Home 2019 Tháng Bảy / page 2

Nhảm #8: Dân tộc

Tinh thần dân tộc không phải đại diện cho lòng yêu nước, mà là biểu hiện của thứ mặc cảm thua kém. Giống như một tên trọc phú yếu sinh lý, chẳng có gì để tự hào ngoài tài sản của mình và ngồi khư khư ôm mớ tài sản ấy vì sợ mất.

Cái gì đại diện cho lòng yêu nước? Còn phải xem định nghĩa thế nào là “nước” đã! Ý niệm đất nước ở mỗi người, mỗi thời đại lại khác nhau xa lắm, nhưng dù thế nào, đó cũng chỉ là một ý niệm để cố kết các cá nhân riêng rẽ vào một lợi ích chung của một số nhóm nhất định.

Tức là, nếu ta muốn yêu nước, ta lại phải cân nhắc xem ta nên yêu nước theo cách nào. Có lẽ ta nên yêu nước theo cách của những kẻ có quyền lực mạnh hoặc những kẻ thắng thế, vì chỉ có vậy ta mới không bị quy là kẻ bán nước! Mỉa mai nhỉ! Tình yêu ai lại thế…

Tình yêu nước quy thuận quyền lực và thứ tinh thần dân tộc đầy mặc cảm một khi kết hợp với nhau sẽ tạo thành mảnh đất đầm lầy nhơ nhuốc với thứ mùi nồng nặc nuôi dưỡng đủ loại quái vật man rợ, thứ mà chúng ta vẫn gọi là truyền thống.

Nhưng… không có tình yêu nước thực thụ, chỉ có sự trung thành với ý niệm mà ta bị cài trong đầu… không có tinh thần dân tộc thực sự mà chỉ có những hóa thạch của lịch sử được đào bới lên để bám víu, để đắp lên nhằm che đậy sự yếu kém của mình.

Nếu một quốc gia quá lệ thuộc vào tình yêu nước và tinh thần dân tộc để phát triển, thì quốc gia ấy chỉ mãi là một vũng lầy. Vì một linh hồn mạnh mẽ được trang bị mọi tài năng sẽ khiến các quái vật đầm lầy ghen tị tới mức tìm mọi cách để ngáng trở nhân danh rất nhiều lý tưởng cao đẹp.

Linh hồn ấy rốt cuộc sẽ chọn trở thành một trong số quái vật đầm lầy hay sẽ thanh tẩy đầm lầy ấy? Có phải “nước trong thì cá gầy”?

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 Tháng Bảy / page 2

Nhảm#7: Niềm tin

Niềm tin cần thiết khi người ta thiếu ý thức về bản thân mình.
Tất cả các niềm tin, dù tốt dù xấu, đều chỉ là thứ gây ảo giác để ta vượt qua chặng đường đời chông gai, để ta có thể như một kẻ ngáo thực hiện các việc làm điên rồ, vô nghĩa.
Hoài nghi là một biện pháp cai nghiện, nhưng hoài nghi không giúp ta phòng chống một cơn nghiện niềm tin khác sẽ nảy sinh trong tương lai.
Và có thể, người ta sẽ nghiện hoài nghi…vì hoài nghi cho người ta niềm tin rằng người ta đang thông thái hơn hết thảy.
Ừm, niềm tin có thể sử dụng như quần áo, có thể để hợp mốt, cũng có thể để điểm trang cho cái tôi của mình.
Thế tức là có thể vứt bỏ chúng khi cần thiết.
Bám vào một niềm tin nào đó là một dạng bệnh lý và dơ bẩn.
Liên tục ở trong trạng thái ngáo hay mặc đi mặc lại một bộ quần áo ư? Hãy tưởng tượng xem!
Bạn có thể gọi niềm tin bằng một từ khác mĩ miều hơn: “đức tin”.
Đức tin là gì? Bạn thích định nghĩa thế nào cũng được. Nếu cứ bám vào định nghĩa, thì đức tin cũng chỉ là một dạng của niềm tin mà thôi.
Đức tin thiêng liêng và thần thánh nhỉ? Đức tin có thể cứu rỗi loài người? Loài người sợ tỉnh táo tới mức phải mượn những trạng thái ngáo để có cảm tưởng rằng mình được cứu rỗi.
Tin – thể hiện cho sự dối gạt bản thân.
Nói rằng cần niềm tin hay đức tin chẳng khác nào nói thế giới cần dối trá! Mà phải thôi, làm gì có sự thật, chỉ có những người mong muốn đi tìm sự thật, những người không thích ngáo và ý thức rằng quần áo không phải thứ có thể mặc mãi.

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 Tháng Bảy / page 2

Nhảm#6: Thời gian

Nếu thời gian trôi qua chậm, ấy là bởi ta đang ách tắc trong một mớ bòng bong và từng bước tháo gỡ.
Nếu thời gian trôi qua nhanh, ấy là bởi ta quá mải mê với mớ bòng bong mà bỏ quên mất những gì thực sự đã xảy ra ở một bức tranh toàn cảnh hơn.
Nếu thời gian vẫn trôi qua bình thường, ấy là bởi ta đang có một đời sống hết sức nhạt nhẽo.
Nếu thời gian ngừng trôi, ấy là bởi ta đang không hề sống thế nên cũng không hề chết. Zombie thì biết gì về thời gian.
Thời gian không phải một trạng thái của tâm, thời gian là chuỗi những hiện tượng mà ta chứng kiến và mức độ mà ta tham gia vào đó. 

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 Tháng Bảy / page 2

Nhảm #5: Tiếng ồn

Sâu kín luôn im lặng!
Lời nói luôn là tiếng ồn, cho dù lời nói có hay ho và ý nghĩa đến đâu đi nữa.
Những tư tưởng thiêng liêng và cao cả đều tha hóa, bởi vì chúng quá ồn ào.
Làm sao có thể tìm kiếm sự im lặng bên trong tiếng ồn? Không thể!
Nhưng ta có thể im lặng giữa tiếng ồn.
Bạn đã bao giờ đi im lặng giữa một đám đông hô hào?
Hừm, tiếng ồn sẽ cho rằng bạn phản động, phản cách mạng, phản xã hội.
Dùng tiếng ồn để trấn áp tiếng ồn – độc tài.
Dùng tiếng ồn để phá sự trấn áp – tự do.
Dùng tiếng ồn để xoa dịu tiếng ồn – mặc khải.
Dùng tiếng ồn để chứng minh một tiếng ồn là đúng – chân lý.
Rất dễ để định nghĩa tiếng ồn, nhưng không thể định nghĩa im lặng.
Nếu bạn không thể học cách im lặng, bạn có thể ngủ. Ngủ để chứng kiến một cách sinh động những tiếng ồn ào láo nháo bên trong mình. Vậy thôi!
Đây cũng là một tiếng ồn, cất lên để muốn dập tắt mọi tiếng ồn khác – hủy diệt. Thế thôi!

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 Tháng Bảy / page 2

Nhảm #4: Ngôn ngữ đẹp?

Không có ngôn ngữ đẹp.
Chỉ có những thói quen ngôn ngữ. Người ta thấy hay với những thứ người ta thấy quen thuộc.
Tiêu chuẩn ngôn ngữ là thứ thói quen ngôn ngữ đã thắng thế bởi chính trị. Nếu một cuộc thay triều đổi đại không thay đổi được thói quen ngôn ngữ của người dân thì quyền lực không vững chắc. Một thời đại đã chấm dứt nhưng thói quen ngôn ngữ nó để lại vẫn còn thì uy quyền của thời đại ấy vẫn chưa hết.
Sự tôn sùng một thói quen ngôn ngữ tới mức cho rằng ngôn ngữ ấy tuyệt đẹp, về bản chất, là sự lệ thuộc uy quyền cho dù nó đang mới hay đã cũ.
Chọn lựa thói quen ngôn ngữ tuỳ hoàn cảnh hay để một thói quen ngôn ngữ lựa chọn mình trở thành tay sai đắc lực cho thứ uy quyền của nó?
Mọi thói quen thẩm mỹ đều có thể được thay đổi. Bởi thế nên không có cái đẹp, chỉ có những thứ vừa mắt, vừa tai, vừa miệng… vừa tri giác.
Hà Thủy Nguyên
Home 2019 Tháng Bảy / page 2

Nhảm#3: Hành động

Thế gian này, không ai hành động.

Tất cả chỉ vận hành theo các thói quen, như một mã lệnh tự động được ghi trong tâm trí.

Hành động như một trò diễn theo kịch bản.

Hành động như một vật thể di chuyển theo quỹ đạo.

Hành động không hàm chứa tự do trong đó. Một hành động khởi lên, nó đã bị kiểm soát bởi các lực đẩy và lực nén.

Bất kể con người có ý thức hay vô thức, những hành động ta làm cũng không phải ta làm.

Hành động có ý thức: biết rằng ta là con rối mà cuộc đời giật dây.

Hành động trong vô thức: sự va chạm hỗn loạn của những thói quen, những nguyên tắc, những điều luật, những đức tin, những sân hận, hoài nghi lộn xộn trong đầu…

Không hành động: một trạng thái chối từ rằng mình đang hành động.

Trật tự là khi con người hành động trong vô thức. Và loạn lạc cũng thế, là khi con người tiếp tục hành động trong vô thức. Điều gì tạo ra khác biệt trong trật tự và loạn lạc?

Trật tự: những vai diễn tẻ nhạt ít đột biến, theo một công thức có sẵn.

Loạn lạc: bộ vở đại kịch hấp dẫn kéo dài dằng dặc không dứt chương hồi.

Người ta thích xem đại kịch nhưng lại thích sống trong xã hội trật tự và mâu thuẫn hơn thế là người ta thích hành động mà chả cần suy nghĩ cái quái gì.

Trong vở đại kịch, từ chối thừa nhận rằng mình đang hành động hay ý thức được thân phận con rối của mình sẽ khiến vai diễn lỡ dở. Nhưng đó là sự lỡ dở cần thiết cho một cấu trúc hoàn hảo của thế gian.

Không có sự kết thúc hành động, chỉ có chuyển từ hành động này sang hành động khác.

Kkhông có hủy diệt hay bất tử, chỉ có những chuỗi hành động nối tiếp nhau liên miên bất tuyệt.

Tôi sẽ dừng hành động này ở đây để chuyển sang hành động khác và các bạn nối tiếp hành động vừa qua của tôi bằng cách khởi phát hành động đọc, và gì đó nữa thì tùy các bạn.

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 Tháng Bảy / page 2

Nhảm(2): Thơ

Có thời, các nhà thơ sợ hãi không dám viết những vần thơ có nhịp điệu.

Nỗi sợ ấy kéo dài tới tận ngày nay.

Họ sợ thứ thơ nhịp điệu bởi tự sâu thẳm bên trong họ không có thứ nhịp điệu nào được cất lên. Chỉ những chuỗi dài ồn ã, lao xao, không cấu trúc. Như hỗn loạn sợ bị thiết lập trong trật tự.

Họ nói hỗn loạn là thơ tự do, là thơ hậu hiện đại, là vô cấu trúc, là sự mở rộng vô biên các thực tại. Chỉ là mơ tưởng. Họ đang đi vào một giấc mơ hôn trầm, bị lắp ghép bởi vô vàn mảnh vụn giấc mơ của kẻ khác.

Nhưng những kẻ yêu thích thứ thơ nhịp điệu còn bệnh hoạn hơn. Họ đóng kín bản thân trong một chiếc hộp nhạc, bật đi bật lại những nhịp điệu quen thuộc của thơ. Họ không cất lên tiếng thơ bằng tiếng nhạc lòng mình, mà bằng tiếng nhạc từ cõi lòng kẻ khác.

Tách nhịp điệu khỏi thơ không phải là một bước tiến của thơ ca! Đó là sự lùi! Đưa thơ ca về mông muội. Những lời thơ ấy thậm chí còn chẳng là văn xuôi vốn luôn cần một trật tự lớn. Thơ ca không nhịp điệu là những âm thanh rời rạc vọng trong tâm trí, thứ thơ ca được nhào nặn bởi con chữ vô hồn. Nói thẳng, đó là thứ thơ ca vô hồn. Mà có sao đâu, con người đa phần không cần đến hồn, thì với họ, thơ ca có hồn là một trò gây hấn.

Nhưng ở mãi trong một nhịp điệu thơ ca, thì nhà thơ đã chết lâm sàng. Nhà thơ ấy không sống. Chỉ lải nhải điệu cũ. Hãy xem, con chim họa mi đích thực sẽ ca muôn điệu. Còn con chim bằng vàng, nó không ca, nó chỉ là cái máy phát.

Nhà thơ làm thơ sa đà vào thủ pháp thì sẽ đánh mất linh hồn.

Nhưng nhà thơ sa đà vào linh hồn, thì sẽ không đánh mất thủ pháp, ngược lại, họ tự tạo ra thủ pháp của riêng mình. Đó là thủ pháp của thứ tự do không thủ pháp.

Nhà thơ quá chú trọng nhịp điệu sẽ chỉ viết những lời sáo rỗng và linh hồn giả tạm.

Nhưng nhà thơ chú trọng linh hồn thì sẽ là kẻ ngân lên những ngôn từ linh dị.

Nhưng này, hãy cẩn thận, những nhà thơ linh hồn, họ sẽ phát điên, tới nỗi viết thơ lên cát và mặc cho gió cuốn trôi.

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 Tháng Bảy / page 2

Nhảm #1: Hiện thực

Đối mặt với hiện thực là hành vi hết sức vô nghĩa, bởi hiện thực luôn tác động đến ta theo cách này hay cách khác.

Vấn đề của chủ nghĩa hiện thực nằm ở chỗ quá bám víu vào hiện thực. Họ – những nhà chủ nghĩa hiện thực chỉ mô phỏng hiện thực sao cho gần nhất với hiện thực. Họ không hiểu rằng (hoặc có thể họ thừa hiểu), sự mô phỏng hiện thực thiên kiến của họ lập tức trở thành thiên kiến của người đọc, và qua đó, người đọc hành động tạo tác nên một hiện thực được chiếu lại từ các tác phẩm hiện thực. Tức là hai tấm gương soi nhau, một tấm gương vỡ và một tấm gương thì rộng vô biên. Đó là cách họ thay đổi thế giới.

Thứ đáng sợ hơn cần phải đối mặt không phải là hiện thực, mà là sự mắc kẹt trong một hiện thực không thật do tâm trí nhào nặn nên.

Thứ cũng đáng sợ nhưng lại đầy hấp dẫn, đó là đối mặt với những gì ta vốn coi là không thực nhưng rồi một ngày nhận ra rằng chúng là một hiện thực khác với thứ mà ta vẫn coi là hiện thực. Nói thế nào nhỉ, nhìn thế giới với con mắt khác ư? Đó là vấn đề của siêu thực và tượng trưng. Nhưng không phải, điều tôi muốn nói ở đây là nhiều hiện thực, nhiều thế giới và nhiều con mắt.

Ta phải sống sao với tình trạng đa chiều vạn biến này? Đơn giản là không sống hay chết! Đơn giản là trải nghiệm và đi qua rồi loại bỏ. Đơn giản là không bám víu vào gì cả. Đơn giản là vô định. Nếu không thể vô định, ta sẽ nổ bung bét các nhân cách tới mức thành một kẻ bấn loạn tâm thần.

Đây là con đường tự do nhưng không có quyền hạn hay trách nhiệm.

Định nghĩa mới: Hiện thực là những gì ta nhìn thấy và không nhìn thấy!

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 Tháng Bảy / page 2

Tận hưởng niềm vui với con cái

Con cái có lẽ là tạo tác tuyệt vời nhất trong cuộc đời mỗi con người. Nhân tính của đứa con sẽ nói lên cách mà bạn đối xử với chúng, hay nói một cách khác sự trưởng thành của con cái phản ánh nhân cách của những người nuôi dưỡng chúng. Nhưng cũng giống như sáng tác tác phẩm nghệ thuật, thái đô và quan niệm của bạn trong sáng tác sẽ quyết định phong cách và tư tưởng của tác phẩm, quan niệm của bạn về nuôi dậy con sẽ quyết định đặc tính mối quan hệ giữa bạn và con cái. Có người nhận thấy việc nuôi con cái là một trách nhiệm nặng nề với những lo toan chuẩn bị cho tương lai sinh tồn của đứa bé trong đời sống xã hội, có người dồn toàn bộ những ẩn ức của cuộc đời mình vào con cái để thúc ép đứa bé trở thành một thứ gì đó vượt trội, có người coi con cái như cục nợ và chỉ cần vứt tiền nuôi chúng là đủ… Trong bài viết này, tôi sẽ viết về một thái độ khác, quan niệm khác trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái: tận hưởng niềm vui với chúng và để chúng tự quyết định trong cuộc đời mình.

Tận hưởng niềm vui với con cái và để con cái tự quyết, nói thì dễ nhưng làm được thì rất khó. Chúng ta có thể nhìn lại thời thơ ấu của chúng ta. Chúng ta phải đối mặt với áp lực từ trường học với lời trách mắng của thày cô, sự tẩy chay của bạn bè, nếu chúng ta cứ mải chơi và không tập trung học những điều trên lớp, hoặc thể hiện ý kiến phản đối chương trình trong sách giáo khoa hay lời dạy của thày cô, hoặc có một thói quen gì đó khác lạ. Chúng ta phải nghe đủ loại người lớn từ người thân cho đến người ngoài phàn nàn về lối sống của chúng ta. Và gần như chúng ta không có đồng minh, không một lời chia sẻ trong những lần đối mặt ấy. Vậy thì con cái chúng ta giờ đây cũng thế. Đừng so sánh về điều kiện sống, hãy so sánh về những vấn đề tâm lý cần đối mặt, chẳng phải ta và con cái chúng ta rất giống nhau sao? Thế thì tại sao không thể coi chúng như những người bạn ít tuổi hơn mà phải coi chúng như một sinh vật cần được dạy dỗ, cần được nhào nặn từ bàn tay của chúng ta? Cha mẹ khi để con cái được tự do và giữ mối quan hệ ngang bằng với con cái cũng sẽ gặp phải những áp lực không kém từ môi trường xung quanh: Thày cô gọi điện phàn nàn về con cái, những người lớn khác lời ra tiếng vào, và đương nhiên cũng phải từ bỏ không ít những niềm vui khác. Đương nhiên, không ít cha mẹ sẽ chọn phương án an toàn, giống như họ đã từng từ bỏ niềm vui của mình để tuân thủ mọi quy tắc xã hội đặt ra trong cuộc đời của họ.

Con của bạn liệu có thực sự cần rất nhiều đồ chơi hay không? Không, chúng cần nhiều đồ chơi để bù lấp những khoảng thời gian trống khi bạn không ở bên cạnh. Con của bạn có cần tới những trung tâm giải trí ồn ào hay không? Không, chúng cần tới đó bởi đó là cơ hội để được ở bên cạnh bạn. Bạn mới là điều quan trọng nhất, tối cần thiết nhất để mang tới niềm vui đích thực cho con cái, tất cả những thứ khác chỉ là phụ trợ mà thôi. Tôi đã thấy nhiều cha mẹ mua đồ chơi cho con để chúng cho bạn thời gian rảnh hay đưa chúng đi những trung tâm giải trí rồi lại hí hoáy với cái di động. Vậy chẳng phải chúng ta đã để niềm vui ấy vuột mất ư? Thay vì chúng ta quay trở lại với con người trẻ thơ để được vui cười như chúng, chúng ta đã áp đặt một thế giới trẻ thơ khác lên chúng với mục đích lảng tránh những tương tác tinh thần của hai thế hệ. Chơi với con trẻ như một đứa trẻ cũng không tệ đâu. Bạn chỉ cần vứt hết mọi thứ lo toan đời thường sang một bên, để nói một chuyện gì đó nhảm nhảm cùng con cái không vì mục đích gì cả, để đùa nghịch, để khám phá những chiều sâu tinh thần của nhau… Dần dần, bạn cũng như con bạn sẽ thấy những thú vui ngoài kia, ừ thì cũng hay đấy, nhưng không thú vị bằng khoảnh khắc ở bên nhau, bởi khi ở bên nhau bạn và con bạn được bộc lộ những gì phải giấu kín với thế giới ngoài kia.

Con bạn có thật sự cần được dạy dỗ để thích nghi với đời sống xã hội ngoài kia hay không? Không, chúng không cần được dạy dỗ. Điều chúng cần không phải là chặt đi mọi cá tính của bản thân để thích nghi với xã hội. Chúng sẽ vui hơn khi được là chính chúng và biến đổi môi trường xung quanh chúng cho phù hợp với chúng. Điều này quá viễn tưởng, phải không? Hãy nhớ về tuổi thơ của bạn, có phải bạn luôn có một cái nhìn mang tính phán xét với thế giới người lớn, về những thứ kỳ quặc trong thế giới ấy? Nhưng rồi, xã hội, nhà trường, gia đình đã điều chỉnh cái nhìn phán xét ấy của bạn, thứ mà họ gọi là “đạo đức” hay “giáo dục công dân”. Dần dần, bạn thấy những thứ kỳ quặc ấy cũng … bình thường, và bạn được gọi là “khôn ngoan” hay “trưởng thành”. Rồi những ý định, những ước mơ của bạn cũng dần mờ nhạt đi, thay vào đó là chọn con đường an toàn mà xã hội hay gia đình đã định sẵn cho bạn thông qua truyền thông, các lời giáo huấn hay dạy dỗ hay định hướng. Thế là hết! Bạn phải tìm đến những niềm vui giả vờ thông qua đủ loại giải trí hay các cộng đồng hay các lớp dạy kỹ năng sống. Làm sao bạn có thể vui thật sự khi mà con người thật sự của bạn đã bị giam đâu đó trong cái thế giới được ghi đè lên tâm trí của bạn. Những cha mẹ chưa từng được tự do hay chưa từng được tận hưởng niềm vui sẽ không thể cho con cái của họ tự do hay niềm vui. Bạn có nằm trong số họ hay không? Hãy thử tự suy nghĩ xem sao?

Sau cùng, những vấn đề lo lắng thường thấy ở các bậc cha mẹ để quyết định cho con cái tự do và niềm vui, đó là “Liệu con mình có trở nên hư hỏng hay không, đời bây giờ nhiều cạm bẫy xấu xa lắm?”, hay “Xã hội bây giờ nó vận hành như thế, con cái mình không chấp nhận, liệu nó có cuộc sống yên ổn hay không?”… Những lo lắng này là thừa. Những đứa con chỉ nhìn vào cuộc đời của cha mẹ chúng hoặc ai đó nuôi dạy chúng. Nếu bạn tự do là chính mình, luôn vui vẻ, luôn gần gũi về mặt tinh thần với chúng, làm sao chúng có thể hư hỏng? Nếu bạn là chính mình và gặp đủ loại khó khăn nhưng bạn vẫn luôn bình tĩnh vượt qua, luôn vui vẻ đối mặt, thì con cái sẽ học được ở bạn phẩm chất ấy. Hành động trong cuộc đời của bạn sẽ có tác dụng hơn gấp bội so với những lời giáo huấn và dạy dỗ.

Bây giờ thì, nếu bạn đã có con, hãy tắt máy tính đi, và dành thời gian cũng như tinh thần cho con cái.

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 Tháng Bảy / page 2

Trên dây

Tôi đi trên dây…trên dây…trên dây…
Đu đưa mây bay
Cánh gió
Hai vai nhẹ gánh trắng đen
Chỉ những món nợ đuổi đeo
Nào bao giờ bén gót

Từ trên dây, tôi thấy
Những kẻ mơ tưởng trên mây
Nhưng chân lụt bùn đen
Và lo toan ngập mặt
Những cột khói cao trắng phớ
Nhả bụi đen
Những khuôn mặt chân thánh
Thiện lành
Và trái tim thối rữa úa đen
Những thành phố lên đèn
Để trốn bóng đêm.

Sợi dây này dẫn tới đâu
Đi và đi, một chặng dài nhạt nhẽo
Tôi dừng lại
Mặc gió đẩy đưa lộn cổ
Rớt xuống tầng mây
Năm ngón tay níu mây bay
Nhưng thân này nặng quá
Tấm thân được đúc từ món nợ
Và tôi rơi
Nghe thân nát vỡ hình hài
Và mặt đất chuyển rung

Từ mặt đất, tôi nhìn lên
Muôn dây chăng đầy
Những người bước đi vào vô tận
Chẳng ai sa ngã như tôi
Và họ cứ chất đầy thân
Món nợ
Và lại đi, lại đi
Trên dây, trên dây

Còn tôi thì đã xa bay
Và xác thân tan tác.

Hà Thủy Nguyên