Home 2017 Tháng Mười Một

Lộng ca

Kinh kỳ nằm dài

Ta chờ gió lộng

Lộng ùa hoa rụng

Lộng phàm nhân sân hận

Lộng kịch trần khép màn

Lộng bụi tan trong gió

 

Ta dạo bước kinh kỳ

Sưu tầm gió

Lộng mùa quá khứ

Lạnh túi thơ

Khúc ả đào í a phong nguyệt

Rượu ngả nghiêng tràn phố không người

Ta khóc một thời

Ta cười một đời

Bước giai nhân lang thang đêm tịch mịch

 

Lộng chiến tranh ồn ào náo nhiệt

Lũ trẻ con khoe dũng khoe tài

Mơ tưởng gì hạnh phúc ngài mai

Gió ơi gió, điểm màu gay gắt

Hóa cuồng phong lộng nét sử thi

Chàng ngưng thần, ta chớp hàng mi

Cho lạnh lẽo trăng sao

Vạn linh hồn siêu thoát

Cho thế giới im đi…

 

Ta gầm lên lùa cơn gió lộng

Ta gầm lên thổi tắt điên cuồng

Gầm tan bụi ảo nhân gian

Gầm thơ bật dậy giăng màn hư linh

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2017 Tháng Mười Một

Khúc ca dưới mộ

Nắng chiều quái lạ
Gió bạc sương
Khúc du dương ai đàn trên cổ mộ
Cỏ hoang hoang úa tàn thời phổ độ
Chúng sinh rên, bùn nhơ mệnh số
Khép nhật cung, tròn cuộc ngắn dài

Miên man một giấc cô ai
Lạnh nghe ta đó thở dài mồ hoang
Biếng lười mặc gió điểm trang
Phất phơ bạch nguyệt lang thang cõi trần

Tinh cung chộn rộn ngôi thần
Xác thân ở lại
Ta thoát mộ phần
Chúng sinh chộn rộn
Ta lộn tinh bàn
Xáo trộn nhân gian
Ai cười ha hả

Trăng sao vỡ vụn
Rụng rụng hư vô
Mệnh số hồ đồ
Đàn vang đáy mộ

Ta lấy đàn làm xác
Ta lấy mộ làm nhà
Ta dấy nên điệu khúc
Hồn ta là bao la

Mai này ai xuống mộ
Về cõi ta với ta
Ngày ngày đàn ca
Mặc trăng sao chộn rộn
Mặc chúng sinh rên rỉ
Mặc gió đời rít qua

Ô hay, nắng đã tan tành…

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2017 Tháng Mười Một

LONG ĐIỂU TRUYỆN – CHƯƠNG 12: ĐỘNG BINH

Con bướm màu đen nằm trong tổ kén đã chết to bằng một bàn tay người. Dưới đuôi của nó là cặp càng mảnh với lớp gai dày đặc. So với những con bướm đen trước đó, nó có thêm cặp càng. Hoàng Tế Thiên ngửi ngửi lớp dịch nhầy chảy ra từ người con bướm rồi lắc nhẹ đầu để định thần. Tế Thiên chau mày:

– Những con bướm đen này cùng một giống với loài bướm đen trước đó. Nhưng từ khi còn là sâu, chúng đã được nuôi bằng một lá độc. Loại lá độc này có thể gây ảo giác. Cặp càng của con bướm này với các lông gai tua tủa là để phun thứ chất gây ảo giác mà nó hấp thụ được trong quá trình ăn lá độc kia. Nếu tất cả lũ bướm này cùng phu chất gây ảo giác từ người chúng thì thành Trấn Tây không thể chống cự nổi.

– Phải nhân cơ hội chúng chưa ra khỏi kén, giết ngay mới được! – Điểu Tùng khẳng định.

Nói là làm, Điểu Tùng rút cây kiếm sáng loáng khỏi bao. Chàng chĩa kiếm thẳng vào hang. Một luồng điện xẹt ra từ kiếm, bắn vào từng cột tháp tơ nhỏ li ti trong kén bướm. Điện phóng xẹt xẹt chỉ trong giây lát toàn bộ ổ kén ở gần cửa hang đã cháy rụi. Mùi kén bướm cháy bốc lên thứ mùi hôi hôi khiến mọi người đều thấy chóng mặt.

– Đó là mùi của chất gây ảo giác – Tế Thiên nói – Kén bị đốt khiến cơ thể bướm vỡ ra, dịch từ trong người chúng đều là chất gây ảo giác.

Điểu Tùng rút trong túi áo ra một tấm lệnh bài bằng bạc, có khắc hình cánh chim đại bàng chụm đầu vào nhau. Đây là lệnh bài điều phối quân đội trong phủ Trấn Tây. Điểu Tùng đưa lệnh bài cho Hoàng Tế Thiên rồi dặn:

– Ta e rằng đây không phải ổ bướm đen duy nhất trong thành Trấn Tây. Việc cấp bách, Thần Y đưa lệnh bài này cho Chinh Nam tướng quân, nhờ ông ta điều phối quân lính trong thành để xử lý. Ta sẽ đích thân khảo sát các nơi trong thành để tìm kiếm các ổ.

Tế Thiên đón lấy tấm lệnh bài mà không khỏi lo lắng. Chàng thông thạo nhiều loại sinh vật nhưng lại chưa biết gì về giống loài này. Tế Thiên chỉ có thể dặn dò Điểu Tùng:

– Chất gây ảo giác này rất khó kiểm soát, tướng quân nên che mũi và miệng lại khi đốt các ổ. Ngoài ra, kén bướm sẽ không thể nằm phơi trực tiếp dưới ánh mặt trời, chúng sẽ cần chỗ kín đáo và an toàn, không quá xa nguồn thức ăn sau khi chúng thoát xác. Mà ở đây thức ăn của chúng là năng lượng người.

Điểu Tùng im lặng không nói gì, chỉ trầm ngâm suy nghĩ. Mặc kệ Tế Thiên dẫn bốn đứa trẻ xuống núi, chàng phóng tầm mắt ra phía xa nhìn bao quát toàn bộ thành Trấn Tây. Thành Trấn Tây nằm ở sườn thoải của dãy Đại Sơn, khắp nơi đều là hang động và những cánh rừng bạt ngạt, nên chỗ nào cũng có thể bị biến thành ổ bướm. Tế Thiên nói, những ổ bướm không quá cách xa nguồn thức ăn, vậy chúng sẽ chỉ loanh quanh ở các hang động trong thành Trấn Tây mà thôi. Gần khu dân cư của thành Trấn Tây có tất cả 54 hang động lớn nhỏ. Chàng cần đến từng nơi kiểm tra mới xong. Nghĩ vậy, Điểu Tùng phi người lên không trung, biến thành con chim đại bàng trắng toát như tuyết, bay đi.
Tế Thiên dẫn lũ trẻ về phủ Trấn Tây. Thiên Hoàng nghe kể về trận chiến của lũ trẻ, mặt không biến sắc. Tế Thiên kể về những con bướm đen gây ảo giác, Thiên Hoàng cũng không biến sắc. Tế Thiên thúc giục:

– Chúng ta mau đưa quân tiếp ứng cho Điểu Tùng!

Thiên Hoàng vừa nhìn cái lệnh bài vừa suy nghĩ:

– Ông ta đưa lệnh bài cho ta chỉ huy quân đội thành Trấn Tây không phải là để tiếp ứng. Mấy cái ổ bướm đen ấy cứ để tướng quân thư giãn gân cốt cũng tốt mà.

Tế Thiên không khỏi khó chịu với thái độ lạnh nhạt của Thiên Hoàng, nhưng chàng cũng hiểu rằng điều Thiên Hoàng nói không phải là không có lý. Trong lòng Tế Thiên đương nhiên là lo lắng rồi, bởi vì chàng đang phải đối mặt với thứ chàng không biết chắc chắn. Với những thứ biết rõ ràng, chàng có thể thản nhiên. Nhưng thản nhiên với cả những mối nguy hiểm mà mình không biết rõ như Thiên Hoàng thì chàng không làm được. Thiên Hoàng đột nhiên hỏi:

– Thần y, nếu ta giao lại lệnh bài này cho ngươi tùy ý điều động, ngươi sẽ làm gì?

– Đó là lý do tướng quân thản nhiên? – Tế Thiên nhăn mặt.

– Ừ, ta không hiểu về các sinh vật như ngươi. Ta không đối đầu với thứ mà ta không hiểu, ta sẽ giải quyết vấn đề này bằng thế mạnh của mình.

Vừa nói xong, Thiên Hoàng ném lệnh bài vào tay Tế Thiên, hỏi lại lần nữa với giọng nhấn mạnh hơn:

– Ngươi sẽ làm gì?

Tế Thiên cười ha hả rồi lắc đầu:

– Các vị tướng quân sẽ không muốn dùng cách của ta đâu!

– Cứ nói thử xem! Ta hẳn phải nể mặt kẻ xông thẳng vào chỗ của ta, bắt cóc con gái ta và ép ta đến thành Trấn Tây chứ!
Tế Thiên đút lệnh bài vào tay áo:

– Tấn công Dã Quốc!

Quyết định của Tế Thiên thật táo bạo. Lần này thì Thiên Hoàng không còn giữ nét mặt thản nhiên nữa:

– Ngươi có điên không?

– Tướng quân Điểu Tùng có đốt hết các ổ kén bướm trong thành Trấn Tây, nhưng không bắt hết được những gian tế trà trộn trong thành. Như vậy, chỉ vài tháng sau chúng ta lại phải đi dọn bướm một lần nữa. Ngược lại, nếu chúng ta tung ra tin đồn rằng sẽ tấn công Dã Quốc thì Dã Quốc sẽ tiếp tục đưa thật nhiều người nuôi bướm vào thành Trấn Tây. Chúng sẽ liên lạc với nhau, ta chỉ cần dùng người của Ô Thị kiểm soát chặt chẽ, sẽ có thể bắt gọn cả ổ. Nếu chúng ta bắt hết người nuôi bướm trong thành, Dã Quốc sẽ không dám động binh tấn công thành Trấn Tây đâu. Còn nếu chúng ta chưa bắt được chúng, thì lúc nào Dã Quốc cũng sẽ ngấp nghé chờ thời cơ thành Trấn Tây đại loạn.

Thiên Hoàng cười ha hả:

– Thế thì chẳng phải lệnh bài này nên vứt đi hay sao?

– Không vứt đi được! – Tế Thiên cũng cười theo – Lệnh bài này dùng để diễu võ dương oai!

Thiên Hoàng phẩy tay:

– Vậy ngươi đi sắp xếp đi!

Tế Thiên chắp tay cúi chào, nhưng không quên ném ra một câu khiêu khích Thiên Hoàng:

– Vậy ta xin đi sắp xếp, nhưng tướng quân chẳng lẽ chỉ nằm nghỉ ngơi tĩnh dưỡng thôi sao?

Thiên Hoàng lại lấy lại vẻ mặt thản nhiên:

– Ngươi đã hứa là sẽ phục dịch Điểu tộc, ta đương nhiên là nên nghỉ ngơi tĩnh dưỡng rồi.

Nói là nghỉ ngơi tĩnh dưỡng nhưng Thiên Hoàng không lúc nào ngừng nghiền ngẫm quang cảnh toàn bộ thành Trấn Tây trên mặt ao. Điểu Tùng báo tin về cho biết những ổ bướm đã bị chàng tiêu điệt. Những địa điểm ấy đều ở trong những cái hang không quá xa khu dân cư nhưng kín đáo. Thiên Hoàng đánh dấu lại những địa điểm đó. Kẻ nuôi bướm để cho tuổi đời của kén bướm ngang với nhau, như thể chúng được hẹn trước thời điểm để đồng loạt thoát xác. Theo như tính toán của Thiên Hoàng thì chỉ trong vòng 5 ngày kể từ khi phát hiện ra ổ bướm đầu tiên, bướm đen sẽ thoát xác và tấn công vào các khu dân cư gần nhất. Đó sẽ là một khung cảnh đại loạn trong thành Trấn Tây. Nếu cùng lúc đó, Dã Quốc xua quân tấn công thì thành Trấn Tây sẽ không thể chống đỡ nổi. Điều này tức là, nếu Điểu Tùng không diệt hết các ổ bướm đêm trong vòng 5 ngày thì từ giả vờ động binh, thành Trấn Tây sẽ chính thức khai chiến với Dã Quốc.

Thiên Hoàng theo kế sách của Tế Thiên, hàng ngày ra thao trường luyện quân. Tin Thiên Hoàng đến luyện quân ở thành Trấn Tây được Ô Thị loan truyền sang Dã Quốc. Chinh Nam tướng quân đích thân đến thành Trấn Tây để luyện quân, hẳn là chuẩn bị cho một cuộc chiến lớn rồi. Gian tế của Dã Quốc chắc chắn không thể không tin.

Đến ngày thứ 3, một con quạ bay vào phòng của Thiên Hoàng. Theo đúng cách thức báo tin của Ô Thị, con quạ cho biết một thông điệp: “Đàn ông vào thành dễ gây nghi ngờ. Phụ nữ vào thành luôn được chào đón”.

Nghe tin ấy, Tế Thiên tỉnh ngộ, vỗ vỗ vào trán:

– Qủa nhiên… Tại sao ta lại không nghĩ ra nhỉ?

Thiên Hoàng trầm ngâm:

– Phải chăng ngươi muốn nói đến khu gái điếm…

Tế Thiên gật đầu:

– Đàn bà trong các thành thường yên phận, ngại di chuyển từ thành này sang thành khác. Nhưng gái điếm thì không như vậy. Đàn ông vốn ham của lạ. Một cô gái điếm đã hết thời ở thành này, chuyển sang thành khác có thể trở nên đắt khách. Nên đưa bướm đen vào thành Trấn Tây thì hợp lý nhất chỉ có gái điếm mà thôi…

Thiên Hoàng nhìn xuống khu gái điếm lớn nhất của thành Trấn Tây. Khu này nằm ngay ở trung tâm của thành. Quân lính của Điểu tôc bị cấm qua lại với gái điếm nhưng ổ điếm ở vùng biên giới này vẫn rất phát triển. Nơi đây nhiều dân viễn xứ qua lại, trong số đó có nhiều lái buôn giàu có, thế nên gái điếm vẫn có thể sống một đời xa hoa.

– Những gái điếm như thế nào có thể là gian tế của Dã Quốc? – Thiên Hoàng gõ gõ nhịp lên mặt bàn suy nghĩ.

Tế Thiên nhún vai:

– Việc này dễ thôi… giống như đi diệt ổ bướm, phải đến tận nơi tiêu diệt từng con một, không thể để sai sót.

Thiên Hoàng búng tay để gọi con quạ lại gần. Tế Thiên ngăn lại:

– Khoan đã… Ô Thị sẽ không làm kịp đâu! Chúng ta chỉ còn 2 ngày thôi!

– Đừng nói với ta ngươi sẽ cho bắt giam toàn bộ gái điếm trong thành…

Tế Thiên tỉnh bơ đáp:

– Tại sao không?

– Qúa lộng quyền!

– Chúng ta không có nhiều thì giờ để quan tâm đến lộng quyền hay không… Hai ngày nữa, nếu không tìm ra thì Dã Quốc sẽ tấn công thành Trấn Tây, sẽ có nhiều người chết hơn.

Thiên Hoàng nhíu mày suy ngẫm. Một lần nữa chàng lại thấy Tế Thiên có lý dù rằng không hoàn toàn đồng tình với cách mà Tế Thiên đưa ra.

– Sau khi bắt hết gái điếm trong thành, chúng ta sẽ có rất nhiều thời gian để tìm ra ai là gian tế.

Thiên Hoàng thở dài, gật đầu:

– Vậy phải tìm cách nào để bắt gọn gàng không bỏ sót bất cứ gái điếm nào…

Vừa nói, chàng vừa ra hiệu lệnh cho con quạ bay đi. Tế Thiên nhìn theo con quạ bay đi rồi nói:

– Trước khi xuất binh, chúng ta cũng nên khao quân… Lần này có lẽ nên chọn cách khao quân đặc biệt một chút!

Thiên Hoàng lắc đầu:

– Sau sự việc này, đúng là không còn chút thể diện nào của Điểu tộc nữa!

Tế Thiên bật cười ha hả:

– Bị Dã Quốc thôn tính mới là không còn chút thể diện nào…

Thiên Hoàng gượng đứng dậy khỏi ghế. Sau khi dồn sức cứu Thái Sơn, chàng vẫn chưa hồi phục, nhưng ngày nào cũng phải lao tâm khổ tứ. Chàng đến gần vỗ vai Tế Thiên:

– Ngươi không nên là một Thần Y. Nếu ngươi làm một đại tướng quân trấn thủ một cõi thì sẽ những kẻ như Chúc Thịnh Lai, Điểu Tùng và ta không thể nào theo kịp…

– Chính vì vậy, ta vẫn nên làm một Thần y thì hơn.

Tế Thiên mỉm cười nhìn Thiên Hoàng. Nụ cười của chàng có chút gì đó thoáng buồn nhưng nhè nhẹ vui vì sự tin tưởng của Thiên Hoàng dành cho mình. Ngay cả khi làm quân sư cho Chúc Thịnh Lai, chàng cũng chưa từng có được sự tin tưởng ấy.

Hà Thủy Nguyên

Đọc các chương của Long Điểu truyện tại đâyhttps://hathuynguyen.com/tag/long-dieu-truyen/

 

Home 2017 Tháng Mười Một

LONG ĐIỂU TRUYỆN – CHƯƠNG 11: Bướm rợp quan san

Rừng dưới chân núi Tụ Linh Phong vào cuối thu, lá dệt thành một màu vàng mênh mông. Mỗi khi một cơn gió thoảng qua, cả cánh rừng như dải lụa vàng lung lay dưới nắng nhạt. Càng đi lên trên, những cây lá vàng thưa dần, thay bằng từng phiến đá chen tùng xanh thẳng đứng vươn chọc trời. Mây bị vướng vào tán lá kim của cây tùng khiến cả ngọn núi mang bầu không khí u tịch. Thỉnh thoảng, một tiếng chim vút lên rồi mất hút theo gió thổi.

Điểu Âu dẫn Thần Cơ, Thiên Phụng và Thái Sơn bám theo từng phiến đá leo lên Tụ Linh Phong. Gió thổi phần phật nhưng lũ trẻ vẫn không bỏ cuộc. Điểu Âu và Thiên Phụng là hăng hái nhất. Điểu Âu leo thoăn thoắt đu mình trên những phiến đá chông chênh. Thiên Phụng vừa trèo vừa giục:

– Nhanh lên chứ! Lên đến động mới có nhiều thứ hay!

Thái Sơn cảnh giác hơn:

– Liệu có lên kịp trước tối không?

Thần Cơ thì làu bàu:

– Bảo là ra thành chơi, ai ngờ lại dụ người ta lên núi thế này. Biết vậy ở trong phủ cho xong!

Điểu Âu cười hì hì, thoắt cái đu người tới, ủn mông Thần Cơ lên:

– Nhanh nào nhanh nào… Chuyện vui còn ở phía sau chứ! Ta nghe cha ta nói, đỉnh núi này là nơi cha ta và cha ngươi thường gặp nhau bàn chuyện đấy. Không khéo trên đó còn có rượu ngon thịt ngon chờ sẵn.

Nghe tới đó, Thái Sơn dừng lại ngẩn người ra. Thiên Phụng cầm tay Thái Sơn kéo xềnh xệch lên:

– Đi thôi, còn ngẩn người ra đó làm gì.

Thái Sơn nhìn xuống dưới chân núi, nhận thấy có ngôi nhà của dân nghèo thấp thoáng trong rừng. Càng lên cao, cậu càng nghe rõ tiếng gió rít, càng cảm thấy rờn rợn ở gan bàn chân.

Trèo đến lưng chừng núi, bốn đứa gặp một đoạn thác nhỏ. Ở đây thác đổ vào một khe đá, tạo thành ao nước nông trong vắt và lạnh buốt. Ao nước lộ rõ những phiến đá tròn trịa bị nước mài mòn theo thời gian. Thiên Phụng chẳng ngần ngại gì cả, cởi giày nhảy xuống ao nước, cười khanh khách. Thần Cơ thấy vậy cũng nhảy xuống theo, nước bắn tung tóe. Điểu Âu thấy vậy nhăn nhó:

– Ơ hay… đích đến ở trên kia cơ mà!

Thiên Phụng hắt nước vào người Điểu Âu, cười ha hả:

– Không đến được đích thì xuống núi đi về, có sao đâu!

Điểu Âu bực bội, khoanh tay quát:

– Không lên là ta bỏ hai người lại đấy nhé!

Thần Cơ dùng năng lượng hút nước lên rồi ném thẳng cuộn nước vào mặt Điểu Âu khiến cậu ướt ròng ròng. Điểu Âu phun nước phì phì rồi cũng nhảy xuống té nước vào Thiên Phụng và Thần Cơ. Ba đứa bé vừa hò hét vừa cười sằng sặc vang động cả một góc núi. Nước lạnh ngắt nhưng chúng chẳng quan tâm. Thái Sơn lại không quan tâm đến chúng. Cậu bé mải nhìn xuống phía dưới.

Cả một khoảng mênh mông rừng cây vàng rực, mây bay nhịp nhịp về phía tây nam, quả thực là một khung cảnh tráng lệ. Dòng suối từ trên thác đổ xuống từ trên cao chỉ thấy một màu xanh lam uốn lượn phủ lên mặt đất đá vùng sơn cước.

Gió đột ngôt lặng. Lá cây phía dưới thôi xào xạc. Phía dưới, những con chim hốt hoảng rít lên rồi bay tán loạn. Lúc trước khi leo lên Tụ Linh Phong, Điểu Âu đã buộc hai con ngựa ở một gốc cây gần đó, tự dưng bây giờ, chúng hí lên từng tràng. Tiếng hí của chúng dữ dội và hoảng loạn. Thái Sơn chau mày, lòng nhen lên sự lo lắng. Thái Sơn thầm nghĩ: “Tại sao lũ ngựa lại thế… Cha nói rằng ngựa có cảm nhận nguy hiểm rất tốt. Chúng đang cảm thấy cái gì… không lẽ có nguy hiểm…?” Tiếng ngựa hí bỗng nhiên im bặt. Khu rừng lại rơi vào vắng lặng. Nhưng không phải cái vắng lặng yên bình ban đầu mà có gì đó rợn mình.

Bất chợt, từ lùm lá vàng dưới cánh rừng, một đàn bướm đen bay vống lên. Thái Sơn hốt hoảng. Cậu bé nhận ra đó chính là những con bướm đen đã hút năng lượng của cha mình đến chết. Cậu bé hét lên:

– Bướm đen! Có bướm đen!

Thần Cơ nghe tiếng hét của Thái Sơn, giật mình. Cô bé cũng chứng kiến sự nguy hiểm của loài bướm này, nên khi nghe đến chúng không khỏi hãi hùng. Cố bé nhảy ra khỏi ao nước lạnh, chạy đến gần Thái Sơn, cũng nhìn xuống phía dưới núi:

– Nguy rồi! Chúng ta phải mau tìm chỗ nấp thôi. Đàn bướm này sẽ hút năng lượng của người đến chết đấy!

Điểu Âu và Thiên Phụng cũng thôi không ồn ào, lồm cồm bò lên. Điểu Âu làu bàu:

– Chỗ nấp duy nhất là cái hang ở trên đỉnh núi đó! Tại hai người mà ta không lên đó kịp rồi!

– Sao phải nấp! – Thiên Phụng nghênh ngang – Ta cứ cho mồi lửa là xong. – Cô bé xòe bàn tay ra, trên bàn tay hiện lên ngọn lửa nhỏ xíu.

Thần Cơ bĩu môi:

– Đốt được tầm chục con chứ đốt sao hết được cả đàn bướm thế kia. Đốt được một lúc chắc quận chúa cũng thành quận chúa quắt queo vì chết khô rồi.

Qủa nhiên, đó là một đàn bướm to lên đến cả ngàn con. Con nào con nấy to bự như bàn tay. Chúng to như vậy sở dĩ là nhờ hút đủ năng lượng. Điểu Âu giục:

– Mau chạy lên hang còn kịp…

– Không được đâu! – Thái Sơn sẵng giọng – Không kịp!

Điểu Âu lầm bầm:

– Trẻ con thì biết gì…

– Bướm không sống được dưới nước. Chúng ta chỉ cần chịu khó chui xuống nước đợi chúng bay qua. – Thái Sơn nói. – Nhưng chúng ta không nhịn thở được lâu, nên phải đợi chúng tới gần hẵng nhảy xuống ao.

Điểu Âu nghĩ một lúc cũng gật gù. Cậu thôi không lăm lăm trèo lên nữa. Thay vào đó, căng mắt quan sát đàn bướm đang bay ngược lên núi. Điểu Âu thấy hơi sờ sợ trong lòng, vì cậu bé không muốn bị mấy con bướm kia hút năng lượng của mình. Nhưng giờ đã rơi vào tình thế leo lên không được, tụt xuống không xong này, cậu còn biết làm gì nữa. Cậu đành tự nhủ: “Thôi kệ, dù gì cũng đỡ nhàm chán. Chơi đủ trò rồi, bây giờ chơi trò vượt qua nguy hiểm ấy mà!”

– Xuống nước! – Tiếng Thái Sơn hét lên.

Đàn bướm đã đến gần lưng chừng núi. Cả bốn đứa trẻ nhảy xuống ao, lặn xuống đáy. Từ dưới đáy nước, chúng ngước mắt nhìn lên. Những con bướm bụng đen sì đang rập rờn gần thác nước. Đàn bướm đen kịt, che khuất cả ánh mặt trời. Bốn đứa trẻ nín thở, cắn răng chịu nước lạnh cóng. Đàn bướm vẫn bay bay quanh thác nước, chưa có vẻ gì là di chuyển đi chỗ khác.

Ngâm nước nghịch ngợm một lúc lâu thì Thiên Phụng không có gì khó chịu, nhưng nằm trốn dưới nước nhịn thở thì quá sức chịu đựng của cô bé. Thiên Phụng quen sống trong nhung lụa, không bao giờ phải chịu khổ mà chính cô bé cũng không bao giờ cố gắng rèn luyện bản thân thành người có thể chịu đựng gió sương. So với việc cắn răng chịu khổ thì Thiên Phụng thấy rằng thà chết còn hơn. Ở tình huống này, cô bé cũng tự khuyên mình rằng thà để bọn bướm hút cạn sinh khí còn hơn ngồi cắn răng nhịn thở thu lu dưới nước. Mà giả dụ như lũ bướm không chịu rời khỏi khu vực ao nước thì chẳng phải là cũng chết đuối hay sao. Nghĩ thế, Thiên Phụng ra dấu hiệu cho ba đứa trẻ biết rằng cô bé sẽ trồi lên.

Thái Sơn thấy vậy, níu chặt tay cô bé lắc đầu. Thiên Phụng nhún vai, lắc đầu quầy quậy hơn, hất tay Thái Sơn ra. Cô vươn người lên trên, trồi khỏi mặt nước. Vừa trồi lên, cô bé đã dang tay thành hai quả cầu lửa. Qủa cầu lửa không to nhưng cũng đủ giết chết bất cứ con bướm nào lại gần. Ba đứa thấy vậy, đành trồi lên khỏi mặt nước.

Bướm bu kín lại. Chúng thấy miếng mồi ngon, bất chấp mạo hiểm tính mạng, cứ thế lao vào. Mùi cánh bướm cháy khét lẹt. Mùi khét lẹt ấy kích thích tính máu chiến của Thần Cơ. Thần Cơ hút nước từ dòng suối hắt về phía những con bướm đang lao tới. Bướm bị dội nước ướt cánh, bay không nổi, rơi xuống mặt ao trôi dập dềnh.

Thiên Phụng thấy vậy, càng thích thú, nhưng không quên nhắc Thần Cơ:

– Đừng có mải nghịch nước mà tắt lửa của ta đấy!

– Nói thừa! – Thần Cơ lại bĩu môi.

Điểu Âu bấy lâu nay không chịu học hành các cách điều khiển năng lượng nên lúc này chẳng thể khoa trương như Thần Cơ và Thiên Phụng. Cậu bé chỉ có thể dùng tay bóp chết từng con bướm đến gần. Nếu không bóp kịp, cậu dìm chúng xuống nước. Nếu chẳng may bị con nào bám vào người, cậu lặn xuống nước, tức thì nó chết ngay.

Chỉ có Thái Sơn là không giết bướm. Cậu bé còn đang mải nghĩ. Cả đàn bướm đông như vậy, mấy đứa trẻ con không thể giết hết chúng được dù cho Thần Cơ và Thiên Phụng cũng có chút bản lĩnh. Muốn thực sự thoát ra khỏi chỗ này phải gọi được Trấn Tây tướng quân đến cứu, hoặc phải bằng cách nào đó giết được nhiều bướm hơn.

Thái Sơn nhìn quanh. Ven bờ suối có rất nhiều cành cây khô. Cậu lại nhìn lên trời xem mây, những khối mây đang di chuyển nặng nề. Thái Sơn hỏi Thần Cơ:

– Chị, cha dậy chị cách dồn mây làm mưa chưa?

Thần Cơ nhăn nhó:

– Học rồi, nhưng mà chỉ được một chỗ nhỏ thôi.

– Thế là được rồi!

Thiên Phụng thở hồng hộc:

– Này, ngươi nghĩ kế gì thì nghĩ nhanh, ta mệt chết đi được rồi!

Thái Sơn ra lệnh:

– Quận chúa đừng đốt bướm nữa, đốt mấy đống cỏ khô kia đi!

Thiên Phụng nghe theo, ném từng quả cầu lửa vào những đụn cỏ khô, cửi khô ở gần đó. Lửa bốc cháy lên ngùn ngụt. Lửa cháy lan ra thành một vòng vây tròn vàng rực, nóng hừng hực, vây quanh ao nước. Đám bướm đen không dám lại gần, phải bay lờ vờ lẩn với khói ở trên. Điểu Âu hết phải lăn lộn và Thần Cơ không cần phải phóng nước nữa. Thiên Phụng thở phào:

– Đỡ quá… dùng lửa thật nhanh mất sức… Nhưng xong rồi thì sao? Ngồi trong vòng lửa đợi đến sáng à!

Thái Sơn giảng giải:

– Môn công pháp nhà họ Chúc của chúng ta là môn công pháp có thể điều khiển được tự nhiên theo ý mình muốn. Năng lực càng giỏi thì càng điền khiển được những vùng tự nhiên rộng lớn, nhưng năng lực yếu thì chỉ làm được một khu nhỏ. Bây giờ chúng ta chỉ cần làm một khu nhỏ thôi. Chị Thần Cơ, em cần chị làm mưa thật to, to như trút nước ở quanh khu vực mà đàn bướm đen đang bâu kín!

Thần Cơ gật đầu. Cô bé nhắm mắt lại, tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất. Bàn tay trái của cô bé xòe ra rồi chụm vào liên tục. Những khối mây trên trời bắt đầu di chuyển nhanh hơn. Những khối mây tụ lại ngay trên đầu lũ trẻ. Cánh bướm đen nhưng mây cũng xám xịt. Thần Cơ chuyển tay, tay phải chỉ lên trời, tay trái chỉ xuống dưới đất. Những khối mây cọ vào nhau ầm ầm, phát ra tia sét.

Mưa ào ào trút xuống. Đàn bướm gặp mưa to, cánh ướt nhẹp, rụng lả tả. Nước khiến chúng nằm ngửa ra chết. Điểu Âu nói nhanh:

– Đi thôi! Chúng ta cần trèo lên hang… Ở đó có đường dẫn về gần phủ!

Bốn đứa bé chạy vội ra khỏi quầng mưa. Không con bướm đen nào thoát khỏi trận mưa do Thần Cơ tạo ra. Không còn thời gian cho vui chơi hay kêu ca, bốn đứa nhanh tay nhanh chân trèo lên đỉnh núi. Chúng không biết được rằng liệu có còn đàn bướm nào đột ngột lao đến nữa không.

Cửa hang hiện ra trước mắt. Lúc này trời đã hoàng hôn. Cả không gian rực vàng. Bốn đứa trẻ thở hổn hển. Điểu Âu chỉ vào cửa hang:

– Vào đây, ta biết cửa hang dẫn đến phủ…

Điểu Âu xông xáo bước vào, nhưng ngay lập tức lùi dần trở lại. Thần Cơ ngó vào trong cũng thất sắc chạy ra. Thiên Phụng định xông vào tiếp nhưng Thái Sơn giữ lại. Thần Cơ nói:

– Trong đó có nhiều đồ hình lạ lắm!

Thái Sơn ở trong thư viện cũng có đọc qua một số đồ hình. Cậu muốn kiểm tra xem những thứ mình đọc đúng sai ra sao. Thái Sơn bước rón rén từng bước vào. Thiên Phụng phụng phịu:

– Ta cũng muốn xem!

Thái Sơn nhăn mặt:

– Quận chúa biết gì mà xem!

– Cha ta giỏi về đồ hình lắm…

Thái Sơn cũng có lí, đành để Thiên Phụng đi theo vào. Trong hang là hàng vạn những vòng tròn bằng lòng bàn tay. Chúng bám đầy trên mặt đá và trên vòm hang. Càng nhìn sâu vào trong hang, vòng tròn càng to hơn. Thái Sơn chưa từng thấy cái đồ hình nào lạ như thế này, cậu tự trách mình không đọc sách nhiều hơn.

Thiên Phụng cúi xuống nhìn vòng tròn gần nhất. Đó là một vòng tròn màu trắng được làm bằng một loại tơ. Những lớp tơ xếp lên nhau khá dày. Chính giữa vòng tròn là một khối tơ nhìn như cột tháp. Khối tơ ở đáy tháp cựa quậy. Thiên Phụng giật mình lùi lại:

– Hình như không phải đồ hình đâu…

Á… Á… Á… Tiếng hét của Điểu Âu thất thanh vang lên. Thái Sơn và Thiên Phụng lập tức chạy ra khỏi cửa hang. Thì ra đó là tướng quân Điểu Tùng. Tướng quân Điểu Tùng xách tai Điểu Âu lên khiến cậu bé đau đớn la hét ầm ĩ. Thần Cơ đứng cười khúc khích bên cạnh. Hoàng Tế Thiên đi cùng Điểu Tùng, nét mặt có vẻ căng thẳng:

– Trời sắp tối rồi, chúng ta không nên ở đây lâu… Nếu trong rừng đã có bướm đen thì nguy hiểm lắm!

Thần Cơ vỗ ngực:

– Không lo, bọn con vừa giết cả nghìn con bướm rồi…

– Chưa về được đâu! – Thiên Phụng lên tiếng chẳng cần biết phép tắc gì – Trong hang này có một ổ sinh vật kỳ lạ!

Thiên Phụng chạy lại cầm tay Hoàng Tế Thiên kéo vào trong hang. Tất cả cũng lật đật chạy vào theo. Thiên Phụng tiếp lời:

– Nhìn thì tưởng đây là đồ hình gì kì quái, nhưng mà không phải. Vừa nãy ta thấy những cuộn tháp tơ trong vòng tròn cử động. Chứng tỏ có sinh vật sống.

Điểu Tùng và Tế Thiên kinh ngạc nhìn hang đầy rẫy những vòng tròn. Chỉ có một thời gian ngắn bỏ hoang hang động không dùng mà chỗ này đã bị kẻ khác chiếm thành chỗ nuôi quái vật. Tế Thiên rút trong người ra một cây kim. Tế Thiên ngồi xổm xuống, dùng kim chọc vào cái tháp tí hon đang cử động. Từ trong tháp ứa ra một dòng nước đen ngòm, tanh rình. Với cây kim ấy, Tế Thiên gạt lớp tơ bên ngoài ra. Trong lớp tơ là một con bướm đen đang chuẩn bị lột xác.

Hà Thủy Nguyên

Đọc các chương của Long Điểu truyện tại đâyhttps://hathuynguyen.com/tag/long-dieu-truyen/

Home 2017 Tháng Mười Một

Chải tóc heo may

Chải sợi tang thương rớt mưa
Lơ thơ tơ tóc
Thiếu phụ ngả thu
Lá vàng gói mùa
Sương điểm đô thành phế

Chải sợi thời gian rụng
Ai nâng niu nỗi đau
Màu khẳng khiu cây gẫy
Nhựa ứa sầu
Hồn phế đô thoảng mơ

Ta đi vào quá khứ
Mây viễn xứ giăng giăng
Tóc trải dài phế tích
Cuộn hồn thu ngàn năm

Khinh nhẹ lướt phố mây
Tóc lộng gió heo may
Người đời bước về đâu, trôi về đâu
Ngàn năm có mỏi?
Có nghe hồn gió về?

Ta rũ tóc đêm thâu
Tang thương nhạt màu
Sương xanh xanh
Khói xanh xanh
Tóc thanh thanh
Phế đô lồng hư ảnh

Tóc triền miên vương quá khứ
Lọn thời gian quấn quít khói kinh kỳ
Ta chải rồi sao?
Mượt như suối
Nhẹ như mây
Mây suối rồi sao?
Thời gian rối tâm can ai người gỡ
Buông tay nghe gió lặng cuối chân trời…

Ta ngủ chìm phế đô ơi
Lá vàng khô. Đời rụng rồi

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2017 Tháng Mười Một

Cocktail đêm vị Jazz

Đắng giọt mây vương
Cay giọt lòng
Ảo giọt hàn băng lan Jazz đêm
Đếm ánh đèn vàng loang loang mặt
Đếm một người qua, lại một người qua

Gam đời lặng. Đêm trôi.
Mặt nạ nhạt. Đèn tàn.
Mắt ơi ta nhớ lệ
Mắt ơi ta nhớ ta.

Jazz rung rung lửa lặng
Men say say gió ngừng
Đổ trăng mờ ly đêm
Lưng dựa theo điệu êm

Thâu trọn ly đêm
Hồn lắc Jazz
Tay ai khơi vị Ta mà
Đêm lắc, vị lắc, men say lắc
Hồn Ta, Hồn Lửa tĩnh xem đêm

Ta nhấp vị Ta 
Trùng trùng cay đắng lên men
Điệu Jazz lặng tắt bên thềm
Lửa cạn rồi
Ta hiển lộ
Ta là Jazz và Jazz là ta

Này thế nhân
Ai dám nhấp vị Ta 
Ai dám say sầu đau
Ai hóa thân thành Jazz?

Hà Thủy Nguyên