Đọc chùm bài “Thị trường sách Việt Nam” tại đây: https://hathuynguyen.com/tag/thi-truong-sach-viet-nam/
Chưa bao giờ ở Việt Nam, xuất bản một cuốn sách lại dễ dàng đến thế. Chi phí rẻ, mọi sự cấp phép đều có thể mua, mọi sự quảng bá có thể dùng tiền để đánh đổi. Tóm lại, một tác giả có sách xuất bản không còn là niềm tự hào vì tri thức và tâm huyết của mình được công nhận nữa, mà tất cả chỉ đơn thuần là kinh doanh. Cách đây vài năm, người ta quen mồm lải nhải việc các nhà văn phải xây dựng “thương hiệu”. Lúc đó tôi đã cười khẩy vì thầm nghĩ rằng tri thức và tâm huyết của tác giả có thể quy đổi ra tiền – một thứ vốn dĩ rẻ rúng và không xứng đáng với những gì một tác giả phải bỏ ra. Nhưng trên thực tế, một sự hỗn loạn đã xảy ra khi ai ai cũng có thể xuất bản sách, ai ai cũng có đủ chiêu trò xây dựng thương hiệu. Vậy thì, việc xuất bản quá dễ dàng đã kéo theo nó một tình trạng “vàng thau lẫn lộn”.
Cách thức để xuất bản một cuốn sách
Bạn có một bản thảo cần xuất bản. Đừng lo lắng gì cả! Có rất nhiều hình thức để xuất bản. Nếu bạn là người dư giả về tiền bạc, chuyện này rất dễ dàng. Nếu bạn có thực tài mà không có tiền, câu chuyện sẽ vô cùng, vô cùng phức tạp.
Khi đã hoàn thiện bản thảo, việc đầu tiên phải làm đó là bạn phải gửi đến các nhà xuất bản hoặc các nhà sách để xin phép xuất bản. Tuy nhiên, các nhà xuất bản hiện nay vốn không có đủ tài chính với kế hoạch xuất bản dàn trải, họ sống bằng tiền bán giấy phép. Chỉ có một số các nhà xuất bản đủ sức sống trong thị trường sách hiện nay, như Nhà xuất bản Giáo dục (hiển nhiên, in sách giáo khoa quá bộn tiền), Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Tri Thức, Nhà xuất bản Hồng Đức, Nhà xuất bản Phụ Nữ… (Ở đây tôi nói “đủ sức sống”, có nghĩa là họ in sách và bán sách được ra thị trường chứ không sống bằng bao cấp hay bán giấy phép.) Vậy nên, có một “cửa sau” hiệu quả hơn đó là các nhà sách như Nhã Nam, Đông Tây, Alpha Book, Đinh Tị, Thái Hà Book…v…v… Chứng năng chính thống của các bên này vốn dĩ là phát hành, tức là sau khi nhà xuất bản cho xuất bản một đầu sách, sẽ phân phối cho các bên nhà sách để bày bán. Tuy nhiên, các Nhà xuất bản với năng lực kinh doanh yếu kém đã không thể đảm nhiệm đúng chức trách của mình. Một số nhà sách có năng lực kinh doanh, có mối quan hệ với tác giả và dịch giả, đã đảm nhiệm vai trò như một nhà xuất bản. Câu hỏi đặt ra là, tại sao họ không chuyển hẳn mô hình kinh doanh sang Nhà xuất bản để có thể đường đường chính chính về mặt danh nghĩa. Đây là điều khó, bởi luật xuất bản Việt Nam chưa cho phép nhà xuất bản tư nhân. Mà các nhà sách lại không có quyền cấp giấy phép xuất bản, thế nên họ buộc phải mua giấy phép từ các Nhà xuất bản (vốn vẫn thuộc hệ thống nhà nước).
Việc thứ hai bạn phải làm đó là… đợi. Nếu bạn bỏ tiền ra để in sách, quá trình “đợi” sẽ rút ngắn. Bạn chỉ phải đợi giấy phép từ nhà xuất bản. Nếu sách của bạn không động chạm quá nhiều đến chính trị và tên tuổi bạn chưa vào danh sách đen thì giấy phép là việc dễ dàng. Bạn sẽ mất từ 1 triệu rưỡi đến 3 triệu để có một giấy phép, tùy thuộc vào độ dày và uy tín của Nhà xuất bản. Nếu bạn không có tiền, bạn sẽ phải đợi biên tập đọc một lượt sách, nếu thấy sách có thể bán được và đạt được thỏa thuận với bạn, nhà sách mới mang đến nhà xuất bản để xin giấy phép. Qúa trình mất thời gian nhất đó là đợi biên tập của nhà sách duyệt về khả năng bán được của cuốn sách. Đây là một quá trình vừa mơ hồ vừa nguy hiểm, bởi đội ngũ biên tập của các nhà sách khá là kém trong khả năng thẩm định và chỉ dựa vào cảm tính để đánh giá mà không có quy chuẩn. Nếu bạn chịu mất tiền, bạn sẽ qua được cửa các nhà biên tập kém chất lượng này một cách dễ dàng.
Đó là hai bước phức tạp nhất, sau đó mọi thứ trở nên dễ dàng hơn ở các khâu sửa chữa, biên tập, chế bản. Vẫn là câu cũ, có tiền thì mọi việc sẽ nhanh, không tiền thì bạn chỉ biết đợi. Tôi đã xuất bản 4 cuốn sách ở diện không có tiền, có cuốn mất 2 năm sau khi nộp bản thảo, có cuốn mất 1 năm. Chờ đợi quả thực là dài đằng đẵng như chờ người yêu. Tập thơ mới nhất, tôi quyết định tự in và tất cả mọi khâu từ A đến Z như xin giấy phép, thiết kế, chế bản, in ấn… chỉ mất có 3 tháng, trong đó đã mất 2 tuần vì vướng Tết.
Sau khi sách đã in xong, vấn đề còn lại là làm thế nào để sách tiếp cận được người đọc. Nếu sách của bạn được các Nhà xuất bản hay nhà sách chọn để xuất bản thì dễ rồi. Họ sẽ đảm nhiệm việc phân phối đến tất cả các hệ thống trong mối quan hệ của họ. Họ sẽ rải thông cáo báo chí trên một số website. Tốt nhất bạn nên có nhiều mối quan hệ trong giới báo chí và phê bình. Bạn có thể ỏn thót nhờ người viết bài giới thiệu, bài cảm nghĩ (có thể mất tiền hoặc không). Nếu bạn không có mối quan hệ, lại không có tiền nữa, thì dù tác phẩm của bạn hay đến đâu cũng chẳng ai quan tâm. Đó là lý do các bên xuất bản sách thường thích các tác giả có “thương hiệu”, bởi các bên ấy sẽ tận dụng được danh tiếng và mối quan hệ của tác giả, dịch giả mà không cần tốn tiền cho truyền thông. Tóm lại, nếu bạn có tiền và có quan hệ để mua người viết bài trên báo chí, tổ chức sự kiện ra mắt sách, mua quảng cáo…v…v… thì sách của bạn sẽ nhanh chóng nổi tiếng dù dở tệ. Còn nếu bạn viết hay đến mấy, nhưng không có tiền, không có quan hệ thì kể cả có ra được sách, bạn vẫn chìm nghỉm giữa mớ hổ lốn của thị trường sách Việt Nam mà thôi.
Thị trường sách như một mớ hổ lốn
Cơ chế dễ dãi như đã kể trên đã mang lại sự phong phú cho thị trường sách với các đầu sách đa đạng, được in dồn dập. Thế nhưng, nó lại tạo ra tình trạng vàng thau lẫn lộn. Tình trạng vàng thau lẫn lộn này đến từ mấy vấn đề tắc trách sau:
Thứ nhất là sự cấp phép của các nhà xuất bản. Các nhà xuất bản chỉ dựa trên một tiêu chí duy nhất: không đề cập đến vấn đề nhạy cảm. Trước đây, cái phổ “nhạy cảm” rất rộng. Nhưng hiện nay, phổ nhạy cảm chỉ gói gọn trong vấn đề chính trị mà thôi. Bất cứ cuốn sách nào, chỉ cần không chửi Đảng, không chửi Hồ Chí Minh, không chửi chính quyền thì đều có thể cấp giấy phép xuất bản. Trong khi ấy, nhiệm vụ của các Nhà xuất bản còn phải xem xét các vấn đề về bản quyền, chuẩn tiếng Việt và chuẩn kiến thức. Hiện có rất ít các Nhà xuất bản còn quan tâm đến vấn đề này khi bán giấy phép.
Thứ hai là đội ngũ biên tập hoặc cố vấn nội dung của nhà sách. Hầu như họ không có chuyên ngành về xuất bản, biên tập hay đánh giá thị trường cũng như năng lực của người viết. Tất cả đều dựa trên cảm tính hoặc mối quan hệ trong quá trình chọn lọc sách, thậm chí tệ hơn, khi tác giả bỏ tiền ra để in thì họ cũng không quan tâm đến chất lượng sách. Hiện không có nhiều nhà sách có đội ngũ biên tập viên hoặc cố vấn nội dung tốt, nhưng cái “tốt” ở đây vẫn dựa trên việc cảm tính tốt chứ không đánh giá được thị trường.
Thứ ba là giới phê bình sách hiện nay không còn viết bằng sự công tâm hoặc sự yêu thích với sách, mà chỉ viết khi có đơn đặt hàng hoặc bạn bè nhờ vả. Không có giới phê bình đúng nghĩa, tất cả chỉ còn là các chiêu bài PR sách. Người đọc chỉ có thể có niềm tin rằng sách được PR càng nhiều thì càng có chất lượng, bởi không thì tại sao Nhà xuất bản hoặc nhà sách lại bỏ tiền PR. Nếu bạn đọc lại phần trên sẽ rõ, câu chuyện PR sách không đơn giản như bạn tưởng.
Thứ tư là do chính người đọc như bạn và tôi. Nếu chúng ta dễ dàng tin tưởng vào những gì đập vào mắt chúng ta mà không tự rèn luyện, tìm tòi để xây dựng cho mình một chuẩn đọc riêng, thì chính thói quen đọc sách dễ dãi của chúng ta cũng là tác nhân gây ra sự hỗn loạn trong thị trường sách.
Cách đây 1 năm, Ngôn tình – Ném đá Confession và Book Hunter đã cùng nhau phanh phui sự việc đạo văn của cuốn tiểu thuyết “Thành Kỳ Ý”. Tôi nhắc lại sự việc này bởi cuốn tiểu thuyết là một minh chứng điển hình của những gì tệ hại đang tồn tại trong thị trường sách. Tôi sẽ không chê tổng thể nội dung là hay hay dở, tôi chỉ nhắc đến cái sai hiển nhiên của nó. Ngay từ chương 1 của cuốn sách, rất nhiều lỗi ngữ pháp có thể được phát hiện từ những câu văn không đầu không cuối. Và các bạn hãy tưởng tượng những chương sau của sách! Tệ hại hơn, đây là một cuốn sách đạo văn, không những đạo từ một cuốn sách khác mà còn từ cả những bài báo du lịch trên mạng. Chưa kể đến các sai lầm về kiến thức lịch sử, chỉ cần 2 lỗi trên, bạn có thể tưởng tượng nó được Nhà sách Đông A duyệt đưa vào kế hoạch xuất bản, được Nhà xuất bản Văn học cấp giấy phép, được các báo tung hô như một tác phẩm tiểu thuyết lịch sử lừng lẫy? (Đọc thêm tại đây: https://bookhunterclub.com/tuong-thuat-scandal-dao-van-va-lua-dao-cong-dong-cua-du-an-tieu-thuyet-thanh-ky-y/ ) Thậm chí, khi cộng đồng mạng lên tiếng, các báo đưa tin, đơn kiện cả nghìn chữ ký gửi lên Cục xuất bản, cuốn sách vẫn được lưu hành trên thị trường và sắp tới đội tác giả “Thành Kỳ Ý’ sẽ cho ra quyển 2.
Thế đấy, khi bạn ra nhà sách hoặc lên các trang bán sách trên mạng để tìm sách, rất dễ để bạn trở thành nạn nhân của một thị trường hỗn loạn. Và nếu ai cho rằng văn hóa đọc ở Việt Nam đang phát triển vì các đầu sách được xuất bản rất đa dạng thì kẻ đó thật sự không hiểu gì về sách hoặc đang trục lợi từ thị trường hỗn tạp này. Vậy nên, hãy cân nhắc khi mua một cuốn sách.
Hà Thủy Nguyên
(Còn nữa)
Bài này em rất đồng ý với chị ạ. Thực tế em rất đọc sách tiếng Việt vì trào lưu viết hời hợt và mượn PR để bán sách như chị đề cập ở bài. Em chỉ đọc sách xưa cũ, còn sách nước ngoài thì em đọc trực tiếp bản tiếng Anh để không rơi vào trạng thái bực tức vì cẩu thả biên tập và dịch thuật.
Cứ viết kiểu này trên mạng có ngày bóc lịch cho mà xem..
Xin hỏi chị kinh nghiệm về xuất bản sách dòng Tâm Lý – Hình sự. Hiện tôi đã viết xong tác phẩm. mỗi tập khoảng 700 trang A5. Về mặt bỏ tiền ra in và xin giấy phép thì không thành vấn đề vì mình là người có tiền mà. Ahihi. Nhưng tôi không rõ là chi phí thiêt kế bìa sách và PR thì khoảng bao nhiêu là vừa mức trung bình khá. Ngoài ra nếu không bỏ tiền mà gửi bản thảo cho NXB thì dòng sách của tôi đang viết liệu trong bao lâu thì được xuất bản.
Mong chị tư vấn giúp cho.
Email : Vuongtuan8181@gmail.com
Zalo: 0926699789
hathuynguyenhn
14:45 24/07/2018Chào bạn, xin lỗi vì trả lời muộn nhé! Do website không được quản lý tốt nên không thấy email của bạn. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm gì về xuất bản thì có thể liên hệ với NXB để thuê họ làm trọn gói. Tốc độ làm việc thì khó nói lắm, tùy từng nhà, có thể là mất từ 3-4 tháng. Chi phí cho 1 cuốn khoảng 700 trang mà muốn in khoảng 1000 cuốn, kèm với thiết kế, PR, thì có lẽ phải lên đến 7-80 triệu.
Em đang có bản thảo thơ khoảng 100 trang với hơn 30 bài thơ. Em đang còn là sinh viên kinh phí không đủ vậy nếu em muốn xuất bản thơ phải làm thế nào ạ
Email: thyhh20033006@gmail.com
hathuynguyenhn
14:06 7/01/2019Thế thì phức tạp đó em! Nếu bản thảo thơ khoảng 100 trang thì chị nghĩ nên tự xuất bản, kinh phí ko nhiều đâu! Chỉ khoảng 8-10tr thôi, có thể cố gắng tiết kiệm được. Chứ các NXB ít khi in thơ lắm.
Em chào chị ạ ! Chị cho em hỏi một số vấn đề về tự xuất bản sách được không ạ ?
1. Có thể đăng kí bản quyền tác giả trước khi in ấn và xuất bản sách không ạ ? Chị có biết công ty dịch vụ đăng ký bản quyền tác giả nào uy tín không ạ ?
2. Chi có thể cho em xin địa chỉ nhà xuất bản ( thủ tục nhanh ) và nhà in uy tín ở Hà Nội khong a ?
Rất mong hồi đáp của chị và chúc chị luôn thành công ạ !
hathuynguyenhn
14:04 7/01/2019Chào em, xin lỗi vì trả lời muộn!
1. Em có thể đăng ký xuất bản ở Cục bản quyền tác giả, nếu ở Hà Nội thì nó nằm ở phố Hoàng Hoa Thám. Về dịch vụ bản quyền ở VN thì ở đâu cũng như nhau thôi vì luật bản quyền của mình quy định không rõ ràng. Đăng ký ở Cục thì được cái là rẻ và ko dám ngang nhiên mua bán bản thảo.
2. Nếu muốn hỏi địa chỉ NXB thì em có thể tham khảo NXB Hội Nhà Văn nhé!
Em chào chị ạ.
Em có một bản thảo tập truyện ngắn và đang ấp ủ được xuất bản. Trong bản thảo này, em có đưa vào một số truyện ngắn đã được đăng trên Tạp chí Áo trắng (NXB Trẻ). Vậy thì khi gửi đến các NXB thẩm định có vấn đề gì không ạ? Cuối những truyện có đăng trên Áo trắng em đều chú thích hết ạ.
Em cám ơn chị rất nhiều ạ!
Dear Thủy Nguyên,
Cảm ơn bài viết của bạn rất nhiều. Cho mình hỏi sau khi tự xuất bản thì làm cách nào để gửi sách đến các nhà sách/nhà phân phối, NXB có hỗ trợ việc đó nếu mình tự xuất bản sách không?
Cảm ơn tác giả rất nhiều! Cho mình hỏi nếu tự xuất bản sách thì làm sao để gửi sách đến các nhà phân phối, các hiệu sách trên cả nước?
Xin chân thành cảm ơn
Bạn có thể giải thích thắc mắc này giúp tôi được không :
– Có thể bán tiểu thuyết cho một ai hoặc một tác giả khác được không ? Nếu có thể thì làm thế nào vậy ? Và giá bán nó như thế nào vậy ?
hathuynguyenhn
11:51 30/05/2019Chào bạn, hoàn toàn có thể làm được nhưng hiện tại cơ chế này chưa phổ biến. Không nhiều cá nhân muốn bỏ tiền mua một sáng tác của người khác nếu không phải do họ đặt hàng. Bạn chỉ có thể tự tìm kiếm và thỏa thuận với ai đó thôi. Thân mến.
Chào Chị Thủy! Cảm ơn bài viết bổ ích của chị! Chị có thể dành một chút thời gian để tư vấn cho em một số điều được không ạ?
– Chị cho em hỏi chi phí (tổng cộng) để xuất bản 200 cuốn sách khoảng 300 trang, khổ A5, chất lượng giấy (ổn nhất với chi phí rẻ nhất) là bao nhiêu được không ạ?
– Và số lượng xuất bản có tỷ lệ với chi phí xuất bạn không ạ? Ví như em phải bỏ ra X tr.đ để xuất bản 200 cuốn thì khi em muốn xuất bản 400 cuốn thì chi phí có phải là 2X tr.đ không ạ?
– Thêm một điều nữa đó là nội dung của sách thuộc về đề tài cung đấu có bám sát tình tiết chính sử nhưng không có yếu tố phỉ báng bôi nhọ thì có khó khăn trong quá trình xem xét không chị ạ?
– Cuối cùng nhưng cũng khá quan trọng đó là giả sử như chi phi xuất bản là 20 triệu cho 200 cuốn sách thì tính ra giá vốn mà em phải bỏ ra (chưa tính tâm huyết viết) là 100 nghìn cho một quyển. Con số này cũng đã quá cao đối với một cuốn sách rồi nói chi đến việc muốn có lợi nhuận thì em phải để giá nó cao thêm một xíu nữa! Như vậy tự in sách có phải là việc chỉ dành cho người có tiền muốn hiện thực hóa đứa con tinh thần của mình? Còn đối với những cây bút như em thì không thích hợp có phải không ạ!
Cảm ơn chị đã dành thời gian quý báu của mình cho em a!
Chào chị
Hiện tại em đang có một bản thảo truyện theo thể loại ngôn tình – tiểu thuyết , khoảng hơn 100.000 từ và em muốn xuất bản nó chị có thể cho em biết tổng chi phí để xuất bản cuốn truyện đó là bao nhiêu không ạ .
Thủ tục để xuât bản có phức tạp k ạ ?
Em nghe nói là cần gửi đến nhà đại diện văn học để nhanh đc xuất bản hơn , điều này có cần thiết k ạ ?
Chào chị ạ em đang muốn xin giấy phép của một nhà xuất bản hoặc đăng kí bản quyền tác giả cho sách kĩ năng hoạt náo du lịch thì làm ở đâu và chi phí bao tiền ạ. Sách tầm 68 trang ạ
Chào Nguyên !!! Bạn có thể cho mình hỏi mình muốn xuất bản một cuốn sách chuyên về kiến thức chuyên ngành công nghệ với độ dày 400 trang, in màu thì có thể chọn NXB nào cho phù hợp và chi phí để xin giấy phép xuất bản là tầm khoảng bao nhiêu? số lượng in ấn khoảng 3000 bản thì mất khoảng bao nhiêu tiền ạ? Thời gian để hoàn thành tất cả các công việc này khi mình tự lực hết mọi việc tốn khoảng bao nhiêu ngày ạ? Mình cảm ơn rất nhiều và mong nhận được sự hồi đáp của bạn.
Dear Nguyễn Thiện Thảo!
Chị có dự định in 200 cuốn sách khổ A5, khoảng 100 trang/1cuon. Vậy cho chị hỏi chi phí in như thế nào nhỉ? Các bước phải bắt đầu từ đâu? (Sách nội dung truyền cảm hứng cho các em học sinh về nghèo vượt khó, và tình yêu gia đình, yêu quê hương của một cô bé mới học lớp 4)
Chị Thủy Nguyên ơi, cho em hỏi: Em đang viết một tập thơ để xuất bản nhưng không biết khoảng bao nhiêu trang Word, bao nhiêu từ và font chữ, cỡ chữ mới gọi là phù hợp
Chị có thể giải thích cho em được không ạ?
Em xin cảm ơn nhiều! ^^
hathuynguyenhn
20:22 11/02/2022Chào em! Xin lỗi vì đã trả lời quá muộn, vì bây giờ chị mới được đọc câu hỏi của em. Em cứ viết thôi, nhưng tốt nhân nên có khoảng >30 bài thì in mới dày dặn. Em cứ hình dung là một cuốn sách nên có độ dày >100 trang thì người cầm sách cũng cảm thấy nó là một cuốn sách.