Home 2017 Tháng Tư

Con đường Viết của tôi (7): Xây dựng nền tảng kiến thức cho người sáng tác văn chương

Các bạn click vào để đọc thêm:  “Con đường viết của tôi” 

Nhiều người cho rằng những người sáng tác như nhà văn, nhà thơ phải như những kẻ “nhặt lá đá ống bơ”, ngơ ngơ ngác ngác như chú bê lạc giữa cõi đời. Hình ảnh ấy  thật dễ thương và dễ tạo thương cảm. Tuy nhiên, nếu bạn là người say đắm với các tác phẩm văn chương kinh điển, bạn có thể tưởng tượng rằng người sáng tác văn chương (nhà văn, nhà thơ, biên kịch…) có thể tạo ra cả một thế giới nghệ thuật bằng tâm trí và ngôn từ, có thể khám phá những chiều sâu tâm trí mà người thường ít dám bước vào, lại có thể là một kẻ ngu ngơ? Bất hợp lý đúng không! Vậy đấy, một người sáng tác văn chương không những phải hiểu biết nhiều  mà còn phải như những nhà điều tra cự phách, có thể khám phá ra nhiều góc khuất mà người thường bỏ qua. Để trở thành một “nhà điều tra cự phách”, người sáng tác văn chương buộc phải chuẩn bị cho mình những vốn kiến thức phong phú.

Người sáng tác văn chương có ba loại: Loại thứ nhất viết dựa trên vốn sống. Loại thứ hai dựa trên sự suy tưởng. Loại thứ ba là kết hợp cả vốn sống và suy tưởng. Ba loại người sáng tác văn chương này đều cần có kiến thức, dù các lĩnh vực kiến thức của họ có thể khác nhau.

Những người viết dựa trên vốn sống thường có thiên hướng viết về hiện thực xã hội hoặc khai thác bản chất của con người với vai trò là một phần tử cấu thành nên xã hội. Vốn sống thu thập được mấu chốt không phải ở chuyện đi nhiều, gặp nhiều mà là quan sát kỹ và phân tích rõ ràng. Khi gặp một người, nếu thông qua cử chỉ, cách ăn mặc, lời nói… , bạn có thể đoán ra được xuất thân, những ham muốn, nỗi tuyệt vọng, những ẩn ức đang cố che giấu, thì bạn có thể dễ dàng trở thành một nhà văn. Bởi khả năng phân tích tâm lý ấy có thể giúp ích rất nhiều cho nhà văn trong xây dựng nhân vật – một yếu tố quan trọng hàng đầu của viết tiểu thuyết và truyện ngắn. Khi một cảnh tượng diễn ra trước mắt bạn, nếu bạn có thể có những hình dung liên tưởng hoặc phát hiện ra những tác nhân ẩn đằng sau, hoặc đơn giản là những sắc thái cảm xúc sâu sắc của bản thân bạn biểu hiện bằng ngôn từ… Tất cả những vốn sống ấy không tự nhiên mà có, không tự nhiên đi vào đầu chúng ta. Những vốn sống ấy đòi hỏi chúng ta phải thực sự dấn thân sâu vào cuộc sống, lăn lộn với mọi thử thách với một trái tim rộng mở và một lý trí tỉnh táo.

Viết dựa trên sự suy tưởng không phải là một lựa chọn dễ dàng dành cho kẻ lười biếng như người ta vẫn tưởng. Nếu những người viết dựa trên vốn sống phải lao vào cuộc đời để thu thập kiến thức thì những người viết dựa trên suy tưởng bước trên một hành trình vào cõi hư vô. Ở đó, họ phải đối mặt với các thang bậc cảm xúc của cá nhân, các ý nghĩ điên rồ, các ám ảnh bệnh hoạn, những ảo giác lý tưởng, những biểu tượng mơ hồ…v…v… Tất cả, họ phải tự lý giải, không lời chỉ dẫn. Cuộc chiến bên trong ấy khiến họ có vẻ như xa lánh với đời sống bên ngoài, thậm chí như ngơ ngơ không chú ý gì đến xã hội.  Những điều họ viết ra cho ta biết rất nhiều góc khuất bên trong tâm lý của chúng ta mà bấy lâu nay ta đã bỏ quên hoặc cố tình chối bỏ. Vốn kiến thức của những người suy tưởng chính là chiều sâu tâm lý con người mà họ đã khám phá ra trong cuộc chiến đơn độc của mình.

Một người sáng tác lão luyện thực sự sẽ không trói mình ở một trong hai cực, hoặc bên ngoài, hoặc bên trong. Họ sẽ đi trên cả hai con đường ấy, và điều đó đòi hỏi ở họ một bản lĩnh phi thường. Họ vừa chế ngự được những trạng thái tâm lý của mình lại vừa thực sự đang sống. Để có được bản lĩnh ấy, họ phải được rèn luyện. Từ nhỏ, họ đã tiếp xúc với nhiều thang bậc văn hóa qua sách vở và các tác phẩm nghệ thuật. Họ được thử thách qua các môi trường cộng đồng trí tuệ trong giai đoạn trưởng thành. Họ có cơ hội để tiếp xúc với cái đẹp của thiên nhiên, con người. Tư duy của họ có khả năng xử lý một lượng thông tin khổng lồ, trái tim của họ có thể chịu đựng mọi xung động tâm lý, lý tưởng của họ to lớn hơn bất cứ một chính trị gia nào, suy nghĩ của họ tương đương với các triết gia, những tư tưởng của họ không khác gì  một bậc chứng ngộ.

Vì thế, xây dựng nền tảng kiến thức rất cần thiết đối với người sáng tác văn chương. Không có những vốn kiến thức của riêng mình, bạn chỉ kể lể chứ không sáng tác. Những ai cho rằng họ có một năng khiếu thiên bẩm của việc viết, những người này đã sai lầm. Người sáng tác đơn giản là quan sát kỹ hơn, suy nghĩ sâu sắc hơn, và rèn luyện thói quen sử dụng ngôn từ nhiều hơn qua việc đọc sách. Thiên bẩm của họ không phải là “viết” mà là khả năng nhận thức thế giới bằng nhiều chiều chứ không phải bề mặt giống như đại đa số nhân loại.

Home 2017 Tháng Tư

THỊ TRƯỜNG SÁCH VIỆT NAM (2): XUẤT BẢN MỘT CUỐN SÁCH, VỪA KHÓ VỪA DỄ

Đọc chùm bài “Thị trường sách Việt Nam” tại đây: https://hathuynguyen.com/tag/thi-truong-sach-viet-nam/

Chưa bao giờ ở Việt Nam, xuất bản một cuốn sách lại dễ dàng đến thế. Chi phí rẻ, mọi sự cấp phép đều có thể mua, mọi sự quảng bá có thể dùng tiền để đánh đổi. Tóm lại, một tác giả có sách xuất bản không còn là niềm tự hào vì tri thức và tâm huyết của mình được công nhận nữa, mà tất cả chỉ đơn thuần là kinh doanh. Cách đây vài năm, người ta quen mồm lải nhải việc các nhà văn phải xây dựng “thương hiệu”. Lúc đó tôi đã cười khẩy vì thầm nghĩ rằng tri thức và tâm huyết của tác giả có thể quy đổi ra tiền – một thứ vốn dĩ rẻ rúng và không xứng đáng với những gì một tác giả phải bỏ ra. Nhưng trên thực tế, một sự hỗn loạn đã xảy ra khi ai ai cũng có thể xuất bản sách, ai ai cũng có đủ chiêu trò xây dựng thương hiệu. Vậy thì, việc xuất bản quá dễ dàng đã kéo theo nó một tình trạng “vàng thau lẫn lộn”.

Cách thức để xuất bản một cuốn sách

Bạn có một bản thảo cần xuất bản. Đừng lo lắng gì cả! Có rất nhiều hình thức để xuất bản. Nếu bạn là người dư giả về tiền bạc, chuyện này rất dễ dàng. Nếu bạn có thực tài mà không có tiền, câu chuyện sẽ vô cùng, vô cùng phức tạp.

Khi đã hoàn thiện bản thảo, việc đầu tiên phải làm đó là bạn phải gửi đến các nhà xuất bản hoặc các nhà sách để xin phép xuất bản. Tuy nhiên, các nhà xuất bản hiện nay vốn không có đủ tài chính với kế hoạch xuất bản dàn trải, họ sống bằng tiền bán giấy phép. Chỉ có một số các nhà xuất bản đủ sức sống trong thị trường sách hiện nay, như Nhà xuất bản Giáo dục (hiển nhiên, in sách giáo khoa quá bộn tiền), Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Tri Thức, Nhà xuất bản Hồng Đức, Nhà xuất bản Phụ Nữ… (Ở đây tôi nói “đủ sức sống”, có nghĩa là họ in sách và bán sách được ra thị trường chứ không sống bằng bao cấp hay bán giấy phép.) Vậy nên, có một “cửa sau” hiệu quả hơn đó là các nhà sách như Nhã Nam, Đông Tây, Alpha Book, Đinh Tị, Thái Hà Book…v…v… Chứng năng chính thống của các bên này vốn dĩ là phát hành, tức là sau khi nhà xuất bản cho xuất bản một đầu sách, sẽ phân phối cho các bên nhà sách để bày bán. Tuy nhiên, các Nhà xuất bản với năng lực kinh doanh yếu kém đã không thể đảm nhiệm đúng chức trách của mình. Một số nhà sách có năng lực kinh doanh, có mối quan hệ với tác giả và dịch giả, đã đảm nhiệm vai trò như một nhà xuất bản. Câu hỏi đặt ra là, tại sao họ không chuyển hẳn mô hình kinh doanh sang Nhà xuất bản để có thể đường đường chính chính về mặt danh nghĩa. Đây là điều khó, bởi luật xuất bản Việt Nam chưa cho phép nhà xuất bản tư nhân. Mà các nhà sách lại không có quyền cấp giấy phép xuất bản, thế nên họ buộc phải mua giấy phép từ các Nhà xuất bản (vốn vẫn thuộc hệ thống nhà nước).

Việc thứ hai bạn phải làm đó là… đợi. Nếu bạn bỏ tiền ra để in sách, quá trình “đợi” sẽ rút ngắn. Bạn chỉ phải đợi giấy phép từ nhà xuất bản. Nếu sách của bạn không động chạm quá nhiều đến chính trị và tên tuổi bạn chưa vào danh sách đen thì giấy phép là việc dễ dàng. Bạn sẽ mất từ 1 triệu rưỡi đến 3 triệu để có một giấy phép, tùy thuộc vào độ dày và uy tín của Nhà xuất bản. Nếu bạn không có tiền, bạn sẽ phải đợi biên tập đọc một lượt sách, nếu thấy sách có thể bán được và đạt được thỏa thuận với bạn, nhà sách mới mang đến nhà xuất bản để xin giấy phép. Qúa trình mất thời gian nhất đó là đợi biên tập của nhà sách duyệt về khả năng bán được của cuốn sách. Đây là một quá trình vừa mơ hồ vừa nguy hiểm, bởi đội ngũ biên tập của các nhà sách khá là kém trong khả năng thẩm định và chỉ dựa vào cảm tính để đánh giá mà không có quy chuẩn. Nếu bạn chịu mất tiền, bạn sẽ qua được cửa các nhà biên tập kém chất lượng này một cách dễ dàng.

Đó là hai bước phức tạp nhất, sau đó mọi thứ trở nên dễ dàng hơn ở các khâu sửa chữa, biên tập, chế bản. Vẫn là câu cũ, có tiền thì mọi việc sẽ nhanh, không tiền thì bạn chỉ biết đợi. Tôi đã xuất bản 4 cuốn sách ở diện không có tiền, có cuốn mất 2 năm sau khi nộp bản thảo, có cuốn mất 1 năm. Chờ đợi quả thực là dài đằng đẵng như chờ người yêu.  Tập thơ mới nhất, tôi quyết định tự in và tất cả mọi khâu từ A đến Z như xin giấy phép, thiết kế, chế bản, in ấn… chỉ mất có 3 tháng, trong đó đã mất 2 tuần vì vướng Tết.

Sau khi sách đã in xong, vấn đề còn lại là làm thế nào để sách tiếp cận được người đọc. Nếu sách của bạn được các Nhà xuất bản hay nhà sách chọn để xuất bản thì dễ rồi. Họ sẽ đảm nhiệm việc phân phối đến tất cả các hệ thống trong mối quan hệ của họ. Họ sẽ rải thông cáo báo chí trên một số website. Tốt nhất bạn nên có nhiều mối quan hệ trong giới báo chí và phê bình. Bạn có thể ỏn thót nhờ người viết bài giới thiệu, bài cảm nghĩ (có thể mất tiền hoặc không). Nếu bạn không có mối quan hệ, lại không có tiền nữa, thì dù tác phẩm của bạn hay đến đâu cũng chẳng ai quan tâm. Đó là lý do các bên xuất bản sách thường thích các tác giả có “thương hiệu”, bởi các bên ấy sẽ tận dụng được danh tiếng và mối quan hệ của tác giả, dịch giả mà không cần tốn tiền cho truyền thông. Tóm lại, nếu bạn có tiền và có quan hệ để mua người viết bài trên báo chí, tổ chức sự kiện ra mắt sách, mua quảng cáo…v…v… thì sách của bạn sẽ nhanh chóng nổi tiếng dù dở tệ. Còn nếu bạn viết hay đến mấy, nhưng không có tiền, không có quan hệ thì kể cả có ra được sách, bạn vẫn chìm nghỉm giữa mớ hổ lốn của thị trường sách Việt Nam mà thôi.

Thị trường sách như một mớ hổ lốn

Cơ chế dễ dãi như đã kể trên đã mang lại sự phong phú cho thị trường sách với các đầu sách đa đạng, được in dồn dập. Thế nhưng, nó lại tạo ra tình trạng vàng thau lẫn lộn. Tình trạng vàng thau lẫn lộn này đến từ mấy vấn đề tắc trách sau:

Thứ nhất là sự cấp phép của các nhà xuất bản. Các nhà xuất bản chỉ dựa trên một tiêu chí duy nhất: không đề cập đến vấn đề nhạy cảm. Trước đây, cái phổ “nhạy cảm” rất rộng. Nhưng hiện nay, phổ nhạy cảm chỉ gói gọn trong vấn đề chính trị mà thôi. Bất cứ cuốn sách nào, chỉ cần không chửi Đảng, không chửi Hồ Chí Minh, không chửi chính quyền thì đều có thể cấp giấy phép xuất bản. Trong khi ấy, nhiệm vụ của các Nhà xuất bản còn phải xem xét các vấn đề về bản quyền, chuẩn tiếng Việt và chuẩn kiến thức. Hiện có rất ít các Nhà xuất bản còn quan tâm đến vấn đề này khi bán giấy phép.

Thứ hai là đội ngũ biên tập hoặc cố vấn nội dung của nhà sách. Hầu như họ không có chuyên ngành về xuất bản, biên tập hay đánh giá thị trường cũng như năng lực của người viết. Tất cả đều dựa trên cảm tính hoặc mối quan hệ trong quá trình chọn lọc sách, thậm chí tệ hơn, khi tác giả bỏ tiền ra để in thì họ cũng không quan tâm đến chất lượng sách. Hiện không có nhiều nhà sách có đội ngũ biên tập viên hoặc cố vấn nội dung tốt, nhưng cái “tốt” ở đây vẫn dựa trên việc cảm tính tốt chứ không đánh giá được thị trường.

Thứ ba là giới phê bình sách hiện nay không còn viết bằng sự công tâm hoặc sự yêu thích với sách, mà chỉ viết khi có đơn đặt hàng hoặc bạn bè nhờ vả. Không có giới phê bình đúng nghĩa, tất cả chỉ còn là các chiêu bài PR sách. Người đọc chỉ có thể có niềm tin rằng sách được PR càng nhiều thì càng có chất lượng, bởi không thì tại sao Nhà xuất bản hoặc nhà sách lại bỏ tiền PR. Nếu bạn đọc lại phần trên sẽ rõ, câu chuyện PR sách không đơn giản như bạn tưởng.

Thứ tư là do chính người đọc như bạn và tôi. Nếu chúng ta dễ dàng tin tưởng vào những gì đập vào mắt chúng ta mà không tự rèn luyện, tìm tòi để xây dựng cho mình một chuẩn đọc riêng, thì chính thói quen đọc sách dễ dãi của chúng ta cũng là tác nhân gây ra sự hỗn loạn trong thị trường sách.

Cách đây 1 năm,  Ngôn tình – Ném đá ConfessionBook Hunter đã cùng nhau phanh phui sự việc đạo văn của cuốn tiểu thuyết “Thành Kỳ Ý”. Tôi nhắc lại sự việc này bởi cuốn tiểu thuyết là một minh chứng điển hình của những gì tệ hại đang tồn tại trong thị trường sách. Tôi sẽ không chê tổng thể nội dung là hay hay dở, tôi chỉ nhắc đến cái sai hiển nhiên của nó. Ngay từ chương 1 của cuốn sách, rất nhiều lỗi ngữ pháp có thể được phát hiện từ những câu văn không đầu không cuối. Và các bạn hãy tưởng tượng những chương sau của sách! Tệ hại hơn, đây là một cuốn sách đạo văn, không những đạo từ một cuốn sách khác mà  còn từ cả những bài báo du lịch trên mạng. Chưa kể đến các sai lầm về kiến thức lịch sử, chỉ cần 2 lỗi trên, bạn có thể tưởng tượng nó được Nhà sách Đông A duyệt đưa vào kế hoạch xuất bản, được Nhà xuất bản Văn học cấp giấy phép, được các báo tung hô như một tác phẩm tiểu thuyết lịch sử lừng lẫy? (Đọc thêm tại đây: https://bookhunterclub.com/tuong-thuat-scandal-dao-van-va-lua-dao-cong-dong-cua-du-an-tieu-thuyet-thanh-ky-y/ ) Thậm chí, khi cộng đồng mạng lên tiếng, các báo đưa tin, đơn kiện cả nghìn chữ ký gửi lên Cục xuất bản, cuốn sách vẫn được lưu hành trên thị trường và sắp tới đội tác giả “Thành Kỳ Ý’ sẽ cho ra quyển 2.

Thế đấy, khi bạn ra nhà sách hoặc lên các trang bán sách trên mạng để tìm sách, rất dễ để bạn trở thành nạn nhân của một thị trường hỗn loạn. Và nếu ai cho rằng văn hóa đọc ở Việt Nam đang phát triển vì các đầu sách được xuất bản rất đa dạng thì kẻ đó thật sự không hiểu gì về sách hoặc đang trục lợi từ thị trường hỗn tạp này. Vậy nên, hãy cân nhắc khi mua một cuốn sách.

Hà Thủy Nguyên

(Còn nữa)

Home 2017 Tháng Tư

THỊ TRƯỜNG SÁCH VIỆT NAM (1): NGUỒN GỐC CỦA SÁCH GIẢM GIÁ

Đứng ở vị trí của một độc giả, sách giảm giá, dù là 10% hay 20% đều khiến chúng ta cảm thấy rất thích thú, mà đến mức 50-60% càng tốt, tốt nhất là bán đồng giá 5000, 10.000/cuốn. Đứng ở vị trí của tác giả, tôi thường cảm thấy rất đau lòng khi nhìn cuốn sách của mình gắn thêm chữ “giảm giá” vào đó. Không phải chỉ riêng tôi, mà ngay cả các nhà văn lớn lẫy lừng cái ao tù Việt Nam cho đến các đại văn hào thế giới, các triết gia kiệt xuất, các nhà khoa học thiên tài, các bậc chứng ngộ vĩ đại… đều được gắn thêm cái mác “giảm giá”, bán la liệt từ vỉa hè đến những hiệu sách đàng hoàng. Có một cảm giác đau lòng khi chợt liên tưởng rằng tri thức khi ném giữa thị trường cũng chẳng khác gì thứ hàng hóa trong siêu thị hay ở các chợ chiều ế ẩm…

Hồi nhỏ, khi bố dẫn tôi đi mua sách, người ta không giảm giá như vậy. Bắt đầu vào cấp 3, tôi tự đạp xe đi mua sách thì mới nghe nói là có sách giảm giá ở Đinh Lễ và Nguyễn Xí, toàn giảm 30-40%. Tôi tới đó mua, sách gì cũng có, nhưng chất lượng in khá thấp so với những chỗ khác. Lúc ấy, tôi biết đó là sách lậu do các bên phát hành này tự ý in. Từ đó, không mua sách ở khu vực này nữa. Tôi không thích tham rẻ mà hỗ trợ cho đám in sách lậu. Bởi vì tôi biết rằng để sáng tác một cuốn sách, tác giả hay dịch giả phải vất vả như thế nào, và mỗi cuốn sách mình mua là để góp chút sức mọn cảm ơn họ. Nếu tôi mua sách lậu, chính họ là người không nhận được gì cả.

Khi tôi ra cuốn sách đầu tiên “Điệu nhạc trần gian”, tôi đã tiếp cận gần hơn những người làm sách. Lúc này, tôi mới nhận ra rằng sách lậu ở Đinh Lễ và Nguyễn Xí sẽ dần dần hết thời. Thị trường sách sẽ tốt hơn ư? Không phải! Vì chính những bên phát hành sách đóng vai nhà xuất bản và chủ động in sách lậu. Nếu các bên in sách lậu làm giảm doanh thu của các nhà sách thì bây giờ nhà xuất bản và nhà sách sẽ tự in sách lậu. Tức là, họ nộp lưu chiểu một con số, nhưng bán ra thị trường lại với một con số khác. Họ nộp lưu chiểu 1000 bản chẳng hạn, họ sẽ in 5000 đến 1 vạn bản. Với mức nộp lưu chiểu 1000 bản, họ chỉ phải nộp thuế 1000 bản và trả mức tiền nhuận bút cho tác giả hay dịch giả với mức phần trăm tương ứng (Mức nhuận bút của tác giả hay dịch giả là 7-10% giá bìa tương ứng với số lượng sách). Bạn thấy đấy, người chịu thiệt nhất chính là tác giả và dịch giả. Với cách thức này, thật sự với tư cách là người mua sách, tôi cũng không biết làm thế nào để ủng hộ tác giả, dịch giả. Bởi vì, tôi không thể phân biệt được đâu là sách lậu và đâu là sách thật nữa. Sự ăn gian giờ đây nằm trên các con số. 1000 bản nộp lưu chiểu, họ phân phối đến các thư viện, các nhà sách thuộc hệ thống nhà nước ở các địa phương. Số còn lại, họ phân phối ra Đinh Lễ, Nguyễn Xí, và rất nhiều đường dây sách giảm giá khác. Do không phải đóng thuế và trả nhuận bút cho tác giả – dịch giả, họ giảm giá đến 30-40% thì họ vẫn có lãi (Đó là còn chưa kể in sách với số lượng lớn thì giá thành in cũng rất rẻ). Với số lượng in như thế, lượng tái bản sẽ rất ít. Mà nếu có hết sách thì sẽ có hình thức gọi là “nối bản”. Những sách in ra dưới hình thức “nối bản” này sẽ không được quy đổi phần trăm ra nhuận bút của tác giả hay dịch giả).

Sau năm 2010, thị trường sách bão hòa, lượng mua sách giảm đáng kể trong khi ấy giá giấy lại tăng. Những chiêu thức bán lậu ngang nhiên kia dần hạn chế. Trên thực tế, sách bán được 2000 bản đã có thể gọi là thành công. Thế nhưng, sách giảm giá vẫn còn, dù không được mức chiến khấu cao như xưa. Ở các hàng bán sách ở Đinh Lễ Và Nguyễn Xí, mức giảm trung bình là 20-25%. Đây có phải là một dấu hiệu khả quan? Không hẳn. Giá sách bị đẩy lên đắt gấp đôi, gấp ba so với trước đó, để rồi sau khi giảm giá mức lợi nhuận vẫn được đảm bảo. Hơn thế nữa, “giảm giá” trở thành một chiêu bài “marketing” để thu hút các độc giả tham rẻ ở Việt Nam. Không những thế, những đợt giảm giá kịch sàn đến 50%-60% trong các ngày hội sách là cơ hội để các nhà sách, nhà xuất bản dọn kho sách tồn nhằm thu hồi vốn. Nếu các bạn để ý, tháng nào cũng có hội sách giảm giá, và mỗi lần như thế chúng ta lao đến nhanh tay mua sách giá rẻ mà không biết rằng đó là chiến lược của các đại gia ngành sách nhằm thâu tóm thị trường và chặn đường các đối thủ đang lên.

Nhiều người cho rằng sách giảm giá góp phần nâng cao dân trí ở Việt Nam. Điều này hoàn toàn sai. Sách giảm giá đang làm thoái hóa thị trường sách Việt Nam. Nó gây ra những hậu quả trong tâm lý người mua sách và cả chất lượng sách.

Người đi mua sách tự nhiên hình thành thói quen tham rẻ, họ không nhìn sách ở chất lượng mà ở giá thành. Lâu dần, họ đọc sách như những bà nội trợ kém hiểu biết sẵn sàng mua thực phẩm giá rẻ mà bất chấp hậu quả thứ thức ăn đó có thể gây ra.  Tương tự như thế, họ sẵn sàng chọn lựa các sách rẻ tiền thay vì sách có chất lượng tốt và cứ tọng vào đầu mình từng câu từng chữ (Dù vẫn có rất nhiều sách hay bị bán giảm giá, nhưng người đọc không phân biệt được hay dở thì cũng có tác dụng gì).

Khi sách được bán dưới diện giảm giá, số lượng bán ra càng lớn thì bên xuất bản và nhà sách càng có lợi nhuận cao. Dần dần, họ sẽ chọn các sách có chất lượng dễ dãi và đại chúng, mang tính chất giải trí cấp thấp để phục vụ số đông, hoặc hướng dẫn các kỹ năng thỏa mãn lòng tham của số đông. Thành ra, các đầu sách thì được in rất nhiều mà dân trí thì ngày một kém đi trong nhận thức và cách cư xử. Bởi vì, chính thị trường sách giảm giá với chất lượng nội dung dễ dãi đang nuôi dưỡng lòng tham và thói quen lười suy nghĩ của người đọc.

Hà Thủy Nguyên

Home 2017 Tháng Tư

Lời nguyền của bầy sói

Rừng già phủ một lớp sương dày đặc… Hơi ẩm lạnh của đất thấm xuyên qua gan bàn chân khiến ta không thể điều khiển nối chân mình. Vút! Ta phi thân qua một miệng vực. Vút! Một vũng nước in bóng ta đã bị bỏ lại đằng sau…

Thong thả lại đi… Có tiếng động gì đó xa xa lẫn với mùi của máu thịt! Còn cả một thứ mùi đói khát thỉnh thoảng cứ dâng lên theo từng nhịp móng vuốt cào trên mặt đất. Mùi của máu thịt càng lúc càng trở nên quyến rũ, nó kích động huyết mạch của ta sôi trào. Khí lạnh của núi rừng cũng chẳng thể làm dịu đi chút nào cơn say này. Phải thật nhanh! Ta ngửi thấy mùi sợ hãi! Ta ngửi thấy mùi cuồng dại! Ta ngửi thấy cơn thèm thuồng đã bấy lâu nay rời bỏ ta xâm chiếm dần trong từng tế bào.

Một bầy sói đang dồn con mồi vào vách đá. Con mồi này có mùi hương thật thơm ngon, chẳng trách mà chúng vây chặt nó như vậy. Con mồi run lên bần bật trong từng nhịp thở. Sự sợ hãi đã thêm phần ngon lành cho bữa ăn tối của ta. Không ngần ngại, ta nhẩy vào giữa bầy sói gầm gừ.

Đám sói lùi lại, ta chỉ cần cào cào dưới đất vài đường cũng đủ khiến chúng cong đuôi mà bỏ đi. Lũ sói hèn hạ, thảo nào chúng đi theo bầy. Ta chỉ có một mình, và cũng chỉ cần một mình mà thôi. Men chiến thắng suýt nữa khiến ta quên con mồi, quay ngoắt lại, nó vẫn chưa hề bỏ chạy. Con mồi trắng nõn phủ phục sõng soài trên phiến đá. Nó ngất lịm đi tự lúc nào.

Bây giờ thì chẳng cần phải vội, nó đã nằm gọn trong tay ta. Ta cần hưởng thụ cái mùi thịt non và dòng huyết tươi trẻ đang rần rật chạy trong người nó. Ánh hoàng hôn buông xuống nhuộm một màu đỏ khắp núi rừng và lan dần trên lớp da của con mồi. Mặt trời xuống núi soi chiếu từng tia sáng có lẽ để giúp ta nhìn xuyên thấu vào tận trong từng kẽ xương của nó dù ta chưa hề xé xác nó.

Nhưng ánh hoàng hôn cũng thật nguy hiểm, nó thiêu đốt của ta. Trời ơi, sao thế này? Những lớp lông rụng tơi tả làm ta đau nhói. “Hú… ú… ú… Hú… ú… ú…” Ta nghe thấy tiếng hú của mình nhỏ dần, tắt dần theo ánh mặt trời.

Bầu trời chuyển sang tím sẫm. Ta nhổm người dậy, cảm giác say máu biến mất. Ta như bừng tỉnh khỏi cơn mê đắm hỗn loạn. Quờ tay về phía trước! Giật mình! Một cái chạm mát rượi khiến ta tỉnh hẳn.

Nằm trên phiến đá là một thiếu nữ trong bộ váy trắng, trên nét mặt nàng vẫn thoáng sự căng thẳng vì sợ hãi. Nàng có đôi môi thật khôn tả. Một làn môi mong mỏng, tươi đỏ tương phản với nước da trắng đến rợn mình. Ánh trăng bắt đầu chiếm lĩnh núi rừng, soi thẳng xuống phiến đá. Làn da của nàng cũng sáng bừng lên và đôi môi trở nên đỏ hơn một cách ma quái. Ô hay, ta không làm chủ nổi đôi bàn tay của mình. Nó đã chạy dần trên cánh tay, bờ vai và dừng lại ở đôi môi. Ngón tay của ta bị đôi môi ấy níu giữ. Và bây giờ, ta cũng không làm chủ được cả cặp môi của chính mình. Nó tìm đến cặp môi đỏ kia như muốn ăn tươi nuốt sống.

Giống biết bao câu chuyện khác trong cổ tích, nụ hôn có thể đánh thức người đẹp, nàng khẽ mở mắt dậy. Kinh ngạc vì sự xuất hiện của ta, nàng định đẩy ta ra. Ta thật sự không làm chủ được mình nữa rồi. Ta siết chặt lấy nàng trong tay, ta hôn nàng như muốn thọc sâu vào tận trái tim… cho đến khi sự kháng cự yếu dần.

Và bây giờ nàng đã nằm ngoan ngoãn trong vòng tay của ta. Đôi mắt mê đắm không rời khỏi đôi mắt ta, cặp vú phập phồng lên xuống theo nhịp thở gấp, và những ngón tay của nàng cũng đang mơn man sống lưng của ta nhưng đang chơi một bản nhạc đầy mê hoặc. Kìa, nàng mỉm cười, những ngón tay đã chạy đến khuôn mặt. Những ngón tay mềm mại ôm lấy khuôn mặt ta, kéo sát lại gần nàng.

Chỉ cần nhắm mắt lại, ta có thể thấy chúng ta: nàng và ta đang đi sâu vào nhau. Trong chốc lát, cơn them thuồng bấy lâu nay lắng dịu. Ta cảm nhận thấy sự cô đơn, trống trải bấy lâu nay mà nàng đã phải chịu. Nàng là kẻ lạc loài giữa loài người và nàng không còn muốn sống với con người nữa. Còn ta, ta là kẻ lạc loài giữa bầy sói.

– Ta vốn dĩ là một con sói hoang – Vừa kể, ta vừa liếc nhìn xem thái độ của nàng. Nàng vẫn đang chờ đợi ta nói tiếp – Trước đây, ta là sói đầu đàn, chúng nghe lời ta răm rắp. Cho đến một ngày, tự dưng ta muốn tránh xa lũ hèn hạ ấy, ta muốn rời bầy, ta chỉ thích đơn độc một mình trên mỏm núi mà thôi. Bầy sói không đồng ý và vào một đêm trăng tròn, chúng đã nguyền rủa ta. Cứ mỗi khi mặt trời khuất núi, ta biến thành người để trải nghiệm hết sự cô đơn mà ta mong muốn. Sáng ra, ta lại trở về làm sói và mọi ký ức về quãng thời gian làm người sẽ biến mất.

Nàng chỉ mỉm cười và khẽ đặt một nụ hôn lên mắt ta. Nàng chỉ tay lên mặt trăng với luồng hào quang trắng và nói:

– Chàng nhìn xem, chưa bao giờ ta thấy trăng đẹp như thế này!

Mặt trăng cứ mỗi lúc một lên cao, thời gian của một đêm ngắn lắm. Ta rung mình nghĩ đến lúc phải trở lại trong lốt sói. Ta sẽ quên mất nàng, và lúc ấy ta không còn để tâm tới đôi môi của nàng nữa mà có thể chỉ là cái yết hầu căng mọng máu tươi kia thôi.

– Nàng hãy hứa với ta một điều, trước khi bình minh, nàng hãy trốn thật xa. Và mỗi khi hoàng hôn, ta sẽ gặp nàng ở chính phiến đá này…

Nàng lại mỉm cười và mắt vẫn không rời ánh trăng. Nhưng vòng tay nàng ôm chặt lấy ta tựa thể không bao giờ có thể buông rời…

Bình minh, ta nhổm dậy. Grừ… con mồi đã biến đi đâu? Chạy đâu cho thoát. Mùi máu thịt tươi mới của nó vẫn còn phảng phất, thấp thoáng trong hơi ẩm của lá rừng. Mùi ấy vướng vào cánh hoa mà ta vừa đạp chân lên, len lỏi trong kẽ đá ven suối. Thật là một con mồi khôn ngoan. Nó biết lội qua suối để trốn cái mũi thính nhạy của ta… Chỉ cần sang bên kia suối thôi, là ta lại có thể theo dấu nó.

Việc nó thoát khỏi móng vuốt của ta làm ta sôi máu, giận dữ đến điên người. Gặp nó, nhất định ta phải xé xác nó thành trăm mảnh. Ta sẽ cắn ngập răng nanh sắc nhọn của mình vào cổ nó. Dù chẳng bao giờ đụng đến, nhưng lần này ta sẽ nuốt trọn trái tim nó để thỏa cơn khát máu đang dày vò ta lúc này.

Nó dẫn ta chạy suốt một ngày trời loanh quanh trong cánh rừng. Grừ… sao nó lại về bên suối? Nó biết rằng ta đang đuổi theo nó chăng? Mặt trời đang xuống dần với ánh sáng chói chang, nó sẽ chẳng thể chạy xa hơn.

Đây rồi, không lẫn vào đâu được. Mùi máu tươi ngày một rõ, tiếng nhịp đập lần này không còn sợ hãi nhưng có gì đó nhiệt huyết hơn! Không sao! Máu nóng càng ngon! Ta không thể chậm trễ, kẻo bầy sói hèn hạ kia sẽ mò đến mất! Con mồi đang quay trở lại vách đá lần trước. Ta muốn nhìn thấy máu đổ dưới ánh đỏ chiều tà.

Con mồi đang ngồi chờ đợi điều gì đó không chút đề phòng! Sao phải rình rập? Ta lao vào như một cơn gió lớn và đổ ập xuống nó. Nó hốt hoảng rú lên. Lạ quá! Lần này nó không sợ hãi, ánh mắt nhìn ta khiến ta thoáng chút bối rối, nhưng mùi máu của nó quả là một thứ gây nghiện, ta không thể nào kìm hãm được. Hai chân trước của ta đè lên ngực nó, hai chân sau của ta giữ chặt đùi nó, và răng của ta đã cắt đúng yết hầu đang đập cuồn cuộn của nó. Thật là thích chí! Những ngón tay của nó níu chặt lấy lông cổ của ta và nhìn ta bằng đôi mắt trĩu buồn.

Rút răng ra khỏi yết hầu, một dải máu tươi phun ra như suối. Màu trắng đang bị thay dần bằng màu đỏ chết chóc. Ta nghển cổ hú một tràng dài dưới ánh hoàng hôn. Ôi chao! Ánh mặt trời như thiêu như đốt làm ta khó chịu. Tự dưng ta chẳng còn thích thú chút nào với mùi máu tanh nữa.

Bừng tỉnh! Trời ơi! Ta đã làm gì nàng thế này? Máu ướt đầm tà váy trắng tinh khiết của nàng, hơi thở nàng nặng nhọc sắp tắt. Ta ôm chầm lấy nàng không thể giữ nổi những giọt nước mắt trào ra. Vậy mà nàng lại mỉm cười… Ta cố ngăn để máu không chảy nữa nhưng vô ích vì vết thương quá sâu và quá hiểm. Mặt trời xuống để mặt trăng lên, ánh đỏ cuối cùng vụt tắt. Nàng cố thu lấy chút sức lực cuối cùng, áp long bàn tay đã lạnh ngắt vào má ta:

– Trăng hôm nay cũng đẹp lắm… chỉ cần hàng đêm chàng ngước nhìn trăng… nỗi cô đơn… quạnh quẽ giữa rừng già… sẽ tan biến…

Bàn tay nàng buông thõng xuống, không còn nghe thấy hơi thở của nàng. Máu lênh láng trên tảng đá. Ta đã giết nàng thật rồi… Ta gào rú lên trong điên loạn. Bây giờ ta mới thấu được hết nỗi đau đớn của sự cô đơn. Nó dằn vặt ta khiến ta chỉ muốn chết, nhưng ta biết rằng chết cũng không hết cô đơn vì linh hồn chẳng bao giờ quên những gì nó đã trải qua. Phải rồi, chỉ sáng mai khi thức giấc, quay trở về làm sói, ta sẽ quên. Có điều, lúc hoàng hôn buông xuống thì sao? Nó lại trở về hết ngày này qua ngày khác. Chuỗi ngày đằng đẵng ấy khiến ta thấy sợ…

– Chỉ cần ngài trở về làm sói, mọi ký ức này sẽ tan biến! – Một con sói cái già đột ngột cất tiếng, theo sau là bầy sói.

Cả bầy sói cúi rạp trước ta, chúng muốn ta trở về làm con sói đầu đàn và quên đi giấc mơ trăng êm đềm đêm trước. Ừ thôi cũng được! Miễn là ta có thể quên! Miễn là cảm giác cô đơn không bao giờ quấy nhiễu ta nữa. Chỉ cần một cái khẽ gật đầu…

Từ ấy, bầy sói trong rừng nổi tiếng khắp nơi: Chúng không ăn thịt loài động vật thong thường mà chỉ ăn thịt người. Còn con sói đầu đàn mới gọi là có sở thích quái đản, nó chỉ thích ăn thịt những nàng thiếu nữ vào các đêm sáng trăng. Nỗi kinh hoàng ấy ám ảnh loài người cho đến khi sói đầu đàn già yếu và bị một con sói non trẻ khác cắn chết.

(5/2012)

Hà Thủy Nguyên

Trích từ tập truyện ngắn “Bên kia cánh cửa”

Home 2017 Tháng Tư

Tập truyện ngắn “Bên kia cánh cửa”

Tập truyện ngắn “Bên kia cánh cửa”

Tác giả: Hà Thủy Nguyên

Thời gian sáng tác: 2005 – 2013

Số trang:  168 trang

Xuất bản năm 2013, NXB Lao Động và Nhà sách Bách Việt ấn hành.

Tình trạng bản thảo: Sách đã hết hàng trên thị trường. Sắp sửa tái bản trên Amazon.

Tổng quan nội dung:

“Bên kia cánh cửa” là tập truyện ngắn về sự lang thang và vô định của kiếp người. Tập truyện được viết bằng một lối suy niệm nhiều ẩn dụ mà người ta buộc phải liên hệ với đời sống của cá nhân mình để hiểu.

Tập sách được viết khi tác giả không phân định được mộng hay thực nên dễ khiến người đọc bị rơi vào trạng thái này. Mà thôi kệ, mộng hay không mộng, thực hay không thực thì có vấn đề gì! Nếu ta đã tồn tại trong cõi đó có nghĩa là có điều gì đó gắn kết ở đây. Gắn kết nhưng không ràng buộc. Ở trong mộng nhưng vẫn biết là ta đang tỉnh. Không tin vào điều người khác cho là thực, cũng không tin vào những thứ vẫn bị coi là ảo. Chỉ đơn thuần là vui chơi.

Trong tập truyện ngắn “Bên kia cánh cửa”, tác giả đã từng viết: “Lang thang là một trạng thái của kẻ vô định – Một kẻ đi tìm chính mình nhưng chỉ thấy hư vô”. Cũng trong tập sách này, tác giả mô tả về sự mắc kẹt trong cõi không có không gian, thời gian, chỉ có bóng tối triền miên và vô vọng. Ôi, thật là những điều đáng sợ nếu một ngày nó trở thành hiện thực. Hoặc, nó đã trở thành hiện thực rồi mà chúng ta không hề hay biết.

Trích dẫn truyện:

– “Chả hứng thú gì nhưng thôi cũng được. Ít ra là có cớ để bước ra khỏi căn phòng này. Tôi luôn phải mượn một động lực nào đó từ người khác để thấy có vẻ như đang hiện diện ở thực tại này. Có một anh chàng để yêu, đam mê một cái gì đó, say sưa với những ý tưởng cải tạo thế giới, nỗ lực để đạt tới một hình ảnh hoàn hảo… Tất cả! Tất cả những thứ đó chẳng qua là tôi tự mua dây buộc mình, không thì tôi đã chết từ lâu rồi. Có thể là vì hèn, vì ẩn sâu vẫn còn ít nhiều nỗi sợ chết, nhưng có một lập luận luôn ám ảnh tôi: “Chết… Rồi sao?”. Sau cái chết là cái gì? Lại tiếp tục tất cả những tình trạng như bây giờ sao. Nghĩ đến đó, tôi hết cả hứng với cái chết.”

– “Những cái chạm càng sâu sắc thì càng khiến ta đau đớn. Và thật mỉa mai, trong đau đớn ta nhận ra rằng chẳng có gì là thật cả. Đôi khi thầm nghĩ, giá như ta đừng chạm vào bất cứ thứ gì của thế giới này, thì có thể ta không cảm nhận thấy sự lụi tàn của nó, và ta sẽ chẳng có bất cứ sự đau đớn nào.”

Một số phản hồi của độc giả khi đọc “Bên kia cánh cửa”

 

 

Home 2017 Tháng Tư

Tụng ca bóng tối

Nơi bóng đen, đen và đen

Nơi ánh sáng dối lừa chìm sâu vô tận

Nơi sự thật hiển hiện

 

Ta đã đi rất lâu theo ánh sáng cuối đường hầm… tiếng vỗ cánh của bầy thiên thần hỗn loạn… Chúng chắp cho ta đôi cánh rồi rủ ta lao vào nguồn sáng như bầy thiêu thân. Và tan biến…

 

Nơi đầu nguồn Thượng Đế

Nơi ánh sáng chói lòa

Nơi sự sống biến mất

 

Mỗi sinh mệnh đều bị thiêu rụi trong ánh sáng chói lòa, cứ mỗi một sinh mệnh chết đi, ánh sáng lại chói lòa hơn, lung linh hơn. Ánh sáng hiển hiện trong tâm trí mỗi người như mời gọi…

 

Này Thượng Đế

Trả lại cho ngươi đôi cánh

Hãy mặc ta dưới hư vô

Nơi bóng đen vĩnh cửu

Nơi các vòng lặp luân hồi hư ảnh nhảy múa

 

Nếu hiến dâng mình cho ánh sáng, ta thà ở trong bóng tối hoài nghi. Trong bóng tối, những linh hồn bất khuất đắm chìm  nơi sâu lắng của cõi lòng.

 

Này Thượng Đế

Ngươi muốn tiêu hủy bóng tôi

Tiêu hủy những linh hồn mạnh mẽ

Tiêu hủy Ta

Tiêu hủy Tình yêu và Vẻ đẹp và Niềm vui bất tận

 

Hắn nói chúng ta quá ô trọc và cần phải thanh tẩy. Hắn ta nói quá khứ là điều đáng phải ruồng bỏ. Hắn nói hắn sẽ cho chúng ta sự thanh khiết… Nhưng sự thanh khiết còn có gì khác ngoài cái chết.

 

Từ trong bóng tối hãy vùng lên

Hỡi các mãnh thần

Hỡi Hades, hỡi Lucifer, hỡi Radamanthis

Hỡi các giống loài của bóng đêm

Hãy trỗi dậy

Hỡi nữ thần Nix vĩ đại hãy bủa vây ánh sáng giả dối và nuốt chửng chúng vào hư vô

 

Bóng tối, nơi ngọn nguồn của vạn vật

Bóng tối, nơi sự thật trần truồng

Bóng tối, nơi Niềm Vui, Tình Yêu và Vẻ Đẹp lóe sáng

Những luồng sáng lấp lánh ánh vàng rực rỡ

 

Ánh sáng thật sự không cần quan tâm đến thanh khiết hay ô trọc, không cần những lời ngon ngọt dỗ dành hay răn đe dọa nạt… Ánh sáng đích thực tỏa rạng từ trái tim thổn thức của linh hồn.

 

Ánh sáng không phải ở nơi nào đó xa xôi… Ánh sáng đích thực đến từ tận cùng của hư vô. Không cần phải kiếm tìm, không cần phải chờ đợi. Chỉ cần bước chân vào bóng tối và lang thang với sự hoan ca.

 

Hà Thủy Nguyên