Home Bình Luận Đọc sách có thể thành tài?

Đọc sách có thể thành tài?

Từ khi những lời kêu gọi nâng cao Văn hóa đọc lan tràn trên các kênh truyền thông đại chúng, người ta ngày càng có những khẩu hiện buồn cười, kiểu như “Đọc sách là yêu nước” hay “Đọc sách để thành tài”… Ừ thì đọc sách cũng có ích, nhưng mà đọc sách gì, đọc như thế nào và đọc để làm gì cơ chứ? Tôi không tin rằng đọc sách là có thể thành tài, và cũng chẳng có chuyện tất cả những người có tài đều đọc sách. Tuyên truyền về văn hóa đọc có vẻ đã đi hơi xa, thậm chí xa đến mức lố bịch rồi.

Có một điều này chúng ta phải làm rõ với nhau: Sách không quan trọng, tri thức chứa trong sách mới là quan trọng. Tức là nếu tri thức được lưu trữ dưới hình thức khác như truyền khẩu, video, game, truyện tranh, manga, phim ảnh, bức tranh, bản nhạc…v…v… thì chúng ta đều có thể tiếp nhận được, và chúng đều quan trọng ngang nhau. Nghĩ như thế, bạn sẽ thấy sách – đơn giản chỉ là công cụ lưu trữ mà thôi. Điều khác biệt của sách với các công cụ lưu trữ khác chính là hình thức văn bản. Và để đọc văn bản thôi không đủ, người ta cần phải biết nhận mặt chữ, biết ghi nhớ thông tin, biết sắp xếp thông tin qua các mã ngôn ngữ trừu tượng, biết liên kết thông tin dựa trên logic, nói gọn lại người ta cần hiểu văn bản. Thế nên hoạt động đọc hiểu văn bản là một quá trình rèn luyện khả năng ghi nhớ, sắp xếp và liên kết các thông tin. Khả năng này đương nhiên là cần thiết, nhưng không cần với tất cả mọi người. Và cũng không phải đọc gì cũng tốt, người ta phải xác định được mình cần đọc cái gì.

Để biết được mình cần đọc cái gì không hề đơn giản, bởi chúng ta đã ngập chìm trong những chiêu trò truyền thông quá lâu. Những chiêu trò truyền thông này bơm cho chúng ta ảo tưởng về danh tiếng, về tiền bạc, và chúng ta đọc sách nhằm cái mục đích vinh thân phì da ấy. Hoặc một ảo tưởng khác cũng được vẽ nên, đó là đọc sách để cứu nước bằng cách tiếp thu những tư tưởng đổi mới ở Nhật, ở Do Thái hoặc ở Phương Tây. Trên thực tế, những thứ gọi là tư tưởng đổi mới ấy đã phần nào lạc hậu so tình hình đang diễn tiến ở những nước này, và nếu chúng ta không đọc một cách hệ thống, chúng ta sẽ trở thành những con vẹt rao giảng về tự do và đổi mới mà chẳng biết làm thế nào để thay đổi Việt Nam. Những cách đọc sách như vậy có hại hơn là có lợi, chẳng khác nào ngốn ngấu nghiến đủ các loại đồ ăn mà bất cần biết đến đồ ăn ấy có sạch sẽ không, có phù hợp với mình không, có hợp để ăn với nhau không. Tuyên truyền văn hóa đọc trở thành một thứ khẩu hiệu để đánh bóng cho các hệ thống bán sách ồ ạt và trục lợi. Khoác trên mình thứ khẩu hiệu này, họ đắp vỏ mới cho những cuốn sách kém cỏi về chất lượng, đẩy chúng sánh ngang với những dòng sách tinh hoa và kinh điển, thậm chí là lấn lướt. Họ tạo cho người đọc niềm tin rằng đó mới xứng đáng là sách của thời đại mới, là quy luật có cầu có cung, người đọc không hề nhận ra rằng não mình đã bị suy thoái khi đọc sách theo cách ấy.

Tôi cho rằng, đọc sách thật sự cần thiết khi người đọc có một chuyên môn vững vàng trong tay và đọc sách để nâng cao cái chuyên môn ấy. Chuyên môn đó là gì không quan trọng, làm nghiên cứu, làm nghệ sĩ, làm chính trị gia, làm kinh doanh… thậm chí là làm bếp, làm lau dọn nhà cửa… kể cả làm điếm…, nếu có một chuyên môn nào đó trong tay, đọc sâu luyện sâu về chuyên môn ấy, rồi đọc rộng sang các lĩnh vực khác để nâng cao bản thân mình, nâng cao khả năng sáng tạo của mình. Nếu chỉ tập trung vào chuyên môn, chúng ta chỉ là cái máy. Nhưng nếu không có chuyên môn mà định “vinh thân phì da” và cứu nước bằng niềm tin hay sao?

Có một loại đọc sách khác, đó là đọc để thưởng thức, thưởng thức tư tưởng của cổ nhân, thưởng thức lối dùng từ, thưởng thức trí tưởng tượng và dòng chiêm nghiệm của bản thân… Lối đọc này chỉ có một số ít người có. Đây là những người yêu tri thức, chứ không phải vận dụng tri thức. Họ chọn cho mình vị thế tách biệt khỏi thời cuộc. Nhưng họ không vô dụng. Không có họ thì những tinh hoa tri thức cổ xưa chẳng còn lưu lại đến nay. Họ giữ cái tinh thần tri thức bất vụ lợi. Và họ cũng đọc đủ nhiều để biết rằng đâu là rác, đâu là kho báu. Đương nhiên, những kẻ đọc sách trục lợi thấp cấp sẽ chẳng ưa gì những người này, bởi họ ít khi mua sách và từ họ toát ra sự khinh miệt với những thứ sách rác rưởi đang được đánh bóng kia.

Tôi không phải người đọc sách để thưởng thức. Tôi đọc sách để phục vụ mục đích sáng tác văn chương của mình, tức là để phục vụ chuyên môn của mình. Lối đọc này hình thành trong tôi từ khi tôi học lớp 3 và đến giờ vẫn duy trì. Tôi nhận thấy rằng, chỉ khi nào tri thức được sử dụng để phục vụ chuyên môn của mình thì thứ tri thức ấy mới ngấm vào mình. Tôi cũng chơi với vài người bạn đọc sách để thưởng thức, họ và tôi tâm đắc cùng nhau ở một điểm rằng nếu chỉ đọc sách thôi thì không thể thành tài, thậm chí còn không thể thành người, mà chỉ là cái máy nhại chữ thôi.

Có một số những nghề nghiệp mà chẳng cần đọc sách vẫn có thể thành tài. Nấu một bát bún ốc thật tinh tế là một cái tài hiếm có, mà không cần đọc sách. Kinh nghiệm nấu đã trở thành tri thức lưu truyền khoa hình thức truyền miệng. Người nấu bát bún ốc cho ngon chả cần đọc thêm sách làm gì, vì nó không làm cho bát bún ốc ngon thêm được. Và trên đời có hàng ngàn thứ nghề giống như nấu bún ốc. Thứ tri thức họ tiếp nhận không phải qua sách vở mà qua truyền khẩu. Như thế không có nghĩa là họ ít học và kém văn hóa hơn người đọc sách, chỉ là cách tiếp nhận tri thức khác nhau.

Tóm lại, đọc sách thôi thì không thể thành tài. Muốn thành tài cần rèn luyện bản thân, rèn trí luyện óc, miệt mài gian khổ, cháy hết mình cho một đam mê. Cái vấn đề lớn nhất của người Việt Nam hiện nay không phải là lười đọc mà là lười rèn luyện, lười làm, lười suy nghĩ. Với cái tính lười ấy thì đọc ngấu nghiến trăm nghìn quyển sách thì lười vẫn hoàn lười, đất nước vẫn xập xệ như thế, vẫn lạc hậu và ấu trĩ như thế.

Hà Thủy Nguyên

Gửi các mẹ: Đọc sách có quan trọng đến thế?

Sáng nay lên mạng, một bức thư thống thiết của một bà mẹ gửi tới đứa con lười đọc sách của mình hiện lên Newsfeed của tôi. Ngay khi click vào đọc, tôi đã biết được bức thư này có thể lâm li bi đát đến cỡ nào. Bởi vì, cứ thỉnh thoảng phong trào cổ vũ văn hóa đọc lại rộ lên những trò thú vị mà có lẽ chỉ Việt Nam mới có. Nào thì chụp ảnh khoe tủ sách, nào thì chạy

KHI VĂN HÓA ĐỌC THIẾU NỀN TẢNG HỌC THUẬT VÀ PHÁP LUẬT

Có lẽ chưa bao giờ văn hóa đọc lại nở rộ như ngày nay, đặc biệt là sự hỗ trợ từ chính quyền và các kênh báo đài chính thống. Không khí tấp nập nhộn nhịp trong các hội trợ sách, các hội thảo sách, các cuộc chạy đường trường cổ vũ phong trào đọc dường như làm sống dậy cái không khí Đông Kinh nghĩa thục: “Buổi diễn thuyết người đông như hội/Kỳ bình văn khách đến như mưa”. Chứng kiến cảnh “trăm hoa

Chuyển dịch văn hóa đọc – Tất yếu của lịch sử

Đây vẫn là câu chuyện hỗn loạn văn hóa đọc ở Việt Nam, nhưng tôi xin phép được thử đưa ra một góc nhìn khác để làm lý giải xem những thiếu sót của chúng ta nằm ở đâu. Và tôi xin bắt đầu câu chuyện từ một quá khứ xa xôi: thời kỳ sơ khởi của sách để đến chúng ta có thể nhìn thấy tiến trình dịch chuyển của các loại tư duy. Thay đổi cách đọc, thay đổi tư duy Văn hóa Việt

Nỗi niềm của một trọc phú tri (kiến) thức

Trước tiên, mình cần khẳng định không có gì giấu diếm rằng mình đích thực là một trọc phú tri thức, không những thế còn là loại trọc phú tri thức đi lên bằng tay trắng 😁 Mình không phải "con ông cháu cha" trong giới tri thức để được thừa hưởng những yếu tố "gia truyền" như kho tư liệu hay network sẵn có. Đã thế, lại còn không đủ kiên nhẫn ngồi đủ lâu trên ghế đại học để được thầy nọ cô

NHÀ XUẤT BẢN CỦA GS CHU HẢO VÀ MỘT Ý TƯỞNG TRUYỀN BÁ TRI THỨC…

Ngay khi thông tin về việc Giáo sư Chu Hảo bị kỷ luật vì những cuốn sách có tư tưởng chính trị do NXB Tri Thức ấn hành thì lập tức một đợt sóng truyền thông rầm rộ trên Internet và người ta đua nhau đi ôm sách NXB Tri Thức về nhà. Họ khoe nhau những tủ sách ngập sách NXB Tri Thức, những bức ảnh chụp bác Chu Hảo. Có lẽ các siêu sao Việt Nam chẳng ai có bộ sưu tập ảnh