Home 2016

THUẬT TRỊ NƯỚC TRONG BÁT BÚN THANG

Sau mỗi dịp Tết, thừa gà đấy, thừa giò đấy, mà chán không muốn ăn, vì quá ngán ngẩm mâm cao cỗ đầy. Vậy làm gì với chỗ thức ăn thừa ấy bây giờ? Đổ đi thì không nỡ! Mà ăn cả miếng to thì không thể chịu được. Thế là các cụ nhà ta xé nhỏ thịt gà ra, thái chỉ giò lụa, thái chỉ củ cải muối, tráng trứng không dầu mỡ rồi thái lát mỏng, nấu cùng với nước dùng gà và nấm hương, chan bún ăn, và đương nhiên không thể thiếu tinh dầu cà cuống, rồi rắc thêm hành và răm. Không thể tưởng tượng được từ sự hỗn tạp của rất nhiều đồ ăn như vậy lại kết hợp một cách hài hòa đến mức tinh tế trong cái bát nhỏ xinh. Qủa thật không dễ! Ai đó sáng tạo ra cách nấu bún thang hẳn phải là một kẻ thiên tài trong việc hòa giải các vị tưởng như đối lập với nhau. Điều này không khỏi khiến tôi nghĩ đến thuật trị nước.

Đất nước giống như bát bún thang vậy. Mỗi vị giống như một tầng lớp người trong xã hội. Có tầng lớp người có thể hòa hợp với nhau, có tầng lớp người lại đối nhau chan chat. Kẻ trị nước tài giỏi không phải chỉ cho dân ăn cho no mà còn phải biết dung hợp rất nhiều những nét văn hóa của từng tầng lớp khác nhau sao cho ai cũng được thỏa lòng mà không xâm phạm đến kẻ khác. Đặc biệt là nền chính trị ở Việt Nam. Việt Nam nằm trong tuyến giao thương giữa Trung Quốc, Đông Nam Á và Ấn Độ, nên sắc dân đa dạng, rất nhiều truyền thống lẫn lộn với nhau, thật chẳng khác nào như chỗ thức ăn thừa ngày Tết. Nay lại còn thêm Âu Mỹ, Nhật Hàn… sự phức tạp càng gia tăng. Nhưng rồi thì người ta vẫn cứ phải nấu tất cả những thứ tưởng như chẳng liên quan ấy thành một món ăn ngon. Khó nhỉ! Thôi thì để Âu Mỹ, Nhật Hàn sang một bên, để thử xem các cụ nhà ta đã trị bát bún thang như thế nào.

Khi bạn bưng một bát bún thang trên tay, bạn chú ý nhất điều gì? Có phải nước dùng có ngọt không, thịt gà có ngon không? Phải, điều quan trọng đầu tiên của bát bún thang chính là thịt gà và nước dùng gà. Người ta dịch tiếng Anh từ bún thang là “vermicelli and chicken soup”, như vậy đủ thấy gà là thứ nổi bật nhất mà người ta có thể nhận diện. Qủa nhiên, nước dùng gà là nền chính để tất cả các vị khác đều được đẩy lên. Bởi thế, gà nhất thiết phải là gà ta, nước dùng nhất thiết phải là ninh xương gà (chứ không phải là xương lợn và mì chính). Thế đấy, yếu tố “gà” trong bát bún thang giống như một phẩm tính chủ đạo trong nếp sống xã hội. Thịt gà là thứ thực phẩm nhạt, rất đám đông. Nhưng xương gà ninh lên lại rất ngọt, càng ninh lâu lại càng ngọt. Nếu ăn phải bát bún thang nấu với gà công nghiệp thì ôi thôi, tất cả đều nhạt nhẽo và tệ hại. Tương tự như thế, một xã hội mà nếp sống không được tuân thủ một cách chỉn chu và đúng đắn thì mọi thứ sẽ xộc xệch. Để nước gà thêm ngọt, người ta ninh thêm với sá sùng khô, một loài sâu biển. Nhiều người nghĩ đến sâu, sợ quá, bèn bỏ sâu đi. Cũng được thôi, nước bớt ngọt. Các loài sâu vốn là loài chứa nhiều đạm nhất và bổ nhất. Người không ăn sâu thì cũng đến lúc sâu ăn người mà thôi. Nên đừng có sợ, đừng có vì mấy cái hãi hùng ra vẻ mà bỏ mất cơ hội có nồi nước dùng ngon. Đừng vì sợ một điều gì đó khác biệt trong văn hóa sống của mình mà gạt bỏ đi những cơ hội để có một xã hội tốt đẹp. Người Việt Nam đã nhiều lần dại dột như thế đó.

Nhưng nếu bún thang chỉ có bún và gà, giống như tên tiếng Anh của nó thì nó đã không phải là bún thang, mà đã là bún gà. Có bún rồi, có gà xé rồi, nhưng vẫn cần phải có cả trứng, giò, củ cải thái chỉ, lại còn phải thêm nấm hương, hành răm, đa dạng quá. Tất cả đều được thái chỉ, nhất thiết là phải thái chỉ, càng mỏng càng tốt. Tại sao không để cả mảng trứng, mảng giò như người ta vẫn cho xá xíu và trứng vào  mì vằn thắn? Đơn giản thôi, vị thì nhiều mà bát lại nhỏ, mà lòng người thì đã ngán ngẩm từng tảng thịt tảng xôi ngày Tết. Vậy là cứ xé nhỏ ra, như thức ăn trẻ con, để không phải  cắn cắn từng miếng. Mặc dù từng đồ đều được thái mỏng, nhưng vị của chúng thuần nhất. Trứng thuần túy là trứng mà không pha dầu mỡ, nấm hương đúng vị nấm nương, giò phải chuẩn giò lụa, củ cải muối cũng phải bóp hết toàn bộ vị hăng hăng đi, chỉ giữ lại cái giòn giòn sần sật. Hành hoa phải chẻ ra mỏng mảnh  lụa hành, răm phải thái nhỏ lắc rắc lên thôi. Thế đấy,  muốn ăn được bát bún thang thì mấy thứ nguyên liệu ấy phải thanh nhất có thể, thuần nhất có thể. Đồ thừa nhưng không phải bạ cái gì cũng cho vào mà được!

Đa phần các hàng bún thang ở Hà Nội bây giờ, chỉ cần có vậy là đủ một bát bún thang tạm gọi là ăn được. Người ta cũng dễ dàng chấp nhận với cái giá 25.000 đến 30.000 một bát. Món quà bún này rẻ, lại dễ ăn, dễ nấu. Nhưng mà ăn thế thì chả có vị gì. Bún thang vẫn cần phải có ít mắm tôm. Điều kỳ lạ của những tay nấu mắm tôm lão luyện đó là một thứ nặng mùi như mắm tôm thả và bát bún tưởng như rất thanh cảnh ấy, thế mà ăn vẫn ngon tuyệt, thậm chí không cảm thấy mùi mắm tôm đâu. Như thể sự thanh tao đã xóa đi mọi tố chất ô trọc để giữ lại những gì tinh túy nhất. Người ta nói nhiều đến việc sự sạch sẽ dễ dàng bị dơ bẩn, chứ ít khi nào lại chứng kiến sự tao nhã thuần hóa sự bất kham như thế. Đương nhiên, việc dùng mắm tôm ăn với các quà bún như bún ốc, bún riêu cũng khá thông dụng. Nhưng mắm tôm dùng trong hai thứ quà bún ấy là lấy độc trị độc, dùng mùi nặng của mắm tôm để át đi mùi tanh của cua, của ốc. Đằng này, mắm tôm không phải chiến đấu chống lại cái gì, mà êm dịu trở một phần của bát bún thang.

Như thế vẫn chưa gọi là đủ, một bát bún thang hoàn hảo không thể thiếu chấm đũa tinh dầu cả cuống. Chỉ cần một cái chấm đũa tinh dầu cà cuống thôi cũng dậy lên toàn bộ mùi thơm  tuyệt vời của bún thang. Ngày nay, các hàng bún thang ít dùng tinh dầu cà cuống. Vì nó quá đắt. 5000 một cái chấm đũa, người ta có thể thấy điều ấy là không đáng. Tinh dầu cà cuống hình như còn đắt hơn tinh dầu quế, tinh dầu tràm… Nhưng một giọt ấy thôi cũng đủ đưa bát bún thang lên hẳn một đẳng cấp khác. Không còn là đồ ăn thừa của ngày Tết nữa, với hương cà cuống, bát bún thang đã trở thành một tuyệt phẩm. Hương cà cuống kết nối mọi thứ tưởng như rời rạc nhau lại, quện mắm tôm với vị hành răm; quện từng sợi gà, sợi trứng, sợi củ cải với nhau; thậm chí đến sợi bún cũng như có sức sống không còn vô duyên giữa ngổn ngang các mùi vị nữa. Hiện nay ở Hà Nội chỉ còn mỗi  một hàng bún thang không vì chiều cái sự tiếc tiền của đại chúng mà lãng quên hương cà cuống, đó là hiệu Thanh Vân ở 14 Hàng Gà. Hiệu này đắt hơn hẳn những quán bún thang khác như ở Giảng Võ, ở Cầu Gỗ, ở Hàng Hòm, Hàng Hành, Hàng Lược… Nhưng đắt cũng đáng. Ăn xong bát bún thang ở hiệu Thanh Vân, vị trứng, vị giò, vị nấm, vị gà, vị củ cải… dần dần tan biến, rồi đến vị hành răm cũng biến mất, còn đọng lại rất lâu là dư vị của hương cà cuống. Thế đấy, những gì tinh túy đều  không dễ dàng biến mất.

Có điều, xin đừng vắt chanh vào bát bún thang, cũng đừng ăn bún thang với quẩy. Bát bún thang cùng hương cà cuống đã quá hoàn hảo. Tất cả sự thêm thắt những thứ không liên quan ấy sẽ phá vỡ trật tự này. Vị chua chua của chanh rất ngon, nhưng vắt vào bún thang thì lại đối lập với vị trứng. Quẩy giòn ăn cũng thú, lại no lâu, nhưng nó ngấy quá, lại làm mất đi sự thích thú khi nếm từng thìa nước dùng. Tuy nhiên, bạn có thể rắc thêm ít tiêu cho thơm hay cho một ít tương ớt để mang lại sự đậm đà.

Các bạn thấy không, để có bát bún thang ngon khác gì thuật trị nước. Muốn trị tốt phải có nền tảng xịn như nước dùng ninh từ xương gà ta, phải cho dân cái chuẩn mực thuần chất như trứng, như gà, như nấm, như hành răm…, rồi thì phải biết cách thuần hóa những đối tượng bất kham sao cho đối tượng ấy được thi triển toàn bộ năng lực của mình mà không phá hoại tổng thể, và quan trọng hơn hết phải nhận thức được vai trò của tầng lớp tinh hoa. Tầng lớp tinh hoa giống như hương cà cuống ấy, chỉ một chấm ấy thôi mà giải quyết mọi vấn đề, lại còn  lưu lại sự sâu đậm khó phai. Mà đến khi thêm thắt ít vị từ bên ngoài, cũng phải chọn lựa sao cho không phá đi tổng thể mà lại dậy lên được sự thơm ngon của bát bún thang. Lý thuyết là thế, nhưng làm thì không dễ. Đấy, kiếm gà ta xịn không dễ (giờ người ta nuôi cám nhiều, mà lại để lưu cữu nữa thì khó ngon lắm). Đến trứng gà giờ cũng đa phần là trứng gà công nghiệp, ăn khô khốc. Giò thì nhiều hàn the. Cà cuống thì ngày một hiếm do quá trình đô thị hóa phá nát hết ruộng đồng. Ăn một bát bún thang cho ngon cũng khó như giải quyết tình hình chính trị văn hóa Việt Nam hiện nay vậy.

Mà thôi, chừng nào vẫn còn một hàng có bún thang ngon, chừng ấy nước ta hẳn vẫn còn cách để chấn chỉnh lại. Không  lo! Tôi không nói đùa đâu. Còn hàng bún thang ngon nghĩa là vẫn còn có người nấu ăn tử tế, vẫn còn khách biết hưởng thụ. Còn khách biết hưởng thụ tức là còn người biết phân biệt đúng sai, hay dở, tức là còn người dân có lý trí. Mà còn người dân có lý trí thì xã hội còn có cơ tốt lên. Tôi chỉ sợ nhất là xã hội Việt Nam lại như cái món mì cay 7 độ đang thịnh hành. Mì cay 7 độ cũng là món được nấu từ thức ăn thừa. Thức ăn thừa đổ tất cả lại với nhau, rồi cho nước sốt cay thật cay, cay đến mức lấn át hết mùi vị xuống cấp của đồ ăn, cay đến mức lưỡi tê dại đi không còn cảm nhận thấy vị gì nữa, thế là qua một bữa. Xã hội kiểu mì cay 7 độ là thứ xã hội thiếu đói của cả vật chất và tinh thần, và để lấp liếm cho sự thiếu đói đó, người ta cho vào những thứ văn hóa gia vị gây tê dại, làm liệt mọi giác quan đến mức chỉ cần nốc cho đầy bụng đầy mồm. Cho nên, một bát mì cay 7 độ, dù có ăn với tôm hùm thì vẫn cứ là thứ thức ăn hạ cấp. Mà bún thang, năm này sang năm khác chỉ đơn giản như vậy, mà vẫn cứ là đại diện cho sự tinh tế.

Xin nói thêm về tên gọi bún thang. Từ “thang” ở đây là muốn nói đến “thang thuốc”. Gọi tên “bún thang”, các cụ ta ý muốn nói rằng đây là món hỗn hợp từ nhiều thứ, giống như một thang thuốc vậy đó. Đến đây, tôi chợt nhớ tới tác phẩm “Hồ Qúy Ly” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Trong tác phẩm này, tác giả và các nhân vật của ông đều đau đáu đi tìm thang thuốc lớn cho dân tộc. Tôi bật cười, giá như ngày đó thay vì đau đáu nghĩ, họ đi ăn bún thang (nếu có) thì liệu họ có nghĩ ra giải pháp để cứu nước cứu đời không nhỉ…

Hà Thủy Nguyên

Home 2016

Tại sao xã hội trong hai triều đại Lý -Trần lại đạt được sự thịnh vượng?

Thời kỳ cầm quyền của nhà Lý (1009-1225) và nhà Trần (1226-1400) là hai triều đại thịnh vượng nhất trong lịch sử Việt Nam từ trước đến nay. Nhiều sách sử cho rằng triều đại nhà Lê mới là triều đại mạnh nhất, nhưng đa số người đọc đã bị nhầm lẫn giữa hai khái niệm: sự thịnh vượng và tập trung quyền lực. Triều đại nhà Lê là quãng thời gian quyền lực của vua đạt đến tối cao, tuy nhiên điều này không có nghĩa rằng đời sống của dân chúng đạt được sự thịnh vượng. Ngược lại trong giai đoạn Lý – Trần, mặc dù quyền lực của triều đình không bao trùm lên toàn bộ đời sống nhưng đời sống xã hội lại vô cùng phát triển. Và ở đây, tôi muốn bàn đến sự thịnh vượng chứ không phải sự tập quyền.

I- Những biểu hiện cho sự thịnh vượng của giai đoạn Lý – Trần

Thế nào là sự thịnh vượng? Hiểu một cách đơn giản đó là đời sống phong phú cả vật chất lẫn tinh thần của người dân. Đương nhiên thước đo cho sự thịnh vượng cách đây gần cả thế kỷ không thể giống với thế giới hiện đại.Vậy những biểu hiện nào thể hiện rằng giai đoạn Lý Trần là giai đoạn thịnh vượng nhất trong lịch sử? Nhiều người sẽ không hoàn toàn tin vào những ghi chép lịch sử trong “Đại Việt Sử ký Toàn thư” hay những lời ca ngợi trong thơ ca còn ghi lại. Bởi thế, xin phép được đưa ra đánh giá về sự thịnh vượng dựa trên các luận chứng sau:

I.1. Những di chỉ khảo cổ còn sót lại của giai đoạn Lý – Trần đã thể hiện khả năng cao trong việc chế tác trên các loại vật liệu, chứng tỏ kỹ nghệ và sự chuyên nghiệp của các phường nghề. 

Hai biểu hiện rõ nhất là trong nghệ thuật gốm và nghệ thuật điêu khắc. Từ năm 982, vào thời Tiền Lê, Lê Đại Hành đã mở những cuộc nam chinh đầu tiên, chiếm được kinh đô Indrapura và giết vua  Parameshvaravarman của Chăm-pa. Trong cuộc Nam chinh này Lê Hoàn đã đưa về rất nhiều vũ công, nhạc sư, thợ thủ công Chăm-pa, nhờ đó những nghề này cũng theo đó mà vào Đại Việt. Đến thời Lý, quá trình học hỏi này đã được hoàn thiện. Nhiều mẫu vật được khai thác ở khu vực Hoàng thành Thăng Long, những họa tiết trong các bức tượng Phật… thể hiện rõ điều này. Bên cạnh các nét khắc của người Chăm-pa, các nghệ nhân cổ đã thổi tinh thần Viêt vào tác phẩm của mình. Ví dụ như trong bức tượng Phật A Di Đà ở chùa Phật Tích (cao 2m77 bao gồm cả bệ). Trong bức tượng này, mặc dù phần nửa dưới và tư thế là học từ nghệ thuật của người Chăm, nhưng nét mặt của tượng không bị ảnh hưởng bởi nét mặt lãnh đạm của bậc khổ tu mà ngược lại là vẻ mặt hoan hỉ, vui tươi. Một phần vì đặc tính người Việt cổ ưa đùa giỡn, lạc quan; một phần vì Đại Việt thời Lý ảnh hưởng của Phật giáo Mật Tông, một trường phái tu luyện đặc sắc với khái niệm Phật Hoan Hỉ nổi tiếng.

Tuy nhiên, đỉnh cao của văn minh vật chất thời Lý lại nằm trong nghệ thuật gốm. Gốm Lý – Trần đã đạt đến mức trở thành một trường phái, một “thương hiệu” như trà đạo Nhật Bản. Không giống trong điêu khắc, nghệ thuật gốm giai đoạn này không bị ảnh hưởng bởi Chăm-pa. Vào thời Lý, nghệ thuật gốm còn bị ảnh hưởng bởi phong cách và kỹ thuật nhà Đường Trung Hoa, nhưng gốm thời Trần đã hình thành phong cách riêng với các đặc trưng kỹ thuật riêng. Gốm thời Trần có loại đặc trưng nhất là gốm hoa nâu. Từ thời Lý, gốm đã có 3 trung tâm làng nghề: Bát Tràng, Phù Lãng và Thổ Hà (trung tâm này hiện không còn làm gốm nữa). 3 trung tâm gốm này được xây dựng bởi 3 đại thần đi sứ Trung Quốc (Đào Tiến Trí, Hứa Vĩnh Kiều và Lưu Phong Tú), học nghề gốm rồi đưa về Đại Việt. Bát Tràng sản xuất gốm sắc trắng, Phù Lãng gốm sắc vàng, Thổ Hà gốm sắc đỏ. Các nghệ nhân Bát Tràng  đã phát minh ra chất men xanh ngọc nổi tiếng, sản xuất chuyên nghiệp và xuất cảng sang Trung Hoa, Phù Tang lúc bấy giờ. “Men trắng gốm Lý – Trần được chế từ phù sa và tro củi; men nâu từ oxit sắt và sunfua thủy ngân; men ngọc từ oxit sắt và oxit đồng. Trên gốm hoa nâu, người ta thường gạt đi một số chỗ men trắng để bôi mầu nâu, có thể làm theo hai cách: nền trắng hoa văn nâu, hoặc ngược lại nền nâu hoa văn trắng. Mầu nâu chế tạo từ đá son, bản chất của mầu nâu đỏ và đen chế từ các oxit sắt và một thành phần nữa là sunfua thủy ngân, cái này nằm trong đá chu sa, thần sa. Mầu đen cũng chỉ là biến thể của mầu nâu. Mầu lục của gốm men ngọc do sự tham gia của oxit đồng, nhưng ít hơn nhiều so với sử dụng oxit sắt và oxit đồng tạo ra mầu xanh khi nung trong môi trường oxy, thực chất là oxit sắt được nung trong môi trường khử, tức là môi trường thiếu oxy, tạo ra lửa hoàn nguyên. Công thức thì đơn giản như vậy, nhưng gốm luôn luôn là bí ẩn, phụ thuộc vào nhiệt độ lò nung tạo ra các phả ứng hóa học cụ thể với cốt và men gốm, cùng kinh nghiệm của người thợ. Kết quả của sản xuất gốm thủ công không lần nào giống lần nào, chỉ có thể tạo ra các sản phẩm tương tự chứ không lặp lại chính xác như gốm sứ công nghiệp. Các sắc độ mầu trên đồ gốm Lý – Trần, ra rất phong phú, nhìn thoáng qua thì thấy giống nhau, nhưng đặt cạnh từng đồ, mầu sắc rất khác. Mầu men ngọc biến đổi từ xanh ngọc bích, xanh lục nhạt, lục sẫm, lục vàng, lục tím, tím xanh thẫm. Mầu trắng cũng biến đổi vô cùng, trắng, trắng nhờ nhờ, trắng ngả vàng, trắng ngả xanh nhạt, trắng vàng, vàng và vàng sẫm. Mầu nâu có từ nâu đỏ, nâu vàng, nâu nhạt, nâu đậm, mầu nâu bánh mật, nâu sẫm, nâu rất sẫm, nâu đen và đen.” (1) Cho đến nay công thức làm men xanh ngọc đã bị thất truyền, công nghệ hiện đại cũng không giúp khôi phục lại được việc sản xuất loại men này, điều đó chứng tỏ kỹ thuật sinh hóa thời kỳ này đã phát triển rất cao. Ngoài ra, chất lượng thẩm mỹ của những của cải vật chất thời Lý Trần rất tốt, đề cao tính cân xứng và sự thanh nhã, cho thấy một trình độ dân trí cao.

Gốm Bát Tràng men trắng
Gốm Bát Tràng men trắng

Nhiều người cho rằng vẻ đẹp thẩm mỹ và kỹ thuật tinh xảo từ những di vật còn sót lại trong điêu khắc và gốm thời Lý – Trần là bởi vì đó là đồ dùng cho vua chúa. Điều này đúng, nhưng không hoàn toàn. Đáng lưu ý rằng Đại Việt thời bấy giờ không theo chính sách quản lý phường hội thủ công của phương Bắc, không phân ra các xưởng “quan diêu” và “dân diêu”, mà sản xuất tại cùng một hệ thống xưởng. Các xưởng thủ công này sản xuất cả vật dụng của quan và của dân, những vật dụng nào đẹp nhất, tinh xảo nhất, đặc biệt nhất sẽ được cống nạp vào cung hoặc vào các công trình lớn như đền, chùa…

I.2. Hai triều đại Lý và Trần đều đề cao công thương nghiệp và bắt đầu thiết lập những tuyến giao thương từ nội địa đến lân bang

Như đã nói ở trên, nền sản xuất vật chất thời Lý Trần đã đạt đến trình độ cao, hay nói một cách khác, chất lượng hàng hóa của xã hội trong giai đoạn này đã đạt đến bước chuẩn mực. Năm 1230, nhà Trần mở rộng Thăng Long, chia phần “thị” (vùng cho dân buôn bán) thành các phường nghề, đặt chức quan Bình bạc (tức kinh doãn) để quản lý. Đó chính là bước chuyên môn hóa trong phát triển công thương nghiệp.

Song song với sự phát triển của thủ công nghiệp là sự phát triển của thương nghiệp. Ở thời Lý, các tuyến giao thương nội địa đã được thiết lập và vận hành trơn tru từ miền xuôi đến miền ngược cả trên đường bộ và đường thủy. Nhà Lý bắt đầu thiết lập buôn bán trao đổi với Trung Hoa qua đường sông, Gia  Va qua đường biển và Xiêm La qua đường bộ. Cửa biển Vân Đồn (Quảng Nnh) là trung tâm giao thương lớn nhất cả nước. Đến thời Trần, các tuyến đường giao thương gia tăng, thậm chí giao thương tới Tây Vực. (2) Minh chứng cho tuyến giao thương này là trong “Nguyên sử”, khi vua Mông Cổ đòi nhà Trần nộp những người lái buôn Hồi Hồi để hỏi thăm về tình hình Tây Vực.

I.3. Nhiều loại hình nghệ thuật mang đặc trưng tính cách Việt phát triển đồng đều và tạo thành chuẩn mực

Nghệ thuật trình diễn đặc trưng của Đại Việt thời Lý Trần phải kể đến hát chèo. Hát chèo được sáng tạo từ thời Đinh (thế kỷ thứ 10) bởi bà Phạm Thị Trân, môt ca vũ tài ba trong hoàng cung. Lúc này các nghệ sĩ thường chỉ diễn xuất các khúc ngâm. Các kỹ thuật âm nhạc và vũ đạo dần dần được hoàn thiện khi có tiếp xúc văn hóa với Chăm pa. Nhưng đến nhà Trần, một nghệ sĩ chèo đi lính và bị quân đội Nguyên Mông bắt làm tù binh, nhờ đó mà học được hát tuồng của người phương Bắc. Từ đó chèo bắt đầu mang tính kịch (drama), có cấu trúc và nhân vật. Song song với chèo, nghệ thuật Tuồng của Trung Hoa cũng được “Việt hóa”. Cả hai đều được diễn không những trong hoàng cung mà cả trong dân gian (các đình làng). Các vở thường ca ngợi những mẫu hình nhân vật lý tưởng như anh hùng, liệt nữ, các tấm gương trung hiếu; với kỹ thuật diễn xuất ước lệ kết hợp kỹ thuật âm nhạc phức tạp, đặc biệt là trong độ nhấn và luyến láy.

Nghệ thuật hội họa của Lý – Trần phát triển nhất trong điêu khắc. Có một sự tương đồng giữa hội họa Lý Trần với thời kỳ  Tiền Phục Hưng Châu Âu: Đó là sự vô danh của các nghệ sĩ và cảm hứng tôn giáo. Các nghệ nhân Lý Trần hầu như không được lưu tên lại cùng các tác phẩm của họ, nhưng các tác phẩm này vẫn đầy cảm hứng và đạt đến chuẩn mực mỹ học cho cả một dân tộc. Hai biểu tượng được nhấn mạnh nhất là con rồng và hoa sen triều Lý. Rồng triều Lý không giống rồng Trung Hoa hay thể hiện uy quyền. Con rồng thời Lý dù trên bất cứ chất liệu nào cũng được chạm khắc không quá sâu, hoặc có thể hiểu là hình khối không nổi quá cao. Có lẽ thẩm mỹ thời Lý không thích hình khối mà quan tâm nhiều đến hình dáng. Con rồng thời Lý được bố cục theo nhiều dạng hình học khác nhau, ví dụ như: Bố cục trong hình Chữ nhật: như các bức chạm đá “Hình Rồng chầu lá đề, đăng đối hai bên là hình các Tiên nữ, nhạc công múa hát” (đế kê chân cột chùa Phật Tích- năm 1057). Các “Hình Rồng chầu lá Đề”, “ hình rồng trên bệ” (tượng Phật, chùa Phật Tích – năm 1066, xã Phật Tích-Tiên Sơn-Bắc Ninh). “Hình rồng trên vách đố” bằng đá (Tháp Chương Sơn – năm 1117), hoặc “Hình rồng trên đồ đất nung “ phát hiện ở khu vực thành Thăng Long. Hình Rồng trong bố cục hình tròn: như chạm đá “Hình Rồng và hoa dây” (Tháp Chương Sơn – năm 1118, Yên Lợi- ý Yên- Nam Định). Hình Rồng trong bố cục hình bán nguyệt: “Các hình Rồng chầu”, (chạm đá – năm 1118, trong trán bia Chùa Long Đội – Đọi Sơn -Duy Tiên – Hà Nam). Hình Rồng trong bố cục hình lá Đề: “Hình Rồng chầu dâng Ngọc”, Gốm (phát hiện ở  khu vực thành Thăng Long Hà Nội); hình Rồng trong bố cục hình cánh hoa Sen: “Hình Rồng trong các cánh Liên hoa” bệ tượng (Tháp Chương Sơn – năm 1117), hoặc “Hình rồng trên các cánh hoa Sen” chạm ở mặt trụ đá kê chân cột ở một số công trình kiến trúc Lý mà Khảo cổ học phát hiện được ở khu Hoàng Thành Thăng Long… Mình rồng thời Lý kéo dài, thể hiện từ góc nhìn nghiêng; đầu và cổ thường ngước và chếch lên cao. Hình tượng rồng này gắn với nhiều biểu tượng Phật giáo, ví dụ như lông mày rồng tạo hình thành số 3 nằm ngửa, giống với nhãn vòng Kim Cô của nhà Phật, và phía trước trán rồng có hình chữ S đứng (ký hiệu của tia chớp, thể hiện uy lực của Phật Pháp Lôi – Pháp Điện trong Mật Tông) Khác với con rồng vần vũ của Trung Hoa, rồng thời Lý được vẽ theo hình sin, uốn lượn đều đặn biểu hiện tính nhịp điệu luân hồi trong tư duy của người Việt. Cách tạo hình này vẫn kéo dài đến thời Trần, chỉ bổ sung thêm một vài chi tiết ở chân và ở vẩy. Bắt đầu từ thời Lê trở đi thì tạo hình rồng bắt đầu bắt chước của Trung Hoa.

Điêu khắc thời nhà Lý có hình con rồng trên lá đề
Điêu khắc thời nhà Lý có hình con rồng trên lá đề

Ở thời Lý Trần, văn xuôi chỉ phục vụ mục đích khoa cử, vậy nên thơ ca là không gian sáng tạo của các tác giả. Trong đời sống dân gian, lối hát giao duyên, hát đối như hát trống quân (có từ thời nhà Trần) khiến tâm hồn thơ ca của người dân được rộng mở, các hình tượng đơn giản của đời sống được gọt giũa và tượng trưng. Nhờ đó thẩm mỹ dân gian được nâng cao. Có một điều đáng lưu ý là các phường hội thời Lý Trần không có sự phân cấp quan – dân, nên những tác phẩm hay hoặc các tứ thơ hay của dân gian thông qua con đường trình diễn sân khấu có thể đến với tầng lớp vua quan. Nhờ đó nghệ thuật thơ bác học thời Lý Trần cũng không quá phô trương và rơi vào chủ nghĩa hình thức mà tiếp thu được vẻ đẹp bình dị của dân gian. Thơ Lý Trần đều là các tác phẩm thơ chữ Hán, ảnh hưởng nhiều của Thiền Tông Trung Hoa. “Thiền Uyển Tập Anh ngữ lục” là bộ ghi chép đồ sộ nhất các tác phẩm Thiền ngữ (bao gồm luận giải, đối đáp, các bài kệ) của thời Lý. Đến thời Trần, thơ Thiền kết hợp với nghệ thuật ước lê của Đường thi, tạo thành một phong cách thơ tinh tế, sâu sắc và giàu tính thẩm mỹ, trong đó thơ của Trần Nhân Tông và Huyền Quang Thiền Sư đã đạt đến đỉnh cao. Bên cạnh thơ Thiền, các bài phú thể hiện sự cảm tác như “Bạch Đằng giang phú” (Trương Hán Siêu), “Ngọc Tỉnh Liên phú” (Mạc Đĩnh Chi), “Bạch Vân sơn phú” (Huyền Quang Thiền sư) đã làm phong phú thêm cho thể loại thơ ca Lý Trần.

I.4.Các luận thuyết về tư tưởng đều được ghi nhận, đời sống triết học tâm linh phong phú

Dưới 2 triều đại Lý Trần, các tôn giáo và các dòng tư tưởng khác nhau được tự do phát triển, chúng ta đều được biết tới điều này qua khái niệm “Tam giáo đồng nguyên”. Vào thời kỳ đó, ở Đại Việt chịu ảnh hưởng của 3 luồng tư tưởng lớn: Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo. Nho giáo vào Việt Nam theo chữ Hán từ thời Bắc thuộc nhưng chưa được phát triển. Các trường phái Phật giáo vào Đại Việt theo hai đường: Phật giáo nguyên thủy từ Ấn Độ, qua Chăm-pa và vào nước ta. Phật giáo Tịnh Độ, Mật Tông và Thiền Tông vào từ phương Bắc qua con đường du hành của các bậc tăng sư. Đạo giáo tuy ẩn mình nhưng lại ảnh hưởng sâu sắc nhất.

Từ khi Thiền sư Vạn Hạnh hỗ trợ Lý Công Uẩn lên ngôi vua và được phong là Quốc sư thì Phật giáo đã giữ vai trò thống lĩnh ở Triều Lý. Tư tưởng Phật học còn ảnh hưởng cả đến Thái phi Ỷ Lan khi bà viết bài kệ “Sắc không”. Tuy nhiên, bên cạnh Thiền Tông, Mật Tông vẫn phát triển và có uy quyền nhất định với nhân vật nổi bật nhất là Sư Từ Đạo Hạnh với các quyền năng phi thường. Tịnh Độ Tông chưa phát triển nhiều như dưới thời Lê nhưng đã manh nha một số ngôi chùa và thường là dành cho dân thường.  Đến thời Trần, khi Trần Nhân Tông đi tu ở Yên Tử và sáng lập ra trường phái Trúc Lâm thì Thiền Tông lên đến đỉnh cao trong lịch sử. Các Thiền sư của trường phái Trúc Lâm một mặt đề cao tính Thiền, một mặt đưa ra quan điểm Phật giáo nhập thế, tức là người đi tu cũng phải có trách nhiệm tạo phúc cho dân chúng.

Nho giáo được đưa vào nước Việt từ thời Bắc thuộc nhưng do dân trí còn thấp và chiến loạn liên miên nên không thể nào có sức ảnh hưởng được. Mặc dù nhà Lý ảnh hưởng của Phật giáo, nhưng mô hình thiết lập nhà nước lại dựa trên Nho giáo, cụ thể là Tống Nho. Đến cuối thời Lý và  thời Trần, ảnh hưởng này bắt đầu mạnh hơn với các nhân sĩ nổi tiếng như Tô Hiến Thành, Trương Hán Siêu, Chu Văn An… Nếu các vua thời Lý – Trần chịu ảnh hưởng của Phât giáo thì các quan và tướng lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo. Hưng Đạo Đại Vương là thể hiện rõ nhất cho tư tưởng trung quân ái quốc trong Nho giáo. Ngay trong “Hịch Tướng sĩ”, vận mệnh của bậc anh hùng Nho giáo đã được khẳng định:  “Từ xưa các bậc trung thần nghĩa sĩ, bỏ mình vì nước, đời nào chẳng có ? Ví thử mấy người đó cứ khư khư theo thói nhi nữ thường tình Thì cũng đến chết hoài ở xó cửa, sao có thể lưu danh sử sách Cùng trời đất muôn đời bất hủ được ?” . Phụng sự dưới trướng Trần Hưng Đạo là Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu… đều thấm nhuần tư tưởng này. Vào đầu năm mới, các quan văn võ  trong triều đều phải họp nhau làm lễ ở đền Đồng Cổ hay ở sân Long Trì mà phát lời thề rằng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh giết chết”

Đạo giáo ý muốn nói đến học thuyết Lão – Trang, tuy nhiên tư tưởng Lão Trang thời này chưa thực sự có sức ảnh hưởng mạnh, mà ngược lại trường phái tu tiên lại phát triển hơn. Các đạo trưởng tu tiên đi du hành khắp nơi, triển khai quyền năng, chữa bệnh cứu người từ thời Bắc thuộc tạo nên các kì tích trong dân gian, ví dụ như đạo trưởng Yên Kì Sinh (3) hay Chử Đồng Tử…  Nhờ thế, đến thời Lý – Trần, các đạo tràng, các đền thờ Tiên mọc lên ở các vùng sơn cước. Đó là cơ sở cho Đạo Mẫu phát triển ở thời Lê Sơ và là cơ sở cho nhiều truyện truyền kỳ được ghi chép trong “Truyền kỳ mạn lục” (Nguyễn Dữ) hay “Truyền kỳ tân phả” (Đoàn Thị Điểm) mãi sau này.

Mặc dù chế độ khoa cử là sản phẩm của phương Bắc, nhưng đã được nhà Lý và nhà Trần thay đổi về nội dung tư tưởng. Thay vì thi luận giải Tứ Thư Ngũ Kinh như nhà Tống, khoa cử ở Đại Việt yêu cầu sĩ tử phải tinh thông cả ba hệ thống Nho – Phật-  Lão. Hơn thế nữa, nhìn lại suốt lịch sử tư tưởng thời Lý và thời Trần, không hề thấy dấu vết của các cuộc tranh biện hơn thua xem trường phái nào mới là trường phái dẫn con người đến Sự Thật cũng như sự đắc dụng của chúng trong đời sống.

I.5. Khả năng giữ gìn chủ quyền lãnh thổ và bảo vệ quyền lưc trung ương của hai triều đại này đến bây giờ vẫn không khỏi khiên nhiều nhà nghiên cứu chính trị phải kinh ngạc vì sự vận dụng cương – nhu trong các biến cố quốc gia.

Các chiến tích của triều Lý và triều Trần (2 lần chiến thắng quân Tống, 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông) đã được nhiều công trình ghi chép lại. Có lẽ không cần thiết phải liệt kê cụ thể ở đây. Nhưng những chiến tích đó là minh chứng cho một hệ thống quân sự vững mạnh, đúng theo ngôn ngữ thời xưa là “binh hùng tướng mạnh”. Một nước nhỏ như Đại Việt có thể chiến thắng đại quân của đế quốc phương Bắc hơn gấp nhiều lần về binh lực và vũ khí, điều đó cho thấy các nhà quân sự của hai triều đại này đã biết cách dụng binh bằng chiến thuật và mưu kế thay vì diễu võ dương oai. Lý Thường Kiệt đã biết dùng kế sử dụng ngòi bút để làm lung lay sĩ khí của kẻ địch (bài “Phạt Tống lộ bố văn” được phân phát ở Châu Khâm, Châu Ung, Châu Liêm (4)) và khích lệ tinh thần quân đội (bài “Nam quốc sơn hà” (5)) Vua tôi triều Trần đứng trước thế vũ bão của quân đội Mông Cổ đã dám sử dụng kế  “vườn không nhà trống” và sử dụng kiểu đánh du kích tỉa dần lực lượng của địch cho đến khi nắm được lợi thế mới tổng tiến công. Nghệ thuật quân sự này được ghi chép trong “Binh Thư yếu lược” của Trần Hưng Đạo, là nền tảng cho hình thức “chiến tranh nhân dân” sau này.

Ngoài ra, ta có thể thấy sức mạnh quân sự chỉ có thể có được khi binh lương ổn định, có nghĩa là lương thực từ trong dân gian được cung cấp đầy đủ và đều đặn cho quân đội. Song song với điều này, ta có thể thấy rằng vào thời Lý và lúc thịnh trị của triều Trần, không hề có khởi nghĩa nông dân. Điều đó cho thấy nông nghiệp thời này phát triển, mang lại sự ổn định kinh tế, nhờ đó mà ổn định đươc trật tự xã hội.

Nội loạn trong giai đoạn này đa phần là loạn phiên bang (do các vương tử, các thủ lĩnh dân tộc thiểu số, hoặc quan lại muốn tiếm ngôi) gây ra. Tuy nhiên triều đình luôn tìm được cách giải quyết hỗn loạn bằng các phương pháp hòa giải sao cho ít tốn binh lực nhất. Nếu không thể hòa giải thì sử dụng phương pháp đe dọa gây áp chế, nếu không thể áp chế mới sử dụng đến chiến tranh.  Đây là cách hành xử chính trị khôn ngoan và đầy nhân tính đã trở thành chuẩn mực trong cách thức đối phó với nội loạn của các vua Lý – Trần.

II – Tại sao xã hội trong hai triều đại Lý – Trần lại đạt được sự thịnh vượng?

II.1. Nguyên nhân khách quan: Sự ổn định lãnh thổ và cơ hội tách dần khỏi văn minh người Hán

Trước triều đại Lý – Trần, lãnh thổ của nước ta luôn luôn giao động do chiến loạn liên miên với phương Bắc và nội loạn cát cứ. Nhưng đến cuối thời Tiền Lê, lãnh thổ đã được ổn định, kéo dài từ biên giới phía Bắc ngày nay cho đến vùng Quảng Bình, Quảng Trị (hồi đó gọi là Lâm Ấp). Lãnh thổ dần đi vào ổn định và bước qua giai đoạn xung đột văn hóa tộc người để chuẩn bị bước vào thời kỳ dung hòa văn hóa. Một khi lãnh thổ đã được xác lập rõ ràng thì triều đình cũng sẽ nắm rõ hơn về đặc tính các vùng miền để có thể đưa ra các chiến lược phát triển sao cho phù hợp với nhiều nhóm dân cư. Nếu chưa đạt được sự ổn định về lãnh thổ, dân di cư liên tục thì không thể hình thành phong tục tập quán, không có phong tục tập quán thì mọi chính sách đưa ra đều tạm bợ và dễ dàng bị nhóm dân cư mới làm cho thay đổi. Từ thời Hậu Lê cho đến thời Nguyễn, ta có thể thấy lãnh thổ mở rộng liên tục, kèm theo đó là các nhóm dân cư bị xáo trộn, chuẩn mực văn hóa các miền có sự xung đột lẫn nhau, vì thế cho đến nay vẫn chưa đúc kết được các đặc tính văn hóa chung giữa ba miền để tạo ra chiến lược phát triển bền vững cho quốc gia.

Giai đoạn lịch sử của nhà Lý và nhà Trần tương ứng với một trong hai giai đoạn yếu thế nhất của văn minh người Hán. Triều Lý cùng thời kỳ với triều Tống, triều Trần cùng thời kỳ với triều Nguyên. Triều Tống là một triều đại yếu kém về lãnh thổ nên triều đình của người Hán chỉ tập trung chủ yếu ở 2 đồng bằng lớn là lưu vực Hoàng Hà và lưu vực Trường Giang. Lãnh thổ Trung Hoa thời bấy giờ bị các đám “man di mọi rợ”  (nam man, đông di, tây mọi, bắc rợ trong quan điểm của người Hán) chia nhau lập thành các quốc gia Khiết Đan, Đại Kim, Tây Hạ, Thổ Phồn, Đại Lý… Nhà Tống bị bao vây xung quanh bởi các nước có nền văn minh khác biệt này cho nên không có nhiều thời gian để củng cố quyền ảnh hưởng ở Đại Việt. Nhà Tống bị tiêu diệt, quân Mông Cổ dựng nên triều Nguyên. Triều Nguyên mới thành lập nên đặc tính vẫn còn được giữ nguyên, chưa bị Hán hóa. Bởi thế, chưa bao giờ tính dân tộc của người Việt lại được đề cao đến vậy trong suốt thời kỳ phong kiến. Tính dân tộc được thể hiện mạnh mẽ trong tinh thần quân đội, trong văn thơ yêu nước,trong tư tưởng dân tộc, trong sáng tạo thủ công nghiệp và thậm chí đến thế kỷ 12, các học giả yêu nước còn sáng tạo và hoàn thiện loại chữ Nôm được cách điệu từ chữ Hán. Theo sử sách ghi chép lại thì văn bản chữ Nôm đầu tiên còn được biết đến là “Thiền Tông bản hạnh” viết vào thời Trần. Tinh thần dân tộc đã trở thành sợi chỉ xuyên suốt trong mọi ứng xử chính trị của hai triều đại này.

Yên Tử - Trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm từ thời Trần đến nay
Yên Tử – Trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm từ thời Trần đến nay

II.2. Nguyên nhân chủ quan: Hai triều đại Lý – Trần đã biết vận dụng các đặc điểm tâm lý chung của dân tộc để đưa ra chiến lược phát triển dài hạn cho cả quốc gia.

Thế nào là đặc điểm tâm lý chung của dân tộc, đây là vấn đề gây nhiều tranh luận trong học thuật. Khái niệm tâm lý dân tộc tôi xin được sử dụng học thuyết phân tâm học tộc người của Georges Devereux. Ông cho rằng những đặc điểm tâm lý chung của một dân tộc là do  hưởng của đặc điểm địa lý và điều kiện tự nhiên khiến cộng đồng người nào đó có chung một cách hành xử, lâu ngày cách hành xử này tạo thành thói quen và những thế hệ sau cứ vô thức hành động mà không biết tại sao. Với đặc điểm tự nhiên của Đại Việt, ta có thể thấy có các đặc điểm sau: ý thức tập thể do phải đoàn kết để trị thủy và đánh giặc; tâm lý biến đổi do phải liên tục đối phó với thiên tai; đức tính nhẫn nhịn do một quá trình dài phải đương đầu với phương Bắc hùng mạnh; tâm lý tiểu nông do dải đồng bằng nhỏ hẹp; khả năng hòa nhập văn hóa do nằm trên tuyến giao thương nối liền miền Nam Ấn Độ và miền Nam Trung Hoa. Nhiều nhà phản biện xã hội Việt Nam hiện đại cho rằng đó là những điểm yếu kém của người Việt, đó là nhận định chủ quan và sùng bái phương Tây bởi không một tích cách nào nào tích cực hoàn toàn hay tiêu cực hoàn toàn. Trong lịch sử, triều đình nhà Lý và triều đình nhà Trần đã biết cách tận dụng lợi thế của những đặc điểm tâm lý này tạo nên chiến lược phát triển đúng đắn cho quốc gia.

Hệ thống tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên” được đề xướng và áp dụng từ trên xuống dưới, bởi lẽ người Việt rất dễ tiếp thu các luồng tư tưởng và dễ dao động trong lối suy nghĩ. Nếu cứ khăng khăng cả dân tộc đi theo một hình mẫu tư duy và nhận thức, khó tránh khỏi sự chống đối, bất bình ở người dân. Ngay đến khoa cử để tuyển lựa hiền tài cho triều đình cũng phải dựa trên Tam giáo là một chính sách tránh được rất nhiều xung đột hệ tư tưởng thường thấy ở Trung Hoa, thậm chí cả ở Ấn Độ và Phương Tây. Như đã nói ở trên, ba tư tưởng đều có những ảnh hưởng khác nhau: Vua theo Phật giáo, Quan lại và các tướng theo Nho giáo, người dân vừa tôn sùng Phật giáo vừa tôn sùng Đạo giáo.  Tổng kết lại, ta có thể rút ra một thế chân kiềng vững chắc : Vua dùng Đạo trị (Đạo ở đây có nghĩa là quy luật tự nhiên chứ không phải Đạo giáo), Quan dùng Pháp trị, Dân dùng Nhân trị. Tức là vua thì phải biết nắm bắt các quy luật tự nhiên để đưa ra quyết sách, quan phải biết tuân thủ pháp luât và đạo vua tôi, dân phải biết lấy nhân nghĩa để đối đãi với nhau không phân biệt.  Tam giáo mỗi hệ một nhiệm vụ đi kèm với quyền ảnh hưởng, vừa bổ khuyết cho nhau để mang đến sự phát triển tâm thức của người dân, lại vừa hạn chế nhau để tạo thành thế cân bằng tránh sự độc tôn tư tưởng dễ dẫn đến tư duy một chiều. Nhờ thế mà giá trị nhân bản được đặt cao hơn các tư tưởng siêu hình hay các học thuyết áp đặt về phận vị. Khi con người được đề cao, sự phát triển của đời sống người dân quan trọng hơn quyền lực của triều đình và sự thịnh vượng quan trọng hơn sức mạnh quân đội. Cả hệ thống chính trị của triều đại Lý – Trần đã đi theo xu hướng đó và tạo ra thời kỳ rực rỡ nhất của văn minh Đại Việt.

Là một nước nông nghiệp trồng lúa nước, triều đình Lý – Trần nhận thức rõ tầm quan trọng của điền địa và nghề nông. Trong thời kỳ phong kiến, sở hữu đất đai là sở hữu cao nhất và quyền sở hữu tối thượng thuộc về nhà vua. Khi nhà Lý thay thế Tiền Lê, nhà Lý được thừa hưởng đất công từ triều đại trước, số đất này dùng làm ruộng quốc khố. Còn lại là để phân phối tùy theo cấp bậc xã hội để phân ruộng đất. Để gia tăng đất đai quốc khố một cách hợp lý, triều đình nhà Lý cho phép người dân được chuộc tội bằng cắt ruộng đất để nộp phạt. Nhưng quan trọng hơn là chính sách phong đất cho tăng lữ, quý tộc và công thần cát cứ ở khắp nơi. Chính sách này được giữ tới nửa đầu triều Trần. Các lãnh chúa sở hữu đất được hưởng hoa lợi từ mảnh đất của mình nên họ dốc sức thúc đẩy phát triển nông nghiệp và công thương nghiệp phát triển. Của cải vật chất  làm ra càng nhiều và mạng lưới giao thương càng rộng lớn thì thuế thu về cho triều đình càng tăng.

Bên cạnh đó, nông nghiệp được đề cao. Bộ luật Hình Thư triều Lý quy định rõ xử phạt rất nặng nếu  ăn trộm hay giết hại trâu bò. Thời Lý Nhân Tông còn ra lệnh bắt nhân dân cứ 10 nhà họp lại thành một “bảo” để kiểm soát nhau không giết trâu bò, trái phép cả  bảo đều bị trừng trị theo pháp luật. Chính sách “ngụ binh ư nông” (6) được áp dụng từ triều Lý đến triều Trần giúp cho nhân lực được phân phối đều cho cả hai nhiệm vụ: canh tác nông nghiệp và nghĩa vụ quân sự. Chính sách cát cứ rất hợp lý với một vùng đất bị sông ngòi và núi cao chia cắt như Đại Việt thời Lý Trần, bởi các vua thời này hiểu rõ rằng khi quyền lực quân sự tập trung sẽ rất khó để truyền đạt lệnh để giải quyết các biến loạn trong cộng đồng. Chính sách “ngụ binh ư nông” là chính sách hợp lý với tình trạng dân số ít ỏi của Đại Việt. Cũng nhờ cách làm này mà mỗi trai tráng đều có khả năng của chiến binh khi có quân địch tấn công.

Ngay từ thời Lý, các chuẩn mực xã hội đã được thiết lập. Ngô Vương Quyền thiết lập nền tự chủ, triều đại Đinh – Lê đánh dẹp nội loạn thiết lập sự ổn định thì triều Lý thiết lập các trật tự và chuẩn mực. Năm 1097, Lý Nhân Tông sai thu thập các điển chương của triều đình, biên soạn thành sách để làm chuẩn mực cho chính trị, đó là bộ Hội điển đầu tiên. Bộ luật Hình Thư, bộ luật đầu tiên của nước Việt ta cũng được hoàn thiện dưới triều đại của ông vua này. Hình Thư quy định chỉ 10 điều ác (có từ thời Lý Thái Tông) mới bị trừng phạt nặng nề: “mưu phản, đại nghịch, mưu làm loạn theo giặc, ác nghịch, bất đạo, đại bất kính, bất hiếu, giết hại người thân thuộc, hãm hại cấp trên, thông dâm với họ hàng thân thiết hoặc tì thiếp của cha. Ngoài ra các tội khác đều có thể dùng tiền hoặc ruộng để nộp phạt. Chính sách này là chính sách răn đe không làm điều ác, còn những vi phạm lỗi lầm khác đều cho cơ hội để chuộc tội. Ngoài ra lại còn giúp gia tăng ngân khố quốc gia. Tuy nhiên, chính sách này không hạn chế được vấn đề tham nhũng vào lúc suy vi của triều đại. Hoặc có thể hiểu theo cách khác là chính tham nhũng đã khiến hai triều đại này không duy trì được quyền lực lâu dài hơn. Vua Lý Nhân Tông thậm chí còn đưa ra chuẩn đo lường cho công thương nghiệp . Cũng trong triều Lý, chuẩn mực thẩm mỹ được xác lập khi biểu tượng con rồng thời Lý được lặp đi lặp lại trong mọi họa tiết.  Bên cạnh chế độ nhiệm tử truyền thống của chính quyền phong kiến, người tài được tuyển lựa qua tiến cử của các quý tộc và các công thần; và sau đó là chế độ khoa cử. Những người tài này được tuyển chọn kỹ lưỡng cho cả hai bền văn võ, nên các quyết sách của vua được đảm bảo có sự tham mưu khôn khéo của quan lại và khả năng quản lý hành chính ít khi bị sai lệch. Trước khi có sự phát triển tự do của triều Trần thì phải trải qua giai đoạn tạo dựng chuẩn mực cao làm nền móng vững chắc.

Tận dụng lợi thế thương mại và khả năng học hỏi nhanh của dân Việt, triều đình Lý Trần đưa ra chính sách tự do cho thủ công nghiệp và giao thương. Như đã nói ở trên, nhà Lý và nhà Trần đều không áp dụng chính sách quan diêu và dân diêu với các xưởng thủ công, nhờ không có loại sản phẩm quá thấp, đồng thời lại nâng cao được tay nghề liên tục cho các xưởng vì việc tiến cống cho triều đình và chùa như một loại “nhãn mác” để khẳng định “thương hiệu”. Các mỏ khai thác đồng, kẽm hay các nguyên liệu quý đều được triều đình giao cho các tù trưởng miền núi đẻ khai thác và thu thuế bằng sản vật. Các phường nghề đều được phát triển tự do. Nhà nước chỉ quản lý xưởng đúc tiền và xưởng đúc vũ khí, những vật dụng tối quan trọng với quốc gia. Triều đình đánh thuế mọi mặt hàng và thuế giao dịch, nhờ thế, ngân quỹ rất mạnh mà đời sống người dân cũng đầy đủ không đến nỗi chật vật. Ngoài ra, để nâng cao tay nghề, các thợ thủ công đề xướng việc “ăn cắp kiến thức” hay “học trộm kiến thức” từ Trung Hoa và Chăm Pa. Nhờ vậy, chất lượng sản phẩm được nâng cao.

3. Liệu có thể tạo dựng một giai đoạn thịnh vượng hơn trong tương lai?

Sau thời Lý là triều Lê, dù quyền lực phong kiến tập trung và uy quyền nhà nước bao trùm nhưng đời sống người dân không đạt được sự thịnh vượng, sở dĩ bởi chính sách tập quyền sở hữu và độc tôn Nho giáo. Cuối thời Hậu Lê kéo dài cho đến triều Nguyễn, lãnh thổ mở rộng hơn gây ra nhiều xung đột và chiến loạn liên miên kéo dài cho tới tận ngày nay. Nhiều người đã tự hỏi, không biết đến bao giờ Việt Nam mới đạt được sự phát triển đồng đều của các lĩnh vực đời sống, hay nói ngắn gọn hơn là sự thịnh vượng xã hội tương tự như dưới triều đại Lý Trần.

Điều này không khó! Nếu nhìn một cách tổng thể tiến trình lịch sử, ta có thể thấy Việt Nam hiện nay đã đi qua giai đoạn ổn định lãnh thổ nhưng vẫn ở trong giai đoạn xung đột văn hóa. Tuy nhiên phát triển phương tiện truyền thông đang dần dần giải quyết vấn đề này để đi đến sự dung hòa văn với. Một khi văn hóa đã được dung hòa thì cơ hội để phát triển đã bắt đầu. Bên cạnh đó, rõ ràng sự ảnh hưởng của Trung Quốc đến Việt Nam đang ngày một giảm do tình trạng hội nhập toàn cầu. Bởi thế, đây là lúc để chúng ta bắt đầu khuếch trương tính nhân văn, tính dân tộc và sự học hỏi tri thức nhân loại để kiến tạo một nền văn minh tương lai thịnh vượng hơn.

Chú thích: 

(1) Trích “Gốm Lý Trần của Đại Việt” – Tác giả Phan Cẩm Thượng. Nguồn Tạp chí Tia Sáng https://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&News=6433&CategoryID=41

(2) Ám chỉ khu vực từ Tân Cương (Trung Quốc) đến các vùng Trung Á. Tham khảo:  https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%A2y_V%E1%BB%B1c

(3) Yên Kì Sinh là vị đạo trưởng sống từ thời Tần, đi vân du và tu luyện tại Yên Tử. Yên Tử từ xa xưa có tên là Bạch Vân Sơn. Tên Yên Tử là dựa trên tên của Yên Kì Sinh.

(4) “Phạt Tống lộ bố văn” do Lý Thường Kiệt viết sau khi chiếm hai vùng Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc), và phân phát cho quan viên, dân chúng ba Châu nằm ở biên giới Trung – Việt này.  Sau đó, Lý Thường Kiệt rút quân khỏi ba châu vì đã đạt mục đích đánh phủ đầu, đập tan sĩ khí của quân Tống.

(5) Bài thơ “Nam quốc sơn hà” là bài thơ nổi tiếng vang lên giữa trận chiến sông Như Nguyệt. Bài thơ này được lan truyền bởi chính các tướng sĩ và ngâm ngay giữa chiến trận, như sự khẳng định tính chính danh của triều đình nhà Lý là hợp với lòng trời: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời” (bản dịch)

(6) Chính sách “ngụ binh ư nông”: chính sách luân phiên đưa quân lính về làm ruộng và đưa đinh nam vào quân ngũ. Chính sách này được áp dụng tới thời Hậu Lê.

 Nguồn tham khảo:

1. Dụ chư tỳ tướng hịch văn – Trần Hưng Đạo

2. Binh Thư yếu lược – Trần Hưng Đạo

3. Đại Việt Sử ký Toàn thư – Ngô Sỹ Liên

4. Việt Nam Sử lược – Trần Trọng Kim

5. Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ 19 – Đào Duy Anh

6. Bản sắc Văn hóa Việt Nam – Phan Ngọc

7. Phân tâm học và tính cách dân tộc – Đỗ Lai Thúy

8. Văn minh vật chất người Việt – Phan Cẩm Thượng

9. Sử Trung Quốc – Nguyễn Hiến Lê

Home 2016

Con đường viết của tôi (2): Đúng ngữ pháp, đơn giản nhưng không dễ

Các bạn có thể đọc cả chùm bài “Con đường viết của tôi”

Khi tôi bắt đầu dậy lớp “Viết để biểu hiện bản thân” do Book Hunter tổ chức, tôi đã đặt ra vấn đề viết đúng ngữ pháp tiếng Việt cho tất cả những ai đến học lớp của tôi. Đương nhiên, một câu hỏi lập tức bật ra trong đầu của không ít bạn: “Biểu hiện bản thân thì cần gì đúng ngữ pháp?”. Câu hỏi này không phải là không có cái lý của nó.

Mấy năm gần đây, những lời kêu gọi “Be yourself” hay “Cảm xúc thật cần được tuôn trào” thì những lối viết bất chấp các nguyên tắc của ngữ pháp trở nên thịnh hành hơn. Người ta có thể viết các bài kể lể tâm sự mà không cần dấu phẩy, dấu chấm. Hay thậm chí những bài bày tỏ quan điểm bức xúc mà chả thấy chủ ngữ, vị ngữ đâu. Vấn đề là, số đông mọi người thấy điều đó là bình thường, là thứ có thể chấp nhận được, thậm chí còn đắp vào đó những lý lẽ như “tự do là chính mình”. Tự do có nhiều thang bậc lắm! Có thứ tự do của sự hỗn độn và nhếch nhác. Có thứ tự do làm chủ tất cả những quy tắc và phá vỡ quy tắc. Kẻ chưa từng làm chủ tất cả những quy tắc thì không có khả năng phá vỡ quy tắc, mà chỉ là một kẻ kém cỏi.

Vậy thì các quy tắc ngữ pháp tại sao lại quan trọng đến vậy, và tại sao chúng ta cần phải tuân thủ chúng. Nếu bạn nhìn các quy chuẩn ngữ pháp như những công thức toán học trong sách giáo khoa, bạn sẽ thấy chẳng có lý do gì để mình phải tuân theo. Thế nhưng, chúng ta hãy quay lại một trong các nguyên nhân của việc viết. Đầu tiên, con người viết không phải để sáng tạo thơ ca văn chương hay ghi lại nỗi lòng sâu kín bên trong mình. Viết là một cách thức để lưu trữ và truyền đạt thông tin. Lúc bấy giờ, văn chương thơ ca đều được lưu trữ qua truyền khẩu. Sau này, khi văn chương, thơ ca được lưu trữ cùng với lịch sử, triết học, luật pháp…v…v… thì chúng ta đã được đọc những văn bản rõ nghĩa và chuẩn về văn phạm. Truyền thông tin qua nói, chúng ta có thể không quá quan tâm đến ngữ pháp, nhưng một khi đã được lưu trữ và truyền tải bằng hình thức viết thì văn bản nhất thiết phải đúng quy tắc.

Chúng ta hãy tạm quên thế nào là chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ và chú ý đến quy tắc của thông tin. Một thông tin bao hàm trong nó chủ thể tạo ra hành động hoặc trạng thái và bản thân hành động hoặc trạng thái ấy ở trong một bối cảnh hay tình trạng nào đó. Truyền đạt thông tin một cách rõ ràng tức là truyền đạt điều mình muốn nói một cách đầy đủ và có trình tự để người đọc có thể theo dõi được. Khi đọc một đoạn hoặc một câu văn bản, người đọc có nhu cầu muốn biết điều gì đang diễn ra, diễn ra như thế nào và ở đâu, ai là người khiến sự việc diễn ra như thế. Tất cả những điều ấy đều được mã hóa bởi các câu chữ có trong các vị trí Chủ ngữ, Vị ngữ, Trạng ngữ. Trong một vài trường hợp, khi thông tin đã được cung cấp đủ rồi, tác giả hoàn toàn có thể lược bỏ đi những phần phải lặp đi lặp lại một cách vô nghĩa, tạo nên các câu ẩn chủ ngữ hay ẩn tân ngữ…v…v… Đôi khi, để tạo nhịp điệu cho câu văn, tác giả có thể viết một loạt những liệt kê danh từ hoặc động từ, tính từ.   Đây  là một cách phá vỡ quy tắc của các tác giả chuyên nghiệp, muốn cho câu văn của mình những nhịp điệu đặc biệt và tránh đi sự nhàm chán của việc lặp đi lặp lại theo công thức. Những phá cách mang tính chủ động này hoàn toàn khác với lối viết vô thức của những tay viết non tay và lười biếng.

Đặt dấu phẩy và dấu chấm ở đâu trong câu cũng không phải câu chuyện dễ. Dấu phẩy và dấu chấm ra đời đánh dấu một bước tiến lớn trong tư duy của loài người. Thuở đầu, các văn bản cổ đều không có dấu phẩy và dấu chấm, thậm chí không có khoảng cách giữa các chữ trong câu. Ngay cả khi người ta đã sử dụng chữ viết dạng Latin thay thế cho chữ tượng hình, từ khoảng cách giữa các chữ đến dấu phẩy và dấu chấm vẫn chưa được phát minh. Các bạn hãy tưởng tượng mình phải đọc một văn bản liền tù tì mà trong đó các chữ không cách nhau ra, các câu không biết kết thúc ở đâu… Điều này đòi hỏi một bộ óc siêu phàm để đọc và hiểu văn bản. Đến thế kỷ thứ 7 người ta mới phát minh ra khoảng cách giữa các chữ, và đến tận thế kỷ 13 mới có dấu phẩy và dấu chấm. Sự đột phá này đã mang lại sự rõ ràng mạch lạc trong  việc đọc hiểu câu văn và nắm bắt văn bản. Và thế là, người ta thay lối tư duy lần mò từng chữ để hiểu sao lối tư duy phân tích có trình tự. Nhờ thế, khả năng xử lý văn bản của con người nhanh hơn, dễ dàng tiếp thu kiến thức hơn, tư duy trình tự tốt hơn. Và nếu như bạn bất cần đến dấu phẩy và dấu chấm, thì tức là bạn đang quay trở lại với cái thời lần mò của đêm trường Trung Cổ. (Lưu ý, chỉ có thơ ca là có đủ uy quyền để có thể chọn lựa việc dùng dấu phẩy và dấu chấm hay không. Tôi sẽ có phân tích riêng về thơ ca ở những bài sau). Sau này, các dấu như chấm than, ba chấm, hỏi cũng xuất hiện dần dần nhằm làm tăng thêm sắc thái của văn bản. Việc sử dụng các loại dấu câu này để thể hiện các sắc thái biểu cảm đòi hỏi độ tinh tế trong biểu lộ cảm xúc của người viết. Đặt dấu vào đúng vị trí, đúng sắc thái cần người viết chủ động trong nhận thức tình trạng xúc cảm của mình. Như vậy, việc đặt dấu dù là hai dấu cơ bản (phẩy và chấm) hay dấu biểu hiện sắc thái (ba chấm, chấm than, hỏi) đều cần đến sự chủ động của người viết. Hơn ai hết, người viết phải hiểu rằng mình muốn viết gì, điều muốn viết ấy được chia ra thành mấy phần và các phần đó phải được hiển thị theo cách như thế nào để độc giả có thể tiếp cận. Rèn luyện đặt dấu câu đúng vị trí cũng là một cách để rèn luyện tư duy mạch lạc.

Có một quan điểm khá thông thường hiện nay đó là những câu văn mượt mà thường là những câu dài dòng. Trên thực tế, câu càng dài dòng thì sẽ càng rối rắm, càng rối rắm thì càng kém phần mượt mà. Những câu văn quá dài, quá rối rắm sẽ dẫn đến lủng củng, ý tứ của người viết không rõ ràng. Với những người mới bắt đầu viết thì không nên viết những câu phức hợp dài dòng. Những câu đơn hoặc câu ghép có sức mạnh của chúng. Chúng khiến người đọc có thể hiểu ngay thông tin mà bạn muốn đề cập đến trong câu văn là gì. Đương nhiên, trong vài trường hợp ta sẽ dùng những câu phức hợp, câu đảo ngữ, câu ẩn một số thành phần… nhưng lưu ý, cần cân nhắc và tính toán thật kỹ khi viết các loại câu này để tránh lối diễn đạt loằng ngoằng và khả năng sai văn phạm.

Việc viết sao cho đúng ngữ pháp, theo tôi cũng giống như luyện công. Viết đúng ngữ pháp cũng như những động tác hít thở, đứng tấn, đều tạo ra các trụ vững. Một khi đã trụ vững rồi, chúng ta bắt đầu mới tập đến các chiêu thức, tương ứng với từ vựng, cấu trúc đoạn văn, bài văn… Làm chủ tất cả các thao tác ấy, ta có  thể viết tựa “nước chảy mây trôi” mà không cần phải bận tâm đến điều gì. Tôi đã từng luyện viết giống như các cao nhân luyện võ vậy đấy!

Với những ai bị gặp rắc rối trong viết đúng văn phạm cũng đừng quá lo lắng. Đây là một việc rất đơn giản để cải thiện. Cách tốt nhất và nhanh nhất, đó là các bạn tìm đọc các văn bản mang tính chất mẫu mực như tiểu thuyết, truyện ngắn hoặc tản văn Việt Nam thời trước thời kỳ Đổi Mới. Những tác phẩm này đều được viết theo đúng văn phạm tiếng Việt. Sau khi đọc qua để hưởng thụ cái hay cái đẹp, các bạn có thể vừa đọc vừa tự tập phân tích Chủ ngữ – Vị ngữ, các dấu câu, các thông tin mà  tác giả đưa vào cuốn sách. Một khi bạn đã có tư duy mạch lạc khi đọc, bạn sẽ có tư duy mạch lạc khi viết. Đương nhiên, quá trình này phải song song với luyện tập và kiểm tra ngữ pháp của bản thân một cách đều đặn và thường xuyên.

Hà Thủy Nguyên

(Còn nữa)

Home 2016

Vị quế – có ai còn nhớ

Quế là loại gia vị đặc biệt với mùi cay nồng và ngòn ngọt, thứ hương mộc mạc và nồng ấm. Hương quế chiết xuất làm tinh dầu hoặc nước hoa thì thanh tao, mà vị quế được dùng cho thức ăn thì mạnh mẽ. Hiếm có loại gia vị nào lại có thể tạo được những hiệu ứng tương phản nhau như vậy. Không giống như sả hoặc mùi, rất hợp với phụ nữ, quế phù hợp với cả hai giới tính.

Tôi là kẻ nghiện ngập thứ hương quế và vị quế. Cái thời tôi còn chưa biết nấu nướng gì (dù bây giờ vẫn chẳng khá hơn là bao), tôi luôn mang bột quế theo mình, khi vào quán cafe, tôi rắc bột quế vào cafe sữa hoặc sữa tươi, để cái mùi vị mạnh mẽ của quế át đi mùi hăng hăng của thứ đồ uống kém chất lượng mà chủ quán bất chấp đạo đức bán hàng cung cấp cho khách hàng. Đến giờ, khi cái khẩu vị của tôi đã hình thành, tôi vẫn cứ thích vị quế.

Tôi thích cái vị bột quế rắc đầu tiên là khi ăn bánh Tiramisu. Cách làm Tiramisu thông thường không có bột quế. Nhưng hôm đó, một người bạn của tôi tự làm ở nhà, và anh ấy đã rắc bột quế lẫn với bột ca cao lên bánh. Sau đó, vị ngọt của bánh đã qua đi cùng với hơi rượu và phomat mascarpone, nhưng hương vị của quế thì vẫn còn đọng lại, không biết là trong vòm họng hay trong ký ức của tôi. Và từ đó, tôi thích bột quế.

Bột quế  mịn lẫn với bột ca cao rắc lên phần bọt sủi của Capucino hoặc Latte vào một buổi chiều mùa đông sẽ khiến chúng ta có một chút thoảng bâng quơ nhìn ra xa xăm. (Mặc dù ở Tây người ta uống cafe buổi sáng, nhưng với tôi, buổi chiều mới là lúc tôi thức dậy) Vị quế không át cafe, nhưng hương quế len nhè nhẹ trong cổ họng và sống mũi là nở những mao mạch bị lạnh cóng bởi hàn khí mùa đông. Ai có thể nghe thấy tiếng mao mạch đang nở dần ra với hương thơm nồng len lỏi? Tuyệt nhiên, những kẻ vội vã không thể nghe thấy! Lối uống cafe của người Ý, dù pha bằng máy, vẫn không phải lối uống vội vã. Mà thực ra, uống cafe vốn dĩ không phải thứ uống vội vã. Phải từ từ, nhâm nhi, cảm nhận. Sự tỉnh táo không phải đến từ độ đậm đặc của chất kích thích mà đến từ sự cảm nhận tinh tế. Người ta đẻ ra cafe đá không phải để tìm đến sự tỉnh táo trong tĩnh lặng mà cần một cú tát vừa lạnh, vừa đắng, vừa ngọt lừ để lôi họ ra khỏi cảm giác ngái ngủ vì thiếu giấc trong thời đại công nghiệp. Uống cafe cách ấy, chả trách mà đau dạ dày. Capucino thì không nên uống với đá, mà không thể uống với đá, lại càng không nên đựng trong cốc giấy. Capucino nhất thiết phải đựng trong tách gốm hoặc sứ, để làm bật lên màu nâu hoàn hảo phủ lớp bọt trắng như tuyết mùa đông nổi bật lên bột quế lẫn ca cao rắc, lúc thành hình cụ thể, lúc lại như một thiên hà đậm đặc ở giữa và rải rác tinh tú xung quanh. Ít ai biết, tên gọi Capucino xuất phát từ dòng tu Capuchin, vì màu loại cafe này giống màu áo của các thày tu. Nhưng không chỉ đơn giản là màu áo. Những thày tu dòng Capuchin là những người tu hành trong đơn độc và sám hối. Và ngồi bên tách Capuchino, chúng ta cũng nên đơn độc, bởi một lời thốt ra thôi cũng đủ khiến bay đi mất cái cảm giác khoan khoái mất rồi. Các thày tu dòng Capuchin thì đơn độc và sám hối, còn người uống Capucino thì đơn độc và suy nghĩ.

Ở Việt Nam còn có cafe trứng. Trứng đánh bông lên, đổ lên mặt cafe. Loại đồ uống này bắt đầu từ Cafe Gỉảng. Cafe Việt Nam khá đậm vị, không nhẹ như Cafe Ý. Mà trứng đánh bông lên với đường, ở Hà Nội vẫn gọi là kem trứng, thì lại thoang thoảng mùi tanh. Hai thứ đó kết hợp với nhau chẳng ăn nhập gì cả. Người ta bắt chước Capucino, rắc lên ít bột ca cao, không giải quyết vấn đề gì, cafe trứng vẫn cứ rời rạc. Tôi có một gợi ý, hãy rắc quế vào, hoặc đánh bột quế cùng với trứng. Bột quế sẽ át được vị tanh của trứng và có thể khiến kem trứng và cafe ăn nhập với nhau hơn. Nếu với Capucino hay Latte, bột quế làm dậy mùi, thì với cafe trứng Việt Nam, bột quế đóng vai trò như kẻ hàn gắn.

Văn hóa trà Tàu ở Việt Nam không còn kiểu uống trà ấm như trong tập truyện “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân. Giờ đây, người ta uống trà hoa, trà bát bảo. Mà phong trào trà bát bảo cũng thoái trào để thay thế bằng trà sữa chân trâu. Tôi miễn bàn về trà sữa trân châu ở đây, chỉ muốn bàn một chút về trà hoa, trà bát bảo. Bước vào một quán trà Tàu, nhìn vào thực đơn, đủ các loại trà La Hán, trà hoa hồng, trà hoa cúc, trà nhân sâm, trà bát bảo… tôi thật không có hứng thú. Vì trà hoa thì quan trọng ở hương thơm, mà hương thơm trải qua quá trình lưu trữ ở Việt Nam thì chẳng còn mấy. Trà La Hán, trà bát bảo… thì hổ lốn. Nhưng có một loại vẫn có thể gọi: Trà quế chi cam thảo. Trà quế chi cam thảo lấy vị ngọt từ quế và cam thảo chứ không phải đường, và vị cay nồng của các thanh quế được bẻ vụn lẫn với trà, xuyên thấu lên tận não. Buổi tối mùa đông mà uống một tách trà quế chi cam thảo, đọc một cuốn sách có phong vị Á Đông thì thật là tao nhã. Sự tấp nập, vội vã của vòng xoay tiền tài, danh vọng đã khiến người ta quên mất đi cái lối nhẩn nha hưởng thụ, khiến người ta không biết cảm nhận tính thơ ca trong vạn vật. Kẻ cảm nhận được tính thơ ca thì lại không dễ gì chạy đua theo tiền tài, danh vọng, và vì thế lại càng không mấy khi chịu ngồi vào mấy hàng trà Tàu rởm đời nhộn nhạo đám đông, lẫn lộn giữa nhạc trẻ và không gian giả cổ. Thôi cho qua…

Các món ăn của Việt Nam đặc biệt nên có thứ gia vị quế, bởi đa phần món ăn, món nào cũng đậm đà và có mùi đặc trưng. Các nguyên liệu thức ăn của Việt Nam, đặc biệt ở miền Bắc, giống như người Bắc vậy, ai cũng tự khư khư với định kiến riêng của mình. Nếu phối hợp không khéo, thức ăn thức uống sẽ hành hạ từ cái lưỡi đến cái dạ dày của chúng ta, tựa như một cuộc họp của những kẻ khư khư định kiến vậy. Và vị quế là một trong những loại gia vị có đủ khả năng để điều phối, một kẻ điều phối mộc mạc và thẳng tính, một kẻ điều phối độc tài tinh hoa trị.

Thịt bò, sườn lợn, thịt lợn… nướng đều cần có quế. Quế giúp mờ đi mùi tanh của thịt. Riềng mẻ ướp với thịt lợn cũng có thể có tính năng tương tự. Nhưng riềng mẻ sẽ ảnh hưởng đến vị của thịt, không làm nổi bật cái vị ngọt hiếm hoi của thịt lợn (thời này tìm thịt lợn ngon khó lắm). Thịt bò có thể chỉ cần ướp với gừng và tỏi là đỡ tanh. Nhưng hãy tưởng tượng bạn sẽ phải đi gặp người yêu sau khi ăn tỏi? (Đương nhiên, tôi là một kẻ không thích tỏi) Vậy thì tại sao không ướp thịt bò với quế và hoa hồi để nướng, có phải là thơm biết bao nhiêu.  Ăn thịt bò sốt vang, người ta cũng phải cho quế và hoa hồi vào để nấu kia mà. Nhưng bây giờ, ít ai dùng bột quế để tẩm ướp thịt. Đa phần họ dùng túi bột ngũ vị hương, hoặc dầu hào, hoặc sa tế. Thói quen này bắt đầu từ mấy hàng quán bình dân, họ phải dùng những gia vị mặn và nhiều mùi để che giấu chất lượng thịt, sau đó người ăn cũng bắt chước về nhà làm. Dần dần, các loại gia vị này khiến lưỡi bị chai đi, tê liệt vị giác, không còn nếm được thịt ngon và không còn hưởng thụ được hương thơm nữa.

Càng ngày quế càng thiếu vắng trong đời sống. Hồi trước người ta mua những thanh quế về, để trong tủ quần áo để khử mùi, nhưng giờ đã có các loại khử mùi nhân tạo khác. Nếu so quế với băng phiến thì thật là một trời một vực, nhưng người ta vẫn cứ ưa băng phiến hơn. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao. Mà mua một thanh quế đâu phải là đắt.

Quế là loại cây trồng ở xứ nhiệt đới. Ngày xưa Trung Đông  nổi tiếng với cây quế (ngày nay nổi tiếng với IS) Cùng một vĩ độ, Việt Nam cùng với Lào và Campuchia cũng là một vùng trồng quế. Nhưng người Việt Nam ngày nay cũng chẳng mấy ai trồng quế. Chỉ còn vài vùng giáp ranh với Nam Lào và Campuchia như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Ngoài ra còn hai vùng quế nổi tiếng là Yên Bái và Trà Mi ở Quảng Nam. Ở Đông Nam Bộ, từ đất đai đến thời tiết đều thích hợp để trồng quế, nhưng vì lợi nhuận, người ta đã trồng cây cao su và cây cafe. Cũng không trách họ được. Trên thế giới, người ta dùng cao su và cafe nhiều hơn dùng quế. Ngày nay không phải là thời kỳ độc tài tinh hoa trị, mà là thời đại của các phong trào dân chủ. Cho nên, tất cả những gì chỉ để làm đẹp và làm cho sung sướng, mà không ăn no và bổ dưỡng sẽ dần dần bị gạt bỏ và lãng quên. Trong đó có quế, như tôi nói ở trên, đây là loại gia vị theo phong cách độc tài tinh hoa trị.

Một khía cạnh tâm linh thể hiện cho sự độc tài tinh hoa trị của quế, đó là để trừ tà. Hương quế nồng ấm nên tràn đầy dương khí, thanh nhẹ nên lan tỏa khắp không gian. Tinh dầu quế sẽ cứu rỗi không gian sống của chúng ta trong những ngày u ám, âm khí nặng nề. Tiếc là giờ đây chẳng mấy người làm tinh dầu quế. Đàn ông không mấy khi dùng tinh dầu, mà mấy bà mấy cô thì chỉ ưa chuộng tinh dầu sả hoặc mùi, hay những loại tinh dầu hương hoa. Hương quế sẽ khiến căn phòng của bạn sạch những mùi lạ vảng vất, khiến những hạt không khí bẩn, mà người ta gọi là âm khí bị thiêu cháy thành hư không.

Mấy năm nay, Hà Nội nhiều hôm trời u ám đến rợn người. Chúng ta đau đầu, ho khan, hắt xì hơi liên tục… Ma quỷ ngập đường. Không phải vì nhiều oan khí,  mà bởi Việt Nam là mảnh đất tranh chấp của nhiều thế lực tâm linh. Đấy, ai bảo Việt Nam có hình chữ S, giống hình cái xoáy âm dương. Người không tin chuyện ma quỷ thì có thể đổ cho biến đổi khí hậu. Người tin thì sẽ nhận ra những điều tôi nói là không sai. Nhưng dù là biến đổi khí hậu hay ma quỷ, thì chúng ta vẫn cứ mệt mỏi và uể oải. Tôi dùng quế cho những ngày này, vào bất cứ trường hợp nào có thể.

Hà Thủy Nguyên

Home 2016

Con đường Viết của tôi (1): Viết cho mình hay viết cho người

Đọc thêm về chùm bại “Con đường Viết của tôi” tại đây: https://hathuynguyen.com/tag/con-duong-viet-cua-toi/

Tôi bắt đầu viết những bài thơ đầu tiên hồi lớp 3. Hồi đó tôi thường hay đi loanh quanh tìm lá cây, đem về ép, rồi viết những câu thơ vịnh loài cây ấy. Lên lớp 6, tôi bắt đầu viết tiểu thuyết đầu tiên, đó là một truyện khoa học viễn tưởng. Lúc đó, tôi nhìn lại những bài thơ viết hồi lớp 3, thấy ấu trĩ quá, nên vứt luôn tập thơ ép hoa lá kỳ công suốt 3 năm liền ấy đi. Một khi đã nhận thấy sự ấu trĩ của mình, nhìn lại vào cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đang viết dở, cũng thấy sao mà dở tệ, vì thế, tôi đã xé nó đi (Hồi đó còn đang viết tay). Nguyên nhân khiến tôi cảm thấy những bài viết của tôi ấu trĩ hay dở tệ là bởi cái tôi khi viết và cái tôi của các chuẩn mực, nhận định hoàn toàn chênh lệch nhau. Đoạn này, tôi sẽ trình bày kỹ ở các phần sau. Sau đó, tôi lại muốn viết một cuốn tiểu thuyết dã sử, vừa có màu sắc thần tiên, vừa có màu sắc kiếm hiệp.  Và thế là tôi đã dành 2 năm (Nửa cuối năm lớp 6 đến nửa đầu năm lớp 8) để tìm tài liệu lịch sử, văn hóa cho nó, và xây dựng một đề cương chi tiết về những biến cố sẽ diễn ra trong một bộ tiểu thuyết gần 1000 trang. Tôi viết nó liên tiếp trong hơn 2 năm. Nhiều lần bị gián đoạn, nhiều chương phải viết đi viết lại. Đó là những ngày mà sáng và chiều vẫn phải ở trên lớp học (tôi học lớp chọn ở một trường rất danh tiếng, nên áp lực rất lớn), tối đi học thêm và làm bài tập về nhà, tôi chỉ có khoảng từ 11h đêm đến 4h sáng để viết tiểu thuyết. Và sáng hôm sau, 6 rưỡi đã phải dậy để đi học. Tôi đã bắt đầu con đường văn chương của mình như thế đấy. Khởi đầu cho việc viết chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là viết chuyên nghiệp. Nó đòi hỏi sự thử nghiệm, chấp nhận thất bại, khả năng tự đánh giá bản thân, sự tìm tòi nghiên cứu (có thể trong sách vở hoặc cuộc sống), và đặc biệt, kỷ luật cá nhân.

Cuốn tiểu thuyết đầu tay ấy, tôi đặt tên là “Điệu nhạc trần gian”(Xuất bản 2004, NXB Phụ Nữ) với ẩn ý rằng mọi vẻ đẹp của cõi trần và hiện hữu với đủ sắc thái hỷ lạc sầu bi đều hơn những tham vọng cao xa như tột đỉnh quyền lực hay thần tiên thoát tục. Khi đem sách tới các Nhà xuất bản, các Nhà xuất bản không dám nhận in vì cho rằng tôi ăn cắp bản thảo ở đâu đó và cương quyết rằng với độ tuổi của tôi, tôi không thể viết được một cuốn sách như vậy, với những tư tưởng như vậy. Tôi đã từng đưa cuốn sách này đến gặp nhà thơ Trần Đăng Khoa, ông Khoa lúc đó còn khuyên tôi là viết cho người Việt Nam thì chỉ cần viết về “củ sắn củ khoai” là được rồi. Lúc ấy, tôi chỉ biết cười khẩy một cái rồi quay đi. May sao, cuốn sách đến tay nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên. Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy cảm thấy thích thú với cuốn sách nên đã cùng vài người bạn khác giúp tôi xuất bản sách. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thì dành cho tôi những lời khen ngợi cuốn sách như sau: “Bố cục lớp lang liền mạch, nhân vật rõ ràng, tả người có dáng, tả cảnh có hình, tả tình có điệu… Chuyện là chuyện tiên ma nhưng đời là đời thực, tình là tình thực, và điều này đọc tác phẩm người đọc có thể thấy thuyết phục.” Khi được xuất bản, nhiều nhà báo đã viết về tôi, nhiều bạn đọc gửi thư cảm ơn và tỏ lòng mến phục. Tôi cho rằng, tôi đã thành công ở độ tuổi ấy. Và cuốn “Điệu nhạc trần gian” đến nay, khi nhìn lại, dù rất nhiều lỗi tư duy và dùng từ, nhiều non nớt trong xây dựng nhân vật, nhưng tôi vẫn thấy kết quả ấy là xứng đáng với những gì tôi đã bỏ ra lúc ấy. Có thể, thời gian sắp tới, tôi sẽ sửa chữa lại để cuốn sách hoàn thiện hơn, phù hợp với tôi hiện nay – vốn đã tự định hình rõ rệt.

Tôi kể lể rất dài để muốn nói với các bạn rằng viết lách thật sự rất khó khăn, rất nhiều những vấn đề phải đối mặt, mà không phải chỉ có ý tưởng, chỉ có kỹ năng là các bạn đã có thể viết được. Cho dù bạn viết một bài thơ bốn câu, một bài tản văn, một bài báo xã luận bình thường, một bài tâm tình trên blog, hay truyện ngắn, tiểu thuyết… bạn cũng phải đối mặt với rất nhiều thứ phức tạp đến từ bên trong bạn.

Trong loạt này, tôi sẽ đề cập đến những khó khăn, những ảo tưởng mà chúng ta phải đối mặt với việc viết. Có thể những điều này sẽ không cần thiết với những ai muốn nhanh chóng viết được một bài quảng cáo hoặc tuyên truyền, nhưng tôi hi vọng rằng những kinh nghiệm của tôi sẽ có ích cho những người muốn viết một cách nghiêm túc (dù có đeo đuổi con đường chuyên nghiệp hay không).

Viết cho mình hay viết cho người khác

Đây là câu hỏi khiến tôi dằn vặt suy nghĩ mất nhiều năm. Trong nhiều năm đó, tôi chẳng viết gì nên hồn. Một phần là do những gì tôi tự viết cho mình không bị tịch thu sau khi xuất bản thì cũng cả một dàn nhà báo lên tiếng phẫn nộ. Điều này cũng khiến tôi phải suy nghĩ về cách viết của mình. Tôi cứ liên tục đặt các chuỗi câu hỏi: Nếu mình viết cho mình thì mình cần gì phải viết, cứ để gió cuốn trôi thôi. Nếu mình viết vì người khác thì phải cố làm thế nào cho đại chúng có thể chấp nhận mình, mà tiêu chuẩn của mình và đại chúng lại khác xa nhau một trời một vực. Và thế là tôi chán, không viết nữa. Tôi sẵn sàng bán khả năng viết của mình cho các dự án truyền thông, phim truyền hình ngớ ngẩn để lấy mấy trăm triệu đi chơi bời trác tang, coi như cũng xong một đời.

Tôi chỉ thực sự thoát ra vũng lầy của các chuỗi câu hỏi ấy khi tôi viết tiểu thuyết “Thiên Mã” (Xuất bản 2010, NXB Kim Đồng). Đây là một cuốn truyện khoa học viễn tưởng, có một chút màu sắc tâm linh. Trải nghiệm khi viết cuốn sách này rất thú vị. Tôi phát hiện ra là những điều tôi biết trước đây, thông qua việc viết kết nối lại với nhau một cách tự động, thậm chí phạm vi nhận thức của tôi còn được mở rộng. Lúc này, tôi mới hiểu sâu sắc ý nghĩa của việc viết cho mình.

Viết cho mình không phải đơn giản là nỗi lòng của mình có gì thì phơi bày ra hết, “Mình” là một cái gì đó rất rộng lớn mà chính bản thân chúng ta cũng không hiểu hết. Bạn chỉ nhận thức được bề mặt của cái “mình” ấy thôi, giống như việc bạn có thể nhìn thấy được màu da, bàn tay, bàn chân, khuôn mặt…v…v…, nhưng không dễ gì để nhận biết các chuyển động của xương khớp, sâu xa hơn là các hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ sinh dục… và càng bất khả thi để cảm nhận các nội tiết tố của chúng ta vận hành thế nào. Đó chỉ là cái bất khả tri trong cơ thể vật lý, hãy tưởng tượng thế giới tâm trí của chúng ta sẽ khó khăn để hiểu như thế nào. Bởi vậy. Viết không phải chỉ để bộc lộ, mà là quá trình sắp xếp tư duy bản thân, thậm chí đột phá vào các ngóc ngách bên trong của mình mà thông thường chúng ta sẽ không có nhiều dịp để chạm tới. Do đó, viết cho mình là một quá trình nhận biết bản thân một cách sâu sắc và tập trung. Hamvas Béla, triết gia Hungary yêu thích của tôi còn cho rằng Viết là một hoạt động Yoga tinh thần.

Nhưng viết cho mình không có nghĩa rằng chúng ta được quyền bừa bãi với câu chữ. Không viết đúng chính tả, không viết đúng ngữ pháp, dùng từ ngờ nghệch, câu cú không chuẩn, cấu trúc bài lộn xộn… không phải là sống đúng với bản chất mà là do sự khiếm khuyết trong khả năng tư duy và vốn kiến thức của chúng ta gây ra. Nếu bạn coi việc viết là để hoàn thiện mình thì bạn cần thiết phải gia tăng khả năng tư duy và vốn kiến thức. Bạn muốn “mình” sẽ ngày càng trở nên tốt đẹp hơn hay “mình” sẽ mãi mãi là kẻ què quặt ốm yếu? Nếu bạn có thể mất không ít tiền để bồi bổ, tập luyện để có một cơ thể khỏe đẹp, tại sao bạn không sẵn sàng bỏ chút thời gian, công sức để chăm lo cho cái tâm trí đang lộn xộn của mình? Những nhà văn, nhà thơ, triết gia viết cho bản thân họ mà vẫn thuyết phục được người khác chính là bởi vì họ luôn tôi rèn tâm trí của họ thành một tuyệt tác (chứ không phải chỉ tác phẩm).

Và nếu bạn xác định rằng việc viết không phải chỉ để phơi bày bản thân mà còn để hiểu hơn về bản thân thì bạn sẽ không ngại khi phải viết để phục vụ người khác. Bạn có thể coi các nhiệm vụ viết để phục vụ người khác như một cách thức để giúp chúng ta mở rộng phạm vi bản thân: Có thể là hiểu thêm một lĩnh vực mới, có thêm kiến thức mới, học thêm được một kỹ năng viết mới… Trừ những thứ viết có thể gây hại cho tính mạng con người hay tẩy não độc giả, còn thì mình đều có thể thử học để biết. Thậm chí, không chỉ viết cho người khác, ngay cả việc dịch cũng sẽ giúp bạn hoàn thiện khả năng viết của mình. Nếu bạn e sợ rằng việc viết cho người khác sẽ ảnh hưởng đến việc viết của bản thân bạn thì chứng tỏ rằng bạn cũng chưa hiểu bản thân mình đủ nhiều, chưa xác định được rằng bản thân mình là cái gì.

Vậy nên, viết cho mình hay viết cho người không quá quan trọng trong quá trình bạn viết. Có những lúc bạn tưởng viết cho mình, nhưng cái “mình” ấy có thật là “mình” hay không thì chưa chắc. Có lúc bạn viết cho người khác nhưng bạn đồng nhất được những thứ mình tâm đắc với những yêu cầu của bài viết, bạn lại được biểu hiện bản thân mình. Trên thực tế, cái gọi là “mình” được bồi đắp nên bởi người khác, và người khác cũng chỉ là phóng chiếu của “mình” mà thôi. Chỉ có hành động viết và tâm thế sáng rõ của mình khi viết là thứ có thể khiến chúng ta đi sâu bản thân và biểu hiện ra những gì tưởng như mình chưa từng nghĩ đến. Nếu bạn khư khư mình chỉ viết những thứ thuộc về mình, tức là bạn đang tự lập trình chính bạn, tự bạn biến mình thành robot của rất nhiều người khác đã cài vào bạn. Nếu bạn chỉ biết chạy theo các yêu cầu của người này người khác mà quên đi cảm giác học hỏi, quên đi những tiêu chuẩn của bản thân, quên đi các điều tâm đắc của mình thì bạn cũng sẽ trở thành loài zombie chạy theo tiếng ồn của đám đông dư luận.

Tôi thích câu này của Lưu Hiệp trong “Văn tâm điêu long”: “Văn chương là tấc lòng gửi lại ngàn năm”. Nhưng điều quan trọng đó là chúng ta phải xem xét xem “tấc lòng” chúng ta có gì để viết, hệ trọng hơn đối với các cây viết trẻ thì cần phải xem xét xem chúng ta có “tấc lòng” hay không đã.

Hà Thủy Nguyên

(Còn nữa)

 

 

Home 2016

Mặt trăng – Thợ săn – Những ký ức trong rừng thẳm

“Ta từng buổi bơ vơ tìm bộ lạc”

(“Người gái thiên nhiên” – Đinh Hùng)

1.

Sâu hun hút giữa đêm trăng, cái mênh mông của ký ức hoang dã trỗi dậy, như một kẻ tâm thần muốn ăn thịt cả nhân loại, nhưng vì không thể, nên chỉ có thể ăn thịt chính mình. Mọi thành phố đều chật hẹp, mọi thành phố đều được cấu trúc bởi những bức tường và những cái lỗ con con chúng ta vẫn gọi là cửa sổ. Chấn song rỉ sét trở nên đẫm máu dưới ánh trăng. Những chấn song cứa vào da thịt tứa máu… còn ta… ta cứ với mãi… với mãi… với lên mặt trăng xa tít tắp…

Chúng ta là tù nhân của thực tại này, bị giam giữ sau những chấn song, những bộ quần áo và thứ đạo đức rởm rít hàng đời được xếp chồng lên nhau (nếu có khác thì cũng chỉ là hình thức). Có lẽ chúng ta đã có thể chấp nhận thực tại  nếu cơ thể của chúng ta không có máu. Mặt trăng với từ trường của nó đã hút tất cả phân tử kim loại trong máu người về phía nó, nhưng lực hút của thực tại này đã ngăn trở. Ẩn dấu đâu đó trong chúng ta là một ngọn núi lửa. Dưới biển sâu luôn có những ngọn núi lửa, mỗi khi xảy ra địa chấn, núi lửa phun trào và gây ra sóng thần. Những ngày trăng tròn, núi lửa bên trong cõi vô thẳm của tinh thần lại phun trào, và chúng ta phát điên. Giống như trong truyền thuyết Digan, một người có thể hóa sói vào đêm trăng tròn. Con sói không ăn thịt người, nó chỉ muốn thỏa mãn cơn khát máu. Khi không thể chạm tới mặt trăng, mùi máu và màu đỏ khiến nó cảm giác rằng mình đang thoát khỏi những chấn song. Không thể làm đau chính mình, nó chẳng còn con đường nào khác ngoài giết chóc … và giết chóc hơn nữa.

Trái ngược với nữ thần Selene, nữ thần cai quản Mặt Trăng hiền hòa, một nữ thần khác hiếu chiến và khát máu hơn: Artemis. Nàng là em song sinh của Apollo – vị thần ánh sáng đội vòng nguyệt quế vinh quang. Người Hy Lạp ví Apollo đại diện cho Mặt Trời, còn Artemis, đại diện cho Mặt Trăng. Nàng Seleme cô độc trên cung trăng, chấp nhận định mệnh của mình trong bản thiết kế của vũ trụ. Còn Artemis, nàng rời bỏ định mệnh của mình để lẩn vào giữa loài người. Không chỉ đại diện cho Mặt Trăng, nàng là Nữ Thần Săn Bắn. Thợ Săn có một mối liên hệ không thể lý giải với Mặt Trăng. Ta có thể thấy điều này trong thần thoại Trung Hoa. Hằng Nga, vị nữ thần cai quản Mặt Trăng, là vợ của Hậu Nghệ, chàng Thợ Săn bách phát bách trúng có thể bắn rơi cả chín mặt trời.

Với mục tiêu săn bắn và giết chóc của mình, Thợ Săn không chỉ cần trăng chỉ lối trong rừng thẳm, họ cần ánh trăng khiến cho sóng thần dậy mùi tanh bên trong cõi sâu thẳm của tinh thần. Một khi sóng thần dậy máu, mũi trở nên thính hơn, mắt nhìn được trong đêm đen, tai nghe thấy những tiếng động nhỏ nhất và hơi thở của kẻ thù thậm chí có thể lọt qua lỗ chân lông.  Thợ Săn cho rằng mình được phù trợ bởi Nữ Thần Săn Bắn Artemis, và ở Trung Hoa, Thợ Săn đã đặt định mệnh của mình vào tay Mặt Trăng – Hằng Nga. Một điều khó hiểu ở cả Hy Lạp và Trung Hoa, nữ thần Mặt Trăng đều ở trong cả cô độc, để mặc những cơn khát máu hằng đêm dày vò đám Thợ Săn ngớ ngẩn và hiếu chiến. Chúng giết chóc nhau, chúng thiêu trụi cả khu rừng, chúng lang thang trên hoang mạc, chúng nhảy xuống giếng… để có thể chạm tới ánh trăng.

10502063_535955339842556_1152737338561957707_n
Hình ảnh Nữ Thần Săn Bắn Artemis trong Thần thoại Hy Lạp được vẽ trên các bình cổ.

2.

Ở thuở nguyên sơ, khi nền văn minh chưa hình thành, thời loài người vẫn là một phần của thiên nhiên, săn bắn và hái lượm là hai số phận duy nhất của con người. Mạnh mẽ, hiếu chiến, tinh khôn, và dũng cảm: Thợ Săn. Yếu đuối, hiền hòa, cẩn thận, và hèn nhát: Hái Lượm. Với những dấu vết trong thần thoại về các chiến binh Amazon và khả năng săn mồi của sư tử cái, khó có thể khẳng định chắc chắn rằng chỉ có đàn ông thời thượng cổ mới biết săn bắn. Những Thợ Săn, ngày ngày vào rừng săn thú để cung cấp thịt cho cộng đồng. Có những mùa săn thú lớn, các đoàn thợ săn đi sâu vào rừng thẳm, tới những khu vực nguy hiểm nhất, đối mặt với ma quỷ. Các cuộc đi săn này thường không chỉ để cung cấp thịt cho cộng đồng, mà để thỏa mãn nỗi khát thèm máu mà loài thú ăn cỏ không thể tạo ra hưng phấn.

Những người Hái Lượm nhận ra rằng họ không thể phụ thuộc vào đám Thợ Săn đầy thú tính, đêm nào cũng tiếc nhớ một thứ ánh trăng hư ảo. Họ không thể hiểu nổi tại sao lại có những kẻ ngu xuẩn lao mình vào màn đêm và quỷ dữ, và giết chóc, và tắm máu của chính con mồi cũng như đồng đội… Họ không  muốn sống trong hang động, không muốn số phận của mình bị thiên nhiên dẫn lối. Nông nghiệp ra đời. Họ tìm mọi cách để rời xa cánh rừng, càng xa càng tốt, men theo những con sông, rồi sau này ra tới biển. Nhiều Thợ Săn đã từ bỏ đời săn bắn của mình để trở thành Nông Dân, một sự tiến hóa của Hái Lượm. Với người Hái Lượm, nông nghiệp là một sự tiến hóa, nhưng với Thợ Săn, đó là sự tụt lùi. Đời sống nông nghiệp khiến họ phải từ bỏ thú tính của mình, đồng nghĩa với nó là từ bỏ khả năng thính nhạy (mà ngôn ngữ hiện nay vẫn gọi là trực giác), từ bỏ sự dũng cảm và niềm vui thích khám phá chạy đuổi theo sự mơ tưởng của ánh trăng.

Chỉ một số ít Thợ Săn không từ bỏ số phận của mình, họ trở thành những kẻ đam mê trong đơn độc. Tách xa khỏi cộng đồng, một phần bị ánh trăng mê hoặc, một phần bị chính cộng đồng bỏ rơi. Thợ Săn sống trong túp lều ven rừng hoặc say khướt trong các quán rượu. Hắn chông chênh ở giữa sự an toàn và mạo hiểm, giữa ổn định và bất định, giữa sự bám víu và từ bỏ, giữa thực tế và những điều huyền bí. Từ vị trí thủ lĩnh của cộng đồng, hắn rơi tụt xuống đáy trong một xã hội nông nghiệp. Gần như vô gia cư, những con thú hắn săn về không thể cho nhiều thịt bằng loài gia súc, và nghèo rớt mồng tơi. Sự cô độc và nghèo đói đẩy hắn gần với ánh trăng hơn, hắn chỉ có hai lựa chọn: hoặc giết chóc nhiều hơn, hoặc tìm mọi cách để đạt được mặt trăng.

Xã hội nông nghiệp cứ thế phát triển lên thành nền văn minh, những ngôi làng trở thành thành thị, rồi thì bỗng nhiên xuất hiện những kẻ giết người hàng loạt. Kẻ giết người hàng loạt là một biểu hiện của Thợ Săn trong xã hội văn minh. Hắn giết người không vì gì cả, chỉ thỏa mãn thú tính. Nếu trong các cuộc Thánh chiến, hay những cuộc chiến vì lá cờ tổ quốc, Thợ Săn tiếp tục được giết người trong danh dự và lý tưởng, thì một khi lý tưởng sụp đổ, chỉ còn mình đối mặt với trăng, hắn lại tiếp tục giết chóc một cách không nguyên cớ. Joker trong bộ truyện tranh “Batman” là một kẻ như vậy. Hắn không thể chịu nổi cái hệ thống nhàm chán của những kẻ hèn nhát tạo nên, hắn phải giết, phải giết… Hắn là kẻ nằm bên ngoài hệ thống, là một quân bài không thể chơi trong bất cứ ván bài nào. Hắn là Thợ Săn. Heath Ledger, nam diễn viên đóng vai Joker trong bộ phim “The dark knight” của đạo diễn Christopher Nolan, đã không thể thoát khỏi ám ảnh này. Heath Ledger không thể thoát khỏi Joker, tâm trí Joker đồng nhất với tâm trí của anh. Anh tìm đến thuốc ngủ để giết chết Joker vào mỗi đêm, nhưng không thể, người chết là anh. Heath Ledger đã nhầm, anh không chạy trốn Joker, anh chạy trốn bản năng Thợ Săn trong mình, chạy trốn những gì mà đời sống văn minh cho là tội ác, là quỷ dữ. Joker đang cười điên loạn trong đêm trăng, cười vào cái chết của Heath Ledger: “Why’s so serious?!”“Chúng mày sẽ thôi không kiểm tra xem có con quỷ nào dưới gầm giường khi nhận ra rằng chúng nó ở chính bên trong bọn mày”

Đời sống thành thị chỉ là một phiên bản cao hơn của xã hội nông nghiệp. Nông dân và các công dân của nền văn minh không khác nhau về bản chất. Công nhân, lái buôn, bác sĩ, kĩ sư, chính khách… chỉ là các phiên bản của nông dân, những ngôi nhà san sát đều nhau được quy hoạch hợp lý chỉ như những ruộng lúa đều tăm tắp. Họ tìm mọi cách để cải tạo thiên nhiên, thuần hóa các tạo vật của thiên nhiên, buộc phải phục tùng con người, biến chúng thành một cái gì đó khác với bản chất của chúng. Triệt bỏ sự hoang dại của một trật tự tự nhiên để thiết lập chúng vào một khuôn khổ để có thể đóng hộp mọi tồn tại, chúng ta gọi đó là sự tiến bộ. Người nông dân hay các công dân thành thị tạo thành một guồng máy, trong đó, họ phải sản xuất nhiều nữa, nhiều nữa, họ phải mở rộng không ngừng, họ phải mang ánh sáng đến mọi ngõ tối, họ phải thiêu trụi những cánh rừng và đẻ ra đủ loại: tôn giáo, chính trị, giáo dục, đạo đức … chỉ để làm dịu đi ám ảnh của ánh trăng, dập tắt mọi đam mê cuồng vọng ở những tay Thợ Săn đã đầu hàng số phận mà chối bỏ định mệnh của mình… Nếu ở thời nông nghiệp, họ là những con cừu, thì ở thời công nghiệp, họ là những cục pin, như Morpheus nói. Matrix được hình thành kể từ khi con người lựa chọn làm Nông Dân, và Zion là thế giới của những Thợ Săn đã nhận ra số phận.

Trong suốt tiến trình của nhân loại, Thợ Săn đời nào chịu khuất phục. Những cuộc đi săn từ thuở hồng hoang dậy cho Thợ Săn một kỹ năng mà có lẽ đã được cài trong bộ gen: khả năng giả trang. Không thể tiếp cận các con thú nếu không giả mùi của chúng. Khoác trên mình bộ lông, bôi máu của con thú khắp người, họ vẫn là Thợ Săn nhưng con mồi lại tưởng họ là đồng loại. Tình trạng bị gạt ra khỏi đời sống nhân loại không nên tiếp diễn, mặt trăng không cho phép như thế, Artemis không thể chấp nhận, Hằng Nga cũng chẳng đành lòng. Thợ Săn đầu thai vào chốn thành thị, nhưng không từ bỏ ký ức xa xưa với đêm trăng đẫm máu trong rừng. Nếu trở thành kẻ giết người hàng loạt, Thợ Săn có thể sẽ tuyệt chủng. Bởi thế, Thợ Săn ẩn mình trong Những Kẻ Tìm Kiếm.

"Những kẻ đi săn cũng là những kẻ bị săn Vì nhiều mũi tên rời cánh cung ta chỉ để tìm chính ngực của ta mà thôi"- "Ngôn sứ" (Khalil Gibran)
“Những kẻ đi săn cũng là những kẻ bị săn
Vì nhiều mũi tên rời cánh cung ta chỉ để tìm chính ngực của ta mà thôi”- “Ngôn sứ” (Khalil Gibran)

3.

Con người ưa thích tìm kiếm và thường chẳng bao giờ biết mình muốn tìm kiếm điều gì. Chúng ta không biết rằng tìm kiếm là một thói quen từ thời săn bắn. Không còn những cánh rừng, chúng ta chỉ có thể lần mò trong vô định. Nông dân, hay các công dân thành thị, họ không tìm kiếm. Họ hài lòng với những gì họ có, một mảnh ruộng, một ngôi nhà, sự an toàn, no đủ và hạnh phúc. Thợ Săn tìm kiếm điều khác, họ với tay tới mặt trăng. Tiêu chí của họ không phải an toàn mà là nguy hiểm, không phải no đủ mà là cơn khát máu, không phải hạnh phúc mà là sự thỏa mãn. Thợ Săn không bao giờ hài lòng ở thế giới của Nông Dân, thế nên họ phải tìm kiếm.

Bất cứ thứ gì có thể mượn làm mục tiêu thay thế cho mặt trăng, họ đều vội vàng bám lấy. Khoác áo con buôn, săn tiền. Khoác áo chiến binh, săn kẻ địch. Khoác áo chính trị, săn địa vị tột đỉnh. Khoác áo học giả, săn tri thức. Khoác áo thày tu, săn Thượng Đế. Nhưng đám Thợ Săn giỏi giả mạo này thèm muốn trong sâu thẳm điều khác, họ muốn trút bỏ bộ da thú, trần truồng nhảy xuống dòng suối lóng lánh ánh trăng. Dòng nước trong lành chốn đầu nguồn sẽ gột rửa mùi máu tanh của con mồi. Sự giả mạo này là ô uế, là bẩn thỉu, mọi cái áo đều bẩn thỉu, đều  không thuộc về bản chất. Trần truồng để là một phần hoang dã của thiên nhiên. Dưới ánh trăng, bên bờ suối, đá lạnh toát sống lưng, Thợ Săn nam và Thợ Săn nữ làm tình trong cơn điên loạn. Thợ Săn không thể thỏa mãn với Nông Dân, chỉ Thợ Săn mới thỏa mãn cho nhau. Ví như chỉ có Titan mới thỏa mãn được Siren và ngược lại, Titan không thể làm tình với một kẻ tầm thường trong đám đông, còn Siren sẽ nghiến nát sự tầm thường thành tro bụi.

Hóa ra thú tính không phải là tội lỗi, đóng giả mới là tội lỗi. Vì đóng giả tạo ra sự nhơ bẩn. Không còn sự thuần nhất mà là sự pha tạp không tương thích. Mọi sự pha tạp không tương thích đều là cứt cả. Một khi đã là cứt, chỉ còn một lựa chọn: tan hòa vào đất, để mùi hôi thối bay đi, trở thành không là gì cả. Vì đã không thể mãi mãi là SỐ MỘT, nên không còn con đường nào khác ngoài SỐ KHÔNG. Cho đến giờ, vẫn chưa ai tìm được bản chất của SỐ KHÔNG, chỉ biết là mỗi khi nó xuất hiện đằng sau một chữ số nào đó, nó lại làm tăng cấp độ của chữ số ấy. Thế nên, SỐ KHÔNG, vừa không là gì cả, vừa là tất cả. Con đường đi đến SỐ KHÔNG, hoặc trở thành đám đông, thành con cừu, cục pin, hoặc đạt tới vô hạn. Và thế là một số Thợ Săn tưởng mình có sự tỉnh táo hơn tất thảy, quyết định đi tìm sự vô hạn.

Sự vô hạn được tượng trưng bằng Thượng Đế, bằng Chân Lý, bằng Sự Thật. Thật là tuyệt vọng! Một bậc tu hành dành cả đời để nhận biết Thượng Đế và cái nhận được chỉ là ảo ảnh của Thượng Đế phóng chiếu trong tâm trí mình. Một nhà khoa học say sưa đi tìm bản chất thực tại, đi tìm nguyên lý duy nhất chi phối vũ trụ, để rồi nhận ra rằng không có gì là tuyệt đối, không hoàn toàn đúng, chẳng hoàn toàn sai, chẳng có gì là Sự Thật tuyệt đối, là Chân Lý vĩnh hằng. Một nhà thơ đã phải thốt lên: “Không có sự thật, chỉ có những góc nhìn của sự thật” (Allen Ginsberg). Tìm kiếm sự vô hạn là trạng thái gần với cuộc chinh phục trong rừng rậm thời xa xưa nhất. Nơi ấy, Thợ Săn được là chính mình, tha hồ điên rồ, tha hồ chiến đấu, được ở cùng những kẻ giống mình, được trốn thoát khỏi cộng đồng nhàm chán và vặt vãnh của đám người Hái Lượm, được đi vào sự bí ẩn không lời giải, và quan trọng hơn, được một mình với ánh trăng.

Trong số Những Kẻ Tìm Kiếm, chỉ nghệ sĩ dám trực tiếp đối mặt với bản thân. Đương nhiên đó phải là nghệ sĩ đích thực, không phải trò uốn éo bóng lộn để “bán nỗi buồn cho những kẻ thừa vui” (Nguyễn Thế Hoàng Linh). Nghệ sĩ đích thực chắc chắn phải là Thợ Săn, không thể khác được. Nghệ sĩ có một sự thân mật khó hiểu với trăng, và vì thế, họ hoàn toàn cô độc trong thế giới này. Nghệ sĩ không có đời sống của Nông Dân, nếu nghệ sĩ xuất thân từ Nông Dân, ta gọi họ là thợ thủ công. Nghệ sĩ đích thực đi tìm bản thân sự vô hạn, không tô vẽ chúng bằng Thượng Đế hay Chân Lý hay Sự Thật. Ngày qua ngày, họ bóc trần từng lớp vỏ của mình, họ đói khát cảm giác nguyên thủy. Không thể giết con mồi, lại không thể giết người, họ đành giết chính mình. Ban đầu là bộ quần áo, rồi đến lớp da, đến xương thịt, và ngay cả linh hồn họ cũng không ngần ngại bóp chết. Chỉ trở thành hư vô, họ mới có thể là vô hạn, nếu không chỉ là bụi, và bụi thì chính là đám đông cặn bã.

Không thể nhìn đồng bọn của mình tan vào cát bụi, Thợ Săn, bằng ngôn từ, bằng màu sắc, bằng âm nhạc, bằng hình ảnh, bằng hình khối, bằng cả cuộc đời mình kêu gọi sự thức tỉnh. Họ hô hào, họ kích động, thậm chí sỉ nhục:

“Ôi ngơ ngác một lũ người vong bản

Mất tinh thần từ những thuở xa xôi

Ta về đây lạ hết các ngươi rồi

Lạ tình cảm, lạ đời chung, cách sống”

(“Bài ca man rợ” – Đinh Hùng)

Gỉa làm con mồi quá lâu đến nỗi bắt đầu tưởng mình là con mồi. Thợ Săn sau nhiều nghìn năm sinh tồn, đã quên mất bản tính của mình, đồng nhất mình với bộ lông và mùi máu tanh. Có lẽ vì những con suối cũng đã nhiễm bẩn, không còn đủ sức để tẩy rửa đi lớp vỏ ngoài ô uế. Nhiều Thợ Săn hiện đại đã đạt tới cái đích mà những Thợ Săn cổ xưa không làm được, họ đặt chân lên Mặt Trăng. Nhưng trên ấy không có gì cả, nơi đó không có Artemis hay Hằng Nga, họ chỉ thấy mảnh đất cằn cỗi và lồi lõm. Họ bắt đầu nghĩ tới khai thác nguyên liệu và nhiên liệu trên Mặt Trăng. Bản tính là Thợ Săn, nhưng lối suy nghĩ Nông Dân đã ăn quá sâu. Họ chỉ là tên Cuội vì ham mê thuốc trường sinh mà bám theo gốc cây bay lên tận đây. Họ vô cảm hoàn toàn với Mặt Trăng, và khi đạt được lớp vật chất của nó, họ tưởng rằng đã thống lĩnh được nó. Thuốc trường sinh, chẳng khác nào như nguồn năng lượng lâu dài mà các thế lực ở trên thế giới đều muốn chiếm lấy, nhằm duy trì đời sống văn minh của thế giới vốn chỉ được cấu tạo bởi các bức tường.

Cho dù xác nhận nhiều lần rằng Mặt Trăng không có gì cả, nhưng mặt trăng vẫn chi phối chúng ta, giật dây chúng ta bước vào cơn tâm thần. Các nhà khoa học chỉ có thể xác nhận chúng ta bị giật dây bởi Mặt Trăng, còn giật dây như thế nào và để làm gì thì đến giờ vẫn chưa ai có thể giải mã. Các Thợ Săn đã thôi không đi tìm mặt trăng hay sự vô hạn, họ nhận ra rằng sự vô hạn nằm ngay trong chính mình, mặt trăng cũng nằm ngay trong chính mình. Đây là điều các nhà hiền triết Thợ Săn đều cố nói với chúng ta: “Khi bạn đi tìm Thượng Đế, bạn thấy chính mình. Khi bạn tìm chính mình, bạn lại thấy Thượng Đế” (Rumi) Mặt trăng chính là ngọn núi lửa bên dưới đáy hư vô vẫn thỉnh thoảng tạo ra cơn sóng thần đỏ máu. Còn mặt trăng trên trời kia chỉ là dấu hiệu để báo với mặt trăng của cõi tinh thần. Ai có thể tìm thấy mặt trăng bên trong mình, đều chấp thuận định mệnh, trở thành một phần trong bản thiết kế của vũ trụ. Chỉ lúc ấy, Thợ Săn mới thôi kiếm tìm, vứt bỏ cả cung kiếm, vứt bỏ những cái bẫy, vứt bỏ vai trò nguyên thủy của mình, vứt bỏ chính mình. Lúc ấy không còn cơn khát máu, không còn sự khắc kỷ của Artemis cố giữ mãi sự trinh bạch thuần nhất của đám Thợ Săn ngạo mạn và thú tính. Thợ Săn đã đi một chặng đường dài để tìm thấy mặt trăng đích thực: Săn Bắn – Say Máu – Chinh Phục – Tìm Kiếm Vô Cùng – SỐ KHÔNG. Nhưng Thợ Săn không thể đi tắt, bản tính hăng máu không cho phép họ nhận ra nếu chưa thể tuyệt vọng trước mọi tham vọng của bản thân.

Nông Dân không thể trải qua chặng đường này, chính xác thì họ không thể trở thành SỐ KHÔNG. Họ giữ mãi sự an toàn, chuyển từ ruộng đồng vào thành thị, họ có nhu cầu lao động không ngừng, phải sản xuất nhiều hơn nữa, tài sản phải lớn hơn nữa, phải tư hữu nhiều hơn nữa. Họ cũng không có ý định thành SỐ KHÔNG, vì SỐ KHÔNG tức là bị đạp xuống đáy của cái Matrix do họ tạo nên. Họ tạo ra mọi loại cuộc chiến vô nghĩa: Thánh chiến, chiến đấu vì lý tưởng tự do – độc lập, chiến đấu để bảo vệ quyền được là các cục pin trong bộ máy vĩ đại của xã hội… Thợ Săn tham gia vào các cuộc chiến đó để thỏa mãn thú tính, còn Nông Dân tham gia có mục đích, họ muốn chiếm được nhiều đất hơn, cướp được nhiều tiền hơn, hiếp được nhiều đàn bà hơn với hi vọng nòi giống của mình sẽ truyền lại mãi mãi trên mặt đất.

Con đường trở thành SỐ KHÔNG còn xa quá… Trước khi là SỐ KHÔNG, mọi Thợ Săn đều bất đắc ý. Đừng mất công khuyên họ vừa lòng với những gì đang có, đừng khuyên họ an trú trong hiện tại, đừng nói nhảm về điều thiện. Mặt trăng không để họ yên đâu. Nếu cứ lải nhải những điều không đâu, trong một cơn tâm thần nào đó vào ngày trăng máu, họ có thể thiêu rụi cả thế giới. Hãy để mặc họ vui chơi, sẽ không tổn hại đến ai cả. Họ chỉ đang cố khỏa lấp cái khoảng cách không thể đo đếm giữa họ và mặt trăng:

“Dục thướng thanh thiên lãm minh nguyệt. 

Trừu đao đoạn thuỷ thuỷ cánh lưu, 

Cử bôi tiêu sầu sầu cánh sầu. 

Nhân sinh tại thế bất xứng ý, 

Minh triêu tán phát lộng biên chu.”

(Tuyên Châu Tạ Diễu lâu tống biệt hữu thư thúc Vân – Lý Bạch)

Dịch nghĩa:

“Muốn lên trời xanh xem vầng nguyệt

Rút đao chém nước, nước càng chảy mạnh

Nâng chén tiêu sầu, sầu càng sầu

Người sinh ở đời không như ý

Mai đây xõa tóc cưỡi thuyền chơi”

Cuộc chơi ấy chính là những giấc ngủ. Trong giấc ngủ, nữ thần mặt trăng Selene xuất hiện. Thợ Săn trong cuộc đời xã hội, chính là chàng Endymion. Để giữ mãi vẻ đẹp của chàng, Selene đã để chàng chìm đắm vào giấc ngủ vĩnh cửu. Chỉ trong giấc ngủ, Thợ Săn mới thức dậy trong đúng thực tại của mình: ngồi dưới sương đêm lạnh buốt của núi rừng, tiếng côn trùng rỉ rả xen giữa tiếng các loài động vật ăn đêm, kẻ ngồi vót tên, kẻ lau vệt máu khô đọng trên dao, kẻ bện thừng làm bẫy. Khi ánh trăng chiếu xuyên qua tán lá, đoàn Thợ Săn cùng cất tiếng hát trầm hùng, lẩn khuất vào vách đá, vang vọng giữa màn sương mờ ảo của cõi mơ… Không!  Không phải cõi mơ! Đó là  ký ức của một tiền kiếp xa xôi nào đó, chỉ cần nhớ lại nó, chúng ta đã bắt đầu bước trên con đường tìm kiếm mặt trăng ở chốn sâu thẳm nhất của tinh thần.

Hà Thủy Nguyên

Home 2016

Phúc âm sói lang thang

Trút bỏ những vai diễn tầm thường và giả dối
Trút bỏ lớp mặt nạ đạo đức đớn hèn
Móng vuốt cào ánh trăng ứa máu lả tả bụi vàng rơi
Lóng lánh khung trời thẫm đỏ

Ta lang thang, lang thang trong đêm, gặm đứt những nóc nhà, phủ trắng đô thành bằng màn sương huyền thoại
Ta lang thang, lang thang trong rừng rậm, bấu chặt thảo hoa ướt đẫm sương đêm, say men nồng hơi sợ hãi của lũ người tanh hôi mùi tinh thần thối rữa
Ta lang thang, lang thang trong hẻm núi, cô độc liếm láp vết thương hoen ố mủ thời gian, muôn đời không thể chữa lành bởi quyền năng bất tử
Ta lang thang, lang thang trong miền vô thức, đánh hơi kiếm tìm chính ta nơi sâu thẳm ngàn vạn kiếp huy hoàng
Ta lang thang, lang thang trong định mệnh đẫm máu kiếm tìm dòng thanh âm dữ dội thét gào đánh thức bầy đàn đang ngủ yên trong cõi đời chật hẹp của khoảnh sân nhà

Tru lên: Thực Tại: Máu
Trăng: Máu
Rừng: Máu
Đô thành: Máu
Miền vô thức thẫm máu
Những cánh hoa trắng muốt xuôi trên dòng sông tanh đỏ thả trôi linh hồn trinh nguyên bập bềnh giữa thác ngàn
Thực tại còn lại gì? Những mạch đập sợ hãi? Hay cơn cuồng nộ của con dã thú bị phong ấn hàng ngàn năm dưới niềm tin nhân tính?

Thực tại không còn lại gì thối nát… Thuần huyết đặc quánh ngưng đọng nơi vầng thái dương buổi ban mai…
Ta đã lang thang trong những đêm vô thức,
Bới tung ruột gan những kẻ giả dối đớn hèn,
Tru lên dưới ánh trăng xua tan tạp âm xô bồ của hàng tỉ linh hồn thiểu năng thần khí
Trên những đô thành mất nóc, dưới lớp sương mù, ta chiếm đóng giấc mơ của bầy đàn ngủ quên bằng cơn mưa máu
Để sớm mai đây, dưới lốt người thường, bầy đàn của ta bừng tỉnh, để mỗi linh hồn đồng vọng bản thanh âm hoang dã của rừng đêm.

(2015)

Trích tập thơ “Mùa dã cổ”

Link mua sách: https://hangcao.info/shop/van-chuong/mua-da-co/

Home 2016

Ma cà rồng & Người sói – Biểu tượng tình dục hoang dã

Nếu ở những thế kỷ trước Ma cà rồng hay Người Sói là nỗi ám ảnh sợ hãi của con người thì ở cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, những tạo vật độc ác này lại trở thành biểu tượng cho một vẻ đẹp gợi dục đầy khao khát và đam mê. Trào lưu này bắt đầu từ khi hình ảnh của Ma cà rồng mà đại diện là Bá tước Dracula (1950s) và Người Sói (1960s) xuất hiện trên màn ảnh Holywood. 

Ma cà rồng (Vampire) và Người Sói xuất hiện nhiều lần trong các truyền thuyết và thần thoại từ Đông sang Tây từ rất lâu đời. Ma cà rồng được đề cập tới đầu tiên với hình ảnh Akhkharu trong huyền thoại Sumer, được mô tả là một kẻ lang thang trong bong đêm, săn tìm hút máu người. Sau này, dân gian Châu Âu lưu truyền những mẩu chuyện rung rợn về Ma cà rồng, tiếng Pháp gọi là “vampire”, ví dụ như chuyện một người hung ác xứ Galles đã chết từ lâu một hôm sống trở lại tìm và hút máu người quen đến chết. Người Sói được biết đến với tên “lycanthrope” (tiếng Hy Lạp), là một tạo vật mang hình dạng con người có khả năng biến hình thành sói xám hoặc sói hình người. Khả năng chuyển hóa này có thể do cố ý hoặc bị một con sói khác cào hoặc cắn, thậm chí đôi khi là bị nguyền rủa. Sự chuyển hóa này thường diễn ra vào dịp trăng tròn.

Có nhiều công trình nghiên cứu Thần học, Y học, Phân tâm học… liên quan tới Ma cà rồng và Người Sói với nhiều cách lý giải thú vị về hiện tượng đó, nhưng bài viết này chỉ thử cố phân tích tại sao nỗi sợ hãi rùng rợn ấy lại trở thành biểu tượng hấp dẫn về giới tính đối với con người hiện đại.

Image

Sự đánh thức bản năng bạo lực

Sau nhiều thế kỷ bị ức chế về tình dục, thế kỷ 20 là thế kỷ bùng nổ giải phóng tình dục trên khắp thế giới. Con người dường như đã chán ngấy những hình mẫu trong sáng, đạo đức mà thay vào đó là sự tự do thái quá tới mức thả rông con thú hoang nhiều thế kỷ bị trói buộc bởi xiềng xích của luân lý. Bởi vậy, ở thế kỷ này đã xuất hiện trào lưu nhạc Rock và lối sống hippi như biểu hiện của một sự giải phóng. Và khi tìm về với bản năng hoang dã, không có bản năng nào nổi trội hơn là vấn đề sex và bạo lực.

Sự cô đơn tới đói khát của các giới tính đã thôi thúc tới mức kết hợp bản năng sex với bản năng bạo lực mà các nhà nghiên cứu tình dục học và phân tâm học vẫn gọi là “khổ dâm” hay “bạo dâm”. “Bạo dâm” là hiện tượng một người muốn hành hạ bạn tình của mình bằng bạo lực, còn “khổ dâm” là khi một người them khát những hành động mạnh tác động đến than thể để kích thích ham muốn. Hiện tượng này khiến ta nhớ tới một hiện tượng trong thiên nhiên, khi nhiều loài động vật bậc thấp ăn thịt bạn tình của mình ngay sau lần giao phối. Không rõ rằng con người khi đưa hình ảnh Ma cà rồng thành biểu tượng về sex có băn khoăn tự hỏi xem họ mong muốn làm con mồi hay là kẻ săn mồi. Có thể là cả hai. Bởi vậy, những tiểu thuyết và phim ảnh của thế kỷ 21 như “Underworld”, “Twilight”, “True blood”… đã lãng mạn hóa hình ảnh Ma cà rồng thành một tình yêu đẹp đẽ.

Một sự thể hiện của niềm thích thú với “sex bạo hành” là những hình ảnh về việc trói chặt người tình bằng dây trói hoặc xích sắt; việc cào cấu da thịt hoặc vết cắn vào môi, vào cổ, vào vai bạn tình… Lạc thú này không còn bị coi là thú vui bệnh hoạn mà ngày càng phổ biến trong xã hội đương đại. Cho nên, hình ảnh Ma cà rồng cắm răng nanh vào động mạch cổ của người đẹp khiến nhiều khan giả cảm thấy vừa rờn rợn, lại vừa thích thú.

Vẻ đẹp tính dục hoang dã

Cũng trong thế kỷ 20, giá trị của vật chất và sự phát triển của đời sống văn minh được đánh giá cao, con người bị đẩy vào áp lực của guồng quay công nghiệp. Tới cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, áp lực của đời sống hiện đại được đẩy tới cao độ tới nỗi con người rơi vào sự khủng hoảng cao độ. Lúc này, có hai nỗi ám ảnh chính: một là tìm về các xu hướng phát triển tâm linh thần thánh; hai là quay lại với thứ bản năng động vật hoang dã để thỏa mãn dục vọng của mình. Chắc hẳn rằng, sự khao khát bản năng hoang dã này đã khiến cho những hình ảnh ma quỷ khát máu trở thành biểu tượng của vẻ đẹp tính dục.

Người Sói là một ứng cử viên tiêu biểu cho vẻ đẹp đàn ông hoang dã. Từ “Người Sói” bắt nguồn từ “Wer” (tiếng Anh cổ) – được phát âm khác nhau như / wɛər, wɪər, wɜr / – và Wulf. Phần đầu tiên, Wer, dịch là “người đàn ông” (theo nghĩa cụ thể của người đàn ông, không phải là loài người nói chung). Phần thứ hai, Wulf, là tổ tiên của “con sói” tiếng Anh hiện đại, trong một số trường hợp nó cũng có ý nghĩa chung “con quái vật.”. Đặc biệt là hiện tượng người hóa sói chỉ xảy ra vào đêm trăng tròn. Bí ẩn gì ở đây?

 Các nhà nghiên cứu Đông – Tây, kim cổ đều khẳng định rằng trăng tròn ảnh hưởng tới thần kinh của con người. Từ hơn 6.000 năm về trước, con người đã biết đến những tác động tiêu cực của ánh trăng lên sự sống, gây ra những biến đổi rõ rệt về tâm sinh lý, đặc biệt là đối với phụ nữ thuộc bản thể âm. “Dưới ánh trăng rằm, phụ nữ dễ bị mê muội” – đó là lời cảnh báo được các nhà thông thái thời xưa ghi lại trong một ngôi đền cổ ở Ai Cập. Như thủy triều ngoài đại dương, sức hút của mặt trăng đã gây ra trạng thái “thủy triều máu”, “thủy triều sinh học” trong cơ thể con người. Nó chính là nguyên nhân gây nên những kích thích thần kinh đến khủng hoảng, bị rối loạn và mất thăng bằng, làm trầm trọng thêm các chứng bệnh thần kinh và là nguyên nhân trực tiếp của nhiều vụ tai nạn, tự tử, ngộ sát, phạm tội…

Đa số phụ nữ đều có kỳ kinh nguyệt tương ứng với những ngày giữa tháng âm lịch. Những ngày trong kỳ này, phụ nữ bị ức chế về thần kinh và nỗi them khát chuyện sex lên đỉnh điểm trong tháng. Với sự kích động mạnh như vậy, họ cần có một sự đáp ứng nhu cầu đủ mạnh.

Cũng trong những ngày trăng rằm này, các hành vi thú tính nở rộ, đặc biệt là với nam giới vốn đã rất dễ bị kích động. Và một khi “thú tính” này được tập trung vào chuyện giao hợp thì đó thực sự là một cuộc ân tình nguyên thủy và man rợ nhưng lại đủ thỏa mãn những đòi hỏi mãnh liệt của con người.

Ở những thế kỷ trước, sự ham muốn này bị ức chế và được tô vẽ bằng vẻ đẹp lý tưởng, quý tộc, tao nhã. Nhưng từ giữa thế kỷ 20, những quan điểm được cởi mở, và người ta không còn ngại ngùng thể hiện một nỗi khao khát thầm kín một vẻ đẹp mạnh mẽ, hoang sơ và gợi dục mà những chuẩn mực thẩm mỹ cũ kỹ đã che khuất.

Nhưng cũng như mọi biểu tượng của tính dục, Ma cà rồng hay Người Sói chỉ là sự đói khát của con người chẳng bao giờ có thể thỏa mãn được lâu dài. Đó chỉ là chút gia vị để đời sống tình dục thêm phần thú vị và chắc chắn trong tương lai sẽ được thay thế bởi một dạng thức biểu tượng phù hợp.

Hà Thủy Nguyên

Home 2016

Độc mộc

Khí hàn hàn
Mây nước nhạt
Cưỡi độc mộc
Rượu suông nhàn
Trập trùng u uẩn ngàn ngàn hư ảnh

Ngạo nghễ cười

Giang sơn điên loạn
Vỗ ván thuyền ca khúc phiêu phiêu
Gió xiêu xiêu
Mây nước vỡ
Thành cũng vỡ mà bại cũng vỡ
Say cũng rượu mà tỉnh cũng rượu
Mộng bá vương nghiêng ngả trận cười

Khúc đồng vọng máu hòa lẫn rượu
Gió ngàn thu mộng nhuốm màu điên
Một thời bá vương
Một thời tài tử
Lướt độc mộc, phong ba lặng
Bốn bề im hơi chờ linh điểu vút ngàn bay

 

Độc mộc không cập bến
Mây nước vẫn hợp tan
Linh điểu chẳng chốn dừng
Mưu bá đồ vương chia thiên hạ
Phất tay phủi bụi trần gian mặc ai cười ai khóc, ai tử ai sinh
Bên kia bờ sương khói đô thành tro bụi ám
Vỗ ván thuyền nâng nhịp tỉnh tỉnh say…

 

Độc mộc nặng nhân sinh
Hàn khí sương mờ rượu
Linh điểu ngút ngàn lửa
Lửa gặm độc mộc
Lửa ám yên ba
Lửa rượu rượu lửa
Tưới lửa vào rượu, rượu tràn lửa

Lụi tàn rồi
Mây nước nhạt
Hư ảnh tan, mộng cũng tàn
Gió lặng cơn điên vỡ
Mộng đại ngàn về không

(2015)

Hà Thủy Nguyên

Link mua sách: https://hangcao.info/shop/van-chuong/mua-da-co/

Home 2016

Đối thoại với Lý Công Uẩn về kiến tạo

Phạm Thiên Thư có câu thơ:

“Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ quên”

Phạm Duy phổ thành bài hát “Đưa em tìm động hoa vàng”. Đó là giấc mơ lớn nhất đời ta. Ta mơ có một đời sống thanh nhàn, sáng dậy nằm dài ngắm hoa, có rượu ngon vị thanh thoát, có thức ăn mang hương vị tuyệt đỉnh, có những giấc ngủ dài không mộng mị. Nhưng “nhiều khi giấc mơ chỉ là mơ ước”, sự hoan lạc đích thực ấy bị quấy nhiễu bởi những loài ruồi nhặng, gián chuột,… rặt những thể loại như một chất nhầy đen bám vào tất cả…

Ta điên tiết tiêu diệt chúng, nhưng những loại sinh vật ấy nhiều vô kể, biết tiêu diệt đến bao giờ. Đang điên tiết thì Lý Công Uẩn xuất hiện trong một giấc mơ của ta. Lý Công Uẩn đến, đám nhầy nhụa ký sinh vội dạt ra trước uy mãnh của vua.

Ta chợt bật cười. Lý Công Uẩn nhíu mày:
– Người đúng là kẻ rối loạn cảm xúc lưỡng cực! Vừa tức giận đó, vừa buồn đó rồi lại cười như điên được!
Ta cười cười trả lời:
– Ta thấy buồn cười cái việc trong lịch sử, ghi chép về ông chỉ có mấy dòng, nhưng đi đến đền chùa nào cũng thấy kể ông nằm mơ thấy nói chuyện với thần nọ thần kia. Xong giờ đến lượt ông chui vào giấc mơ của ta để nói chuyện với ta. Một kẻ nằm mơ bây giờ đã trở thành kẻ trong giấc mơ của kẻ khác.

Lý Công Uẩn nghiêm giọng:
– Thế giờ ngươi muốn ta dậy ngươi các tiêu diệt kẻ địch hay ở đó mà cười?
Ta đành phải nhịn cười nghe Uẩn nói. Uẩn tiếp lời:
– Kẻ địch tồn tại dựa trên đám đông. Chất nhầy đen mà ngươi thấy đó là cách kẻ địch kiểm soát đám đông. Những kẻ hèn yếu thì biến thành bầy ruồi, bầy gián, bầy chuột… Những kẻ đỡ hèn yếu hơn thì biến thành bầy người. Chất nhầy đen ấy được nhiều kẻ tôn sùng như Chúa, như lẽ tự nhiên, như chân lý. Ta bảo cho ngươi biết lẽ tự nhiên hay chân lý là gì. Ngươi thấy không, tất cả các động vật khi nằm ngủ đều nằm sấp. Chỉ có loài người mới là loài có thể nằm sấp, ngưa, nghiêng thế nào tùy thích. Một số giống loài khác thích sự cô độc thì cũng có khả năng nằm ngủ như người. Chỉ có loài người và những giống loài đẹp đẽ và mạnh mẽ mới cố thoát khỏi sự ràng buộc của chất nhầy đen. Bản chất của loài người không sống bầy đàn, những con vật đẹp đẽ và mạnh mẽ cũng không sống bầy đàn. Bởi nếu đủ trí tuệ thì không cần trí tuệ của kẻ khác, nếu đủ mạnh mẽ thì không cần kẻ khác bảo vệ mình, nếu đủ đẹp đẽ thì không cần bầy đàn trang trí thêm cho mình.

Ta gật gù:
– Ông nói có lý! Nhưng ông đã tiêu diệt những loài ký sinh ấy như thế nào?

Lý Công Uẩn chỉ tay cho ta về phía xa xôi. Trước mắt ta hiện lên khung cảnh thành Thăng Long tráng lệ thời Lý. Đền đài miếu mạo trang nhã, ẩn chứa những bí mật sâu thẳm; người dân bước đi lả lướt như múa trong một điệu nhạc vô thanh, hương thơm thức ăn quyện vào hương rượu lan tỏa khắp không gian. Uẩn tiếp lời:
– Ngươi có thể dùng bình xịt khử trùng để tiêu diệt hết chúng, ngươi có thể thiêu đốt chúng trong ngọn lửa toàn cầu… nhưng các biểu tượng của chúng vẫn còn. Những biểu tượng ấy là biểu tượng của chính trị, những tuyên ngôn nhân danh chân lý, hòa bình, bác ái và thứ tự do nửa vời trong kiểm soát. Các công trình kiến trúc của chúng vẫn còn ngự trị trên thế giới như các thánh đường. Những đám đông đi lại trên đường kia, những đám đông gào thét đòi quyền lợi kia… nhìn chúng xem, giống lũ kiến, lũ gián không? Chúng bị điều khiển bởi một thứ giai điệu hành khúc hoặc một thứ nhạc chảy nhớt với “đau nỗi đau chó cắn, buồn nỗi buồn mất tiền” để tẩy não hàng ngày.

– Ông có gặp chuyện đó ở Thăng Long không?
Lý Công Uẩn gật đầu:
– Không có mới là chuyện lạ. Cách thức ta làm đó là phá vỡ cấu trúc kiểm soát ấy bằng một cấu trúc của sự hoan lạc. Hãy thay thế thứ kiến trúc nhà tù của kẻ địch bằng một kiến trúc dễ chịu, trang nhã, hoặc một dạng kiến trúc vui nhộn, tươi sáng. Hãy thay thế thứ thức ăn cho bầy đàn vô vị, nhạt nhẽo bằng thứ thức ăn ngon lành được nấu từ tài năng và tâm hồn của người nghệ sĩ, hãy thay thứ âm nhạc ngu xuẩn ấy bằng thứ âm nhạc đích thức có thể khiến chúng ta thăng hoa tinh thần, thứ âm nhạc mà con người có thể tìm thấy chính mình. Hãy thay nỗi sợ bằng niềm vui, thứ chất nhầy đen ấy không thể chịu nổi nụ cười ngây thơ, không chịu nổi thứ ánh sáng đích thực tỏa ra từ trái tim con người. Hãy kiến tạo những gì có thể đánh thức trái tim con người: một ca khúc, một bài thơ, một hình vẽ, một câu chuyện… tất cả những gì ngươi có thể làm được từ trái tim thần thánh của ngươi.

– Nhưng ta bây giờ không thể được như ông ngày xưa – Ta chống cằm chán nản – Ta không có quyền lực, ta không có tiền.

– Không có gì là dễ dàng. Nếu muốn kiến tạo một cấu trúc, ngươi phải bắt đầu từ từng viên gạch nhỏ. Ngươi không thể kiến tạo một cấu trúc của niềm vui bằng các viên gạch sợ hãi được, đúng không? Ngươi phải kiến tạo bằng những viên gạch mới, do chính ngươi và những kẻ như ngươi tạo ra.

Nghe cụm từ “những kẻ như ngươi” mà Lý Công Uẩn nói, ta facepalm chán nản. Ngẫm đến cảnh đồng bọn của ta toàn những kẻ có tài mà nhảm nhí: một kẻ ngu xuẩn chỉ biết lao đầu vào chém giết, một kẻ lúc nào cũng câng câng với sự cao quý giả tạo của mình, một kẻ biết tất cả nhưng cố tình từ chối tất cả, một kẻ ích kỷ chỉ mong muốn hạnh phúc của riêng mình, một kẻ suốt ngày đuổi theo cái bóng của chính mình, một kẻ đắm chìm trong tình yêu tuyệt vọng, một kẻ còn chưa thức tỉnh và ý thức được bản thân, còn một kẻ khác thì sẵn sàng liều chết làm mọi thứ nhưng lại tự giết mình bằng những câu hỏi ngớ ngẩn. Lý Công Uẩn dường như đọc ra tâm sự của ta, ông vỗ vai an ủi:
– Đừng quá chán nản! Hãy vứt bỏ kẻ khác ra khỏi đầu. Ngươi nhớ chứ, loài người về bản chất là cô độc. Có đồng bọn thì càng vui, không có chúng, ngươi cứ một mình. Rồng vàng chỉ xuất hiện đơn độc, không đi theo bầy. Ngươi hãy nỗ lực hết sức ngươi có thể, rồi những kẻ khác sẽ thức tỉnh. Những ai có đẳng cấp ngang ngươi, ngươi có thể đi với họ như bạn bè trong suốt cuộc chiến. Những ai không cùng đẳng cấp thì chỉ là công cụ cho ngươi trong một giai đoạn, đừng tiếc nuối khi đến lúc ngươi phải vứt bỏ chúng.

– Nhưng như thế có phũ phàng quá không?
– Ngươi thấy đấy, với những kẻ chỉ khư khư biết bản thân mình thì giữ cũng để làm gì. Một ngày nào đó chúng sẽ bị chất nhầy đen đồng hóa, chúng sẽ tiêu diệt ngươi. Ta biết ngươi không thể tiêu diệt bạn bè mình, ngươi có thể bắt đầu bằng việc nhận thức ra rằng chúng một khi đã bị đồng hóa thì không còn là bạn ngươi, không cùng đẳng cấp với ngươi. Ngươi muốn những viên gạch mới của ngươi lẫn những chất uế tạp từ sự hèn kém của kẻ khác sao?

Những điều Lý Công Uẩn nói như kiếm đâm xoáy vào trí não ta, đau đớn nhưng hữu ích. Ta thà sống trong đơn độc, chết trong đơn độc nhưng gìn giữ được sự trong sạch của dòng năng lượng tuyệt mĩ còn hơn nhiễm chất màu ô uế hèn mạt của bầy đàn. Điều mỉa mai là, muốn gìn giữ dòng năng lược có thể đánh thức trái tim người khác, ta lại phải là một kẻ đơn độc.

Hà Thủy Nguyên