Home Bình Luận Sinh tồn, đấu tranh và tình người qua ngòi bút Pearl S. Buck

Sinh tồn, đấu tranh và tình người qua ngòi bút Pearl S. Buck

Văn chương viết về đề tài nông thôn của Trung Quốc đã đạt được vị thế quan trọng trên văn đàn thế giới. Để có được vị thế ấy, không chỉ có sự đóng góp của các tác phẩm của những cây bút lớn người Trung Quốc như Lỗ Tấn, Cao Hành Kiện hay Mạc Ngôn…, mà còn đến từ nữ nhà văn hiện thực người Mỹ – Pearl S. Buck.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Pearl S. Buck đã viết về người nông dân Trung Quốc, đặc biệt qua bộ ba tiểu thuyết hiện thực Đất lành – Đời con – Ly tán, bà đã khắc họa một bức tranh sống động về cuộc sống nông thôn Trung Quốc đầu thế kỷ 20, qua đó giúp những độc giả phương Tây vốn đầy định kiến về người da vàng, hiểu rõ hơn về nền văn hóa và những thách thức mà người Trung Quốc nói riêng và người dân ở các nước thuộc địa nói chung phải đối mặt.

Pearl S. Buck với trái tim thương cảm dành cho người dân da vàng

Năm 1892, Pearl S. Buck được sinh ra trong một gia đình truyền giáo người Mỹ. Khi chỉ mới vài tháng tuổi, bà đã theo cha mẹ sang Trung Quốc, nơi bà lớn lên, học tiếng Trung Quốc và thấm nhuần văn hóa quốc gia này.

Những trải nghiệm từ thời thơ ấu có lẽ đã ảnh hưởng sâu sắc đến các tác phẩm văn học của bà. Buck trở về Mỹ để theo học tại Đại học Randolph-Macon Woman’s College và tốt nghiệp năm 1914. Sau đó, bà trở lại Trung Quốc để tiếp tục sự nghiệp giảng dạy và viết lách, biến những trải nghiệm phong phú của mình thành nguồn cảm hứng cho các tác phẩm văn học.

.
Pearl S. Buck anh 2
Pearl Sydenstricker Buck đoạt giải Nobel Văn học năm 1938. Ảnh: Asia Society

Sự tiếp xúc sâu sắc và kéo dài của bà với Trung Quốc đã mang lại cho bà một góc nhìn độc đáo và chân thực về cuộc sống và văn hóa Trung Quốc, điều này được phản ánh rõ nét trong các tác phẩm của bà.

Gió Đông: Gió Tây (East wind: West wind) là tác phẩm bà mở đầu cho sự nghiệp sáng tác về những người dân da vàng, nhưng chỉ với bộ ba tiểu thuyết hiện thực Đất Lành – Đời Con – Ly Tán, bà mới thực sự khẳng định vị thế của mình trên văn đàn quốc tế.

Tác phẩm Đất Lành, tập đầu tiên của bộ ba tiểu thuyết này, lập tức gây chấn động giới học giả phương Tây, giúp bà giành được giải thưởng Pulitzer năm 1932. Năm 1938, bà được trao giải Nobel Văn học và được ghi nhận với vai trò cầu nối văn hóa Đông Tây lúc bấy giờ.

Khác với Lỗ Tấn, nhà văn Trung Quốc cùng thời, Pearl S. Buck không phê phán những thói hư tật xấu của người nông dân Trung Quốc. Thay vào đó, bà tái hiện đời sống của họ qua từng trang viết một cách sống động, chân thực và mộc mạc, với một trái tim đầy thương cảm. Buck nhìn nhận cuộc sống của người nông dân Trung Quốc qua lăng kính nhân ái, mang đến cho độc giả những câu chuyện giàu cảm xúc, khắc họa rõ nét nỗi khó nhọc, niềm hy vọng và ước mơ của họ.

Trong các tác phẩm của mình, Buck không chỉ mô tả cuộc sống hàng ngày của người nông dân mà còn khơi gợi những phẩm chất tốt đẹp nơi họ như sự cần cù, kiên trì và lòng yêu thương gia đình dẫu cho đạo đức của họ bị bào mòn trong cảnh bần cùng, loạn lạc.

Ngay cả khi không thể quay lại Trung Quốc, vùng đất thân thuộc mà bà đã gắn bó từ thuở ấu thơ, Pearl S. Buck vẫn dành rất nhiều tình yêu cho những người da vàng ở vùng đất này và toàn bộ châu Á. Bà đã dịch nhiều tác phẩm văn học kinh điển của Trung Quốc sang tiếng Anh, trong đó có Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy Hử truyện, Hồng lâu mộng. Chứng kiến những bất bình đẳng trong đối xử với phụ nữ, những người châu Á, người nhập cư… bà đã đóng góp rất nhiều tác phẩm văn chương, báo chí… để cải thiện thái độ của người phương Tây.

Trước khi các chủ đề như phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính và tình cảnh của trẻ em châu Á bị ảnh hưởng bởi chiến tranh trở thành xu hướng, Buck đã thách thức công chúng Mỹ bằng cách nâng cao nhận thức về các vấn đề này.

Năm 1949, sau khi nhận thấy các dịch vụ nhận con nuôi hiện có coi trẻ em châu Á và con lai là không thể nhận nuôi, Buck đã thành lập nhà nuôi dưỡng lâu dài đầu tiên cho trẻ em lai gốc Á sinh ra tại Mỹ, đặt tên là The Welcome Home. Bà đã thành lập Quỹ Pearl S. Buck (sau này đổi tên thành Pearl S. Buck International vào năm 1999) nhằm “giải quyết vấn đề nghèo đói và phân biệt đối xử mà trẻ em ở các nước châu Á phải đối mặt”.

Năm 1964, bà mở Trung tâm Cơ hội và Trại trẻ mồ côi tại Hàn Quốc, và sau đó mở các chi nhánh tại Thái Lan, Philippines và Việt Nam. Khi thành lập Trung tâm Cơ Hội, Buck đã nói: “Mục đích là phơi bày và loại bỏ những bất công và định kiến mà trẻ em phải chịu đựng, những em nhỏ khi sinh ra, không được hưởng các quyền lợi giáo dục, xã hội, kinh tế và dân sự như những trẻ em khác”.

Những mâu thuẫn trong quá trình chuyển dịch xã hội đầu thế kỷ 20

Bộ ba tiểu thuyết “Đất Lành” – “Đời Con” – “Ly Tán” của Pearl S. Buck kể về ba thế hệ của gia đình Vương Long trong suốt những năm tháng đầy biến động của xã hội Trung Quốc do cùng lúc diễn ra sự phân rã của cấu trúc quyền lực phong kiến và sự va chạm Đông Tây.

Pearl S. Buck mở đầu bằng một buổi sáng của Vương Long với những cựa quậy nảy mầm lúc xuân thì và khấp khởi hi vọng đơm hoa kết quả trong ngày cưới.

Pearl S. Buck anh 3

Vương Long vốn là một anh tá điền không có gì trong tay, “được” địa chủ họ Hoàng gả bán nha hoàn làm vợ. Hai vợ chồng nghèo đói có nhau, cùng nhau làm lụng và dành dụm, mua được một khoảnh đất của nhà họ Hoàng. Dẫu vậy, họ vẫn không thoát nổi sự bần cùng, tới mức, người vợ phải giết đứa con gái thứ hai để nó không rơi vào cảnh cơ cực. Và khi nạn đói xảy ra, gia đình họ Vương dắt díu nhau lên thành thị, nơi họ phải ăn xin và kéo xe để qua ngày, nơi họ phải ăn trộm thịt và gạt bỏ đi các giá trị đạo đức, nơi họ tham gia vào cuộc bạo loạn cướp bóc để giành giật một khoản tiền mưu sinh.

Nhưng tài sản có được nhờ cướp bóc và bất lương chẳng được lâu bền. Ba người con trai của Vương Long bắt đầu mâu thuẫn và tranh giành quyền lực. Giữa thời buổi loạn lạc, người con trai thứ ba của ông với sức mạnh quân sự có được trong suốt thời gian đi lính đã trở thành tiếng nói quyết định trong gia tộc, lấn át cả hai người anh địa chủ và thương nhân của mình.

Quá trình Vương Hổ, người con trai thứ ba của Vương Long tranh đoạt quyền lực và chiếm đất, đương đầu với các đối thủ được kể lại trong tập hai với tựa đề Đời con. Nếu cuộc đời Vương Long là nguyên mẫu điển hình cho những người nông dân cố gắng vùng vẫy thoát khỏi bần cùng, thì Vương Hổ là điển hình cho các thế lực phiến quân đi lên nhờ bạo loạn khi quyền lực tối cao suy sụp và người dân chìm trong mông muội, man dã.

Ly tán – tập 3 và cũng là tập cuối của bộ sách, kể về Vương Nguyên, con trai của Vương Hổ, một cậu học trò với những lý tưởng tự do, chống đối lại mọi giá trị mà Vương Hổ coi trọng. Không giống những người họ Vương thế hệ hai vốn tham lam và tranh đoạt, Vương Nguyên tràn ngập lý tưởng và lòng tốt, có thể nói, là những gì đã bị dòng họ Vương gạt bỏ trong quãng thời gian cơ cực và nỗ lực đạt được sự giàu có và quyền lực.

Nhưng cuộc đời lý tưởng của anh không dễ dàng gì toại nguyện: anh bị cô lập bởi chính những người dân quê sống ở ngôi làng lập nghiệp của họ Vương xưa kia, bị gia đình ép buộc kết hôn, bị bạn bè lôi kéo vào cuộc cách mạng mà anh muốn tránh né, bị người yêu và cũng là đồng đội phản bội, bán đứng.

Rời bỏ Trung Quốc với quyết tâm học tập những tiến bộ của người phương Tây trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng rồi anh phải đối mặt với sự kì thị của những người da trắng, tới mức, anh kháng cự mọi giá trị của nền văn minh phương Tây và mang trong mình nỗi mặc cảm không thể vượt qua của chủng tộc.

Sự trở về Trung Quốc của Vương Nguyên giữa bối cảnh cách mạng bạo loạn mang theo rất nhiều gánh nặng. Sự tìm kiếm hạnh phúc của anh bị trói buộc bởi các khoản nợ mà cha anh đã rơi vào để cứu rỗi cuộc đời anh khỏi ngục tù và cho anh cơ hội du học. Cuộc đời Vương Nguyên mang những bất hạnh điển hình của tầng lớp tiểu tư sản thành thị, dẫu cho có thoát khỏi bần cùng nhưng rồi những mâu thuẫn nội tại và những xung đột xã hội vẫn cứ đẩy trở lại sự bần cùng.

Dẫu từng trang sách là một sự xoay chuyển liên tục giữa hi vọng và đau đớn ê chề, nhưng tiến triển của ba thế hệ nhà họ Vương cho thấy hi vọng vẫn cứ nhen nhóm, đúng như câu ca dao của người nông dân Việt Nam xưa “Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”.

Ba thế hệ qua đi, những con người ấy đã đi từ tay trắng và mông muội tới học thức và cơ hội, đi từ mối quan hệ xác thịt tới tình yêu, đi từ đang tâm giết chết con mình cho tới sự hi sinh vì tương lai đầy hứa hẹn của người con, đi từ những người phụ nữ cam phận tới những người phụ nữ có thể tự do lựa chọn. Tất cả rốt cuộc, khép lại trong câu thoại đầy hy vọng của Vương Nguyên: “Cả hai ta, cả hai đứa mình… tụi mình chẳng còn sợ gì nữa hết”.

Hà Thủy Nguyên

Bài đã đăng trên Znews

Bài thơ lạc giữa vô cùng

Đã kiệt cùng tâm sự của gió mây Những nẻo đường lui tới Quen bước người Mà hồn này chia biệt Đọng giữa trời Một cơn mưa chưa tắt Và những lời tâm sự chẳng thành câu In vũng nước Đáy thời gian phai nhạt Loang loáng màu quên lãng Ký ức ai người lật trang Mặc dấu vết loang dần ẩm ướt Nét hoa vàng rũ nát Nhàu nhĩ xác thân này Có cơn ngủ nào vừa ập đến Kéo ta lịm xuống mồ

“MÊ HỒN CA” CỦA ĐINH HÙNG: CÕI CHIÊM BAO CỦA THỨC TỈNH TINH THẦN

Hà Thủy Nguyên Lần đầu tiên đọc thơ Đinh Hùng, khi ấy tôi vẫn còn ngồi trên ghế trường trung học, đó là bài thơ “Khi mới nhớn”. Bài thơ nằm trong một tuyển tập ở thư viện Hà Nội. Tôi đọc bài thơ với sự khoái chí khi tưởng tượng đến cậu học trò trốn học bởi nhận thức được những sự ngớ ngẩn của trường lớp và muốn giữ mãi sự mơ mộng nguyên thủy của bản thân. Thời ấy, tôi tâm đắc

Cơ chế của những lời tiên tri

Nhu cầu biết trước về một tương lai có thể xảy ra luôn kích thích trí tò mò của con người, bởi thế quyền năng tiên tri là điều được ngưỡng vọng vào bậc nhất trong lịch sử nhân loại. Thế nhưng, cơ chế để hình thành nên một lời tiên tri không giống nhau, hay nói một cách khác cơ cấu của từng hệ thống quyền năng tiên tri khác nhau rất nhiều. “Tiên tri” có nghĩa là “biết trước”. Chữ “tri”, theo Từ

Khúc ca trong tù

Giám ngục mù U… Tối tối lang thang góc tù Huýt điệu nhạc phù du U u… Tiếng còi tuýt dài Ngày mai lại ngày mai Đi giữa những ai ai Hàng hàng khuôn mặt Giận dữ Khóc cười Tham lam Uất hận Mây đã giăng trời mù Đời đã bước vào thu   Góc tù kia có kẻ Lẩm bẩm lời đả đảo Ôm giấc mơ thiêu rụi Nhưng chẳng dám tự thiêu Hắn đả đảo đời Hắn đả đảo mình Nơi địa ngục

Người bay

Những người bay mưa đêm Vỗ cánh về đâu thế? Tiếng đập cánh ướt sa phố xá Đèn nhoà tâm tư Hắt màu cổ miếu Hỡi ai Có bay qua nghĩa địa đông người Bóng ma dật dờ trên phố Ma ma người người chen chúc Áo quần cũ mới lộn nhau Trước sau chẳng thành hình Nén nhang cháy dở khiêu hồn vỡ Những người bay cô đơn quá Chẳng thấy nhau Lạc giữa thành phố nghĩa trang Hôm nay tôi đang sống nơi