Home Sáng tác mới Nhảm #16: Thay đổi

Nhảm #16: Thay đổi

Con người, tự chúng ta gọi chúng ta để phân biệt với loài vật, để tự huyễn rằng mình cao quý hơn muôn loài khác.
Người dân, chúng ta khiêm tốn tự gọi mình và đồng loại của mình để mong được kẻ khác chấp nhận sự sinh tồn.
Không có mâu thuẫn giữa khái niệm con người và người dân, vì chỉ là những từ khác nhau để chỉ cùng một dạng đối tượng.
Khi một người dân trở thành kẻ làm việc trong chính quyền, tự dưng bị “đột biến” và trở thành giống loài khác. Tự chính quyền và người dân đều cư xử với nhau như những kẻ không chung chủng loài. Thật kỳ quặc!
Điều gì đã tạo ra đột biến này?
Quyền lực!
Khi người dân trao quyền cho một nhóm người để nhóm người ấy thay họ định đoạt, thì họ đã tự xà xèo bớt quyền lực của mình để trao cho nhóm ấy (tức chính quyền). Đời truyền đời, họ quên mất dần chính họ đã gây ra sự đột biến chủng loài ở chính quyền. Thực ra, họ cũng bị đột biến, mà thực ra là suy thoái.
Chính quyền là một chủng loài đột biến từ người dân, có thể nói như vậy, và chúng sở hữu nhiều sức mạnh hơn dù số lượng thành viên ít hơn ( nực cười là chính người dân đã mang đến sức mạnh ấy cho chính quyền).
Mô hình của chính quyền luôn thay đổi, để thích nghi với người dân, nhưng dù mô hình nào thì vẫn luôn tồn tại mâu thuẫn giữa hai chủng loài này.
Người dân muốn làm giảm quyền lực của chính quyền, không phải bằng cách thay chính quyền này bằng chính quyền khác. Mà thay vì đó, phải trở nên có nhiều sức mạnh hơn, và hạn chế trao sức mạnh ấy cho chính quyền.
Một xã hội tốt đẹp không đến từ chính quyền tốt, mà đến từ việc người dân sở hữu sức mạnh vượt trội hơn chính quyền, tới mức ép buộc chính quyền vận hành để phục vụ mình chứ không phải biến mình thành công cụ của chính quyền.
Thêm một điều nữa về những kẻ trong chính quyền. Bản thân họ cũng chẳng hiểu gì về sức mạnh cũng như hệ thống chính quyền họ đang làm việc. Họ chỉ như lũ trẻ con sở hữu sức mạnh và tự đắc coi mình như một chủng loài vượt trội. Họ không nhận ra rằng họ đang bị sự đột biến, tức quyền lực điều khiển.
Nhưng cái quyền lực ấy bản chất là gì? Đó là tập hợp những sức mạnh mà mỗi người dân tự tước bỏ khỏi mình vì sự lười biếng, vô trách nhiệm và hèn nhát. Và bởi vì bị tách lìa một cách thờ ơ bởi người dân, nên quyền lực ấy luôn tạo ra những cơ chế kìm hãm thay vì giải phóng, phá hủy thay vì kiến tạo, tàn ác thay vì bao dung, giả dối thay vì minh bạch. Thực tế là, bất cứ ai ở trong chính quyền đều phải tự biến đổi để thích nghi với cơ chế quyền lực này. Chúng có thể được cải thiện đâu đó khi người dân tỏ rõ sức mạnh của mình và đòi hỏi, nhưng về bản chất chúng không thay đổi.
Đừng mơ mộng chính quyền ngay từ ban đầu sẽ vì người dân. Không có đâu! Làm sao một thứ nảy sinh từ sự lười biếng, vô trách nhiệm và hèn nhát của người dân lại có thể vì quyền lợi của người dân được? Chúng sẽ tìm mọi cách để nô dịch chứ, phải không nào? Chính quyền khôn ngoan thì dẫn dắt người dân vào một công xưởng khổng lồ, sang chảnh được đắp bởi các chính sách phúc lợi và các quyền lợi rỗng tuếch, vô giá trị. Chính quyền dốt nát thì để mặc cho dân sinh và dân trí tồi tệ.
Thế nên thay đổi chính quyền không thực sự mang lại thay đổi bản chất của xã hội. Nó làm mỗi người dân ngủ quên trong nhà tù mới tinh tươm hơn, và dễ dàng trao niềm tin và thứ chính quyền tân thời giỏi tô vẽ bằng lời hứa và lý tưởng.
Nhắc lại một lần nữa, khi và chỉ khi người dân có nhiều sức mạnh hơn, ít lệ thuộc hơn vào những hệ thống mà bất cứ dạng chính quyền cung cấp như quốc phòng, an ninh, kinh tế, giáo dục, y tế…thì lúc ấy sự thay đổi cán cân mới đáng kể.
Nghịch lý là người dân cứ tiếp tục trao quyền lực, và tiếp tục thù ghét chính quyền, tiếp tục không cải thiện mình rồi tiếp tục tạo ra những cuộc soán đoạt mà sau đó mình vẫn là nô lệ. Đây là một dạng yếm thế, một dạng thức tinh vi của sự lười biếng, vô trách nhiệm và hèn nhát đã được che dấu trong kỳ vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn khi có kẻ khác sở hữu chính quyền.
Kỳ vọng luôn mang lại tuyệt vọng…Và tôi viết những điều này trong cơn tuyệt vọng, nhưng là cơn tuyệt vọng cần thiết để thấu rõ.

Hà Thủy Nguyên

Nhảm #15: Nhìn

Có những thứ tri thức được sử dụng để che mắt khiến sự thật không thể hiển lộ. Có những lời kêu gào tự do không dẫn đến tự do mà chỉ đường dẫn lối tới gông cùm vĩnh viễn. Có những cứu rỗi đẩy nạn nhân chìm sâu vào hố thẳm khôn cùng. Có những tình yêu hành hạ người bị yêu nhân danh sự hi sinh. Có nỗi đau có thể quy đổi thành bạc cắc. Có nụ cười thiếu vắng niềm vui

Nhảm #5: Tiếng ồn

Sâu kín luôn im lặng! Lời nói luôn là tiếng ồn, cho dù lời nói có hay ho và ý nghĩa đến đâu đi nữa. Những tư tưởng thiêng liêng và cao cả đều tha hóa, bởi vì chúng quá ồn ào. Làm sao có thể tìm kiếm sự im lặng bên trong tiếng ồn? Không thể! Nhưng ta có thể im lặng giữa tiếng ồn. Bạn đã bao giờ đi im lặng giữa một đám đông hô hào? Hừm, tiếng ồn sẽ cho rằng

Nhảm #11: Quằn quại

Quằn quại không có nghĩa là sâu sắc. Đó là trạng thái của những con sâu bị xéo tới mức ngoài quằn ra thì chẳng còn có thể làm gì khác. Tội nghiệp lũ sâu bất lực. Thích thú chiêm ngưỡng sự quằn quại lại càng không phải là sâu sắc. Đó là thú vui bệnh hoạn. Đó thậm chí còn không phải đồng cảm và thấu hiểu, mà là sự đói khát quằn quại của những con sâu chẳng bao giờ được ai để

Nhảm #19: Sở hữu

Người đời luôn cần sở hữu cái gì đó, không hữu hình thì cũng phải vô hình. Họ dành gần hết cuộc đời để sở hữu những thứ không thật sự thuộc về mình, và thực ra là không thuộc về ai cả. Nào thì thành đạt, tài sản, nhan sắc, danh tiếng, tình yêu...ôi đủ thứ có thể gọi tên. Vì quá mải mê sở hữu, họ quên mất tận hưởng trải nghiệm chúng. Và bởi thế, họ bị chính những thứ mình sở

Nhảm #1: Hiện thực

Đối mặt với hiện thực là hành vi hết sức vô nghĩa, bởi hiện thực luôn tác động đến ta theo cách này hay cách khác. Vấn đề của chủ nghĩa hiện thực nằm ở chỗ quá bám víu vào hiện thực. Họ - những nhà chủ nghĩa hiện thực chỉ mô phỏng hiện thực sao cho gần nhất với hiện thực. Họ không hiểu rằng (hoặc có thể họ thừa hiểu), sự mô phỏng hiện thực thiên kiến của họ lập tức trở thành