veidht. Cũng như Veidht, Dr Manhattan không quan tâm đến công lý hai một vài người chết, mà quan tâm đến trật tự thế giới. Dr Manhattan không có tham vọng thống trị thế giới, anh ta chỉ muốn đóng góp công sức mình để ngăn chặn sử hủy diệt và giúp đời sống con người trở nên tốt đẹp hơn. Đó là lý do Dr Manhattan vẫn làm việc cho chính phủ Mỹ bất kể chính phủ và người dân Mỹ đã công kích các Watchmen như thế nào. Dr Manhattan là siêu anh hùng duy nhất của bộ truyện, bởi anh sở hữu các siêu năng lực như phân thân, dịch chuyển tức thời, tiên tri, nhận thức thế giới bằng cơ học lượng tử. Chính các siêu năng lực ấy đã khiến Dr Manhattan có một nhận thức khác hẳn so với những anh hùng khác. Anh có thể biết mọi sự thật nhưng không thể tác động thay đổi, anh không quan tâm đến sống chết cũng không quan tâm đến loài người. Cảm xúc đến với Dr Manhattan chỉ như một cơn gió thoảng qua bởi vì cùng một lúc anh sống trong rất nhiều thực tại. Dr Manhattan như một bậc thầy tâm linh đang xoay sở với các vấn đề nhỏ nhặt của thế gian. Mặc dù Dr Manhattan đã từng là thứ vũ khí bất hoại của nước Mỹ nhưng anh vẫn bị đổ lỗi cho cuộc chạy đua vũ khí và nguy cơ chiến tranh giữ Mỹ và Liên Xô. Những nhận thức về cơ học lượng tử không giúp anh lý giải được các hành vi của con người và với anh tất cả đó chỉ là sự gây nhiễu đối với thế giới quan của anh, đúng như Laurie (Silk Spectre con) nhận định: “Nó giống như thế giới này đối với anh ấy chỉ là đi trong màn sương mờ và con người là những bóng mờ ảo đi trong màn sương”. Trong suốt tiến trình bộ phim, ta thấy sự gắn kết của anh với thế giới nhạt dần theo thời gian và những mối quan hệ. Dr Manhattan coi những việc anh làm cho thế giới là trách nhiệm cần làm và đến khi không còn sự gắn kết nào nữa, anh sẽ rời bỏ. Dr Manhattan là hình mẫu của các nhà thông thái đích thực muốn mang đến sự nhận thức của mình với thế giới và đối mặt với việc phần lớn thế giới không thể chấp nhận được. Nhận thức thế giới dưới cái nhìn siêu hình đã khiến Dr Manhattan thấu rõ thế giới nhưng cũng đồng thời thấy xa lạ với nó, bởi càng thấu rõ thì càng không còn mối liên hệ gì. Xem đoạn phim về nguồn gốc của Dr Manhattan, ta có thể thấy rằng anh ta đã trải qua cái chết về xác thịt và hồi sinh. Dr Manhattan như một bóng ma với sức mạnh siêu việt và có cái nhìn của một vị thần đối với thế giới loài người, một vị thần bất tử phải đối mặt với sự hữu hạn của tuổi thọ con người và nhận thức ngắn ngủi của họ. Dr Manhattan chỉ có thể thốt lên sau tất cả: “Tôi quá mệt mỏi với Trái Đất, với những con người ở đó, mệt mỏi bởi vướng vào mớ hỗn độn trong cuộc sống của họ.”

Trong số các anh hùng Nite Owl tức Dan Dreiberg là người không có bất cứ phán xét nào với con người và thế giới. Tác giả của cả truyện tranh và phim cũng không tiết lộ cho chúng ta biết về cách nhận thức hay cách đánh giá về cuộc đời của Dan. Sau khi các anh hùng bị cấm hoạt động, Dan sống một cuộc đời lặng lẽ trong bóng tối đơn độc với các phát minh kỹ thuật của mình. Dưới hầm nhà Dan là những dãy đường hầm dẫn đến khắp nơi trong thành phố, tàn tích của thời đại anh hùng mà anh và các đồng đội đã trải qua. Dan không có tham vọng duy trì công lý cũng không muốn tạo ra trật tự mới dù anh rất thông minh và mạnh mẽ. Dan là mẫu người lười hành động và anh chỉ hành động khi những người thân thiết với anh gặp nguy hiểm, đặc biệt là sau cái chết của Nite Owl đời trước – một người Dan rất kính trọng. Khi hành động, Dan vẫn giữ nguyên tắc cứu mạng người là trên hết. Dan có thể thấu hiểu được sự mong muốn đồng cảm và đời sống bình thường của Silk Spectre (đôi khi không biết cô này đi làm anh hùng để làm gì), hiểu được sự cô độc của Dr Manhattan, hiểu được sự giận giữ của Roschach, hiểu được tham vọng điên cuồng của Veidht. Mặc dù nhiều nhà phê bình truyện tranh cho rằng Dan chỉ là sự tái hiện Batman của DC, nhưng Dan lại có các phẩm tính hoàn toàn khác: phẩm tính của một anh hùng hiểu lòng người, trân trọng mạng sống của con người, và cũng chính bởi thế không thể ra tay hành động như các anh hùng khác.

Năm hình mẫu anh hùng này là đại diện cho năm triết lý sống, năm hình mẫu người vĩ đại, năm lối ứng xử của các chính trị gia đối với thế giới. Những hình mẫu này hợp tác với nhau, xung đột với nhau và tất cả đều xung đột với đám đông loài người. Veidht mong muốn hòa bình trên thế giới bằng cách thống nhất thế giới nhưng loài người chỉ quan tâm đến việc phân phát năng lượng miễn phí khắp thế giới là xu hướng xã hội chủ nghĩa. Dr Manhattan muốn đưa những nhận thức tuyệt đỉnh của mình để nâng cao nhận thức của nhân loại nhưng loài người chỉ muốn biến anh thành thứ vũ khí. Roschach muốn thực thi công lý và sự thật nhưng pháp luật của loài người xếp anh vào loại tội phạm nguy hiểm. The Comedian và Nite Owl là hai hình mẫu khác, hai hình mẫu không có lý tưởng như hai mặt đối lập. Họ trở thành anh hùng vì họ có năng lực và có những nhiệm vụ phải thực thi. Sự khác biệt của họ là ở nguyên tắc sống. Nguyên tắc sống của The Comedian là coi thường mọi sinh mạng còn Nite Owl trân trọng mọi sinh mạng. Năm hình mẫu này đã cho thấy quy mô triết học mà bộ truyện tranh cũng như bộ phim này đạt tới. Tất cả sự xung đột của các nhận thức ấy được biểu hiện trên thực trạng xã hội Mỹ những năm sau 75, tạo ra các phân mảnh xã hội, sự đổ vỡ của niềm tin và giá trị sống phương Tây. Đó mới là sự hủy diệt. Nhưng đúng như Dr Manhattan đã nhận định khi chạm gần mốc hủy diệt chỉ mang tính biểu tượng và mọi thứ không phải là sự kết thúc.

Cả bộ phim là một cuộc tranh cãi, chiến đấu chống lại nhau của những anh hùng để mang lại hòa bình cho những con người luôn chống lại họ. Đây quả thực là một trò đùa, một trò đùa lớn lúc hạ màn. Một kết thúc buồn cho những ai có cái nhìn của các anh hùng và một kết thúc đắc chí cho những người chống lại anh hùng. Sau tất cả, những âm mưu vẫn phải che giấu, người tốt vẫn phải mang tiếng xấu, loài người vẫn tiếp tục tham lam và sẽ vẫn có nhiều người phải chết oan để chuộc tội cho lòng tham của nhân loại. Thế giới vẫn tiếp tục ở trong một nền hòa bình giả tạo.

Hà Thủy Nguyên

Home 2018 Tháng Hai

Tình bạn – Dòng chảy của ý tưởng

Không nhiều người viết về tình bạn, bài viết của Hamvas Bela nhận định như vậy, và điều đó không sai. Tình bạn đúng như ông nói: một mối quan hệ đủ sức tiết chế mọi đam mê và ác quỷ. Ác quỷ, rủi thay, lại bảo trợ cho nghệ thuật, và bởi thế, khó có thể có được những tác phẩm hay về tình bạn. Điều này không có nghĩa tình bạn là một cái gì đó mơ hồ, và càng không phải chỉ là một mối quan hệ đơn thuần. Nếu tình yêu là con đường của sự hòa hợp từ thể xác đến tinh thần, thì tình bạn là sự kết nối giữa tâm hồn với tâm hồn.

Trong chiêm tinh học, vị trí của Tình Bạn được quản trị bởi Chòm Bảo Bình và Thiên Vương tinh (Uranus). Chòm Bảo Bình có tượng là “Thần mang nước”, và hình tượng này xuất hiện trong cả truyền thuyết của Ai Cập, Hy Lạp và Babylon. Về sự tích của Chòm Bảo Bình có nhiều thuyết, có thuyết cho rằng đó là chàng Gynamede, anh chàng có vẻ đẹp toàn mỹ được Zeus đưa lên Olympia để rót rượu cho các vị thần; có thuyết cho rằng đó là Deucallion – người đàn ông duy nhất còn sống sau Đại Hồng Thủy và đã tạo ra loài người ngày nay. Nhưng dù thế nào, chòm Bảo Bình là tượng trưng cho nguồn cảm hứng, cội nguồn của ý tưởng và sự đột phá. Hành tinh Uranus có truyền thuyết gắn với vị Titan đầu tiên của vũ trụ. Uranus đại diện cho sự khai sinh, khởi thủy. Dường như có một sợi dây liên hệ nào đó giữa Tình Bạn và dòng chảy của ý tưởng.

Câu chuyện về tình bạn Bá Nha – Tử Kỳ đến giờ vẫn không khỏi làm động tâm người được nghe kể. Bĩu môi dè bỉu rằng đó là chuyện không tưởng, hoặc đồng cảm về sự sâu sắc, còn tùy vào việc người đó có tương thích về mặt ý tưởng hay không, nhưng không thể làm ngơ trước câu chuyện này. Bá Nha là nhạc sĩ nổi tiếng thời Đông Chu, ông có tiếng đàn làm xao động lòng người. Một lần, trong chuyến du ngoạn, ông gảy một khúc nhạc, chàng thư sinh nghèo Chung Tử Kỳ lắng nghe say đắm. Khi khúc nhạc tấu xong, Chung Tử Kỳ thốt lên rằng như thấy khung cảnh “cao sơn lưu thủy” trong bản nhạc. Vào thời khắc ấy, ông biết rằng mình đã gặp được tri kỷ. Nhưng một thời gian sau, Chung Tử Kỳ vì cảnh sống nghèo khổ nên qua đời sớm, Bá Nha đập vỡ cây đàn của mình và than rằng: “Tử Kỳ chết rồi, ta còn gẩy đàn cho ai nghe nữa”. Âm nhạc vốn vô ngôn, nếu không phải có sẵn dòng ý tưởng tuôn chảy trong thanh âm của Bá Nha và kích hoạt phần ý tưởng của Tử Kỳ thì làm sao có thể có mối quan hệ tri âm tri kỷ như vậy.

Rồi đến quan hệ của Nieztches và Wagner. Hai người này là bạn thân của nhau rồi quay sang hận nhau. Nhưng dù hận nhau, người ta vẫn thấy sự tương đồng trong “Zarathustra đã nói như thế” và thiên trường ca Opera “Der ring des Nibenlungen” – ý tưởng của những kẻ vô chính phủ, những kẻ siêu việt lên trên mực thước tầm thường của con người, của những kẻ tiếc nhớ bản chất Titan của mình. Và khi chạm tới phần Titan ấy, họ rời xa con người hàng ngày đi lại của họ, sống trọn vẹn trong thế giới của Uranus, của ý tưởng khởi nguyên.

Càng ngày càng ít tình bạn đẹp đẽ. Nếu không chìm đắm trong dục vọng thì con người cũng bị che mờ bởi mối quan hệ mang tính con buôn – mối quan hệ trao đi đổi lại. Sai lầm hơn, con người đã nhầm lẫn mối quan hệ trao đổi ấy với tình bạn cao quý, gắn tình bạn với thứ tình cảm đám đông mờ nhạt. Và điều đó khiến chúng ta bị phân mảnh, bị lạc lõng. Có thể đôi lúc, trên đường đời, chúng ta gặp đâu đó những người bạn thúc đẩy chúng ta chạm tới dòng chảy ý tưởng, nhưng rồi chúng ta lại bị lôi đi bởi vô vàn mê hoặc của thời đại Thông tin. Dòng chảy không thể liền mạch, việc xuất hiện tình bạn chỉ như con đom đóm trong đêm đông rét mướt mà thôi.

“Ý tưởng luôn luôn bất tử, nếu ta có thể khiến chúng tái sinh” (Stanislaw Jerzy Lec). Khi ý tưởng tái sinh không đúng thời điểm, ta không thể gặp được một người có chung dòng chảy, chung một độ mãnh liệt… thì ta sẽ dễ có cảm giác mình đã “đầu thai nhầm thế kỷ”, rằng những người bạn của ta vẫn còn đang tồn tại ở một thế giới nào khác, Cũng đừng buồn, một lúc nào đó trong vòng luân hồi vô tận của vũ trụ, ta sẽ trở về với dòng chảy nguyên thủy và tinh khiết, còn nhiệm vụ của ta trong thế giới thực tại này chỉ đơn giản là một cái lạch nhỏ để ý tưởng không gián đoạn, để một ai đó ở thế hệ sau biết rằng họ không cô đơn trong vũ trụ, và để khẳng định một điều Tình Bạn có thể không tồn tại ở thế giới vật lý nhưng vẫn luôn tồn tại ở thể trí của nhân loại.

Trích wordpress Hà Thủy Nguyên ngày 4 tháng 6 năm 2013