Home 2019 Tháng 6

Ồn

Những tiếng ồn trườn qua tôi
Ồn lý tưởng
Ồn đau đớn
Ồn tham vọng
Ồn khoe mẽ

Im đi, im đi thế giới
Lim dim giấc ngàn thu
Những xác chết khô chẳng cam tâm rục lặng câm
Chúng cứ nói, và nói, và nói
Nhét lời vào mồm kẻ sống
Và tự huyễn về tinh thần bất tử

Sinh ra trong ồn
Chết đi trong ồn
Biến bản thân thành huyên náo
Cách mạng đấy ư?

Ta đã đổi thay gì cho thế giới
Ồn, ồn nữa, ồn mãi
Vứt một lời giữa ồn
Niên đại mới sang trang

Ồn
Bệnh viện tâm thần ẩn cơn điên
Gương mặt kẻ lại qua đều ánh màu biến thái

Thế kỷ tôi đang sống
Cờ chính nghĩa phất cao
Trong tay lũ tâm thần

Bài thơ này tới đây đã bén mùi điên loạn
Khi tôi lạc lối trong bệnh viện tâm thần
Bài thơ này sẽ kết thúc
Bằng một chữ “L”,
Và bạn có thể đặt nó vào nơi bạn thích
Quyền của bạn đấy
Hỡi bọn điên!

Và đây là “L”

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 Tháng 6

Ngõ mưa – Đới Vọng Thư

Bản dịch của Hà Thủy Nguyên

Mở bung ô giấy dầu, lẻ bước
Phảng phất nơi xa ngái, vời vợi
Hiu hắt trắng ngõ mưa rơi
Ta mong mỏi ngóng chờ
Một dáng hình như đóa đinh hương
Nàng tựa như tủi lại như hờn.

Nàng đấy ư
Dung nhan nàng dáng vẻ đinh hương
Hương thơm nàng ngát vẻ đinh hương
U sầu nàng đượm dáng đinh hương
Tủi hờn nơi ngõ mưa
Lại phảng phất nhớ thương.

Nàng phảng phất nơi mưa trắng quạnh hiu
Ô giấy dầu ngõ mưa
Đơn độc như ta
Cũng đơn độc như ta
Âm thầm bước ngập ngừng
Cũng âu sầu, lạnh lẽo, thê thương.

Nàng lặng lẽ tới gần
Tới gần, lại bước qua
Mắt ánh lộ một vẻ bâng khuâng
Nàng thoảng qua
Quẩn quanh như giấc mộng
Mênh mang hiu hắt quẩn quanh như giấc mộng

Thoảng qua trong giấc mộng
Vẫn một đóa đinh hương
Tôi thoáng gần nàng khoảnh khắc
Nàng lặng lẽ bước xa xăm, xa xăm
Xa xăm nơi bờ tường đổ nát
Ngõ mưa đã tận rồi.

Đường quanh quẩn mưa sầu
Nhan sắc nàng phai nhạt
Hương thơm nàng tản mát
Và ngay cả nàng, cũng tiêu tan
Ánh mắt đượm vẻ bâng khuâng
Đinh hương vẫn cứ buồn thương

Mở bung ô giấy dầu, lẻ bước
Phảng phất nơi xa ngái, vời vợi
Hiu hắt trắng ngõ mưa rơi
Ta mong mỏi ngóng chờ
Một dáng hình như đóa đinh hương
Nàng tựa như tủi lại như hờn.

*Đới Vọng Thư (1905 – 1950), là một nhà thơ Tượng Trưng của Trung Quốc. Ông là người đã dịch nhiều bài thơ của Baudelaire và Verlain sang tiếng Trung.

Bức tranh vẽ một ngày mưa ở Triết Giang của họa sĩ hiện đại Xu Xi (1940)

Nguyên tác:
雨巷
撑着油纸伞,独自
彷徨在悠长,悠长
又寂寥的雨巷,
我希望逢着
一个丁香一样的
结着愁怨的姑娘 。

她是有
丁香一样的颜色,
丁香一样的芬芳,
丁香一样的忧愁,
在雨中哀怨,
哀怨又彷徨;

她彷徨在这寂寥的雨巷,
撑着油纸伞
像我一样,
像我一样地
默默彳亍着,
冷漠,凄清 ,又惆怅。

她静默地走近
走近,又投出
太息一般的眼光,
她飘过
像梦一般地,
像梦一般地凄婉迷茫。

像梦中飘过
一枝丁香的,
我身旁飘过这女郎;
她静默地远了,远了,
到了颓圮的篱墙,
走尽这雨巷。

在雨的哀曲里,
消了她的颜色,
散了她的芬芳,
消散了,甚至她的
太息般的眼光,
丁香般的惆怅。

撑着油纸伞,独自
彷徨在悠长,悠长
又寂寥的雨巷,
我希望飘过
一个丁香一样的
结着愁怨的姑娘

Home 2019 Tháng 6

Gió mưa

Ghim mưa
Khoảnh khắc
Hải hồ

Ô cửa sổ mờ hơi
Nụ hôn
Đọng môi
Mưa gió

Lênh láng tự tình
Sân chùa gió nổi
Ướt đầm kinh đêm
Chuông chùa khơi niềm tục

Bung cánh rụng
Hoa một đêm mưa
Hứng khởi
Da thịt một đêm mưa
Tình
Quay cuồng đắm chìm mưa gió

Bên kia mưa là mưa
Cao hơn gió là gió
Sâu hơn tình là chi?

Nhân gian nay đã ướt tình chưa?

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 Tháng 6

Lạc

Trúc
Cổ thi mảnh
Đôi bướm xanh
Lạc lạc
Thành phố thoảng thơ bay

Trúc xinh, trúc xinh
Nhã dáng hình
Ta viết một điệu tình
Nay ai nghe đâu

Mây qua kẽ trúc mảnh khảnh ngón
Níu
Mây trôi

Gió nổi hương thanh đạm
Nay ai dừng chân
Những cố nhân đã quen mùi phàm tục

Lạc lạc
Một vần thơ lạc nhịp
Điệu thành phố giao hưởng bất tuân
Trúc xinh lạc dáng hình
Giữa hàng cây không thẳng
Không mảnh khảnh níu buông

Thôi thì
Mặc phố lăn bụi bặm
Mặc mây đã trôi bay
Níu ngón trúc
Níu thơ lạc chiều nay
Ai ơi níu nhẹ hờ hờ
Kẻo rụng!

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 Tháng 6

Giải mã triết học huyền bí của Hamvas Béla

Hà Thủy Nguyên viết

Tôi bắt đầu đọc Hamvas Béla vào năm 2013 với bản dịch cuốn “Câu chuyện vô hình & Đảo” (Dịch giả Nguyễn Hồng Nhung), ban đầu được đăng tải trên website Ăn mày văn chương, và sau đó được NXB Tri Thức ấn hành. Ấn tượng đầu tiên về Béla đó là một nội lực cuồn cuộn nhưng bị nén lại trong lý trí triết học. Nội lực ấy được khơi nguồn bởi các minh triết cổ xưa trong tinh túy tâm linh của cả phương Tây và phương Đông. Bằng những diễn ngôn triết học, Hamvas Béla đã lý giải các tinh túy tâm linh ấy và qua nhãn quan của tinh túy tâm linh để lý giải các vấn đề tâm thức thời đại nói riêng và nhân loại nói chung. Bởi vậy Hamvas Béla gọi hành vi viết của mình như một thực hành yoga tâm trí.

Thời đại Hamvas Béla sống

Hamvas Béla (1897 – 1968) sống trong một thời đại đầy xung đột tại Hungary, và hơn ai hết, ông nhận thức được rằng mình vừa là một nạn nhân của thời đại, vừa gánh vác trên vai sứ mệnh duy trì điều thiêng giữa thời đám đông, vừa phải vượt qua những lực kéo xuống ô trọc từ thời đại của mình. Ở trong ông là một cuộc “thánh chiến” nội tâm, mà tại đó ông buộc phải vượt thoát lên.

Ông đã đúc rút thế này về tình trạng của mình:

“Tôi đang ở trong đám dân chúng này, trên trái đất này, mọi ý đồ của tôi vô hiệu quả, mọi từ ngữ của tôi vô ích, mọi kế hoạch của tôi đổ vỡ, tôi đã thất bại, một cách không phát hiện ra, thừa thãi và chẳng ai biết đến.

Tôi không nhìn thấy biển, nơi tôi muốn được chết trên bờ, tôi không cảm thấy vị hương của cây vả và hàng thông bên bờ biển mà gió bắc đã mang tới từ thung lũng, và tôi cũng không nghe thấy tiếng những ngọn sóng đập vào triền đá. Đấy cũng là sự thất bại nơi đây. Thần hộ mệnh của tôi không hiện. Không gì là nỗi an ủi của tôi.

Tôi biết sẽ không có thế hệ sau nối tiếp để tôn trọng. Cái tôi đã làm,  phi con người tới mức chẳng loại thế hệ nào cảm thấy thoải mái với nó. Tôi không lấy lòng ai, kể cả họ. Không ai có thể đòi hỏi tôi phải chứng minh. Chưa bao giờ có một kẻ như thế ở đây, kẻ không đáng được ưa đến thế. Ngoài ra, cũng thế mà thôi, thế hệ sau! Họ sẽ không có hứng thú để nhọc mệt với giấy bút.

Sẽ tiếp theo là khoảng thời gian mà người ta quên hết quá khứ. Hiện tại sẽ bắt phải quên quá khứ đi bằng những con người- không phải vì con người  sẽ vô cùng hạnh phúc, mà chính bởi vì họ vô cùng bất hạnh, đến mức, sẽ không ai làm dịu nổi mọi nỗi đau khổ của họ.

Tại sao họ cần phải tìm ra tôi, kẻ không hề có chút đồng cảm nào với họ?  Ngoài ra thời đại của chữ cũng đã trôi qua. Viết là một nỗi đam mê bất hợp lý, và sẽ là như thế. Người ta quên tất cả những ai đã viết, kể cả tôi.

Tôi có đủ tỉnh táo để nói ra, cho dù sự kết án có trầm trọng đến mấy, đặc biệt đối với chính bản thân tôi,  kẻ sống giữa những mức độ phi lý khủng khiếp trong đời sống, giữa những gì tôi đã hoàn thành và những gì người ta nhận ra từ tôi. Và thế là, cái tôi đã làm, vĩnh viễn  mất.” (1)

Đó là những câu viết tràn ngập tuyệt vọng nhưng vẫn có một màu bi tráng, cùng một tinh thần với S.L.Frank: “…bóng tối vốn bất lực trong nội tại trước ánh sáng, nhưng lại có thể tiếp tục ngoan cố trước ánh sáng. Bóng tối tồn tại vì rằng ý chí độc ác lẩn trốn ánh sáng, né tránh nó. Ánh sáng thần thánh có sức mạnh toàn năng hóa ra lại vẫn không có sức mạnh toàn năng hiện hữu thường nghiệm của chốn trần gian, vì nó bị ý chí độc ác của con người khác cự lại” (2). Tôi đã đề cập đến sự tương đồng này trong bài viết về cuốn “Ánh sáng trong bóng tối” . Dường như, ở những năm tháng thế kỷ 20, có một cuộc chiến không ngừng nghỉ giữa ánh sáng và bóng tối, giữa cái thiêng và cái phàm tục, giữa tinh thần cá nhân và đám đông, mà trong đó ánh sáng – cái thiêng – cá nhân đều đơn độc chống cự. Lịch sử nhân loại luôn có những cuộc chiến như vậy, nhưng thế kỷ 20 chứng kiến cuộc chiến ấy gay cấn hơn bao giờ hết, nhiều bi thương hơn bao giờ hết, tới mức những tư tưởng lớn, những tiếng nói cuộn trào nội lực trong văn chương được bùng trào từ chính thất bại trước thời đại, để rồi ánh sáng ấy không hề lịm tắt.

Chính sự thất bại chứ không phải thành công đẩy những nhà triết học vào một cái nhìn thấu suốt bản chất của sự kiện và sự tồn tại của chính mình, như thể họ được thiết kế để trưởng thành từ chính thất bại của bản thân mình. Và nếu họ không phải được thiết kế để thất bại, thì họ sẽ vẫn chỉ là những người nghiên cứu triết học, nhà báo, những trí thức bình thường; với thất bại, họ trở thành triết gia, nhà văn, những bộ não lớn của thế kỷ 20. Hamvas Béla là một trong số ấy.

Hamvas Béla đến với triết học cũng từ một thất bại trên chiến trường. Mặc dù nhập ngũ để thực hiện nghĩa vụ quân sự của mình với quốc gia, nhưng ông bị thương và phải trở về nhà. Đây là thời điểm ông bắt đầu biết đến Nietzsche, rồi Kant, Rimbaud, Dostoyevsky, Schopenhauer… Khi đọc tác phẩm “Phê phán thời gian” của Kierkegaard, ông đã nhận ra rằng có một điểm tối đằng sau những hỗn loạn không phải chỉ của thời đại này, mà còn của cả dòng lịch sử nhân loại: “Không xã hội, không nhà nước, không thi ca, không tư tưởng, không tôn giáo, những gì hư hỏng và đầy rẫy dối trá. Đúng vậy, tôi nghĩ. Nhưng điều này cần phải bắt đầu từ một khi nào đấy. Tôi bắt đầu đi tìm chấm đen này. Hạt nguyên tử, hay sự dối trá đầu tiên… Tôi quay trở lại từ giữa thế kỷ đã qua đến cách mạng Pháp, đến thời kỳ ánh sáng, đến chủ nghĩa duy lý, từ thời trung cổ đến những người Hy lạp, đến những người Heber, Ai cập, đến người mông muội. Sự khủng hoảng đâu đâu tôi cũng bắt gặp, nhưng sự khủng hoảng còn nói lên một cái gì đó sâu sắc hơn. Chấm đen này còn ở phía trước, phía trước nữa. Tôi đã vấp phải lỗi lầm đặc thù của người châu Âu, đi tìm chấm đen bên ngoài con người mình, thực ra nó nằm trong bản thân tôi…” (3)

Con đường tư tưởng lúc bấy giờ đã dần hé mở với ông, và khiến ông đi sâu hơn vào các truyền thống cổ tinh thần cổ xưa của nhân loại như các hiền triết Hy Lạp cổ đại, Trung Quốc cổ đại… Ông từng thành lập nhóm Đảo cùng Kerényi Karoly, với cảm hứng chủ đạo là tinh thần Hy Lạp cổ đại, tụ tập rất nhiều các nhà văn và triết gia Hungary đương thời. Thế nhưng, nhóm Đảo không tồn tại lâu. Ông còn đứng ra tổ chức một dự án dài hơi có tên “Đại sảnh các vị tiền bối cổ” dịch thuât các tác phẩm cổ xưa ra tiếng Hungary. Cho tới khi ông hoàn thành cuốn đầu của bộ tác phẩm “Scientia Sacra” vào năm 1943 (Bản dịch tiếng Việt: “Minh triết thiêng liêng” –  Nguyễn Hồng Nhung dịch, NXB Tri Thức, 2017), thì ông đã thực sự trở thành một phần của xu hướng khôi phục các giá trị tinh thần cổ xưa của châu Âu, như một xu hướng  trái chiều cần thiết với thời đại của văn minh công nghiệp.

Đây là một xu hướng học thuật quan trọng diễn ra ở toàn thể châu Âu trong thế kỷ 19 và thế kỷ 20, khi cuộc Cách mạng Công nghiệp diện rộng đã làm thay đổi bộ mặt của châu Âu. Nếu những cuộc cách mạng của đám đông mà khởi điểm là sự kinh hoàng của sự kiện Cách mạng Pháp 1789 trao quyền lực vào tay đám đông, thì cuộc cách mạng công nghiệp lại tạo một nền tảng vững chắc để đám đông thực sự ngự trị trên mọi phương diện tinh thần. Không còn những ông hoàng bà chúa yếu ớt, mà là những thế lực ưa chuộng vật chất tới mức lấy vật chất làm thước đo cho các giá trị tinh thần. Văn chương và nghệ thuật không còn hướng tới điều cao cả của tinh thần mà được sáng tác để phù hợp với tầng lớp thị dân mới ít học với những đau khổ và quằn quại của thiếu đói vật chất. Đây thực sự là một đày đọa với các cây viết vốn đã gắn chặt bản thân với những điều cao cả và luôn mong muốn dành những trang viết của mình cho những mục đích cao vời. Ta có thể thấy tâm trạng đó ở nhiều cây bút lớn của nền văn học và triết học Châu Âu như Schopenhauer, Nieztches, William Wordsworth, Lord Alfred Tennyson, Oscar Wilde, Henry David Thoreau…

Họ tìm cách hồi sinh những truyền thống tinh thần đẹp đẽ trong suốt lịch sử châu Âu, vừa như để phòng thủ trước các tạp nhiễm của thời đại, vừa để gìn giữ truyền thống tinh thần ấy khỏi sự vùi dập của thời đại. Hamvas Béla cũng như các cây viết theo xu hướng này ý thức được rằng, điều quan trọng trước hết đó là tiến hành cuộc chiến chống lại đám đông ngay trong chính mình và bằng mọi hành vi của mình. Bằng thức nhận này, Hamvas Béla đã bắt đầu sự nghiệp triết học của mình như một triết gia huyền bí, và coi hành vi viết là một thực hành tâm linh mãnh liệt, cũng giống như các bậc tu sĩ đã dứt bỏ thế tục để quay vào cuộc chiến bên trong mình, như một con đường tất yếu để đương đầu với cuộc chiến dữ dội đang xảy ra ở bên ngoài.

Thời điểm Hamvas Béla thực hiện cuộc “thánh chiến” bên trong mình cũng là những năm tháng gay gắt nhất của chiến tranh thế giới ảnh hưởng tới Hungary. Hungary liên tiếp trải qua chiến tranh với Nam Tư (mà trước đó, gia đình Hamvas Béla sống ở  Slovakia và đã tuyên bố không trung thành với nhà nước này, nên phải chuyển đến Hungary), rồi chính thức tham gia chiến tranh thế giới thứ II. Hamvas Béla cũng như nhiều người đàn ông khác, buộc phải tham gia quân đội và chắc hẳn chứng kiến không ít những đau thương của chiến trận. Trước chiến tranh, ông làm thủ thư ở Thư viện trung ương tại Budapest, nhưng cuộc chiến tranh đã chấm dứt đời sống lý tưởng này của ông. Tệ hại hơn, chiến tranh đã tàn phá toàn bộ tủ sách cá nhân và các bản thảo của ông trong một cuộc đánh bom khiến căn hộ của ông phát nổ. Những mất mát này có lẽ dần dần đã nuôi dưỡng ý thức giữ gìn truyền thống tinh thần trong suốt cuộc đời của ông.

Khi Liên Xô chiến thắng Phát xít và thiết lập sự ảnh hưởng của mình ở Đông Âu mà Hungary là một trong số ấy, Hamvas Béla bị liệt kê vào danh sách các tác giả bị cấm lưu hành và xuất bản. Ông không được quay trở về làm một thủ thư mà trở thành một người làm vườn lặng lẽ và cô độc. Thế nhưng, con đường triết học của ông không hề bị ngưng nghỉ, và đây cũng là quãng thời gian ông thực hành những trải nghiệm tinh thần của mình một cách toàn bộ cho tới cuối đời.

Năm 1956, tại Hungary, một cuộc chính biến đẫm máu đã diễn ra để chống lại chính phủ thân Liên Xô, mở đầu bằng cuộc biểu tình của sinh viên và sau đó lan rộng, hình thành nên các lực lượng dân quân, dẫn tới tình trạng bất tuân và bùng phát bạo lực. Trước sự kiện này, Hamvas Béla không thấy hưng phấn vì chứng kiến những kẻ đã giam cầm ông trong sự thất bại buộc phải thất bại, mà ngược lại, ông càng thấy ghê sợ hơn sức mạnh của đám đông, thấy rõ lực văng trở lại của những bạo ngược mà đám đông mang lại với những tác phẩm đương thời sặc mùi tuyên truyền. Ông viết: “Tôi đánh cuộc rằng, như những cảm tử quân khắc tên mình vào lịch sử, những kẻ mất dạy bẩn thỉu này sẽ tâng bốc, ca ngợi lẫn nhau, và dẫn dắt nhau vào lịch sử…” (4). Thái độ này cho thấy, ông không phải là một triết gia chống lại Chủ nghĩa Cộng Sản hay sẵn sàng trở thành một con tốt của thời đại để đứng về phe phái này lật đổi phe phái kia, ông luôn giữ một vị thế tách biệt với các dạng đám đông của thời đại.

 

Những nền tảng tư tưởng của Hamvas Béla

Hamvas Béla đã đi một chặng đường dài từ triết học đến tư tưởng tâm linh, từ những nỗi đau thời đại đến những thực hành tinh thần. Ngay từ những tác phẩm ban đầu của mình cho đến những tác phẩm cuối cùng, chặng đường của ông là một tuyến thống nhất đi lên, không có những ngã rẽ.

Năm 1936, những bài tiểu luận đầu tiên của ông được xuất bản trong tập “Magyar Hüperion” (“Hungary Hyperion”). Trong tập tiểu luận này, những cá tính và những ám ảnh của Hamvas Béla được biểu hiện rõ. Ta thấy ở ông một con người dữ dội và duy ngã độc tôn – một yếu tố cần thiết để trở thành cây viết đơn độc. Ông chia sẻ:

“Tôi cho rằng nếu tôi đạt tới quyền lực, tôi sẽ tuyên bố sự thống trị hàng nghìn năm trời của mình bằng hàng răng đánh vào nhau run cầm cập. Sẽ chưa từng có một bạo chúa phương Đông, một hoàng đế La mã, một thủ lĩnh Inka nào dám đối xử với dân chúng một cách phi nhân tính đến thế. Và cái khủng khiếp nhất trong sự thống trị này là trong tôi không có một tý gì của sự tàn bạo.

Tôi không ước sự ngây ngất trước đau khổ của những kẻ khác. Tôi chỉ không quan tâm tới họ. Giống như tôi không hề quan tâm đến chính bản thân mình. Các đo lường của tôi không mang tính chất người. Tôi điên chăng? Nếu bạn làm mất đi cái gì đó bệnh hoạn từ khái niệm này,  tôi sẽ bảo: đúng. Theia mania.” (5)

“Hungary Hyperion” là một chuỗi suy nghĩ lộn vào bên trong để cố giải mã tình trạng của mình. Tập tiểu luận này mang đậm các dấu ấn riêng tư của Hamvas Béla, khi ông còn ở thời kỳ đầu của các chiêm nghiệm. Từ sự soi chiếu bên trong này, ông xem xét thế giới bên ngoài. Tại sao là “Hyperion”? Hyperion là tên một titan cổ xưa, gắn liền với ý niệm từ trên cao quan sát hoặc hướng thượng. Đặt tên tập tiểu luận cho thấy điểm nhìn mà  Hamvas Béla lựa chọn đó là hướng về sự cao cả vượt lên trên những thói quen đám đông đang diễn ra ở thời đại của mình.

Cảm hứng của titan Hyperion này đã tiếp tục ám ảnh Hamvas Béla khi ông viết tập tiểu luận “Câu chuyện vô hình”( “A láthatatlan történet”, 1943) . “Câu chuyện vô hình” là một tập tiểu luận về tinh thần titan, của những sức mạnh nguyên sơ bị kìm nén bởi lý trí và bùng phát bởi vô thức trong suốt lịch sử nhân loại. Lựa chọn titan chứ không phải các vị thần Hy Lạp để làm biểu tượng cho tinh thần bản thân mình, Hamvas Béla không chọn lựa các ý tưởng thiết lập trí tuệ gắn liền với cộng đồng người mà quan tâm đến các ý niệm siêu hình gắn liền với tự nhiên. Nếu chúng ta so sánh tên của các titan với tên của các vị thần, ta sẽ thấy rằng tên của các titan gắn liền với các sức mạnh tự nhiên hoặc các ý niệm siêu hình ví dụ như Uranus (bầu trời), Chronos (thời gian), Selene (mặt trăng)… trong khi chức năng của các vị thần lại gắn với mô hình cộng đồng người ví dụ như Dionysus (tiệc tùng và rượu nho), Hermes (giao thương và truyền đạt thông tin), Hades (phân xử ở âm phủ)…

Sự khác biệt hai mô hình này được biểu hiện qua chương Hamvas Béla viết về Poseidon trong tập tiểu luận “Câu chuyện vô hình”. Trong chương này, Poseidon được đặt trong sự đối sánh với titan Nereus – vị titan của biển cả, và theo Hamvas Béla thì hình tượng Poseidon là một sự biến dịch từ Nereus khi con người đã chuyển từ hồng hoang sang thời kỳ lý trí, chuyển từ văn hóa rừng sang văn hóa biển. Ông cho rằng thuở ban sơ, vị thần biển này là vị thần rừng với biểu tượng tín ngưỡng điển hình nhất: chiếc linga (thông qua biểu tượng đinh ba). Linga – bộ phận sinh dục, đại diện cho sức mạnh gốc, sức mạnh phồn sinh, thứ bản năng dữ tợn của vô thức trào dâng. Hamvas Béla tuyên bố, Poseidon – bị đồng nhất với vô thức, cần phải bị chế ngự bởi kỷ luật. Cũng trong chương này, Hamvas Béla thể hiện một thái độ khinh thị với các hình tượng thần Olympus và quyền lực ở Olympus. Olympus ở đây có thể xem như một đại diện của một dạng quyền hành nhà nước, thứ mà các triết gia như Hamvas Béla căm ghét. Hamvas Béla đứng về phía các titan – quyền lực của tự nhiên. (6)

Ông hướng về bản thể đầu tiên của con người – “LINH HỒN ĐẦU TIÊN”, và khẳng định rằng với dạng thể nguyên bản này, “thiên nhiên là thế giới cao nhất, mà nó còn hiểu được. Nhưng nó tự hiểu, và hình dung giống như là nó. Như thể thiên nhiên không có nhiều, chỉ có MỘT. Như thể thiên nhiên không phải cái bên ngoài, mà là bên trong. Như thể thiên nhiên không phải cảnh vật, mà là một THỰC THỂ. THỰC THỂ LỚN. THỰC THỂ LỚN không đàn bà, cũng chẳng đàn ông.” (7) Và ông cho rằng, chỉ những con người sáng tạo và tách biệt khỏi nền văn minh vật chất mới nhận thức được LINH HỒN ĐẦU TIÊN này. Và chặng đường con người phải đi sau khi đến với LINH HỒN ĐẦU TIÊN chính là tiến đến LINH HỒN TẠO HÓA, tới toàn thể.

Từ niềm cảm hứng và suy luận ấy, ông đã đi tiếp chặng đường tâm linh của mình và luôn đối sánh chặng đường ấy với toàn bộ truyền thống tâm linh của nhân loại. Một mặt, ông lý giải các trải nghiệm tâm linh của mình bằng các kiến thức huyền học và tôn giáo, một mặt lại đồng nhất những trải nghiệm của mình với các trải nghiệm của tiền nhân. Bởi thế, đọc Hamvas Béla, nếu chỉ xem xét ông ở khía cạnh triết học mà quy tất cả các hình tượng ông sử dụng như một dạng ẩn dụ thì đó là sự thiếu sót lớn. Ông cần được xem xét như một chỉnh thể liên đới giữa triết gia – ẩn tu – nhà thơ. Triết học qua suy luận, tâm linh qua các nền tảng tôn giáo và huyền môn, nhà thơ qua sự bùng nổ của niềm cảm hứng. Tôi cho rằng đây là ba cột trụ thực hành tâm linh của Hamvas Béla và được ông truyền tải qua các trang viết của mình.

Khía cạnh triết gia: Đây là khía cạnh dễ dàng nhận thấy ở Hamvas Béla, bởi tất cả người đọc ai cũng biết rằng ông là một nhà triết học và danh phận của ông với thế gian cũng là một nhà triết học. Ông bắt đầu với Nieztches, nhưng triết gia thực sự gây kích thích với ông là Karl Jaspers với tiểu luận “Szellem és egzisztencia” (“Linh hồn và Tồn tại”, 1941), được xem là cảm hứng chính cho những suy tư của Béla.

Khía cạnh tâm linh: Mặc dù Hamvas Béla không được đề cấp đến như một trong số các nhà tâm linh của thế kỷ 20, nhưng các trang viết của ông chứa đựng nhiều kiến giải về tâm linh, và cho dù đề cập đến triết học hay thơ ca, thì rốt cuộc ông vẫn lái hướng sang các trải nghiệm tâm linh của mình. Sẽ không quá khi gọi ông rằng ông là một nhà triết học tâm linh hay thẳng thừng hơn, một nhà tâm linh. Ông đề cập đến rất nhiều truyền thống tâm linh và tôn giáo cổ xưa, từ chiêm tinh học, tarot, yoga, thiền định, Hermetica, numerology, Kinh Dịch, giả kim thuật, Thiên Chúa giáo, Phật giáo… Ông vừa tìm sự tương đồng và liên hệ giữa các truyền thống này, lại vừa gắn chúng với các chiêm nghiệm và thực hành của bản thân. Từ “Câu chuyện vô hình”, ta đã thấy một quy trình viết lặp đi lặp lại ở ông: Lý giải một hiện tượng bằng cách đối sánh hiện tượng ấy với các truyền thống tâm linh cổ xưa và liên kết bằng sự duy lý triết học hoặc tư duy tượng trưng và gợi tả của thơ ca.

Phương pháp này tiếp tục được hoàn thiện trong một loạt các trang viết khác trong “Scientia Sacra” (Dịch sát nghĩa là “Khoa học thiêng”, dịch giả Nguyễn Hồng Nhung dịch là “Minh triết thiêng liêng”). Hamvas  Béla đã mở rộng trường nghĩa của “scientia” – khoa học, và đưa nghĩa của khái niệm này trở về với nghĩa nguyên gốc từ tiếng Latin cổ – “tri thức”, chứ không phải như một phương pháp duy nghiệm. Tức là, Hamvas Béla chọn con đường tiên nghiệm qua các ý tưởng như Plato và các triết gia Hy Lạp cổ đại trước Aristotle lựa chọn thay vì sự chứng thực, và đây là con đường duy nhất để dẫn triết học với tư cách như một bộ môn khoa học đến gần với tôn giáo và tâm linh.  “Minh triết thiêng liêng” gồm 3 quyển: Quyển 1 bàn về truyền thống cổ và khẳng định sự vĩ đại của truyền thống cổ (tôi sẽ đề cập lại vấn đề này ở phần bàn về chủ nghĩa truyền thống), quyển 2 bàn về các phương thức huyền bí của truyền thống cổ, quyển 3 bàn về truyền thống Kito giáo và lý giải hiện tượng chống Kito dưới cái nhìn của một nhà tâm linh.

Khía cạnh thơ ca: Hamvas Béla luôn dành một vị trí cao quý cho thơ ca. Ông cho rằng thơ ca là hình thức gần gũi với triết học nhất, và hơn cả thế, gánh vác trách nhiệm gìn giữ điều thiêng trong khi tất cả đã từ bỏ nghĩa vụ này: “Từ giây phút trong cái vòng tròn thiêng ấy chỉ còn duy nhất THI SĨ sót lại,  bắt buộc đảm nhận quyền lực của vua chúa, đảm nhận phẩm chất của giới quý tộc, thói quen nghi lễ của linh mục, bản năng chiến đấu của người quân nhân, tri thức về sự thật của quan tòa, nỗi say mê ngây ngất của nghệ sĩ, của nhà bác học – từ giây phút ấy nhà thơ đã vượt hẳn tầm vóc của nhà thơ.” (8) Không chỉ bàn về những nhà thơ lớn và phẩm chất tinh thần mãnh liệt của họ, gắn tinh thần thơ của họ với các trải nghiệm tâm linh của chính ông, Hamvas Béla còn biến những trang viết của ông thành thơ ca bằng cách sử dụng chuỗi diễn đạt phi tuyến tính, tràn ngập hình ảnh tượng trưng, sử dụng những cụm từ mạnh và bạo liệt để diễn tả những trạng thái tinh thần của mình. Văn chương của Hamvas Béla, có thể nói, như những vần thơ trong một cuộc hiến tế đẫm máu trong khu rừng rậm nguyên sơ.

Từ cái nhìn của một titan quan sát từ trên cao và ba lăng kính soi chiếu thế gian, Hamvas Béla cố gắng lý giải mã các hiện tượng vừa mang tính thời đại lại vừa mang tính vĩnh cửu: sự tàn phá của đám đông, phục hưng truyền thống cổ, lý giải yếu tố tâm linh đằng sau sự sáng tạo, hướng về điều thiêng như một con đường tất yếu.

“Sự tàn phá của đám đông là nỗi ám ảnh với tất cả các trí thức. Đám đông tàn phá tất cả, như những gì Gustav LeBon đã nhận định, và trong thế kỷ 20, đám đông càng trở nên hung tàn với những vũ khí hủy diệt trong tay và những phương tiện tuyên truyền như thể công lý và chính nghĩa đều thuộc về đám đông. Đây là thời kỳ, cách đây năm mươi năm Le Bon đã từng nói, những hoạt động vô thức của đám đông thay thế cho những hoạt động có ý thức của cá nhân.

Sự thay thế này lúc đó không chỉ có vẻ vô hại mà còn được mong đợi. Một số người đã kích động đám đông bạo động. Marx và các tông đồ của chủ nghĩa xã hội, thay vì chỉ từ xa chiêm ngưỡng ý nghĩa những hành động của mình, họ đã chuẩn bị cho một cuộc nổi loạn.

Giá họ biết, cái đám đông đang leo lên sự thống trị, sẽ tuyệt đối không thực hiện  lý tưởng của nhân loại như họ nghĩ, thậm chí, vì cần phải tha bản thân, tha sự hiện hữu và tính cách theo mình, đơn giản họ sẽ xóa hy vọng về khả năng thực hiện toàn bộ các lý tưởng, họ sẽ không  ký các văn bản cách mạng của các tông đồ một cách dễ dàng như thế.” (9)

Ông gắn ý niệm đám đông với các xu hướng tôn thờ vật chất, chủ nghĩa duy vật, và thậm chí cả sự chống Chúa – đại diện cho tính thiêng. Hamvas Béla thừa nhận rằng đã từng có thời kỳ Kito giáo đi ngược lại những gì được nhắc đến trong Phúc Âm và khiến cho Kito giáo đi theo một chiều hướng ngược lại với Jesus. Ông nhận ra rằng, chống Chúa (Anti Christ) như cách Nieztches làm, là một biểu hiện tâm lý cưỡng lại sự áp đặt của sự suy đồi trong Kito giáo, thế nhưng, khi trở thành một xu hướng thì đó là nền tảng cho đám đông lên ngôi: “Như giờ đây chỉ còn lại sự kiện Chống Kito. Điều này làm nên lịch sử, và điều này tạo cảm hứng cho các sự kiện. Đám đông càng ồn ào và nhiệt huyết bao nhiêu, người ta càng rời xa và quên mất cội rễ bấy nhiêu.”(10) Ông gọi thứ khoa học duy nghiệm của thế giới hiện đại là “chủ nghĩa ma quỷ” khi khoa học cố phân tích và lý giải điều thiêng liêng huyền bí của sự sống – một loại khoa học hoàn toàn khác biệt với khoa học thiêng theo ông quan niệm (11). Đây là thái độ quen thuộc của những nhà tâm linh hoặc các triết gia Kito giáo. Họ luôn nhìn nhận cái thiêng như một điều gì đó cao vời vượt trên đời sống. Đối với điều thiêng, họ có cái nhìn hướng lên trên, và con đường mình phải đi là hướng lên trên (ngay cả hướng vào trong bản thân mình cũng là hướng lên trên). Hamvas Béla đã tạo ra hai chiều hướng mang đẫm sự nhị nguyên biện biệt: một là hướng lên trên với điều thiêng (theo quan niệm của ông chính là LINH HỒN TẠO HÓA), hoặc là rơi xuống đám đông. Con người như thể không thể độc lập khỏi hai chiều này, mà chỉ có thể lựa chọn một trong hai.

Phục hồi truyền thống cổ như thể là bản mệnh của Hamvas Béla, ông đi tìm nó ở trong những trước tác tôn giáo và tâm linh cổ đại, sẵn sàng dịch các văn bản này sang tiếng Hungary, chìm đắm trong các tri kiến. Ông còn liệt kê 100 tác phẩm vĩ đại mà theo ông là ẩn chứa những điều cốt lõi nhất của truyền thống cổ, kèm với lời bình điểm ngắn của mình. 100 tác phẩm ấy được đăng trong tập tiểu luận “Unicornis” ( Bản dịch tiếng Việt “Độc giác”, Nguyễn Hồng Nhung dịch, NXB Tri Thức, 2019).

Hamvas Béla lựa chọn trường phái truyền thống (Traditionalist School), và đã viết bộ “Minh triết thiêng liêng” như một bản tuyên ngôn vừa mang tính hệ thống, vừa mang tính xác lập định nghĩa, vừa mang tính truyền cảm hứng, chính thức đứng vào hàng ngũ các triết gia của trường phái này. Cũng giống như các triết gia của trường phái truyền thống, Hamvas Béla cho rằng có một sự thật tối thượng ẩn sau các truyền thống tôn giáo và tâm linh trên thế giới, và ông tìm cách hưng phục lại tinh thần truyền thống cái thiêng: “Chỉ còn những cá nhân cá biệt, các chủ thể thần thánh hiểu được ý nghĩa của siêu hình học mà thôi. Trong thời gian lịch sử, biểu hiện cổ trực tiếp chỉ còn lại trong các khả năng của con người, trong trực giác tâm linh”… “Tất cả các thể thống nhất cổ là một khái niệm siêu hình học mà các thành tố của nó cũng chứa đựng trong các thể thống nhất cổ khác.”(12) Ông khẳng định, con người cổ là con người gắn với ý niệm về linh hồn, bởi linh hồn “là hiện thực duy nhất”, “là bản thể”, và “con người cổ là lời tuyên ngôn (sự biểu hiện) về linh hồn và phép thuật của linh hồn.” Và truyền thống cổ này hoàn toàn khác biệt với tính chất man dã của người nguyên thủy (primitive). Hamvas Béla từ chối khả năng tiến hóa từ giống người nguyên thủy thành người hiện đại ngày nay, ông đồng tình với quan điểm rằng người nguyên thủy là một dạng thức của sự tha hóa ở con người cổ đại.  (13) Ông rất rạch ròi trong phân biệt giữa mục đích của hai nền văn hóa:

“Con người thời cổ là người cha của thiên nhiên; là cha của thiên nhiên bởi con người đã canh tác đời sống với tinh thần tích cực của tình yêu thương của người cha.

Bởi vì:” Tất cả, cái gì sống và có trên thế gian- kinh Zohár đã nói – chỉ để cho, và vì con người. Bầu trời có để cho, và vì mọi thực thể, bởi bản thân các thực thể và các sự vật không ý nghĩa và cũng chẳng có giá trị gì.”

Sự canh tác không là gì khác ngoài việc hiện thực hóa tinh thần của tình yêu thương; theo một quan điểm nhất định nhiệm vụ của con người trong thiên nhiên vật chất không là gì khác ngoài việc hiện thực hóa tinh thần của người cha, trên tất cả mọi lĩnh vực vật chất và thiên nhiên: đất, quan hệ con người, cộng đồng, với khả năng riêng của mỗi con người.

Đây là mục đích đời sống và nhiệm vụ đời sống duy nhất, con người hãy trở thành chủ, thành người chăm lo, người thày, thành vua của thiên nhiên. Đây là trật tự sống thiêng liêng. Đây là đời sống người trong mọi lĩnh vực, mọi khoảnh khắc mang tính chất tinh thần, bởi vậy nó là sự sùng bái trong cái toàn bộ.

Con người lịch sử không phải là người cha mà là kẻ cướp của thiên nhiên. Họ coi thường vật chất: nhưng sự coi thường này chỉ là một minh chứng sau cùng: họ cho phép mình chống đỡ như vậy, vì trước hết họ chà đạp và cướp bóc vật chất. Hành vi căm thù thiên nhiên vật chất trong những thế kỷ gần đây là một quan niệm muộn mằn và lạc lõng, để đánh lạc hướng việc chú ý đến bản chất.” (14)

Đây là xu hướng phổ biến của các nhà văn, nhà thơ của thế kỷ 19 và 20, như đã nói ở trên, khi họ phải đương đầu với sự tàn phá của  Cách mạng công nghiệp và chủ nghĩa đám đông. Sự cưỡng lại này nuôi dưỡng một tâm lý thù hằn với khoa học kỹ thuật ở họ, tới mức họ chối bỏ mọi thành quả của chúng để tự giam mình trong lối sống gần gũi với thiên nhiên (không, phải nói là cơn cuồng tín thiên nhiên) và chìm đắm trong các trải nghiệm tinh thần của riêng mình, như cách Henry David Thoreau đã làm, và sau đó là cách của các hippi đã chọn lựa để trở thành một trào lưu sống tới nay vẫn còn ảnh hưởng đến nhiều thế hệ trẻ. Họ tin một cách xác quyết rằng đi vào thiên nhiên là con đường tất yếu để tìm được linh hồn của mình và hòa nhập với Thượng Đế.

Hamvas Béla có một sự hứng thú đặc biệt với pháp thuật, ông viết rất nhiều về pháp thuật, và coi pháp thuật nhập định như một con đường hiển nhiên để bước khỏi đời sống vật chất tầm thường để tiến đến cao hơn:

“Các bậc thang nhập định là các bậc thang phép thuật, dẫn tới một thế giới siêu nhiên bên trên thế gian vật chất. Và tất cả những ai, đòi hỏi từ đời sống của mình nhiều hơn những người khác, đều phải bước lên các bậc thang này. Nếu họ không bước lên, họ vẫn cứ tham gia vào một trong những hoạt động của mức độ cao hơn của sự sống: họ trở thành linh mục, thày giáo, nhà thơ, kẻ cầm quyền, người quân nhân- họ không đạt được bất kỳ kết quả nào, hoạt động của họ tạo thêm nhiễu nhương, công việc của họ không bản chất, vô ích, vô nghĩa, vô giá trị.

Việc bước lên những bậc thang phép thuật của sự nhập định có nghĩa là kẻ đã nhập định bước vào vòng siêu việt hơn của sự sống. Truyền thống cổ gọi bước chuyển này là sự tái sinh.” (15)

Trong “Forradalom a művészetben: absztrakció és szürrealizmus Magyarországon” (Cách mạng trong nghệ thuật: Trừu tượng và siêu thực ở Hungary”, 1947, viết cùng với vợ ông), Hamvas Béla nhận ra trong chủ nghĩa siêu thực và nghệ thuật di sản có tồn tại những dấu vết di sản của pháp thuật, sự hiện diện của LINH HỒN TẠO HÓA, của tính thiêng, đối lập với nghệ thuật hiện thực. Khái niệm nghệ thuật này đã bị phản đối bởi nhà tư tưởng Marxist là Gyorgy Lukács, và Hamvas Béla bị cấm tại Hungary cho đến hết cuộc đời của mình.

Kết luận

Điểm hạn chế lớn nhất của tôi khi tiếp cận Hamvas Béla đó là rào cản ngôn ngữ. Tiếng Hungary là một trong số các ngôn ngữ học nhất trên thế giới, và không có các tác phẩm của ông được dịch sang tiếng Anh. Tôi hoàn toàn chỉ biết đến ông dựa trên bản dịch duy nhất được dịch từ tiếng Hungary của dịch giả Nguyễn Hồng Nhung. May thay, chị Nguyễn Hồng Nhung đã hoàn thành nhiệm vụ không chỉ là một người dịch mà còn là một tư tế của  Hamvas Béla với toàn bộ niềm đam mê và tình yêu dành cho ông. Tuy vậy, chị Nguyễn Hồng Nhung vẫn chưa dịch xong toàn bộ các tác phẩm của ông được viết sau 1947, và tôi cũng không dám chắc tình yêu giữa chị và Hamvas Béla có được lâu bền tới mức chị sẽ dành thêm rất nhiều năm trong cuộc đời ngắn ngủi của kiếp người để tiếp tục dịch các tác phẩm của ông hay không.

Tôi tiếp cận Hamvas Béla, ngoài dựa trên con chữ nằm trong bản dịch của chị Nguyễn Hồng Nhung, còn dựa trên những mối quan tâm chung của tôi và Hamvas Béla.  Cũng như ông, tôi hứng thú đặc biệt với Friedrich Nietzsche, với Vedanta, tarot, yoga, giả kim thuật, Kito giáo, thần thoại cổ… và cũng như ông, tôi cũng là một con người đang cố gắng giải mã chính mình, tự giải thoát mình khỏi những cơn cuồng nộ đám đông và phàm tục của thời đại. Điều duy nhất khác biệt giữa cuộc đời của tôi tính đến thời điểm này và Hamvas Béla đó là tôi không phải trải qua những đau thương, mất mát và chứng kiến sự thất bại của chính mình.

Trong năm 2013, khi tôi bắt đầu đọc Hamvas Béla, tôi đã bị chấn động, chấn động tới mức bị chuỗi cảm hứng của ông lôi cuốn, tới mức tôi buộc phải nghi vấn những hiểu biết của mình về tôn giáo và tâm linh. Sáu năm đã trôi qua, (vâng, Hamvas Béla rất hứng thú với con số 6) tôi đã tìm mọi cách để hiểu ông mà tách biệt với sự yêu thích của bản thân mình dành cho ông, để cố giải mã điều gì ở ông khiến tôi bị lôi cuốn đến vậy, để tôi tự giải thoát mình khỏi ông, cũng như  giải phóng tôi khỏi một khía cạnh của chính mình. Tôi luôn không giống với Hamvas Béla, tôi không muốn cứ thế leo lên cao để nhỏ bé tới mức tan biến, tôi muốn rộng mở tới mức mọi thứ đều tan biến. Có lẽ một lúc nào đó, tôi sẽ lại chọn cách như Hamvas Béla, nhưng sẽ không phải là bây giờ.

 

*Chú thích:

(1) Bức thư thứ nhất – Hyperio Hungary (Nguyễn Hồng Nhung dịch) Link: https://amvc.fr/Damvc/GioiThieu/NguyenHongNhung/HamvasBela/HyperioHungary-HBela-NHN.htm
(2) “Ánh sáng trong bóng tối” – S.L.Frank, tr 39, NXB Tri Thức, 2018
(3) Tiểu sử nhà triết học, nhà văn hiện đại lớn nhất của Hungary: Hamvas Béla (1897-1968) – Nguyễn Hồng Nhung. Link: https://amvc.fr/Damvc/GioiThieu/NguyenHongNhung/HamvasBela/TieuSuHamvasBela.htm
(4) Phần viết về Cách mạng Hungary 1956, trích từ tiểu luận “Patmosz”, Nguyễn Hồng Nhung dịch. Link: https://amvc.fr/Damvc/GioiThieu/NguyenHongNhung/HamvasBela/VietVeCachMang1956-HBela-NHN.htm
(5) “Bức thư thứ sáu”, trích tập tiểu luận “Hungary Hyperio”, Nguyễn Hồng Nhung dịch. Link: https://amvc.fr/Damvc/GioiThieu/NguyenHongNhung/HamvasBela/HyperioHungary-HBela-NHN.htm
(6) Chương “Poseidon”, trích “Câu chuyện vô hình”, bản dịch Nguyễn Hồng Nhung. Link: https://amvc.fr/Damvc/GioiThieu/NguyenHongNhung/HamvasBela/Poseidon-HBela-NHNhung.htm
(7) Chương “Wordsworth, triết học xanh”, trích “Câu chuyện vô hình”, Bản dịch Nguyễn Hồng Nhung. Link: https://amvc.fr/Damvc/GioiThieu/NguyenHongNhung/HamvasBela/WordSworthHayTrietHocXanh-HBela-NHNhung.htm
(8) Chương “Thi sĩ thiêng liêng”, trích “Câu chuyện vô hình”, Bản dịch Nguyễn Hồng Nhung. Link: https://amvc.free.fr/Damvc/GioiThieu/NguyenHongNhung/HamvasBela/ThiSiThiengLiengPoetaSacer-HBela-NHNhung.htm
(9) Chương “Thời kỳ Bảo Bình”, trích “Câu chuyện vô hình”, Bản dịch Nguyễn Hồng Nhung. Link: https://amvc.free.fr/Damvc/GioiThieu/NguyenHongNhung/HamvasBela/ThoiKyBaoBinh-HBela-NHNhung.htm
(10) Chương “Chống Kito”, trích tiểu luận “Minh triết thiêng liêng” – tập 3, Nguyễn Hồng Nhung dịch, NXB Tri Thức, 2016, tr189.
(11) Chương “Chống Kito”, trích tiểu luận “Minh triết thiêng liêng” – tập 3, Nguyễn Hồng Nhung dịch, NXB Tri Thức, 2016, tr191.
(12) Chương “Các truyền thống”, trích “Minh triết thiêng liêng” – tập 1, Nguyễn Hồng Nhung dịch, NXB Tri Thức, 2016, tr169 &172
(13) Chương “Con người theo Vedanta”, trích “Minh triết thiêng liêng” – tập 1, Nguyễn Hồng Nhung dịch, NXB Tri Thức, 2016, tr187 đến 206.
(14) Chương “Văn hóa cổ và văn hóa hiện đại” , trích “Minh triết thiêng liêng” – tập 1, Nguyễn Hồng Nhung dịch, NXB Tri Thức, 2016, tr336&337.
(15) Trích “Các bậc thang phép thuật”, Nguyễn Hồng Nhung dịch. Link: https://amvc.free.fr/Damvc/GioiThieu/NguyenHongNhung/HamvasBela/CacBacThangPhepThuat-HBela-NHN.htm

Home 2019 Tháng 6

Tại sao tôi viết – George Orwell (2): Văn chương và chính trị

Có thể thấy rằng những xung lực khác nhau này đã phải giao tranh với nhau như thế nào, và bằng cách nào chúng lan truyền từ người này sang người khác theo thời gian. Theo bản chất – cứ cho rằng “bản chất” là trạng thái bạn đạt được khi bạn lần đầu trưởng thành – tôi là người mà ba động lực đầu tiên mạnh mẽ hơn động lực thứ tư. Ở thời bình, tôi có thể đã chỉ viết những cuốn sách mang tính trang trí, và vẫn hầu như không nhận thức gì về lòng trung thành chính trị của mình. Như thể tôi bị buộc phải trở thành một loại tuyên truyền viên. Đầu tiên, tôi mất 5 năm để làm công việc không phù hợp (một Cảnh sát Hoàng gia Ấn Độ, ở Miến Điện), rồi sau đó tôi rơi vào cảnh nghèo túng và cảm nhận được về sự thất bại.  Điều này làm tăng sự thù ghét tự nhiên đối với nhà cầm quyền và khiến tôi lần đầu ý thức một cách đầy đủ về sự tồn tại của tầng lớp lao động, và công việc ở Miến Điện đã mang lại cho tôi hiểu biết về bản chất của nền quân chủ: nhưng những trải nghiệm này không đủ để mang lại cho tôi một định hướng chính trị đúng đắn. Thế rồi Hitler xuất hiện, Nội chiến Tây Ban Nha, vân vân. Cho đến cuối năm 1935, tôi vẫn tiếp tục thất bại trong việc đưa ra một xác quyết. Tôi nhớ tôi đã viết một bài thơ ngắn vào ngày đó, thể hiện tình trạng lưỡng lự của mình:

 

Một cha sở hạnh phúc tôi đã từng

Hai trăm năm trước

Rao giảng về tận thế

Và ngắm hạt óc chóc mọc

 

Nhưng, bẩm sinh, than ôi, thời tội lỗi

Tôi bỏ lỡ thiên đàng phúc lạc

Vì lông mọc trên môi tôi

Và các giáo sĩ đều nhẵn nhụi

 

Và sau đó đều là thời toàn hảo

Ta dễ dàng phúc lạc

Ta lung lay đau khổ để yên giấc

Trên những bộ ngực cây cối.

 

Tất cả ngu dốt chúng ta dám sở hữu

Niềm vui chúng ta pha loãng

Chùm lông trên cành táo

Cũng khiến kẻ thù run sợ

 

Nhưng những quả mơ và bụng cô gái

Phủ lên dòng suối

Ngựa, vịt trong chuyến bay lúc bình minh

Đều là một giấc mơ

 

Cấm mơ thêm nữa;

Ta chặt đứt niềm vui hoặc che giấu chúng

Ngựa làm từ thép

Và kẻ béo múp nhỏ thó cưỡi chúng

 

Tôi là con sâu chẳng quay đầu

Hoạn quan không có hậu cung

Giữa linh mục và chính ủy

Tôi đi như Eugene Aram

 

Và chính ủy đang nói về vận may của tôi

Khi radio đang phát,

Nhưng linh mục đã hứa với một Austin Seven,

Vì Duggie luôn chi trả.

 

Tôi mơ tôi ở trong phòng cẩm thạch,

Và tỉnh dậy để biết là sự thực;

Tôi đã được sinh ra ở thời đại thế đấy;

Smith ư? Jones ư? Bạn ư?

 

Chiến tranh Tây Ban Nha và các sự kiện khác trong năm 1936 – 37 đã thay đổi quy mô và sau đó tôi biết mình đang ở đâu. Mỗi dòng trong tác phẩm nghiêm túc mà tôi bắt đầu từ năm 1936 đã được viết ra, trực tiếp hoặc gián tiếp, đều chống lại chế độ toàn trị và ủng hộ chủ nghĩa xã hội dân chủ, như tôi hiểu về nó. Đối với tôi, dường như vô lý khi ở trong một thời đại của chúng ta mà nghĩ rằng người ta có thể tránh viết về những chủ đề như vậy. Mọi người viết về chúng trong vỏ bọc này hoặc vỏ bọc khác mà thôi. Đơn giản là một câu hỏi về phe nào đang thực hiện vào điều gì sẽ tới sau đó. Và một người càng ý thức được về thiên kiến chính trị, thì càng có nhiều cơ hội để hành động một một cách chính trị mà không cần phải hi sinh sự liêm chính trong thẩm mỹ và trí tuệ của mình.

 

 

Những gì tôi mong muốn nhất trong suốt mười năm qua là khiến văn chương chính trị trở thành một nghệ thuật. Xuất phát điểm của tôi luôn là một cảm giác về lòng trung thành, một cảm giác về bất công. Khi tôi ngồi xuống và viết, tôi không nói với bản thân mình rằng: “Tôi sẽ tạo ra một tác phẩm nghệ thuật”. Tôi viết nó bởi vì có lời dối trá rằng tôi muốn phơi bày, những sự kiện mà tôi thu hút sự chú ý, và mối quan tâm ban đầu của tôi là muốn được lắng nghe. Nhưng tôi không thể viết được một cuốn sách, hoặc thậm chí một bài tạp chí dài, nếu đó còn chẳng phải là một trải nghiệm thẩm mỹ. Bất cứ ai quan tâm đến việc xem xét tác phẩm của tôi sẽ thấy rằng ngay cả khi nó được tuyên truyền một cách rõ ràng nó vẫn chứa đựng nhiều điều mà chính trị gia chuyên nghiệp coi là lạc đề. Tôi không thể, và cũng không muốn, hoàn toàn từ bỏ thế giới quan mà tôi đã có từ thời thơ ấu. Chừng nào tôi còn sống tôi và tôi còn cảm thấy rõ ràng mãnh liệt về lối văn chương, thì còn tiếp tục yêu trái đất, và còn mang tới niềm vui tới những đối tượng thô cứng và những mẩu thông tin vô dụng. Không ích gì để cố gắng kìm nén chiều kích nào đó của bản thân mình. Công việc này là để điều tiết những gì yêu ghét ăn sâu vào tôi với những hoạt động tập thể, công cộng thiết yếu mà thời đại này ép buộc lên tất cả chúng ta.

 

Điều này không dễ. Nó đặt ra các vấn đề về cấu trúc và ngôn ngữ, và nó cũng đặt ra một cách thức mới về sự trung thực. Hãy để tôi đưa ra chỉ một ví dụ về loại khó khăn đã phát sinh. Cuốn sách của tôi về cuộc nội chiến Tây Ban Nha, “Tôn kính dành cho Catalonia” (Homage to Catalonia”), tất nhiên là một cuốn sách chính trị rõ rệt, nhưng tổng quan nó được viết ra với sự tách rời và chú ý nhất định đối với hình thức. Tôi đã rất cố gắng để kể toàn bộ sự thật mà không vi phạm bản năng văn chương của mình. Nhưng trong những phần khác có hẳn một chương dài đầy các trích dẫn trên báo và những thứ tương tự thế, để bảo vệ những người theo chủ nghĩa Trotsky đã bị buộc tội mưu đồ cùng Franco. Rõ ràng một chương như vậy, sau một hoặc hai năm sẽ khiến người đọc thông thường chẳng quan tâm nữa, chắc chắn sẽ làm hỏng cuốn sách. Một nhà phê bình mà tôi tôn trọng đã đọc tôi tôi nghe một bài giảng về điều này. Ông ta nói: “Tại sao ông lại nhét tất cả vào đó? Ông đã biến những gì có thể tạo ra một cuốn sách hay thành báo chí.” Những gì ông ta nói là đúng, nhưng tôi không thể làm khác được.  Tôi tình cờ biết, điều mà rất ít người ở Anh được phép biết, rằng những người đàn ông vô tội đã bị buộc tội sai. Nếu tôi không giận dữ về điều đó thì tôi không bao giờ viết nên cuốn sách này.

 

Dù hình thức này hay hình thức khác, vấn đề sẽ lại nảy sinh. Vấn đề của ngôn ngữ tinh vi hơn và sẽ mất rất nhiều thời gian để bàn cãi. Tôi sẽ chỉ nói rằng những năm sau này tôi đã cố viết ít hình ảnh hơn và nhiều chính xác hơn. Trong mọi trường hợp nào tôi nhận ra rằng vào thời điểm bạn hoàn thiện phong cách văn chương của mình, bạn vẫn luôn vượt lên khỏi nó. “Trại súc vật” (“Animal Farm”) là cuốn sách đầu tiên tôi cố gắng hợp nhất mục đích chính trị và mục đích nghệ thuật , với toàn bộ ý thức rằng tôi đang làm gì. Tôi chưa viết cuốn tiểu thuyết nào trong vòng bảy năm, nhưng tôi hi vọng sẽ viết ra một cuốn khác sớm thôi. Đó chắc chắn là một thất bại, mỗi cuốn sách đều là thất bại, nhưng tôi biết rõ loại sách mà tôi muốn viết.

 

Nhìn lại qua vài trang cuối, tuôi thấy rằng tôi đã khiến điều này xuất hiện dù cho động lực văn chương của tôi là toàn bộ công chúng. Tôi không muốn để lại điều đó như ấn tượng cuối cùng. Tất cả các nhà văn đều vô dụng, ích kỷ, và lười biếng, và ở đáy động lực của mình đều ẩn chứa một bí ẩn. Viết một cuốn sách là một cuộc chiến khủng khiếp và kiệt quệ, giống một căn bệnh dài đau đớn. Người ta không bao giờ thực hiện được một điều như vậy nếu không bị điều khiển bởi con quỷ mà người ta vốn không chống lại được hoặc hiểu về nó. Chúng ta đều biết rằng con quỷ đó chỉ đơn giản tương tự một loại bản năng khiến cho một đứa trẻ la hét gây chú ý. Tuy nhiên cũng đúng là người ta có thể viết những điều không thể đọc nổi trừ phi người ta liên tục tranh đấu để biểu hiện cá tính của riêng mình. Văn hay giống như một ô cửa sổ. Tôi không dám chắc rằng động lực nào của tôi là mạnh mẽ nhất, nhưng tôi biết chắc đâu là điều xứng đáng để đi theo. Và nhìn lại công việc của mình, tôi thấy rằng lần nào cũng vậy, cứ khi nào tôi thiếu mục đích chính trị thì sẽ viết ra những cuốn sách vô hồn với những đoạn văn màu mè, những câu văn vô nghĩa, những tính từ trang trí và nói chung là giả dối.

 

Gangrel, mùa hè 1946

Hà Thủy Nguyên dịch

Home 2019 Tháng 6

Năm đầu tiên homeschool của mẹ trẻ

Mình cho mẹ trẻ nghỉ hè phải gần 1 tháng rồi, nhưng hôm nay mới bắt đầu thảnh thơi viết lại những gì mẹ trẻ đã học trong 1 năm đầu homeschool. Thỉnh thoảng mình có “nhá hàng” vài hoạt động kèm theo vài quan điểm của mình một cách vụn vặt, đây là bài tổng kết lại quãng thời gian vừa qua.

Trước tiên, phải nói trước là, mình không hoàn toàn định hướng cho mẹ trẻ ra nước ngoài học, giống nhiều gia đình khác. Mình là một người từ bỏ đại học và ngay từ năm thứ nhất mình đã thấy rằng việc mình cố gắng đi du học thật là ngớ ngẩn. Bởi vì sao? Vì mình nhận thức một cách rất rõ ràng rằng mình muốn trở thành một nhà văn, vậy thì đi du học có giúp mình viết văn hay hơn không hay là chỉ tạo cho mình những cơ hội để dễ nổi tiếng hơn? Mình cho rằng ở lại Việt Nam, tự tìm đọc các tư liệu cả trong và ngoài nước, cho mình nhiều thời gian rảnh nhất có thể, những trải nghiệm lăn lộn với các số phận và con người khác nhau… hữu ích để mang đến cho mình những trưởng thành văn chương, chậm rãi nhưng chắc chắn, hơn là chạy sang tiếp thu một cách sống sượng mớ lý thuyết về nghệ thuật và văn học (những thứ mình có thể tự đọc sách theo từng giai đoạn phù hợp với mức độ thấu hiểu của mình). Còn danh tiếng ư, không phải là thứ nên cưỡng cầu. Năm thứ 2 đại học, mình bỏ tiết rất nhiều,  vì mình cảm thấy mệt mỏi với việc kiểm tra và thi thố với những đề thi ngớ ngẩn và lối học thi học thuộc lòng như một thứ cấp 4. Mình muốn dành nhiều thời gian hơn để đọc sách, tham gia các dự án làm phim (thứ mà mình tưởng rằng đó là con đường đầy thú vị), và tiếp tục sáng tác. Thế rồi mình có con. Nhưng mình vẫn đến trường đi thi, vẫn nhiều thầy quý mình và tạo các điều kiện để mình học tiếp. Có điều, trong thời điểm sinh mẹ trẻ, mình chợt thấy rằng mình đang tự giam mình ở một môi trường học thuật không thích hợp. Đến năm thứ 3 thì mình bỏ đại học, để thực sự bắt đầu cuộc sống tự do của mình. Và cũng chỉ sau đó 1 năm, mình ly hôn người chồng đầu tiên.

Qúa dài dòng để kể về một quá khứ như vậy, để phần nào lý giải cái nhìn của mình về sự vô nghĩa mà các bậc phụ huynh đang đeo đuổi: Một giấc mơ giả tạm về gia đình hạnh phúc và những đứa con thành đạt. Đương nhiên, việc đeo đuổi những điều này không có gì xấu, chỉ là, tôi không muốn giam mình vào giấc mơ ấy để rồi tôi và mẹ trẻ của tôi mất đi cơ hội được  tự do là chính mình. Tôi đã phải nghe quá nhiều người lao vào giấc mơ giả tạm ấy, nhưng họ lại tâm sự với tôi rằng sâu kín trong họ, họ thèm muốn được là chính mình, rằng họ cảm thấy trống rỗng và phải tiếp tục trốn sự trống rỗng ấy bằng cách lao vào các thú vui xa xỉ và những khoảnh khắc sống ảo trên facebook. Họ không cảm thấy tình yêu hay niềm vui bao giờ, mà chỉ duy trì sự tồn tại của mình bằng niềm tự hào về một giấc mơ lung linh.

Và tất cả chuỗi ký ức trên chính là nền tảng cho quyết định khuyến khích mẹ trẻ homeschool thay vì đến trường, không phải vì lý do muốn cho mẹ trẻ đi du học, mà vì để mẹ trẻ được thực sự là mình hơn, dù gian nan và phải đối mặt với đủ thứ thiên kiến xã hội. Hiện giờ, tôi không tính toán cho tương lai của mẹ trẻ, đó là việc của mẹ trẻ, tôi chỉ có thể giúp mẹ trẻ xử lý các tổn thương tâm lý mà thời đi học đã gây ra và tạo các nền tảng kiến thức để mẹ trẻ tự học. Còn tương lai của mẹ trẻ, mẹ trẻ nên tự mình đưa ra quyết định và làm tận cùng, thành công cũng được mà thất bại cũng được, vì thành công hay thất bại chỉ là một cái nhìn tương đối dựa trên các thang đo về phân cấp xã hội mà thôi. Mẹ trẻ có thể chọn đi du học, tôi sẵn sàng tìm hiểu đầy đủ thông tin. Nếu mẹ trẻ muốn học đại học trong nước, tôi có thể dùng hết sức mình để tổ chức vận động chính sách buộc chính quyền chấp nhận trẻ học homeschool. Nếu mẹ trẻ muốn “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” như các thành viên của Book Hunter thì Book Hunter vẫn luôn có sẵn đấy để hỗ trợ. Không có cái đích nào mà không có con đường dẫn đến nó, miễn là mình thực sự nhất quán về đích đến.

Thế nên, năm đầu tiên, mình chọn cách cho mẹ trẻ “xõa là chính”, và học với khoảng thời gian 1 tiếng/ngày.  Và dưới đây sẽ là những gì mẹ trẻ làm trong 1 năm vừa qua.

  1. Giải tỏa những căng thẳng

Thời gian đi học ở trường của mẹ trẻ là những chuỗi ngày căng thẳng. Mẹ trẻ ngứa mắt khi nhận ra rằng một số cô giáo đối xử thiếu công bằng giữa các bạn học mà gia đình “tặng quà” thường xuyên cho cô và những gia đình không làm như vậy. Bạn cùng lớp thường ghen tị với mẹ trẻ vì mấy lý do sau: mẹ trẻ xinh và nhiều bạn trai thích (khổ quá, xinh đẹp là một cái tội), ăn mặc đẹp và sử dụng các đồ dùng học tập đẹp, được mẹ thơm mỗi khi đến trường, đòi gì là nhà mình mua cho thứ ấy. Các bạn cùng lớp cũng đặc biệt không ưa mẹ trẻ vì cảm xúc của mẹ trẻ tuôn trào quá dễ dàng: bật khóc ngay lập tức khi bị đối xử bất công, buồn bã nhiều ngày khi trong nhà có người ốm… Trong những lần làm bài kiểm tra, cô cho phép lớp mở sách ra chép và cho phép các bạn trong lớp chép bài nhau, nhưng riêng mẹ trẻ không chép, cũng không làm bài triển tra luôn, chỉ ngồi im. Nói chung, mẹ trẻ hoàn toàn cô độc khi ở trường, mà thậm tệ hơn thế, các bạn cùng lớp luôn gây áp lực bắt mẹ trẻ phải thế nọ thế kia. Một số cô giáo hiểu và thật sự quý trọng mẹ trẻ thì cứ đột nhiên nghỉ dạy, mà có dạy được hết năm học thì cũng không thể theo lên tiếp năm sau.

Đến khi mẹ trẻ lên lớp 6, tình hình còn tệ hơn, vì cô giáo chủ nhiệm cấp 2 của mẹ trẻ là một người không chịu chấp nhận rằng nền giáo dục Việt Nam là một sai lầm lớn, mà chỉ khăng khăng chạy đua theo thành tích. Cô giáo bắt mẹ trẻ phải đi học phụ đạo buổi chiều trong khi điều này được hợp lý hóa bằng việc bắt bố mẹ viết đơn xin cho con mình được học phụ đạo. Mẹ trẻ nhà mình đương nhiên không chấp nhận, nên mẹ trẻ quyết định không đi học phụ đạo, mà ở nhà học cùng vợ chồng mình dưới hình thức bán homeschool, tức là buổi sáng mẹ trẻ học chương trình của nhà trường và buổi chiều học chương trình mà mình và “bạn chồng” mới của mình dậy. Một điều không thể tránh khỏi đó là mâu thuẫn giữa hai chương trình học. Và điều này càng làm gia tăng mức độ bất tuân cùng với áp lực tâm lý của mẹ trẻ. Dậy thử 1 tháng, mình thấy mẹ trẻ quá khổ, nên quyết định: “Thôi nghỉ đi! Khi nào Hà Nguyên từ bỏ chương trình ở trường hoàn toàn thì mẹ và chú Nam sẽ dậy tiếp!”

Suốt cả năm lớp 6, mẹ trẻ bị lớp học phá hủy một cách kinh khủng hơn nhiều lần so với 5 năm cấp 1. Mẹ trẻ đang từ một đứa rất khá môn toán thì bây giờ không thèm làm bài tập toán nữa vì thấy…chán. Mẹ trẻ đang rất yêu môn mỹ thuật và thích vẽ thì bây giờ không muốn cầm cây bút vẽ nữa vì cứ nhìn thấy bút vẽ là nhớ đến mặt ông thầy dậy vẽ hắc ám suốt ngày chửi rủa và phạt mẹ trẻ vì không chịu làm theo quy định của ông ta, vân vân và vân vân các ám ảnh như thế. Chỉ một năm học, từ một cô bé xinh xắn và dễ thương, mẹ trẻ trở nên phì nộn với nét mặt lúc nào cũng cau có, mụn đầy mặt, dáng người trở nên thô lỗ hơn, và đã chuyển từ sự yêu thích những điều dễ thương sang hứng thú với những thứ đen tối. Thật tệ hại nếu tình trạng này duy trì lâu dài.

Kiểm tra cuối kỳ năm lớp 6, tất cả các môn, mẹ trẻ nộp giấy trắng, trừ môn Giáo dục công dân, vì bài kiểm tra này làm về quyền trẻ em. Cô giáo chủ nhiệm hoàn toàn vô cảm với điều này và nghĩ rằng mẹ trẻ bị thiểu năng, yêu cầu nhà mình đi xin giấy trẻ thiểu năng cho mẹ trẻ. Hôm thi lại, mẹ trẻ không chịu đi thi. Và dù mẹ trẻ lưu luyến trường đến đâu thì mình cũng biết rằng trong thâm sâu mẹ trẻ muốn ở nhà để học cùng vợ chồng mình.

Thế thì năm đầu tiên không nên nhanh chóng bắt mẹ trẻ vào một chương trình đầy áp lực. Mình cũng không đồng tình với cách ép các bạn nhỏ phải lao động chân tay cực khổ để các bạn nhỏ hiểu được cái vất vả của người lao động như một nhóm homeschool khác đang làm. Kinh nghiệm của mình khi vận động nặng đó là người ta chả nghĩ được gì cao xa hay mở mang tâm trí, mà chỉ để rèn luyện tính kỷ luật theo lối quân phiệt. Mình chẳng có nhu cầu trói mẹ trẻ vào một thứ kỷ luật ngớ ngẩn mà người lớn đặt ra rồi cho rằng đó là điều đúng đắn bắt buộc phải làm để đi tới thành công.

Mẹ trẻ được tha hồ nằm lầy trên giường, ngủ và thức theo khung giờ của mình, được xem tất cả những chương trình mẹ trẻ thích (dù nhiều chương trình mình thấy thiếu văn hóa). Được cái, mẹ trẻ có nhận định riêng, và ý thức được khả năng tự xóa não mình khi gặp phải những thứ quá kinh khủng.

Mẹ trẻ thích chơi slime và làm slime. Thực ra nhiều trường tiểu học ở Mỹ đưa làm slime vào chương trình học để kích thích sáng tạo. Okay, nhà mình đầu tư mỗi tháng 500.000 để mua nguyên liệu làm slime cho mẹ trẻ. Mẹ trẻ tự xem công thức trên mạng, tự thử nghiệm, ra thành phẩm. Học xong một công thức này thì mẹ trẻ lại học tiếp công thức khác. Và có lẽ chỉ chán slime sau khi học hết các công thức slime. Làm slime giúp mẹ trẻ tự học được cách cân đo các liều lượng vùa phải, biết được mình thực sự cần gì để hoàn thành một nhiệm vụ, và quan trọng hơn là… giải tỏa những căng thẳng. Mẹ trẻ con huấn luyện mấy cô cháu của mình cách làm slime chuyên nghiệp như mẹ trẻ. Vợ chồng mình dụ mẹ trẻ bán slime đi để thu hồi vốn đầu tư của vợ chồng mình, mẹ trẻ cương quyết lắc đầu nói là sẽ bán nhưng không phải bây giờ vì mẹ trẻ thấy sản phẩm chưa đủ tốt để tung ra thị trường.

 

  1. Học lịch sử

Mẹ trẻ không thích học lịch sử nhưng đây là môn tạo ra những xung đột lớn giữa chương trình học ở trường của mẹ trẻ và kiến thức mình cung cấp cho mẹ trẻ. Mình đoán đây là lý do mẹ trẻ quyết định chọn học lịch sử, dù mẹ trẻ không hề ý thức được điều này, mà chỉ thấy mơ hồ rằng cần phải học lịch sử. 2 buổi/tuần, mình hướng dẫn mẹ trẻ học lịch sử Việt Nam.

Đầu tiên là cho mẹ trẻ xem các phim dã sử mà Việt Nam đã làm (dù rất ít ỏi), để mẹ trẻ có cảm nhận về không khí lịch sử Việt Nam. Các phim mình chọn bao gồm: “Đêm hội Long Trì” (kèm với phần 2 của phim là “Kiếp phù du”), “Vũ Như Tô” (kịch truyền hình), “Long thành cầm giả ca”. Ban đầu, mình dự định để mẹ trẻ xem xong phim rồi đọc tất cả thông tin về nhà Lê có trên Wikipedia. Nhưng việc này hơi quá tải với mẹ trẻ. Dù mẹ trẻ thích xem “Đêm hội  Long Trì” và “Long thành cầm giả ca” hơn, nhưng với phim “Vũ Như Tô”, mẹ trẻ lại thể hiện nhiều thái độ. Mình xin được copy lại note mình viết ngày 21/9/2018 ngay sau khi mẹ trẻ xem “Vũ Như Tô”:

Kéo lê mãi và bị gián đoạn bởi kế hoạch công tác dài ngày của mình, nên đến giờ mới hướng dẫn cho mẹ trẻ xong về các mặt từ hành chính, pháp luật, kinh tế, văn hóa, thủ công nghiệp, văn học nghệ thuật, quân đội, ngoại giao… thời Lê Sơ. Túm lại, mẹ trẻ nhà mình không quan tâm lắm mấy cái thủ công nghiệp hay văn học nghệ thuật, mà chỉ đặc biệt quan tâm đến hành chính, pháp luật và quân sự. Ví dụ các mối quan tâm sẽ xoay quanh các câu hỏi hoặc các nhận xét của mẹ trẻ như sau:

– So sánh lục bộ thời Lê với các bộ bây giờ. Nói chung mẹ trẻ so sánh khá chính xác.

– Thán phục bộ luật Hồng Đức bảo vệ quyền phụ nữ, lại có vẻ rất tâm đắc ở điểm này.

– Thấy Đại Việt đánh Chiêm Thành và nước Lan Xang (biên giới Lào và Tây Bắc Việt Nam) thì kết luận là: Nước mình cũng ác khác quái gì Trung Quốc đâu mà cứ chê nó.

 

Sau đó, mình cho mẹ trẻ xem vở kịch “Vũ Như Tô”. Mẹ trẻ xem kịch này không hào hứng như mấy bộ phim kia, phần vì bản trên Youtube chất lượng thấp quá, phần vì kịch dàn dựng hơi thiếu hấp dẫn thật 🙁 .Nhưng mà mẹ trẻ vẫn xem. Lúc đang xem dở, mẹ trẻ có vẻ rất hứng thú với Cửu Trùng Đài (cứ nghĩ là bây giờ vẫn còn). Đến lúc cuối vở kịch, Cửu Trùng Đài bị đốt phá và Vũ Như Tô bị chết thì mẹ trẻ có vẻ hơi… thộn. Khi nghe câu kết của vở kịch: “Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Vũ Như Tô phải?” thì mẹ trẻ nói luôn: “Chịu!”. Túm lại mẹ trẻ kết luận: “Đúng là ở Việt Nam thì chỉ xây cái gì nhỏ nhỏ thôi không là dân phá ngay, tiền là phải để nuôi dân! Nhưng mà vẫn thích Cửu Trùng Đài!” Rồi lẩm bẩm: “Sai sách!Sai sách!”.

À quên, bổ sung: Mẹ trẻ tuyệt đối không thích Lê Khanh trong vai Đan Thiềm, bảo là cứ giả giả sao đó. Vụ này mình không phản đối nha.

Đến trưa nghe tin “bác Quang thôi đã thôi rồi” thì mẹ trẻ chỉ kết luận “Để xem đám ma có to bằng ông Võ Nguyên Giáp” rồi cắp đít lên phòng điều hòa.

Sau đó là những lần dã ngoại đi Bắc Ninh thăm làng Đình Bảng, đi Đường Lâm, đi Sài Gòn…

Đầu năm 2019, mình thay đổi cách học sử của mẹ trẻ, chọn một cách dễ dàng hơn, đó là đọc lướt tổng quan, và sang năm sẽ đi sâu vào từng chi tiết sau. Mình chọn các link Wikipedia có tính tổng quan về các triều đại và thời kỳ lịch sử cho mẹ trẻ đọc. Mình không coi trọng việc mẹ trẻ phải thuộc làu những điều này, mà quan trọng và những nhận định và phán xét của mẹ trẻ khi đọc các thông tin đa chiều. Ví dụ đây là nhận định của mẹ trẻ khi tìm hiểu về Nhà nước Văn Lang và ngày 18/2/2019:

Sau 3 tháng mẹ trẻ “thích thì nghỉ thôi”, bây giờ mới quay lại học tiếp. Bài học đầu tiên là về Nhà nước Văn Lang. Thú thật là mình rất ái ngại khi dậy về mảng lịch sử này, vì mình không chắc chắn lắm về cái được gọi là “cội nguồn dân tộc”, nhưng mà thôi, cứ cho mẹ trẻ đọc thôi.


Sau khi mẹ trẻ đọc về nhà nước Văn Lang xong thì đưa ra mấy kết luận sau:
1. Nhà nước này có vẻ coi trọng CHIM (Xong rồi cười với sự không được trong sáng cho lắm)
2. Âu Cơ có vẻ nguy hiểm 
😂 Túm lại con phải theo mẹ thì mới được làm vua. Âu Cơ là giống Chim mà nước Văn Lang thờ Chim đó. Nói chung là ở nước này, con phải theo mẹ mới được làm vua (tương tự như thế là trường hợp Lạc Long Quân thì cũng theo nòi Long quân của họ ngoại).
3. SGK lịch sử dậy về nhà nước Văn Lang ngắn, dễ hiểu hơn, nhưng mà sai sự thật. 
😂
4. Sẽ không bao giờ đi Đền Hùng.

Đọc lại những nhận định của mẹ trẻ về nhà nước Văn Lang thì mình có thể hiểu được tại sao những “chuyên gia giáo dục” ở Việt Nam lại e sợ homeschool đến thế. Đến mẹ trẻ, khi đọc kha khá lịch sử cũng phải thốt lên là môn lịch sử mà mình dậy đã làm giảm “sự trong sáng” trong đầu óc của mẹ trẻ. 😊 Một điểm hay ho khi cho mẹ trẻ đọc lịch sử đó là mẹ trẻ dễ chán những chương trình vớ vẩn trên Youtube hơn, rồi đi đến quyết định không xem chúng nữa, hiệu quả hơn nhiều so với việc mình cấm đoán.

 

  1. Học tiếng Anh

Bạn chồng mình là người dậy tiếng Anh cho mẹ trẻ. Cũng loay hoay ra phết, dù đã quyết định ứng dụng công nghệ cho việc học tiếng Anh. Mẹ trẻ ban đầu học bằng Memrise, có kết quả khá tốt, nhưng sau khi thử 2 tháng, mẹ trẻ không học nữa vì lý do… khó chịu với mấy người dậy phát âm trên Memrise ☹  Thật là bó tay! Sau đó chuyển sang học bằng Busuu. Học được 1 tháng, lại chán, vì các bài tập trong Busuu quá… chán. Cuối cùng, bạn chồng mình chọn cách: cho mẹ trẻ xem shitcom, à quên sitcom mà ngày xưa bạn ấy dùng để học tiếng Anh, có tên là “Extra”. Mẹ trẻ học được lâu dài hơn, vừa đọc sub tiếng Anh vừa đọc sub tiếng Việt, vừa luyện thói quen nghe, vừa được cười sằng sặc. Tóm lại là mẹ trẻ đã theo được từ đầu 2019 đến thời gian nghỉ hè.

Kết quả đó là thỉnh thoảng mẹ trẻ vô thức bật ra mấy câu tiếng Anh mà chẳng hiểu sao mình lại phát ngôn như thế, và ngay cả trong giấc mơ cũng… nói tiếng Anh. Tóm lại, trong thời gian đầu này, bạn chồng mình đã “cài não” thành công môn tiếng Anh cho mẹ trẻ. Đương nhiên, đây chỉ là bước đầu. Những gì cần đối mặt trên chặng đường học tiếng Anh còn dài dài.

 

  1. Giải quyết các nỗi sợ

Nỗi sợ đầu tiên phải giải quyết giúp mẹ trẻ, đó là mặc cảm rằng mình là một kẻ thất bại, thất bại trong quá trình học ở trường, thất bại vì mẹ trẻ thấy mình thua kém những đứa bạn học mà mẹ trẻ nhìn thấy rõ là dốt nát và kém đạo đức hơn so với mẹ trẻ. Đây là điều không dễ. Mình phải liên tục nhắc cho mẹ trẻ nhớ rằng chính vợ chồng mình là những người từ bỏ cơ hội có tấm bằng đại học để tự đi lên bằng con đường học thuật mà vẫn được người khác kính trọng và yêu quý. Mình phải cho mẹ trẻ thấy những cơ hội có thể có được cho dù rời khỏi trường. Bữa ăn cơm trưa nào cũng là một buổi trị liệu tâm lý và phân tích về xã hội với các tranh cãi cam go giữa ba thế hệ nhà mình.

Nỗi sợ này đương nhiên vẫn còn tồn tại ở mẹ trẻ, nhưng mà đã giảm đi đáng kể khi mẹ trẻ nhận ra rằng sau 1 năm xõa, mẹ trẻ trở nên xinh đẹp hơn với một dáng hình đúng như mẹ trẻ mong muốn. Có lẽ giờ chỉ phải làm giảm mụn thôi. Và hơn thế nữa, mẹ trẻ có thêm vài người bạn  mới thật sự có sở thích và thật sự biết chăm lo cho mẹ trẻ chứ không phải những bạn học đầy đố kị ở trường.

Mình đang cố gắng tháo gỡ dần những ám ánh của mẹ trẻ, đặc biệt là với môn mỹ thuật. Mình đã cố giới thiệu với mẹ trẻ các tác phẩm hội họa kinh điển trên thế giới để khiến mẹ trẻ yêu lại môn vẽ, nhưng mẹ trẻ vẫn không chịu cầm bút vẽ trở lại. Có lẽ đây sẽ là những lớp tâm lý cần tháo gỡ dần dần.

Xem ra, nỗi sợ tương lai không đáng sợ bằng nỗi sợ quá khứ, ít ra là với trường hợp mẹ trẻ. Những ám ảnh quá khứ để lại các vết hằn tâm lý quá lớn, mà có lẽ ít bố mẹ để ý đến. Đáng sợ hơn, những ám ảnh quá khứ này dễ bị đè nén, bị khoác vỏ, và phải thật tinh ý, phải theo dõi, điều tra, đấu trí… mới có thể tìm ra được.

 

KẾT LUẬN:

Cách dậy mẹ trẻ của mình có phải là một cách đi quá liều lĩnh? Mình không cho là vậy. Chọn tin vào lý thuyết của người khác mà chính bản thân mình chưa kiểm chứng còn là một sự liều lĩnh nguy hiểm hơn. Mình có thể tham khảo các lý thuyết giáo dục, nhưng không đồng nghĩa với việc mình sẽ chạy theo áp dụng chúng vào trường hợp mẹ trẻ. Trái lại, mình nghĩ rằng, đây là một phương thức an toàn, vì mẹ trẻ tự hình thành được cách biểu hiện cá tính của mình và tự tiết chế được cá tính ấy tùy vào những gì mẹ trẻ cho là đúng đắn; và thiên hướng mẹ trẻ chọn các môn học và cách học cho mình sẽ dần dẫn mẹ trẻ đến với việc đưa ra quyết định trở thành con người như thế nào trong tương lai.

Bí quyết dậy mẹ trẻ của nhà mình đơn giản thôi: Sự chấp nhận cá tính, cho phép tự do lựa chọn, và không khí vui vẻ cũng như công bằng trong đối thoại.

Những gì nhà mình phải đánh đổi khi cho mẹ trẻ homeschool: Nghĩ lại thì không có gì mất cả, chỉ có được thôi.

 

Hà Thủy  Nguyên

Home 2019 Tháng 6

Cứt đái

Iả..

Đái…

Thiền định…

Sáng tác

Thay đổi thế giới

Same shit different ways…

 

Sáng lại sáng lại sáng

Thoát khỏi cơn mơ không có thật

(Hoặc thật theo những cách khác nhau)

Tôi đã móc họng

Nôn mửa ngày hôm qua

Nhầy nhụa

Bốc mùi

Chua loét

Lẫn vài vệt máu của một kẻ tự cào xước chính mình

Không đủ

Cố rặn những cục cứt quá khứ

Não tôi sẽ toàn cứt nếu táo bón

Sáng hôm nay sẽ chỉ là đống cứt của hôm qua.

 

Thế giới nhiều kẻ táo bón

Chạy trốn vào các cơn điên

Lúc này ở Hồng Kông, người dân đang cần đi ỉa

Biểu tình cũng là một cuộc đi ỉa tập thể mà thôi…

Hơi cay của cảnh sát

Cú đánh rắm bức bối của những kẻ không thể ỉa được

Thế giới nơi tôi đang sống

Cuộc chiến của những kẻ ỉa chảy và những kẻ táo bón

Họ không thể ỉa theo bản năng của mình

Họ nhịn ỉa đã quá lâu

 

Thế giới nơi tôi đang sống

Họ chạy trốn vào Thiền định

Okay, bạn không thích từ ỉa

Hãy nhớ về cảm giác đi đái

Xè xè tuôn chảy

Mọi vận động đều dừng lại

Các bậc chứng ngộ gọi đó là dòng sông tự tuôn chảy trong mình

 

Thế giới nơi tôi đang sống

Nhịn ỉa là đạo đức

Nhịn ỉa là tư tưởng

Nhịn ỉa là nền văn minh

Người ta ném cứt vào mặt nhau

Rồi gọi đó là ý tưởng

(Giống như điều tôi đang làm đây)

Tôi cũng đang ném những đống cứt vào mặt các bạn và mong muốn rằng các bạn thích nó

Các bạn không khác những con ruồi

Những con ruồi cũng phải ỉa

Cứt của tôi trở thành cứt trong bạn trở thành cứt của một ai đó cứt của thế giới miên viễn cứt

Mọi người đều cần đái trong lúc ỉa

Thiền định ra đời

Iả trở nên trơn tru hơn….

 

Hãy ỉa theo cách của mình

Hãy đái theo cách của mình

Hãy đánh rắm theo cách của mình

Mặc kệ mùi hôi thối

Thế giới nơi tôi sống

Được tạo nên bởi xú uế

Xú uế sẽ trở về cùng xú uế

Cứt của tôi và cứt của bạn thì có khác quái gì nhau?

 

Ôi đống cứt này

Độc ác thay

Tôi không thể từ bỏ

Khi ngửi đống cứt của ai đó

Tôi thấy mùi của mình

Mùi của những ngày tháng nặng nhọc kéo lê chờ đợi ngày tận thế

Mùi của khát khao những cái ôm

Mùi của một cảm giác đánh mất bản thân mình

Mùi của tham vọng hủy diệt thế giới bởi quá yêu thế giới

Mùi của tôi

Hoặc đống cứt của ai đó đã vứt sang tôi

 

Aha!

Sung sướng thay!

Tôi ỉa ra linh hồn

Linh hồn chỉ là đống cứt vĩ đại tự khoác lên mình vỏ bọc thần thánh rồi thôi miên đám ruồi nhặng

Iả mãi sẽ đau đít

Cũng không nhiều cứt đái đến vậy

Thôi đành giật nước xả trôi

Ngày này qua ngày khác rồi lại ngày

 

Thế giới nơi tôi đang sống

Bao giờ hết ỉa đái

Bao giờ các vị giật nước và xả trôi sự điên rồ?

Này thì giật nước!

 

Hà Thủy Nguyên

(Sáng tác nhân một lần dân Hongkong biểu tình, và lần này đăng lại, cũng nhân một dịp người Hongkong biểu tình.

Home 2019 Tháng 6

Lời tôi và mưa rơi

Lời tôi
Ai đã đánh rơi
Nơi gió thoảng
Như nụ hôn
Vừa thoáng qua môi

Làn môi tôi mong mỏng
Trăng lưỡi liềm đọng máu
Buột rơi lời
Ma thuật lên ngôi
Đã quên tình yêu nơi môi ai đó
Mọng đam mê

Lời tôi
Sương đọng hồng nhung
Tục khách chẳng ngó ngàng
Hơi bay vô dạng
Mây mưa

Lời tôi
Đã ướt áo ai chưa?
Người lạ đi qua sầu lo
Có nghe mưa sũng tóc
Và trăng ám hơi
Nơi khóe miệng
Buột lên lời tôi
Mỉm cười

Tôi đã quên những lời
Để được là nụ hôn
Đặt bờ môi mảnh trăng
Vào một bờ đam mê
Không là gió
Để là mưa
Ướt sũng trần gian
Trong chiều tàn
Để tình yêu
Chẳng là lời
Gió thoảng

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 Tháng 6

Tại sao tôi viết? – George Orwell (1): Động lực của nhà văn

Từ khi ít tuổi, có lẽ là năm hay sáu gì đó, tôi đã biết rằng khi tôi lớn lên tôi sẽ trở thành một nhà văn. Trong quãng từ mười bảy đến hăm tư tuổi tôi đã cố từ bỏ ý định này, nhưng tôi thực hiện điều đó với ý thức rằng tôi đang lăng mạ bản chất đích thực của mình và dù sớm hay muộn tôi sẽ ngồi xuống và sáng tác.

Tôi là đứa thứ hai trong số ba anh em, nhưng tôi kém anh cả và hơn em út những 5 tuổi, và tôi gần như không được thấy cha mình cho tới khi tôi tám tuổi. Vì lý do này và một vài nguyên nhân khác tôi khá đơn độc, và sớm hình thành lối sống bất tuân khiến tôi không được yêu quý trong suốt thời đi học của mình. Tôi có thói quen của một đứa trẻ cô đơn khi tạo nên các câu truyện và dựng nên những cuộc đối thoại với những người tưởng tượng, và tôi nghĩ rằng ngay từ ban đầu niềm đam mê văn học của tôi đã được trộn lẫn với cảm giác cô độc và bị đánh giá thấp. Tôi biết rằng tôi có lợi thế trong sử dụng ngôn từ và một năng lực đối mặt với những sự thật phũ vàng, và tôi cảm thấy rằng điều này tạo ra một dạng thế giới riêng tư mà trong đó tôi có thể lấy lại thế giới của riêng tôi vì những thất bại trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên tập hợp những bài viết nghiêm túc – đúng hơn là có ý định một cách nghiêm túc – mà tôi viết ra trong suốt thời thơ ấu và niên thiếu của mình chẳng đến sáu trang giấy. Tôi đã viết bài thơ đầu tiên lúc bốn hay năm tuổi, mẹ tôi mang ra để soát chính tả. Tôi không thể nhớ chút nào về nó ngoại trừ nội dung của nó về một con hổ và con hổ có “răng giống ghế” – một cụm từ đủ hay, nhưng tôi nghĩ rằng đây là một trường hợp đạo thơ bài “Hổ này hổ” (Tiger, tiger) của Blake. Ở tuổi mười một, khi thế chiến 1914 – 1918 nổ ra, tôi đã viết một bài thơ yêu nước và được in trên tờ báo địa phương, cũng như vài bài khác hai năm sau đó về cái chết của Kitchener. Thi thoảng, khi tôi lớn hơn một chút, tôi cũng viết những bài thơ thiên nhiên dở tệ theo đúng phong cách của George và thường chẳng bao giờ hoàn thành được. Tôi cũng đôi lần cố gắng viết những truyện truyện ngắn mà đó là một thất bại khủng khiếp. Đó là tổng cộng tất cả những gì nghiêm túc mà tôi đã tực sự viết trong suốt những năm tháng ấy.

Dù sao đi nữa, trong suốt tời gian này tôi đã tham gia vào các hoạt động văn chương. Bắt đầu với những thứ được sản xuất theo đơn đặt hàng mà tôi đã thực hiện rất nhanh chóng, dễ dàng và không vui vẻ gì. Ngoài công việc ở trường, tôi đã viết thơ, những bài thơ minh họa mà tôi có thể bật ra với tốc độ đáng kinh ngạc – ở tuổi mười bốn tôi đã viết hẳn một vở kịch thơ, bắt chước Aristophanes, trong khoảng một tuần – và giúp biên tập tạp chí của trường, vừa in vừa làm bản thảo. Những tạp chí này khôi hài một cách đáng thương và tôi gặp ít rắc rối với nó hơn nhiều so với thứ báo chí rẻ tiền nhất hiện nay. Nhưng sau tất cả những điều này, trong khoảng mười lăm năm ấy, tôi đã thực hành một bài tập văn chương rất khác biệt: đây là câu truyện tiếp diễn về chính bản thân tôi, một dạng nhật ký chỉ tồn tại trong tâm trí mà thôi. Tôi tin rằng đây là thói quen phổ biến của trẻ em và các thanh thiếu niên. Bởi vì từ khi còn rất nhỏ tôi đã từng tưởng tượng rằng tôi là, nói thế nào nhỉ, Robinhood, và tự hình dung mình là người hùng trong các cuộc phiêu lưu li kỳ, nhưng chẳng mấy chốc “câu truyện” của tôi đã không còn là một dạng ái kỷ thô thiển và ngày càng trở thành một dạng mô tả giản đơn những gì tôi làm và những gì tôi thấy. Trong phút chốc những điều này chạy qua đầu tôi: “Anh đẩy cửa và bước vào phòng. Một tia nắng mặt trời vàng vọt, chiếu qua tấm rèm sa mỏng, xiên vào bàn, nơi những hộp diêm, hé nửa, nằm cạnh lọ mực. Với tay phải trong túi anh bước qua cửa sổ. Dưới con phố con mèo đầu rùa đang đuổi theo một chiếc lá héo tàn.” Vân vân và vân vân. Thói quen viết này còn kéo dài cho tới khi tôi khoảng hăm lăm tuổi, ngay trong những năm tôi không có chút văn chương nào. Mặc dù tôi đã phải kiếm tìm, và kiếm tìm những ngôn từ đúng đắn, tôi dường như vẫn nỗ lực miêu tả những điều trái với ý muốn của tôi, theo đúng những gì bên ngoài ép buộc. “Câu truyện” phải, tôi cho rằng, phản ánh phong cách của những nhà văn khác nhau mà tôi đã ngưỡng mộ ở mỗi độ tuổi khác nhau, nhưng cho tới giờ tôi nhớ là chúng đều có cùng chất lượng miêu tả chi tiết giống nhau.

Khi tôi khoảng mười sáu tuổi tôi đột nhiên khám phá ra thú vui đơn thuần là ngôn từ, ví dụ như âm điệu hay phối từ. Những dòng này từ “Thiên đường lạc lối” (Paradise Lost):

“Thế là chàng với khổ cực và cần lao
Được đổi thành: khổ cực và cần lao chính chàng”

giờ đây chẳng có vẻ gì là tuyệt vời với tôi, lại đã từng khiến tôi ớn lạnh xương sống, và hứng khởi đánh vần “hee” thay cho “he”. Đối với nhu cầu miêu tả mọi thứ, tôi đã biết toàn bộ rồi. Do đó, rõ ràng rằng loại sách ấy tôi có thể viết trong tầm tay vào thời điểm đó. Tôi muốn viết những cuốn tiểu thuyết thực sự vĩ đại với những cái kết không tốt đẹp, tràn ngập các miêu tả chi tiết và những hình ảnh ví von, và cũng tràn ngập những đoạn văn thẫm đỏ mà trong đó ngôn từ được sử dụng tạo ra nhịp điệu riêng của mình. Và trên thực tế là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi, “Những ngày Miến Điện”, tôi đã viết khi tôi ba mươi tuổi, nhưng đã được nhen nhóm ý tưởng sớm hơn nhiều, khá là tiêu biểu cho thể loại này.

Tôi đưa ra tất cả những thông tin cơ bản này bởi vì tôi không nghĩ rằng người ta có thể đánh giá động cơ của một nhà văn mà không biết gì về thời kỳ phát triển ban đầu của nhà văn ấy. Đối tượng của nhà văn sẽ được xác định bởi thời đại, ít nhất điều này đúng ở thời loạn lạc và nổi dậy như thời của chúng ta – nhưng trước khi nhà văn ấy bắt đầu viết thì sẽ có sẵn một thái độ cảm xúc bao trùm khiến không thể thoát ra. Không nghi ngờ gì nữa, chính sự chuyên nghiệp là để thuần hóa tính khí của nhà văn và tránh mắc ket trong tình trạng thiếu trưởng thành, hay trong những tâm trạng đồi trụy: nhưng nếu nhà văn thoát khỏi những ảnh hưởng ban đầu của chính mình thì đồng thời cũng tự giết chết những thôi thúc viết lách của mình. Bỏ qua nhu cầu kiếm sống, tôi nghĩ rằng có bốn động lực lớn cho viết lách ở mọi cấp độ văn chương. Chúng tồn tại ở nhiều mức độ khác nhau với mỗi nhà văn, và trong mỗi nhà văn tỉ lệ sẽ thay đổi theo từng thời điểm, theo bầu không khí mà nhà văn sống trong đó. Chúng bao gồm:

(1) Bản ngã siêu tuyệt. Mong muốn có được vẻ thông tuệ, được nói đến, được nhớ tới sau khi chết, để lấy lại tự tôn từ những người đã hắt hủi bạn khi bạn còn tơ ấu, vân vân và vân vân. Các nhà văn có cùng đặc tính này với nhà khoa học, nghệ sĩ, chính trị gia, luật sư, quân nhân, các doanh nhân thành đạt – tóm lại là toàn bộ những cái mẽ đỉnh cao của nhân loại. Đám đông vĩ đại của loài người không ích kỷ hoàn toàn. Sau độ tuổi ba mươi, họ hầu như tắt lịm tham vọng cá nhân – nhiều trường hợp, thay vì đó, họ gần như từ bỏ ý thức về cá nhân – và sống chủ yếu vì người khác, hoặc đơn giản là bị vùi dập tàn tệ. Nhưng một số ít những người tài năng, có ý chí, quyết tâm đeo đuổi đến cùng, và các nhà văn đều nằm trong lớp này. Tôi phải nói là các nhà văn nghiêm túc, hão huyền và thích tự coi mình là trung tâm hơn các nhà báo, mặc dù ít quan tâm tới tiền bạc hơn.

(2) Đam mê thẩm mỹ. Nhận thức về cái đẹp ở thế giới bên ngoài, hoặc, mặt khác, là ngôn từ và cấu trúc chuẩn mực của họ. Sung sướng được tác động hết âm thanh này tới âm thanh khác, trong sự chặt chẽ của lời văn đẹp đẽ hay những nhịp điệu của các cốt truyện hay ho. Ham muốn được chia sẻ một trải nghiệm mà người ta cảm thấy đáng giá và không thể bỏ lỡ. Động lực cái đẹp khá yếu ớt đối với đa số nhà văn, nhưng ngay cả với một người viết hay tác giả của sách giáo khoa đều sẽ có những từ và cụm từ yêu thích vì lý do ngớ ngẩn nào đó, hoặc đơn giản là thấy ấn tượng vì phông chứ hoặc độ rộng của lề, vân vân. Từ cấp độ của một hướng dẫn xe lửa trở lên, chẳng cuốn sách nào thoát khỏi những tính toán thẩm mỹ.

(3) Xúc cảm lịch sử. Mong muốn được thấy mọi thứ đúng như chúng là, tìm kiếm những thực tại đích thực và lưu lại cho hậu thế.

(4) Mục đích chính trị – từ “chính trị” được sử dụng theo nghĩa rộng nhất có thể. Mong muốn thúc đẩy thế giới theo hướng nào đó, để thay đổi ý tưởng của người khác về một loại xã hội nào đó mà họ nên phấn đấu theo. Một lần nữa phải nói là, không cuốn sách nào thực sự thoát khỏi thiên kiến chính trị. Ý kiến cho rằng nghệ thuật chẳng liên quan gì đến chính trị thì chính bản thân nó cũng là một thái độ chính trị.

 

(Còn nữa)

Hà Thủy Nguyên dịch

Nguyên tác: https://orwell.ru/library/essays/wiw/english/e_wiw