Home 2016 Tháng Hai

Cõi không biết

Đứng trước gương và lảm nhảm:

“Chết, ngủ. Ngủ có thể chỉ là mơ. Hừ! Đây mới là điều khó khăn. Vì trong giấc ngủ của cõi chết ấy, khi ta đã thoát khỏi cái thể xác trần tục này, những giấc mơ nào sẽ tới, điều đó làm cho ta phải ngừng lại mà suy nghĩ. Chính điều đó gây ra bao tai họa cho cuộc sống dằng dặc này! Bởi vì, ai là người có thể chịu được những roi vọt và khinh khi của thời đại, sự áp bức của kẻ bạo ngược, hống hách của kẻ kiêu căng, những nỗi dày vò của tình yêu tuyệt vọng, sự trì trệ của công lý, hỗn xược của cường quyền, sự miệt thị của kẻ bất tài đối với người đức tài nhẫn nhục, khi chỉ cần một mũi dao là có thể đủ đưa mình đến chỗ yên nghỉ.” (“Hamlet” – W.Shakespeare)

Thật chẳng khác nào như một thằng điên. Hamlet giả điên, còn tôi bây giờ giả làm Hamlet. Một kẻ điên đi bắt chước cơn điên của người khác. Cái kẻ đứng trong gương kia và tôi, đâu mới là tôi thật sự? Biết đâu hắn ta cũng đang nghĩ rằng hắn ta đang soi tôi và tôi chỉ là ảo ảnh. Điên xừ nó rồi! Hoặc tôi quá yêu thích cơn điên đến nỗi hoang tưởng về cơn điên của mình như những kẻ điên cứ nghĩ rằng mình tỉnh.

Thôi thì cứ mặc định là tôi tỉnh, và tỉnh đến mức rằng chẳng còn tin tưởng điều gì… Cuộc sống ngoài kia chẳng qua chỉ là tập hợp những vật thể của một giấc mơ lớn miên viễn không bao giờ tỉnh lại được. Còn giấc mơ thật sự thì chắc chắn là mơ rồi, không còn gì để bàn nữa. À không, cái duy nhất mà tôi có thể tin đó là chẳng có gì đáng tin cả. Điên ư? Mơ mộng ư? Nhảm nhí vớ vẩn!

À, mà nhắc đến những cơn mơ… Tôi đã từng lựa chọn việc ngủ nhiều, hình như đấy là việc duy nhất tôi có thể làm để cứu thế giới xuẩn ngốc này. Một lũ người với lập luận rằng: Chúng ta phải cải tạo thế giới và không có thời gian cho việc ngủ. Tội nghiệp thay cho thứ được gọi là “thế giới”… nó sẽ tốt hơn biết bao nếu thiên hạ ai ai cũng thích ngủ như tôi. Thức là phải ăn, phải thở, phải tồn tại. Nhưng bi kịch ở chỗ giấc ngủ chẳng bao giờ là giấc ngủ thật. Giấc mơ thực ra cũng chỉ là một “thế giới” khác mà thôi. Bạn nói rằng: “giấc mơ của tôi”, “giấc mơ của anh”, “giấc mơ của chúng ta”… xin thưa, bạn chả biết cái quái gì về khi mơ cũng như khi tỉnh cả.

Những giấc mơ của vạn vật trên thế giới này nó liên kết chằng chéo lấy nhau như một ma trận vậy. Nếu bạn nằm mơ một khung cảnh với một thư viện đầy sách, có tôi trong đó, tự nhiên lại có một con voi lừng lững đi vào và nghiễm nhiên tè một bãi vào quyển sách của Darwin thì có nghĩa là trong đó có chồng chéo mộng mị của tôi, của bạn, của những quyển sách trong thư viện, của một con voi chết tiệt nào đó, thậm chí cả ông già Darwin đã chết từ đời tám hoánh… Cũng may mà thế giới trong mơ không có giới hạn, không thì chắc người ta sẽ buôn bất động sản ở đó mất, vì những người chết ở đời thực vẫn cứ lởn vởn. Nào thì Trang Tử, nào thì Freud, nào thì Edgar Allan Poe, toàn những kẻ nghiện ngập giấc mơ. À, thậm chí còn gặp được Marquez, lúc đó tôi phá lên cười, bây giờ thì lão muốn tỉnh cũng chả tỉnh được rồi nhé. Gớm, thế mà lúc sống còn phịa ra hẳn một căn bệnh không thể ngủ.

Thế đấy, khi bước vào nó tôi sung sướng lắm, tôi ngây thơ tin rằng ở cõi vô hình vô biên này chắc chắn phải có ước mơ của nhân loại hàng nghìn đời nay: “Tự do – Bình đẳng – Bác ái”. Thưở đó, tôi đã tính kế nhân giống giống ruồi CC của châu Phi, đốt vào một cái là tha hồ mà ngủ với chả mơ. Song chẳng mấy chốc thì tôi tỉnh ra. Đấy tôi đã khẳng định ở trên là tôi vô cùng tỉnh táo mà: không điên, ko mơ, ko hoang tưởng. Để tôi kể cho mà biết điều gì khiến tôi hủy bỏ kế hoạch của mình.

Một lần lang thang giữa mộng mị: Đó là một ngày tận thế, tôi và lũ bạn thân – những kẻ vẫn tự đắc là có trí tuệ tuyệt đỉnh – leo lên tầng cao nhất của một tòa cao ốc đã liêu xiêu đổ nát với ý tưởng rằng: cho dù có chết thì cũng phải chết trên đầu trên cổ kẻ khác. Rượu mạnh, trần truồng và gào thét rồ dại:

“Feel your spirit rise with the breeze
Feel your body falling to it’s knees
Sleeping wall of remorse
Turns your body to a corpse
Turns your body to a corpse
Turns your body to a corpse
Sleeping wall of remorse
Turns your body to a corpse”

(“Behind the wall of sleep” – Black Sabbath)

Cái đám Black Sabbath chắc đang đắc ý vì biết rằng đống nôn mửa ấy lại trở thành bài hát cuối cùng trong ngày tận thế. Việc đó không quan trọng. Quan trọng là sự xuất hiện của một cô gái, cô gái mà tôi vẫn thầm thương trộm nhớ. Cái đám bạn tôi bỗng biến mất tiêu, còn quần áo mọc lên trên mình tôi tự bao giờ. Chúng tôi ôm nhau và hôn say đắm dưới ánh chiều tà. Giá như tận thế không đến quá sớm thì chúng tôi đã kịp làm tình với nhau rồi. Nhưng cái cảnh sụp đổ quá vĩ đại tới mức chúng tôi chỉ biết nằm tựa nhau chiêm ngưỡng đến khi chẳng còn thấy gì ngoài một hố đen thăm thẳm.

Sáng hôm sau tôi tỉnh dậy, và bỗng nhiên cô gái ấy yêu tôi say đắm. Kỳ quặc! Nụ hôn đầu tiên của chúng tôi cũng diễn ra vào một buổi hoàng hôn, chỉ khác ở địa điểm – một khu nhà hoang tàn, đổ nát. Tôi hỏi cô nàng về những giấc mơ, cô nàng chả nhớ gì cả. Lũ bạn tôi cũng thế. Đa phần họ chẳng nhớ gì về giấc mơ của mình, chỉ nhớ mang máng về cảm giác. Song, buồn cười là họ hành động mọi thứ y hệt như tôi thấy trong mơ. Qủy thật cái lão Freud, lão nhận định không sai, càng dốt nát về thứ gì thì càng bị thứ đó chi phối. Và nghiễm nhiên tôi trở thành kẻ kiểm soát giấc mơ của họ.

Cho đến một ngày tôi gặp trong giấc mơ của cô nàng một tay độc tài giàu có. Hắn cho nàng một giấc mơ khác của phù hoa và tuyệt đỉnh sắc đẹp. Tôi định xông vào nhưng hắn mạnh hơn tôi nhiều. Hắn cũng giống tôi, hắn biết là hắn đang mơ, hắn đẩy bật tôi văng ra khỏi đó và dù tôi lùng sục khắp nơi cũng không thể thấy cả hai.

Nhiều ngày sau đó, nàng nói chia tay với tôi, còn tôi không thể nào tìm thấy nàng sau khi ngủ nữa. Tôi lẳng lặng đằng sau theo dõi nàng. Nàng cặp kè hết với người này đến người khác, toàn đại gia, nhưng chẳng ai có khuôn mặt giống hắn cả. Tôi quyết phải tìm bằng được cái kẻ quyền lực ấy. Vậy là hóa ra có những kẻ kiểm soát và điều khiển giấc mơ của kẻ khác. Tức là chả có tự do với bình đẳng gì ở đó cả. Nỗi hoài nghi ngày càng lớn hơn. Thế đấy, chẳng gì làm người ta nhanh chóng trở thành kẻ hoài nghi  hơn sự vỡ vụn của ảo tưởng tình yêu.

Điều gì khiến mọi người không thể nhớ được chút nào về giấc mơ của mình? Cứ cho là có sự kiểm soát, vậy phải có công cụ gì kiểm soát chứ? Tôi đã nghĩ đến việc đi hỏi mấy tay nghiên cứu về mơ mộng mà tôi kể trên, nhưng rồi lại tự nhủ: “Lỡ như chính đám đó đang cố điều khiển giấc mơ của người khác thì sao? Tôi đã nghe về bao nhiêu người tự tử hoặc hóa rồ vì bị mấy lời lảm nhảm trong lúc mộng du của bọn sáng tác ấy ám ảnh.” Thôi đành tự sục sạo trong từng giấc mơ của những người quen biết vậy. Tôi quan sát rất kỹ để tìm một điểm chung. À, phải rồi, có điểm chung là tiếng chuông của đồng hồ báo thức. Tôi có thế nhớ rõ giấc mơ của mình là vì tôi chả bao giờ đếm xỉa gì đến thời gian. Tiếng chuông giục giã đã trở thành một cơn chấn động lớn khiến con người quên biến mất mọi sự kiện vừa diễn ra.

Không rõ cái ý tưởng phát minh ra đồng hồ, và nhất là đồng hồ báo thức bị gieo rắc, cài cắm vào đầu mấy kẻ sáng chế chết tiệt từ bao giờ nữa. Kẻ nghĩ ra ý tưởng ấy hẳn phải là kẻ thực sự nắm quyền lực của thế giới mơ này. Mà trong vũ trụ còn có ai quyền lực hơn Thượng Đế nữa. Ở ngoài người ta ra rả cầu Thượng Đế, nhưng trong mơ chả mấy người nhớ đến ngài. Mỉa mai thế đấy!

Được cái hay ho ở trong mơ là chỉ cần một suy nghĩ, ta sẽ được cái mình muốn. Bây giờ thì tôi đã ở trước một ảo ảnh của Thượng Đế.

– Làm sao tôi biết được ngài có phải là Thượng Đế hay không?

– Thượng Đế hay không Thượng Đế có quan trọng gì… chủ yếu là ta có thể giúp ngươi tìm được lời giải cho câu hỏi của mình.

Tôi nhún vai nghi ngờ. Nếu đã chẳng thể tin vào thân phận, làm sao có thể tin được câu trả lời. Mà thây kệ, biết một tí cũng chẳng sao. Trong mọi lời dối trá đều ẩn chứa nửa sự thật, giống như mọi lời nói thật đều có phân nửa dối trá.

– Ta không cố phát minh ra đồng hồ. Ta trao quyền đó cho những con gà trống. Và nhìn xem đồng loại của ngươi lạm dụng chúng tới cỡ nào. Loài người cần nhiều kẻ thức ở thế giới thực, những kẻ ngoan ngoãn và mê muội. Nếu ai đó nhớ được giấc mơ của mình thì tức là biết quá nhiều, biết quá nhiều sẽ không mê muội, sẽ không thể bị khuất phục và không thể bị điều khiển.

– Vậy thì cứ dùng gà là đủ rồi… – Tôi thắc mắc.

Thượng Đế phá lên cười lăn lộn. Chỉ đến khi tôi nhăn mày bực dọc thì ngài mới bắt đầu từ tốn giải thích:

– Việc này vô cùng buồn cười. Ngươi có biết rằng những kẻ phát minh ra đồng hồ thường chẳng bao giờ nghe thấy tiếng gà gáy. Chúng có thừa thời gian chìm đắm trong mộng mị và cũng đến tìm ta như ngươi, chúng biết bí mật của giấc mơ.

– Thế thì sao ngài tạo ra tiếng gà gáy làm gì?

– Vì ta cần loài người tồn tại ở ngoài thế giới tỉnh kia, xây dựng và phá hủy, lương thiện và tàn ác, lý trí và điên rồ… Đó là giá đỡ cho thế mới mơ này, nếu mọi thứ ngừng hoạt động ở đó thì ở đây mọi thứ cũng sẽ sụp đổ. Nhưng ta chỉ cần đến tiếng gà gáy thôi, nó vừa đủ để con người dần dần tỉnh dậy, không bị shock, nên vẫn có thể mang máng nhớ về thứ họ đã trải qua khi ngủ.

Tôi im lặng không nói gì thêm nữa. Lúc tỉnh dậy tôi lại ra trước gương và nhìn thẳng vào đôi mắt mình. Chồng chéo của cái này kiểm soát cái kia, của mơ và thực đan chéo nhau. Thật vô lý khi con người không được biết về thứ họ đáng biết. Nếu họ có thể tỉnh dậy một cách tự nhiên mà chẳng hề có sự can thiệp của mấy cái đồng hồ báo thức thì thế giới này sẽ ra sao nhỉ? Tôi bắt đầu lập kế hoạch: Mua thật nhiều thuốc ngủ liều cao, pha loãng và đổ vào nguồn nước của thành phố nơi tôi đang sống. Và thế là họ ngủ ngon lành.

Tôi gặp họ trong giấc mơ. Chúng tôi đứng giữa một quảng trường mênh mông và chật ních người. Tôi kể cho họ nghe về kế hoạch của Thượng Đế, về những kẻ phát minh ra các loại đồng hồ. Họ phẫn nộ gào lên rồi lại reo hò ầm ĩ.  Họ nhao đi tìm những kẻ quyền lực đó. Chỉ có mấy người bạn thân của tôi là ở lại, họ nhìn tôi với một ánh mắt rất buồn. Tôi chợt sững người lại. Hình như tôi vừa tạo ra một quyền lực mới trong giấc mơ. Sau đêm nay, tôi sẽ nắm quyền ở thế giới này và cả thế giới kia.

 

Không thể giấu nổi nỗi hoang mang của tôi khi một thời gian dài sau đó tôi phải chứng kiến những cuộc tàn sát của các thế lực cả ơ trong mơ và ngoài đời thực. Nhiều người đã tự sát, họ nghi ngờ thế giới thực vốn dĩ chỉ là mơ và lẫn lộn chốn mơ là thực. Họ muốn được bất tử như người quá cố. Và trong đám người ấy, tôi thấy cô nàng của tôi. Bây giờ nàng cứ quấn lấy tôi. Muộn quá rồi! Đám đông kia mới là điều đáng thực sự phải quan tâm.

Đột ngột, tôi bị đẩy mạnh vào một hố sâu. Tôi chỉ dừng lại giữa một vòng người. Những khuôn mặt trong đó, tôi nhận ra hắn, cái kẻ đã cướp cô nàng của tôi. Thì ra hắn là một kẻ đã chết. Vòng người đồng loạt lên tiếng:

– Ngươi đã phá vỡ trật tự sẵn có của hai thế giới…

– Họ xứng đáng được biết về sự thật này…

– Và ngươi xem ngươi đã làm gì? Hỗn loạn! Chúng ta biết, tự do phải có hỗn loạn, hỗn loạn tới mức ranh giới giữa tỉnh và mơ cũng xóa nhòa. Nhưng không phải bây giờ…

Tôi thở hắt ra một hơi:

– Vậy tôi phải làm gì?

Nếu trong giấc mơ họ tin tưởng ngươi thì ngoài đời họ còn tin tưởng ngươi hơn thế gấp chục lần. Hãy nói với họ khi họ tỉnh rằng giấc mơ chỉ là ảo, chỉ là những hình chiếu, và khi lạc lối trong mơ họ sẽ phát điên. Ngươi hãy gài vào đầu đám bác sĩ tâm thần ý định tống những kẻ biết kia vào nhà thương điên. Và như vậy, ngươi đã có thể nhập bọn với chúng ta, những kẻ thật sự nắm quyền…

Tôi cười khẩy rồi lắc đầu:

– Không bao giờ ta muốn giống như các ngươi. Thật tội nghiệp, các ngươi cũng cần phải thức tỉnh đấy. Làm sao có thể nói dối khi biết chắc về một sự thật được?

Những người bạn thân là nhóm duy nhất tôi nói kỹ lưỡng về điều này. Tôi chỉ có thể dặn họ rằng đừng bao giờ tin lời ai bất kể khi đang thức hay đang ngủ, kể cả lời của tôi. Nó vô cùng nguy hiểm. Họ  và tôi vừa phải ngăn chặn sự nguy hiểm của những chiếc đồng hồ báo thức, lại vừa phải nhắc nhở cho mọi người biết đâu là thực, đâu là mộng. Việc nhắc nhở mới thật khó khăn vì họ cứ hết gặp tôi trong mơ lại gặp tôi khi tỉnh, sự lẫn lộn vẫn vậy. Tôi buộc phải lựa chọn thôi, hoặc tôi chỉ tồn tại ở thế giới này, hoặc tôi tồn tại ở thế giới kia. Một kẻ biết quá nhiều không nên sống ở quá nhiều nơi và gặp quá nhiều người.

Tôi chọn cái chết. Một lần nữa tôi đứng trước gương và lại bắt đầu lảm nhảm: “Tỉnh hay không tỉnh, điên hay không điên, mơ hay không mơ, biết hay không biết… Ta chỉ có thể chọn một cái thôi sao?  Con người xứng đáng được chọn nhiều hơn thế… Và bây giờ, ta sẽ chọn một cái để những người còn lại có quyền được có tất cả.”

Chiếc gương vỡ choang! Quần áo xé rách! Gào thét thật to, thật to giữa màn đêm mờ mịt. Đêm nay tôi không ngủ để chuẩn bị cho một giấc ngủ dài bất tận.

Feel your spirit rise with the breeze
Feel your body falling to it’s knees
Sleeping wall of remorse
Turns your body to a corpse
Turns your body to a corpse
Turns your body to a corpse
Sleeping wall of remorse
Turns your body to a corpse

Cuối cùng tôi chỉ còn là một đống tử thi bùi nhùi máu thịt dưới lòng đường. Ánh sáng đầu tiên của bình minh xuyên xuống qua màn mây mờ. Tôi chợt giật mình, đêm qua tôi không có trong giấc mơ của họ, có khi nào họ lại lẫn lộn rằng nơi không có tôi mới là cõi mộng mị vô biên…

Câu chuyện lấy cảm hứng từ cái chết của Aaron Swartz

(1/2013)

Trích tập truyện ngắn “Bên kia cánh cửa” – Xuất bản năm 2013 (NXB Lao Động, nhà sách Bách Việt)

 

Home 2016 Tháng Hai

Những kẻ đợi chết

Sương!

Mưa!

Lạch cạch bàn phím!

Ảo tưởng về cái chết!

Shit!

Cơn say, cơn phê, cơn đê mê…

Hỗn loạn những ý tưởng…

Thân người cụt đầu đi lại trên đường với một dấu hỏi to tướng…

Facebook nhạt như nước ốc! Mà thực ra cuộc đời này vốn nhạt! Sao có thể kỳ vọng tìm đâu đó một thứ bớt nhạt hơn? Hoặc rằng tôi hỏng vị giác mất rồi … sau rất nhiều năm bất chấp tất cả cố tọng vào mình đủ thứ hổ lốn… Khi ta nếm trải và tận hưởng quá nhiều thứ, ta cứ tưởng rằng mình sẽ trở nên tinh tế… Thật buồn cười! Điều đó chỉ khiến ta nhanh chóng chán ngán tất thảy và rồi đến một ngày vô cảm trước mọi thứ.

Di động reo. Tôi chán nản nhấc máy.

– Vài ly không em? Giờ anh qua đón em nhé!

Ừ thì đi… Chả hứng thú gì nhưng thôi cũng được. Ít ra là có cớ để bước ra khỏi căn phòng này. Tôi luôn phải mượn một động lực nào đó từ người khác để thấy có vẻ như đang hiện diện ở thực tại này. Có một anh chàng để yêu, đam mê một cái gì đó, say sưa với những ý tưởng cải tạo thế giới, nỗ lực để đạt tới một hình ảnh hoàn hảo… Tất cả! Tất cả những thứ đó chẳng qua là tôi tự mua dây buộc mình, không thì tôi đã chết từ lâu rồi. Có thể là vì hèn, vì ẩn sâu vẫn còn ít nhiều nỗi sợ chết, nhưng có một lập luận luôn ám ảnh tôi: “Chết… Rồi sao?”. Sau cái chết là cái gì? Lại tiếp tục tất cả những tình trạng như bây giờ sao. Nghĩ đến đó, tôi hết cả hứng với cái chết.

Quên mất, phải quay lại với anh chàng của tôi. Chúng tôi đi vào một Rock bar. Đây là quán quen một thời của tôi, anh chàng này không hề biết. Rượu xịn, đám người đến đây ăn mặc rất độc, và đúng gu nhạc của tôi: một sự điên rồ bị gằn xuống và chỉ bùng nổ khi đến thời điểm của nó. Nhiều năm rồi tôi không quay lại đây dù ngày nào cũng phóng xe đi ngang qua. Chả là xưa kia cũng từng “gây họa” với một anh chàng khác ở chỗ này. Thời gian qua đi, anh chàng cũ cũng chẳng đến đó nữa, nhưng nhạc thì vẫn như xưa! Vãi cả nhạt!

Anh chàng “đương thời” bắt đầu nói huyên thuyên về cái sự sành âm nhạc rồi bắt đầu chuyển sang sự sành rượu. Mồm tôi như  cái máy đối đáp với anh một cách chuyên nghiệp. Tôi nghe rõ từng từ một, nghe rõ cả cái điệu đều đều buồn ngủ trong giọng của mình. Đôi khi tôi phải tự mình phục mình, tôi không hiểu sao mình có thể giả dối đến vậy với cuộc đời. Thứ tôi làm chả ăn nhập gì với điều tôi nói, thứ tôi nói chả liên quan đến điều tôi nghĩ, và điều tôi nghĩ có vẻ khác xa với con người thật của tôi. Chết thật, lại huyên thuyên và lại quên béng mất anh chàng của tôi…

Có một điểm chung giữa uống rượu và làm tình, đó là chúng khiến tôi có cảm giác mình đang tồn tại, dù ngắn thôi. Hai cái thú vui ấy khiến cho những mạch máu của tôi đập mạnh hơn, nội tạng của tôi cọ xát vào nhau hơn, nhờ cọ xát nên sinh ra điện, nhờ có điện nên tôi có thêm một tí động lực để sống. Nhưng điện chỉ tạo được cảm giác thích thú vào lúc đầu thôi… Một lúc sau, khi những cái vuốt ve đã nhạt, những cái hôn trở thành thừa thãi, mặc dù nhiệt lượng vẫn còn nhưng cái cảm giác của dòng điện không còn nữa. Và thế là tôi bắt đầu nguội dần… nguội lạnh… Thế nên, tôi ghét cái cách người ta gọi những cơn là tình là “cuộc mây mưa”. Mây mưa thì lạnh chết đi được. Ai đó có thể cần nước lạnh để dội tắt ngọn lửa dục hừng hực của mình, chứ tôi thì không. Với tôi, nếu làm tình mà lạnh thì không được tính là làm tình.

Sau khi “tình” xong, chúng tôi bắt đầu “tự”. Mới ở ngoài quán bar anh chàng còn nói đủ thứ với sự đam mê nhiệt huyết, thế mà bây giờ, anh ta dõi đôi mắt xa xăm ra ngoài khung cửa sổ:

– Mọi thứ trong cuộc đời này thật vô nghĩa… Thành đạt, giàu có, tột đỉnh tình yêu, mạo hiểm hết thứ này đến thứ khác… Rồi sao?

Nét mặt tôi u buồn đầy vờ vĩnh. Bên trong, tôi đang cười khẩy một cái: Mười anh chàng tôi yêu thì có đến chín anh chàng rưỡi nói câu này. Lát nữa thôi, anh ta sẽ nói sang chuyện tự tử, rồi sẽ nói đến sự chết cũng là vô nghĩa… Y hệt lập luận của tôi. Có gì lạ đâu! Từ lâu rồi tôi đã chán cả sự chán… Tôi không nghĩ họ kém gì tôi trong cái vụ chán nản này, có thể họ nghĩ rằng lôi cái chuyện chán đời, cô đơn, lạc lõng ra nói sẽ tạo được một sự đồng cảm với những cô gái (theo như họ đánh giá về tôi là tôi nhạy cảm). Nếu họ đã cố tình giả vờ để lấy lòng tôi thì tôi cũng chả tội gì mà không giả vờ bị họ lấy mất lòng.

Làm thế nào để tìm lại được cái cảm giác hưng phấn của thuở ban đầu. Nghe một câu chuyện cười – vô cảm. Một ai đó đã nói với tôi rằng: “Trẻ con thật sướng, chỉ một cái lá rung rinh cũng khiến chúng cười. Còn chúng ta bây giờ, cả cái nhà rung cũng chả thấy buồn cười gì cả.” Cả cái nhà rung thì buồn cười gì, người lớn sẽ sợ khóc thét lên như trẻ con ấy chứ! Đến sợ bây giờ cũng không sợ nữa, nguy thật! Không gì làm tôi sợ, không gì làm tôi vui, không gì làm tôi buồn, không gì làm tôi hứng thú! Chả lẽ mình sắp đắc đạo rồi sao? Vì những dấu hiệu ấy là dấu hiệu của người sắp đắc đạo mà.

Ở một chỗ nào đó trên thế giới, người ta đang đấu tranh đòi quyền tự do hút cần sa. Họ cho rằng cần sa rẻ hơn thuốc lá, ít độc hại hơn và không hề gây nghiện. Nó chỉ gây ảo giác. Nói cho ngắn gọn, con người đang đấu tranh đòi quyền tự huyễn hoặc mình. Ma túy, cần sa, rượu, tình yêu, tôn giáo, nghệ thuật, tự do, lý tưởng cao đẹp… Người ta đấu tranh để có quyền có những ảo tưởng mĩ miều hơn.

Khi cơ thể của tôi đang trong vòng tay của một anh chàng thì tâm trí của tôi lại ở trong một mê cung với các xa lộ chằng chịt. Chắc anh ta cũng thế. Trong mê cung ấy, chúng tôi không thể tìm thấy nhau. Nói chính xác ra là tôi không thể tìm thấy bất cứ anh chàng nào của tôi ở trong đó. Tôi chỉ thấy những dấu hỏi đi đi lại lại mà chả biết mình đang đi đâu. Nhìn lại mình, hóa ra tôi cũng chỉ là một dấu hỏi to tướng.

Ngoài kia mưa vẫn rơi nhưng trời đã sáng. Mất cả đêm chỉ để cùng nhau nói về cái sự chán đời… Thời gian trôi qua thật lãng phí… Chả lãng phí tí nào! Vũ trụ là vô tận nên thời gian cũng vô tận. Thứ lãng phí nhất là loài người phải bỏ ra bao nhiêu neuron thần kinh, bao nhiêu nguyên vật liệu, bao nhiêu nhân công lao động… để sáng chế và sản xuất đồng hồ. Lấy một thứ hữu hạn để đo một thứ vô hạn và dọa dẫm người khác rằng: thời gian là thứ quý báu, đã qua rồi không lấy  lại được. Họ quên mất rằng những thứ vô hạn thì không quý báu, mà không quý báu thì không cần phải tiếc nhớ cái cũ.

Trong đầu tôi vang lên một câu nói: “Anh ơi, chúng mình chia tay đi”, rồi tôi lại thôi. Chia tay rồi sao, ngày mai ra đường tôi lại gặp một anh chàng khác và lại bắt đầu lộ trình y hệt thế. Vì thế nên tôi chả muốn bỏ ai, tôi chỉ có thể chờ đợi đến ngày họ ra đi vì không thể có bất cứ sự kết nối tâm hồn nào với tôi. Làm sao mà kết nối nổi, đến tôi còn chẳng thể tự kết nối với chính mình.

Đôi khi tôi thấy thật khó hiểu về các bậc giác ngộ. Họ đi tìm sự vô hạn và đạt được sự vô hạn. Tôi không thể nào mường tượng được cái vô hạn ấy thì khác gì so với cái vô hạn mà tôi đang trải qua. Ừ thì cứ cho họ tan chảy trong ánh sáng còn tôi chìm trong bóng tối. Nhưng người ta làm sao có thể ở mãi trong ánh sáng được. Ánh sáng một lúc nào đó cũng phải nhàm chán chứ! Hay là giữa ánh sáng vĩ đại ấy, họ không còn tồn tại nữa nên cũng mất tiêu cảm giác chán nản. À, vậy ra khác biệt là ở chỗ tôi vẫn còn một cảm giác, chưa vô cảm hoàn toàn. Chính sự chán nản khiến tôi chỉ gần đắc đạo chứ chưa thể đắc đạo.

Vậy đấy, cũng may là tôi chả nhớ gì về kiếp trước. Không hiểu tôi kéo dài tình trạng này mấy kiếp rồi. Tôi lại ngồi vào máy tính và lướt khắp cái mê cung ảo ấy. Đâu đâu tôi cũng thấy rặt một giọng chán đời y hệt tôi. Nỗi cô đơn không hề đưa con người xích lại gần nhau. Chung cảnh ngộ nào tạo nên sự đồng cảm thì tôi không biết, chứ chung cái cảnh ngộ cô đơn chán nản thì chỉ có đẩy nhau xa hơn thôi. “Hình như nàng có nỗi buồn giống tôi…”, câu ấy xưa rồi. Bây giờ có đến hàng tỉ người chung một nỗi buồn với nhau.

Đâu đó lác đác vài lời cổ vũ hãy yêu cuộc đời, hãy cố gắng phấn đấu, hãy đấu tranh vì những gì cao đẹp, hãy yêu thương và hãy hi sinh… Một lúc sau mấy kẻ vừa kêu ca rằng mình cô đơn (cứ như thể một món hàng để khoe khoang độ cao sang của mình) bây giờ bắt đầu bấm “Like” điên cuồng cho một thông điệp trái ngược hẳn. Và ngày mai, lại chính những người đó bắt đầu lại than thở vì sự lạc lõng giữa cuộc đời.

Đến đây thật sự không biết kết câu chuyện này như thế nào để chuyển sang một câu chuyện khác. Trời bây giờ không có mưa, không có sương. Nắng lên. Tôi ngồi nhìn những dòng chữ chạy dài của mình trên màn hình. Phải chăng tôi nên kết thúc bằng một dấu hỏi ?

 (1/2013)

Hà Thủy Nguyên

Trích tập truyện ngắn “Bên kia cánh cửa” – Xuất bản năm 2013 (NXB Lao Động, nhà sách Bách Việt)

Home 2016 Tháng Hai

Giao thừa

 “Hà Nội mừng đón Tết, vắng bóng người đi… Liễu rủ mà chi… 
Đêm tân xuân, hồ Gươm sao lung linh … Hoa mai rơi rủ nhau nơi phương xa 
Đường phố vắng bóng đèn chạnh lòng tôi nhớ tới người em…” 

Hắn khép lại đêm diễn cuối năm bằng ca khúc “Gửi người em gái miền Nam” nhưng chẳng ai them để ý tới tiếng hát của hắn. Hắn đưa mắt nhìn cái màu đỏ lòe loẹt của ngày Tết mà chủ hàng dán đầy quán cà phê. Rồi hắn lại đưa mắt nhìn xung quanh. 10 rưỡi tối 30, quán vắng tanh. Hắn thở dài, lặng lẽ vuốt lại chiếc áo vét trắng rồi bước ra phía quầy bar.

Bà chủ quầy đưa cho hắn tờ 500.000. Hắn lạnh lung cảm ơn rồi chán nản bước ra khỏi quán. Hắn dắt xe và bắt đầu nổ máy. Con Dream Tàu đạp mãi mà không nổ.

“Đoàng”! …
Một quả pháo của bọn choai choai nào ném ra đường khiến hắn giật bắn mình. Hắn lầm bầm nổ máy. Tiếng máy xình xịch. Hắn rú ga phóng đi.

Cả một năm hắn chỉ đợi đến ngày Tết để được thấy Hà Nội vắng vẻ và trong sạch. Thế mới biết đây là chốn “Quần ngư tranh thực”. Suốt một năm giời những kẻ cơ hội và đói ăn quần nhau nát cả chốn thị thành. Hà Nội đáng thương… Hắn thở dài.
Hắn về số rồi đi chầm chậm lại. Trời năm nay rét ngọt. Lâu lắm không có cái Tết lạnh như thế. Lạnh tới nỗi những bông đào không thể nở được. Lạnh tới nỗi hắn cũng không muốn hát nữa, chỉ muốn rúc trong chăn như một con chuột trú đông. Hắn nhìn quanh đường phố tối sầm, lạnh ngắt. Hắn cứ thấy thiếu thiếu một cái gì đó mà hàng ngày hắn vẫn quen thuộc. Một chén chè đặc, một hơi thuốc lào? Giờ thì có ai mở hàng mà chè đặc với chẳng thuốc lào. Người ta còn mải lo làm mâm cơm giao thừa rồi say sưa cho những ngôi sao ca nhạc mà người ta vẫn tôn vinh.
Hắn dựng xe trước một cánh cửa quen thuộc. Trước cánh cửa này, có một bà già bán hàng nước mà thường ngày hắn vẫn hay ngồi Nhưng hôm nay chắc bà già cũn nghỉ. Lúc này hắn đã mỏi, hắn đỗ xe lại, tắt máy, xuống xe rồi lặng người trước cửa.
Những tiếng hát “Tết! Tết! Tết! Tết đến rồi” làm hắn phì cười. Ừ nhỉ! Từ ngày chính phủ cấm pháo, Tết cũng buồn buồn. Nhưng mà hát hò kiểu này, nghe cũng giống tiếng pháo. Hắn quay trở lại với chiếc xe máy. Một giọng ca nữ vút lên cao. Hắn khựng người lại, cố ngó qua khe hở cửa sắt để nhìn vào chiếc TV của gia đình chủ nhà. Học trò của hắn cách đây 5,6 năm. Một nữ ca sĩ xinh đẹp, có giọng hát của một con chim họa mi.
Còn nhớ thời đó, hắn là thần tượng của cô. Hắn có một chất giọng trầm đáng quí. Một khả năng âm nhạc thiên bẩm. Thuở còn trong trường nhạc, bao nhiêu em theo đuổi. Bao nhiêu đàn em phải nghiêng mình kính phục. Còn các thày thì mắt tròn mắt dẹt khi nghe hắn hát. Và cô học trò này cũng nằm trong số những cô gái say mê hắn. Nhưng hồi ấy, hắn kiêu ngạo lắm. Hắn luôn nghĩ trái tim hắn chỉ dành cho một thiên thần chứ không thể dành cho một kẻ dung tục được. Thế rồi thời gian trôi qua, hắn bỏ dở trường nhạc vì thấy không còn gì để học ở đó. Hắn quăng quật giọng hát của mình ở khắp các giải thi, chẳng có cơ hội nào cho hắn, vì hắn không có tiền. Còn cô học trò ấy sau đó cặp với một ông to có sức ảnh hưởng tới giới biểu diễn và dần dần trở thành một ngôi sao lớn. Hắn nhếch mép, liệu cô ta có nhớ tới một thời theo đuổi tên ca sĩ vô danh ấy không.
Nghe hết bài hát, hắn nổ máy phóng xe đi. Trời lạnh quá. Gío táp vào mặt hắn, vào xoang mũi hắn. Hắn thấy rát ở cổ họng. Hắn thèm rượu. Gía có rượu lúc này thì cũng ấm người, thông xoang. Giờ hắn đã thấm mệt. Có nhà mà chẳng muốn về. Mà đó không thể gọi là một cái nhà được. Nó là một cái ổ chừng 10m2 mà hắn vừa thuê. Vợ hắn đã bỏ hắn đi theo một người đàn ông khác vì hắn không nổi tiếng, hắn không kiếm được tiền, hắn ăn tàn phá hại.
Mỗi lần về đến nhà, hắn sợ. Sợ cái sự một mình. Một mình ăn cơm. Một mình ngủ. Một mình xem TV. Hắn trốn tới hát ở những quán cà phê. Người ta chẳng them nghe đến hát. Đứng giữa dông người mà hắn hát cho một mình hắn nghe. Nhưng thây kệ, cũng được mấy lít xăng xe, cà phê cà pháo. Thế là được!
Có đêm ngủ mơ, hắn thấy mình đứng trên sân khấu nhà hát lớn, cất tiếng hát như một vị Thánh. Hắn sẽ cho mọi người thấy thế nào là hát đẹp thực sự. Hắn sẽ ca ngợi cái đẹp, ca ngợi những gì bay bổng, thoát tục, ca ngợi sự bác ái và nỗi cô đơn sang trọng. Rồi người ta sẽ lặng người khi nghe hắn hát. Người ta sẽ thấy cuộc đời đẹp hơn. Cái đẹp không phải là một cái gì kỳ quái và dị hợm như người ta vẫn đang cố rặn ra. Cái đẹp giản dị thôi, trong tâm hồn của mỗi con người.
Hắn bừng tỉnh dậy. Căn phòng có mỗi mình hắn và chiếc TV đang léo nhéo phát lại một buổi biểu diễn tại nhà hát lớn của các đại ngôi sao. Hắn nhăn mặt vì những thứ âm nhạc thấp kém, trụy lạc. Người ta đã cho đồng bào của hắn nghe những thứ gì thế này? Còn đồng bào của hắn, tại sao hắn yêu họ thế, mà họ lại lãng quên hắn, cười nhạt với hắn.
Một cô gái làm tiền chạm nhẹ vào tay hắn khiến hắn giật mình.
Hắn sẵng giọng:
– Gì thế?
Cô gái đong đưa dôi mắt, cố ưỡn ngực khêu gợi:
– Mình tìm nhà nghỉ nhé…
Hắn quát:
– Biến đi…
Cô gái cụt hứng, ngúng nguẩy bước đi.
Cô gái bước đi được chừng mươi mét, hắn gọi lại:
– Mà này…
Cô gái quay ngoắt lại:
Gì?
Hắn vẫy tay:
– Ra tôi bảo…
Cô gái lại ngúng nguẩy, tươi cười lại gần hắn.
Hắn thở dài:
– Em có thích nghe hát không?
Cô gái cười ngất:
– Bố ơi… Con lậy bố… Con không có thì giờ đi nghe hát với bố đâu…
Hắn chẳng nói chẳng rằng gì them nữa. Ả gái điếm vẫn cố đứng đợi xem hắn định làm gì. Hắn cất tiếng hát trầm ấm, say sưa. Hát như chưa bao giờ được hát. Tiếng hát của hắn sang trọng, bay bổng như muốn xoáy sâu vào lòng người. Hắn kể lại câu chuyện tiếng hát chàng Trương Chi ngày xưa. Hắn những tưởng mình là Trương Chi. Hắn vẫn đang chờ đợi một nàng công chúa. Hắn thấy mình hóa thành chén ngọc. Rồi hắn buồn buồn hát:
“Ngồi đây ta vỗ mạn thuyền
Ta ca Trái đất còn riêng ta…”
Hắn thấy mình trống trải, thấy mình cô đơn, và thấy mình đứng cao hơn cả Trái đất. Hắn thấy mình tan vào cõi lạnh, thấy hồn mình như đã lìa khỏi xác. Thấy đâu đó ánh đèn sân khấu đang bật sáng quanh mình.
Ả gái điếm ngây người nghe hắn hát. Ả say đắm không biết mình đang định làm gì. Hắn mỉm cười thỏa mãn.
Cô ả xuýt xoa:
– Ôi, anh là ca sĩ à… Anh hát hay thế…
Hắn dịu giọng với cô ả. Hắn có ngờ đâu một cô gái làm tiền lại có thể cảm nhận và biết trân trọng tiếng hát của hắn.Hắn run run xúc động:
– Cảm ơn em…
Cô ả thốt lên:
– Anh hát giống như ai nhỉ… Hay quá? Em chưa bao giờ được nghe ai hát hay như thế? À… Phải rồi… Như Ngọc Sơn ấy chứ…
Hắn sầm mặt lại. Lời khen của ả gái điếm như một gáo nước lạnh hắt vào mặt hắn giữa đêm cuối năm giá rét. Hắn gượng cười:
– Ừ… Tự hào quá nhỉ…
Hắn nổ máy phóng vút đi mất thoát khỏi ả gái điếm rẻ tiền. Sắp 12h rồi. Sắp hết một năm bết bát của hắn. (Với hắn năm nào mà chẳng bết bát.)  Hắn phóng xe thật nhanh, thật nhanh về đến cái khu xóm trọ rách nát, chật hẹp của hắn. Pháo hoa phóng vút trên bầu trời đen ngòm. Pháo hoa nổ lụt phụt. Người ta đổ xô ra sân xem pháo hoa, mặt ai cũng rạng rỡ.
Hắn đứng sững rồi nhìn quanh khắp những kẻ tầm thường đang mải mê xem pháo hoa kia. Hắn rời khỏi chiếc xe máy. Xung quanh hắn bỗng sang rực rỡ. Xung quanh hắn bỗng huyên náo tiếng cười. Một niềm phấn khích và một ngọn lửa cháy bùng trong lòng hắn. Cơn phấn khích ấy làm rung từng dây thanh đới của hắn.
Hắn cất cao tiếng hát. Rồi hắn lại xuống trầm. Hắn say đắm trong những giai điệu đẹp đẽ nhất mà hắn vẫn yêu mến. Hắn chẳng cần biết mình đang hát cho ai nghe nữa. Cũng chẳng cần biết có kẻ đang khen hắn hát hay, có kẻ đang chửi hắn điên. Hắn cứ hát… Hết bài này sang bài khác. Hắn hát để ca ngợi cái đẹp. Hắn rang hết sức bình sinh để hát cho thật nhiều người nghe thấy. Để người ta quên đi những chum pháo hoa đang nổ trên đầu.
Hắn thấy mình bay bổng giữa không trung. Hắn thấy mình lẫn vào những chùm pháo hoa. Hắn thấy mình ngồi trên một con thuyền nan cưỡi giữa sương khói và say sưa chìm đắm trong tiếng hát. Hắn thấy mình hóa thành một chiếc cốc ngọc mà một mĩ nhân đang ngắm nghía, nâng niu.
Hắn hát như thể đây là lần cuối, Những sợi dây thanh đới của hắn căng hết cỡ. Những giọt máu như rỉn ra từ từng sợi dây mỏng mảnh ấy. Hơi trong ổ bụng của hắn được đưa lên để làm thăng hoa cho từng khúc thức mà hắn muốn thể hiện. Hắn đang dạo bước ở trên mây. Hắn thấy ánh sang quanh mình cứ lan rộng, lan rộng xua tan đi tối tăm, u ám.
Hắn sẽ lên tới Thiên cung để hát cho Hằng Nga hay Chức Nữ nghe. Chốn trần gian lấy đâu ra người quan tâm tới giọng hát của hắn. Hắn sẽ bay thật cao, cao nữa, cao đến vô tận, cao hơn cả Thiên cung. Trên ấy chỉ có một mình hắn.
Hắn lại hát, hát bằng cả máu và nước mắt. Hắn hát cho một mình hắn nghe. Trên đời này, trong khắp vũ trụ này, chỉ có hắn là khát khao cái đẹp và chỉ có hắn có thể mang lại cho hắn cái đẹp… Hắn tan biết giữa vô cùng…

Home 2016 Tháng Hai

Chạm

Xuân…

Vạn vật cựa mình…

Hoa lá, chim muông, nắng ấm, và cả những nụ cười… đều như muốn khiêu gợi một cái chạm… Nhẹ nhưng sâu sắc!

 

Chỉ cần một cái chạm, có điều gì vô hình thấm vào da thịt, và đi vào tận thăm thẳm bên trong. Giật mình chợt nghĩ, ngày mai, tất cả những gì đẹp đẽ nhất đang sinh sôi nảy nở kia sẽ tan biến. Nhưng phần vô hình của chúng vẫn tồn tại trong ta, khiến ta tiếc nhớ, khắc khoải và kiếm tìm… Và rồi mùa xuân sang năm, ta lại chạm vào vạn vật khác, và vẫn với cảm giác này, và vẫn tiếc nhớ mênh mang…

Nếu mọi thứ hữu hạn là không thật vậy thì cái gì mới là thật? Liệu thực sự có chăng một cõi nào đó vô hạn, không sinh không diệt, giống như các bậc giác ngộ đã chỉ ra. Nơi đó có thật vô biên, hay chỉ bởi họ chưa chạm tới đường biên cuối cùng…

Những cái chạm càng sâu sắc thì càng khiến ta đau đớn. Và thật mỉa mai, trong đau đớn ta nhận ra rằng chẳng có gì là thật cả. Đôi khi thầm nghĩ, giá như ta đừng chạm vào bất cứ thứ gì của thế giới này, thì có thể ta không cảm nhận thấy sự lụi tàn của nó, và ta sẽ chẳng có bất cứ sự đau đớn nào.

Đau đớn là yếu tố cần thiết để đánh thức ta khỏi cơn mộng mị. Trong mộng mị, mọi thứ ta chạm vào cứ thể như là hư không. Trừ phi, ta coi mộng mị như một cõi thực. Nhưng thức dậy rồi thì sao? Ta những tưởng cõi ta đang tồn tại ấy là thực, và ta cười nhạo kẻ khác vì sự mê muội. Ta quên mất là, khi chạm tới đường biên, ta sẽ lại giật mình vì phát hiện ra ta chẳng qua cũng đang ở một cõi mộng khác.

Và cứ thế, cứ thế… mọi thứ đều đi vào ta qua những cái chạm… tung hứng ta giữa thực tại nơi ta đang khám phá và tận hưởng. Để rồi, sau đó, ta chẳng thuộc về nơi đâu. Ta chẳng thể làm gì khác ngoài việc cứ tiếp tục cuộc hành trình đi tìm đường biên của sự vô cùng.