Home 2018 Tháng Mười

Tôi vs Kim Dung hay những kỷ niệm về một thời “luyện chưởng”

Năm lớp 3, lần đầu tôi được biết đến tiểu thuyết chương hồi qua “Thủy hử”, “Tam quốc diễn nghĩa”, “Tây du ký”, “Hồng lâu mộng”… Thế giới kỳ vĩ của tiểu thuyết chương hồi đã đánh bật tất cả những cái đau nhè nhẹ của tiểu thuyết Pháp mà tôi mới đọc hồi ấy như “Không gia đình”, “Trà hoa nữ”, “Bá tước Monte Cristo”… Tôi say sưa nhiều năm trong thế giới ấy, đọc đi đọc lại cho tới khi đọc… Kim Dung.

Tôi còn nhớ đó là năm lớp 7, khi tôi bị tai nạn gẫy chân, lúc nào cũng ngồi một chỗ trong lớp. Mấy cậu bạn trai dấm dúi chia nhau tiền để thuê “Tiếu ngạo giang hồ” đọc, rồi chém gió có vẻ đắc chí lắm, tôi bèn đọc ké… và bị Kim Dung ám từ hồi ấy. Khỏi chân rồi, tôi lê la ra hàng thuê truyện cũ để đọc hết quyển này quyển khác của Kim Dung: “Thiên long bát bộ”, “Anh hùng xạ điêu”, “Thần điêu hiệp lữ”, “Ỷ thiên đồ long ký”, “Tuyết Sơn phi hồ”… và cuối cùng là “Lộc Đỉnh ký”. Thế là đi tong năm lớp 7 và lớp 8, chuyện học hành là phụ, Kim Dung là chính: những buổi trưa bán trú trùm chăn giả vờ ngủ trốn cô giáo chủ nhiệm để đọc, những buổi đêm trốn lên gác xép để không bị mẹ nghi ngờ là thức khuya “luyện chưởng”, những lúc trốn học thêm để ngồi lê la ngoài hàng thuê truyện tiết kiệm tiền đặt cọc… Bài giảng của cô giáo cố hiểu hết trên lớp, bài tập về nhà cố làm hết trong giờ ra chơi với giờ ăn trưa, để còn rảnh rang… đọc tiểu thuyết kiếm hiệp.

Đọc nhanh quá, miệt mài quá, ấy thế là đọc hết mất rồi… bèn tập làm Kim Dung. Lúc ấy, tôi dụ mấy đứa bạn cùng lớp cũng làm báo, cũng viết truyện kiếm hiệp. Báo của chúng tôi viết về tình hình của lớp, đăng bài viết và tranh vẽ của các bạn, và đương nhiên là có… tiểu thuyết kiếm hiệp do tôi viết. Hồi đó, tôi bắt đầu viết “Long Điểu tranh hùng” và đăng từng chương trên báo. Ấy thế mà báo cũng bán chạy. Nhưng viết “Long Điểu tranh hùng” rất khó, hồi đó tôi chưa biết nhiều về chính trị và quân sự, nên đành gác lại đó đến tận… bây giờ. Sau đó, tôi viết “Bát long nghĩa hiệp” (tên sách sau này được đổi thành “Điệu nhạc trần gian” để xuất bản cho dễ).

“Điệu nhạc trần gian” được viết theo thể loại tiểu thuyết chương hồi, cũng có tinh thần nghĩa hiệp và bảo vệ chính nghĩa, nhưng lấy bối cảnh lịch sử là thời nhà Lý ở nước ta. Tôi đã học ở Kim Dung cách thức xây dựng các nhân vật nam chính như Tiêu Phong, Đoàn Dự, Dương Qúa… chỉ riêng Lệnh Hồ Xung là chịu, không sao mà học được. Tôi còn học ở ông cách vận dụng các yếu tố lịch sử và văn hóa Á Đông để tạo không gian cho truyện. Chính nhờ nỗ lực ấy mà tôi tìm đọc đến tư tưởng Lão  – Trang, lục lọi lịch sử Việt Nam, văn hóa tôn giáo và tâm linh của người Việt… ở trong thư viện Hà Nội. Tôi đã di dời từ cửa hàng thuê truyện ở lề đường vào thư viện như thế đó! Bố tôi cũng không tiếc tiền, tiếc công cho tôi mua một mớ sách và đưa tôi đi rất nhiều địa điểm lịch sử ở miền Bắc. Ông còn khuyến khích bảo tôi rằng nếu muốn viết truyện thì viết cho đến nơi đến chốn, chỉ cần vẫn… học sinh giỏi là được. Bố tôi còn bảo, ông sợ đọc Kim Dung lắm, vì đọc vào rồi thì không dứt ra được, chẳng làm được việc gì… thế nên khuyên tôi là… cứ viết đi. Bây giờ bố mất rồi, Kim Dung cũng mất rồi, và những kỷ niệm ngày đó lại trỗi dậy theo cách lạ lùng lắm. Tôi viết được 10 chương đầu tiên của “Điệu nhạc trần gian”, dầy khoảng 100 trang A4, bố đèo tôi đi khắp các nhà xuất bản ở Hà Nội, nhưng chẳng bên nào chịu nhận bản thảo. Họ đều khăng khăng bảo rằng sách không phải do tôi viết mà do bố tôi viết. Lúc ấy, tôi đã chán lắm rồi, nhưng vẫn tiếp tục viết bất chấp có được in hay không.

Thuở đó, tôi đã ý thức được rằng mình là người Việt… nên phải cố làm sao cho … khác Kim Dung. Đó thực sự là một cuộc vật lộn cho đến trang cuối cùng. Đến trang cuối của quyển sách, là vào năm tôi học lớp 10 thì tôi mới thở phào và nhận ra rằng ít nhiều mình cũng… khác Kim Dung một cách tự nhiên. Truyện của tôi, do hạn chế của tôi trong hiểu biết về võ thuật, nên các nhân vật đã được chế thành thần tiên, ma quỷ với phép thần thông. Và đương nhiên, giọng văn của một đứa trẻ mới lớn thì có cái non nớt ngây thơ, khác hẳn so với một nhà báo chính trị như Kim Dung. Đó, người ta bảo truyện tiên hiệp chỉ bắt đầu có từ “Tru tiên” (năm 2003), nhưng mà tôi đã viết tiên hiệp một cách vô ý từ năm 2000 rồi, chỉ là đến 2004 mới được xuất bản mà thôi.

Một cách kỳ diệu đưa đẩy, bản thảo đến tay nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên. Hai ông rất hứng thú với trường hợp của tôi và khuyến khích tôi … xuất bản. Khi cuốn sách được xuất bản thì cũng có thể nói là gây… hiện tượng bấy giờ. Các báo đều viết về tôi, có người còn gọi tôi là “Kim Dung Việt Nam”. Với cách gọi ấy, tôi thực sự chẳng biết nên vui hay nên buồn. Sau cùng thì hóa ra tôi vẫn thua Kim Dung rồi.

Từ ấy tôi không đọc kiếm hiệp nữa, và cũng tự xóa não mình cho quên phứt những cuốn tiểu thuyết chương hồi kinh điển. Tôi thực hiện một cuộc… “thoát Kim Dung”. Cũng không dễ! Ban đầu rất dễ bị lôi Kim Dung ra để so sánh với tiểu thuyết viết theo lối phương Tây, lôi triết lý phương Đông ra để … tranh luận với triết học châu Âu. Sau cùng thì quyết định là vứt tất! Xếp sách vở vào tủ sách, để lao vào đời, để “lăn lộn giang hồ”. Ấy thế mà lại thoát. Tôi bắt đầu khỏi được cái bệnh lôi tiêu chuẩn Á Đông ra để so sánh với giá trị này, giá trị kia, và đặc biệt là tôi đã có giọng văn khác hẳn cái thời “Điệu nhạc trần gian”. Chính lúc “thoát Kim Dung” ấy lại khiến tôi đọc lại Kim Dung với một con mắt khác. Tôi bắt đầu nhìn thấy tầm cỡ thật sự của ông, thấy được thế giới võ hiệp ông tạo nên như một thực tại siêu thực vẫn đang áp lên thực tại hiện đại. Thực tại ấy là nơi thỉnh thoảng khi tôi mệt mỏi với cuộc chiến giang hồ, có thể quay về tấu một khúc “Tiếu ngạo giang hồ”, có thể uống rượu sảng khoái cùng Tiêu Phong, có thể chọc phá thiên hạ cùng Châu Bá Thông, có thể đánh chén một bữa ngon lành cùng Hồng Thất Công… Sự thống khoái ấy, phi Kim Dung, chẳng nhà văn nào trên thế giới có thể đáp ứng cho tôi được. Nỗ lực “thoát Kim Dung” đó… thú vị thay, lại đưa tôi đến gần với Kim Dung hơn.

Tối qua nghe tin Kim Dung mất, tôi không tiếc thương ông lắm, vì từ năm 1972 đến giờ ông cũng chẳng viết thêm được cuốn sách nào… thậm chí còn sửa sang các cuốn tiểu thuyết của mình khiến sách… bớt hay đi. Với tôi, ông ấy chết từ lâu rồi. Nên ông mất, tôi mừng cho ông. Nhưng cái chết của Kim Dung nhắc lại cho tôi những kỷ niệm về ngày đầu viết lách của tôi, và nhắc tôi nhớ về bố tôi – người đã rất sợ đọc Kim Dung nhưng lại rất đắc chí khi thấy tôi yêu thích Kim Dung đến thế. Và tôi nhận ra, giờ đây, với tôi, tiểu thuyết Kim Dung còn là thực tại của ký ức về những gì đã qua đi nhưng dấu vết lại chẳng thể phai mờ.

Hà Thủy Nguyên

Mời các bạn đọc thêm bài viết ngắn về Tiểu thuyết Kim Dung của Hà Thủy Nguyên trên Tin Tức Việt Nam:

Tiểu thuyết Kim Dung – Những hồi ức về tinh thần nghĩa hiệp, lòng bao dung và tiêu diêu thoát tục

 

Ca khúc “Hữu sở tư” trong “Tiếu ngạo giang hồ” (2001)

Home 2018 Tháng Mười

Độc giả thích tác phẩm “dễ dãi” cũng là điều dễ hiểu (Trả lời PV báo An ninh Thủ đô năm 2016)

Dưới đây là bài trả lời phỏng vấn báo An ninh Thủ đô của nhà văn Hà Thủy Nguyên trong năm 2016 về những cuốn sách thuộc loại “khó đọc” của mình và gu đọc sách “dễ dãi” của độc giả trẻ hiện nay.


Phóng viên: Mai Anh

ANTD.VN – Lý giải về việc vì sao độc giả lại thích đọc những tác phẩm văn học theo kiểu “mỳ ăn liền”, nhà văn, nhà biên kịch Hà Thủy Nguyên – một trong những tác giả trẻ hiếm hoi theo đuổi đề tài dã sử cho rằng, điều này không khó hiểu vì “độc giả thế nào thì tác giả như thế”. 

– PV: Mới đây (2016) người ta thấy chị ra mắt tập thơ “Mùa dã cổ” sau một loạt tác phẩm mang tính dã sử, rồi các kịch bản phim truyền hình. Vì sao có việc dấn thân này? 

– Nhà văn Hà Thủy Nguyên: Thực ra tập thơ này được lên ý tưởng từ những năm 2005 cho đến quãng 2014-2015, tôi viết khá nhiều bài rồi lại ngắt quãng rồi lại viết. Sau cùng, tôi rút ra quyết định rằng đơn giản là mình cho ra một tập thơ coi như đánh dấu một giai đoạn của cuộc đời. Vậy thôi!

– Nhiều người nghĩ rằng chị ẩn mình vì đã hứng đủ “gạch đá” từ dư luận, nhất là sau khi bộ phim mà chị là nhà biên kịch – “Vòng nguyệt quế” lên sóng. Lúc đó, chị cảm thấy thế nào?

– Tôi còn nhớ khi bộ phim “Vòng nguyệt quế” lên sóng năm 2008, cứ trung bình mỗi ngày lại có một bài báo phê phán bộ phim. Phim này tôi viết về đời sống của nhà văn, nhà báo… nói chung là tầng lớp trí thức trong nước. Khi phim mới chiếu được 1 tập, có rất đông  nhà văn, nhà báo nhảy vào “ném đá”, họ nói bộ phim sỉ nhục giới trí thức. Nhưng tôi nghĩ rằng phim mới chỉ phơi bày được khoảng 30% những gì mọi người thấy.

– Có vẻ như chị khá lận đận với sự nghiệp viết lách, nhất là khi cuốn sách thứ hai của chị “Cầm thư quán” cũng bị thu hồi sau khi ra mắt độc giả?

– Khi ra một cuốn sách, tôi thường không tổ chức truyền thông hay sự kiện ra mắt. Vì tôi muốn rằng khi sách ra, độc giả phải đọc sách của mình đã rồi sau đó mới bình luận, khen chê. Thời điểm  “Cầm thư quán” phát hành cũng ít người biết đến nên tôi khá ngạc nhiên vì nó bị thu hồi.

Tôi không cho rằng việc cuốn sách của tôi không đến được với bạn đọc do những vấn đề tôi đề cập quá “mới mẻ” hay do thời thế, vì những tác giả có tiếng trước đây cũng đã viết truyện hư cấu lịch sử nhiều rồi.

Hiện nay (2018), Cầm Thư quán đã “tái xuất” sau 10 năm lận đận, click vào link:

https://www.hangcao.info/san-pham/cam-thu-quan/

– Một nhà văn trẻ lại gặp phải cú “sốc” như vậy, chị có nghĩ đến việc từ bỏ hay chuyển hướng, không viết văn nữa hay không?

– Lúc ấy tôi cũng từng bị chấn động và phân vân kiểu như tự hỏi: Mình có cần thiết phải viết văn hay không?

Nói thực, nếu không viết văn, tôi cũng có thể làm nhiều việc khác như truyền thông, biên tập đến viết sách, rồi viết kịch bản phim… Hơn nữa viết kịch bản phim thì được nhiều tiền hơn là viết văn (cười).

Nhưng cứ làm việc gì khác thì tôi lại chán và trong đầu lại nghĩ đến việc viết văn. Tôi “dật dờ” trong một thời gian khá dài. Khi tâm trạng,  tôi lại viết một bài thơ, hay một bài phân tích nhưng không gửi đi đâu cả, chỉ giữ riêng cho mình thôi.

– Chị có cho rằng độc giả hiện nay dễ dãi không, khi những tác phẩm chất lượng tốt thì im hơi lặng tiếng còn những cuốn sách mang tính thị trường, viết theo kiểu “mỳ ăn liền” thì được độc giả săn đón?

– Tôi cho rằng trong giới văn trẻ vẫn có những người mà họ đau đáu những tác phẩm có giá trị. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng độc giả muốn như thế nào thì đòi hỏi những tác giả ấy phải “chiều” như thế.

Việc độc giả thích thú với những tác phẩm “dễ dãi” cũng là điều dễ hiểu. Khi dạy một số lớp cảm thụ văn chương, tôi lấy một số tác phẩm rất dễ hiểu của giai đoạn 1930-1945 nhưng một số em không hiểu được những từ ngữ cơ bản trong đó.

Điều này cho thấy rất khó để đòi hỏi những bạn trẻ phải đọc những tác phẩm được viết bằng ngôn ngữ đẹp, có nhiều ẩn dụ hoặc những văn bản ẩn chứa nhiều tri thức. Một trong những nguyên nhân nữa khiến những cuốn sách dù có giá trị nhưng không được độc giả đón nhận, đó là đời sống mà nhân vật trải nghiệm không phải là đời sống mà các bạn trẻ có. Bởi vậy họ không tò mò về những tác phẩm đó.

– Vậy cũng rất khó cho nhà văn lựa chọn xem mình viết cái gì, phải không ?

– Tôi thấy các nhà văn trẻ họ đều có suy nghĩ muốn viết hay thì phải đi theo xu hướng nào đó. Chẳng hạn viết theo một tác phẩm hàn lâm thì phải viết theo trường phái “hậu hiện đại”, hay nếu viết kiểu thị trường thì phải “xách ba lô và đi”.

Những cái đó chỉ là quy chuẩn của truyền thông, còn tôi nghĩ rằng, bất cứ ai cũng có câu chuyện để kể cho độc giả của mình, cái chính là họ có muốn và có dám kể hay không mà thôi.

– Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Home 2018 Tháng Mười

Tham tuyệt đối, Sân tuyệt đối, Si tuyệt đối

Phật giáo đề xướng diệt Tham, diệt Sân, diệt Si, để tự tính hiển lộ, để có được bát nhã, để giác ngộ. Với con mắt của kẻ vẫn vướng vào bụi trần thì đó cũng là một loại Tham – Sân – Si. Diệt tất thảy những điên rồ cuồng loạn, bẩn thỉu thấp hèn trong con người nhưng những huyễn tưởng sẽ vẫn bay lượn trong thế giới tâm trí. Diệt ngay cả sự diệt ấy cũng là một loại khó khăn, bởi những điều thấp hèn trong phẩm chất con người giống như loài trùng biến hình, càng đánh vào chúng càng sinh sôi và biến tướng.

Tại thế tục, luôn có hai chiều kích cho bộ ba lầm lạc này:

Tham có hai loại: Một là bị kích động bởi lòng dục để thỏa mãn mọi nhu cầu của xác thịt, ví dụ như ăn phải cho nhiều, tiền phải kiếm cho đầy túi, tình dục phải cho thỏa thuê, chỗ ở phải dễ chịu, sống phải cho lâu… Cái tham này tồn tại là bởi mỗi chúng ta vẫn còn ở trong thân xác này và cần phải duy trì nó, thậm chí chúng ta còn muốn nhiều hơn cả sự sinh tồn. Hai là khao khát được khẳng định bản thân, được tham gia nhập cuộc, được cuộc đời biết đến. Lòng khao khát ấy chính là động lực sâu kín hơn để dẫn dắt mỗi người mong muốn những điều vượt trên sự cần thiết để duy trì thân xác.

Sân có hai loại: Một là do những tương tác của môi trường gây sự khó chịu cho thân xác khiến con người luôn phản ứng để đối kháng, cố gắng tìm một cảm giác dễ chịu. Bất cứ sự đau, ngứa, khó thở, mỏi mệt… đều là sự phản ứng lại những tác động của thế giới bên ngoài đang cố gắng hủy hoại sự sống thân xác của mỗi cá nhân. Sự khó chịu ấy sẽ gia tăng nếu ta vẫn tiếp tục tiếc nuối cảm giảm hoàn hảo và khỏe mạnh mà thân xác của ta đã trải nghiệm trước đó. Sự tương phản ấy càng làm gia tăng cơn khó chịu. Chung quy cũng do lòng tham của thân xác không được thỏa mãn. Lòng tham khẳng định bản thân cũng dẫn đến cái một phiên bản cao hơn của sân. Người ta sân hận khi vị trí mà người ta mong muốn ở cuộc đời không có được hoặc có rồi mà lại bị mất. Người ta không mấy khi tự hỏi bản thân xem sự khát khao khẳng định ấy có cần thiết hay không, mà chỉ bị bám víu theo một cái gì đó hư ảo đã được dựng nên.

Và bây giờ đến Si: Si, ở một chiều kích, chính là sự hư ảo ấy. Ở chiều kích thấp hơn, “si” là tình trạng hạn chế của nhận thức. Do con người bị giới hạn trong thân xác nên nhận thức của con người cũng bị thân xác trói buộc, mắt không thể nhìn xa, tai không thể nghe rõ,… não không thể xử lý một lượng rất lớn thông tin. Sự hạn chế này khiến cho lòng tham không dễ dàng gì thỏa mãn, khiến cho cảm giác khó chịu không dễ gì nguôi ngoai. Cái si được đẩy theo một chiều kích của tâm trí: những vọng tưởng hư ảo. Chúng được khoác lên nhiều mỹ từ: lý tưởng, đam mê, ước vọng, chứng nghiệm… nhiều lắm. Người ta nuôi các ảo giác này khi nhận ra rằng lòng tham là không thể thỏa mãn. Sự hư ảo này luôn được coi là cao quý hơn tất thảy, đại diện bởi chính nghĩa, thiên đường, tịnh độ, sự thanh khiết, sự thoát tục, sự thần tiên… bất cứ cái gì khiến cho con người không phải đối mặt và chấp nhận một sự thực rằng ta không là gì cả, thân xác của ta sẽ tan biến, linh hồn cả ta phải đối mặt với sự hư vô mênh mông không bờ bến.

Ở chiều kích của thân xác, Tham – Sân – Si khiến con người đơn giản là một sinh vật giống như bao nhiêu giống loài khác trong hệ sinh thái vĩ đại của Trái Đất. Ở chiều kích của tâm trí, con người tạo nên xã hội và xã hội vận hành theo bộ ba lầm lạc ấy. Xã hội là một chuỗi sai lầm và nỗ lực sửa sai, để rồi lại sai theo một cách khác. Tại sao chúng ta chỉ có thể sai và sửa sai? Không có cách nào khác hơn sao? Tại sao không thể thực sự đúng được một lần. Cái đúng hay chân lý chẳng qua cũng chỉ là một ảo vọng của đàn khỉ đi trong đêm đông lạnh giá tưởng lầm ánh sáng đom đóm chính là ngọn lửa sưởi ấm. Vươn tới chân lý, sự hướng thượng, buồn thay, cũng là một sự tuyệt vọng của loài người. Tôi nhận thấy, ẩn sâu trong mỗi tinh thần hướng thượng đều thoáng một cái buồn không thể diễn tả được. Cái buồn của sự cô độc và vô vọng.

Kẻ chạy theo điều hư ảo của thế gian, chấp nhận làm một ốc vít để vận hành hệ thống xã hội, họ không tuyệt vọng bởi vì họ đã nhốt mình trong ảo giác ấy, tuyệt đối không muốn thoát ra, kể cả khi thân xác đã chết. Đối với họ, thật sự chẳng biết nên đáng cười, đáng thương, đáng trách hay đáng khinh bỉ nữa. Định mệnh của họ là sai lầm và họ tìm thấy niềm vui trong sai lầm ấy. Nếu không chọn vừa lòng với sai lầm của mình, làm sao ta có thể vui vẻ mỉm cười, hạnh phúc và ngạo nghễ bước qua số phận?

Nhưng tôi yêu sự buồn và cô tịch của những kẻ hướng tới vô vọng kia. Trong vô vọng tuyệt đối, chúng ta bước tới sự mênh mông. Trong mênh mông ấy, sai hay đúng chẳng còn quan trọng và chân lý có hay không thì cũng thế mà thôi.

Nếu từ cõi mênh mông ấy, một lần, ta “hạ phàm” để chấp nhận mình như một cỗ máy sinh học, một phần tử của cấu trúc Tham – Sân -Si trong nhân giới, thì sao? Ta sẽ khinh miệt hay bám víu vào tất thảy để thoát khỏi sự vô vọng? Hay lại tiếc nhớ mênh mông? Chọn cho mình một ham muốn, một sự bức xúc và một lý tưởng để trở thành vai diễn, để chơi đùa trên sân khấu, nhưng sâu thẳm bên trong ý thức rằng mình đã từng vô vọng. Hoàn thành định mệnh trong vô vọng đòi hỏi nhiều định lực hơn bất cứ điều gì khác.

Cuộc đời tôi vô vọng hơn tất thảy và khoảnh khắc này tôi đang viết trong vô vọng.

Chỉ những tiếng vọng của tàng thức kêu gào điều tuyệt đối. Tham tuyệt đối là Không. Sân tuyệt đối là Không. Si tuyệt đối là Không. Nếu đi đến tận cùng của Tham Sân Si, bạn sẽ gặp tôi ở đó, ở Vô Vọng.

Hà Thủy Nguyên

Home 2018 Tháng Mười

Kẻ mơ

Tôi đã quên mình là kẻ mơ
Lơ thơ trên phố
Dọc ngang tìm lời giải đố
Chẳng viết nổi câu thơ

Có những chiều thu lạnh nhạt trôi qua
Tôi đi và đi giữa dòng người
Dòng đời trôi đi đâu về đâu
Dòng sông ra biển tìm cái chết
Còn tôi hư huyễn thoát giấc mơ
Để rơi vào cơn mơ khác
Thêm tầm thường
Thêm giả dối

Muôn vàn kiếp phù du
Đâu ai tỉnh
Phật cũng rơi vào hư huyễn thế giới trùng trùng
Niết bàn vô vọng khua tay với
Chỉ nỗi buồn
Và buồn
Và cô độc như tôi

Tôi buồn
Kẻ mơ đi giữa vạn cơn mơ
Tuồng nhập thế có hạ màn đâu nhỉ
Tôi chẳng thể quên vở diễn
Cố say đời cho ảo hoá
Và ngày mai ai sẽ khóc sẽ cười

Một ngày thu đã cạn
Gió bạc phố
Chẳng lò sưởi nào cháy nơi tim
Những môi héo lạnh chờ cô độc
Chờ xác xơ cho tĩnh lặng linh hồn

Ai có nghe
Có nghe
Gió về
Mùa sầu thảm thả sương giăng thành phố
Nơi ta chọn một cơn mơ
Để nhớ mình đang mơ
Nỗi buồn ở đó
Người đi qua cười nhạo đã khô môi

Đêm chuyển mùa mưa rơi
Mơ ơi mơ ơi
Ta cứ buông lơi
Mặc câu thơ cũ mới
Mặc đời nhớ nhớ quên quên
Thơ đã viết lên
Niết bàn cũng đổ
Phật đã giáng trần
Hào quang nhạt cả
Chỉ còn gió bạc
Phố dài chơi vơi

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2018 Tháng Mười

Bông và mùa thu

Mùa thu lăn dài theo những giọt mưa. Những giọt mưa bứt lá rụng tơi bời. Lá xanh, lá vàng lốm đốm trên khoảnh sân nhỏ hẹp. Khoảnh sân lọt thỏm giữa một khu ngồn ngột nhà cao tầng. Im lặng tới đáng sợ! Sự đáng sợ không bắt nguồn từ sự hoang vắng! Đáng sợ là vì trong những căn nhà bề thế ấy có người cũng như không. Cơn mưa, mùa thu hay chiếc lá đều chưa từng nhìn thấy chủ nhân của khu nhà. Chúng chỉ thấy một con chó bông nằm say ngủ trên hiên nhà, luôn miệng “ăng ẳng” trong những cơn mơ.Bông bừng mắt tỉnh dậy. “Gấu!” Ngạc nhiên chưa… Bộ lông trắng muốt được tẩy rửa bằng dầu gội đầu đâu mất rồi. Bông mang máng nhớ tới cái quảng cáo gì đó có hai con thiên nga trắng lội nước, một con khi vục đầu xuống thì màu trắng được thay dần bằng màu đen. Chẳng lẽ mưa mùa thu đã cướp mất màu trắng trên bộ lông của nó. Nó thành một con chó đen mất rồi… “Gú… ú…” Bông tru lên vươn vai đứng dậy…

Qúai! Ngồn ngộn nào là núi… là núi… Chẳng thấy những ngôi nhà cao tầng đâu, chẳng thấy cái hiên lát gạch bóng loáng đâu… chỉ thấy đá chồng chất thành một cái hốc.

Bông nghe thấy tiêng gió rít, tiếng ầm ầm của ngàn con voi giày xéo cánh rừng đang trào qua các núi đá đen sì. Bông lao người ra khỏi hốc đá. Nó chạy thục mạng, chạy như chưa bao giờ được chạy, chạy vì tranh được cục xương của một con chó dữ nhà hàng xóm, chạy muốn bay trên những thân cây đổ, dẫm nát cả đám muỗi vắt trốn trong đám địa lan , cỏ sắc dưới nền đất. Nó thích thú biết rằng có một con lũ rất to đang đuổi đằng sau nhưng nó cũng sợ con lũ ấy sẽ đòi lại màu đen trên lông nó. “Gú…ú…” Nó lại tiếp tục tru lên!

Nước lũ thấm vào chân nó lạnh buốt. Lũ càng dâng cao, màu đen trên lông nó càng bị tẩy đi. Bông lại trở về làm Bông. Nó thất vọng khịt khịt cái mũi…

Ôi chào… Lại một giấc mơ. Gío tạt mưa vào hiên nhà khiến nó tỉnh, thoát khỏi cơn lũ đang nhấn chìm dần màu đen trên lông nó. Bông gục đầu lên hai chân trước ngán ngẩm nhìn mưa thu rào rào kéo tuột nắng xuống mặt lá vàng. Cái cảnh buồn tẻ của mùa thu thành phố! Buồn tẻ tới muốn thè cả lưỡi ra cho đỡ thèm, đỡ nhớ lúc đuổi nhau với thác lũ giữa bốn bề xám xịt của đá, của núi, của rừng, của mây đen…

Nhìn kìa, mây trên trời đen chẳng ra đen, trắng chẳng ra trắng! Làm sao loài người có thể yêu mùa thu ở thành phố được nhỉ. Một chút nắng, một chút gió, một chút lá, một chút mưa… cái gì cũng một chút… đến là ức chế! Bông phì một hơi nhìn đàn kiến đang bu vào miếng thịt của nó ăn còn thừa vứt trong chiếc bát sắt ở xó nhà rồi uể oải đứng dậy. Mưa tạnh!

Bông bước xuống sân dạo một vòng ở mấy nhà quanh quanh. Một cô nàng bốn chân phe phẩy đuôi đuổi đàn kiến xếp hàng tránh lụt. Bông sững người giây lát, nó nghe thấy tiếng thác lũ đuổi đằng sau. Lại quái lạ nữa rồi! Xung quanh làm gì có núi mà vẫn có lũ rừng! Bông ba chân bốn cẳng chạy vội tới cô nàng. Cô nàng giật mình “ẳng” lên một tiếng “ứ hự”. Bông chẳng để cho ả kịp hiểu điều gì, nó dùng đuôi mình ngoắc chặt vào đuôi đối phương, đè hai chân sau lên tám móng. Cô ả “ư ử” rồi tru lên như chó sói. Tiếng nước bên tai Bông lúc một rõ và nó nghe thấy cả tiếng màu đen đang lan dần, lan dần trên từng sợi lông trắng muốt.

Mưa thu trong phố vẫn đẹp một cách sáo rỗng, mưa thu ru ngủ loài người trong âm điệu đều đều, buồn buồn, mưa thu làm ta quên những cơn lũ rừng. Nếu một ngày đẹp trời nào đó, ta chợt thấy cảnh trời mưa trong lá vàng rơi trở nên tẻ nhạt, ta chợt nghe thấy tiếng ào ào của nước xối từ trên cao tít gần trời đổ xuống thì phải chăng… ta cũng chẳng khác gì con Bông nhà ta.

Hà Thủy Nguyên
Hà Nội, ngày 5 tháng 10 năm 2005