Home 2016 Tháng Mười Một

Vị quế – có ai còn nhớ

Quế là loại gia vị đặc biệt với mùi cay nồng và ngòn ngọt, thứ hương mộc mạc và nồng ấm. Hương quế chiết xuất làm tinh dầu hoặc nước hoa thì thanh tao, mà vị quế được dùng cho thức ăn thì mạnh mẽ. Hiếm có loại gia vị nào lại có thể tạo được những hiệu ứng tương phản nhau như vậy. Không giống như sả hoặc mùi, rất hợp với phụ nữ, quế phù hợp với cả hai giới tính.

Tôi là kẻ nghiện ngập thứ hương quế và vị quế. Cái thời tôi còn chưa biết nấu nướng gì (dù bây giờ vẫn chẳng khá hơn là bao), tôi luôn mang bột quế theo mình, khi vào quán cafe, tôi rắc bột quế vào cafe sữa hoặc sữa tươi, để cái mùi vị mạnh mẽ của quế át đi mùi hăng hăng của thứ đồ uống kém chất lượng mà chủ quán bất chấp đạo đức bán hàng cung cấp cho khách hàng. Đến giờ, khi cái khẩu vị của tôi đã hình thành, tôi vẫn cứ thích vị quế.

Tôi thích cái vị bột quế rắc đầu tiên là khi ăn bánh Tiramisu. Cách làm Tiramisu thông thường không có bột quế. Nhưng hôm đó, một người bạn của tôi tự làm ở nhà, và anh ấy đã rắc bột quế lẫn với bột ca cao lên bánh. Sau đó, vị ngọt của bánh đã qua đi cùng với hơi rượu và phomat mascarpone, nhưng hương vị của quế thì vẫn còn đọng lại, không biết là trong vòm họng hay trong ký ức của tôi. Và từ đó, tôi thích bột quế.

Bột quế  mịn lẫn với bột ca cao rắc lên phần bọt sủi của Capucino hoặc Latte vào một buổi chiều mùa đông sẽ khiến chúng ta có một chút thoảng bâng quơ nhìn ra xa xăm. (Mặc dù ở Tây người ta uống cafe buổi sáng, nhưng với tôi, buổi chiều mới là lúc tôi thức dậy) Vị quế không át cafe, nhưng hương quế len nhè nhẹ trong cổ họng và sống mũi là nở những mao mạch bị lạnh cóng bởi hàn khí mùa đông. Ai có thể nghe thấy tiếng mao mạch đang nở dần ra với hương thơm nồng len lỏi? Tuyệt nhiên, những kẻ vội vã không thể nghe thấy! Lối uống cafe của người Ý, dù pha bằng máy, vẫn không phải lối uống vội vã. Mà thực ra, uống cafe vốn dĩ không phải thứ uống vội vã. Phải từ từ, nhâm nhi, cảm nhận. Sự tỉnh táo không phải đến từ độ đậm đặc của chất kích thích mà đến từ sự cảm nhận tinh tế. Người ta đẻ ra cafe đá không phải để tìm đến sự tỉnh táo trong tĩnh lặng mà cần một cú tát vừa lạnh, vừa đắng, vừa ngọt lừ để lôi họ ra khỏi cảm giác ngái ngủ vì thiếu giấc trong thời đại công nghiệp. Uống cafe cách ấy, chả trách mà đau dạ dày. Capucino thì không nên uống với đá, mà không thể uống với đá, lại càng không nên đựng trong cốc giấy. Capucino nhất thiết phải đựng trong tách gốm hoặc sứ, để làm bật lên màu nâu hoàn hảo phủ lớp bọt trắng như tuyết mùa đông nổi bật lên bột quế lẫn ca cao rắc, lúc thành hình cụ thể, lúc lại như một thiên hà đậm đặc ở giữa và rải rác tinh tú xung quanh. Ít ai biết, tên gọi Capucino xuất phát từ dòng tu Capuchin, vì màu loại cafe này giống màu áo của các thày tu. Nhưng không chỉ đơn giản là màu áo. Những thày tu dòng Capuchin là những người tu hành trong đơn độc và sám hối. Và ngồi bên tách Capuchino, chúng ta cũng nên đơn độc, bởi một lời thốt ra thôi cũng đủ khiến bay đi mất cái cảm giác khoan khoái mất rồi. Các thày tu dòng Capuchin thì đơn độc và sám hối, còn người uống Capucino thì đơn độc và suy nghĩ.

Ở Việt Nam còn có cafe trứng. Trứng đánh bông lên, đổ lên mặt cafe. Loại đồ uống này bắt đầu từ Cafe Gỉảng. Cafe Việt Nam khá đậm vị, không nhẹ như Cafe Ý. Mà trứng đánh bông lên với đường, ở Hà Nội vẫn gọi là kem trứng, thì lại thoang thoảng mùi tanh. Hai thứ đó kết hợp với nhau chẳng ăn nhập gì cả. Người ta bắt chước Capucino, rắc lên ít bột ca cao, không giải quyết vấn đề gì, cafe trứng vẫn cứ rời rạc. Tôi có một gợi ý, hãy rắc quế vào, hoặc đánh bột quế cùng với trứng. Bột quế sẽ át được vị tanh của trứng và có thể khiến kem trứng và cafe ăn nhập với nhau hơn. Nếu với Capucino hay Latte, bột quế làm dậy mùi, thì với cafe trứng Việt Nam, bột quế đóng vai trò như kẻ hàn gắn.

Văn hóa trà Tàu ở Việt Nam không còn kiểu uống trà ấm như trong tập truyện “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân. Giờ đây, người ta uống trà hoa, trà bát bảo. Mà phong trào trà bát bảo cũng thoái trào để thay thế bằng trà sữa chân trâu. Tôi miễn bàn về trà sữa trân châu ở đây, chỉ muốn bàn một chút về trà hoa, trà bát bảo. Bước vào một quán trà Tàu, nhìn vào thực đơn, đủ các loại trà La Hán, trà hoa hồng, trà hoa cúc, trà nhân sâm, trà bát bảo… tôi thật không có hứng thú. Vì trà hoa thì quan trọng ở hương thơm, mà hương thơm trải qua quá trình lưu trữ ở Việt Nam thì chẳng còn mấy. Trà La Hán, trà bát bảo… thì hổ lốn. Nhưng có một loại vẫn có thể gọi: Trà quế chi cam thảo. Trà quế chi cam thảo lấy vị ngọt từ quế và cam thảo chứ không phải đường, và vị cay nồng của các thanh quế được bẻ vụn lẫn với trà, xuyên thấu lên tận não. Buổi tối mùa đông mà uống một tách trà quế chi cam thảo, đọc một cuốn sách có phong vị Á Đông thì thật là tao nhã. Sự tấp nập, vội vã của vòng xoay tiền tài, danh vọng đã khiến người ta quên mất đi cái lối nhẩn nha hưởng thụ, khiến người ta không biết cảm nhận tính thơ ca trong vạn vật. Kẻ cảm nhận được tính thơ ca thì lại không dễ gì chạy đua theo tiền tài, danh vọng, và vì thế lại càng không mấy khi chịu ngồi vào mấy hàng trà Tàu rởm đời nhộn nhạo đám đông, lẫn lộn giữa nhạc trẻ và không gian giả cổ. Thôi cho qua…

Các món ăn của Việt Nam đặc biệt nên có thứ gia vị quế, bởi đa phần món ăn, món nào cũng đậm đà và có mùi đặc trưng. Các nguyên liệu thức ăn của Việt Nam, đặc biệt ở miền Bắc, giống như người Bắc vậy, ai cũng tự khư khư với định kiến riêng của mình. Nếu phối hợp không khéo, thức ăn thức uống sẽ hành hạ từ cái lưỡi đến cái dạ dày của chúng ta, tựa như một cuộc họp của những kẻ khư khư định kiến vậy. Và vị quế là một trong những loại gia vị có đủ khả năng để điều phối, một kẻ điều phối mộc mạc và thẳng tính, một kẻ điều phối độc tài tinh hoa trị.

Thịt bò, sườn lợn, thịt lợn… nướng đều cần có quế. Quế giúp mờ đi mùi tanh của thịt. Riềng mẻ ướp với thịt lợn cũng có thể có tính năng tương tự. Nhưng riềng mẻ sẽ ảnh hưởng đến vị của thịt, không làm nổi bật cái vị ngọt hiếm hoi của thịt lợn (thời này tìm thịt lợn ngon khó lắm). Thịt bò có thể chỉ cần ướp với gừng và tỏi là đỡ tanh. Nhưng hãy tưởng tượng bạn sẽ phải đi gặp người yêu sau khi ăn tỏi? (Đương nhiên, tôi là một kẻ không thích tỏi) Vậy thì tại sao không ướp thịt bò với quế và hoa hồi để nướng, có phải là thơm biết bao nhiêu.  Ăn thịt bò sốt vang, người ta cũng phải cho quế và hoa hồi vào để nấu kia mà. Nhưng bây giờ, ít ai dùng bột quế để tẩm ướp thịt. Đa phần họ dùng túi bột ngũ vị hương, hoặc dầu hào, hoặc sa tế. Thói quen này bắt đầu từ mấy hàng quán bình dân, họ phải dùng những gia vị mặn và nhiều mùi để che giấu chất lượng thịt, sau đó người ăn cũng bắt chước về nhà làm. Dần dần, các loại gia vị này khiến lưỡi bị chai đi, tê liệt vị giác, không còn nếm được thịt ngon và không còn hưởng thụ được hương thơm nữa.

Càng ngày quế càng thiếu vắng trong đời sống. Hồi trước người ta mua những thanh quế về, để trong tủ quần áo để khử mùi, nhưng giờ đã có các loại khử mùi nhân tạo khác. Nếu so quế với băng phiến thì thật là một trời một vực, nhưng người ta vẫn cứ ưa băng phiến hơn. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao. Mà mua một thanh quế đâu phải là đắt.

Quế là loại cây trồng ở xứ nhiệt đới. Ngày xưa Trung Đông  nổi tiếng với cây quế (ngày nay nổi tiếng với IS) Cùng một vĩ độ, Việt Nam cùng với Lào và Campuchia cũng là một vùng trồng quế. Nhưng người Việt Nam ngày nay cũng chẳng mấy ai trồng quế. Chỉ còn vài vùng giáp ranh với Nam Lào và Campuchia như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Ngoài ra còn hai vùng quế nổi tiếng là Yên Bái và Trà Mi ở Quảng Nam. Ở Đông Nam Bộ, từ đất đai đến thời tiết đều thích hợp để trồng quế, nhưng vì lợi nhuận, người ta đã trồng cây cao su và cây cafe. Cũng không trách họ được. Trên thế giới, người ta dùng cao su và cafe nhiều hơn dùng quế. Ngày nay không phải là thời kỳ độc tài tinh hoa trị, mà là thời đại của các phong trào dân chủ. Cho nên, tất cả những gì chỉ để làm đẹp và làm cho sung sướng, mà không ăn no và bổ dưỡng sẽ dần dần bị gạt bỏ và lãng quên. Trong đó có quế, như tôi nói ở trên, đây là loại gia vị theo phong cách độc tài tinh hoa trị.

Một khía cạnh tâm linh thể hiện cho sự độc tài tinh hoa trị của quế, đó là để trừ tà. Hương quế nồng ấm nên tràn đầy dương khí, thanh nhẹ nên lan tỏa khắp không gian. Tinh dầu quế sẽ cứu rỗi không gian sống của chúng ta trong những ngày u ám, âm khí nặng nề. Tiếc là giờ đây chẳng mấy người làm tinh dầu quế. Đàn ông không mấy khi dùng tinh dầu, mà mấy bà mấy cô thì chỉ ưa chuộng tinh dầu sả hoặc mùi, hay những loại tinh dầu hương hoa. Hương quế sẽ khiến căn phòng của bạn sạch những mùi lạ vảng vất, khiến những hạt không khí bẩn, mà người ta gọi là âm khí bị thiêu cháy thành hư không.

Mấy năm nay, Hà Nội nhiều hôm trời u ám đến rợn người. Chúng ta đau đầu, ho khan, hắt xì hơi liên tục… Ma quỷ ngập đường. Không phải vì nhiều oan khí,  mà bởi Việt Nam là mảnh đất tranh chấp của nhiều thế lực tâm linh. Đấy, ai bảo Việt Nam có hình chữ S, giống hình cái xoáy âm dương. Người không tin chuyện ma quỷ thì có thể đổ cho biến đổi khí hậu. Người tin thì sẽ nhận ra những điều tôi nói là không sai. Nhưng dù là biến đổi khí hậu hay ma quỷ, thì chúng ta vẫn cứ mệt mỏi và uể oải. Tôi dùng quế cho những ngày này, vào bất cứ trường hợp nào có thể.

Hà Thủy Nguyên

Home 2016 Tháng Mười Một

Con đường Viết của tôi (1): Viết cho mình hay viết cho người

Đọc thêm về chùm bại “Con đường Viết của tôi” tại đây: https://hathuynguyen.com/tag/con-duong-viet-cua-toi/

Tôi bắt đầu viết những bài thơ đầu tiên hồi lớp 3. Hồi đó tôi thường hay đi loanh quanh tìm lá cây, đem về ép, rồi viết những câu thơ vịnh loài cây ấy. Lên lớp 6, tôi bắt đầu viết tiểu thuyết đầu tiên, đó là một truyện khoa học viễn tưởng. Lúc đó, tôi nhìn lại những bài thơ viết hồi lớp 3, thấy ấu trĩ quá, nên vứt luôn tập thơ ép hoa lá kỳ công suốt 3 năm liền ấy đi. Một khi đã nhận thấy sự ấu trĩ của mình, nhìn lại vào cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đang viết dở, cũng thấy sao mà dở tệ, vì thế, tôi đã xé nó đi (Hồi đó còn đang viết tay). Nguyên nhân khiến tôi cảm thấy những bài viết của tôi ấu trĩ hay dở tệ là bởi cái tôi khi viết và cái tôi của các chuẩn mực, nhận định hoàn toàn chênh lệch nhau. Đoạn này, tôi sẽ trình bày kỹ ở các phần sau. Sau đó, tôi lại muốn viết một cuốn tiểu thuyết dã sử, vừa có màu sắc thần tiên, vừa có màu sắc kiếm hiệp.  Và thế là tôi đã dành 2 năm (Nửa cuối năm lớp 6 đến nửa đầu năm lớp 8) để tìm tài liệu lịch sử, văn hóa cho nó, và xây dựng một đề cương chi tiết về những biến cố sẽ diễn ra trong một bộ tiểu thuyết gần 1000 trang. Tôi viết nó liên tiếp trong hơn 2 năm. Nhiều lần bị gián đoạn, nhiều chương phải viết đi viết lại. Đó là những ngày mà sáng và chiều vẫn phải ở trên lớp học (tôi học lớp chọn ở một trường rất danh tiếng, nên áp lực rất lớn), tối đi học thêm và làm bài tập về nhà, tôi chỉ có khoảng từ 11h đêm đến 4h sáng để viết tiểu thuyết. Và sáng hôm sau, 6 rưỡi đã phải dậy để đi học. Tôi đã bắt đầu con đường văn chương của mình như thế đấy. Khởi đầu cho việc viết chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là viết chuyên nghiệp. Nó đòi hỏi sự thử nghiệm, chấp nhận thất bại, khả năng tự đánh giá bản thân, sự tìm tòi nghiên cứu (có thể trong sách vở hoặc cuộc sống), và đặc biệt, kỷ luật cá nhân.

Cuốn tiểu thuyết đầu tay ấy, tôi đặt tên là “Điệu nhạc trần gian”(Xuất bản 2004, NXB Phụ Nữ) với ẩn ý rằng mọi vẻ đẹp của cõi trần và hiện hữu với đủ sắc thái hỷ lạc sầu bi đều hơn những tham vọng cao xa như tột đỉnh quyền lực hay thần tiên thoát tục. Khi đem sách tới các Nhà xuất bản, các Nhà xuất bản không dám nhận in vì cho rằng tôi ăn cắp bản thảo ở đâu đó và cương quyết rằng với độ tuổi của tôi, tôi không thể viết được một cuốn sách như vậy, với những tư tưởng như vậy. Tôi đã từng đưa cuốn sách này đến gặp nhà thơ Trần Đăng Khoa, ông Khoa lúc đó còn khuyên tôi là viết cho người Việt Nam thì chỉ cần viết về “củ sắn củ khoai” là được rồi. Lúc ấy, tôi chỉ biết cười khẩy một cái rồi quay đi. May sao, cuốn sách đến tay nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên. Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy cảm thấy thích thú với cuốn sách nên đã cùng vài người bạn khác giúp tôi xuất bản sách. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thì dành cho tôi những lời khen ngợi cuốn sách như sau: “Bố cục lớp lang liền mạch, nhân vật rõ ràng, tả người có dáng, tả cảnh có hình, tả tình có điệu… Chuyện là chuyện tiên ma nhưng đời là đời thực, tình là tình thực, và điều này đọc tác phẩm người đọc có thể thấy thuyết phục.” Khi được xuất bản, nhiều nhà báo đã viết về tôi, nhiều bạn đọc gửi thư cảm ơn và tỏ lòng mến phục. Tôi cho rằng, tôi đã thành công ở độ tuổi ấy. Và cuốn “Điệu nhạc trần gian” đến nay, khi nhìn lại, dù rất nhiều lỗi tư duy và dùng từ, nhiều non nớt trong xây dựng nhân vật, nhưng tôi vẫn thấy kết quả ấy là xứng đáng với những gì tôi đã bỏ ra lúc ấy. Có thể, thời gian sắp tới, tôi sẽ sửa chữa lại để cuốn sách hoàn thiện hơn, phù hợp với tôi hiện nay – vốn đã tự định hình rõ rệt.

Tôi kể lể rất dài để muốn nói với các bạn rằng viết lách thật sự rất khó khăn, rất nhiều những vấn đề phải đối mặt, mà không phải chỉ có ý tưởng, chỉ có kỹ năng là các bạn đã có thể viết được. Cho dù bạn viết một bài thơ bốn câu, một bài tản văn, một bài báo xã luận bình thường, một bài tâm tình trên blog, hay truyện ngắn, tiểu thuyết… bạn cũng phải đối mặt với rất nhiều thứ phức tạp đến từ bên trong bạn.

Trong loạt này, tôi sẽ đề cập đến những khó khăn, những ảo tưởng mà chúng ta phải đối mặt với việc viết. Có thể những điều này sẽ không cần thiết với những ai muốn nhanh chóng viết được một bài quảng cáo hoặc tuyên truyền, nhưng tôi hi vọng rằng những kinh nghiệm của tôi sẽ có ích cho những người muốn viết một cách nghiêm túc (dù có đeo đuổi con đường chuyên nghiệp hay không).

Viết cho mình hay viết cho người khác

Đây là câu hỏi khiến tôi dằn vặt suy nghĩ mất nhiều năm. Trong nhiều năm đó, tôi chẳng viết gì nên hồn. Một phần là do những gì tôi tự viết cho mình không bị tịch thu sau khi xuất bản thì cũng cả một dàn nhà báo lên tiếng phẫn nộ. Điều này cũng khiến tôi phải suy nghĩ về cách viết của mình. Tôi cứ liên tục đặt các chuỗi câu hỏi: Nếu mình viết cho mình thì mình cần gì phải viết, cứ để gió cuốn trôi thôi. Nếu mình viết vì người khác thì phải cố làm thế nào cho đại chúng có thể chấp nhận mình, mà tiêu chuẩn của mình và đại chúng lại khác xa nhau một trời một vực. Và thế là tôi chán, không viết nữa. Tôi sẵn sàng bán khả năng viết của mình cho các dự án truyền thông, phim truyền hình ngớ ngẩn để lấy mấy trăm triệu đi chơi bời trác tang, coi như cũng xong một đời.

Tôi chỉ thực sự thoát ra vũng lầy của các chuỗi câu hỏi ấy khi tôi viết tiểu thuyết “Thiên Mã” (Xuất bản 2010, NXB Kim Đồng). Đây là một cuốn truyện khoa học viễn tưởng, có một chút màu sắc tâm linh. Trải nghiệm khi viết cuốn sách này rất thú vị. Tôi phát hiện ra là những điều tôi biết trước đây, thông qua việc viết kết nối lại với nhau một cách tự động, thậm chí phạm vi nhận thức của tôi còn được mở rộng. Lúc này, tôi mới hiểu sâu sắc ý nghĩa của việc viết cho mình.

Viết cho mình không phải đơn giản là nỗi lòng của mình có gì thì phơi bày ra hết, “Mình” là một cái gì đó rất rộng lớn mà chính bản thân chúng ta cũng không hiểu hết. Bạn chỉ nhận thức được bề mặt của cái “mình” ấy thôi, giống như việc bạn có thể nhìn thấy được màu da, bàn tay, bàn chân, khuôn mặt…v…v…, nhưng không dễ gì để nhận biết các chuyển động của xương khớp, sâu xa hơn là các hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ sinh dục… và càng bất khả thi để cảm nhận các nội tiết tố của chúng ta vận hành thế nào. Đó chỉ là cái bất khả tri trong cơ thể vật lý, hãy tưởng tượng thế giới tâm trí của chúng ta sẽ khó khăn để hiểu như thế nào. Bởi vậy. Viết không phải chỉ để bộc lộ, mà là quá trình sắp xếp tư duy bản thân, thậm chí đột phá vào các ngóc ngách bên trong của mình mà thông thường chúng ta sẽ không có nhiều dịp để chạm tới. Do đó, viết cho mình là một quá trình nhận biết bản thân một cách sâu sắc và tập trung. Hamvas Béla, triết gia Hungary yêu thích của tôi còn cho rằng Viết là một hoạt động Yoga tinh thần.

Nhưng viết cho mình không có nghĩa rằng chúng ta được quyền bừa bãi với câu chữ. Không viết đúng chính tả, không viết đúng ngữ pháp, dùng từ ngờ nghệch, câu cú không chuẩn, cấu trúc bài lộn xộn… không phải là sống đúng với bản chất mà là do sự khiếm khuyết trong khả năng tư duy và vốn kiến thức của chúng ta gây ra. Nếu bạn coi việc viết là để hoàn thiện mình thì bạn cần thiết phải gia tăng khả năng tư duy và vốn kiến thức. Bạn muốn “mình” sẽ ngày càng trở nên tốt đẹp hơn hay “mình” sẽ mãi mãi là kẻ què quặt ốm yếu? Nếu bạn có thể mất không ít tiền để bồi bổ, tập luyện để có một cơ thể khỏe đẹp, tại sao bạn không sẵn sàng bỏ chút thời gian, công sức để chăm lo cho cái tâm trí đang lộn xộn của mình? Những nhà văn, nhà thơ, triết gia viết cho bản thân họ mà vẫn thuyết phục được người khác chính là bởi vì họ luôn tôi rèn tâm trí của họ thành một tuyệt tác (chứ không phải chỉ tác phẩm).

Và nếu bạn xác định rằng việc viết không phải chỉ để phơi bày bản thân mà còn để hiểu hơn về bản thân thì bạn sẽ không ngại khi phải viết để phục vụ người khác. Bạn có thể coi các nhiệm vụ viết để phục vụ người khác như một cách thức để giúp chúng ta mở rộng phạm vi bản thân: Có thể là hiểu thêm một lĩnh vực mới, có thêm kiến thức mới, học thêm được một kỹ năng viết mới… Trừ những thứ viết có thể gây hại cho tính mạng con người hay tẩy não độc giả, còn thì mình đều có thể thử học để biết. Thậm chí, không chỉ viết cho người khác, ngay cả việc dịch cũng sẽ giúp bạn hoàn thiện khả năng viết của mình. Nếu bạn e sợ rằng việc viết cho người khác sẽ ảnh hưởng đến việc viết của bản thân bạn thì chứng tỏ rằng bạn cũng chưa hiểu bản thân mình đủ nhiều, chưa xác định được rằng bản thân mình là cái gì.

Vậy nên, viết cho mình hay viết cho người không quá quan trọng trong quá trình bạn viết. Có những lúc bạn tưởng viết cho mình, nhưng cái “mình” ấy có thật là “mình” hay không thì chưa chắc. Có lúc bạn viết cho người khác nhưng bạn đồng nhất được những thứ mình tâm đắc với những yêu cầu của bài viết, bạn lại được biểu hiện bản thân mình. Trên thực tế, cái gọi là “mình” được bồi đắp nên bởi người khác, và người khác cũng chỉ là phóng chiếu của “mình” mà thôi. Chỉ có hành động viết và tâm thế sáng rõ của mình khi viết là thứ có thể khiến chúng ta đi sâu bản thân và biểu hiện ra những gì tưởng như mình chưa từng nghĩ đến. Nếu bạn khư khư mình chỉ viết những thứ thuộc về mình, tức là bạn đang tự lập trình chính bạn, tự bạn biến mình thành robot của rất nhiều người khác đã cài vào bạn. Nếu bạn chỉ biết chạy theo các yêu cầu của người này người khác mà quên đi cảm giác học hỏi, quên đi những tiêu chuẩn của bản thân, quên đi các điều tâm đắc của mình thì bạn cũng sẽ trở thành loài zombie chạy theo tiếng ồn của đám đông dư luận.

Tôi thích câu này của Lưu Hiệp trong “Văn tâm điêu long”: “Văn chương là tấc lòng gửi lại ngàn năm”. Nhưng điều quan trọng đó là chúng ta phải xem xét xem “tấc lòng” chúng ta có gì để viết, hệ trọng hơn đối với các cây viết trẻ thì cần phải xem xét xem chúng ta có “tấc lòng” hay không đã.

Hà Thủy Nguyên

(Còn nữa)

 

 

Home 2016 Tháng Mười Một

Mặt trăng – Thợ săn – Những ký ức trong rừng thẳm

“Ta từng buổi bơ vơ tìm bộ lạc”

(“Người gái thiên nhiên” – Đinh Hùng)

1.

Sâu hun hút giữa đêm trăng, cái mênh mông của ký ức hoang dã trỗi dậy, như một kẻ tâm thần muốn ăn thịt cả nhân loại, nhưng vì không thể, nên chỉ có thể ăn thịt chính mình. Mọi thành phố đều chật hẹp, mọi thành phố đều được cấu trúc bởi những bức tường và những cái lỗ con con chúng ta vẫn gọi là cửa sổ. Chấn song rỉ sét trở nên đẫm máu dưới ánh trăng. Những chấn song cứa vào da thịt tứa máu… còn ta… ta cứ với mãi… với mãi… với lên mặt trăng xa tít tắp…

Chúng ta là tù nhân của thực tại này, bị giam giữ sau những chấn song, những bộ quần áo và thứ đạo đức rởm rít hàng đời được xếp chồng lên nhau (nếu có khác thì cũng chỉ là hình thức). Có lẽ chúng ta đã có thể chấp nhận thực tại  nếu cơ thể của chúng ta không có máu. Mặt trăng với từ trường của nó đã hút tất cả phân tử kim loại trong máu người về phía nó, nhưng lực hút của thực tại này đã ngăn trở. Ẩn dấu đâu đó trong chúng ta là một ngọn núi lửa. Dưới biển sâu luôn có những ngọn núi lửa, mỗi khi xảy ra địa chấn, núi lửa phun trào và gây ra sóng thần. Những ngày trăng tròn, núi lửa bên trong cõi vô thẳm của tinh thần lại phun trào, và chúng ta phát điên. Giống như trong truyền thuyết Digan, một người có thể hóa sói vào đêm trăng tròn. Con sói không ăn thịt người, nó chỉ muốn thỏa mãn cơn khát máu. Khi không thể chạm tới mặt trăng, mùi máu và màu đỏ khiến nó cảm giác rằng mình đang thoát khỏi những chấn song. Không thể làm đau chính mình, nó chẳng còn con đường nào khác ngoài giết chóc … và giết chóc hơn nữa.

Trái ngược với nữ thần Selene, nữ thần cai quản Mặt Trăng hiền hòa, một nữ thần khác hiếu chiến và khát máu hơn: Artemis. Nàng là em song sinh của Apollo – vị thần ánh sáng đội vòng nguyệt quế vinh quang. Người Hy Lạp ví Apollo đại diện cho Mặt Trời, còn Artemis, đại diện cho Mặt Trăng. Nàng Seleme cô độc trên cung trăng, chấp nhận định mệnh của mình trong bản thiết kế của vũ trụ. Còn Artemis, nàng rời bỏ định mệnh của mình để lẩn vào giữa loài người. Không chỉ đại diện cho Mặt Trăng, nàng là Nữ Thần Săn Bắn. Thợ Săn có một mối liên hệ không thể lý giải với Mặt Trăng. Ta có thể thấy điều này trong thần thoại Trung Hoa. Hằng Nga, vị nữ thần cai quản Mặt Trăng, là vợ của Hậu Nghệ, chàng Thợ Săn bách phát bách trúng có thể bắn rơi cả chín mặt trời.

Với mục tiêu săn bắn và giết chóc của mình, Thợ Săn không chỉ cần trăng chỉ lối trong rừng thẳm, họ cần ánh trăng khiến cho sóng thần dậy mùi tanh bên trong cõi sâu thẳm của tinh thần. Một khi sóng thần dậy máu, mũi trở nên thính hơn, mắt nhìn được trong đêm đen, tai nghe thấy những tiếng động nhỏ nhất và hơi thở của kẻ thù thậm chí có thể lọt qua lỗ chân lông.  Thợ Săn cho rằng mình được phù trợ bởi Nữ Thần Săn Bắn Artemis, và ở Trung Hoa, Thợ Săn đã đặt định mệnh của mình vào tay Mặt Trăng – Hằng Nga. Một điều khó hiểu ở cả Hy Lạp và Trung Hoa, nữ thần Mặt Trăng đều ở trong cả cô độc, để mặc những cơn khát máu hằng đêm dày vò đám Thợ Săn ngớ ngẩn và hiếu chiến. Chúng giết chóc nhau, chúng thiêu trụi cả khu rừng, chúng lang thang trên hoang mạc, chúng nhảy xuống giếng… để có thể chạm tới ánh trăng.

10502063_535955339842556_1152737338561957707_n
Hình ảnh Nữ Thần Săn Bắn Artemis trong Thần thoại Hy Lạp được vẽ trên các bình cổ.

2.

Ở thuở nguyên sơ, khi nền văn minh chưa hình thành, thời loài người vẫn là một phần của thiên nhiên, săn bắn và hái lượm là hai số phận duy nhất của con người. Mạnh mẽ, hiếu chiến, tinh khôn, và dũng cảm: Thợ Săn. Yếu đuối, hiền hòa, cẩn thận, và hèn nhát: Hái Lượm. Với những dấu vết trong thần thoại về các chiến binh Amazon và khả năng săn mồi của sư tử cái, khó có thể khẳng định chắc chắn rằng chỉ có đàn ông thời thượng cổ mới biết săn bắn. Những Thợ Săn, ngày ngày vào rừng săn thú để cung cấp thịt cho cộng đồng. Có những mùa săn thú lớn, các đoàn thợ săn đi sâu vào rừng thẳm, tới những khu vực nguy hiểm nhất, đối mặt với ma quỷ. Các cuộc đi săn này thường không chỉ để cung cấp thịt cho cộng đồng, mà để thỏa mãn nỗi khát thèm máu mà loài thú ăn cỏ không thể tạo ra hưng phấn.

Những người Hái Lượm nhận ra rằng họ không thể phụ thuộc vào đám Thợ Săn đầy thú tính, đêm nào cũng tiếc nhớ một thứ ánh trăng hư ảo. Họ không thể hiểu nổi tại sao lại có những kẻ ngu xuẩn lao mình vào màn đêm và quỷ dữ, và giết chóc, và tắm máu của chính con mồi cũng như đồng đội… Họ không  muốn sống trong hang động, không muốn số phận của mình bị thiên nhiên dẫn lối. Nông nghiệp ra đời. Họ tìm mọi cách để rời xa cánh rừng, càng xa càng tốt, men theo những con sông, rồi sau này ra tới biển. Nhiều Thợ Săn đã từ bỏ đời săn bắn của mình để trở thành Nông Dân, một sự tiến hóa của Hái Lượm. Với người Hái Lượm, nông nghiệp là một sự tiến hóa, nhưng với Thợ Săn, đó là sự tụt lùi. Đời sống nông nghiệp khiến họ phải từ bỏ thú tính của mình, đồng nghĩa với nó là từ bỏ khả năng thính nhạy (mà ngôn ngữ hiện nay vẫn gọi là trực giác), từ bỏ sự dũng cảm và niềm vui thích khám phá chạy đuổi theo sự mơ tưởng của ánh trăng.

Chỉ một số ít Thợ Săn không từ bỏ số phận của mình, họ trở thành những kẻ đam mê trong đơn độc. Tách xa khỏi cộng đồng, một phần bị ánh trăng mê hoặc, một phần bị chính cộng đồng bỏ rơi. Thợ Săn sống trong túp lều ven rừng hoặc say khướt trong các quán rượu. Hắn chông chênh ở giữa sự an toàn và mạo hiểm, giữa ổn định và bất định, giữa sự bám víu và từ bỏ, giữa thực tế và những điều huyền bí. Từ vị trí thủ lĩnh của cộng đồng, hắn rơi tụt xuống đáy trong một xã hội nông nghiệp. Gần như vô gia cư, những con thú hắn săn về không thể cho nhiều thịt bằng loài gia súc, và nghèo rớt mồng tơi. Sự cô độc và nghèo đói đẩy hắn gần với ánh trăng hơn, hắn chỉ có hai lựa chọn: hoặc giết chóc nhiều hơn, hoặc tìm mọi cách để đạt được mặt trăng.

Xã hội nông nghiệp cứ thế phát triển lên thành nền văn minh, những ngôi làng trở thành thành thị, rồi thì bỗng nhiên xuất hiện những kẻ giết người hàng loạt. Kẻ giết người hàng loạt là một biểu hiện của Thợ Săn trong xã hội văn minh. Hắn giết người không vì gì cả, chỉ thỏa mãn thú tính. Nếu trong các cuộc Thánh chiến, hay những cuộc chiến vì lá cờ tổ quốc, Thợ Săn tiếp tục được giết người trong danh dự và lý tưởng, thì một khi lý tưởng sụp đổ, chỉ còn mình đối mặt với trăng, hắn lại tiếp tục giết chóc một cách không nguyên cớ. Joker trong bộ truyện tranh “Batman” là một kẻ như vậy. Hắn không thể chịu nổi cái hệ thống nhàm chán của những kẻ hèn nhát tạo nên, hắn phải giết, phải giết… Hắn là kẻ nằm bên ngoài hệ thống, là một quân bài không thể chơi trong bất cứ ván bài nào. Hắn là Thợ Săn. Heath Ledger, nam diễn viên đóng vai Joker trong bộ phim “The dark knight” của đạo diễn Christopher Nolan, đã không thể thoát khỏi ám ảnh này. Heath Ledger không thể thoát khỏi Joker, tâm trí Joker đồng nhất với tâm trí của anh. Anh tìm đến thuốc ngủ để giết chết Joker vào mỗi đêm, nhưng không thể, người chết là anh. Heath Ledger đã nhầm, anh không chạy trốn Joker, anh chạy trốn bản năng Thợ Săn trong mình, chạy trốn những gì mà đời sống văn minh cho là tội ác, là quỷ dữ. Joker đang cười điên loạn trong đêm trăng, cười vào cái chết của Heath Ledger: “Why’s so serious?!”“Chúng mày sẽ thôi không kiểm tra xem có con quỷ nào dưới gầm giường khi nhận ra rằng chúng nó ở chính bên trong bọn mày”

Đời sống thành thị chỉ là một phiên bản cao hơn của xã hội nông nghiệp. Nông dân và các công dân của nền văn minh không khác nhau về bản chất. Công nhân, lái buôn, bác sĩ, kĩ sư, chính khách… chỉ là các phiên bản của nông dân, những ngôi nhà san sát đều nhau được quy hoạch hợp lý chỉ như những ruộng lúa đều tăm tắp. Họ tìm mọi cách để cải tạo thiên nhiên, thuần hóa các tạo vật của thiên nhiên, buộc phải phục tùng con người, biến chúng thành một cái gì đó khác với bản chất của chúng. Triệt bỏ sự hoang dại của một trật tự tự nhiên để thiết lập chúng vào một khuôn khổ để có thể đóng hộp mọi tồn tại, chúng ta gọi đó là sự tiến bộ. Người nông dân hay các công dân thành thị tạo thành một guồng máy, trong đó, họ phải sản xuất nhiều nữa, nhiều nữa, họ phải mở rộng không ngừng, họ phải mang ánh sáng đến mọi ngõ tối, họ phải thiêu trụi những cánh rừng và đẻ ra đủ loại: tôn giáo, chính trị, giáo dục, đạo đức … chỉ để làm dịu đi ám ảnh của ánh trăng, dập tắt mọi đam mê cuồng vọng ở những tay Thợ Săn đã đầu hàng số phận mà chối bỏ định mệnh của mình… Nếu ở thời nông nghiệp, họ là những con cừu, thì ở thời công nghiệp, họ là những cục pin, như Morpheus nói. Matrix được hình thành kể từ khi con người lựa chọn làm Nông Dân, và Zion là thế giới của những Thợ Săn đã nhận ra số phận.

Trong suốt tiến trình của nhân loại, Thợ Săn đời nào chịu khuất phục. Những cuộc đi săn từ thuở hồng hoang dậy cho Thợ Săn một kỹ năng mà có lẽ đã được cài trong bộ gen: khả năng giả trang. Không thể tiếp cận các con thú nếu không giả mùi của chúng. Khoác trên mình bộ lông, bôi máu của con thú khắp người, họ vẫn là Thợ Săn nhưng con mồi lại tưởng họ là đồng loại. Tình trạng bị gạt ra khỏi đời sống nhân loại không nên tiếp diễn, mặt trăng không cho phép như thế, Artemis không thể chấp nhận, Hằng Nga cũng chẳng đành lòng. Thợ Săn đầu thai vào chốn thành thị, nhưng không từ bỏ ký ức xa xưa với đêm trăng đẫm máu trong rừng. Nếu trở thành kẻ giết người hàng loạt, Thợ Săn có thể sẽ tuyệt chủng. Bởi thế, Thợ Săn ẩn mình trong Những Kẻ Tìm Kiếm.

"Những kẻ đi săn cũng là những kẻ bị săn Vì nhiều mũi tên rời cánh cung ta chỉ để tìm chính ngực của ta mà thôi"- "Ngôn sứ" (Khalil Gibran)
“Những kẻ đi săn cũng là những kẻ bị săn
Vì nhiều mũi tên rời cánh cung ta chỉ để tìm chính ngực của ta mà thôi”- “Ngôn sứ” (Khalil Gibran)

3.

Con người ưa thích tìm kiếm và thường chẳng bao giờ biết mình muốn tìm kiếm điều gì. Chúng ta không biết rằng tìm kiếm là một thói quen từ thời săn bắn. Không còn những cánh rừng, chúng ta chỉ có thể lần mò trong vô định. Nông dân, hay các công dân thành thị, họ không tìm kiếm. Họ hài lòng với những gì họ có, một mảnh ruộng, một ngôi nhà, sự an toàn, no đủ và hạnh phúc. Thợ Săn tìm kiếm điều khác, họ với tay tới mặt trăng. Tiêu chí của họ không phải an toàn mà là nguy hiểm, không phải no đủ mà là cơn khát máu, không phải hạnh phúc mà là sự thỏa mãn. Thợ Săn không bao giờ hài lòng ở thế giới của Nông Dân, thế nên họ phải tìm kiếm.

Bất cứ thứ gì có thể mượn làm mục tiêu thay thế cho mặt trăng, họ đều vội vàng bám lấy. Khoác áo con buôn, săn tiền. Khoác áo chiến binh, săn kẻ địch. Khoác áo chính trị, săn địa vị tột đỉnh. Khoác áo học giả, săn tri thức. Khoác áo thày tu, săn Thượng Đế. Nhưng đám Thợ Săn giỏi giả mạo này thèm muốn trong sâu thẳm điều khác, họ muốn trút bỏ bộ da thú, trần truồng nhảy xuống dòng suối lóng lánh ánh trăng. Dòng nước trong lành chốn đầu nguồn sẽ gột rửa mùi máu tanh của con mồi. Sự giả mạo này là ô uế, là bẩn thỉu, mọi cái áo đều bẩn thỉu, đều  không thuộc về bản chất. Trần truồng để là một phần hoang dã của thiên nhiên. Dưới ánh trăng, bên bờ suối, đá lạnh toát sống lưng, Thợ Săn nam và Thợ Săn nữ làm tình trong cơn điên loạn. Thợ Săn không thể thỏa mãn với Nông Dân, chỉ Thợ Săn mới thỏa mãn cho nhau. Ví như chỉ có Titan mới thỏa mãn được Siren và ngược lại, Titan không thể làm tình với một kẻ tầm thường trong đám đông, còn Siren sẽ nghiến nát sự tầm thường thành tro bụi.

Hóa ra thú tính không phải là tội lỗi, đóng giả mới là tội lỗi. Vì đóng giả tạo ra sự nhơ bẩn. Không còn sự thuần nhất mà là sự pha tạp không tương thích. Mọi sự pha tạp không tương thích đều là cứt cả. Một khi đã là cứt, chỉ còn một lựa chọn: tan hòa vào đất, để mùi hôi thối bay đi, trở thành không là gì cả. Vì đã không thể mãi mãi là SỐ MỘT, nên không còn con đường nào khác ngoài SỐ KHÔNG. Cho đến giờ, vẫn chưa ai tìm được bản chất của SỐ KHÔNG, chỉ biết là mỗi khi nó xuất hiện đằng sau một chữ số nào đó, nó lại làm tăng cấp độ của chữ số ấy. Thế nên, SỐ KHÔNG, vừa không là gì cả, vừa là tất cả. Con đường đi đến SỐ KHÔNG, hoặc trở thành đám đông, thành con cừu, cục pin, hoặc đạt tới vô hạn. Và thế là một số Thợ Săn tưởng mình có sự tỉnh táo hơn tất thảy, quyết định đi tìm sự vô hạn.

Sự vô hạn được tượng trưng bằng Thượng Đế, bằng Chân Lý, bằng Sự Thật. Thật là tuyệt vọng! Một bậc tu hành dành cả đời để nhận biết Thượng Đế và cái nhận được chỉ là ảo ảnh của Thượng Đế phóng chiếu trong tâm trí mình. Một nhà khoa học say sưa đi tìm bản chất thực tại, đi tìm nguyên lý duy nhất chi phối vũ trụ, để rồi nhận ra rằng không có gì là tuyệt đối, không hoàn toàn đúng, chẳng hoàn toàn sai, chẳng có gì là Sự Thật tuyệt đối, là Chân Lý vĩnh hằng. Một nhà thơ đã phải thốt lên: “Không có sự thật, chỉ có những góc nhìn của sự thật” (Allen Ginsberg). Tìm kiếm sự vô hạn là trạng thái gần với cuộc chinh phục trong rừng rậm thời xa xưa nhất. Nơi ấy, Thợ Săn được là chính mình, tha hồ điên rồ, tha hồ chiến đấu, được ở cùng những kẻ giống mình, được trốn thoát khỏi cộng đồng nhàm chán và vặt vãnh của đám người Hái Lượm, được đi vào sự bí ẩn không lời giải, và quan trọng hơn, được một mình với ánh trăng.

Trong số Những Kẻ Tìm Kiếm, chỉ nghệ sĩ dám trực tiếp đối mặt với bản thân. Đương nhiên đó phải là nghệ sĩ đích thực, không phải trò uốn éo bóng lộn để “bán nỗi buồn cho những kẻ thừa vui” (Nguyễn Thế Hoàng Linh). Nghệ sĩ đích thực chắc chắn phải là Thợ Săn, không thể khác được. Nghệ sĩ có một sự thân mật khó hiểu với trăng, và vì thế, họ hoàn toàn cô độc trong thế giới này. Nghệ sĩ không có đời sống của Nông Dân, nếu nghệ sĩ xuất thân từ Nông Dân, ta gọi họ là thợ thủ công. Nghệ sĩ đích thực đi tìm bản thân sự vô hạn, không tô vẽ chúng bằng Thượng Đế hay Chân Lý hay Sự Thật. Ngày qua ngày, họ bóc trần từng lớp vỏ của mình, họ đói khát cảm giác nguyên thủy. Không thể giết con mồi, lại không thể giết người, họ đành giết chính mình. Ban đầu là bộ quần áo, rồi đến lớp da, đến xương thịt, và ngay cả linh hồn họ cũng không ngần ngại bóp chết. Chỉ trở thành hư vô, họ mới có thể là vô hạn, nếu không chỉ là bụi, và bụi thì chính là đám đông cặn bã.

Không thể nhìn đồng bọn của mình tan vào cát bụi, Thợ Săn, bằng ngôn từ, bằng màu sắc, bằng âm nhạc, bằng hình ảnh, bằng hình khối, bằng cả cuộc đời mình kêu gọi sự thức tỉnh. Họ hô hào, họ kích động, thậm chí sỉ nhục:

“Ôi ngơ ngác một lũ người vong bản

Mất tinh thần từ những thuở xa xôi

Ta về đây lạ hết các ngươi rồi

Lạ tình cảm, lạ đời chung, cách sống”

(“Bài ca man rợ” – Đinh Hùng)

Gỉa làm con mồi quá lâu đến nỗi bắt đầu tưởng mình là con mồi. Thợ Săn sau nhiều nghìn năm sinh tồn, đã quên mất bản tính của mình, đồng nhất mình với bộ lông và mùi máu tanh. Có lẽ vì những con suối cũng đã nhiễm bẩn, không còn đủ sức để tẩy rửa đi lớp vỏ ngoài ô uế. Nhiều Thợ Săn hiện đại đã đạt tới cái đích mà những Thợ Săn cổ xưa không làm được, họ đặt chân lên Mặt Trăng. Nhưng trên ấy không có gì cả, nơi đó không có Artemis hay Hằng Nga, họ chỉ thấy mảnh đất cằn cỗi và lồi lõm. Họ bắt đầu nghĩ tới khai thác nguyên liệu và nhiên liệu trên Mặt Trăng. Bản tính là Thợ Săn, nhưng lối suy nghĩ Nông Dân đã ăn quá sâu. Họ chỉ là tên Cuội vì ham mê thuốc trường sinh mà bám theo gốc cây bay lên tận đây. Họ vô cảm hoàn toàn với Mặt Trăng, và khi đạt được lớp vật chất của nó, họ tưởng rằng đã thống lĩnh được nó. Thuốc trường sinh, chẳng khác nào như nguồn năng lượng lâu dài mà các thế lực ở trên thế giới đều muốn chiếm lấy, nhằm duy trì đời sống văn minh của thế giới vốn chỉ được cấu tạo bởi các bức tường.

Cho dù xác nhận nhiều lần rằng Mặt Trăng không có gì cả, nhưng mặt trăng vẫn chi phối chúng ta, giật dây chúng ta bước vào cơn tâm thần. Các nhà khoa học chỉ có thể xác nhận chúng ta bị giật dây bởi Mặt Trăng, còn giật dây như thế nào và để làm gì thì đến giờ vẫn chưa ai có thể giải mã. Các Thợ Săn đã thôi không đi tìm mặt trăng hay sự vô hạn, họ nhận ra rằng sự vô hạn nằm ngay trong chính mình, mặt trăng cũng nằm ngay trong chính mình. Đây là điều các nhà hiền triết Thợ Săn đều cố nói với chúng ta: “Khi bạn đi tìm Thượng Đế, bạn thấy chính mình. Khi bạn tìm chính mình, bạn lại thấy Thượng Đế” (Rumi) Mặt trăng chính là ngọn núi lửa bên dưới đáy hư vô vẫn thỉnh thoảng tạo ra cơn sóng thần đỏ máu. Còn mặt trăng trên trời kia chỉ là dấu hiệu để báo với mặt trăng của cõi tinh thần. Ai có thể tìm thấy mặt trăng bên trong mình, đều chấp thuận định mệnh, trở thành một phần trong bản thiết kế của vũ trụ. Chỉ lúc ấy, Thợ Săn mới thôi kiếm tìm, vứt bỏ cả cung kiếm, vứt bỏ những cái bẫy, vứt bỏ vai trò nguyên thủy của mình, vứt bỏ chính mình. Lúc ấy không còn cơn khát máu, không còn sự khắc kỷ của Artemis cố giữ mãi sự trinh bạch thuần nhất của đám Thợ Săn ngạo mạn và thú tính. Thợ Săn đã đi một chặng đường dài để tìm thấy mặt trăng đích thực: Săn Bắn – Say Máu – Chinh Phục – Tìm Kiếm Vô Cùng – SỐ KHÔNG. Nhưng Thợ Săn không thể đi tắt, bản tính hăng máu không cho phép họ nhận ra nếu chưa thể tuyệt vọng trước mọi tham vọng của bản thân.

Nông Dân không thể trải qua chặng đường này, chính xác thì họ không thể trở thành SỐ KHÔNG. Họ giữ mãi sự an toàn, chuyển từ ruộng đồng vào thành thị, họ có nhu cầu lao động không ngừng, phải sản xuất nhiều hơn nữa, tài sản phải lớn hơn nữa, phải tư hữu nhiều hơn nữa. Họ cũng không có ý định thành SỐ KHÔNG, vì SỐ KHÔNG tức là bị đạp xuống đáy của cái Matrix do họ tạo nên. Họ tạo ra mọi loại cuộc chiến vô nghĩa: Thánh chiến, chiến đấu vì lý tưởng tự do – độc lập, chiến đấu để bảo vệ quyền được là các cục pin trong bộ máy vĩ đại của xã hội… Thợ Săn tham gia vào các cuộc chiến đó để thỏa mãn thú tính, còn Nông Dân tham gia có mục đích, họ muốn chiếm được nhiều đất hơn, cướp được nhiều tiền hơn, hiếp được nhiều đàn bà hơn với hi vọng nòi giống của mình sẽ truyền lại mãi mãi trên mặt đất.

Con đường trở thành SỐ KHÔNG còn xa quá… Trước khi là SỐ KHÔNG, mọi Thợ Săn đều bất đắc ý. Đừng mất công khuyên họ vừa lòng với những gì đang có, đừng khuyên họ an trú trong hiện tại, đừng nói nhảm về điều thiện. Mặt trăng không để họ yên đâu. Nếu cứ lải nhải những điều không đâu, trong một cơn tâm thần nào đó vào ngày trăng máu, họ có thể thiêu rụi cả thế giới. Hãy để mặc họ vui chơi, sẽ không tổn hại đến ai cả. Họ chỉ đang cố khỏa lấp cái khoảng cách không thể đo đếm giữa họ và mặt trăng:

“Dục thướng thanh thiên lãm minh nguyệt. 

Trừu đao đoạn thuỷ thuỷ cánh lưu, 

Cử bôi tiêu sầu sầu cánh sầu. 

Nhân sinh tại thế bất xứng ý, 

Minh triêu tán phát lộng biên chu.”

(Tuyên Châu Tạ Diễu lâu tống biệt hữu thư thúc Vân – Lý Bạch)

Dịch nghĩa:

“Muốn lên trời xanh xem vầng nguyệt

Rút đao chém nước, nước càng chảy mạnh

Nâng chén tiêu sầu, sầu càng sầu

Người sinh ở đời không như ý

Mai đây xõa tóc cưỡi thuyền chơi”

Cuộc chơi ấy chính là những giấc ngủ. Trong giấc ngủ, nữ thần mặt trăng Selene xuất hiện. Thợ Săn trong cuộc đời xã hội, chính là chàng Endymion. Để giữ mãi vẻ đẹp của chàng, Selene đã để chàng chìm đắm vào giấc ngủ vĩnh cửu. Chỉ trong giấc ngủ, Thợ Săn mới thức dậy trong đúng thực tại của mình: ngồi dưới sương đêm lạnh buốt của núi rừng, tiếng côn trùng rỉ rả xen giữa tiếng các loài động vật ăn đêm, kẻ ngồi vót tên, kẻ lau vệt máu khô đọng trên dao, kẻ bện thừng làm bẫy. Khi ánh trăng chiếu xuyên qua tán lá, đoàn Thợ Săn cùng cất tiếng hát trầm hùng, lẩn khuất vào vách đá, vang vọng giữa màn sương mờ ảo của cõi mơ… Không!  Không phải cõi mơ! Đó là  ký ức của một tiền kiếp xa xôi nào đó, chỉ cần nhớ lại nó, chúng ta đã bắt đầu bước trên con đường tìm kiếm mặt trăng ở chốn sâu thẳm nhất của tinh thần.

Hà Thủy Nguyên

Home 2016 Tháng Mười Một

Phúc âm sói lang thang

Trút bỏ những vai diễn tầm thường và giả dối
Trút bỏ lớp mặt nạ đạo đức đớn hèn
Móng vuốt cào ánh trăng ứa máu lả tả bụi vàng rơi
Lóng lánh khung trời thẫm đỏ

Ta lang thang, lang thang trong đêm, gặm đứt những nóc nhà, phủ trắng đô thành bằng màn sương huyền thoại
Ta lang thang, lang thang trong rừng rậm, bấu chặt thảo hoa ướt đẫm sương đêm, say men nồng hơi sợ hãi của lũ người tanh hôi mùi tinh thần thối rữa
Ta lang thang, lang thang trong hẻm núi, cô độc liếm láp vết thương hoen ố mủ thời gian, muôn đời không thể chữa lành bởi quyền năng bất tử
Ta lang thang, lang thang trong miền vô thức, đánh hơi kiếm tìm chính ta nơi sâu thẳm ngàn vạn kiếp huy hoàng
Ta lang thang, lang thang trong định mệnh đẫm máu kiếm tìm dòng thanh âm dữ dội thét gào đánh thức bầy đàn đang ngủ yên trong cõi đời chật hẹp của khoảnh sân nhà

Tru lên: Thực Tại: Máu
Trăng: Máu
Rừng: Máu
Đô thành: Máu
Miền vô thức thẫm máu
Những cánh hoa trắng muốt xuôi trên dòng sông tanh đỏ thả trôi linh hồn trinh nguyên bập bềnh giữa thác ngàn
Thực tại còn lại gì? Những mạch đập sợ hãi? Hay cơn cuồng nộ của con dã thú bị phong ấn hàng ngàn năm dưới niềm tin nhân tính?

Thực tại không còn lại gì thối nát… Thuần huyết đặc quánh ngưng đọng nơi vầng thái dương buổi ban mai…
Ta đã lang thang trong những đêm vô thức,
Bới tung ruột gan những kẻ giả dối đớn hèn,
Tru lên dưới ánh trăng xua tan tạp âm xô bồ của hàng tỉ linh hồn thiểu năng thần khí
Trên những đô thành mất nóc, dưới lớp sương mù, ta chiếm đóng giấc mơ của bầy đàn ngủ quên bằng cơn mưa máu
Để sớm mai đây, dưới lốt người thường, bầy đàn của ta bừng tỉnh, để mỗi linh hồn đồng vọng bản thanh âm hoang dã của rừng đêm.

(2015)

Trích tập thơ “Mùa dã cổ”

Link mua sách: https://hangcao.info/shop/van-chuong/mua-da-co/

Home 2016 Tháng Mười Một

Ma cà rồng & Người sói – Biểu tượng tình dục hoang dã

Nếu ở những thế kỷ trước Ma cà rồng hay Người Sói là nỗi ám ảnh sợ hãi của con người thì ở cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, những tạo vật độc ác này lại trở thành biểu tượng cho một vẻ đẹp gợi dục đầy khao khát và đam mê. Trào lưu này bắt đầu từ khi hình ảnh của Ma cà rồng mà đại diện là Bá tước Dracula (1950s) và Người Sói (1960s) xuất hiện trên màn ảnh Holywood. 

Ma cà rồng (Vampire) và Người Sói xuất hiện nhiều lần trong các truyền thuyết và thần thoại từ Đông sang Tây từ rất lâu đời. Ma cà rồng được đề cập tới đầu tiên với hình ảnh Akhkharu trong huyền thoại Sumer, được mô tả là một kẻ lang thang trong bong đêm, săn tìm hút máu người. Sau này, dân gian Châu Âu lưu truyền những mẩu chuyện rung rợn về Ma cà rồng, tiếng Pháp gọi là “vampire”, ví dụ như chuyện một người hung ác xứ Galles đã chết từ lâu một hôm sống trở lại tìm và hút máu người quen đến chết. Người Sói được biết đến với tên “lycanthrope” (tiếng Hy Lạp), là một tạo vật mang hình dạng con người có khả năng biến hình thành sói xám hoặc sói hình người. Khả năng chuyển hóa này có thể do cố ý hoặc bị một con sói khác cào hoặc cắn, thậm chí đôi khi là bị nguyền rủa. Sự chuyển hóa này thường diễn ra vào dịp trăng tròn.

Có nhiều công trình nghiên cứu Thần học, Y học, Phân tâm học… liên quan tới Ma cà rồng và Người Sói với nhiều cách lý giải thú vị về hiện tượng đó, nhưng bài viết này chỉ thử cố phân tích tại sao nỗi sợ hãi rùng rợn ấy lại trở thành biểu tượng hấp dẫn về giới tính đối với con người hiện đại.

Image

Sự đánh thức bản năng bạo lực

Sau nhiều thế kỷ bị ức chế về tình dục, thế kỷ 20 là thế kỷ bùng nổ giải phóng tình dục trên khắp thế giới. Con người dường như đã chán ngấy những hình mẫu trong sáng, đạo đức mà thay vào đó là sự tự do thái quá tới mức thả rông con thú hoang nhiều thế kỷ bị trói buộc bởi xiềng xích của luân lý. Bởi vậy, ở thế kỷ này đã xuất hiện trào lưu nhạc Rock và lối sống hippi như biểu hiện của một sự giải phóng. Và khi tìm về với bản năng hoang dã, không có bản năng nào nổi trội hơn là vấn đề sex và bạo lực.

Sự cô đơn tới đói khát của các giới tính đã thôi thúc tới mức kết hợp bản năng sex với bản năng bạo lực mà các nhà nghiên cứu tình dục học và phân tâm học vẫn gọi là “khổ dâm” hay “bạo dâm”. “Bạo dâm” là hiện tượng một người muốn hành hạ bạn tình của mình bằng bạo lực, còn “khổ dâm” là khi một người them khát những hành động mạnh tác động đến than thể để kích thích ham muốn. Hiện tượng này khiến ta nhớ tới một hiện tượng trong thiên nhiên, khi nhiều loài động vật bậc thấp ăn thịt bạn tình của mình ngay sau lần giao phối. Không rõ rằng con người khi đưa hình ảnh Ma cà rồng thành biểu tượng về sex có băn khoăn tự hỏi xem họ mong muốn làm con mồi hay là kẻ săn mồi. Có thể là cả hai. Bởi vậy, những tiểu thuyết và phim ảnh của thế kỷ 21 như “Underworld”, “Twilight”, “True blood”… đã lãng mạn hóa hình ảnh Ma cà rồng thành một tình yêu đẹp đẽ.

Một sự thể hiện của niềm thích thú với “sex bạo hành” là những hình ảnh về việc trói chặt người tình bằng dây trói hoặc xích sắt; việc cào cấu da thịt hoặc vết cắn vào môi, vào cổ, vào vai bạn tình… Lạc thú này không còn bị coi là thú vui bệnh hoạn mà ngày càng phổ biến trong xã hội đương đại. Cho nên, hình ảnh Ma cà rồng cắm răng nanh vào động mạch cổ của người đẹp khiến nhiều khan giả cảm thấy vừa rờn rợn, lại vừa thích thú.

Vẻ đẹp tính dục hoang dã

Cũng trong thế kỷ 20, giá trị của vật chất và sự phát triển của đời sống văn minh được đánh giá cao, con người bị đẩy vào áp lực của guồng quay công nghiệp. Tới cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, áp lực của đời sống hiện đại được đẩy tới cao độ tới nỗi con người rơi vào sự khủng hoảng cao độ. Lúc này, có hai nỗi ám ảnh chính: một là tìm về các xu hướng phát triển tâm linh thần thánh; hai là quay lại với thứ bản năng động vật hoang dã để thỏa mãn dục vọng của mình. Chắc hẳn rằng, sự khao khát bản năng hoang dã này đã khiến cho những hình ảnh ma quỷ khát máu trở thành biểu tượng của vẻ đẹp tính dục.

Người Sói là một ứng cử viên tiêu biểu cho vẻ đẹp đàn ông hoang dã. Từ “Người Sói” bắt nguồn từ “Wer” (tiếng Anh cổ) – được phát âm khác nhau như / wɛər, wɪər, wɜr / – và Wulf. Phần đầu tiên, Wer, dịch là “người đàn ông” (theo nghĩa cụ thể của người đàn ông, không phải là loài người nói chung). Phần thứ hai, Wulf, là tổ tiên của “con sói” tiếng Anh hiện đại, trong một số trường hợp nó cũng có ý nghĩa chung “con quái vật.”. Đặc biệt là hiện tượng người hóa sói chỉ xảy ra vào đêm trăng tròn. Bí ẩn gì ở đây?

 Các nhà nghiên cứu Đông – Tây, kim cổ đều khẳng định rằng trăng tròn ảnh hưởng tới thần kinh của con người. Từ hơn 6.000 năm về trước, con người đã biết đến những tác động tiêu cực của ánh trăng lên sự sống, gây ra những biến đổi rõ rệt về tâm sinh lý, đặc biệt là đối với phụ nữ thuộc bản thể âm. “Dưới ánh trăng rằm, phụ nữ dễ bị mê muội” – đó là lời cảnh báo được các nhà thông thái thời xưa ghi lại trong một ngôi đền cổ ở Ai Cập. Như thủy triều ngoài đại dương, sức hút của mặt trăng đã gây ra trạng thái “thủy triều máu”, “thủy triều sinh học” trong cơ thể con người. Nó chính là nguyên nhân gây nên những kích thích thần kinh đến khủng hoảng, bị rối loạn và mất thăng bằng, làm trầm trọng thêm các chứng bệnh thần kinh và là nguyên nhân trực tiếp của nhiều vụ tai nạn, tự tử, ngộ sát, phạm tội…

Đa số phụ nữ đều có kỳ kinh nguyệt tương ứng với những ngày giữa tháng âm lịch. Những ngày trong kỳ này, phụ nữ bị ức chế về thần kinh và nỗi them khát chuyện sex lên đỉnh điểm trong tháng. Với sự kích động mạnh như vậy, họ cần có một sự đáp ứng nhu cầu đủ mạnh.

Cũng trong những ngày trăng rằm này, các hành vi thú tính nở rộ, đặc biệt là với nam giới vốn đã rất dễ bị kích động. Và một khi “thú tính” này được tập trung vào chuyện giao hợp thì đó thực sự là một cuộc ân tình nguyên thủy và man rợ nhưng lại đủ thỏa mãn những đòi hỏi mãnh liệt của con người.

Ở những thế kỷ trước, sự ham muốn này bị ức chế và được tô vẽ bằng vẻ đẹp lý tưởng, quý tộc, tao nhã. Nhưng từ giữa thế kỷ 20, những quan điểm được cởi mở, và người ta không còn ngại ngùng thể hiện một nỗi khao khát thầm kín một vẻ đẹp mạnh mẽ, hoang sơ và gợi dục mà những chuẩn mực thẩm mỹ cũ kỹ đã che khuất.

Nhưng cũng như mọi biểu tượng của tính dục, Ma cà rồng hay Người Sói chỉ là sự đói khát của con người chẳng bao giờ có thể thỏa mãn được lâu dài. Đó chỉ là chút gia vị để đời sống tình dục thêm phần thú vị và chắc chắn trong tương lai sẽ được thay thế bởi một dạng thức biểu tượng phù hợp.

Hà Thủy Nguyên

Home 2016 Tháng Mười Một

Độc mộc

Khí hàn hàn
Mây nước nhạt
Cưỡi độc mộc
Rượu suông nhàn
Trập trùng u uẩn ngàn ngàn hư ảnh

Ngạo nghễ cười

Giang sơn điên loạn
Vỗ ván thuyền ca khúc phiêu phiêu
Gió xiêu xiêu
Mây nước vỡ
Thành cũng vỡ mà bại cũng vỡ
Say cũng rượu mà tỉnh cũng rượu
Mộng bá vương nghiêng ngả trận cười

Khúc đồng vọng máu hòa lẫn rượu
Gió ngàn thu mộng nhuốm màu điên
Một thời bá vương
Một thời tài tử
Lướt độc mộc, phong ba lặng
Bốn bề im hơi chờ linh điểu vút ngàn bay

 

Độc mộc không cập bến
Mây nước vẫn hợp tan
Linh điểu chẳng chốn dừng
Mưu bá đồ vương chia thiên hạ
Phất tay phủi bụi trần gian mặc ai cười ai khóc, ai tử ai sinh
Bên kia bờ sương khói đô thành tro bụi ám
Vỗ ván thuyền nâng nhịp tỉnh tỉnh say…

 

Độc mộc nặng nhân sinh
Hàn khí sương mờ rượu
Linh điểu ngút ngàn lửa
Lửa gặm độc mộc
Lửa ám yên ba
Lửa rượu rượu lửa
Tưới lửa vào rượu, rượu tràn lửa

Lụi tàn rồi
Mây nước nhạt
Hư ảnh tan, mộng cũng tàn
Gió lặng cơn điên vỡ
Mộng đại ngàn về không

(2015)

Hà Thủy Nguyên

Link mua sách: https://hangcao.info/shop/van-chuong/mua-da-co/