Home Bình Luận Nỗi niềm của một trọc phú tri (kiến) thức

Nỗi niềm của một trọc phú tri (kiến) thức

Trước tiên, mình cần khẳng định không có gì giấu diếm rằng mình đích thực là một trọc phú tri thức, không những thế còn là loại trọc phú tri thức đi lên bằng tay trắng 😁 Mình không phải “con ông cháu cha” trong giới tri thức để được thừa hưởng những yếu tố “gia truyền” như kho tư liệu hay network sẵn có. Đã thế, lại còn không đủ kiên nhẫn ngồi đủ lâu trên ghế đại học để được thầy nọ cô kia nhận là đệ tử chân truyền rồi tạo điều kiện phát triển sự nghiệp nhằm gây dựng vây cánh. Tóm lại, mình bước vào giới tri thức văn nghệ sĩ đúng theo cái lối rất trọc phú: đó là bất chấp tất cả để tích lũy vốn kiến thức và trải nghiệm riêng.

Người ta giàu tiền, giàu của cải…còn đứa trọc phú tri thức như mình đây thì được cái chữ nghĩa vương vãi khắp nơi. Tiêu pha chữ nghĩa cứ gọi là không bao giờ biết tính toán là gì. Để có được cơ đồ của một trọc phú tri thức loại phèn như mình (không thể so được với các trọc phú tri thức nước khác), thì cũng đã bở hơi tai lắm rồi.

Cái thời não rỗng ở tuổi phá làng phá xóm, trẻ con trong khu tập thể chơi bời quậy phá, thì mình bằng mọi thủ đoạn tiết kiệm thời gian làm bài tập trên lớp, để được ung dung đọc sách. Hồi đó, rảnh đến mức một bộ sách đọc từ cuối đến đầu rồi lại đọc từ đầu đến cuối, chán thì đọc từ giữa đọc ra. Nhà có giỗ, mặt dày không giúp mẹ nấu nướng dọn dẹp, không chào hỏi họ hàng, không bả lả chuyện trò, nằm khểnh đọc sách. Tiết kiệm thời gian tới mức vào WC đi ị cũng mang theo sách rồi đọc riết trong đó 2 tiếng. Ở lớp bán trú thì trốn ngủ trùm chăn đọc, lật trang thật khẽ để không bị cô giáo chủ nhiệm bắt gặp. Đêm về đọc tiếp, đọc chán thì lại viết. Sách nhà có giới hạn, thì phải đi thư viện, phải đủ chiêu kiếm tiền để thuê sách ở mấy tiệm cho thuê. Dăm bữa nửa tháng phải quy hoạch sách, dụ bọn cùng xóm, cùng lớp thuê lại sách mình sở hữu để mình lấy tiền mua sách mới, hoặc không phải tìm cách bán những quyển không cần đi… Vâng, hồi ấy mới là hết cấp 2.

Lên cấp 3 và đại học, bắt đầu cũng có vài đầu mối qua lại với giới trí thức văn nghệ sĩ, chợt nhận thấy các vị rất thích chạy theo trend nọ trend kia, trong khi nền tảng đọc của mình lại khác họ, thế thì giờ mình cũng đu trend hay là thủ cựu giữ cái sở học của mình. Thôi thì mỗi dòng sách trendy, dành thời gian để đọc nó, không những đọc nó mà còn phải đọc cả quá trình nó được tiếp nhận ở Việt Nam, tìm hiểu cả lý do nó thành trendy. Dần dần, mình cũng hiểu được quy luật trendy ấy, và thay vì mình đu trend thì mình bắt đầu đoán trend, đoán được trước nên đọc trước, đọc trước nên mới có chuyện mà chém gió chém bão khi bà con vẫn đang loáng thoáng nghe đồn. Cũng nhờ năng lực đu trend đó, mà đến nay, kể ra cũng gây dựng được Book Hunter kha khá, dù Book Hunter cũng như mình, đi lên từ tay trắng. Các trọc phú tiền tài chả phải cũng như vậy à, đoán biết các xu hướng và xuống tiền đầu tư từ trước khi người ta để ý. 🤣

Gớm, còn nhớ năm 2005, mình cầm quyển “Zarathustra đã nói như thế” “Schopenhauer – Nhà giáo dục” để đọc, thì bị không ít trí thức bĩu môi kêu trí thức phải tha thiết với thời cuộc, đọc mấy thứ hư vô chủ nghĩa thế này làm gì. Đấy, thế mà đến khi mấy dòng Osho và Harari tụng ca Nít được xuất bản thì bà con đua nhau đọc, ai cũng phải sắm lấy vài ba câu Nít không thì không được gọi là sang, không phải dân đọc sách “trất”. Rồi năm 2015, mình đi dụ người này người kia dịch Schopenhauer đi, đã nói là Nít hot thế thì thế nào Schopenhauer cũng hot, nhưng ai cũng lắc đầu kêu mệt, kêu không bõ, phải xoắn não như Căng mới đáng để bàn tới. Tại lúc đó đang hot trend Căng. Thế là đành cong mông tìm người dịch, xuất bản xong rồi thì có người ghét, hóa ra vì người ta cũng đang nhăm nhe dịch ổng, vì hóa ra bây giờ đã vào trend, não người ta chợt thông chợt ngộ rằng Schopenhauer cũng đáng để dịch kém gì “Căng” (Kant).

Một góc sách của Book Hunter

Mà đấy, để trở thành trọc phú tri thức, đầu tiên là phải all-in, dốc toàn bộ vốn liếng, chứ không thì chả ra ngô ra khoai gì đâu. Bể tri thức vô biên, sóng sau đè sóng trước, biết chọn con sóng nào mà all-in. Đâu phải chỉ all-in mỗi tiền bạc (tiền bạc là khoản đầu tư ít nhất rồi), còn phải all-in cả công sức, cả cơ hội. Trăm triệu thì dễ kiếm, chứ 1 năm đời người trôi qua có bao giờ kiếm lại được đâu. Năm tháng trôi qua thì còn có thể bù lại được bằng năm khác, chứ tâm huyết và sức lực dồn vào ngần ấy việc, đâu dễ để phục hồi. Còn chưa kể, để hoàn thành ngần ấy việc, cũng phải đoạn tình đoạn nghĩa với không biết bao nhiêu người, buộc phải mang tiếng bạc bẽo lạnh lùng, không biết trước sau, độc đoán chuyên quyền. Thế nên, trong cuộc chơi tri thức, kiếm được lợi nhuận hay bán thân được giá thì vẫn là lỗ chứ có lãi đâu. Còn chưa kể nghiệp chướng để lại cho bản thân và đồng đội do dày vò thể xác và tinh thần nhau nữa chứ.

Đấy, nhưng người đời thì nhìn bọn trọc phú tri thức mỉa mai, nào thì: chữ nhiều mà không ra tiền thì làm cái gì, chữ nghĩa thảy toàn đồ độc hại cả nên ngu ngu thôi cho hưởng thái bình, bla bla bla… Kỳ quái, trọc phú tiền tài thì người ta tung hô lên mây xanh, nhưng trọc phú tri thức thì người ta lại sợ. Thế là thế quái nào! 😅

Thôi thì anh chị em trọc phú tri thức ạ, cạnh tranh đấu đá hơn thua với nhau làm cái gì nữa. Không liên minh mà tự bảo vệ nhau thì có ngày người ta lại hô “trí phú cường hào đào tận gốc, trốc tận rễ” đấy. Thời của dân túy đến rồi, đọc lời ca tụng bài diễn văn của nhà báo cỡ bự tại Fulbright là biết, mà trong thời đại ấy, số phận của chúng ta mong manh lắm 🥹

Bài phụ: Trọc phú tri (kiến) thức là gì?

Chuyện là, cách đây mấy năm, mình có làm chùm bài tên là “Soi trọc phú”, để phân tích về cái lối trọc phú của giới nhà giàu nước ta. Tự thấy chùm bài không chạm đúng vấn đề, thế là mình đã quyết định bước chân vào giới trọc phú để biết thế nào là trọc phú. Trọc phú, có người không bằng cấp cũng có người bằng cấp đầy mình, nhưng nhìn chung họ đều là người thông minh và giỏi giang cả, nếu không thì không thành “phú” được. Họ có thể chả cần biết Nít và Căng là cái gì, nhưng họ biết thời thế đang xoay chuyển đến đâu, biết dòng tiền ra vào thế nào, biết thế nào là được việc còn thế nào thì hỏng việc. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng họ đáng trọng hơn những người vừa lòng với một khoản thu nhập vừa phải và sống đời nhàn hạ. Trên con đường tích lũy tư bản, họ bất chấp nhiều thứ: đạo đức, tình người, môi trường sống… Đằng sau một khối tài sản lớn luôn là tội ác, chỉ khác nhau ở ác nhiều hay ác ít thôi. Ngay cả những người giàu tử tế nhất, thì đâu đó họ vẫn gây ra tội ác. Thế nên, mọi người giàu đều là trọc phú cả.

Chữ “trọc” có nghĩa là “bẩn” hoặc “tạp”…, chứ không có nghĩa là dốt nát. Đẳng cấp của trọc phú cao hay thấp hơn nhau ở chỗ là bày bừa ra thì biết dọn vào, dần dần đi đến việc trước khi bày thì đã hạn chế việc dọn bằng cách tính toán để không gây hại đến xung quanh nhiều. Mà muốn tính toán được như thế thì trọc phú cần phải có tri thức, hoặc ít ra là biết tôn trọng tri thức đúng đắn. Sợ nhất là loại trọc phú thích khoe sách để ra vẻ ta có tri thức, có đạo, nhưng đối xử với nhân viên, môi trường và khách hàng tồi tệ, bóc lột hết nấc… những kẻ đó mới thực đáng kinh tởm.

Cũng giống như đám trọc phú, trí thức văn nghệ sĩ cũng thế cả thôi, đằng sau một khối tri thức lớn hay một tuyệt phẩm đều tồn tại tội ác cả. Bức tranh sơn dầu tuyệt mỹ thì ẩn đằng sau nó là mùi sơn độc hại (độc hại với người sản xuất sơn dầu, cho đến những người sống cùng họa sĩ), còn chưa kể đến sự chú tâm toàn bộ của họa sĩ có thể dẫn đến những cơn dằn vặt tâm lý đối với người thân. Đằng sau một cuốn sách hay (chưa nói đến việc độc giả còn muốn rẻ nữa), khoan hẵng bàn đến quá trình viết phải đánh đổi những gì, một cách dễ nhận thấy đó là môi trường làm việc độc hại ở các xưởng in, và quá trình sản xuất giấy hay in ấn cũng gây hại cho môi trường tự nhiên. Có nhiều người hoạt động tri thức, vì đeo đuổi chữ nghĩa và sáng tạo mà để gia đình sống trong cảnh nghèo khổ, chật vật kiếm sống nuôi lý tưởng của riêng mình, thì đó không phải là ác hay sao?… À, hay một tư tưởng tuyệt hay, một phát minh đột phá…nhưng nó lại kích động cơn hung bạo tâm thần của một kẻ độc tài, thì bởi ngay trong nội tại của chúng đã chứa mầm ác (thực ra tư tưởng nào, tri thức nào cũng chứa mầm ác, chẳng qua chưa gặp thời để bung thôi). Nên người làm tri thức, ai chả là trọc phú tri thức. Mà thành trọc phú là còn may đấy, vì trọc phú thì còn biết vận dụng tri thức thành thứ hữu ích, chứ không phải để tri thức mốc meo trong trí nhớ.

Cũng giống như mọi loại trọc phú khác, trọc phú tri thức hơn nhau ở việc biết tính toán để dọn hậu quả của mình gây ra. Trọc phú bình thường thì cần tri thức để dọn hậu quả, còn đám trọc phú tri thức (mà mình nằm trong số đó) phải làm sao để tính toán và dọn dẹp được hậu quả…Khó lắm! Cách căn bản nhất là trải đời nhiều và quan sát nhiều, không chỉ quan sát thế giới mà phải quan sát chính mình, quan sát cả nhân quả của từng hành vi mình gây ra với thế giới. Có vậy may ra mới có thể cung cấp được tri thức đúng cho những trọc phú cần tri thức để giải quyết các hậu quả của quá trình tích lũy tư bản.

Nên dù ai bàn tán rằng từ “trọc phú tri (kiến) thức” là cách nói không đúng và đầy nghịch lý, thì mình vẫn thấy rằng nó đúng từ bản chất. Tri thức hay kiến thức (gọi bằng gì cũng thế cả thôi) là thứ cần thiết, nhưng nó không phải là thứ cao quý toàn mỹ thiện lương gì (không dùng dấu “,” cho chất), nên các trí thức văn nghệ sĩ ạ, chúng ta cũng chẳng hơn gì các trọc phú đâu.

 

Thị trường sách Việt Nam (3): Sự vô nghĩa của phong trào nâng cao văn hóa Đọc

Đọc chùm bài “Thị trường sách Việt Nam” tại đây: https://hathuynguyen.com/tag/thi-truong-sach-viet-nam/ Trong “ĐỀ ÁN Phát triển Văn hóa Đọc trong cộng đồng Giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn 2030” của Thủ tướng chính phủ được thảo ra từ năm 2010, những số liệu được đưa ra để chứng minh rằng văn hóa đọc đang xuống cấp như sau: “2.2. Thói quen đọc: Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay số người đọc nhiều, đọc thường xuyên chiếm tỷ lệ 30%, số người thỉnh

NHÀ XUẤT BẢN CỦA GS CHU HẢO VÀ MỘT Ý TƯỞNG TRUYỀN BÁ TRI THỨC…

Ngay khi thông tin về việc Giáo sư Chu Hảo bị kỷ luật vì những cuốn sách có tư tưởng chính trị do NXB Tri Thức ấn hành thì lập tức một đợt sóng truyền thông rầm rộ trên Internet và người ta đua nhau đi ôm sách NXB Tri Thức về nhà. Họ khoe nhau những tủ sách ngập sách NXB Tri Thức, những bức ảnh chụp bác Chu Hảo. Có lẽ các siêu sao Việt Nam chẳng ai có bộ sưu tập ảnh

Đọc sách có thể thành tài?

Từ khi những lời kêu gọi nâng cao Văn hóa đọc lan tràn trên các kênh truyền thông đại chúng, người ta ngày càng có những khẩu hiện buồn cười, kiểu như “Đọc sách là yêu nước” hay “Đọc sách để thành tài”… Ừ thì đọc sách cũng có ích, nhưng mà đọc sách gì, đọc như thế nào và đọc để làm gì cơ chứ? Tôi không tin rằng đọc sách là có thể thành tài, và cũng chẳng có chuyện tất cả những

KHI VĂN HÓA ĐỌC THIẾU NỀN TẢNG HỌC THUẬT VÀ PHÁP LUẬT

Có lẽ chưa bao giờ văn hóa đọc lại nở rộ như ngày nay, đặc biệt là sự hỗ trợ từ chính quyền và các kênh báo đài chính thống. Không khí tấp nập nhộn nhịp trong các hội trợ sách, các hội thảo sách, các cuộc chạy đường trường cổ vũ phong trào đọc dường như làm sống dậy cái không khí Đông Kinh nghĩa thục: “Buổi diễn thuyết người đông như hội/Kỳ bình văn khách đến như mưa”. Chứng kiến cảnh “trăm hoa

Chuyển dịch văn hóa đọc – Tất yếu của lịch sử

Đây vẫn là câu chuyện hỗn loạn văn hóa đọc ở Việt Nam, nhưng tôi xin phép được thử đưa ra một góc nhìn khác để làm lý giải xem những thiếu sót của chúng ta nằm ở đâu. Và tôi xin bắt đầu câu chuyện từ một quá khứ xa xôi: thời kỳ sơ khởi của sách để đến chúng ta có thể nhìn thấy tiến trình dịch chuyển của các loại tư duy. Thay đổi cách đọc, thay đổi tư duy Văn hóa Việt